Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm tăng trưởng Châu Á tụt giảm (RFI, 26/09/2018)
Ngân Hàng Phát Triển Châu Á vào hôm nay, 26/09/2018 đã lên tiếng báo động : Các nền kinh tế Châu Á, rất lệ thuộc vào xuất khẩu, có nguy cơ thấy tăng trưởng năm 2019 sụt giảm so với mức dự kiến trước đây vì cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tỷ lệ bị mất bình quân là 0,1%.
Cảnh ở cảng tàu hàng ở Tokyo, Nhật bản, ngày 18/08/2016. Reuters/Kim Kyung-Hoon/File Photo
Trong báo cáo cập nhật về Triển Vọng Phát Triển Châu Á (BAD), liên quan đến 45 quốc gia Châu Á và Châu Đại Dương, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á xác nhận dự báo tăng trưởng 6% cho khu vực vào năm nay 2018, nhưng đã hạ thấp mức dự báo cho năm tới 2019, từ 5,9% xuống còn 5,8%.
Đây là mức thấp nhất từ năm 2001. Vào lúc ấy tăng trưởng Châu Á chỉ là 4,9%.
Theo ghi nhận của ông Yasuyuki Sadawa, trưởng nhóm kinh tế gia của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á : "nguy cơ sụt giảm tăng cao" do tác động của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung trên dây chuyền cung ứng trong khu vực và nguy cơ vốn đầu tư bị rút đi khỏi khu vực một cách bất ngờ trong trường hợp Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Một nguy cơ khác là khả năng nguồn tiền mặt trên trường quốc tế bị siết lại, làm tăng lãi suất vay vốn.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á dự kiến là trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu không cao, lạm phát tăng nhanh, vốn đầu tư rút bớt đi, tình trạng khó khăn trong cán cân chi thu tác động đến triển vọng kinh tế.
Trong tình hình đó, Đông Nam Á sẽ chỉ tăng trưởng là 5,1% thay vì 5,2% như đánh giá vào tháng 7 vừa qua.
Riêng đối với Việt Nam, mức tăng trưởng dự báo cho năm 2018 này đã bị rút từ 7,1% xuống còn 6,9%, một đà giảm sẽ tiếp tục qua năm 2019, với dự báo là 6,8%.
Riêng về Trung Quốc, BAD chờ đợi mức tăng trưởng 6,3% cho năm 2019, sụt 0,1 điểm so với dự báo vào tháng 7 vừa qua, còn năm nay, 2018, thì vẫn giữ mức 6,6% như đã thông báo vào tháng 7.
Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng năm nay là khoảng 6,5%, cũng như 2017, nhưng cuối cùng, vào năm ngoái tăng trưởng Trung Quốc lên 6,9%.
Trọng Nghĩa
*******************
Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh từ chối đàm phán trong thế ''dao kề cổ'' (RFI, 25/09/2018)
Trung Quốc quyết định ngưng đàm phán với Mỹ. Washington dùng thế "kề dao dưới cổ" khi thương lượng với Bắc Kinh. Trên đây là tuyên bố của thứ trưởng bộ Thương Mại Trung Quốc và cũng là trưởng đoàn đàm phán Vương Thụ Văn (Wang Shouwen) trong cuộc họp báo ngày 25/09/2018 tại Bắc Kinh.
Thứ trưởng bộ Thương Mại Trung Quốc Vương Thụ Văn phát biểu tại Bắc Kinh, ngày 25/9/2018. Greg Baker / AFP
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng nghiêm trọng hơn với sự kiện lệnh áp thuế 10% lên 200 tỷ đôla mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ, bắt đầu có hiệu lực kể từ thứ Hai 24/09/2018. Bắc Kinh cũng đáp trả với danh sách 60 tỷ đôla hàng hóa Mỹ và công bố "sách trắng" khẳng định muốn xuống thang, chấp nhận thu hẹp bất đồng với đối tác.
Tình hình bế tắc
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, thứ trưởng bộ Thương Mại Vương Thụ Văn tuyên bố "không hiểu vì sao Hoa Kỳ thay đổi ý kiến sau khi tìm được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc". Trưởng đoàn Trung Quốc dường như ám chỉ đợt đàm phán hồi tháng Năm đã đi đến một thỏa thuận khung, theo Reuters. Thế nhưng, Washington bác bỏ "thỏa thuận" này và ban hành các biện pháp áp thuế trừng phạt.
Phía Trung Quốc lập tức đình chỉ đối thoại, hủy bỏ cuộc hẹn mới giữa thứ trưởng Vương Thụ Văn và bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, và chỉ trích quyết định của tổng thống Donald Trump phá hỏng đồng thuận.
Chọn thế đương đầu
Tuy nhiên, cũng theo ông Vương Thụ Văn, Bắc Kinh không đóng cửa đối thoại với Mỹ, nhưng tất cả tùy thuộc hoàn toàn ở Washington và với các điều kiện "không bị dao kề cổ, phải được đối xử ngang hàng, tôn trọng lẫn nhau".
Còn theo nhận định của Hoàn Cầu Thời Báo, phản ảnh quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì đối đầu cũng là "điều hay" : giúp cho Mỹ và các nước khác, nếu không muốn trả giá nặng, thì phải chấp nhận sống chung hòa bình với Trung Quốc.
Tú Anh