Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/09/2018

Một trật tự thế giới mới đang thành hình

RFI tiếng Việt

Tổng thống Pháp : Chỉ cơ chế đa phương mới giúp giải quyết khủng hoảng (RFI, 26/09/2018)

Hôm 25/09/2018, tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu khẳng định chỉ có cơ chế đa phương, thúc đổi đối thoại, tăng cường hợp tác, mới có thể giúp nhân loại giải quyết được các khủng hoảng hiện nay. Đối tượng bị nguyên thủ Pháp gián tiếp chỉ trích là tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đơn phương trừng phạt và "cô lập chế độ Iran".

thegioi1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 25/09/2018. Reuters/Shannon Stapleton

Đối với tổng thống Pháp, cội nguồn chủ yếu của "cuộc khủng hoảng sâu sắc" của "trật tự quốc tế" hiện nay, là "các bất bình đẳng nghiêm trọng" kéo dài hàng chục năm qua, với gần một tỉ người trên thế giới phải sống dưới mức nghèo đói, 250 triệu trẻ em không được đi học, 200 triệu phụ nữ không có phương tiện tránh thai… Các bất bình đẳng gia tăng là đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan các loại trỗi dậy ở khắp nơi trên thế giới. Với tư cách chủ tịch năm tới của khối các cường quốc kinh tế hàng đầu, tổng thống Macron hứa sẽ đưa cuộc chiến chống bất bình đẳng trở thành ưu tiên của G7.

Thông tín viên Valerie Gas tường trình từ New York :

"Emmanuel Macron tin tưởng là việc giải quyết các khủng hoảng phải thông qua cơ chế đa phương. Trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp giải thích về điều này, thông qua các ví dụ cụ thể trong hiện tại, như cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Ông nói : "Thay vì khiến cho khủng hoảng trở nên gay gắt hơn, chúng ta cần phải đưa ra được một lịch trình hành động rộng lớn hơn, để giải quyết tất cả mọi lo ngại, từ hạt nhân, hỏa tiễn đạn đạo, cho đến các vấn đề khu vực, do chính sách của chính quyền Iran gây ra".

Đây là một thông điệp gửi đến tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa mới một lần nữa biện minh cho chính sách chống lại Iran. Đối với nguyên thủ Pháp, "quan điểm lẽ phải thuộc về kẻ mạnh không thể bảo vệ được bất cứ ai, trước mọi mối đe doa".

Về Iran, khủng hoảng Israel – Palestine, các hiệp ước thương mại, di dân, hay biến đổi khí hậu, tổng thống Pháp muốn đóng vai trò môi giới cho việc tìm ra các giải pháp chung. Ông nói : "Tôi hết sức tin tưởng quyền tự quyết của người dân, và việc gia tăng hợp tác".

Bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc cho phép tổng thống Pháp bày tỏ khát vọng của ông. Khát vọng ấy sẽ là nguồn cảm hứng đối với Emmanuel Macron, đặc biệt trong vai trò chủ tịch luân phiên khối G7 vào năm tới. Tổng thống Pháp muốn thay đổi G7, để tổ chức này không còn là một câu lạc bộ của các nước giàu. Mục tiêu hàng đầu mà nguyên thủ Pháp đề ra là chống lại nạn bất bình đẳng".

Tổ chức phi chính phủ Oxfam, nổi tiếng với các hoạt động chống bất công, nghèo đói, đãhoan nghênh tuyên bố mạnh mẽ của Emmanuel Macron, đồng thời kêu gọi nguyên thủ Pháp có thêm các hành động cụ thể.

Trọng Thành

*********************

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc trong căng thẳng (RFI, 25/09/2018)

Khóa họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mở ra trong ngày hôm nay 25/09/2018. Các bài diễn văn, phát biểu của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ rất được trông đợi, nhất là diễn văn của tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Iran Hassan Rohani.

thegioi2

Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Reuters/Carlo Allegri

Chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump sẽ không bỏ lỡ dịp tấn công, chỉ trích mạnh mẽ Iran, coi Iran là thủ phạm gây ra mọi rắc rối ở khu vực Trung Đông. Theo ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, tổng thống Trump sẽ kêu gọi tất cả các quốc gia hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống hàng loạt "hành động phá hoại" của Iran.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết về Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay :

"Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mở ra trong một không khí căng thẳng, lo lắng, giống như thực trạng hiện nay của thế giới. Điều này giải thích tại sao có nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc như vậy : hơn 130 lãnh đạo so với con số 114 hồi năm ngoái. Nhưng sự hiện diện đông đảo này không che khuất sự vắng mặt của những nhân vật quan trọng : tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhân vật quan trọng trong cuộc khủng hoảng Syria và Bắc Triều Tiên đều ở lại thủ đô của các nước này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng vậy. Ông Modi lẽ ra phải có mặt để cùng tổng thống Pháp nhận giải thưởng "Nhà vô địch bảo vệ Trái đất".

Ngược lại, đại diện của các nước mà phong trào dân túy và dân tộc thắng thế sẽ tham dự đông đảo : từ Ba Lan cho tới Hung, Áo, Ý. Một vị đại sứ phương Tây nhìn nhận : "Chúng ta đang phải hứng những cơn gió ngược chiều thổi tới". Nhà ngoại giao này chỉ hy vọng khiêm tốn rằng giới ngoại giao sẽ tỏ ra hiệu quả trong lĩnh vực khí hậu, do không đạt được kết quả trên hồ sơ các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra ở Syria hay Yemen".

Bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ tối hôm qua 24/09 đã có buổi trao đổi trong vòng gần một giờ đồng hồ, để tìm kiếm các đồng thuận trên các chủ đề đang gây chia rẽ Pháp và Mỹ. Theo AFP, điện Elysée cho biết hai nguyên thủ đã bàn thảo về các đề tài quốc tế quan trọng, trong đó có hồ sơ Syria và Iran, cũng như các mâu thuẫn về thương mại. Còn theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo tái đã khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ trên các hồ sơ lớn.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 650 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)