Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/09/2018

Điểm báo Pháp : Mỹ - Trung đối đầu trên nhiều mặt trận

RFI tiếng Việt

Mỹ - Trung đối đầu trên nhiều mặt trận

Đáng chú ý trên báo Pháp hôm nay là bài viết "Mâu thuẫn ngày càng nhiều giữa Bắc Kinh và Washington" trên trang Thế Giới, báo kinh tế Les Echos.

mytrung1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst

Thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Frédéric Schaeffer, nhận định, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng. Trong khi hai cường quốc hàng đầu thế giới đang lún sâu vào chiến tranh thương mại, tổng thống Donald Trump mới đây tố cáo Trung Quốc can dự vào chính trị Mỹ, cụ thể là kỳ bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ.

Hôm 26/09, tại Hồi Đồng Bảo An, chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích Bắc Kinh : "Họ không muốn tôi thắng hay chúng tôi thắng, bởi vì tôi là tổng thống đầu tiên thách thức Trung Quốc về thương mại". Về quan hệ cá nhân với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump phát biểu : "Có thể ông ấy không còn là bạn tôi nữa"

Trung Quốc đáp trả nhanh chóng và gay gắt. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi đó là "các cáo buộc vô căn cứ" và khẳng định Trung Quốc luôn tôn trọng nguyên tắc không can dự vào vấn đề nội bộ của nước khác và hy vọng các quốc gia khác cũng làm như vậy.

Trong khi mức thuế suất mới bắt đầu được áp dụng hôm thứ Hai 24/09 và hai bên không tìm ra lối thoát giải quyết mâu thuẫn, Bắc Kinh từ chối thương lượng trong thế "dao kề cổ" và ra Sách trắng tố cáo Mỹ dùng "các phương pháp côn đồ".

Ngoài ra, cũng phải kể tới các căng thẳng quân sự. Trong những ngày qua, nhiều oanh tạc cơ của Mỹ đã bay qua khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, trong khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis chỉ trích Bắc Kinh củng cố các tiền đồn quân sự trên các đảo đang có tranh chấp.

Trước đó, Bắc Kinh đã đả kích thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và chỉ trích quyết định của Washington trừng phạt tài chính một cơ quan quân sự Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Đáp lại, Trung Quốc mới đây từ chối cho phép một chiến hạm Mỹ ghé thăm cảng Hồng Kông và triệu hồi tư lệnh Hải quân Trung Quốc đang trong chuyến thăm Mỹ.

Chính quyền Donald Trump cũng mở nhiều mặt trận khác, chẳng hạn công khai chỉ trích với một sự cứng rắn khác thường về việc Trung Quốc "cưỡng chế bắt giam" nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, hay đả kích Trung Quốc "làm phức tạp hóa nhiều điều" trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Theo ông Jean-Pierre Cabestan, một nhà nghiên cứu về Trung Hoa, "rõ ràng là tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách tăng áp lực lên Trung Quốc nhiều nhất có thể. Nhiều mặt trận được mở, bởi vì sự cạnh tranh trùm lên tất cả các lĩnh vực. Mỹ tìm cách kìm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Ngoài chiến tranh thương mại, hai nước cũng đang hướng tới một cuộc chiến tranh lạnh, nước nào cũng muốn bảo vệ hệ tư tưởng của mình".

Dải Gaza : 70% thanh niên thất nghiệp

Nhìn sang Trung Đông, báo Le Monde có bài viết "Dải Gaza : 70% thanh niên thất nghiệp".Theo báo cáo Ngân Hàng Thế giới công bố hôm qua 27/09/2018, nền kinh tế ở dải Gaza đang sụp đổ. Từ khi lực lượng Hamas lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2007, dải Gaza bị Israel và Ai Cập cấm vận. Ba cuộc chiến, lần gần đây nhất là vào mùa hè năm 2014, đã tàn phá dải đất này.

Những hậu quả về tâm lý, vệ sinh y tế, sinh thái và kinh tế khiến những vấn đề ở dải Gaza trở nên không thể giải quyết nổi. Tỉ lệ thất nghiệp tăng lên tới mức lịch sử, 53%, thậm chí là 70% ở giới trẻ. Từ năm 2011 đến năm 2017, tỉ lệ nghèo đói tăng thêm 38,8%, lên thành 53%. Bị cấm vận, kinh tế Gaza trở nên kiệt quệ. Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp giảm từ 23% vào năm 1994 xuống còn 13%, trong khi các công nghệ mới không phát triển được vì thiếu mạng 3G.

Le Monde ví dải Gaza như "một người bệnh chỉ sống nhờ máy trợ hô hấp và đường truyền thức ăn". Vào năm 2017, 79% dân số sống nhờ trợ cấp. Những toan tính chính trị từ nhiều phía đã đẩy dải Gaza tới bờ vực thẳm. Thu nhập của hàng trăm ngàn gia đình sụt giảm 30-50%.

Mới đây chính quyền Washington quyết định cắt viện trợ trực tiếp cho cơ quan quyền lực Palestine, đồng thời không đóng góp tài chính cho Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, tổ chức có sứ mệnh cứu giúp 5 triệu người tị nạn Palestine tại nhiều nước Trung Cận Đông. Tại Gaza, cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine có những hỗ trợ quan trọng cho hệ thống giáo dục và trợ giúp khẩn cấp cho những người trong hoàn cảnh khó khăn. Việc tổ chức này bị cắt giảm về nhân lực và tài chính khiến nhiều người lo lắng.

Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nikolai Mladenov cách nay nhiều tháng đã xem xét, cân nhắc những đề xuất khẩn cấp, có thể thực hiện trong vòng chỉ dưới 1 năm, trên vài lĩnh vực quan trọng như hệ thống điện, hệ thống thoát nước thải… Ngân Hàng Thế Giới cũng đưa ra một số gợi ý để cải thiện tình tình kinh tế ở Gaza. Thế nhưng, Le Monde kết luận, tất cả các dự án kinh tế mang đầy ý nghĩa tốt đẹp đó đều vấp phải những thực tế chính trị bất lợi : các lực lượng Palestine bị chia rẽ, chính quyền Donald Trump thờ ơ trước các vấn đề nhân đạo và cả các kỳ bầu cử tới đây ở Israel.

Không sử dụng internet, người già càng đơn độc trong xã hội

Trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix cho biết theo thống kê của một hiệp hội trợ giúp người nghèo, tại Pháp, trong khi internet là một kênh quan trọng để duy trì các mối liên hệ xã hội, 27% người trên 60 tuổi không bao giờ sử dụng mạng internet. Tỉ lệ này là 59% đối với các cụ già trên 85 tuổi và 60% đối với những người trên 60 tuổi có thu nhập dưới 1000 euro/tháng. Chính điều này khiến "trong một thế giới siêu kết nối", nhiều người cao tuổi "ngày càng bị gạt ra bên lề xã hội".

Trả lời cho câu hỏi tại sao họ không dùng internet, 68% số người được hỏi cho rằng internet không có ích lợi, 47% gặp khó khăn về kỹ thuật. Chi phí đắt đỏ để lắp đặt máy móc và nối mạng cũng là một rào cản, nhất là đối những người có hoàn cảnh khó khăn.

2/3 số người được hỏi cho biết internet được họ sử dụng nhiều nhất để liên lạc với người thân, gửi thư hoặc ảnh, tiếp đến mới là để tìm kiếm thông tin. Hơn 1/3 số người trên 60 tuổi không thể thực hiện được các thủ tục hành chính qua mạng internet.

Hiệp hội Les petits frères des Pauvres đề xuất 14 giải pháp để hỗ trợ người già sử dụng internet, chẳng hạn cung cấp dịch vụ internet với chi phí phải chăng cho người cao tuổi, khuyến khích các doanh nghiệp sửa chữa lại các máy tính mà họ không dùng và tặng lại cho các cụ già …

Hệ thống chăm sóc y tế của Pháp không phải tốt nhất Châu Âu

Liên quan đến Y tế, báo kinh tế Les Echos cho biết "hệ thống chăm sóc sức khỏe của Pháp còn lâu mới được coi là hệ thống tốt nhất Châu Âu".

Theo một thăm dò ý kiến người dân của năm nước Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Ý, do Ipsos thực hiện, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Thụy Điển được đánh giá tốt nhất (36%), tiếp theo là Đức (21%). Pháp đứng cuối bảng (9%). Gần một nửa số người được hỏi đánh giá hệ thống y tế của đất nước họ yếu kém hơn trong 10 năm qua, chỉ có 21% cho rằng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được cải thiện. 59% số người Pháp được hỏi tỏ ra bi quan về hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước nhà, nhưng họ cho rằng dẫu sao hệ thống của Pháp vẫn có chất lượng cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Châu Âu.

Theo khảo sát của Ipsos, những người được hỏi tỏ ra nghi ngờ về các phương tiện mà Liên Hiệp Châu Âu hiện có để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Liên Âu. Tuy nhiên, họ ủng hộ việc các nước thành viên Liên Hiệp tăng cường hợp tác, nhất là về nghiên cứu và đào tạo Y khoa.

Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh chóng

Chuyển sang lĩnh vực môi trường, sinh thái, Le Monde cho biết "Nhiều hồ, sông, ao đang biến mất nhanh chóng". Các vùng đất ngập nước bị tàn phá nhanh gấp ba lần so với các khu rừng. Nguyên nhân chủ yếu là các hoạt động nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa và sức ép dân số.

Không chỉ giàu về đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước góp phần giảm ảnh hưởng của các cơn bão, giữ vai trò quan trọng về giao thông, du lịch, với nhiều giá trị văn hóa và tinh thần…

Từ năm 1970 cho tới nay, 35% diện tích khu vực này trên toàn thế giới đã bị phá hủy. Dưới tác động của hiện tượng Trái Đất nóng dần lên, từ năm 2000, tốc độ sông ngòi ao hồ… biến mất là từ 0,85 đến 1,6%/năm, trong khi đó, từ năm 1990 đến năm 2015, tỉ lệ biến mất của các khu rừng là 0,24%/năm.

Ban thư ký Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước hôm qua 27/09/2018 ra một báo cáo báo động tình trạng hiện nay và kêu gọi 170 Nhà nước và tổ chức ký công ước Ramsar năm 1971 "bảo vệ và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước" và góp phần vào sự phát triển bền vững của thế giới.

Trang nhất các báo Pháp

Về trang nhất các báo Pháp, Le Monde nhận xét : "Luật đạo lý sinh học : Hồ sơ mang tính rủi ro cao của tổng thống Macron". Báo Libération lại quan tâm đến quyền nạo phá thai của phụ nữ Pháp. Còn báo kinh tế Les Echos chạy tít : "Nợ : những mối nguy hiểm đang rình rập nước Pháp".

Nhìn ra Châu Âu,báo La Croix nói về Brexit : Đồng hồ bắt đầu đếm ngược, chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm nước Anh phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (ngày 29/03/2019), các hậu quả của Brexit khó có thể đo lường. Còn báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Đạo Hồi : Erdogan làm thế nào để thiết lập mạng lưới ở Châu Âu ?".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 660 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)