Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/09/2018

Quan hệ Mỹ-Trung đi đến chỗ khó hòa giải

RFI tiếng Việt

Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ nhường sân chơi cho Trung Quốc (RFI, 28/09/2018)

Mỹ rút lui khỏi nhiều định chế đa quốc gia để nhường sân chơi lại cho Trung Quốc. Khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 liệu có tạo cho Bắc Kinh thêm một cơ hội nữa để áp đặt một mô hình thế giới đa cực mới ?

lhq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tham dự thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, Bắc Kinh, ngày 04/09/2018 - Lintao Zhang/Pool via Reuters

Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã có những lời đả kích kịch liệt nhắm vào Iran, Trung Quốc và mô hình thế giới đa cực, thì ở hậu trường phái đoàn ngoại giao Trung Quốc không ngừng mở các cuộc đối thoại bên lề với các đối tác Ấn Độ, Nhật Bản, Úc hay Canada và Châu Âu... Tại Bắc Kinh, hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố bản đồ với những thông tin được cập nhật thường xuyên liên quan đến các định chế đa quốc gia mà Hoa Kỳ đã từng bước "rút lui" kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Mỹ đã ra khỏi Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP (tháng 1/2017), từ bỏ thỏa thuận khí hậu Paris, rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chia tay tổ chức UNESCO hay quyết định hôm 19/06/2018 quay lưng lại với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ... Gần đây nhất là khả năng trừng phạt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã được cố vấn an ninh của Nhà Trắng, John Bolton nêu lên.

Trong lúc nước Mỹ của Donald Trump liên tục để lại những chiếc ghế trống ấy, thì Bắc Kinh tận dụng thời cơ để chen chân vào bằng nhiều cách. Qua những tuyên bố ở mọi cấp các lãnh đạo, Bắc Kinh luôn tìm cách chứng minh rằng, Trung Quốc tôn trọng mô hình một thế giới mở và đa cực, là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, là một quốc gia có trách nhiệm với thế giới.

Một phương tiện thứ nhì cho phép Trung Quốc lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại là "sức mạnh của đồng tiền". Một nhà báo Ấn Độ trực thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập Observer Research Foundation nhận xét : khi Washington thông báo giảm đóng góp vào các chương trình "Gìn Giữ Hòa Bình", thì lập tức Bắc Kinh tỏ ra hào phóng. Trung Quốc hứa rót 1 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới để chung sức với Liên Hiệp Quốc gìn giữ hòa bình. Bắc Kinh chuẩn bị đào tạo 8.000 binh sĩ để tham gia lực lượng Lính Mũ Xanh.

Thái độ sốt sắng nói trên của Trung Quốc gây nhiều lo ngại.

Richard Gowan một chuyên gia về an ninh và quốc phòng, thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), được báo Le Figaro trích dẫn cho biết tại tổ chức quan trọng trực thuộc Liên Hiệp Quốc là UNESCO và Hội Đồng Nhân Quyền, các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng áp đặt tiếng nói của mình. Sự bành trướng của Trung Quốc tại New York ngày càng rõ nét. Mùa hè vừa qua, Bắc Kinh đã mời rất nhiều các phái đoàn ngoại giao quốc tế đến trụ sở của văn phòng đại diện của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc để bàn thảo về những "chuyện đại sự", trình bày về tầm nhìn của Bắc Kinh chung quanh các dự án vĩ đại, từ Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 đến chiến lược "Made in China 2025" mà ở đó Bắc Kinh có tham vọng áp đặt những chuẩn mực của Trung Quốc với toàn thế giới.

Nói một cách khác, giới phân tích cho rằng, từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền với khẩu hiệu "nước Mỹ trước tiên", thì Bắc Kinh không còn e dè hay kín đáo tung những đòn ngoạn mục để củng cố sức mạnh của mình trên bàn cờ thế giới.

Thái độ này của Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế ngạc nhiên. Một chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu độc lập của Mỹ, Stimson Center, trụ sở tại Washington, thậm chí còn cho rằng, ông "Tập Cận Bình đã đi quá đà" và có một sự "ngạo mạn" trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Thái độ đó theo chuyên gia này, trái ngược hẳn với chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình xưa kia, vốn chủ trương kiên nhẫn và từng bước bộc lộ sức mạnh thật sự của mình.

Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd bình luận : logic của họ Đặng không còn tính thời sự trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Điều đó được thể hiện qua cách hành xử của Bắc Kinh với Liên Hiệp Quốc và ngay cả trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ.

Thanh Hà

********************

Trung Quốc – Hoa Kỳ : Một cuộc chiến công nghệ gay gắt (RFI, 28/09/2018)

Phải chăng cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu với các biện pháp áp thuế lẫn nhau chỉ là bề nổi ? Ẩn sau cuộc chiến này là một cuộc tấn công khác, hệ quả còn nặng nề hơn đang lặng lẽ diễn ra từ nhiều tháng qua.

lhq2

Ảnh minh họa bài viết trên báo Le Figaro

Đó chính là "Tech war", một cuộc chiến công nghệ có khả năng làm đảo lộn địa chính trị thế giới cũng như bản chất sâu đậm của xã hội ngày mai. Về chủ đề này báo Le Figaro số ra ngày 24/09/2018 có bài viết đề tựa "Trung Quốc và Hoa Kỳ, một cuộc chiến công nghệ không chút nương tay". RFI Tiếng Việt lược dịch.

Trung Quốc và Hoa Kỳ : Những thủ lĩnh công nghệ

Đó sẽ là một cuộc đối đầu dữ dội giữa hai cường quốc duy nhất có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Và các hãng công nghệ lớn là những con át chủ bài hàng đầu. Nếu so về tương quan lực lượng, Hoa Kỳ và Trung Quốc, "kẻ tám lạng người nửa cân".

Bảng báo cáo Mary Meeker Internet Trends 2018 cho thấy trong số 20 doanh nghiệp Web có giá trị hàng đầu, có 11 hãng là của Mỹ và 9 hãng Trung Quốc. Châu Âu hầu như vắng mặt mặc dù khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp hiện diện trên sàn chứng khoán.

Bên cạnh các hãng lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp không niêm yết giá chứng khoán và có giá trị hơn một tỷ đô la cũng là những cánh tay đắc lực khác cho hai cường quốc công nghệ này. Trong số 260 doanh nghiệp loại này, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn Châu Âu chỉ có khoảng 30.

Kết quả có được không phải ngẫu nhiên. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng đầu của mình, nhất là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo Artificial Intelligence - AI. Mức đầu tư cho AI của đôi bên xấp xỉ tương đương trong khoảng 165-170 tỷ đô la, kể cả trong khối tư nhân.

Theo Le Figaro, sở dĩ ngần ấy phương tiện được đầu tư vào lĩnh vực này là vì cả hai cường quốc đều xem AI như là một công cụ mới cho sức mạnh quân sự và chính trị. Ngay từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã hiểu được tầm quan trọng của AI, một công cụ gần như bí hiểm nhằm gia tăng ưu thế quân sự của Mỹ trên thế giới.

Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng hiểu được giá trị của công nghệ này trong xã hội loài người tương lai : Từ công tác tổ chức hành chính cho đến chẩn đoán bệnh tật, nhất là trong việc dự đoán kinh tế. Tóm lại, công nghệ AI có vai trò như là phương tiện gây ảnh hưởng, một công cụ của quyền lực mềm.

Về phần mình, Bắc Kinh tin rằng trí thông minh nhân tạo sẽ giúp cải thiện khả năng ra quyết định và hành động khi có chiến tranh. Trong sản xuất, máy móc tự chủ có thể thay thế con người thực hiện nhiều nhiệm vụ với hiệu quả cao và nhanh hơn. Đặc biệt là trong chính trị, AI bảo đảm sự trường tồn của mô hình siêu tập trung quyền lực, độc quyền lãnh đạo. Đó sẽ là một công cụ hữu ích giúp kiểm soát người dân và dự đoán các hiệu quả về chính sách của nhà nước.

Hơn nữa, trí thông minh nhân tạo được cho là có khả năng khôi phục tầm vĩ đại xưa kia cho đế chế Trung Hoa để có thể đi từ "Made in China" (Sản xuất tại Trung Quốc) sang "Created in China" (Sáng chế ở Trung Quốc).

"Tám chiến binh gác cổng"

Thách thức liên quan đến trí thông minh nhân tạo lớn đến mức mọi thủ đoạn đều được cho phép. Chính quyền Bắc Kinh áp dụng đủ mọi phương cách : Len lỏi tham gia vào các doanh nghiệp chiến lược, ồ ạt gởi sinh viên ra nước ngoài, hạn chế cổng vào thị trường của mình và thậm chí cả dọ thám.

Đầu tư gián tiếp của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ Mỹ cũng khá lớn. Số liệu của CB Insight cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, đầu tư của Bắc Kinh tại Mỹ có lẽ đã lên đến 24 tỷ đô la.

Một công cụ khác không thể thiếu trong hành trình thâu tóm công nghệ : Giáo dục. Bộ quốc phòng Mỹ ước tính ¼ số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ là người Trung Quốc.

Tệ hơn, một báo cáo của ủy ban tình báo Thượng Viện Mỹ năm 2013 khẳng định Trung Quốc là thủ phạm của 96% các vụ gián điệp mạng. Một điều tra khác của tờ Politico hồi tháng 3/2018 tiết lộ sự hiện diện đông đảo của nhiều điệp viên và người cung cấp thông tin Trung Quốc tại thung lũng Silicon Valley.

Trong khi mà trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc áp đặt các doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các hãng trong nước phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ và nhượng quyền bằng sáng chế công nghệ… bằng không những doanh nghiệp đó bị cấm cửa thâm nhập nền thị trường lớn thứ hai trên thế giới. Song song đó, chính quyền Bắc Kinh còn nghiêm cấm các công sở sử dụng một số sản phẩm của Microsoft, Apple và Intel !

Từ lâu vẫn kín tiếng, nay Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng hành động đáp trả. Washington nắm trong tay nhiều lá chủ bài. Được mệnh danh là "tám chiến binh gác cổng", Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm bị truyền thông Trung Quốc tố cáo là "đã thâm nhập quá sâu trong cơ sở hạ tầng tin học của Trung Quốc".

Hoa Kỳ còn đi xa hơn khi cấm bán các linh kiện điện tử cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE và cản trở các tập đoàn Trung Quốc thực hiện một số thương vụ mua lại các doanh nghiệp nhà nước (MoneyGram, Qualcomm).

Các quyết định áp thuế của tổng thống Mỹ cho thấy quyết tâm của ông xoay lưng lại với một trào lưu hướng đến mở cửa thị trường từ nhiều thập niên qua để rồi dựng lên các hàng rào bao quanh một pháo đài Mỹ. Thậm chí chấp nhận tự cô lập mình với các đồng minh.

Thắng lợi của AlphaGo năm 2016 : Một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra, từ lúc nào trí thông minh nhân tạo trở thành vấn đề mấu chốt tại Trung Quốc ? Trả lời báo Le Figaro, ông Charles Thibout, nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), chuyên gia về các thách thức địa chính trị của các nền công nghệ đang trỗi dậy trong đó có trí thông minh nhân tạo, cho rằng sự ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể dẫn đến một sự đối đầu giữa Trung Quốc và tập đoàn khổng lồ có thế lực như Nhà nước, GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).

"Khi AlphaGo, chương trình tin học do công ty Google DeepMind phát triển, đánh bại nhà vô định cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol vào tháng 03/2016, điều này tạo ra một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc, nơi mà cờ vây có âm hưởng văn hóa rất lớn. Cho đến lúc đó, các quan chức Trung Quốc đã quan tâm đến trí thông minh nhân tạo. Thế nhưng thắng lợi này của một tập đoàn Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhanh chương trình về trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc, vì lo sợ bị tụt hậu về công nghệ. Thậm chí người ta coi đó như "thời điểm Spoutnik" tức là khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Spoutnik".

Tại sao một công nghệ như trí thông minh nhân tạo lại hội tụ các căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ ?

"Đối với nước Trung Quốc đương đại, trí thông minh nhân tạo là phương tiện trả lại cho chế độ vị thế được coi như là đương nhiên trên bàn cờ quốc tế. Đáp lại sự huyễn hoặc của Trung Quốc là "tư duy chuyên gia" Mỹ, như cách gọi của nhà phân tích chính trị Stanley Hoffmann, theo đó mọi vấn đề chính trị, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, có thể được giải quyết thông qua kỹ thuật.

Hai siêu cường đều có những suy nghĩ huyễn hoặc về trí thông minh nhân tạo và mỗi bên đều chạy đua để có thể vượt lên trên những tiến bộ mà bên kia đạt được. Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc về trí thông minh nhân tạo, giống như trước kia Mỹ đối đầu với Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục không gian. Do vậy, trí thông minh tạo là một vấn đề chính trị".

Trong cuộc đối đầu này, bên nào giành thắng lợi ?

"Trung Quốc có một nền kinh tế được chỉ đạo và đó là một lợi thế để điều phối việc thực hiện một chiến lược quốc gia. Thế nhưng, Trung Quốc cũng cần đến những nhân tài Mỹ để phát triển các ngành công nghệ riêng của họ. Còn Hoa Kỳ thì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và các đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách kinh tế của Mỹ chỉ có vai trò khuyến khích. Mỹ mong muốn là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực phát minh có thể trang bị cho quân đội các khả năng công nghệ thông qua các thị trường.

Thế nhưng hiện nay, các nhân viên của tập đoàn Google chống lại các dự án quân sự Mỹ, buộc tập đoàn này phải hủy các hợp đồng ký với quân đội. Do có khả năng chống lại Nhà nước, các tập đoàn công nghệ như Google có một vai trò ngoại giao thực sự. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo cao hơn rất nhiều so với đầu tư của các quốc gia và các doanh nghiệp có thế lực như những Nhà nước này sẽ có một tầm quan trọng chủ chốt khi đối mặt với Trung Quốc".

Tiếc rằng trong cuộc đọ sức này, Châu Âu bị đứng ngoài cuộc, đóng vai khán giả. Châu Âu bất lực nhìn dòng chất xám chảy qua nước Mỹ và chỉ biết nhìn việc chuyển giao công nghệ dồn sang Trung Quốc.

Minh Anh

*****************

Mỹ - Trung : Tình bạn Trump – Tập đã chấm dứt ? (RFI, 27/09/2018)

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26/09/2018 phát biểu rằng "tình bạn" của ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đã chấm dứt".

lhq3

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ngày 09/11/2017 Fred DUFOUR / AFP

Nguyên thủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh tìm cách can thiệp vào kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đây. Giới chuyên gia quan ngại leo thang căng thẳng Mỹ - Trung để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Chưa có lúc nào quan hệ Mỹ - Trung xuống đến mức thấp nhất như hiện nay. Cách nay hơn một năm, tổng thống Mỹ còn xem chủ tịch Trung Quốc là "bạn". Tuy lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp đón long trọng Donald Trump tại Bắc Kinh nhưng chưa bao giờ ông Tập có những phát biểu "dạt dào" về mối quan hệ này.

Theo quan điểm của ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington với AFP, thì hai ông "Trump và Kim chưa bao giờ là bạn cả".

Còn theo nhận xét của Bill Bishop, chủ nhà xuất bản Sinocism China Newsletter, tuần trăng mật Trump – Tập không còn, có thể có "một mức độ suy thoái hoàn toàn khác nữa trong mối quan hệ Mỹ - Trung, vượt xa khuôn khổ cuộc chiến thương mại".

Quả thật, chỉ trong vòng một tuần, gần như ngày nào cũng bùng lên căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ thông báo trừng phạt một cơ quan quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Chính quyền Bắc Kinh giận dữ đáp lại cho triệu đại sứ Mỹ lên bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối, đồng thời rút ngắn thời hạn thăm Mỹ của một đô đốc Trung Quốc.

Thứ Sáu ngày 21/09, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án Bắc Kinh "ngược đãi khủng khiếp" người Duy Ngô Nhĩ.

Trong khi đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Washington thông báo áp thuế thêm 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh phản công hủy chuyến đi Mỹ của một phái đoàn đàm phán và của phó thủ tướng Lưu Hạc vì không chấp nhận thương thuyết trong thế "dao kề cổ".

Cũng trong tuần này, Lầu Năm Góc còn cho nhiều chiếc oanh tạc cơ B-52 bay trên không phận Biển Đông có tranh chấp mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên 80% diện tích. Ngược lại, Bắc Kinh cực lực phản đối kế hoạch Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan mà Trung Quốc xem là một tỉnh của nước này.

Căng thẳng mới nhất là hôm qua, trong cuộc họp báo ngắn, tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc dùng mọi "thủ đoạn" can thiệp vào bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp tới đây. Một trong số các ví dụ được nguyên thủ Hoa Kỳ nêu ra là tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng quảng cáo trên The Des Moines Register – một tờ báo của bang Iowa, nơi có vai trò quan trọng trong các kỳ bầu cử Mỹ.

Từ những quan sát trên, có một câu hỏi đặt ra : Phải chăng trong nhãn quan của Donald Trump, một người "bạn tốt" phải là một người dễ bảo ?

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)