Tàu chiến Hàn Quốc đến gần đảo tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc tức giận (VOA, 28/09/2018)
Một tàu chiến của Hàn Quốc đã di chuyển gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông trong tháng này, xâm nhập vào khu vực mà Bắc Kinh xem là lãnh hải của mình và không cho ai đi vào nếu không được phép của Bắc Kinh, Wall Street Journal tường thuật và cho biết động thái này đã khiến các quan chức Trung Quốc phẫn nộ.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường.
Tờ báo dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết tàu khu trục hải quân Hàn Quốc Munmu Đại đế đang đi tránh bão và không tiến hành hoạt động "tự do hàng hải" thách thức yêu sách chủ quyền. Vừa trở về từ các hoạt động chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia nên con tàu không có thời gian để xin phép, theo lời quan chức Hàn Quốc, nhưng họ từ chối bình luận với Wall Street Journal về việc liệu Seoul có xem đây là khu vực thuộc về Trung Quốc hay không.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng con tàu đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi đi vào vùng lãnh hải rộng 12 hải lý của nước này quanh quần đảo Hoàng Sa mà không xin phép trước, nhưng Bắc Kinh đã chấp nhận lời giải thích của Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, sự việc diễn ra vào khoảng ngày 16/9 cũng gây quan ngại trong chính phủ và quân đội Trung Quốc giữa lúc các đồng minh của Hoa Kỳ gia tăng hoạt động ở Biển Đông, WSJ dẫn lời những người am tường sự việc cho biết.
Một tàu chiến Anh đã thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải hồi tháng Tám gần Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Các tàu hải quân Pháp cũng đã tiến hành một cuộc tuần tra vào tháng 5 gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc và nhiều nước láng giềng tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau.
Những năm gần đây, các giới chức Mỹ và các nước đồng minh ngày càng lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trên hầu hết Biển Đông, trong đó có việc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa và mở rộng các tiền đồn quân sự trong quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, Hàn Quốc hầu như tránh đụng đến vấn đề Biển Đông, mặc dù nước này có tranh chấp lãnh thổ riêng với Bắc Kinh ở Hoàng Hải về quyền lợi kinh tế và quyền sở hữu đá ngầm Socotra.
Việc tàu Hàn Quốc đi quanh quần đảo Hoàng Sa diễn ra vào thời điểm bão Mangkhut đang tấn công Biển Đông vào khoảng ngày 15/9.
"Chúng tôi đã làm việc với phía Hàn Quốc", WSJ dẫn lời Đại tá Nhậm Quốc Cường, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết.
Ông nói con tàu của Hàn Quốc đã đi khoảng 10 phút trong vùng lãnh hải của Trung Quốc trong lúc tránh bão và không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào khác.
"Từ quan điểm nhân đạo, chúng tôi có thể chấp nhận lời giải thích của họ", Đại tá Nhậm nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng con tàu đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi "đi vào lãnh hải mà không được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc".
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã gặp các đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc để trao đổi về vấn đề này, WSJ dẫn nguồn tin từ một người am hiểu vụ việc cho biết. Cả bộ ngoại giao của Trung Quốc lẫn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận của WSJ.
******************
Mỹ muốn xuất khẩu lòng heo sang Việt Nam (VOA, 29/09/2018)
Hiệp hội chăn nuôi heo của Mỹ cho biết họ muốn Việt Nam cho phép xuất khẩu nội tạng trắng, trong đó có lòng heo, vào thị trường tiêu thụ lớn thứ 4 thế giới này.
Việt Nam là thị trướng tiêu thụ nội tạng lớn thứ 4 trên thế giới và Mỹ đang tìm cách xuất khẩu nội tạng trắng, trong đó có lòng heo, vào Việt Nam (Ảnh chụp màn hình Yan.vn)
Theo VnExpress, Hiệp hội chăn nuôi heo Mỹ (NPB) vừa thực hiện chuyến khảo sát và tìm hiểu Việt Nam, nơi được đánh giá là thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt heo quan trọng và là điểm đến mới nổi đầy triển vọng ở Châu Á.
NPB nhận định rằng với số người ở tầng lớp trung lưu tăng lên và một nền kinh tế đang bùng nổ, nhu cầu về protein động vật của Việt Nam đang tăng mạnh.
"Sức tiêu thụ thịt heo Mỹ tại Việt Nam đang tăng lên. Chuyến đi này mang đến cơ hội cho các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp thịt heo Mỹ cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam, cũng như xây dựng nhận thức về thịt heo Mỹ và thịt heo chế biến với các nhà làm luật lại đây", Craig Morris, phó chủ tịch về tiếp thị quốc tế của NPB nói với truyền thông trong nước tại một buổi họp báo ở TP Hồ Chí Minh hôm 24/9.
Nội tạng heo là sản phẩm được người Việt Nam ưa chuộng và có mặt trong nhiều món ăn ở quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó nó không được ưa chuộng ở Mỹ.
Theo Hiệp hội chăn nuôi heo Mỹ, phần nội tạng đỏ như tim, gan, cật... đã xuất được qua Việt Nam với giá trị khoảng một triệu USD nhưng nội tạng trắng như lòng, bao tử... chưa được cấp phép. Vì thế, ông Craig Morris cho biết, phía Mỹ đang tiếp tục đàm phán và tìm kiếm cơ hội xuất nội tạng trắng sang Việt Nam. Mặt hàng này đã xuất qua các nước Châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Malaysia.
Thống kê của OEC cho thấy, Mỹ, Đức, Australia là những quốc gia phương Tây hàng đầu trong xuất khẩu nội tạng động vật, chủ yếu sang thị trường Châu Á. Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu nội tạng đứng thứ 4 với 4,9% lượng nội tạng của toàn thế giới, gần gấp đôi Hàn Quốc. Trung Quốc dẫn đầu với 29%, tức gần 1/3 lượng nhập khẩu nội tạng toàn cầu.
Theo VnExpress, giá nội tạng nhập khẩu rẻ hơn gấp 2-3 lần so với hàng Việt Nam. Các sản phẩm từ Châu Âu và Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam theo nhiều ngả do sức tiêu thụ trong nước tăng cao.
Năm 2017, Mỹ xuất khẩu thịt giăm bông tươi, đông lạnh và thịt vai với giá trị hơn 11 triệu USD vào Việt Nam, theo NPB. Với mức nhập khẩu này, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm thịt heo lớn thứ hai của Mỹ chỉ sau Trung Quốc/Hong Kong.
*****************
Nghia Hoang Pho ‘không chủ ý phá hoại an ninh quốc gia’ (VOA, 28/09/2018)
Luật sư của ông Nghia Hoang Pho, một cựu nhân viên gốc Việt làm việc tại Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) vừa bị tuyên án 5 năm rưỡi tù giam vì tội lưu trữ trái phép tài liệu mật và để lộ thông tin, nói với VOA rằng thân chủ của ông không có chủ ý đe dọa hay phá hoại an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở Fort Meade, bang Maryland.
Từ bang Maryland, hôm 27/9, Luật sư Robert Bonsib cho VOA biết ông Nghia Hoang Pho là một người tốt bụng nhưng rủi thay ông đã có quyết định không đúng khi mang thông tin mật về nhà.
"Đó là một kết cuộc rất không may cho ông. Ông ấy là một người tốt bụng nhưng rủi thay ông đã có những quyết định sai lầm".
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, ông Nghia Hoang Pho, một cựu nhân viên người Mỹ gốc Việt làm kỹ sư phát triển phần mềm theo hợp đồng cho NSA bị kết án 5 năm rưỡi tù giam và 3 năm quản chế tại một tòa án liên bang ở thành phố Baltimore hôm 25/9, sau khi nhận tội đem thông tin được bảo mật ra khỏi cơ quan một cách bất hợp pháp và sau đó các tài liệu mật đã bị tin tặc Nga đánh cắp từ máy tính cá nhân của ông.
Ông Nghia Hoang Pho, 68 tuổi, ở thành phố Ellicott City, bang Maryland, đã đem ra khỏi cơ quan những tài liệu có chứa thông tin quốc phòng được bảo mật và giữ chúng tại nhà riêng của ông mà không được cho phép.
Luật sư Robert Bonsib, lập luận rằng ông Pho không có chủ ý đe dọa hay phá hoại an ninh quốc gia Hoa Kỳ :
"Ông ấy không có chủ ý làm điều gì để đe dọa an ninh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông ấy thú nhận đã có những suy xét sai lầm khi mang các thông tin mật về nhà và rồi nếu bị tin tặc xâm nhập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia".
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2010 tới tháng 3 năm 2015, ông Nghia từng làm việc trong đơn vị tin tặc tinh nhuệ của NSA và ông đã đem đi điều mà các công tố viên mô tả là "số lượng khổng lồ" những tài liệu chứa thông tin quốc phòng được phân loại là tối mật – mức độ thông tin bảo mật cao nhất được chính phủ Mỹ quy định, là những thông tin "không được phép tiết lộ vì có thể gây ra những hậu quả sống còn đối với nền an ninh quốc gia".
Vào tháng 11/2017, ông Nghia đã nhận tội lưu trữ trái phép nhiều tài liệu mật, theo Cấp độ 1 (Count One) của Đạo Luật Liên bang Hoa Kỳ, với khung hình phạt lên đến 10 năm tù giam và đã bị Văn phòng Công tố viên Quận Maryland đề xuất mức án là 8 năm tù.
Luật sư Bonsib thuật lại lời ông Nghia, một người Việt Nam nhập cư và nhập quốc tịch Mỹ, phát biểu tại tòa :
"Ông ấy nói với thẩm phán rằng ông rất lấy làm tiếc về những sai phạm của ông. Ông ấy nói đã làm việc chăm chỉ cả đời cống hiến cho NSA và luôn cố gắng hỗ trợ cho NSA hoàn thành sứ mệnh".
Tờ The New York Times thuật lại lời ông Nghia chọn phát biểu trước tòa : "Tôi không phản bội Hoa Kỳ. Tôi không gửi thông tin cho ai cả. Tôi không tư lợi".
Ông Robert Hur, Công tố viên liên bang đặc trách khu vực Maryland, được tờ Washington Post trích lời nói : "Vì những hành động của mình, ông Pho đã làm lộ một số loại thông tin tình báo được bảo mật nhất của đất nước chúng nước ta, và buộc NSA phải từ bỏ những kế hoạch quan trọng để bảo vệ cơ quan này và các năng lực hoạt động của nó, gây tổn thất lớn về mặt kinh tế và hoạt động".
Các công tố viên nói máy tính ở nhà ông sử dụng phần mềm chống virus được chế tạo bởi Kaspersky Lab, một công ty phần mềm hàng đầu của Nga, và các tin tặc Nga được cho là đã lợi dụng phần mềm này để đánh cắp các tài liệu.
https://youtu.be/3qe2J6H3jgc
********************
Cựu nhân viên NSA gốc Việt bị tuyên án tù vì làm lộ thông tin mật (VOA, 27/09/2018)
Một cựu nhân viên người gốc Việt của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) bị kết án năm năm rưỡi tù giam tại một tòa án liên bang ở thành phố Baltimore hôm thứ Ba, sau khi nhận tội đem thông tin được bảo mật ra khỏi cơ quan gián điệp này một cách bất hợp pháp, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Ông Nghia Hoang Pho xuất hiện ở tòa liên bang ở thành phố Baltimore, bang Maryland, ngày 25/09/2018. (CBS Baltimore)
Ông Nghia Hoang Pho, 68 tuổi, ở thành phố Ellicott City, bang Maryland, đã đem đi những tài liệu có chứa thông tin quốc phòng được bảo mật và giữ chúng tại nhà riêng của ông mà không được cho phép, bộ này cho biết trong một thông cáo.
Ông Nghia cũng sẽ chịu ba năm quản chế sau khi mãn án tù.
Ông Nghia từng làm việc trong đơn vị xâm nhập tin tặc tinh nhuệ của NSA và ông đã đem đi điều mà các công tố viên mô tả là "số lượng khổng lồ" những tài liệu chứa thông tin quốc phòng được phân loại là tối mật trong khoảng thời gian từ năm 2010 tới tháng 3 năm 2015.
Các công tố viên nói máy tính ở nhà ông sử dụng phần mềm chống virus được chế tạo bởi Kaspersky Lab, một công ty phần mềm hàng đầu của Nga, và các tin tặc Nga được cho là đã lợi dụng phần mềm này để đánh cắp các tài liệu.
"Vì những hành động của mình, ông Pho đã làm lộ một số loại thông tin tình báo được bảo mật nhất của đất nước chúng nước ta, và buộc NSA phải từ bỏ những kế hoạch quan trọng để bảo vệ cơ quan này và các năng lực hoạt động của nó, gây tổn thất lớn về mặt kinh tế và hoạt động", Robert Hur, Công tố viên liên bang đặc trách khu vực Maryland, nói trong một phát biểu.
Ông Nghia, một người Việt Nam nhập cư và nhập quốc tịch Mỹ, khai trước tòa rằng ông làm việc ở nhà để mong được thăng chức, theo đài CBS Baltimore.
Theo đài này, luật sư của ông Nghia, Robert Bonsib, lập luận rằng ông là người biết chăm lo cho gia đình, nhưng đưa ra hàng loạt những suy xét sai lầm trong một thời gian dài.
Ông Nghia chọn phát biểu trước tòa bằng tiếng Anh dù có người phiên dịch hiện diện, báo The New York Times cho hay. "Tôi không phản bội Hoa Kỳ", ông nói. "Tôi không gửi thông tin cho ai cả. Tôi không tư lợi".
Không có bằng chứng cho thấy ông từng bán hay phát tán những thông tin này.
Luật sư của ông Nghia nhiều lần lưu ý rằng David Petraeus, vị tướng đã về hưu và cựu giám đốc CIA, đã không ngồi tù sau khi ông nhận tội vào năm 2015 về việc xử lí sai thông tin bảo mật, một khinh tội. Ông đã chia sẻ những tài liệu với người phụ nữ mà vào thời điểm đó là người tình và người viết một cuốn tiểu sử về ông.
Thẩm phán bày tỏ cảm thông đối với hoàn cảnh của ông Nghia và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với gia đình ông, theo tờ Times, nhưng nói rằng bản án là cần thiết để tạo "sự răn đe thực thụ" cho những người khác có thể nghĩ tới chuyện xử lí sai thông tin nhạy cảm.
Ông Nghia sẽ bắt đầu chấp hành án tù vào tháng 1 năm sau.
Gia đình của ông từ chối bình luận về vụ việc khi được VOA liên lạc qua điện thoại.
Vụ việc của ông Nghia là một trong một số vụ rò rỉ tài liệu mật của NSA trong những năm gần đây. Năm 2013, Edward Snowden, một nhân viên hợp đồng của NSA, đào thoát sang Hong Kong với khối lượng khổng lồ những tài liệu mà anh ta chia sẻ với các nhà báo.
Tháng trước, một nhân viên hợp đồng của NSA, Reality Winner, bị tuyên án năm năm ba tháng tù giam vì chia sẻ tài liệu mật về hoạt động xâm nhập tin tặc của Nga.