Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/10/2018

Điểm báo Pháp - Chính phủ Pháp loay hoay với dư luận

RFI tiếng Việt

Cải tổ nội các Pháp : Chính phủ loay hoay với dư luận phấp phỏng

Thời sự được các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều nhất là cuộc cải tổ nội các chính phủ Pháp đang rất được mong đợi cuối cùng vẫn không xảy ra. Hình ảnh của thủ tướng Pháp Edouard Philippe trong những sắc mặt căng thẳng khác nhau xuất hiện trên hầu khắp các mặt báo.

phap1

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sau cuộc họp nội các hàng tuần tại Điện Élysée (Paris, France), ngày 03/10/2018. Reuters/Philippe Wojazer

Le Figaro chạy tựa : "Cải tổ nội các : cỗ máy mắc kẹt". Libération nhận xét, "tìm người thay thế bộ trưởng Nội Vụ Gerard Collomd đang là vấn đề đau đầu làm tê liệt cả chính phủ trong lúc các hồ sơ nóng đang chồng đống".

Các báo đều có chung một ghi nhận là suốt cả ngày hôm qua, các bộ trưởng trong chính phủ, báo chí cũng như phe đối lập phấp phỏng chờ đợi thông báo cải tổ thành phần nội các từ phủ tổng thống, dự kiến vào tối qua. Nhưng tất cả đều thất vọng. Thủ tướng Edouard Philippe vẫn không từ chức để thành lập nội các mới. Tổng thống Macron vẫn tỏ ra không vội vã, tham gia các hoạt động trong nước như bình thường.

Nhận định chung của các báo là cuộc "cải tổ chính phủ phức tạp hơn dự kiến" nhiều, bởi vì trong hậu trường, nội bộ đa số cầm quyền cũng đang bị chia rẽ thành các nhánh tả-hữu khiến cả tổng thống Macron và thủ tướng Philippe chật vật không lập được ê-kíp mới của chính phủ. Đây cũng là dịp để dư luận báo chí và các đảng đối lập rộ lên chỉ trích sự yếu kém, thiếu năng lực và những rối ren của chính phủ gần đây.

Trong khi đó La Croix cho rằng : Lần cải tổ chính phủ này được cho là rất cần thiết giúp chính quyền của ông Macron thoát ra khỏi nhưng khó khăn kể từ khi bê bối liên quan đến vụ Benalla, nhân viên bảo vệ tổng thống lạm quyền. Đồng thời cải tổ chính phủ cũng là cần thiết lúc này để chính phủ đương đầu với những thách thức trước mắt trong những hồ sơ cải cách gai góc và cuối cùng là để lấy lại uy tín trong dân đang bị giảm sút nghiêm trọng.

Pháp : Thiếu hụt chăm sóc y tế ban đầu

Nhật báo Le Figaro chú ý tới một tình trạng thiếu hụt hệ thống chăm sóc y tế đáng lo ngại. Tờ báo ghi nhận nước Pháp đang rơi vào tình trạng "hoang vắng y tế".

Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, "không dưới 11.329 thành phố (tức 1/3) rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Cả các thành phố ở ngay cửa ngõ Paris cũng rơi vào tình trạng trên. Người dân phải mất cả tháng trời mới lấy được một cái hẹn khám đa khoa hay chuyên khoa chưa nói đến việc chữa trị.

Liên quan đến tình hình này, Le Monde nêu lên tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người Pháp. Tùy theo các địa phương các dịch vụ y tế đến với người dân cũng khác nhau. Một thí dụ : ở thành phố lớn trung bình, để có một cái hẹn khám mắt thì phải mất 30 ngày, thì ở những vùng thôn quê hay thành phố nhỏ thời gian này ít nhất phải 3 tháng.

Chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch : tăng trưởng toàn cầu chững lại

Nhật báo Le Figaro lưu ý đến đánh giá của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI về tình hình phát triển kinh tế thế giới trong cuộc họp hôm qua (09/10) của định chế tài chính quốc tế tại Bali, Indonesia.

FMI đã phải xem lại các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2018-2019. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế từng dự báo trong tháng 4 năm nay tăng trưởng của Pháp năm 2018 là 2,1%, nhưng giờ chỉ còn 1,6%. Cả khu vực đồng euro, Trung Quốc tăng trưởng sẽ chậm lại ngay trong năm nay và năm tới sẽ đến lượt Hoa Kỳ. Nguyên nhân chủ yếu khiến các nền kinh tế thế giới bị chững lại như vậy là cuộc chiến tranh thương mại do nước Mỹ của tổng thống Donald Trump phát động. Tuy nhiên cũng còn khả quan là 10 năm sau khủng hoảng kinh tế thế nhìn chung vẫn giữ được tăng trưởng tuy vẫn còn nhiều bất trắc khó lường.

Nga – Ukraine : Đến lượt tôn giáo tuyệt giao

Nhìn qua Châu Âu, nhật báo Libération quan tâm đến sự kiện tôn giáo diễn ra trong Chính Thống giáo Nga và Ukraine nhưng mang màu sắc chính trị với hàng tựa nhiều ẩn ý : "Vụ ly dị giữa Moskva và Kiev hoàn tất ở nhà thờ Chính Thống giáo".

Theo Libération, giáo chủ Chính Thống giáo Constantinople sắp chuẩn y thành lập giáo hội Chính Thống giáo Ukraine độc lập. Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, một bộ phận các tín đồ Chính Thống giáo Ukraine ngày càng cảm thấy không chịu đựng được sự lệ thuộc vào thượng phụ Nga, người bị cho là quá thân cận với Kremlin.

Libération nhận xét : "Kiev hoàn thiện việc thoát Moskva. Sau vụ ly dị chính trị năm 2014, Ukraine đang chuẩn bị có được độc lập về tôn giáo. Sau cuộc họp thượng hội đồng giáo hội Chính Thống giáo tại Istanbul từ ngày 9 đến 11/10, giáo chủ Chính Thống giáo Bartholomé đệ nhất sẽ chính thức trao quyền độc lập cho giáo hội Chính Thống giáo Ukraine.

Libération điểm lại : "Giáo hội Chính Thống giáo Ukraine bị lệ thuộc vào Moskva từ thế kỷ thứ 16, vấn đề độc lập đã được đặt ra từ hơn một thế kỷ nay. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Chính Thống giáo Ukraine lại nổi dậy đòi ly khai với sức sống mới, nhưng luôn vấp phải sự từ chối của giáo hội Nga. Cuộc xung đột giữa hai nước, việc sáp nhập Crimea và cuộc nội chiến trong vùng Donbass là những xúc tác thúc đẩy tiến trình đòi độc lập của giáo hội Ukraine".

Vị thượng phụ Nga lại là người thân cận với điện Kremlin trong khi mà Nga giờ đây là kẻ thù của Ukraine. Theo Libération, ở một số làng Ukraine, các linh mục lệ thuộc vào Moskva còn từ chối không làm lễ tang cho những người Ukraine chết trong cuộc chiến chống phe ly khai do Nga hậu thuẫn.

Việc chia tay giữa giáo hội Chính Thống giáo Nga và Ukraine sẽ đánh dấu sự đoạn tuyệt toàn bộ giữa hai láng giềng nay đang là kẻ thù không đội trời chung. Đây là một sự kiện lịch sử của giáo hội Ukraine, nhưng cũng được các nhà chính trị Ukraine tận dụng phục vụ mục đích chính trị của họ. Chính tổng thống Petro Porochenko là người đã coi việc độc lập của giáo hội Chính Thống giáo Ukraine là một ưu tiên. Hồi tháng 4 năm nay, ông đích thân đến Istanbul để gặp giáo chủ Bartholomé đệ nhất để vận động, theo Libération.

Brazil ngả sang cực hữu

Chuyển qua Nam Mỹ, nhật báo Le Monde đến với cuộc bầu cử tổng thống tại Baizil bằng những quan sát đầy lo ngại trước viễn ảnh phe cực hữu dân túy có cơ lên cầm quyền. Xã luận của Le Monde dưới tựa đề Brazil, nền dân chủ bị đe dọa sau khi ở vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Brazil hôm 7/11, ứng viên Jair Bolsonaro, 63 tuổi thuộc đảng cực hữu suýt giành chiến thắng ngay vòng đầu khi được 46% phiếu.

Tại vòng 2 cuộc bầu cử vào ngày 28/10 tới, nhiều khả năng ứng cử viên dân túy cực hữu này thắng cử. Và nếu điều này xảy ra thì sẽ là một tai họa lớn cho nền dân chủ non trẻ được xây dựng từ nhiều thập kỷ qua ở đất nước lớn nhất Nam Mỹ này.

Pháp : Nouvelle Calédonie độc lập để rồi rơi vào tay Trung Quốc ?

Trở lại với chuyện thời sự của nước Pháp, vẫn trên nhật báo Libération có bài phóng sự mang tựa đề khá thú vị : "Nouvelle Calédonie : "Nếu đồng ý, ta sẽ thành thuộc địa của Trung Quốc".

Bài báo đề cập đến sự kiện trong vòng chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của quần đảo thuộc lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại chỉ có 300 nghìn dân.

Phóng viên của Libération đã có một ngày chứng kiến các chiến dịch vận động ở nhiều nơi trên hòn đảo thuộc các phe ủng hộ và chống Nouvelle Calédonie đòi quy chế độc lập Pháp. Libération ghi nhận đây là cuộc bỏ phiếu mang cả những lo sợ và hy vọng của người dân ở đây.

Các cuộc tranh cãi về việc độc lập hay ở lại trong lòng nước Pháp đang diễn ra rất gay gắt trong người dân cũng như trong chính quyền địa phương. Những người phản đối tách Nouvelle Caledonie ra khỏi Pháp thì lấy ví dụ quần đảo Vanuatu láng giềng, đã tách ra độc lập từ năm 1980 để khẳng định : nếu độc lập thì chỉ 10 năm nữa Nouvelle Caledonie sẽ lại trở thành thuộc địa của Trung Quốc như họ đã nhanh chân nhảy vào quần đảo Vanuatu.

Các nước Châu Âu có nên sợ Trung Quốc ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong một bài báo ngắn Les Echos trích dịch của tuần báo The Economist với câu hỏi : Các nước Châu Âu có nên dè chừng Trung Quốc ? Câu trả lời của The Economist là không đến nỗi phải sợ nhưng phải thận trọng. Một số dự án của Trung Quốc ít nhiều cũng có lý. Khác với Nga, Bắc Kinh không định phá vỡ nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu. Một số nước còn thậm chí nhìn thấy ở Trung Quốc như một "đối trọng hữu ích" trước một nước Mỹ không lường. Tuy nhiên các nước Châu Âu có nhiều điểm chung với Mỹ hơn là với Trung Quốc. Hơn nữa Bắc Kinh sử dụng quy định thống nhất toàn thể của Liên Âu cho mục đích chia rẽ các nước Châu Âu để ngăn chặn các nghị quyết bất lợi cho họ trên hồ sơ nhân quyền.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 402 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)