Phương Tây, đi đầu là Mỹ, lập liên minh tình báo chống Trung Quốc (RFI, 12/10/2018)
Âm thầm nhưng kiên quyết, từ đầu năm 2018 đến nay, năm quốc gia trong nhóm Five Eyes (Năm con mắt) - mạng lưới chia sẻ tình báo hàng đầu thế giới hiện nay bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand - đã gia tăng trao đổi thông tin mật với nhiều nước cùng chí hướng về hoạt động đối ngoại của Trung Quốc.
Phòng theo dõi thông tin, Trung tâm Truyền thông Chính Phủ, một cơ quan tình báo Anh Quốc, Cheltenham. (Ảnh chụp ngày 17/11/2015) Ben Birchall / POOL / AFP
Thông tin này vừa được hãng tin Anh Reuters tiết lộ hôm 12/10/2018, dựa theo bảy quan chức cao cấp thuộc bốn thủ đô khác nhau.
Nhiều quan chức xin ẩn danh do tính chất nhạy cảm của thông tin được tiết lộ, đã cho rằng đà tăng cường hợp tác giữa các nước có liên quan đã lên đến mức mà người ta có thể nói rằng hoạt động của Nhóm Five Eyes đã mặc nhiên được mở rộng trên vấn đề cụ thể là các hành vi can thiệp của nước ngoài, mà trước tiên hết là của Trung Quốc.
Một quan chức Mỹ đã xác nhận với Reuters rằng : "Các cuộc tham vấn với các đồng minh của chúng tôi, với các đối tác cùng chí hướng với chúng tôi, về cách ứng phó với chiến lược quốc tế quyết đoán của Trung Quốc đã trở nên thường xuyên và ngày càng phát triển".
Hợp tác ngày càng tăng với Đức, Nhật, Pháp…
Đối với quan chức này thì "Những cuộc thảo luận thoạt đầu chỉ mang tính chất chuyên biệt giờ đây đã trở thành những buổi tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chi tiết hơn về cách thức hành động và cơ hội tiếp tục đẩy manh hợp tác".
Theo Reuters, hợp tác ngày càng tăng giữa 5 thành viên nhóm Five Eyes, với những nước như Đức, Nhật Bản, và cả Pháp trong một số trường hợp, cho thấy sự mở rộng của một mặt trận quốc tế chống lại các chiến dịch tăng cường ảnh hưởng và đầu tư của Trung Quốc.
Trong thời gian qua, trước những phản ứng càng lúc càng mạnh từ phía Washington, Canberra và nhiều thủ đô khác, Bắc Kinh đã gay gắt bác bỏ các cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tác động đến các chính phủ nước ngoài, và các khoản đầu tư hải ngoại của Bắc Kinh đều nhằm ý đồ chính trị.
Theo thẩm định của Reuters, việc mạng lưới Five Eyes tăng cường phối hợp hành động đã nêu bật vai trò của Mỹ. Bất chấp những tín hiệu từ tổng thống Mỹ Donald Trump theo đó ông đã sẵn sàng đơn thương độc mã đối đầu với Trung Quốc, các thành viên trong chính quyền của ông đang nỗ lực làm việc để hình thành một liên minh không chính thức để chống lại Bắc Kinh.
Bắc Kinh thất bại trong việc lôi kéo Châu Âu bỏ Mỹ theo Tầu
Đối với Trung Quốc thì đó là một vố đau, xóa tan hy vọng của Bắc Kinh về việc thuyết phục các nước Châu Âu rời xa Mỹ để xích lại gần Trung Quốc hơn, trong bối cảnh các nước Châu Âu đang bất an trước chính sách "nước Mỹ trên hết" của tổng thống Trump.
Theo các quan chức đã đồng ý trả lời hãng Reuters, thì các cuộc đàm phán đã diễn ra một cách kín đáo, và chủ yếu trên cơ sở song phương. Không quan chức nào xác nhận việc Đức, Nhật Bản hay các quốc gia khác ngoài mạng lưới Five Eyes đã được mời đến các cuộc họp của liên minh tình báo, được thành lập sau Thế Chiến Thứ II để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô.
Thế nhưng, một thông báo công bố sau một cuộc họp của nhóm Five Eyes tại Úc vào cuối tháng Tám vừa qua, đã gợi lên một sự phối hợp chặt chẽ hơn, xác định rằng nhóm Năm Con Mắt sẽ sử dụng đến các "quan hệ đối tác toàn cầu" và đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin về các hoạt động can thiệp của nước ngoài.
Như vậy là một liên minh quốc tế chống các thủ đoạn của Trung Quốc xen vào nội tình các nước khác đang được hình thành, nối tiếp theo một loạt những hành động ở cấp quốc gia - ở Mỹ, ở Đức, ở Úc… - nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ nhạy cảm và chống lại những điều mà một số chính phủ cho là một chiến dịch ngày càng mạnh đang được chế độ Tập Cận Bình phát triển, để lũng đoạn các chính phủ và xã hội nước ngoài theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
********************
FBI : Trung Quốc là mối đe dọa phản gián lớn nhất của Mỹ (VOA, 11/10/2018)
Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch chưa từng có nhằm ảnh hưởng công luận Mỹ trong khi các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 đang tới gần và đề ra mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với Mỹ, các quan chức an ninh Mỹ cảnh báo hôm 10/10.
Giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu trong một phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa & Sự vụ Chính phủ của Thượng viện Mỹ, trong Điện Capitol, ngày 10 tháng 10, 2018.
Các thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban An ninh Nội địa đã chất vấn Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen và Giám đốc FBI Christopher Wray về tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang can thiệp vào bầu cử Mỹ. Các Thượng nghị sĩ cũng muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi Bắc Kinh và Moscow bên nào là mối đe dọa lớn hơn cho Hoa Kỳ.
Bà Nielsen nói với Ủy ban rằng có hai hình thức đe dọa đối với an ninh bầu cử Mỹ từ các quốc gia khác : tấn công tin tặc hoặc gây gián đoạn cơ sở hạ tầng bầu cử, bao gồm danh sách đăng kí cử tri hoặc máy bỏ phiếu, và ảnh hưởng đến các chiến dịch tranh cử.
"Trung Quốc đang thực hiện một nỗ lực chưa từng có để ảnh hưởng đến công luận ở Mỹ", bà Nielsen nói. "Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy bất kì nỗ lực nào của Trung Quốc xâm nhập cơ sở hạ tầng bầu cử".
Ông Wray đi xa hơn khi được hỏi liệu chăng Trung Quốc đề ra mối đe dọa lớn hơn Nga. Các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang là nội dung của cuộc điều tra liên bang rộng lớn trong đo có việc xác định xem liệu Moscow có thông đồng với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không.
"Trung Quốc về nhiều mặt là mối đe dọa về phản gián lớn nhất, phức tạp nhất, lâu dài nhất mà chúng ta phải đối mặt", ông Wray nói. "Nga đang cố gắng tìm lại vị thế sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Họ đang chiến đấu trong cuộc chiến của ngày hôm nay. Trung Quốc đang chiến đấu cuộc chiến của ngày mai".
Tháng trước, Tổng thống Trump tố cáo Trung Quốc tìm cách can thiệp bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 tới đây và nói rằng Bắc Kinh không muốn đảng Cộng hòa dành được ưu thế vì quan điểm của ông Trump về vấn đề thương mại với Trung Quốc.
"Trung Quốc đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử 2018 vào tháng 11 sắp tới của chúng ta. Chống lại chính quyền của tôi", ông Trump phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ông Trump không nhắc tới nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và cũng không đưa ra bằng chứng nào cho lời tố cáo chống lại Trung Quốc vốn bị Bắc Kinh bác bỏ ngay lập tức trong cuộc họp ấy.
Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này, cũng như Nga đã nhiều lần làm vậy. Ông Trump bác chuyện ban vận động của ông có thông đồng với người Nga để khuynh đảo cuộc bầu cử đưa ông vào Nhà Trắng.
********************
Mỹ giới hạn xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Trung Quốc (RFI, 12/10/2018)
Viện lý do an ninh quốc gia, bộ Năng Lượng Hoa Kỳ ngày 11/12/2018 ra thông cáo hạn chế chuyển giao công nghệ hạt nhân sang Trung Quốc. Washington lo ngại Bắc Kinh khai thác "bất hợp pháp" các công nghệ của Mỹ nhằm phục vụ mục đích quân sự.
Bộ trưởng bộ Năng Lượng Mỹ Rick Perry trả lời phỏng vấn Reuters tại Moskva, Nga, ngày 14/09/2018. Reuters/Dmitry Madorsky
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, một quan chức bộ Năng Lượng Mỹ cho biết, các vụ đánh cắp bằng sáng chế của Mỹ do Trung Quốc tiến hành ngày càng nhiều. Do vậy, trong thông cáo, bộ trưởng Năng Lượng Hoa Kỳ Rick Perry nói rõ : "Vì an ninh quốc gia (...), Hoa Kỳ không thể làm ngơ trước lối hành xử của Trung Quốc".
Cụ thể hơn, quyết định của Hoa Kỳ có hiệu lực "ngay lập tức", nhưng chỉ nhắm vào những giấy phép hoạt động sắp được các tập đoàn của Mỹ với các đối tác Trung Quốc ký, hay trong một số trước hợp đang bị giới chức Hoa Kỳ cứu xét. Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ nêu đích danh trường hợp của tập đoàn điện lực China General Nucleair Power Group đang bị khởi tố vì "âm mưu đánh cắp công nghệ hạt nhân của Mỹ".
Năm 2017, các hoạt động chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc đã cho phép các tập đoàn Mỹ thu về 170 triệu đô la. Sau Anh Quốc, Trung Quốc là thị trường lớn thứ nhì của các công ty năng lượng Mỹ. Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ ý thức được rằng, quyết định vừa đưa ra ngày hôm qua, sẽ "gây thiệt hại" trong ngắn hạn cho các tập đoàn điện lực của Mỹ. Nhưng Washington giải thích là về lâu dài, việc ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ sẽ hữu ích đối với "xã hội Mỹ, người lao động Mỹ".
Theo các nhà quan sát, năng lượng là một chiêu bài mới của chính quyền Trump để tấn công Trung Quốc. Quyết định giới hạn chuyển giao công nghệ hạt nhân được đưa ra sau khi Washington tố cáo Bắc Kinh chà đạp nhân quyền, quân sự hóa Biển Đông và can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Thương mại : Trung Quốc vẫn thặng dư so với Mỹ
Trên mặt trận thương mại, dù cuộc đọ sức giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gay gắt, cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn vận hành tốt. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 09/2018 tăng 14,5 %, thay vì 9,8 % như một tháng trước đó. Nhập khẩu của Trung Quốc có chựng lại. Riêng với Hoa Kỳ, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đạt 34,13 tỷ đô la, cao hơn 3 tỷ so với hồi tháng 08/2018. Trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ 225,79 tỷ đô la, tăng 13 % so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Thanh Hà
*********************
Mỹ siết chặt việc Trung Quốc nhập khẩu công nghệ hạt nhân (VOA, 12/10/2048)
Hoa Kỳ siết chặt kiểm soát việc Trung Quốc nhập khẩu công nghệ hạt nhân dân sự để ngăn ngừa việc sử dụng cho quân sự và các mục đích không được phép khác, Bộ Năng lượng Mỹ loan báo ngày 11/10.
Mỹ siết chặt việc Trung Quốc nhập khẩu công nghệ hạt nhân - Hình minh hoạ.
Washington đưa ra loan báo này một ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã bắt giữ và truy tố một gián điệp làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc với cáo buộc gián điệp kinh tế. Bộ Tư pháp nói đặc vụ người Trung Quốc Xu Yanjun cũng tìm cách đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty hàng không và vũ trụ của Mỹ. Bắc Kinh bác các cáo buộc này.
Bắt đầu từ năm ngoái, Hội đồng An ninh Quốc gia dẫn đầu cuộc đánh giá các nỗ lực của Trung Quốc trong việc thu thập nguyên liệu hạt nhân, thiết bị và công nghệ tiên tiến từ các công ty Mỹ, các giới chức chính phủ cho báo giới biết ngày 11/10.
Cuộc đánh giá này xuất phát từ việc Trung Quốc tăng cường nỗ lực thủ đắc tài sản trí tuệ của Mỹ, họ cho biết thêm.
Chính sách mới loan báo hôm nay có hiệu lực tức thời, đề ra hướng dẫn cho việc đánh giá lại mọi sự chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc hiện nay và trong tương lai.
Xuất khẩu hạt nhân của Mỹ sang Trung Quốc lên tới 170 triệu đô la trong năm ngoái.
*****************
Mỹ hạn chế công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc (BBC, 12/10/2018)
Chính phủ Mỹ hôm thứ Năm 11/10 áp đặt hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự cho Trung Quốc, vì cho rằng Bắc Kinh có thể dùng cho mục tiêu tăng cường quân sự.
Nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu công nghệ hạt nhân
Trung Quốc là một trong các thị trường cần nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện năng.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry ra tuyên bố : "Hoa Kỳ không thể bỏ qua ảnh hưởng an ninh quốc gia từ việc Trung Quốc cố gắng tìm kiếm công nghệ hạt nhân bên ngoài thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ - Trung".
Đây là biện pháp mới nhất trong nỗ lực gây sức ép của Mỹ với Trung Quốc, sau khi chính phủ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Bộ Năng lượng Mỹ nói sẽ không ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng sẽ có thêm biện pháp kiểm tra.
Năm 2017, Allen Ho, 66 tuổi, một công dân Mỹ sinh ra ở Đài Loan, bị Mỹ kết án tù 24 tháng sau khi nhận tội tham gia việc phát triển trái phép chất liệu hạt nhân ngoài lãnh thổ Mỹ.
Allen Ho bị buộc tội tìm kiếm các chuyên gia hạt nhân ở Mỹ để nhờ giúp đỡ cho Trung Quốc.
Cáo trạng của Mỹ ra năm 2016 liên quan ông Allen Ho và Tổng Công ty năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGNPC).
Vào thời điểm cáo trạng đưa ra, ông Ho là kỹ sư hạt nhân, đóng vai trò tư vấn viên cho CGNPC.
Cáo trạng nói dưới chỉ đạo của CGNPC, ông Ho tìm kiếm, tuyển mộ các chuyên gia sống ở Mỹ trong ngành hạt nhân dân sự để trợ giúp kỹ thuật cho CGNPC ở Trung Quốc.
Thống kê chính thức cho hay năm 2017, Mỹ xuất khẩu hạt nhân trị giá 170 triệu đôla sang Trung Quốc.
Theo một báo cáo 2017 của bộ thương mại Mỹ, Trung Quốc là thị trường thứ hai của các công ty hạt nhân Mỹ, chỉ sau Anh quốc.