Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/10/2018

Điểm báo Pháp - Có nên tin Macron, MBS và Tập Cận Bình ?

RFI tiếng Việt

Tuần báo Pháp : Có nên tin Macron, MBS và Tập Cận Bình ?

Tổng thống Pháp, thái tử nối ngôi của Saudi Arabia và chủ tịch Trung Quốc là ba nhân vật nổi bật của thời sự trong tuần qua và báo chí quốc tế.

CHINA-FRANCE-DIPLOMACY

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 09/01/2018 tại Bắc Kinh - Ảnh © Ludovic Marin / AFP

Các tạp chí Pháp cuối tuần gửi đến độc giả một góc nhìn công kích không khoan nhượng đối với các nhà lãnh đạo này cho dù vì những lý do khác nhau. Kế hoạch của Nga chiếm Belarus, dân Brazil mê cực hữu, hư thực ra sao ?

Interpol, Tân Cương, Vatican : nghi vấn và căng thẳng

Sự kiện Mạnh Hoành Vĩ, cán bộ Trung Quốc làm giám đốc Interpol bị Bắc Kinh buộc phải từ chức và giam giữ là dấu hỏi lớn về khả năng của Trung Quốc điều hành các tổ chức quốc tế nếu được trao trách nhiệm.

Đó là nhận định của báo Hồng Kông South China Morning Post, một trong ba bài báo về Trung Quốc được Le Courrier International tuyển chọn. Tất cả các chuyên gia Tây phương, kể cả người cộng tác với đại học Bắc Kinh đều cho là "thái độ trên đây của Bắc Kinh đã gây ra một cơn địa chấn trong cộng đồng quốc tế, củng cố lập trường từ trước đến nay vẫn cho rằng chế độ Trung Quốc chưa sẵn sàng điều hành một cơ quan quốc tế. Thế mà, hiện nay, một số quan chức Trung Quốc đang nắm các chức vụ quan trọng trong Ngân Hàng Thế Giới và một số cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc.

Theo bà Abigail Grace, chuyên gia của Trung Tâm An Ninh Châu Á Thái Bình Dương (Mỹ), vụ Mạnh Hoành Vĩ gây ra mối lo ngại về tính độc lập của các viên chức người Trung Quốc. Không một cán bộ Trung Quốc nào trong các định chế quốc tế có thể thoát khỏi kỷ luật của đảng cộng sản Trung Quốc.

Trước khi chỉ huy cảnh sát quốc tế Interpol, Mạnh Hoành Vĩ là thứ trưởng công an đặc trách chống khủng bố, buôn lậu, kiểm soát biên giới… Giới bảo vệ nhân quyền đã báo động ngay từ đầu là Bắc Kinh có thể lợi dụng vai trò của Mạnh Hoành Vĩ để truy bắt các nhà ly khai hay công dân trốn ra nước ngoài. Đây mới là mục đích "thật" của chế độ Tập Cận Bình. Trích lời một nhà nghiên cứu người Trung Quốc, đại học Hồng Kông, South China Morning Post tiên đóan : Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy trong những ngày tới có thêm nhiều người bị bắt về tội tham ô.

Kiểm soát tín ngưỡng là chủ đề thứ hai với ba bài báo : Quan hệ Trung Quốc-Tòa Thánh Vatican trên báo Đài Loan Taiwan Apple Daily ; Tập Cận Bình muốn kiểm soát tất cả, trên Apple Daily của Hồng Kông ; và Phản đối chính sách cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tóm lược phản ứng của báo chí thế giới từ Mỹ, Pakistan, Bangladesh cho đến Indonesia.

Trong hồ sơ Tân Cương, thông tin người Duy Ngô Nhĩ bị cải tạo tập thể gây chấn động công luận các nước Hồi Giáo. Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia phải thuê một trang của Jakarta Post để đăng bức thư với tựa : Tân Cương, vùng đất tuyệt vời.

Về đạo Thiên Chúa, theo báo Đài Loan, thỏa thuận Bắc Kinh- Vatican về bổ nhiệm giám mục là mô hình trong quan hệ Vatican với Việt Nam, nơi cũng do một đảng cộng sản nắm quyền. Do vậy, có ba lý do theo đó Đài Loan không nên lo sợ bị Vatican bỏ rơi. Thứ nhất, 20 năm sau khi Tòa Thánh và Hà Nội đạt được thỏa thuận, hai bên vẫn chưa thiết lập bang giao. Mặc khác, Đức Giáo Hoàng rất quan tâm đến vấn đề đàn áp tôn giáo.

Cho dù đồng thuận trong việc phong giám mục nhưng liệu giáo hội thầm lặng, trung thành với Vatican, có cơ hội để hoạt động công khai ? Giáo hội nhà nước có nhìn nhận sự hy sinh của những linh mục chết trong tù đày, tra tấn ? Thứ ba là chế độ gia tăng trấn áp các tổ chức tôn giáo mà nhiều linh mục của Giáo hội thầm lặng biệt tích trong các nhà giam bí mật.

Cùng quan điểm với đồng nghiệp Đài Loan, Apple Daily của Hồng Kông khẳng định : chủ tịch Tập Cận Bình dứt khoát đặt các sinh hoạt tôn giáo trong bàn tay kiểm soát của ông ta. Do vậy, ngày 01 tháng 02 năm 2018, đạo luật về "tôn giáo vụ" nhằm đàn áp Giáo hội thầm lặng bắt đầu được áp dụng, đòi hỏi giáo dân phải tôn vinh "giá trị xã hội chủ nghĩa".

Chuyên gia Nga đề xuất phương án "thâu tóm" Belarus từ nay đến 2050

Một quyển sách gồm các bài viết của các chuyên gia Nga do Điện Kremlin tài trợ gây chấn động các nhà đối lập tại Belarus. Đồng minh Nga dường như muốn chấm dứt tình trạng độc lập của xứ sở của tổng thống Lukachenko. Báo chí Ba Lan báo động.

Theo Polityka, với tựa "Thế giới thế kỷ 21", tác giả là các chuyên gia của trường ngoại giao Nga MGIMO đề xuất : Moskva phải chiếm Belarus vào năm 2050 theo mô hình sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

MGIMO cũng dự kiến phương án B : nếu tổng thống Lukachenko tỏ thái độ bất trung với Nga, hay trường hợp quân đội các nước phương tây xuất hiện tại Belarus thì Nga phải lập tức can thiệp quân sự.

Bị giới đối lập Belarus phát hiện, MGIMO lập tức rút bản in "Thế giới thế kỷ 21" trên mạng và biện minh đây chỉ là ý kiến của các tác giả. Tuy nhiên, theo báo Polityka, từ nhiều tháng nay, tổng thống Belarus nhiều lần cảnh báo "nền độc lập bị đe dọa". Kinh tế suy yếu là mối lo lớn nhất.

Trong một chỉ thị gửi công chức hồi mùa Hè, Lukachenko kêu gọi không được buông tay đầu hàng : "nếu chúng ta không thực hiện được các kế hoạch đề ra thì chúng ta sẽ thua. Belarus sẽ bị sáp nhập vào một nước khác, hoặc bị gót giày kẻ khác dẫm nát". Tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên quân đội Belarus tập trận với quy mô chưa từng thấy, theo kịch bản chống một lực lượng ngoại nhập có xe tăng và máy bay, từ "phía đông", tiến vào thủ đô chiếm các cơ quan nhà nước. Giới đối lập đặt câu hỏi "binh sĩ nước nào có máy bay" ?

MBS : Bạo chúa Riyadh

"Saudi Arabia : Nhà độc tài Riyadh, kẻ bán ảo tưởng" là chủ đề đánh động công luận của tuần báo Le Courrier International, phổ biến một loạt bài xã luận của báo chí Mỹ, Anh cho đến Trung Đông nhận định về trách nhiệm của thái tử Mohamed Ben Salman, hay MBS, trong vụ "mất tích" bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi ngay trong tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul.

Trong nhiều tháng, thái tử MBS, 37 tuổi, tạo cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo "cởi mở" qua một chiến dịch quảng cáo tốn kém ở Tây phương : nào là xây rạp ciné, phụ nữ được quyền lái xe, xem đá bóng. Thế rồi một sớm một chiều, ảo ảnh này tan biến. Nghi án ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi ngay trong lãnh sự quán tại Istanbul ngày 02/10/2018 đã làm mặt nạ của thái tử MBS rụng rơi.

Vài tháng trước khi mất tích, nạn nhân đã báo động công luận Tây phương đang "say mê" thái tử MBS bằng nhận định có giá trị tiên tri : không một tiếng nói độc lập, một ý kiến khác biệt nào được cho phép". Trong một bài dài, Newsweek "lật mặt nạ" của kẻ được gọi là mặt ngoài "đi quyến rũ" Tây phương, còn bên trong thì đàn áp đối lập nhưng lại dung thứ al-Qaida. Báo The Atlantic nói rõ hơn : MBS đang theo con đường của Saddam Hussein.

Trong khi đó, báo chuyên đề tình hình Trung Đông Middle East Eye ở Luân Đôn dành cho nhà báo độc lập Jamal Khashoggi "một người Saudi Arabia đặc biệt". Tuy mới sang Mỹ lưu vong từ năm 2017, năm đầu nhiệm kỳ của Donald Trump nhưng ông nói thẳng : Donald Trump mới là mối đe dọa chính của Saudi Arabia, đe dọa các giếng dầu hỏa của chúng tôi.

David Hearst, tác giả bài báo phê phán tổng thống Donald Trump là một kẻ tồi. Nếu Donald Trump không đắc cử thì Jamal Khashoggi không chết. Bởi vì, Donald Trump ba lần cố ý sỉ nhục thái tử Saudi Arabia để chứng tỏ mình có uy thế "muốn nói gì thì nói". Ba lần MBS đều thản nhiên. Nhà độc tài Riyadh biết rõ được Donald Trump hậu thuẫn nên "muốn làm gì thì làm".

The Washington Post tỏ ra thông cảm với thái tử MBS. Đợt thanh trừng hơn một chục hoàng tử hồi đầu năm là một tín hiệu tốt. Lần đầu tiên hoàng phải được đối xử như một thường dân. Vương triều cần được cải cách, phải ngăn chận lòng tham không đáy của dòng họ nội ngoại nhà vua tóm thu kinh tế và… sẵn sàng gây khuynh đảo.

Thế nhưng, hơn một chục nhà trí thức cũng bị bắt giam để làm gì ? Tháng hai năm nay, nhà báo Jamal Khashoggi khuyên thái tử MBS nên học tính khiêm tốn, lắng nghe thần dân của nữ hoàng Anh Elizabeth II. The Washington Post nhắc lại giai thoại này và nhấn mạnh : khiêm cung là phương pháp hay nhất để được kính trọng. Được kính trọng thì sẽ thành công.

Dân Pháp chán tổng thống 40 tuổi

Không hẹn mà nên, cả ba tạp chí Pháp đều đăng chân dung chủ nhân Điện Elysée. Thật ra, không phải vì ngẫu nhiên bởi vì đã 10 ngày qua, chính phủ Pháp không có bộ trưởng Nội Vụ, cũng không tìm đủ nhân sự hội đủ các điều kiện phức tạp để cải tổ nội các, bị xem là cần một "luồng gió mới". Vì sao nên nỗi ?

Người Pháp nghĩ gì về tổng thống của mình ? Trẻ, ngạo mạn, xa rời thực tế… theo thăm dò của L’Express. Tuần báo cánh tả L’Obs, Người quan sát, tham khảo ý kiến của 6 nhà phân tâm học về lý do khiến hào quang tổng thống mờ nhạt.

Xin trích ba nhận xét : ông ấy đắc cử do cử trị bị "tiếng sét ái tình", mà bởi định nghĩa, tiếng sét thì mau tàn. Ý kiến thứ hai : Macron quyến rũ nhờ có sức thu hút mãnh liệt. Nhưng quyến rũ có đặc tính là khi nhìn lại thì chỉ thấy xảo thuật. Nhà phân tâm học thứ ba không trả lời thẳng mà đặt câu hỏi : Dân Pháp bầu ai ? Bầu một người chăm lo tạo công ăn việc làm cho dân hay bầu người "lên giọng dạy khôn" người thất nghiệp ?

Le Point, khác với các đồng nghiệp, không phê phán tổng thống nhưng tìm hiểu vì sao các chính khách hàng đầu quốc gia bám chặt ghế lãnh đạo chính quyền địa phương thay vì về Paris làm bộ trưởng.

Syria : Cuộc truy nã thủ lĩnh Daesh

Cũng Le Point, tuần này đưa độc giả sang Syria theo chân một đơn vị Kurdistan do Tây phương hậu thuẫn truy nã thủ lĩnh Daesh, Abou Bakr al-Baghdadi.

Năm nay 47 tuổi, kẻ tự xưng là lãnh đạo vương triều Hồi giáo đang cùng tàn quân tử thủ ở Hadjin, gần biên giới Syria và Iraq. Vòng vây của quân đội Iraq, Syria, lực lượng quốc tế đang siết chặt căn cứ và lực lượng trung thành cuối cùng, khoảng 3.000 tay súng.

Hàng trăm thiếu nữ, phụ nữ sắc tộc Yazidi bị bắt theo làm nô lệ tình dục, giam giữ đâu đó trong thành phố 35.000 ngàn dân với nhiều ngõ ngách hiểm trở dễ phòng thủ.

Khát vọng thay đổi của dân Brazil

Brazil, quốc gia lớn và đông dân nhất Nam Mỹ có xác suất trở lại thời chế độ quân sự. Câu hỏi then chốt là vì sao cực hữu thu hút được cử tri Brazil ?

Theo báo Folha de Sao Paulo, trước hết, ứng cử viên Bolsonaro và đối thủ cánh tả Haddad chủ trương hai dự án hoàn toàn đối chọi nhau.

Nếu Haddad đắc cử, Brazil sẽ được cai trị theo một mô hình Lula không có Lula. Tức là Nhà Nước phục vụ đảng Người Lao Động và còn quy mô hơn 12 năm của tổng thống Lula và tổng thống bị truất phế Dilma Rousseft. Tất cả các định chế quốc gia, từ Quốc hội, Tư pháp, cho đến các tổ chức phi chính phủ, đều nằm trong tay tổng thống qua trung gia các cơ quan bình phong sẽ được khẩn cấp lập ra.

Về phần Bolsonaro, ứng cử viên bảo thủ đề nghị một cương lĩnh kinh tế, chính trị cánh hữu mà cử tri chưa từng thấy trong suốt ba nhiệm kỳ của phe tả. Cụ thể là nhận trách nhiệm lãnh đạo, nhưng không xóa chế độ tam quyền phân lập, cam kết không sử dụng guồng máy nhà nước kềm chế xã hội như cách cái trị của đảng Người Lao Động. Đây cũng là hoài bảo chính trị, kinh tế và giá trị truyền thống của một tầng lớp dân chúng. Do vậy, họ sẵn sàng bỏ phiếu cho Jair Bolssonaro ở vòng hai.

Côn trùng và vũ khí sinh học

Trong lãnh vực khoa học, một khám phá mới về côn trùng có thể sẽ bị Lầu Năm góc khai thác thành vũ khí. Thoạt đầu, chương trình nghiên cứu với ngân sách 27 triệu đô la của Bộ Quốc phòng Mỹ có mục đích gắn "siêu vi đổi gen" có khả năng giúp rau quả "đổi gen chống các bệnh truyền nhiễm và biến đổi khí hậu".

Nhưng theo L’Express, một nhóm khoa học gia Pháp Đức, trong một bức thư công bố trên tạp chí Science ngày 04/10 báo động "khả năng siêu vi vượt tầm kiểm soát", và nguy cơ bị sử dụng như vũ khí sinh học.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 505 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)