Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/10/2018

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc : trò cười quốc tế

Tổng hợp

Hội đồng Nhân quyền : Nhiều thành viên mới bị tố "thiếu tư cách" (RFI, 13/10/2018)

Ngày 12/10/2018, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu 18 thành viên mới (trên tổng số 47 thành viên) của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2019 -2021. Nhiều tổ chức nhân quyền đã chỉ trích việc sáu nước Philippines, Bangladesh, Bahrein, Cameroon, Eritrea, Somalia được bầu vào hội đồng, bị coi là "một điều nực cười".

onu1

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc tại Genève. Ảnh : Liên Hiệp Quốc Photo ONU

Các thành viên mới được bầu theo tỉ lệ 5 thành viên thuộc các quốc gia Châu Phi (Burkina Faso, Cameroon, Eritrea, Somalia, Togo), 5 thành viên ở Châu Á - Thái Bình Dương (Bahreïn, Bangladesh, Fidji, Ấn Độ, Philippines), 2 thành viên Đông Âu (Bulgaria, Cộng Hòa Czech), 3 thành viên Mỹ Latinh và Caribbean (Argentina, Bahamas, Uruguay) và 3 thành viên cho khu vực Tây Âu và các nước khác (Áo, Đan Mạch, Ý).

Tất cả 18 thành viên trên, kể cả Philippines, Bangladesh, Bahrein, Cameroon, Eritrea, Somalia, đều đạt được số phiếu cao hơn nhiều so với số phiếu cần thiết theo quy định của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, trong một thông cáo, nhiều tổ chức nhân quyền của Châu Âu, Mỹ và Canada như Human Rights Watch, UN Watch, Human Rights Foundation, Raoul Wallenberg Center for Human Rights... cho rằng sáu nước nói trên "không đủ tư cách" để đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vì Philippines, Bangladesh, Bahrein, Cameroon, Eritrea, Somalia đều là các quốc gia đạt kết quả yếu kém trong lĩnh vực nhân quyền.

Thùy Dương

*****************

Thành viên nhân quyền mới của LHQ bị chỉ trích (BBC, 13/10/2018)

Các nước bị chỉ trích 'lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng' nằm trong 18 nước thành viên mới được bầu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

onu2

Cuộc bầu cử thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tại trụ sở chính ở New York

Các nhà vận động đã kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc phản đối Philippines và Eritrea ra ứng cử và nói rằng sự lựa chọn Bahrain và Cameroon làm dấy lên "những quan ngại sâu sắc".

Hoa Kỳ đã rời Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Sáu, nói rằng cơ quan này là một sự nhạo báng nhân quyền. Nhưng những người ủng hộ nói cơ quan này thực hiện các hoạt động bảo vệ nhân quyền quan trọng trên toàn thế giới.

Các quốc gia thành viên có thể phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ ba năm, ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York đã phê chuẩn các thành viên mới trong một cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu 12/10. Lần đầu tiên trong lịch sử của hội đồng, năm khu vực bỏ phiếu đã giới thiệu số ứng viên tương ứng với số ghế đang trống, do đó không có bất kỳ sự cạnh tranh nào.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) Louis Charbonneau gọi cuộc bầu cử này là "một sự nhạo báng" trong một bài đăng trên Twitter.

HRW cho rằng cuộc đàn áp tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là "một sự điên cuồng giết chết hàng ngàn người". Và rằng chính quyền Eritrea đã bức hại và giam giữ những người chỉ trích chính phủ.

Chính phủ Philippines trước đó đã bác bỏ các cáo buộc về các vụ lạm dụng nhân quyền, nói rằng Tổng thống Duterte đã sử dụng "vũ lực một cách hợp pháp" chống lại các mối đe dọa cho đất nước. Eritrea cũng bác bỏ những cáo buộc đó, và nhấn mạnh rằng chính quyền nước này đối xử tốt với công dân của mình.

HRW cũng chỉ trích Bahrain, cho rằng nước này đã bỏ tù các nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng như Nabeel Rajab. Ông Rajab đã ngồi tù nhiều năm kể từ khi trở thành thủ lĩnh trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2011. Bahrain khẳng định các bản án hình sự của họ độc lập và minh bạch.

Ở Cameroon, HRW cho biết các quân đội của chính phủ và những người ly khai có vũ trang đã "lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng". Chính phủ bác bỏ cáo buộc này.

Vào tháng Sáu, một phát ngôn viên của chính phủ Cameroon đã bác bỏ những cáo buộc tương tự của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng đó là "những lời dối trá bẩn thỉu" nhằm gây bất ổn cho đất nước.

Quay lại trang chủ
Read 477 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)