Việt Nam vận động tái cử Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và có thể phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về tự do công đoàn
"Việt Nam vận động tái cử Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và có thể phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về tự do công đoànLiên Hiệp Quốc, là đề tài chính của Chương trình Hội luận Thứ Năm ngày hôm nay 29/02/2024 được các nhà báo, luật sư, nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam thảo luận trực tiếp bên cạnh một số sự kiện, vấn đề đáng lưu ý khác được lựa chọn trong tuần.
Nguồn : VOA, 29/02/2024
Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bất chấp các phản đối của quốc tế
RFA, 11/10/2022
Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 sau phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 11/10, bất chấp những phản đối của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế trước đó.
Phiên họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 10/10/2022 (hình minh họa) - AFP
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin nhận định rằng : "kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và cam kết mạnh mẽ cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người đã được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và tin tưởng".
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) và các nhóm về môi trường đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải thực hiện các cam kết về nhân quyền trong cương vị mới của mình. Đó là trả tự do ngay lập tức cho bốn nhà hoạt động môi trường bị Hà Nội bắt giam trong vòng hai năm qua với các cáo buộc tội trốn thuế mà quốc tế cho là vô lý.
"Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bước đầu tiên ngay lập tức mà Chính phủ Việt Nam nên làm là chứng minh cam kết về nhân quyền của mình bằng cách trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh – người nhận giải thưởng môi trường Goldman – cùng các nhà bảo vệ môi trường khác bị bỏ tù trong hai năm qua" – ông Michael Sutton – Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Goldman được trích lời trong thông cáo báo chí.
"Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, Chính phủ Việt Nam nên cho thấy là mình đã chuẩn bị để tôn trọng các quyền con người thay vì vi phạm chúng". – ông Phil Robertson, Giám đốc Phân ban Châu Á của Human Rights Watch phát biểu.
Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, một nhóm các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Article 19, Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ủy ban Luật gia Quốc tế -ICJ đã đưa ra thông cáo đòi hỏi Việt Nam phải có những cải thiện về tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng.
Theo thông cáo này, kể từ khi Hà Nội tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền vào ngày 22/2/2021, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ, hoặc bỏ tù ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và những người lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ với các tội danh như "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ", "Tuyên truyền chống Nhà nước" và "Trốn thuế" trong Bộ Luật hình sự.
Theo thống kê của RFA, kể từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt bỏ tù ít nhất 29 người với các cáo buộc như vừa nêu.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu cho 14 nước vào Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có sáu ứng cử viên cho bốn ghế. Các nước Bangladesh, Kyrgyzstan, Maldives và Việt Nam đã đánh bại hai nước khác là Nam Hàn và Afghanistan để vào Hội đồng.
Louis Charbonneau, Giám dốc của HRW tại Liên Hiệp Quốc nhận định : "Việc bầu cho các chính phủ đàn áp như Việt Nam vào Hội đồng chỉ phá hỏng uy tín của Hội đồng Nhân quyền".
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào Hội đồng là vào nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
BBC, 11/10/2022
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong phiên bỏ phiếu ngày 11/10 với 145 phiếu ủng hộ.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh : Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc
Các thành viên khác được bầu vào lần này gồm có : Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Grudia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Morocco, Romania, Nam Phi và Sudan.
Việt Nam lần thứ hai tham gia ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 - 2025 và là ứng viên duy nhất của ASEAN tham gia lần này.
Cuộc bỏ phiếu bầu 14 thành viên mới diễn ra vào hôm 11/10 tại New York.
Năm 2013, Việt Nam từng trúng cử dù sở hữu một hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
'Không đủ chuẩn'
Trong một tuyên bố hôm 10/10, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đưa ra các nhận định về tư cách Việt Nam khi tham gia ứng cử.
"Kể từ khi công bố tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 22/02/2021, Việt Nam đã giam giữ, bắt giữ, hoặc kết án ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ với các tội danh bị kết án tuỳ tiện".
HRW cáo buộc những vi phạm của Việt Nam về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu đạt.
Việt Nam đã ban hành Dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội , trước đó là Nghị định 58 để quản lý các tổ chức phi chính phủ.
Human Rights Watch tố cáo nhà hoạt động Trịnh Bá Tư bị đánh đập và cùm chân trong tù khi thực hiện bản án 8 năm.
Họ chỉ trích việc ông Phạm Chí Dũng, cựu Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam đã bị kết án 15 năm tù vào tháng 01/2021, và nhà báo Phạm Đoan Trang bị y án 9 năm tù sau phiên phúc thẩm hôm 25/08 tại Hà Nội.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư 'bị đánh đập' và 'tuyệt thực' : Gia đình kêu cứu
Phúc thẩm Phạm Đoan Trang : Y án chín năm tù và 'lời nhắn tới lãnh đạo Việt Nam'
Đầu tháng 10, Việt Nam bị ba tổ chức nhân quyền gồm UN Watch, Human Rights Foundation, và The Raoul Wallenberg Center for Human Rights phản đối vì "không đủ tiêu chuẩn".
Một báo cáo chung của ba tổ chức này công bố vào tháng 10 cho rằng Việt Nam "đã có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" và "không đủ chuẩn" để ứng cử.
Theo báo cáo này, trong bảy ứng viên ở khu vực Châu Á thì Afghanistan, Kyrgyzstan và Việt Nam bị đánh giá là "unqualified" (không đủ chuẩn), Hàn Quốc là "qualilfied" (đạt chuẩn). Bahrain, Bangladesh, Maldives thì bị đánh giá là "questionable" (nghi vấn).
Tuyên bố của Việt Nam
Cụ thể, ngày 04/08, phái bộ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc gửi công văn cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công bố ứng cử và cung cấp bản cam kết để vận động phiếu bầu.
Văn bản nói : "Nhân dân Việt Nam đang thật sự tận hưởng được các quyền và sự tự do tốt hơn bao giờ hết".
Cho đến nay, Việt Nam phản đối những báo cáo hay nhận định từ các tổ chức nhân quyền quốc tế về tư cách ứng cử thành viên, và cho rằng "đã bị chống phá".
Ngày 22/09, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam".
"Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao", bà Thu Hằng khẳng định.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 30/09 cho rằng "Vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo tiếp tục bị các tổ chức thiếu thiện chí lợi dụng chống phá, ngăn cản Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025".
Hôm 04/10, Việt Nam cho rằng việc lần thứ hai ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc "minh chứng rất mạnh dạn cho những nỗ lực trước những thành quả bảo đảm quyền con người trong thời gian qua".
Thành lập năm 2006, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) có 47 ghế phân bổ như sau : 13 ghế cho các quốc gia Châu Phi, 13 ghế cho Châu Á - Thái Bình Dương, 8 ghế cho các quốc gia Nam Mỹ và vùng Caribe, 7 ghế cho các quốc gia Tây Âu, và 6 ghế cho các quốc gia Đông Âu.
47 thành viên sẽ được đa số thành viên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu trực tiếp và không công khai.
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét đóng góp của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cũng như những lời hứa tự nguyện và những cam kết về vấn đề này.
Một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ nắm nhiệm kỳ ba năm và không được ứng tuyển lại sau hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đi kèm với nghĩa vụ tôn trọng các quy chuẩn về nhân quyền theo Nghị quyết 60/251 năm 2006 lúc UNHRC được thành lập.
Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bất chấp quan ngại từ cộng đồng quốc tế
VOA, 12/10/2022
Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 11/10 bỏ phiếu chấp nhận Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc bất chấp các mối quan ngại từ cộng đồng quốc tế cho rằng Việt Nam chưa tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh : Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.
Số phiếu cần có để được một ghế trong Hội đồng là 97.
Việt Nam được 145/189 phiếu hợp lệ, nằm trong danh sách 14 nước được các thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York bầu vào Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm bắt đầu từ 1/1/2023.
Đây là kết quả nỗ lực tuyên truyền và vận động sâu rộng của Hà Nội để có được sự ủng hộ dù các nhà chỉ trích và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho rằng hồ sơ nhân quyền yếu kém trong nước cộng với sự hậu thuẫn ngoại giao mà Hà Nội dành cho các nước vi phạm nhân quyền chủ chốt đã khiến quốc gia độc đảng này không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn để chiếm ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
"Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam, bước đầu tiên tức thời, phải chứng tỏ cam kết của họ với nhân quyền bằng cách phóng thích người thắng Giải Goldman, Ngụy Thị Khanh, và các nhà bảo vệ nhân quyền khác bị bỏ tù trong hai năm qua", ông Michael Sutton, giám đốc điều hành Sáng hội Môi trường Goldman, kêu gọi.
Trong thông cáo ra ngày 11/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nhấn mạnh : "Là tân thành viên của Hội đồng Nhân quyền, chính phủ Việt Nam nên chứng tỏ họ sẵn sàng bảo vệ nhân quyền thay vì vi phạm nhân quyền".
Ngoài Việt Nam, các nước vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền bao gồm Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Georgia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Morocco, Romania, Nam Phi và Sudan.
Việt Nam thường bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền và về việc giam cầm tù nhân lương tâm.
Hà Nội nói họ luôn tôn trọng nhân quyền và khẳng định không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm pháp luật.
*************************
VOA, 11/10/2022
Bốn tổ chức nhân quyền quốc tế – gồm Human Rights Watch, Amnesty International, Article 19 và International Commission of Jurists – vừa lên tiếng quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như thúc giục Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc yêu cầu quốc gia Đông Nam Á đạt được những tiến bộ trước khi trở thành một thành viên của hội đồng.
Việt Nam hồi tháng 2 năm nay thông báo chính thức về việc ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025, với tư cách là đại diện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia ứng cử thành viên UNHRC và là ứng viên duy nhất của ASEAN tham gia lần này.
Tuy nhiên kể từ khi Việt Nam thông báo ứng cử vào UNHCR, đã có nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối quốc gia Đông Nam Á trở thành thành viên của tổ chức nhân quyền liên chính phủ vì họ cho rằng Việt Nam có hồ sơ nhân quyền yếu kém và không đủ tiêu chuẩn để có ghế trong hội đồng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW), có trụ sở ở New York của Mỹ, Ân xá Quốc tế (AI) và Article 19, đều có trụ sở ở London của Anh, cùng Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), có trụ sở ở Geneva của Thụy Sỹ, hôm 10/10 ra một thông cáo chung "bày tỏ quan ngại công khai từ lâu nay về tình hình nhân quyền ở Việt Nam".
Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu các thành viên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, 4 tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy cho quyền con người nói trong một tuyên bố chung đưa ra hôm 10/10.
"Việt Nam cần phải ngay lập tức cam kết thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hoạt động nhân quyền của mình, bằng cách thả những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ tùy tiện, trong đó có các nhà báo, đảm bảo quyền tự do ngôn luận và lập hội, đồng thời cải thiện hợp tác với các cơ chế nhân quyền quốc tế", các tổ chức nói trong tuyên bố chung. "Các bước như vậy sẽ là cần thiết để Việt Nam trở thành một thành viên đánh tin cậy của Hội đồng".
Vào tháng trước, đã có 8 tổ chức nhân quyền gửi một bức thư chung cho Đại diện Thường trực của các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để kêu gọi không bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên UNHRC. Các tổ chức, gồm cả các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ, cho rằng Việt Nam "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền".
Đầu tháng này, có thêm 3 tổ chức – gồm các nhóm nhân quyền phi chính phủ từ Mỹ, Canada và Châu Âu – đồng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc bác tư cách ứng cử thành viên của Việt Nam vào UNHRC. Các tổ chức này cũng cho rằng "Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" và "không đủ tiêu chuẩn" để trở thành một thành viên của UNHRC.
‘Vi phạm nhân quyền trầm trọng’
Kể từ khi tuyên bố ứng cử vào UNHRC vào ngày 22/2/2021, Việt Nam "đã câu lưu, bắt giam, hoặc kết án ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và các nhà lãnh đạo NGO [tổ chức phi chính phủ] vì các tội danh tùy tiện, từ ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’ cho đến ‘tuyên truyền chống nhà nước’ cho đến ‘trốn thuế’, theo các điều 331, 117 và 200 của Bộ luật Hình sự [Việt Nam]", theo thống kê của HRW, AI, Article 19 và ICJ.
Hai trường hợp tiêu biểu của xu hướng gần đây được 4 tổ chức này nêu ra trong tuyên bố chung là ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam – người bị kết án 15 năm tù hồi tháng 1/2021, và bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập nổi danh và cũng là một người bảo vệ nhân quyền – bị kết án 9 năm tù vào tháng 12 năm ngoái cũng về tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Một loạt các nhà hoạt động môi trường đồng thời là lãnh đạo tổ các chức xã hội dân sự, trong đó có bà Ngụy Thị Khanh – người được mệnh danh là "anh hùng chống biến đổi khí hậu", cũng đã bị bắt giam và kết án gần đây tại Việt Nam. Họ đều bị kết tội "trốn thuế", một tội danh mà các tổ chức nhân quyền quốc tế xem là được nhà cầm quyền Việt Nam dùng để tấn công những người bất đồng chính kiến.
Việt Nam hồi đầu tháng 8 năm nay tuyên bố về những thành tựu nhân quyền và chia sẻ những cam kết tự nguyện của họ khi phát biểu trước Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó quốc gia Đông Nam Á tái khẳng định các cam kết trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên 4 tổ chức nhân quyền quốc tế nêu trên cho rằng "Việt Nam đã mô tả sai các quyền dân sự và chính trị trong nước khi quốc gia Đông Nam Á nói là các quyền này đã "được đảm bảo tốt hơn". Các tổ chức đặc biệt quan ngại về việc "các nhà hoạt động và các nhà báo vẫn tiếp tục bị sách nhiễu và bắt giữ". Đưa ra ví dụ cho mối lo ngại này, tuyên bố chung của các tổ chức cáo buộc về trường hợp nhà hoạt động cho quyền đất đai Trịnh Bá Tư bị "đánh đập, biệt giam và cùm chân trong nhiều ngày trong lúc đang chấp hành bản án 8 năm tù vì tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước’".
Vào năm 2019, Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều luật "mơ hồ" vốn được sử dụng rộng rãi để tạo điều kiện cho các vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ủy ban của Liên Hiệp Quốc xem đây là một "vấn đề cấp bách". Tuy nhiên, theo thống kê của HRW, kể từ đó Việt Nam "vẫn tiếp tục sử dụng các điều luật này để bị miệng những người thực thi quyền tự do ngôn luận của họ" mà "không có dấu hiệu dừng lại".
Việt Nam đã cam kết nâng cao nhận thức về quyền con người trong cộng đồng hay tiến hành cải cách tư pháp để đưa các quy định của các điều ước quốc tế về quyền con người vào luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, theo các tổ chức nhân quyền quốc tế, Việt Nam lại ban hành những quy định và sắc lệnh mới nhằm cho phép Nhà nước trừng phạt hoặc loại bỏ các tổ chức phi chính phủ vì những lý do "mơ hồ" như "vì lợi ích quốc gia" và "trật tự xã hội".
Các tổ chức này tin rằng trước khi vận động để được bầu vào UNHRC, Việt Nam trước tiên "cần thể hiện cam kết thực sự để duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về bảo vệ nhân quyền".
Một trong các khuyến nghị mà các tổ chức này đưa ra là Việt Nam nên chấm dứt sử dụng các điều khoản 331 (lạm dụng quyền tự do dân chủ) và 117 (tuyên truyền chống nhà nước) đối với các nhà bảo vệ nhân quyền. Các tổ chức cũng kêu gọi Việt Nam "chấp nhận các đề nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về các Thủ tục Đặc biệt để tới thăm" nhằm giám sát và điều tra độc lập về tình hình ở Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc ở Geneva không hồi đáp ngay các đề nghị bình luận của VOA về những lời kêu gọi của 4 tổ chức nhân quyền trên.
Phản ứng về thông tin do một số tổ chức phi chính phủ đưa ra gần đây liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam và nỗ lực của quốc gia này nhằm có ghế trong UNHRC, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 7/10 đã bác bỏ điều mà họ gọi là "sai sự thật". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời VOA, nói rằng Việt Nam nghiêm túc tuân thủ các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và rằng những người bị giam giữ được bảo đảm đầy đủ quyền lợi và chế độ ăn, ở, chăm sóc y tế… theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện cho Việt Nam phát biểu tại khóa họp 51 của UNHRC ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneva từ 12/9 đến 7/10, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh các ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong ứng cử thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025, theo Báo Chính phủ. Bà Mai khẳng định "chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy con người là trung tâm của phát triển, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển".
Việt Nam trước đây đã trúng cử vào UNHRC nhiệm kỳ 2014-2016 nhưng theo đánh giá của các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính quyền Việt Nam không lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền trong nhiệm kỳ của mình.
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử thành viên mới của UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam là một ứng viên, diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 11/10 và khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của UNHRC dự kiến diễn ra từ 27/2-31/3/2023.
Nguyễn Bá Tùng, Nguyễn Thanh Hà, Thanh Trúc, RFA, 26/04/2022
Gần 200 tổ chức, cá nhân đã tham gia ký tên vào một Thư Ngỏ kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng - Trưởng ban điều hành Mạng lưới nhân quyền Việt Nam tại California và ông Nguyễn Thanh Hà-Đại diện tổ chức Họp mặt Dân chủ, hai trong các tổ chức đã ký tên chia sẻ với RFA lý do và kỳ vọng của các ông về việc lên tiếng này. Mời quí vị theo dõi hội thoại sau với Phóng viên Thanh Trúc.
VNHR-AFP, RFA edited
Thanh Trúc : Kính chào quí vị, vào ngày 18/4/2022, một số tổ chức xã hội dân sự của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ phổ biến một Thư Ngỏ gởi đến Liên Hiệp Quốc, yêu cầu các quốc gia thành viên đừng bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
RFA đã liên lạc và mời 2 vị đại diện của hai tổ chức khởi xướng thư ngỏ, tiến sĩ Lê Bá Tùng, trưởng ban điều hành Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hà, thuốc tổ chức Họp Mặt Dân Chủ.
Trước hết xin Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng cho biết những tổ chức nào tham gia ký tên vào Thư Ngỏ này ?
Nguyễn Bá Tùng : Sáng kiến này là của nhiều tổ chức, trong đó có tám tổ chức ban đầu gồm Mạng Lưới Nhân Quyền chúng tôi, tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền Defend The Defenders, Đại Việt Quốc Dân Đảng, đảng Nhân Bản Xã Hội, Họp Mặt Dân Chủ, Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi. Đó là tám tổ chức bắt đầu, nhưng hôm nay đã có thêm nhiều tổ chức khác tham gia rồi.
Thanh Trúc : Thưa ông Nguyễn Thanh Hà, xin cho biết động cơ nào khiến tổ chức Họp Mặt Dân Chủ, mà ông là đại diện, tham gia hưởng ứng Thư Ngỏ này ?
Nguyễn Thanh Hà : Chúng tôi đồng lên tiếng và đồng ý kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không bầu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là bởi vì đó là một nhà cầm quyền mà đi ngược lại ý nguyện chân chính của toàn dân, đi ngược lại với những nỗ lực hiện giờ của các quốc gia văn minh đang hướng tới là tự do, nhân bản và dân chủ pháp trị. Việt Nam đã đi ngước lại những giá trị đó.
Thưa hai, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, như chúng ta đã quan sát trong những thập niên qua và 4, 5 năm năm gần đây, đã liên tục vi phạm trầm trọng về nhân quyền, đàn áp có hệ thống các giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam mặc dù chỉ một tiếng nói ôn hòa, bất bạo động, chẳng hạn như Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, chẳng hạn vụ Đồng Tâm và nhiều vụ khác. Nhà cầm quyền Việt Nam liên tục tống giam ngay cả những Facebooker tức những người chỉ lên tiếng bằng mạng thông tin xã hội.
Vì vậy cho nên chúng tôi nhận thấy Việt Nam căn bản vẫn là một quốc gia vi phạm trầm trọng vấn đề nhân quyền và những quyền dân sự khác. Để cho nhà cầm quyền đó được vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tức là lạm dụng ủy ban này. Đó là lý do tại sao chúng tôi tích cực vận động để ngăn Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Nguyễn Bá Tùng : Tôi xin bổ túc thêm một lý do khác nữa và rất trực tiếp. Đó là vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã từ chối ủng hộ việc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trục xuất Liên Bang Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong ký biểu quyết vừa rồi, mặc dù Liêng Bang Nga đã xâm phạm nhân quyền căn bản một cách tàn bạo đối với người dân Ukraine. Đó là lý do trực tiếp, còn vấn đề trong quá khứ cũng như hiện tại Việt Nam đã xâm phạm nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam.
Thanh Trúc : Thưa Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, ông có nói rằng cho đến bây giờ có nhiều tổ chức tham gia ký vào thư ngỏ, ông có thể trình bày thêm ?
Nguyễn Bá Tùng : Vâng thì bảng lên tiếng, open letter này, được chúng tôi đăng lên trang web của đài Đáp Lời Sông Núi. Chúng tôi kêu gọi đồng hương, các tổ chức, cá nhân, tham gia vào. Cho đến nay chúng tôi đã nhận được rất nhiều, tôi chưa có thì giờ tổng kết, nhưng mà cũng có khoảng 200 tổ chức cùng chúng tôi làm việc này. Địa chỉ của đài Đáp Lời Sông Núi là radiođlsn.com.
Thanh Trúc : Quí ông kỳ vọng có thể thành công hay chí ít làm được điều gì để các nước thành viên chú ý về trường hợp không bầu cho Việt Nam vào một ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ?
Nguyễn Thanh Hà : Chúng tôi nghĩ rằng hiện giờ chúng ta đang chứng kiến, ít nhất trong vòng năm mươi mấy ngày, một cường quốc như Nga, cũng là một thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã nhân danh chủ nghĩa Đại Nga để đàn áp một cách tàn bạo, tấn công một quốc gia có chủ quyền và lãnh thổ, đó là sự đối chọi giữa "Thiện" và "Ác",
Trong khi đó thì Việt Nam, hơn bốn mươi mấy năm qua, đã có rất nhiều đàn áp về nhân quyền, ngay cả những tổ chức như Human Rights Watch - Giám Sát Nhân Quyền, Amnesty International -Ân Xá Quốc Tế vẫn tiếp tục theo dõi nhân quyền bị đàn áp ở Việt Nam.
Chúng ta may mắn có được môi trường tự do ở nước ngoài và nhìn thấy được anh em bên trong vẫn còn bị đàn áp. Thế giới chưa biết được hết những chuyện đó, chỉ một phần nhỏ biết được, vì thế chúng ta phải có nhiệm vụ theo dõi những người bất đồng chính kiến và chúng ta phải lên tiếng liên tục. Chúng ta phải vận dụng bằng mọi cách để lên tiếng, để đưa những tài liệu đó bởi vì đó là tiếng nói của lương tâm, của lẻ phải.
Thanh Trúc : Thưa Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, đến lúc này Thư Ngỏ đã được gởi đi chưa và gởi như thế nào ?
Nguyễn Bá Tùng : Bây giờ là giai đoạn chúng tôi thu thập chữ ký của các đoàn thể và cá nhân người Việt trong cũng như ngoài nước. Trong khoảng ba tuần, sau khi đã có một số chữ ký được cho là khá đầy đủ, chúng tôi sẽ tổng kết rồi gởi về văn phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, nhờ chuyển đến các nước thành viên .
Tôi xin trở lại câu hỏi khi nãy là khả năng tác động của Thư Ngỏ này. Hiện Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc có 193 thành viên, thủ tục bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là quá bán. Chúng ta cần có ít nhất 98 thành viên bác bỏ. Chúng tôi nghĩ cơ hội đó có thể thành công, bởi vì một nước là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an như Nga chẳng hạn mà cũng còn bị trục xuất huống chi là Việt Nam. Cho nên tôi rất hy vọng là chúng ta có thể thành công trong công tác này.
Xin cảm ơn thời gian Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng của Mạng Lưới Nhân Quyền và ông Nguyễn Thanh Hà của Họp Mặt Dân Chủ dành cho buổi nói chuyện hôm nay.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 26/04/2022
**********************
RFA, 20/04/2022
Tám tổ chức Việt Nam vào ngày 18/4 công bố thư ngỏ kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
- AFP
Thông cáo báo chí do tám tổ chức ký tên nêu lại sự kiện ngày 7 tháng 4 vừa qua khi Việt Nam bỏ phiếu chống nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc loại Liên bang Nga khỏi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Điều đó bị nhận định rằng Việt Nam lại một lần nữa thể hiện lập trường ủng hộ Nga xâm lăng Ukraine.
Theo những tổ chức ký tên vào thư ngỏ thì dù với hồ sơ vi phạm nhân quyền trầm trọng mang tính hệ thống đã kéo dài trong nhiều thập niên qua và lập trường ủng hộ chiến tranh của ông Vladimir Putin, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ý định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đó có thể là nguy cơ Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bị lạm dụng bởi những thành viên vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất.
Thư ngỏ nêu rõ, trước khi muốn được làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của chính mình, thực thi nghiêm chỉnh các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, và đóng góp cùng cộng đồng quốc tế để xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Các tổ chức ký tên vào thư ngỏ gồm Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đảng Nhân Bản Xã Hội, Họp Mặt Dân Chủ, Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam và Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi.
Nguồn : RFA, 20/04/2022
Cho đến nay, kết quả ‘cải thiện nhân quyền’ rõ rệt nhất và cũng bôi bác nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện là … quyền bình đẳng giới.
Công an đổ thừa anh Nguyễn Hữu Tấn tự cắt cổ chết trong đồn - Ảnh minh họa
Đơn giản vì đây là một thứ quyền vô thưởng vô phạt và chẳng ảnh hưởng gì đến chính trị hay quyền lực thực tế của giới cai trị tại Việt Nam. Chính vì thế, ngày càng diễn ra hoang loạn nhiều cảnh giới đồng tính diễu hành như một cách biểu tình và cả quậy phá tưng bừng ở đất nước này nhưng chỉ bị giới cảnh sát… giương mắt nhìn.
Ngược lại, có quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc : nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Vào tháng Mười Hai năm 2018 khi chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Không bao lâu nữa, vào ngày 22/1/2019 chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ phải giải trình và đối thoại về báo cáo này tại Liên hợp quốc.
Như một não trạng và thói quen dối trá quá khó bỏ, báo đảng rút tít : ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’.
Những tờ báo đảng, trong đó có cả ‘tân binh báo đảng’ là tờ Thanh Niên, dẫn lời của quan chức Hoàng Thị Thanh Nga - Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), tự đánh giá rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam "được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người"…
Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook...
Nhưng đã có phản một phản ứng đích đáng từ Châu Âu.
Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), Nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Đến lúc này - năm 2018, những hành vi lừa mị và lừa đảo về ‘cải thiện nhân quyền’ đã bị nhìn thấu tim gan không chỉ bởi người dân trong nước mà từ cả cộng đồng quốc tế.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 08/12/2018
*****************
Hôm nay, ngày 8/12/2018, Ủy ban Chống tra tấn Liên Hợp Quốc đã công bố văn bản "Quan sát Kết luận"(Concluding observations) nhằm đánh giá về việc thực hiện Công ước Chống tra tấn của nhà nước Việt Nam (1).
Bản Quan sát Kết luận này được ban hành trên cơ sở xem xét báo cáo quốc gia và thực hiện phiên điều trần đối thoại với nhà nước Việt Nam vào hôm 14-15 tháng 11 vừa qua.
Bản Quan sát kết luận đã cung cấp một cách toàn diện về các hạn chế trong hệ thống pháp luật và chính sách thi hành của nhà nước Việt Nam, đã dẫn đến tình trạng tra tấn đang lan tràn tại Việt Nam. Qua đó Ủy ban Chống tra tấn tập trung đưa các các khuyến nghị cho nhà nước Việt Nam thực hiện, và yêu cầu nhà nước Việt Nam báo cáo tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban trước ngày 7/12/2019, và ấn định thời hạn báo cáo định kỳ lần thứ hai của Việt Nam vào ngày 7/12/2022.
Ủy ban cũng đề nghị nhà nước Việt Nam cần phải dịch bản Quan sát Kết Luận này sang ngôn ngữ tiếng Việt để phổ biến đến các nhân viên công chức tại Việt Nam, đồng thời đăng tải phổ biến văn bản này trên các trang thông tin chính thức của nhà nước.
Trong thời gian tới, Facebook này sẽ cố gắng chuyển tải từng vấn đề mà Ủy ban đã đề cập trong nội dung bản kết luận, đồng thời sẽ đưa ra một số bình luận cá nhân như là các sáng kiến nhằm hỗ trợ nhà nước thực thi hiệu quả các khuyến nghị này.
Phạm Lê Vương Các
Nguồn : Tiếng Dân, 08/12/2018
(1) Văn bản kết luận chính thức có tại đây (pdf)
***********************
Liên Hiệp Quốc quan ngại luật của Việt Nam cho phép giới chức tra tấn dân mà không sợ bị truy tố (RFA, 08/12/2018)
Hôm 8/12 Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc chính thức ra văn bản bày tỏ lo ngại về những quy định trong luật của Việt Nam cho phép các giới chức có thể thực hiện việc tra tấn người dân mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc chỉ phải chịu những án phạt quá nhẹ.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đối thoại với các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn Liên Hợp Quốc hôm 15/11/2018. Courtesy of UN Web TV
Quan ngại này được nêu ra trong kết luận của Ủy ban nhằm đánh giá về việc thực hiện Công ước Chống tra tấn của Việt Nam.
Văn bản kết luận của Liên Hiệp Quốc dựa trên cơ sở xem xét báo cáo quốc gia và kết quả phiên điều trần đối thoại với chính phủ Việt Nam vào hôm 14 và 15 tháng 11 vừa qua.
Trong văn bản này, Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về việc các nhân viên nhà nước thực hiện lệnh cấp trên và sự phức tạp trong hành động tra tấn.
Ủy ban chống tra tấn cho rằng các quy định trong luật công an nhân dân, luật về sĩ quan quân đội nhân dân và luật về cán bộ công chức cho phép nhân viên có quyền thực hiện nghiêm các lệnh, chỉ thị của cấp trên trong khi không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thực hiện những lệnh này mà đáng ra họ phải báo cáo cho cấp trên ngay lập tức khi phát hiện có những dấu hiệu sai luật.
Liên Hiệp Quốc cũng quan ngại quy định trong Luật Hình sự của Việt Nam cho phép những đồng phạm trong các vụ tra tấn không phải chịu trách nhiệm về việc dùng nhục hình như những người trực tiếp thực hiện hành vi tra tấn mặc dù đồng phạm cũng có thể là người tham gia tổ chức tra tấn, và điều này có thể dẫn đến việc là người ra lệnh tra tấn sẽ không bị truy tố.
Ngoài ra, kết luận của Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng các quy định liên quan đến định nghĩa về phạm tội tra tấn để từ đó quy ra các án phạt tù khác nhau là khá mơ hồ. Cụ thể điều 373 trong bộ luật này quy định mức án 6 đến 36 tháng tù giam bị cho là quá nhẹ khi không tính đến các tình tiết tăng nặng.
Liên Hiệp Quốc cho rằng Luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam đã không hình sự hoá được các tội tra tấn và thiếu một định nghĩa về tra tấn.
Đối với các cáo buộc về tra tấn ở Việt Nam, Ủy ban chống Tra tấn Liên Hiệp Quốc bày tỏ qua ngại về nạn tra tấn tràn lan ở các đồn công an khi lấy lời khai. Đã có những báo cáo được gửi lên Ủy ban cho thấy nhiều trường hợp bị tra tấn ở đồn công an, thậm chí dẫn đến chết người. Tuy nhiên Liên Hiệp Quốc cho rằng con số những người vi phạm luật do tra tấn dân bị truy tố còn quá thấp. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, chỉ có 10 trường hợp bị truy tố. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng quan ngại là những nhân viên y tế tham gia vào các vụ lạm dụng quyền hạn hoặc từ chối chăm sóc y tế cho người bị tra tấn.
Dựa trên những kết luận này, Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc kiến nghị Việt Nam phải xem xét những hành vi tra tấn hoặc tìm cách tra tấn là những tội phải bị trừng phạt với hình phạt tương ứng ; cung cấp cho ủy ban thông tin liên quan đến việc liệu việc thực thi luật Hình sự sửa đổi từ ngày 1/1/2018 có khiến một số lượng lớn những trường hợp bị truy tố hay không.
Ủy ban yêu cầu nhà nước Việt Nam phải báo cáo tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban trước ngày 7/12/2019 và ấn định thời hạn báo cáo định kỳ lần thứ hai của Việt Nam vào ngày 7/12/2022.
Ủy ban cũng đề nghị Việt Nam phải dịch bản kết luận này sang tiếng Việt và phổ biến đến các công chức, đăng tải phổ biến văn bản này trên các trang thông tin chính thức của nhà nước.
Trước đó, tại buổi điều trần ở Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Việt Nam có nhiều vụ công an tra tấn dân. Đại diện Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục rưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), nói rằng tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ ở mức 0,3% tổng số phạm nhân đang thi hành án rong trại giam. Ông này cho biết chủ yếu các trường hợp chết là do bị mắc bệnh hiểm nghèo trước khi vào trại.
https://youtu.be/hVwo_wRqXXY
Hội đồng Nhân quyền : Nhiều thành viên mới bị tố "thiếu tư cách" (RFI, 13/10/2018)
Ngày 12/10/2018, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu 18 thành viên mới (trên tổng số 47 thành viên) của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2019 -2021. Nhiều tổ chức nhân quyền đã chỉ trích việc sáu nước Philippines, Bangladesh, Bahrein, Cameroon, Eritrea, Somalia được bầu vào hội đồng, bị coi là "một điều nực cười".
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc tại Genève. Ảnh : Liên Hiệp Quốc Photo ONU
Các thành viên mới được bầu theo tỉ lệ 5 thành viên thuộc các quốc gia Châu Phi (Burkina Faso, Cameroon, Eritrea, Somalia, Togo), 5 thành viên ở Châu Á - Thái Bình Dương (Bahreïn, Bangladesh, Fidji, Ấn Độ, Philippines), 2 thành viên Đông Âu (Bulgaria, Cộng Hòa Czech), 3 thành viên Mỹ Latinh và Caribbean (Argentina, Bahamas, Uruguay) và 3 thành viên cho khu vực Tây Âu và các nước khác (Áo, Đan Mạch, Ý).
Tất cả 18 thành viên trên, kể cả Philippines, Bangladesh, Bahrein, Cameroon, Eritrea, Somalia, đều đạt được số phiếu cao hơn nhiều so với số phiếu cần thiết theo quy định của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, trong một thông cáo, nhiều tổ chức nhân quyền của Châu Âu, Mỹ và Canada như Human Rights Watch, UN Watch, Human Rights Foundation, Raoul Wallenberg Center for Human Rights... cho rằng sáu nước nói trên "không đủ tư cách" để đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vì Philippines, Bangladesh, Bahrein, Cameroon, Eritrea, Somalia đều là các quốc gia đạt kết quả yếu kém trong lĩnh vực nhân quyền.
Thùy Dương
*****************
Thành viên nhân quyền mới của LHQ bị chỉ trích (BBC, 13/10/2018)
Các nước bị chỉ trích 'lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng' nằm trong 18 nước thành viên mới được bầu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cuộc bầu cử thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tại trụ sở chính ở New York
Các nhà vận động đã kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc phản đối Philippines và Eritrea ra ứng cử và nói rằng sự lựa chọn Bahrain và Cameroon làm dấy lên "những quan ngại sâu sắc".
Hoa Kỳ đã rời Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Sáu, nói rằng cơ quan này là một sự nhạo báng nhân quyền. Nhưng những người ủng hộ nói cơ quan này thực hiện các hoạt động bảo vệ nhân quyền quan trọng trên toàn thế giới.
Các quốc gia thành viên có thể phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ ba năm, ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York đã phê chuẩn các thành viên mới trong một cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu 12/10. Lần đầu tiên trong lịch sử của hội đồng, năm khu vực bỏ phiếu đã giới thiệu số ứng viên tương ứng với số ghế đang trống, do đó không có bất kỳ sự cạnh tranh nào.
Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) Louis Charbonneau gọi cuộc bầu cử này là "một sự nhạo báng" trong một bài đăng trên Twitter.
HRW cho rằng cuộc đàn áp tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là "một sự điên cuồng giết chết hàng ngàn người". Và rằng chính quyền Eritrea đã bức hại và giam giữ những người chỉ trích chính phủ.
Chính phủ Philippines trước đó đã bác bỏ các cáo buộc về các vụ lạm dụng nhân quyền, nói rằng Tổng thống Duterte đã sử dụng "vũ lực một cách hợp pháp" chống lại các mối đe dọa cho đất nước. Eritrea cũng bác bỏ những cáo buộc đó, và nhấn mạnh rằng chính quyền nước này đối xử tốt với công dân của mình.
HRW cũng chỉ trích Bahrain, cho rằng nước này đã bỏ tù các nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng như Nabeel Rajab. Ông Rajab đã ngồi tù nhiều năm kể từ khi trở thành thủ lĩnh trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2011. Bahrain khẳng định các bản án hình sự của họ độc lập và minh bạch.
Ở Cameroon, HRW cho biết các quân đội của chính phủ và những người ly khai có vũ trang đã "lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng". Chính phủ bác bỏ cáo buộc này.
Vào tháng Sáu, một phát ngôn viên của chính phủ Cameroon đã bác bỏ những cáo buộc tương tự của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng đó là "những lời dối trá bẩn thỉu" nhằm gây bất ổn cho đất nước.
Nếu Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) cách đây vài ba năm thời Obama, sự kiện này đã biến thành một cú sốc và thất vọng lớn đối với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức.
Không sốc !
Còn giờ đây, sau một năm rưỡi cầm quyền của Donald Trump mà đã khá đủ thời gian để chứng thực về thái độ phớt lờ nhân quyền, có thể cho rằng sự hiện diện hay không có mặt của Mỹ trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng không vì thế ảnh hưởng quá nhiều đối với nhân quyền Việt Nam, dù rằng giới chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam có thể nhân việc rút lui của Mỹ khỏi UNHCR để xem đó là một cơ hội lớn để thoát khỏi chính phủ khó chịu nhất khi Mỹ thường xuyên chỉ trích và lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Thực tế của các cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt trong hai năm 2017 và 2018 đã chứng minh khá rõ về kết quả hết sức ít ỏi, nếu không nói là số 0, của những lần đàm phán này - xuất phát từ quan điểm của Trump xem nhân quyền chỉ là thứ yếu và chính thể Việt Nam lại nắm thóp được quan niệm đó.
Có thể tổng kết là kể từ thời chuyển giao quyền lực giữa Obama và Trump cho tới nay, những gì mà chính thể Việt Nam muốn làm và đã làm để đàn áp nhân quyền trong nước thì đã cơ bản xảy ra. Hội Anh Em Dân Chủ - một tổ chức xã hội dân sự độc lập có nhiều hoạt động có kết quả liên quan đến phong trào phản đối Formosa ở các tỉnh miền Trung, đã bị nhà cầm quyền bắt bớ hều hết các thành viên lãnh đạo của tổ chức này. Đến mức có thể cho rằng ‘không còn ai để bắt thêm’ đối với hội này.
‘Chuyển giao’
Vào năm 2016, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy thay vì đặt vấn đề nhân quyền thành ưu tiên như trước đó, Mỹ đã tập trung "đối tác quân sự" với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông. Còn nhân quyền đang được Mỹ "chuyển giao" cho nghị viện Châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng Sáu năm 2016, Nghị viện Châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất trước đó (năm 2009) về nhân quyền cũng của tổ chức này mà được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết năm 2016 được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Còn sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ năm 2017, có vẻ như người Đức duy lý, rất nguyên tắc và theo phương châm cứng rắn đang cầm chịch và cầm đằng chuôi trong phần lớn hoạt động và nội dung đàm phán nhân quyền, thậm chí đàm phán chi tiết ‘một đổi một’ với giới con buôn Hà Nội.
Việc chính quyền Việt Nam phải chấp nhận phóng thích nhân vật đối kháng nhất là Luật sư Nguyễn Văn Đài vào tháng Sáu năm 2018 càng cho thấy rõ hơn về điểm ngoặt, nếu không muốn nói là bước ngoặt, trong xu thế chính thể độc đảng ở Việt Nam buộc phải cởi nới nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam - một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài BBC Việt ngữ sau khi sang Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết ‘đến 1/11/2016, họ cho tôi gặp vợ tôi sau gần một năm bị tạm giam. Trong lần gặp đó, vợ tôi nói chính phủ Đức nói sẵn sàng tiếp nhận nếu gia đình tôi muốn đi. Vậy là gia đình tôi đã quyết định lựa chọn đi định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức’. Đây là một xác nhận quan trọng cho thấy vai trò vận động cải thiện nhân quyền và thả tù nhân lương tâm của Nhà nước Đức đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2016, song trùng với thời gian mà Mỹ ‘chuyển giao’ vai trò đàm phán nhân quyền với Việt Nam cho EU.
Vẫn chế tài ?
Sự kiện Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Sáu năm 2018 càng làm những cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt, nếu còn được duy trì, sẽ càng mờ nhạt về ý nghĩa của nó.
Nhưng cơ chế chế tài vi phạm nhân quyền thì nhiều khả năng vẫn được Mỹ duy trì, chủ yếu đến từ Quốc hội Mỹ. Đó là Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) - đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào ngày 8/12/2016. Những động thái sốt ruột và cấp tập gần đây của nhiều nghị sĩ Mỹ đối với tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho thấy Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu có thể được áp dụng vào một thời điểm nào đó trong năm 2018 hoặc năm 2019, áp dụng những biện pháp chế tài thích đáng của đạo luật này đối với giới quan chức Việt Nam. Theo đó, những quan chức vi phạm nhân quyền sẽ bị chế tài theo hai cách : thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được miễn trừ lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự miễn trừ đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội ; thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che giấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam lại rất phổ biến. Những giới chức tham nhũng mà trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc người Mỹ và các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) đã rút ra một bài học đắt giá : đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.
Hoa Kỳ và EU có khá đầy đủ ưu thế để thiết lập biện pháp chế tài nhân quyền trên cơ sở cán cân thương mại với Việt Nam.
Có một điểm khác biệt cơ bản giữa năm nay và năm ngoái : vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017.
Bởi Việt Nam vẫn đang cần đến Mỹ và EU hơn bao giờ hết trên phương diện thương mại, nhất là làm sao để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để bù đắp cho hơn 40 - 50 tỷ USD Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc cứ sau 12 tháng ; tương tự phải duy trì được số xuất siêu đến 25 tỷ USD hàng năm vào thị trường EU.
Nhưng khác với chiến thuật của EU vẫn còn trong giai đoạn ‘thuyết phục, vận động Việt Nam cải thiện nhân quyền’, Hoa Kỳ rất có thể đang chuyển nhanh sang giai đoạn chế tài, thẳng tay chế tài nhân quyền chứ không còn quá mềm mại như thời Tổng thống Obama trước đây.
Từ năm 2015 đến nay, Ủy hội Tự do tôn giáo Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cùng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã đòi Chính phủ Hoa Kỳ phải đưa Việt Nam trở lại Danh sách CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). Nếu Việt Nam đã được Mỹ nhấc khỏi Danh sách này vào năm 2006, thì nay lại đang khá gần với triển vọng "tái hòa nhập" CPC. Nếu bị đưa vào CPC một lần nữa, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị áp dụng cơ chế cấm vận từng phần về kinh tế và cả quốc phòng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam vốn đã chênh vênh bên bờ vực thẳm, sẽ càng dễ sa chân sụp đổ. Cơ chế cấm vận này cũng sẽ khiến con đường để Việt Nam tiếp cận Hiệp định thương mại song phương với Mỹ là chông gai hơn hẳn hiện thời, nếu không nói là vô vọng.
Cho dù Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính thể Việt Nam không phải vì thế mà sẽ nhận được nhiều hơn lời tán tụng ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền về con người’ và lợi ích kinh tế từ chính phủ các nước.
Một thực tế rất rõ ràng và trần trụi là từ khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ tháng Mười Một năm 2013 đến nay, chính thể độc đảng ở Việt Nam là ‘chỉ có tiếng, không có miếng’.
Liên tục và quá nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính thể Việt Nam, cộng với vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ mang tầm vóc quốc tế, đã khiến cả Châu Âu kinh hãi trước ‘luật rừng’ mà giới quan chức và công an cộng sản đã hành xử hệt Bắc Hàn. Các cánh cửa của hiệp định TPP trước đây và EVFTA sau này liên tiếp đóng sập trước mũi những kẻ vừa đàn áp nhân quyền vừa vỗ ngực rao giảng đạo lý ‘quyền con người’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Chính quyền của tổng thống Donald Trump vào ngày 19 tháng 6 năm 2018 thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sau khi lên án thói "đạo đức giả" của một số quốc gia thành viên trong Hội đồng này.
Cuộc họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 13 tháng 3 năm 2018. AFP
Một làn sóng phản ứng nổ ra đối với quyết định đó của Washington. Giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam cũng có những phản ứng khác nhau liên quan vấn đề này.
Một luồng ý kiến cho rằng việc Hoa Kỳ ra khỏi Hội đồng Nhân Quyền (UNHRC) là một sự bất lợi lớn cho phong trào nhân quyền tại Việt Nam.
Facebooker Trịnh Hữu Long chia sẻ trên tài khoản cá nhân rằng : "Việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ là bất lợi lớn cho giới hoạt động nhân quyền thế giới nói chung và giới hoạt động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh Kỳ Kiểm điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) sắp tới vào tháng 1/2019".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS chuyên lên tiếng cho những thành phần bị áp bức tại Việt Nam, lại có ý kiến khác cho rằng việc tác động ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên nhân quyền Việt Nam là rất ít.
Ông nhận định :
"Vì khi Việt Nam ngồi trong cái ghế 2003 đến 2016 của UNHRC, thì trên nguyên tắc Việt Nam phải đại diện cho vấn đề chung về nhân quyền của thế giới, thì đáng ra Việt Nam phải tuân thủ, mà chúng ta biết Việt Nam vẫn có tù nhân lương tâm, vẫn đàn áp tôn giáo vẫn thực hiện tra tấn nên thành ra nó không ảnh hưởng gì hết".
Đồng quan điểm này, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa- một cựu tù chính trị hiện sống tại Hải Phòng, giải thích :
"Nhiều người họ nghĩ rằng là Mỹ có tiếng nói rất quan trọng trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và người cộng sản Việt Nam rất ngại tiếng nói của Hoa Kỳ, nhưng mà ta thấy tiếng nói của Hoa Kỳ tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày càng mất giá trị, bởi vì trong hội đồng Liên Hiệp Quốc còn có Nga, Trung Quốc. Vì vậy tôi nghĩ Mỹ rút khỏi hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc để phản đối cái chức năng, cái không được đảm bảo của hội đồng nhân quyền của quốc tế và nhân dân toàn quốc đặc biệt tại Việt Nam".
Còn theo ý kiến của Facebooker Trịnh Hữu Long thì dù bị chỉ trích vì tính kém hiệu quả, nhưng Hội đồng Nhân quyền vẫn là cơ chế nhân quyền tốt nhất mà nhân loại từng có. Theo anh này thì việc Mỹ bỏ đi sẽ khiến những thành viên khác như Trung Quốc và Nga có thể thao túng Hội đồng, và còn có thể đưa ra các nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền hay không ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng điều đó chỉ là một phần nào, ông cho biết thêm :
"Tại các buổi họp của hội đồng này, nếu như có tiếng nói của Hoa Kỳ , thì chúng ta có thêm được một cái phương tiện để chúng ta nêu vấn đề nhân quyền tại Việt Nam tại UNHRC, tuy nhiên đây không phải là cơ chế duy nhất của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, nó còn ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nó còn có văn phòng của các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về từng lĩnh vực nhân quyền. Thì công việc nó vẫn chạy và chúng ta vẫn nộp báo cáo thì họ vẫn lên tiếng như thường".
Facebooker Trịnh Hữu Long nêu ra lý do vì sao cần có Hoa Kỳ trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc "Xưa nay giới hoạt động Việt Nam vẫn coi Hội đồng Nhân quyền như một diễn đàn để một là kêu oan, hai là chính danh hóa hoạt động của mình. Giờ Hội đồng bị Mỹ bỏ rơi có nghĩa là giới hoạt động đã mất đi một chỗ dựa",
Facebooker Kiến Thành cũng chia sẻ rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi UNHRC sẽ khiến chính quyền Việt Nam thích thú vì bớt đi được một tiếng nói thường xuyên lên tiếng chỉ trích họ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì lại có ý kiến khác :
"Tôi tin rằng thứ nhất tiếng nói của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong thời gian qua không còn tác dụng bao nhiêu đối với các chế độ độc tài, cho nên dù Liên Hiệp Quốc có tiếng nói manh mẻ với chế độ độc tài các nước đặc biệt là Việt Nam, thì tôi thấy chính quyền cộng sản Việt Nam họ vẫn không giảm sút việc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm :
"UNHRC không phải là nơi đặt vấn đề một cách mạnh mẻ đối với các quốc gia ngay cả thành viên của hội đồng mà đang vi phạm nhân quyền, thành ra nó rất là hời hợt trong vấn đề tạo áp lực lên các quốc gia. Nên thành ra có hay không trong hội đồng này thì tiếng nói của Hoa Kỳ nó cũng không tăng cũng chẳng giảm".
Một số nhà hoạt động chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng Mỹ rút khỏi UNHRC thì Mỹ sẽ không cần phải bỏ ra số tiền quá lớn cho Hội đồng này nữa và sẽ dùng phần lớn số tiền đó để chi phí cho những hoạt động đối thoại song phương và có thể gây áp lực mạnh mẻ hơn với các nước vi phạm nhân quyền.
Nhiều người tham gia đấu tranh lâu nay ở Việt Nam cho rằng sự hỗ trợ từ bên ngoài ; đặc biệt khi phong trào còn non trẻ, là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, vấn đề chủ động, độc lập, ‘tự thân vận động’ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
************************
Việt Nam 'mừng’ vì Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền (VOA, 21/06/2018)
Các nhà hoạt động trong nước có phản ứng khác nhau về quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC). Có nhiều ý kiến cho rằng sự vắng mặt Hoa Kỳ có thể gây bất lợi cho phong trào nhân quyền Việt Nam, và Hà Nội có thể "mở cờ trong bụng" vì Hội đồng vắng đi một thành viên thường xuyên lên tiếng chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) tại Geneva.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Ông nhận định rằng mặc dù sự ra đi của Hoa Kỳ là đáng tiếc, nhưng đó lại là một quyết định ‘dũng cảm’ :
"Đây là một hành động dũng cảm bởi vì đây là việc chưa có tiền lệ. Quyết định rời khỏi một cơ quan bảo vệ nhân quyền hàng đầu thế giới có thể bị nhiều chỉ trích từ các quốc gia và các tổ chức xã hội dân sự, nhưng họ vẫn tiến hành ra quyết định rút. Tôi cho rằng đây là hành động dũng cảm".
Bản tên của Hoa Kỳ tại Trụ sở UNHRC.
Luật sư Trịnh Hữu Long ở Hà Nội chia sẻ trên Facebook rằng việc Mỹ rút khỏi UNHRC sẽ là một bất lợi lớn cho giới hoạt động nhân quyền thế giới nói chung và giới hoạt động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh kỳ kiểm điểm Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR của UNHCR đối với Việt Nam sắp tới vào tháng 1/2019.
Từng tham gia phát biểu tại kỳ kiểm điểm Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam năm 2014 tại Geneva, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các cho rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi UNHCR có thể ảnh hưởng đến kỳ UPR sắp tới.
"Tôi nghĩ ở một góc độ nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì Hoa Kỳ là một quốc gia hàng đầu trong việc này trên phạm vi toàn thế giới. Việc rút ra như vậy có thể ảnh hưởng phần nào tới việc lên tiếng trước các vụ vi phạm nhân quyền. Khi tôi tham dự kỳ UPR đối với Việt Nam trước đây, có 10 quốc gia phát biểu, thì có 9 quốc gia đã đánh giá rất tốt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong khi đó quốc gia thứ 10 là Hoa Kỳ thì họ lên tiếng rất thẳng thắn. Tôi nhìn nhận rằng tiếng nói của chính phủ Hoa Kỳ là tiếng nói rất trung thực, họ không nói theo cách ngoại giao thường thấy. Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi UNHCR có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ UPR đối với Việt Nam vào tháng 1/2019".
Các nhà tranh đấu Việt Nam bị giam cầm.
Luật sư Trịnh Hữu Long lo ngại rằng việc Mỹ vắng mặt sẽ tạo cơ hội cho các thành viên khác ‘thao túng’ diễn đàn này. Ông viết trên Facebook : "Mỹ bỏ đi nghĩa là những thành viên khác như Trung Quốc và Nga sẽ rảnh tay hơn rất nhiều để thao túng nghị trình của Hội đồng, cũng như thao túng các thành viên khác của Hội đồng".
"Xưa nay giới hoạt động Việt Nam vẫn coi Hội đồng Nhân quyền như một diễn đàn để một là kêu oan, hai là chính danh hóa hoạt động của mình. Giờ Hội đồng bị Mỹ bỏ rơi có nghĩa là giới hoạt động đã mất đi một chỗ dựa", ông Long nhận định.
Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các chia sẻ ý kiến này, ông nói : "khi 47 quốc gia thành viên phân cực, các quốc gia "cá biệt" kéo bè kéo cánh nhằm thao túng và bảo vệ lẫn nhau trước các vi phạm nhân quyền".
Nhà hoạt động nhận định rằng Việt Nam có thể sẽ "hài lòng" trước việc mất đi một tiếng chỉ trích :
"Tôi nghĩ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi UNHCR thì trong thời gian UPR sắp tới thì phía chính phủ Việt Nam sẽ bớt đi một tiếng nói phê phán và chỉ trích họ. Cho tới giờ thì phía Việt Nam vẫn chưa bày tỏ quan điểm, nhưng theo đánh giá thì họ có vẻ thích thú và vẫn hài lòng trong việc bớt đi một tiếng nói một tiếng nói chỉ trích họ".
Blogger Kien Bui viết : "Tôi nghĩ rút cũng hợp lý khi mà Hội đồng Nhân quyền mà có quá nhiều thành viên không tôn trọng nhân quyền thì kết quả biểu quyết đều bất lợi mà thiểu số phải chấp nhận theo số đông thôi. Nếu không chấp nhận thì rút khỏi là cách tốt. Cải thiện cũng không phải không có cách nếu vẫn ở lại nhưng so sánh tính hiệu quả về thời gian và chi phí thì thà làm cái mới còn hay hơn".
Trong khi đó Blogger Đạt Tiến Nguyễn dự báo cách làm của Hoa Kỳ sau khi rút khỏi cơ chế nhân quyền toàn cầu : "Mỹ rút ra khỏi UNHRC thì Mỹ sẽ không còn phải bỏ ra một số tiền quá lớn cho Hội đồng này. Tới đây thì Mỹ sẽ dùng số tiền đó để chi phí cho những cuộc đối thoại song phương để gây áp lực mạnh hơn. Nghĩa là Mỹ sẽ nói chuyện tay đôi, mặt đối mặt với từng nước đang vi phạm nhân quyền".
Sự rút lui của Washington khỏi UNHRC, một cơ chế của Liên Hiệp Quốc tại Geneva có 47 thành viên, đều có quyền biểu quyết ngang nhau, được chính thức thông báo với Liên Hiệp Quốc hôm 21/6.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói hôm 20/6 : "Hội đồng Nhân quyền là cơ chế nơi tụ hội những thiên kiến về chính trị, là một sự nhạo báng của chính cơ chế này", một diễn đàn mang tính "đạo đức giả và vị kỷ".
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gia nhập UNHRC vào năm 2009. Khi Hội đồng được thành lập vào năm 2006, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã từ chối tham gia.
Liên minh Mỹ-Nhật thời Trump : đã đến lúc phải xét lại ? (VOA, 19/06/2018)
Mười tám tháng sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và bắt đầu làm lung lay nền ngoại giao toàn cầu, Nhật Bản có vẻ như đang thức tỉnh trước những rủi ro của một liên minh chỉ dựa trên đô la và trao đổi chứ không dựa trên những giá trị chung và các lợi ích về an ninh.
Liên minh Mỹ-Nhật trước đây được coi như viên đá tảng làm nền cho an ninh tại Châu Á.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật vẫn nhấn mạnh rằng liên minh giữa hai nước được đặt trên các giá trị như : dân chủ, tự do và pháp trị. Một trong những mối quan hệ an ninh lâu đời nhất của Châu Á, liên minh này đặt Nhật Bản dưới ô dù phòng thủ của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un hồi tuần trước đã không đặt nặng các quan tâm về an ninh của Nhật Bản, chẳng hạn như chương trình tên lửa của Bắc Hàn mà Tokyo coi như một mối đe dọa trực tiếp. Cộng đồng quốc phòng của Nhật Bản cũng cảm thấy hụt hẫng khi Tổng thống Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố ông sẽ ngưng các cuộc tập trận "tốn kém" với Hàn Quốc, vốn từ lâu được Tokyo coi như một lá chắn chống lại mối đe dọa do Triều Tiên đặt ra.
"Tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm".
Cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP)
Cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP), nói với Reuters :
"Liên minh Mỹ-Nhật đã thay đổi từ một liên minh dựa trên các giá trị chung, thành một liên minh dựa trên những sự trao đổi".
Ông Kawai nói ông kinh ngạc trước việc ông Trump viện dẫn lý do tài chánh để đình chỉ các cuộc tập trận chung, trước đây vẫn được Washington coi là quan trọng để chặn đứng những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Ông nói : "Tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm".
Thủ tướng Abe đã trao đổi với ông Trump hàng chục lần kể cả vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, ông cố tỏ thái độ tin tưởng vào cuộc gặp thượng đỉnh, mô tả đây là một bước đầu tiên hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.
Một số nhà lập pháp thân cận với Thủ tướng Abe đồng tình với cách đánh giá tích cực đó. Nhưng những người khác thì tin rằng Tokyo đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. Washington thoạt tiên nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm cam kết của Triều Tiên phải "giải trừ hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", một lập trường được Nhật Bản hậu thuẫn.
Tuy nhiên một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, có nhận xét sau đây về nhà lãnh đạo Mỹ :
"Tổng thống (Trump) không mấy lưu tâm tới nội dung, thực chất của hội nghị, mà ông lo lắng hơn nhiều hơn tới ý kiến của người khác về ông, về vai trò của ông ở Singapore như thế nào".
Tổng thống Trump gặp Thủ tướng Shinzo Abe tại Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc ở Washington, ngày 7/6/2018.
Các quan tâm của Nhật Bản về an ninh trùng hợp với những căng thẳng về thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, càng làm tăng những mối lo về ông Trump, một nhân vật chỉ thích thương lượng làm ăn sẽ khiến ông nối kết các quan hệ kinh tế với vấn đề quốc phòng.
Theo các chuyên gia điều đó có nghĩa là Mỹ có thể tăng áp lực với Nhật Bản, buộc nước này mua nhiều thiết bị quân sự hơn, hoặc có thể, chi nhiều tiền hơn để tài trợ cho lực lượng 50,000 quân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản, mặc dù hiện nay Tokyo đã phải gánh vác phần lớn các tổn phí liên quan tới sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản.
Báo Nikkei nhận định trong một bài xã luận hồi cuối tuần :
"Sự kiện ông Trump lẫn lộn kinh tế và an ninh với não trạng của một doanh nhân địa ốc, là điều hết sức đáng lo ngại".
Ông Trump đã áp thuế lên các mặt hàng thép và nhôm do Nhật Bản sản xuất, và ông đang đe dọa sẽ có hành động tương tự với xe hơi do Nhật Bản sản xuất. Ông Trump còn rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một thỏa thuận mà trong thời gian qua, Thủ tướng Abe đã vận động và cổ vũ như một lực đối trọng chống Trung Quốc.
Thủ tướng Abe lên nắm quyền hồi năm 2012 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo khi ông hứa hẹn sẽ tăng cường các khả năng phòng thủ của Nhật Bản.
Cố vấn của Thủ tướng về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai nhận định rằng sự thay đổi về bản chất của liên minh Mỹ-Nhật càng khiến cho nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản thêm cấp bách.
******************
Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (CaliToday, 19/06/2018)
Chính phủ ông Trump vào hôm thứ Ba rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc theo đúng lời cam kết rời tổ chức này vì đạo đức giả và thành kiến chống Israel.
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh minh họa : AP
"Hội đồng Nhân quyền trong thời gian dài đã trở thành người bảo vệ cho những kẻ vi phạm nhân quyền, là nơi chứa đầy thành kiến chính trị", Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố từ Bộ Ngoại Giao. Theo bà Haley, quyết định này khẳng định sự tôn trọng của Mỹ đối với nhân quyền, một cam kết "không cho phép chúng ta tham gia vào tổ chức đạo đức giả và tư lợi đang nhạo báng nhân quyền".
Bà Haley một năm trước từng cảnh báo việc Mỹ sẽ rút chân nếu hội đồng không giải quyết vấn đề thành kiến đối với Israel, và sự thật là nhiều thành viên như Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Ai Cập có nhiều vấn đề về nhân quyền.
Hội đồng Nhân quyền họp phiên mới nhất vào hôm thứ Hai với sự lên án chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump từ Cao ủy đặc trách Nhân quyền Zeid Ra’ad Al Hussein. Ông Hussein gọi chính sách chia cắt trẻ em khỏi bố mẹ di dân lậu là hành động "không thể chấp nhận được".
Chính phủ ông Trump đang hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề từ các tổ chức thương mại, nhân quyền, các nhà lập pháp lưỡng đảng sau khi thực thi chính sách "bất khoan dung".
Hội đồng cũng là diễn đàn chỉ trích các chính sách kinh tế của ông Trump. Trong một phúc trình đệ lên tổ chức trong tuần này, đặc phái viên phụ trách nghèo đói, ông Philip Alston cho rằng, chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ "chủ yếu làm lợi cho giới thượng lưu và làm tình trạng bất bình đẳng tệ đi". Theo phúc trình, trong khi Mỹ từ lâu đã bất bình đẳng nhất trong số những quốc gia phát triển thì tình trạng này tồi tệ hơn dưới chính quyền ông Trump.
Một số nhà chỉ trích Hội đồng Nhân quyền kêu gọi tiếp tục thúc đẩy cải tổ tổ chức thay vì từ bỏ nó.
Thượng nghị sĩ Chris Coons (Dân chủ – Delaware) – thành viên ủy ban Đối ngoại Thượng viện – lên án quyết định này. Ông cho rằng, quyết định gởi ra thông điệp rõ ràng rằng chính phủ ông Trump không có ý định lãnh đạo thế giới khi nói đến nhân quyền.
"Việc chính phủ ông Trump rút khỏi Hội đồng là sự phản ánh đáng buồn về chính sách nhân quyền một chiều nhằm bảo vệ vi phạm nhân quyền của Israel khỏi bị chỉ trích được ưu tiên trên hết", Giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền, ông Kenneth Roth gởi ra thông báo. "Các quốc gia khác sẽ phải tăng gấp đôi nỗ lực để bảo đảm Hội đồng giải quyết những vấn đề nhân quyền quan trọng nhất của thế giới".
Tổ chức gồm 47 thành viên được ra đời ngày 15 tháng 3 năm 2006 theo Nghị quyết (A/RES/60/251) sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế một Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã chấm dứt hoạt động năm 2006.
Nghị quyết này được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên Liên Hiệp Quốc, trừ Mỹ, Israel, Palau và quần đảo Marshall bỏ phiếu chống và Belarus, Iran và Venezuela bỏ phiếu trắng. Vào lúc đó, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Hương Giang (theo Bloomberg)
"Hội đồng Nhân quyền" của Liên Hiệp Quốc – United Nations Human Rights Council - là một tổ chức chủ yếu, quy mô lớn nhất của tổ chức quốc tế này, viết tắt là UNHRC.
Hai đứa con thơ của Blogger Mẹ Nấm
Sáng 26/2, phiên họp thường kỳ lần thứ 37 của UNHRC đã khai mạc tại Genève, Thụy Sỹ, kéo dài đến ngày 23/3. Phía Việt Nam, đại sứ Dương Chí Dũng dẫn đầu phái đoàn dự phiên họp.
UNHRC được thành lập từ ngày 15/3/2006 theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thay cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họat động trước đó.
Việc cải tổ có ý nghĩa lớn, nâng cao sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc và dư luận toàn thế giới đối với vấn đề Nhân quyền, một giá trị chủ yếu của nền văn minh trong thời đại mới. Cách làm việc của UNHRC cũng được cải tiến, mỗi khóa của Hội đồng là 3 năm, số ủy viên của Hội đồng là khoảng 50 nước, chừng 1 phần 3 tổng số thành viên Liên Hiệp Quốc. Hàng năm Đại hội đồng bầu ra những thành viên mới theo danh sách ứng cử.
Quy chế làm việc của Hội đồng được thảo ra rất cụ thể, tỷ mỷ, nhằm mục đích là nhân quyền ngày càng phổ cập và được lan tỏa sâu sắc trên toàn thế giới, không trừ một nước nào. Điều này có nghĩa là làm sao để giúp nhân dân một số nước độc đoán, độc đảng, toàn trị thóat khỏi cảnh không có tự do dân chủ, quyền làm người bị hạn chế, bị mất, khôi phục quyền sống có tự do, nhân phẩm.
Trình độ dân chủ nhân quyền của các nước được phân ra làm 3 loại :
- những nước dân chủ hoàn thiện thành nếp vững bền, nhưng vẫn còn vấn đề như phân biệt chủng tộc, tù nhân, lao động trẻ em, người khuyết tật ;
- những nước dân chủ nhưng chưa đầy đủ, thuần thục ;
- và một số nước chậm tiến, hầu như chưa có Nhân quyền.
Các nước bị xếp trong hàng cuối gồm có : Cuba, Venezuela, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campuchia, Iran, Saudi Arabia…, với những mức độ khác nhau.
Điều rất hay, thú vị là các chuyên viên về luật của Liên Hiệp Quốc hiểu rằng vấn đề nhân quyền là một vấn đề nhạy cảm, gai góc trong nội bộ Liên Hiệp Quốc gần 200 nước rất khác biệt nhau nên không thể nóng vội. Các nước tiên tiến về mặt này phải kiên trì giúp đỡ, đấu tranh, thuyết phục và giáo dục nước khác. Do đó quy định mọi nước đều được quyền ứng cử vào Hội đồng và trong quy chế hoạt động đề ra việc "Rà soát định kỳ" - UPR (Universal Periodic Riview) để mỗi nước có chân trong hội đồng đều có trách nhiệm làm gương về tôn trọng nhân quyền, phải tự kiểm điểm sâu sắc và để cho các thành viên hội đồng phê bình, chất vấn, góp ý, cuối cùng nước đó phải cam kết tiếp thu những điểm gì và hứa sửa chữa ra sao, bảo lưu những điểm gì, vì sao. Thế là cứ 4 đến 5 năm, mỗi nước phải "lên mâm" một lần để cho Hội đồng góp ý, khuyến nghị và kết luận.
Qua mỗi lần họp UPR, UNHRC chuẩn bị báo cáo về nước được rà soát, nghe báo cáo của nước được rà soát, nghe báo cáo phản biện của các tổ chức xã hội dân sự của nước đó nếu có, tất cả tập trung vào những ưu và khuyết điểm trên lãnh vực nhân quyền, sau đó thảo luận, tranh luận để có sự đánh giá đầy đủ khách quan, cuối cùng là ghi lại các góp ý, kiến nghị của các bên để nước được rà soát tuyên bố tiếp thu những điểm nào, thanh minh những điểm nào và hứa hẹn sửa chữa bổ khuyết ra sao, được công bố công khai cho mọi người rõ.
Việt Nam được bầu vào Hội đồng từ năm 2013 đến năm 2016 và được lên mâm rà sóat công khai năm 2015.
Nội dung kiểm điểm rất rộng, trước hết là về tôn trọng nhân quyền, quyền công dân được luật pháp bảo vệ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền bình đẳng nam–nữ, chống phân biệt chủng tộc, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, có nền quản trị đất nước công khai minh bạch, chống hành hạ tra tấn tù nhân…Mỗi công dân hay đoàn thể có thể gửi đơn tố cáo với dẫn chứng đầy đủ đến Hội đồng về các vấn đề trên đây, thậm chí có thể gửi đơn kiện đến Tòa án nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2004, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị một đòn trừng phạt nặng nề bởi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bị đặt trong trường hợp mang tên CPC – Country of Special Concern (nước cần phải quan tâm đặc biệt), bị lên án, cảnh cáo, tẩy chay do các tội hiển nhiên : giam cầm xử tù một số chiến sĩ đấu tranh không bạo lực cho dân chủ, nhân quyền, dối trá không chịu công nhận có tù nhân lương tâm, tù nhân do tín ngưỡng tôn giáo, tù nhân chính trị, nạn tham nhũng lan rộng chứng tỏ quản trị không minh bạch trong sáng.
Chính quyền 2 năm sau đó đã buộc phải xuống thang trong bắt bớ, đàn áp, thả một số tù chính trị, đồng thời bắt đầu chống tham nhũng tích cực hơn, làm một số động tác đổi mới như cổ phần hóa một số công ty quốc doanh… nên cái gông CPC được gỡ bỏ, và đến năm 2013 còn được bầu vào UNHRC trong 3 năm. Hồi đó Việt Nam đã phải nhân nhường lùi 1 bước về chiến thuật để gỡ khỏi nạn CPC tệ hại và mất uy tín danh dự quốc tế , nhưng sau đó khi đã được tham gia một số diễn đàn quốc tế và một số hiệp ước thương mại đa phương, nhà cầm quyền toàn trị lại trở mặt, hèn với giặc ác với dân, còn nặng nề nghiêm trọng hơn trước.
Trong cuộc Rà soát năm 2015, phái đoàn Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị, chất vấn, nhưng không chịu nhận có tù chính trị và đàn áp tôn giáo, chỉ chấp nhận 182 điều và hứa sửa chữa như tôn trọng quyền lập công đoàn tự do, chống tra tấn, buôn bán phụ nữ trẻ em, đàn áp tự do báo chí, nhưng rõ ràng là họ không sửa chữa, còn phạm nặng hơn trước.
Năm nay tất cả các tổ chức nhân quyền quốc tế, từ UNHRC đến HRW, RWB – phóng viên không biên giới, đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, của Liên Âu, của Cộng hòa liên bang Đức… cho rằng tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay xấu đi một cách nghiêm trọng và tệ hại, một số tổ chức còn yêu cầu đưa Việt Nam trở lại với danh xưng CPC, khi số tù chính trị năm 2017 bị bắt và tuyên án lên đến hơn 30 người, đưa tổng số tù chính trị lên đến kỷ lục 166 người, có những vụ cực kỳ nghiêm trọng như vụ xử cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có mẹ già, 2 con nhỏ, cô lại ốm yếu không được chữa chạy, còn bị di chuyển đi rất xa làm cho mẹ cô khó đi thăm. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế lên tiếng đòi tự do ngay cho cô và nhiều tù nhân chính trị khác như cô Nguyễn Thúy Nga, anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, anh Nguyễn Văn Hóa, anh Trần Anh Kim…
Đúng vào dịp này, mạng Mạch Sống của tổ chức BPSOS công bố hồ sơ "NOW" đòi tự do ngay cho tất cả tù nhân chính trị, ghi rõ tên tuổi, hình ảnh, họat động và bản án tù của từng người tù trong tổng số 166 nói trên, được bổ sung thêm bớt từng ngày để thông báo rộng rãi, được dịch ra nhiều thứ tiếng, một việc làm cao quý, thiết thực, đúng lúc.
Trong khi UNHRC đang họp cho đến tận 23/3/2018, rồi cuộc Đối thọai Nhân quyền Hoa Kỳ- Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 tới, đây là dịp tốt để các chiến sĩ nhân quyền đẩy mạnh họat động, thông báo và kiến nghị gửi UNHRC (Genève, Thụy Sỹ) và các chính phủ quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam. Hoa Kỳ vừa cử thượng nghị sĩ Sam Brownback một nhân vật quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam, từng sang gặp Lm Nguyễn Văn Lý ở trong tù, làm đặc sứ lưu động về nhân quyền.
Bộ chính trị và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa lo sợ phong trào dân chủ nhân quyền đang lan rộng một cách vững chắc với sự xuất hiện hơn 40 tổ chức xã hội dân sự dần dần lớn mạnh, kiên cường, nhưng mặt khác họ thực hiện chiến lược "nhất biên đảo"- ngả hẳn sang phía gắn bó với Trung Cộng, đồng thời chủ quan cho rằng tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã coi trọng lợi nhuận, lợi ích kinh tế hơn nhân quyền, nên họ tỏ ra độc ác, trấn áp nhân quyền mạnh hơn, kể cả ở trong đảng. Với quyết định 102, đảng viên nào đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, ủng hộ sự xuất hiện nhiều tổ chức xã hội dân sự sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, một quyết định mang tính chất phát xít, bị nhiều đảng viên cao cấp bác bỏ.
Cần chỉ rõ chế độ độc đảng đã bị thiệt thòi cực lớn do vi phạm nhân quyền, họ bị cô lập hơn bao giờ hết. Do cử một giới chức an ninh cấp cao sang châu Âu tổ chức bắt cóc ở Cộng hòa liên bang Đức mà hiệp định tự do thương mại với Liên Âu bị đình hõan không thời hạn, do thiếu luật pháp công minh nên các nhà kinh doanh và các ngân hàng nước ngòai rút vốn ra khỏi Việt Nam để đầu tư nơi khác, bà con Việt Kiều cũng e ngại và giảm đang kể số kiều hối gửi về nước, trong khi ngân sách thiếu hụt, không chi trả nổi tiền lương cho người lao động, công nhân viên chức.
Ngay từ đầu năm 2018- Mậu Tuất, cuộc tranh đấu giữa chà đạp và bảo vệ nhân quyền trở thành mặt trận đấu tranh nổi bật, cần đến sự dấn thân mạnh mẽ, thông minh, kịp thời của các tổ chức xã hội dân sự, của mọi giới, trí thức, thanh niên, phụ nữ, lao động, nông dân, nhà kinh doanh, mọi dân tộc, mọi tôn giáo , trong nước và ngòai nước, với tinh thần ta lo trước cho ta rồi toàn thế giới dân chủ tiến bộ sẽ hỗ trợ ta mạnh mẽ hơn.
Trong một nghị quyết không mang tính trói buộc và được biểu quyết ngày thứ ba 14/11/2017, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc phê phán Bắc Triều Tiên dồn sức phát triển vũ khí, bất chấp tình trạng dân chúng nghèo đói.
Nông dân Bắc Triều Tiên trên một cánh đồng ở ngoài thủ đô Bình Nhưỡng (ảnh chụp ngày 04/05/2016). Reuters/Damir Sagolj/File Photo
Theo AFP, nghị quyết, do Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản đề nghị, lên án chế độ Bình Nhưỡng huy động tài nguyên để thực hiện chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thay vì chăm lo phúc lợi cho người dân.
Văn bản nhấn mạnh mối quan ngại về tình trạng "tra tấn và hành quyết tù nhân, bắt giam, bắt cóc và kết án tùy tiện công dân ngoại quốc trong và ngoài lãnh thổ Bắc Triều Tiên".
Một trong những trường hợp cụ thể được dẫn chứng là vụ sinh viên Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi, bị bắt giam vào tháng 10/2016 và qua đời ngay sau khi được trả tự do.
Nghị quyết nhân quyền yêu cầu Bình Nhưỡng tái lập các cuộc hội ngộ giữa các gia đình ly tán ở hai miền nam bắc cũng như cho phép công dân nước ngoài, trong trường hợp bị bắt, được đại diện ngoại giao thăm viếng và liên lạc với thân nhân.
Những lời tố cáo và khuyến cáo này sẽ được đưa ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận vào tháng 12 tới.
Trump đáng tội chết
Trong bài bình luận công bố sáng 15/11/2017, cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng một lần nữa sỉ vả tổng thống Mỹ. Rodong nhật báo cho là ông Trump "hèn nhát" không dám đến vùng phi quân sự. Tổng thống Mỹ "đáng bị kết án tử hình" vì đã gọi Kim Jong-un là một "tên bạo chúa" trong diễn văn tại Quốc hội Hàn Quốc hồi tuần trước.
Tú Anh