Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/10/2018

Điểm báo Pháp - Mỹ và Trung Quốc, thống trị thế giới lưỡng cực

RFI tiếng Việt

Năm 2019 : Mỹ và Trung Quốc, thống trị thế giới lưỡng cực

Cuối tuần này, 250 chuyên gia về quan hệ quốc tế tụ họp tại Rabat, thủ đô Morocco tham dự Hội nghị Chính trị Quốc tế (World Policy Conference). Theo các chuyên gia, thế giới dường như đang được tái cấu trúc thành hai cực, tập trung xung quanh Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong khi mà Châu Âu đang tìm kiếm cho mình một chỗ đứng.

my1

Cảnh chuẩn bị cho cuộc họp báo chung của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 14/06/2018.REUTERS/Jason Lee/File Photo

Nhân sự kiện này mục Quốc tế nhật báo kinh tế Les Echos (26/10/2018) dành hai trang báo lớn đưa ra các dự phóng về những thách thức địa chính trị cho năm 2019. RFI tiếng Việt xin điểm lại các ý chính.

Đầu tiên hết, Les Echos ghi nhận "Một trật tự thế giới bị đảo lộn đang được tái định hình với tốc độ chóng mặt". Bởi vì, các luật chơi quốc tế đang thay đổi cùng với sự xuất hiện của vô số yếu tố phức tạp đan xen lẫn nhau. Từ sự phân đôi các tác nhân tập trung xung quanh sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, cho đến mối họa khủng bố thường trực cũng như cuộc chiến tin học đang lan rộng đe dọa các nền dân chủ và nhiều định chế quốc tế.

Châu Âu và cơn sóng thần "dân túy"

Tại Châu Âu, nhà báo Catherine Chatignoux khẳng định "Chủ nghĩa dân túy đang thắng thế". Ngay từ năm 2014, những phong trào chống hệ thống, chống di dân và chống Liên Hiệp Châu Âu đã đánh dấu một sự trỗi dậy đáng kể tại Nghị viện Châu Âu.

Gần như không một nước nào không bị tác động. Làn sóng dân túy lan từ những nước Nam Âu như Ý, vốn dĩ "bị nghiền nát" vì cuộc khủng hoảng kinh tế sang đến cả những nước Bắc Âu, thịnh vượng hay đang trên đà hồi phục kinh tế như Thụy Điển, Đan Mạnh và Áo chẳng hạn.

Việc dồn phiếu cho phe cực hữu phản ảnh rõ một sự chối bỏ làn sóng di dân được cho là quá tải, nỗi sợ hãi hay thực tế của tình trạng xuống cấp kinh tế trước hiện tượng toàn cầu hóa. Đó còn là một sự tìm kiếm bản sắc mà ở đó các đảng truyền thống đã không thể đem lại một lời giải đáp.

Giờ đây, cơn sóng thần "dân túy" này đang ngấp nghé trước cửa Nghị Viện Châu Âu trong kỳ bầu cử vào tháng 5/2019 tới đây, được đại diện bởi ba thế lực chính : Phong trào Liên Đoàn Phương Bắc của ông Matteo Salvini ở Ý, cùng với hai đảng cực kỳ bảo thủ mang tư tưởng chủ quyền lãnh thổ và "phi tự do", PiS (Quyền và Công Lý) tại Ba Lan và Fidesz (Liên minh dân sự) của Thủ tướng Hungary Victor Orban.

Trung Quốc : Chủ nợ mới của thế giới

Tại Châu Á, Trung Quốc, ngoài việc được nhìn nhận như là một cường quốc quân sự, kinh tế, còn được các nhà quan sát ví như là một ông "chủ nợ mới của các nước mới trỗi dậy". Sự hào phóng về tài chính của Trung Quốc đẩy nhiều nước rơi vào tình trạng nợ quá mức.

Bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh đã phải lên tiếng cảnh báo các nước được Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Châu Á của Trung Quốc cho vay là chớ có tin rằng đó là những "suất ăn miễn phí".

Tuy điều kiện cho vay của Trung Quốc ít ngặt nghèo hơn so với của Ngân hàng Thế giới WB hay IMF, nhưng đến một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ chìa "tờ hóa đơn". Do vậy, phải cảnh giác trước nguy cơ bị "mắc siêu nợ".

Nợ công tại vùng Châu Phi hạ Sahara chiếm đến 45% Tổng sản phẩm quốc nội GDP vào cuối năm 2017, tăng 40% trong vòng 3 năm. Nhìn trong tổng thể, Trung Quốc chưa phải là chủ nợ hàng đầu. Nhưng khi tuyên bố mất khả năng trả nợ, Mozambique đã thừa nhận một khoản nợ khác gần 2 tỷ đô la vay ở nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.

Tình trạng này đang gia tăng ở Châu Phi và tại một số nước Đông Nam Á. Điều đó cho thấy là Trung Quốc đang tạo ra các sự lệ thuộc. Angola chấp nhận vay hai tỷ đô la, hoàn trả bằng khí đốt. Tương tự, Venezuela vay của Trung Quốc nhiều tỷ đô la và phải chấp nhận trả bằng dầu khí.

Với chiến lược "Con đường tơ lụa mới", Trung Quốc đã thành lập nhiều cơ chế tài chính đa phương và một hệ thống quản lý thay thế để cạnh tranh với phương Tây. Mục tiêu là trong dài hạn, Trung Quốc có thể trở thành một cực đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ. Vì vậy, mỗi nước có liên quan phải tự chọn cho mình một phe để theo.

Hồ sơ Bắc Triều Tiên : "Nói nhiều, làm ít"

Tại Châu Á, lãnh đạo Bắc Triều Tiên năm 2018 đã có những bước đi ngoại giao ngoạn mục. Không những Kim Jong-un đã có được một cuộc gặp thượng đỉnh với Donald Trump mà thượng đỉnh lần hai cũng đang được chuẩn bị.

Tương lai bán đảo Triều Tiên như thế nào chưa rõ. Chỉ biết rằng bất chấp các nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, sau ba lần gặp thượng đỉnh và trong vòng công du Châu Âu vừa qua để vận động các nước mà ông đi qua hậu thuẫn cho quá trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngờ sự thành tâm của Bình Nhưỡng.

Hiện tại, tất cả các bên có liên quan đều tuyên bố tìm mọi cách để mang lại hòa bình cho bán đảo. Trong một cử chỉ tỏ thiện chí, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và đồng nhiệm Hàn Quốc, Jeong Kyeong-doo, đã quyết định hủy cuộc tập trận thường niên "Vigilant Ace" được tổ chức vào tháng 12 tại Hàn Quốc. Hai bên giải thích cùng muốn "mang lại cơ hội để tiếp tục theo đuổi tiến trình ngoại giao (với Bắc Triều Tiên)".

Iran ngạt thở vì Hoa Kỳ

Nếu như Bình Nhưỡng đang dần tìm cách thoát khỏi các lệnh trừng phạt của quốc tế thì Tehran ngược lại vướng phải vòng kim cô của Mỹ. Kể từ ngày 04/11/2018, lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu hỏa, nguồn thu chính của Iran, bắt đầu có hiệu lực. Văn bản này nghiêm cấm tất cả các nước, các doanh nghiệp có giao dịch với Iran.

Với lệnh cấm này, lượng dầu thô xuất khẩu của nước Cộng hòa Hồi giáo có thể sẽ bị giảm đến hơn một nửa so với con số 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, tính đến tháng 4/2018. Vì vậy, những ngày tháng sắp tới, đất nước Iran sẽ phải sống những tháng ngày khó khăn, trong khi mà lạm phát đã vượt mức 45% và đồng tiền quốc gia mất giá kỷ lục. Bất ổn xã hội và phản đối chính trị có nguy cơ bùng nổ.

Thế giới Hồi giáo và những cuộc chiến không hồi kết

Trong khi đó, "Thế giới Hồi giáo chìm đắm trong những cuộc nội chiến triền miên".

Giới quan sát nói đến một mùa xuân Ả Rập dở dang. Bởi vì, trong năm nước có liên quan bởi cơn chấn động này bắt đầu từ tháng 01/2010, ba nước bị xâu xé vì nội chiến : Yemen - 15.000 người chết và một cuộc khủng hoảng nhân đạo, Syria – hơn 450 nghìn người bỏ mạng và một đất nước bị tàn phá và Libya 25.000 người tử vong.

Giới chuyên gia cho rằng khó có hy vọng tìm ra một giải pháp để vãn hồi hòa bình cho các cuộc xung đột tại ba nước trên.

Donald Trump và nửa nhiệm kỳ còn lại đầy "rủi ro"

Nếu đúng theo dự đoán kết quả bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ sẽ chiếm đa số ở Quốc hội, nửa nhiệm kỳ còn lại của tổng thống Donald Trump được dự báo là nhiều "sóng gió".

Quốc hội Mỹ sẽ "bùng nổ" các ủy ban, được thành lập để điều tra các vụ bê bối. Từ các khoản chi tiêu xa hoa của Scott Pruitt ở Cơ quan Môi trường do thiếu đạo đức nghề nghiệp cho đến những lợi nhuận không rõ ràng mà ông có được từ những hoạt động của gia đình Trump hay trực tiếp từ những thương vụ của cô con gái Ivanka Trump.

Rồi những nghi vấn trốn thuế của "vương triều bất động sản" Donald Trump. Hay như đòi mở lại điều tra thẩm phán Kavanaugh vừa được bổ nhiệm vào Tòa Án Tối Cao.

Nhất là, sau kỳ bầu cử giữa kỳ, công tố viên đặc biệt Robert Mueller sẽ phải công bố kết quả điều tra nghi án ban vận động tranh cử của Donald Trump thông đồng với Nga và cho biết liệu tổng thống Mỹ có đã tìm cách cản trở điều tra hay không.

Nhưng có một điều chắc chắn, bất kể kết quả bầu cử giữa kỳ có ra sao, 2020 đang là đích nhắm chính của ông Donald Trump. Tổng thống Mỹ cũng muốn nối gót Harry Truman, Bill Clinton hay Barack Obama, vẫn đắc cử nhiệm kỳ hai, cho dù đã mất đa số ở Quốc hội vào giữa nhiệm kỳ đầu.

Châu Mỹ Latinh : Thuyền ngả sang hữu

Nhìn xuống phía Nam, tại các Châu Mỹ Latinh, người dân vì tức giận chống lại những chính đảng truyền thống tham ô, đã chọn các ứng viên ngoài hệ thống. Nhà báo Michel de Grandi buồn bã nhận định "Châu Mỹ Latinh ngả theo cánh hữu".

Từ Chilê, Colombia cho đến Brazil, phe cực hữu đang thắng thế tại vùng Châu lục đang gặp khủng hoảng. Bởi vì, các chính sách phát triển của nhiều chính phủ cánh tả trong những năm gần đây đã thất bại và tạo cơ hội cho phe cực hữu trỗi dậy, được cử tri xem như là một giải pháp thay thế.

Tin tặc Nga : Kẻ thù của phương Tây

Cuối cùng, Les Echos dự đoán năm 2019 sẽ còn là một trận quyết chiến "tin học" giữa Nga và Phương Tây. Brexit, bầu cử tổng thống Mỹ, hay như vụ đầu độc cựu điệp viên Serguei Skripal tại Anh, phương Tây đều tin rằng có bàn tay của điện Kremlin, cho dù Moskva vẫn luôn phủ nhận.

Câu hỏi đặt ra : Liệu Phương Tây đã có đủ phương tiện kỹ thuật, ý chí chính trị để ngăn chận Vladimir Putin tiếp tục điều khiển các chiến dịch xâm nhập và gây bất ổn ngoài các hành động gián điệp thông thường trong thời bình hay không ? Thực hư thế nào chưa rõ, chỉ biết rằng phương Tây đã bắt đầu hành động.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 542 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)