Algeria : Cuộc cách mạng trong ngõ cụt
Thứ Sáu 07/06/2019, người dân Algeria lại xuống đường, lần thứ 16, để phản đối chế độ cầm quyền, hiện nằm dưới sự điều hành của tướng Ahmed Gaïd Salah, sau khi tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức.
Người dân Algeria lại xuống đường lần thứ 16 phản đối chế độ, thủ đô Alger, ngày 07/06/2019. Reuters/Ramzi Boudina
"Algeria trong ngõ cụt" là nhận định của bài xã luận Le Monde bởi vì từ bốn tháng nay, quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng "tạm ngừng" trên mọi mặt.
"Tạm ngừng" vì một phong trào phản kháng sâu rộng của người dân kéo dài từ thứ Bẩy 16/02 với một cuộc tuần hành bộc phát phản đối nhiệm kỳ thứ 5 của tổng thống Bouteflika và từ đó đến giờ, cứ thứ 6 hàng tuần, họ lại xuống đường một cách ôn hoà. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Algeria !
"Tạm ngừng" đối với một chế độ độc tài, giờ do quân đội kiểm soát. Chế độ độc tài đó cầm quyền từ khi Algeria giành được độc lập và vẫn đeo bám quyền lực sau khi chỉ nhân nhượng vài điểm, như tổng thống 82 tuổi Bouteflika rút lui.
"Tạm ngừng" vì một nền kinh tế phát triển chậm lại do bị cuốn theo vòng xoáy chính trị.
Theo xã luận của nhật báo Le Monde, tình hình chính trị ở Algeria hoàn toàn rơi vào ngõ cụt. Chủ Nhật 02/06, Hội Đồng Bảo Hiến quyết định lùi ngày bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ta ngày 04/07 vì thiếu ứng viên : Hiện chỉ có hai ứng viên không tên tuổi ghi danh vào cuộc bầu cử mà người biểu tình bác bỏ. Họ phản đối hoàn cảnh và những điều kiện mà cuộc bầu cử sẽ được tổ chức. Đây là lần thứ hai, sau lần đầu vào ngày 18/04, chính quyền thân Bouteflika hủy bầu cử tổng thống nhằm có thêm thời gian.
Như vậy, ngày tổ chức bầu cử tổng thống vẫn chưa được ấn định, trong khi đó nhiệm kỳ tổng thống tạm quyền, sẽ chính thức kết thúc ngày 09/07, vừa được Hội Đồng Bảo Hiến kéo dài vô thời hạn. Tình hình chính trị tại Algeria tiếp tục rơi vào vô định !
Thực quyền hiện nằm trong tay tham mưu trưởng quân đội, tướng Ahmed Gaïd Salah, 79 tuổi, trụ cột của chế độ từ 20 năm nay. Có lẽ cũng bị bất ngờ như chính giới về quy mô của phong trào phản đối và nghĩ rằng phong trào sẽ nhanh chóng bị dập tắt, tướng Salah không đưa ra bất kỳ dấu hiệu cởi mở nào mà dường như chỉ chăm chăm lo giữ chiếc ghế của mình. Và điều này tạo điều kiện cho các cuộc thanh toán nội bộ giữa những phe phái của chế độ cầm quyền, dẫn đến các cuộc bắt giam trong hàng ngũ "đặc quyền đặc lợi".
Người dân Algeria, đặc biệt là giới trẻ, thể hiện quyết tâm tới cùng. Họ không muốn thay đổi chính trị gia trên thượng tầng mà yêu cầu thay đổi toàn bộ chế độ. Quyết tâm này càng sôi sục hơn sau khi Kamel Eddine Fekhar, một nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, bị chết trong tù ngày 28/05 sau khi tuyệt thực khi bị bắt ngày 31/03.
Ngày 06/05, tổng thống tạm quyền Bensalah kêu gọi đối thoại giữa "giới chính trị" và "xã hội dân sự" - con đường bắt đầu cho giai đoạn quá độ chính trị. Vấn đề ở chỗ "giới chính trị"hoàn toàn bị mất tín nhiệm, trong khi "xã hội dân sự" chưa tìm được gương mặt đại diện. Để có được đối thoại, tướng Gaïd Salah phải cam kết được với người dân rằng giới cầm quyền chân thành, minh bạch trong việc tôn trọng tiến trình quá độ được tổ chức một cách dân chủ.
Xã luận của Le Monde cho rằng đây là lối thoát duy nhất cho Algeria, trong khi hình ảnh về đất nước Sudan và cuộc đàn áp đẫm máu phong trào nhân dân đã buộc tổng thống Omar Al Bachir phải từ chức vẫn còn đọng lại trong tâm trí người biểu tình Algeria hôm thứ Sáu 07/06.
Algeria : Trở về nơi khai mào phong trào phản kháng dân chủ
Phóng viên của Le Monde đã đến Kherrata, một thành phố có 40.000 dân trong vùng Kabylie, nơi xuất phát từ tháng 02/2019 phong trào chống bộ máy cầm quyền. Đứng đầu là ba thanh niên, một đội ngũ nhà đấu tranh, các nghiệp đoàn và hiệp hội.
Kherrata từng là cái nôi của nhiều cuộc tuần hành trước đó, cuộc nổi dậy năm 2001, cuộc tuần hành phản đối đời sống đắt đỏ năm 2011… Theo lời kể của một số nhân chứng với phóng viên của Le Monde, phẫn nộ trước thông báo ngày 10/02 của tổng thống Bouteflika ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, ba thanh niên sống ở Kherrata đã nghĩ đến việc tại sao không tổ chức tuần hành phản đối chế độ. Không tự mình làm được, họ kêu gọi "những người anh", các nhà đấu tranh, nghiệp đoàn, hiệp hội giúp đỡ.
Karim Chadli, một nhà giáo, kể với Le Monde : "Cuộc tuần hành được chuẩn bị bí mật trong nhiều ngày. Sau đó chúng tôi đồng loạt xuống đường. Chúng tôi xuất hiện. Dĩ nhiên là cơ quan an ninh nhận dạng được chúng tôi. Nhưng cỗ máy đã được khởi động".
Khắp thành phố Kherrata và các làng lân cận xuất hiện nhiều biểu ngữ : "Chúng tôi kêu gọi người dân tham gia tuần hành ôn hòa phản đối nhiệm kỳ thứ 5 và hệ thống cầm quyền. Thế giới sẽ bị hủy diệt, không phải tại những người làm điều xấu, mà do chính những người nhìn họ ra tay mà không hành động gì". Hàng nghìn người đã hưởng ứng và xuống đường ngày 16/02. Phong trào đã lan rộng khắp Algeria trong lần xuống đường thứ hai ngày 22/02, với vài triệu người tham gia.
"Sinh viên đóng vai trò hàng đầu" trong phong trào phản đối chế độ Algeria
Khởi đầu phong trào biểu tình tại Algeria là 3 gương mặt thanh niên. Trả lời phỏng vấn Le Monde, Farida Souiah, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại đại học Aix-Marseille, nhấn mạnh đến "vai trò hàng đầu của sinh viên" trong phong trào phản đối chế độ "chưa từng có trong lịch sử Algeria đương đại" vì đây là "một cuộc biểu tình có quy mô lớn", "kéo dài", diễn ra ở "khắp các vùng", quy tụ "mọi tầng lớp xã hội, mọi thế hệ".
Theo nhà nghiên cứu, phong trào này trước tiên chính là sự hòa giải giữa người dân Algeria với nhau. Nếu như năm 2011, thế hệ trẻ chưa dám nổi dậy như tại Tunisia hay Ai Cập do sợ "bị trấn áp", hiện nay, phần lớn thanh niên Algeria đã tin vào khả năng của họ trong việc huy động toàn dân và thay đổi đất nước. Thậm chí, họ còn chứng tỏ tư cách và ý thức công dân của mình khi đi nhặt rác sau mỗi cuộc tuần hành thứ Sáu hàng tuần.
Riêng về sinh viên, theo nhà nghiên cứu, họ đóng vai trò quan trọng trong phong trào, vì ngoài cuộc tuần hành toàn dân mỗi thứ Sáu hàng tuần, giới sinh viên còn tổ chức tuần hành riêng vào mỗi thứ Ba. Nhờ phổ cập giáo dục đại học, Algeria hiện có 1,7 triệu sinh viên, trong đó gần 60% là sinh viên nữ.
Hồng Kông biểu tình chống luật dẫn độ sang Hoa lục
Thời sự Châu Á nổi bật là cuộc tuần hành ngày 09/06/2019 của hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông chống luật dẫn độ sang Hoa lục, được nhật báo Le Figaro đề cập.
Họ giương cao các biểu ngữ : "Dẫn độ sang Trung Quốc là mất tích vĩnh viễn" và đòi đặc khu trưởng Hồng Kồng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức. Cuộc biểu tình rầm rộ ngày 09/06 được cho là mang tính quyết định vì luật dẫn độ sẽ được đưa ra thảo luận tại Nghị Viện Hồng Kông, do phe thân Bắc Kinh chiếm đa số, vào thứ Tư 12/06 và có thể sẽ được thông qua từ giờ đến cuối tháng.
Người dân Hồng Kông lo ngại đạo luật trên sẽ làm thụt lùi quy chế bảo vệ tư pháp và có thể bị lạm dụng để trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính quyền Bắc Kinh. Nhiều người lo ngại : "Nếu luật được thông qua, bất kỳ ai ở Hồng Kông đều có thể mất tích" vì chẳng ai được xét xử công bằng ở Hoa lục.
Một sinh viên tham gia biểu tình cho rằng luật dẫn độ "sẽ đe dọa trực tiếp đến các giá trị cơ bản của Hồng Kông" và "sự độc lập về tư pháp". Còn đối với Chris Patten, thống đốc Hồng Kông cuối cùng của Anh, nếu được thông qua, thì đạo luật sẽ là một "cú giáng khủng khiếp"đối với nguyên tắc nhà nước pháp quyền và danh tiếng trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.
Các nhà xuất bản độc lập Hồng Kông tìm cách cưỡng lại sức ép từ Bắc Kinh
Trong tầm ngắm của đạo luật dẫn độ sang Hoa lục sẽ có nhiều người trong giới xuất bản độc lập ở Hồng Kông. Đó là những người dám đối đầu với chính quyền Bắc Kinh khi cho xuất bản nhiều tác phẩm chỉ trích chế độ Bắc Kinh, về những sự kiện cấm kị như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Vẫn theo phóng viên của Le Figaro, không chờ đến luật dẫn độ được thông qua, đã có 5 nhà sách Hồng Kông bị giam cầm ở Hoa lục. Ngay từ năm 2010, Bắc Kinh đã tìm cách bóp nghẹt ngành xuất bản độc lập này, "từ tác giả, nhà xuất bản, nhà in, nhà phân phối, các hiệu sách và khách hàng", theo nhận định của một nhà nghiên cứu cho tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch.
Tuy nhiên, công chúng vẫn có nhu cầu đọc sách bị cấm in ở Hoa lục và điều này động viên giới xuất bản độc lập Hồng Kông tiếp tục, theo ông Bao Pu, một nhà xuất bản độc lập. Ông Bao Pu cho biết rất nhiều thanh niên Trung Quốc bất chấp rủi ro để có được những tác phẩm tiết lộ những điều mà chính quyền Bắc Kinh luốn muốn che giấu.
Mỹ tham gia cuộc chiến chống các nhà khổng lồ internet
Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang và một số nghị sĩ Mỹ đã khởi động tiến trình nhắm vào GAFA, bốn "đại gia" trên internet, gồm Google, Apple, Facebook và Amazon. Le Monde đưa tin : "Washington tham gia cuộc chiến chống các nhà khổng lồ internet".
Bị nghi ngờ là thống lĩnh, thậm chí là độc quyền, vi phạm luật Clayton chống độc quyền được thông qua năm 1914, các đại tập đoàn trong lĩnh vực kỹ thuật số trở thành đối tượng tấn công của một mặt trận chung, chưa từng có, giữa nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ trong Ủy ban Tư pháp Hạ Viện, trong đó có Apple và Amazon.
Phía Ủy ban Thương mại Liên bang sẽ tập trung vào Facebook, trong khi Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ thiên về trường hợp Google.
Vậy "GAFA bị chỉ trích về điều gì ?", câu hỏi được Le Monde nêu lên trong một bài viết khác. Thứ nhất, Facebook bị trỉ chích có quá nhiều quyền lực với hai ứng dụng WhatsApp và Instagram. Google thì trở thành công cụ tìm kiếm quá mạnh. Amazon trở thành trang bán hàng trực tuyến phân biệt, đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ. Apple thì quá háu ăn với AppStore.
Tóm lại, một bài viết trong mục "Ý kiến" trên Le Figaro nhận định : "Đến hồi chấm dứt tình trạng độc quyền Gafa", chấm dứt "quyền bất khả xâm phạm" do sự đóng góp của các tập đoàn này cho nền kinh tế Mỹ, cũng như mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tình báo. Chính quyền Mỹ không thể khoanh tay trước sự phẫn nộ của công luận sau hàng loạt vụ tai tiếng trao đổi, đánh cắp thông tin người sử dụng, trốn thuế, tung tin giả, hoặc mạng xã hội được thánh chiến huy động để tuyên truyền khủng bố.
Trang nhất các nhật báo
Thứ Hai 10/06 là ngày lễ chúa thánh thần hiện xuống, chỉ có hai nhật báo Pháp Le Figaro và Le Monde số ba ngày ra rạp. Tình hình nội bộ với những rạn nứt, chia rẽ trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains) là chủ đề chính của Le Figaro. Trang nhất của Le Monde trở lại cội nguồn của cuộc phản kháng ở Algeria, hiện đang rơi vào ngõ cụt.
Thu Hằng
Algeria : Em trai cựu tổng thống Bouteflika bị bắt (RFI, 05/05/2019)
Cơ quan an ninh Algeria thông báo ông Said Bouteflika, 61 tuổi, em trai cựu tổng thống Abdelaziz Bouteflika và hai cựu quan chức cao cấp của tình báo Algeria đã bị bắt hôm 04/05/209. Cảnh sát và quân đội Algeria không giải thích lý do dẫn đến vụ bắt giữ nói trên.
Người biểu tình Algeria đòi loại ba nhân vật quan trọng liên quan đến chính quyền tổng thống Abdelaziz Bouteflika, (từ phải sang trái) : doanh nhân Ali Haddad, cựu thủ tướng Ahmed Ouyahia và Said Bouteflika, em trai tổng thống, Alger, ngày 05/04/2019. Reuters/Ramzi Boudina
Hai cựu quan chức cao cấp Algeria bị bắt giữ cùng với em trai cựu tổng thống Bouteflika là tướng Mohamed Mediene, nguyên lãnh đạo tình báo Algeria và cựu điều phối viên của cơ quan này là ông Athmane Tartag.
Theo một số nhà quan sát, đây có thể là một cuộc thanh trừng trong nội bộ guồng máy lãnh đạo tại Alger.
Thông tín viên RFI Leila Beratto cho biết thêm về vai trò của ba nhân thân cận này với tổng thống vừa từ nhiệm Bouteflika :
"Ba nhân vật này đầy thế lực. Bằng cách này hay cách khác, họ đều có một mối liên hệ với cựu tổng thống Algeri, Abdelaziz Bouteflika.
Ông Said Bouteflika là em trai tổng thống và là một trong những người quyết định trong chính quyền. Rất kín đáo, ít xuất hiện trước công chúng, nhưng ông lại thường có mặt mỗi lần tổng thống Algeria tiếp xúc với các nguyên thủ nước ngoài. Trong những tuần lễ gần đây, nhiều chính khách chỉ trích nhân vật này thâu tóm quyền lực.
Về phần Mohamed Mediene, ông đứng đầu cơ quan an ninh DRS có quyền sinh sát trong tay, từ năm 1990 đến 2015. Mediene là đối tác chính của Algeria với các cơ quan tình báo nước ngoài. Dù đã về hưu, nhưng vẫn có rất nhiều người trong ngành tình báo Algeria trung thành với ông.
Cuối cùng, Athman Tartag là người đã lên lãnh đạo DRS sau khi Mohamed Mediene về hưu. Năm 2013, chính Tartag, bí danh là Bachir, đã chỉ huy chiến dịch giải cứu con tin tại khu khai thác khí đốt Tinguentourine. Bachir từng là cố vấn an ninh của phủ tổng thống".
Thanh Hà
*******************
An ninh Algeria bắt giữ em trai của cựu Tổng thống Bouteflika (Vietnam+, 05/05/2019)
Nguồn tin an ninh Algeria cho biết ông Said Bouteflika em trai kiêm cố vấn đặc biệt của cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika và 2 cựu lãnh đạo cơ quan tình báo đã bị bắt.
Ngày 4/5, nguồn tin an ninh Algeria cho biết ông Said Bouteflika em trai kiêm cố vấn đặc biệt của cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika và 2 cựu lãnh đạo cơ quan tình báo đã bị bắt.
Lý do của các vụ bắt giữ chưa được công bố.
Biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Algiers, Algeria, ngày 26/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Alger, hai lãnh đạo tình báo bị bắt gồm Tướng Mohamed Medienne, được biết đến dưới tên Toufik, người đứng đầu cơ quan tình báo trong 25 năm và cựu điều phối viên của lực lượng tình báo Athmane Tartag.
Hiện cảnh sát và quân đội Algeria chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan vụ bắt giữ các nhân vật kể trên.
Ông Said Bouteflika được cho là người đứng sau "giật dây và chi phối" các hoạt động của Phủ Tổng thống kể từ khi cựu Tổng thống Bouteflika bị đột quỵ năm 2013.
Trong quá khứ, ông Said thường được coi là một trong những người có khả năng kế vị cựu Tổng thống Bouteflika.
Tướng Medienne đứng đầu cơ quan tình báo DRS đầy quyền lực cho đến khi Tổng thống Bouteflika sa thải và giải tán cơ quan này vào năm 2016.
Trong những tuần gần đây, Tướng Ahmed Gadi Salah - Tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria - đã cáo buộc ông Medienne có liên quan đến âm mưu gây bất ổn đất nước.
Vào giữa tháng 4/2019, Tướng Salah đã yêu cầu ông Medienne và những người thân cận chấm dứt mọi hành động gây rối loạn trật tự và an ninh của đất nước.
Tướng Tartag, được truyền thông Algeria mô tả là người thân thiết với em trai của Tổng thống - đã bị sa thải ngay sau khi Tổng thống Bouteflika từ chức.
Dư luận nhận định ông bị bắt giữ vì đã có hành vi cấu kết với Tướng Medienne để "dẫn dắt một chiến dịch chống lại quân đội trên mạng xã hội."
Các cuộc biểu tình đang diễn ra mạnh mẽ ở quốc gia Bắc Phi trong 11 tuần liên tiếp nhằm yêu cầu những nhân vật thân cận của cựu Tổng thống Bouteflika rời bỏ quyền lực và thay đổi hoàn toàn chế độ hiện nay.
Quang Trường
Algeria : Bóng ma Bouteflika đã tan biến
Algeria cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit là đề tài chính của các báo Pháp hôm nay.
Biển người biểu tình tại Alger ngày 15/03/2019 đòi tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải ra đi.REUTERS/Zohra Bensemra
Le Figarochạy tựa "Bouteflika : Hồi kết". Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, tổng thống Algeria hôm qua đã phải từ chức dưới áp lực của đường phố và quân đội.
Trong bài xã luận mang tên "Một chiếc bóng đã biến đi", tờ báo nhận định sự vắng mặt của ông Bouteflika không làm thay đổi về căn bản. Đó không phải là một tổng thống đường hoàng trao lại quyền hành, mà là một bóng ma vừa tan biến.
Tổng thống vô hình
Đã từ lâu, Abdelaziz Bouteflika đã trở thành vô hình trước nhân dân. Đó cũng là một trong những lý do gây nên sự giận dữ nơi họ. Người dân Algeria không còn chịu đựng việc một bóng hình hóa thạch là đại diện cho mình. Việc tổng thống biến mất khỏi chính trường mang tính biểu tượng gấp một ngàn lần. Ông ta là biểu tượng cho một phe phái, một hệ thống, làm bình phong hợp pháp cho những kẻ trong hậu trường.
Sau sáu tuần lễ biểu tình ôn hòa, những thủ đoạn câu giờ của chế độ, vẫn không thể làm người dân dịu đi. Trước hết, ông Bouteflika hứa sẽ từ chức, rồi sau đó loan báo một sự chuyển đổi "dân chủ". Vẫn chưa đủ. Tổng tư lệnh quân đội phải kêu gọi tước quyền tổng thống, nhưng người biểu tình không hạ vũ khí. Cuối cùng là việc cải tổ nội các hôm Chủ nhật 31/3, nhưng vẫn không thuyết phục được ai. Le Figaro cho rằng, chế độ đã đi đến hồi kết, nhưng buổi bình minh sắp tới thì vẫn bất định.
Les Echos đặt câu hỏi, những người dân Algeria đã biểu tình cuối tuần qua với khẩu hiệu "Không chấp nhận điều khoản 102, tất cả phải ra đi !", liệu có bằng lòng với việc ông Bouteflika từ chức, và chấp nhận bầu cử tổng thống dưới sự kiểm soát của phía quân sự (với nguy cơ gian lận) hay không ? Phản ứng của họ trong những ngày tới là điều quan trọng.
Trong khi chờ đợi, quân đội cố gắng tỏ ra trong sạch : ra lệnh cấm tất cả các máy bay tư nhân cất cánh, ngăn chận các doanh nhân có liên can đến pháp luật. Hôm Chủ nhật 31/3, Ali Haddad, cựu chủ tịch Liên đoàn giới chủ đã bị bắt tại biên giới Tunisie.
Cuộc ra đi không chút vinh quang
Ở trang trong, tờ báo nói về "Sự ra đi không hề vinh quang của một tổng thống muốn là biểu tượng cho niềm kiêu hãnh của Algeria".
Tham gia kháng chiến từ lúc mới 19 tuổi, đến năm 1963 Abdelaziz Bouteflika trở thành ngoại trưởng trẻ nhất thế giới ở tuổi 26. Lúc đó Algeria đang là ngọn đèn pha của thế giới thứ ba, thúc đẩy phong trào không liên kết ; còn Bouteflika nhờ tài hùng biện, trở thành niềm tự hào của đất nước.
Còn bây giờ, Algeria giàu tài nguyên dầu khí ngả sang bảo thủ, kinh tế đi xuống do trước đây đã chọn lựa công nghiệp nặng và kế hoạch hóa theo kiểu Liên Xô, thanh niên thất nghiệp phải vượt biển tìm cuộc sống mới. Vị tổng thống bị đột quỵ năm 2005 phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tiếp tục đắc cử thêm nhiệm kỳ thứ ba, thứ tư. Phe của ông ngỡ nhiệm kỳ thứ năm cũng sẽ trôi qua êm ả, nhưng dân chúng đã xô ngã bức tường sợ hãi. Thuộc thế hệ làm nên lịch sử, nhưng Bouteflika đã lỡ cuộc hẹn với lịch sử.
Cú đòn choáng váng cho nhà độc tài Erdogan
Le Mondenhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ với một nhà độc tài khác trong bài xã luận "Một đòn rờ-ve choáng váng cho ông Erdogan".
Cựu thị trưởng Istanbul thường nhắc đi nhắc lại câu "thắng được ở Istanbul là chiếm được cả Thổ Nhĩ Kỳ". Tuy nhiên trong cuộc bầu cử ngày 31/3, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan vốn cầm quyền từ năm 2002, đã thất bại tại đại đô thị này, thủ đô Ankara và nhiều thành phố lớn, dù đã huy động mọi phương tiện và kiểm soát chặt truyền thông. Đối với đảng của tổng thống, đây là một cú đòn nặng nề dù vẫn còn là lực lượng chính trị hàng đầu. Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một bước ngoặt chủ chốt.
Tuy làm hài lòng cử tri bảo thủ Sunni, nhưng việc AKP Hồi giáo hóa xã hội khiến giới tinh hoa cộng hòa và giai cấp trung lưu mới bất mãn. Cuộc bầu cử vừa rồi có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý - ủng hộ hay chống đối ông Erdogan.
Xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ kháng cự
Tổng thống lao hẳn vào cuộc vận động, có khi tham dự đến năm cuộc mít-tinh một ngày để cố xoa dịu sự bất bình do kinh tế xuống dốc. Đồng lira mất giá, lạm phát tăng vọt trong khi cho đến nay thành công kinh tế luôn là ưu thế của chính quyền.
Để huy động cử tri, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại nêu ra thuyết âm mưu để dọa nạt ; đồng thời gây chia rẽ giữa người Sunni và các nhánh Hồi giáo khác, giữa người Kurdistan và người Thổ Nhĩ Kỳ, giữa tín đồ và người ngoại giáo. Nhưng cách này không còn hiệu quả. Mặc cho đàn áp đại quy mô (55.000 người bị bắt và 150.000 công chức bị sa thải sau vụ đảo chính quân sự bất thành năm 2016), xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục kháng cự. Kể cả tại các phòng phiếu.
Cho dù tương quan lực lượng bất xứng giữa chế độ và đối lập, nhiều vụ gian lận bầu cử, nhưng kết quả không phải đã được sắp đặt trước như ở nước Nga của ông Putin. Theo Le Monde, giờ đây đối lập phải rút được bài học, mà bắt đầu bằng sự đoàn kết đứng sau một ứng cử viên như ở Istanbul và Ankara.
Bốn kịch bản Brexit
Về một chủ đề lớn nữa là Brexit, Les Echos đưa ra nhiều kịch bản khác nhau đang được Châu Âu chuẩn bị.
Trong số đó có hai kịch bản tương đối đơn giản. Thứ nhất, nếu Nghị Viện Anh bất ngờ thông qua thỏa thuận, thì cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu ngày 10/4 sẽ xác nhận ngày 22/5 nước Anh chính thức ra khỏi EU. Một kịch bản khác khó có khả năng thành hiện thực, đó là người Anh hủy bỏ Brexit. Kịch bản thứ ba là Brexit không có thỏa thuận. Rất nhiều cuộc họp báo được dự trù trong những ngày tới để chuẩn bị đối phó với "no deal". Cuối cùng, là kịch bản Luân Đôn xin gia hạn lâu dài, như thế phải tham gia bầu cử Châu Âu. Các nước EU không hoàn toàn đồng ý với nhau về việc chấp nhận yêu cầu này, trong đó Pháp tỏ ra cứng rắn.
Châu Âu hậu Brexit ra sao ?
"Châu Âu như thế nào sau Brexit ?", đó là tựa đề một bài viết trên trang Ý kiến của Les Echos. Những người ủng hộ Brexit đang mơ làm Liên Hiệp Châu Âu tan thành từng mảnh vụn. Thực tế chứng tỏ họ đã sai, nhưng theo tác giả, đó không phải là lý do để giảng đạo đức hay hạ nhục người Anh. Ngược lại, chính việc hợp tác với Anh quốc là cần thiết cho Châu Âu của tương lai.
Nước Đức của thời hậu Merkel muốn chia sẻ chiếc ghế ở Hội Đồng Bảo An của Pháp nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ quốc phòng chung, bác bỏ mọi ý tưởng về hài hòa chế độ thuế khóa và xã hội trong Liên Hiệp Châu Âu. Thậm chí còn đòi bỏ các phiên họp ở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg. Thế nên Paris cần phải dành ưu tiên cho quan hệ với Luân Đôn. Trước những cuộc xung đột đang chờ đợi trong thế kỷ 21, lợi ích chiến lược của Pháp phù hợp với Anh hơn bất kỳ nước Châu Âu nào khác
Thương chiến Mỹ-Trung ảnh hưởng lên thương mại thế giới
Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận định "Không khí căng thẳng đè nặng lên thương mại thế giới".
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định, cuộc song đấu giữa Donald Trump và Tập Cận Bình từ một năm qua đã mang lại hiệu ứng tiêu cực : tăng trưởng thương mại thế giới chỉ còn 3% trong năm 2018 thay vì 3,9% như dự báo. Con số ước tính cho năm 2019 còn tệ hơn nữa : 2,6% thay vì 3,7%.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức chiếm đến hơn một phần tư doanh số trao đối hàng hóa và dịch vụ trên thế giới, thế nên các cuộc đàm phán ở Washington, Bắc Kinh và Bruxelles rất quan trọng. Liên Hiệp Châu Âu trong hội nghị G20 tài chính tuần tới muốn cảnh báo những nguy hiểm của chủ trương bảo hộ và tính cấp thiết của việc cải cách WTO.
Pháp xem xét dự luật chống Hoa Vi
Cũng về kinh tế, Les Echos quan tâm đến "Hoa Vi (Huawei) : Pháp đi thẳng vào chủ đề". Có nên loại tập đoàn Trung Quốc, dù chỉ một phần, ra khỏi mạng lưới 5G tương lai của nước Pháp ?
Câu hỏi gai góc này sẽ được đặt ra tại Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Pháp hôm 03/04/2019, khi xem xét một dự luật nhằm bảo đảm an ninh cho mạng lưới điện thoại di động. Tuy "Luật Hoa Vi" không nêu tên tập đoàn viễn thông Trung Quốc cũng như một quốc gia nào, nhưng chỉ với ba điều khoản, văn bản này đặt ra khung pháp luật mới cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh Ủy Ban Châu Âu yêu cầu mỗi quốc gia thành viên từ nay cho đến tháng Sáu cần đánh giá các nguy cơ an ninh do 5G gây ra. Về mặt chính thức, thì dự luật của Pháp nhằm thích ứng với tình thế mới, khi 5G giúp kết nối không hạn chế, từ xe hơi cho đến nhà máy, có thể tạo thành vô số lối vào cho những kẻ bất lương.
Venezuela : Toàn dân làm việc bán thời gian vì cúp điện
Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, La Croix nói về tình trạng làm việc bán thời gian do cúp điện ở Venezuela. Để đối phó với nạn cúp điện xảy ra liên tục, ông Nicolas Maduro thông báo kế hoạch tiết kiệm điện trong một tháng. Kể từ ngày 1/4, ngày làm việc đối với người Venezuela kết thúc vào lúc 14 giờ.
Nếu từ nhiều năm qua việc phải sử dụng đèn cầy không còn xa lạ ở đất nước dầu lửa này, nhưng từ hôm 7/3 đã vượt qua một ngưỡng mới : thời gian người dân phải sống trong bóng tối nhiều hơn so với lúc có điện. Theo ông Maduro, đó là âm mưu "đảo chính bằng điện", với những cuộc tấn công đủ kiểu : súng, sóng điện từ, phóng hỏa… nhắm vào nhà máy thủy điện Guri, nơi cung cấp 80% điện năng cho cả nước.
Tuy vậy chế độ Caracas chẳng cung cấp được một hình ảnh nào để chứng minh. Tổng thống chỉ cảm thấy cần phải cách chức tướng về hưu Luis Motta Dominguez, bộ trưởng Năng Lượng. Đối lập tố cáo chính cách quản lý tồi tệ mới là nguyên nhân. Chính quyền luôn đặt các nhân vật thân tín lên những chiếc ghế cao nhất, bất chấp việc họ không có kinh nghiệm gì về lãnh vực phụ trách. Angel Navas, chủ tịch Liên đoàn lao động ngành điện thì phàn nàn ngành điện vừa thiếu đầu tư vừa thiếu nhân lực vì công nhân bỏ xứ ra đi hàng loạt.
Thụy My
Algeria : Khởi đầu một chương mới
Báo Libération hôm nay dành bài xã luận cho tình hình Algeria, với tựa "Chương mới". Mở đầu bài xã luận, tờ báo viết : Thế là tổng tham mưu trưởng bỏ rơi Bouteflika. Hơn một tháng kể từ khi khởi đầu phong trào biểu tình phản đối việc Bouteflika ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 5, tổng thống Algeria đã mất đi một cột trụ chính, đó là quân đội.
Tổng thống Abdelaziz Bouteflika (phải) tiếp tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria Ahmed Gaid Salah, Alger, ngày 11/03/2019AFP /Canal Algérie
Theo Libération, như vậy tính từ năm 2010, tổng thống Algeria là lãnh đạo duy nhất của khối Ả Rập bị đổ mà không mất một giọt máu nào (cho tới hôm nay). Tờ báo viết tiếp : "Thật là đáng nghiêng mình nể phục một dân tộc đã không hề chọn sự dễ dãi của bạo lực. Và cũng phải hoan nghênh những lãnh đạo lực lượng an ninh : họ đã không quên rằng trong số những người biểu tình có một người con của họ, một người mẹ, thậm chí một người bà. Bởi vì đúng là cả xã hội Algeria đã đồng loạt đứng dậy, phẫn nộ trước việc duy trì một con rối ở đỉnh cao quyền lực".
Nhưng theo Libération, "người dân Algeria chỉ mới ở giai đoạn đầu của một chương mới. Những gì diễn ra tiếp theo rất có thể sẽ đen tối hơn. Nếu tổng thống có bị hạ bệ, thì đó không phải là nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, mà chỉ là nhằm bảo toàn chế độ hiện hành. Chế độ này rồi sẽ đứng ra tổ chức tiến trình chuyển tiếp cho chính họ, nhưng liệu sự chuyển tiếp đó có diễn ra giống như những cuộc biểu tình những tuần qua hay không, tức là một cách hào hứng và ôn hòa ? Tất cả những nhà dân chủ trên thế giới đang hy vọng điều đó".
Đường phố Alger còn nghi ngờ
Về phần Le Figaro, tờ báo này ghi nhận rằng, trên đường phố Alger, những người biểu tình phản kháng lo ngại rằng đây chỉ là một trò lừa đảo mới để tiếm quyền, hoặc là một thủ đoạn quân đội nắm quyền lực.
Tờ báo trích lời Réda, một sinh viên 23 tuổi : "Ngay từ đầu chúng tôi đòi giải thể toàn bộ chế độ này. Chúng tôi không còn muốn Bouteflika, Gaid Salah, lẫn Mặt trận Giải phóng Dân tộc FLN (đảng của Bouteflika) và Tập hợp Dân tộc Dân chủ RND (đồng minh chính của Bouteflika)". Theo Le Figaro, đối với nhiều người, cần phải tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào toàn bộ các nhân vật chủ chốt của chế độ ra đi, vì theo lời một thanh niên : "Chúng tôi không tin tưởng bất cứ ai. Các sĩ quan cao cấp của quân đội là đồng lõa với những kẻ cầm quyền và với các doanh nhân. Bây giờ họ thấy sắp đến ngày 28/04 (ngày mà trên nguyên tắc nhiệm kỳ của tổng thống Bouteflika hết hạn), họ bèn tìm một giải pháp khác để kéo dài quyền lực của họ".
Seoul nỗ lực cứu vãn đối thoại Mỹ-Triều
Về thời sự Châu Á, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn thu hút sự chú ý của nhật báo công giáo La Croix, với hàng tựa "Seoul nỗ lực cứu vãn tiến trình hòa bình Triều Tiên".
Một tháng sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội giữa Donald Trump và Kim Jong-un, đối thoại Mỹ - Triều đang gặp bế tắc. Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in quyết tâm khởi động lại tiến trình hòa bình, cho dù con đường sẽ rất khó khăn.
Theo La Croix, chính quyền Seoul vẫn tin rằng, cho dù có bất đồng giữa hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên về việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, vẫn có một con đường, dù rất chật hẹp, để thúc đẩy trở lại cuộc đối thoại. Ngày 25/03 vừa qua, thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho, khi phát biểu với báo chí nước ngoài, đã cho rằng "đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, với rất nhiều trở ngại, nhưng chúng ta đừng quên đoạn đường đã đi qua chỉ trong vòng một năm". Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc thông báo là Seoul sẽ gởi một thông điệp rất rõ ràng đến Bình Nhưỡng về sự tối cần thiết của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Chính quyền Hàn Quốc sẽ có những bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ tư giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm. Theo La Croix, bây giờ không còn ai nhắc đến khả năng Kim Jong-un viếng thăm Seoul, một chuyến đi sẽ mang tính lịch sử, mà kể từ nay phải tổ chức các cuộc gặp ít mang tính biểu tượng hơn, mang tính kỹ thuật nhiều hơn, để thuyết phục lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng có những hành động cụ thể với Hoa Kỳ và qua đó kéo tổng thống Donald Trump trở lại bàn đàm phán.
Nhưng chuyên gia về Bắc Triều Tiên Kim Hyun-wook, Học viện Ngoại giao Triều Tiên, đặt câu hỏi : "Moon Jae-in có còn đáng tin cậy dưới con mắt của Washington hay không ?". Vị chuyên gia này không tin là tổng thống Moon Jae-in có thể làm Kim Jong-un thay đổi ý kiến trên hồ sơ hạt nhân.
Bruxelles không loại trừ Hoa Vi
Đây là quyết định mà theo Le Figaro có thể sẽ gây một cơn bão mới giữa Châu Âu với "đồng minh" Hoa Kỳ.
Vào lúc mà các lãnh đạo Châu Âu yêu cầu phải có một "khuôn khổ đa phương công bằng hơn và cân đối hơn" với Bắc Kinh, Ủy Ban Châu Âu cuối cùng đã quyết định không đóng cửa mạng di động 5G với điện thoại của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi và để cho các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tự chọn lựa về vấn đề này.
Quyết định cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay, ngược lại với lập trường của Washington, đã được thông báo chiều hôm qua tại Strasbourg, sau một cuộc họp của các ủy viên Châu Âu. Không hề nhắc đến tên Hoa Vi, tuy vậy Bruxelles đề ra một kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn cho mạng 5G và kêu gọi 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tham gia kế hoạch này để ngăn chặn những lỗ hổng an ninh có thể có.
Thật ra, Ủy Ban Châu Âu phải cấp tốc ra quyết định, bởi vì tại Châu Âu hiện giờ đã có đến 11 quốc gia gọi thầu cho mạng 5G, mà theo lời ông Julien Nocetti, Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI, Hoa Vi hiện là tập đoàn có trình độ công nghệ 5G cao nhất và đưa ra những giá hấp dẫn nhất.
Brexit : Hậu quả đối với chương trình Eramus
Liên quan đến Brexit, tờ Le Monde hôm nay chú ý đến hậu quả đối với chương trình trao đổi sinh viên của Châu Âu Erasmus +. Hiện chưa rõ là nước Anh có sẽ tiếp tục tham gia chương trình này hay không.
Theo Le Monde, bên phía Anh Quốc lẫn phía Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền và các trường đại học đều nhìn nhận ích lợi của chương trình trao đổi sinh viên Eramus +, bên nào cũng hứa sẽ tiếp tục tham gia chương trình này trong thời kỳ hậu Brexit. Đã từng có tiền lệ là 6 nước không phải thành viên Liên Hiệp Châu Âu nhưng cũng tham gia chương trình Eramus +, trong đó có Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia.
Nhưng trong khi các cuộc thương lượng về Brexit vẫn dằng dai, một màn sương mù dày đặc vẫn bao phủ chương trình Eramus + ở Anh và tình trạng này đã bắt đầu gây hậu quả. Tuy số liệu của niên khóa 2017-2018 chưa có, nhưng theo Le Monde, dường như là khi chọn cho năm học ở nước ngoài, ngày càng có nhiều sinh viên "né" nước Anh. Lần đầu tiên, nước Anh không còn là điểm đến số một của các sinh viên Pháp trong chương trình Eramus niên học 2017-2018, mà đã bị Tây Ban Nha qua mặt. Có đến 8.200 sinh viên chọn một đại học ở Tây Ban Nha, trong khi chỉ có 8.000 chọn một đại học ở Anh Quốc.
Pháp và mục tiêu trung hòa khí carbon
"Làm thế nào nước Pháp đạt đến trung hòa khí carbon vào năm 2050". Đó là tựa lớn trên trang nhất của tờ Le Monde. Mục tiêu mà chính phủ Pháp đề ra có nghĩa là đến năm 2050, nước Pháp sẽ không thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn lượng khí hấp thụ được. Như vậy là Pháp buộc phải giảm gấp 8 lần lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính.
Theo Le Monde, muốn đạt được mục tiêu đó, dân Pháp phải có những thay đổi sâu rộng về tiêu thụ năng lượng, về nhà ở, về giao thông và về ăn uống. Cơ quan Môi trường và năng lượng (ADEME) của Pháp đã hình dung một kịch bản là đến năm 2050, ở cấp độ thế giới, các quốc gia đã hạn chế được mức tăng nhiệt độ là 2°C, như mục tiêu được đề ra trong thỏa thuận Paris năm 2015. Riêng tại Pháp, vào thời điểm đó, dân số sẽ tăng lên thành 72 triệu người. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ tương tự như hiện nay. Thuế carbon lúc ấy sẽ lên đến mức 600 euro/tấn so với mức 45 euro/tấn năm 2018.
Cũng theo kịch bản đó, đến năm 2050, những nhiên liệu góp phần chính vào biến đổi khí hậu sẽ hầu như thuộc về quá khứ, than và dầu hỏa bị cấm sử dụng, còn về khí đốt thì sẽ chỉ có khí tái tạo hoặc khí hydro. Trong nhà ở, cũng như trong các phương tiện giao thông, năng lượng sẽ được cung cấp từ những nguồn phi carbon. Đến lúc đó sẽ không còn xe chạy bằng xăng dầu, mà chỉ có xe chạy điện hoặc sử dụng nhiên liệu chế biến từ nông phẩm. Người dân sẽ ít dùng xe hơi, mà di chuyển nhiều hơn bằng xe đạp, xe công cộng, đi chung xe, hoặc làm việc từ xa nhiều hơn.
Về thói quen ăn uống, dân Pháp sẽ tiêu thụ nhiều hơn các chất protein thực vật, thức ăn hữu cơ (bio) hoặc thịt từ gia súc nuôi ngoài trời. Lúc đó, mỗi người lớn chỉ ăn 94 gram thịt/ngày (so với mức 185 g năm 2010) và sẽ ăn nhiều rau quả hơn.
Nhưng đó là kịch bản lý tưởng. Theo Le Monde, trên con đường đi đến trung hòa phát thải khí carbon, nước Pháp vẫn còn đang ở rất xa. Trong một nghiên cứu công bố vào tháng 10/2018, Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDDRI) ghi nhận là nước Pháp đang bị chậm trễ trong việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực chủ chốt : năng lượng tái tạo, cải tạo nhà ở và phi carbon hóa giao thông.
Trang nhất các báo
"Algeria : quân đội bỏ rơi Bouteflika", đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Le Figaro hôm nay. Theo tờ báo này, hôm qua, tướng Ahmed Gaid Salah đã mở đường cho sự ra đi của tổng thống Algeria với hy vọng sẽ chấm dứt được khủng hoảng chính trị ở nước này.
Vẫn với kiểu chơi chữ cố hữu, tờ Libération đưa tựa "Bouteflika bouté". Bouté tiếng Pháp có nghĩa là "bị tống khứ". Nhưng tờ báo đặt câu hỏi : Việc tổng tham mưu trưởng quân đội yêu cầu tuyên bố tổng thống không còn khả năng lãnh đạo phải chăng là nhằm giúp họ nắm lại tình thế vào lúc chính quyền đang chao đảo dưới áp lực của đường phố ?
Trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos thì chú trọng đến tình trạng ngân sách của nhà nước Pháp với hàng tựa "Chân trời ngân sách đang sáng sủa hơn cho Macron". Theo tờ báo này, chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron sẽ hạ thấp dự báo thâm thủng ngân sách cho năm 2019, xuống mức từ 3 đến 3,1% GDP, thay vì 3,2% như dự báo ban đầu.
Nhật báo công giáo La Croix thì quan tâm đến cuộc sống của người già tại Pháp, với hàng tựa "Sống tuổi già ở nhà, không đơn giản như thế". Theo tờ báo này, giữ người già sống tại nhà vẫn là một ưu tiên của chính phủ Pháp và theo dự kiến vào cuối năm nay sẽ có một luật về chăm sóc người già tại Pháp.
Riêng trang nhất của tờ Le Monde thì dành tựa lớn cho vấn đề chống biến đổi khí hậu : "Làm thế nào nước Pháp đạt đến trung hòa khí carbon vào năm 2050".
Thanh Phương
Algeria : Phe Bouteflika cố bám giữ quyền lực (RFI, 12/03/2019)
Trước một làn sóng biểu tình chưa từng có từ 20 năm nay, tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, cuối cùng đã phải từ bỏ việc tranh cử cho nhiệm kỳ thứ năm, nhưng đồng thời lại quyết định đình hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử tổng thống, dự trù ngày 18/04, trong khi chờ đợi một "hội nghị toàn quốc" chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới.
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika ngồi xe lăn xuất hiện trước công chúng ở thủ đô Alger, ngày 09/04/2018. Reuters/Ramzi Boudina
Tuy cam kết sẽ trao quyền tổng thống cho một người kế nhiệm sẽ do dân bầu lên, ông Bouteflika cho biết sẽ tiếp tục quyền sau ngày kết thúc nhiệm kỳ (28/04) cho đến khi nào có tổng thống mới.
Với thủ thuật này, ông Bouteflika, hay đúng hơn là phe Bouteflika, trước mắt sẽ tiếp tục nắm quyền và hy vọng sẽ kiểm sát được tiến trình chuyển tiếp chính trị mà họ biết rằng sẽ không thể tránh khỏi.
Trả lời báo Le Monde, nhà nghiên cứu xã hội Amel Boubekeur, chuyên gia về Algeria tại Pháp, cho rằng kịch bản nói trên không phải là một bất ngờ, mà đó chính là điều mà những người biểu tình đã lo ngại ngay từ đầu. Chuyện đùa lan truyền trên các mạng xã hội trong những ngày qua, hóa ra đã trở thành hiện thực : Ông Bouteflika, vì thấy là không thể tranh cử cho nhiệm kỳ 5, đã quyết định kéo dài nhiệm kỳ hiện nay !
Theo nhà nghiên cứu Boukekeur, tuy vậy, thông báo của ông Bouteflika lại khiến người dân Algeria và nhất là những người biểu tình xem đây là một thắng lợi, vì nếu không có những cuộc xuống đường rầm rộ, chính quyền đã không nhượng bộ như vậy. Những người cầm quyền cuối cùng đã buộc phải thừa nhận yêu cầu của người dân được tham gia đời sống chính trị.
Có điều, theo bà Boukekeur, đằng sau những nhượng bộ đó vẫn là một chế độ vẫn tìm cách bảo vệ và duy trì những quyền lợi của họ, bằng cách cố giành quyền kiểm soát tiến trình chuyển tiếp. Nhà nghiên cứu này ghi nhận là mỗi khi gặp áp lực của đường phố, chính quyền lại bày ra chuyện sửa đổi Hiến Pháp. Nhưng theo bà Boukekeur, vấn đề không phải là ra một bản Hiến Pháp mới, mà trước hết phải tôn trọng bản Hiến Pháp hiện hành. Thế mà những thông báo nói trên của tổng thống Bouteflika là trái với Hiến Pháp.
Chuyên gia về Hiến Pháp Fatiha Benabou, giáo sư đại học Alger, được hãng tin AFP trích dẫn ngày 12/03, cũng cho rằng không có cơ sở luật pháp nào cho việc dời lại cuộc bầu cử tổng thống. Đối với nhà đối lập Ali Benflis, từng là thủ tướng của ông Bouteflika, việc kéo dài nhiệm kỳ 4 là một hành động tấn công vào Hiến Pháp từ những thế lực vi hiến (nhất là người em Said Bouteflika, cố vấn đặc biệt của tổng thống Bouteflika, nhân vật được xem là nguyên thủ quốc gia thật sự của Algeria).
Ngày 12/03, sinh viên lại xuống đường ở thủ đô Alger và nhiều thành phố khác để phản đối "thủ đoạn" của ông Bouteflika kéo dài vô thời hạn nhiệm kỳ tổng thống. Cuộc biểu tình của sinh viên sẽ cho thấy ông Bouteflika có thành công trong việc làm dịu phong trào phản kháng hay không.
Thật ra, cuộc trắc nghiệm thật sự sẽ diễn ra vào thứ Sáu 15/03 với cuộc biểu tình toàn quốc. Đây sẽ là ngày thứ Sáu trong tuần thứ tư liên tiếp, người dân Algeria rầm rộ xuống đường phản đối tổng thống Bouteflika. Theo nhà nghiên cứu Boukekeur, phải chờ xem thái độ của quân đội đối với cuộc biểu tình mới này như thế nào ? Quân đội Algeria có sẽ "bỏ đảng" để về với nhân dân hay không.
Một điều chắc chắc là thái độ của phe quân sự đang thay đổi. Vào Chủ Nhật 10/03, tổng tham mưu trưởng quân đội Ahmed Gaïd Salah, được coi là một trong những nhân vật thân cận nhất của tổng thống Bouteflika, đã tuyên bố rằng quân đội và nhân dân Algeria "chia sẻ cùng những giá trị" và "có một nhãn quan chung" về tương lai của đất nước. Điều đáng chú ý là trong bài phát biểu đó, tướng Salah đã không hề nhắc đến tên ông Bouteflika.Thanh Phương
Thanh Phương
**********************
Algeria : Tổng thống từ bỏ tranh cử nhiệm kỳ 5 năm nhưng lùi ngày bầu cử (RFI, 12/03/2019)
Sau nhiều ngày bị người dân biểu tình phản đối, tối qua, 11/03/2019, tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika, thông báo không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 và đình hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ban đầu vào ngày 18/04, và như vậy coi như kéo dài nhiệm kỳ hiện nay của ông.
Người dân Algeria ăn mừng về thông báo không ra tranh cử nhiệm kỳ 5 của tổng thống Bouteflika, Alger, ngày 11/03/2019. Reuters/Zohra Bensemra
Ông Bouteflika thông báo như trên trong một bức thư gởi đến quốc dân. Người dân thủ đô Alger đã lập tức ăn mừng chiến thắng ngay tối 11/03 bằng cách liên tục bấm còi xe inh ỏi ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, sau những giây phút hồ hởi, người dân Algeria tỏ vẻ nghi ngại về việc tổng thống Bouteflika coi như kéo dài nhiệm kỳ hiện nay của ông, bất chấp phong trào biểu tình phản đối chưa từng có từ 20 năm nay.
Từ Alger, thông tín viên Leila Beratto tường trình :
"Đó là một lá thư gởi đến quốc dân đồng bào mà hãng thông tấn chính thức công bố. Trong thư, ông Abdelaziz Bouteflika viết : Sẽ không có nhiệm kỳ thứ năm và tôi chưa bao giờ nói đến điều đó.
Tiếp đến, ông thông báo là sẽ không tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 18/04, và cuộc bầu cử này được dời lại để bảo đảm sự bình yên và an ninh công cộng cho toàn đất nước Algeria.
Để khởi đầu giai đoạn chuyển tiếp, một cơ chế sẽ được thành lập, đứng đầu là một nhân vật độc lập, có uy tín với toàn dân, với nhiệm vụ tổ chức một Hội nghị toàn quốc mà mọi thành phần đều có thể tham gia.
Hội nghị này sẽ làm việc từ đây đến cuối năm 2019 để tạo điều kiện cho việc tổ chức bầu cử tổng thống. Nhưng trong khoảng thời gian từ khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Bouteflika đến cuộc bầu cử tổng thống, một chính phủ gồm những nhân vật có năng lực, được mọi thành phần của Hội nghị toàn quốc ủng hộ, sẽ đảm trách việc giám sát hoạt động của cơ quan hành chính và cơ quan an ninh.
Nhưng những thông báo nói trên dường như vẫn chưa làm dịu làn sóng phản kháng. Mặc dù hàng trăm người đã tập hợp ở trung tâm thủ đô để ăn mừng, người dân Alger cho rằng đây chỉ là một chiến thắng nhỏ. Đã có những lời kêu gọi biểu tình trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này".
Về phản ứng của nước Pháp, tại Djibouti ngày 12/03, tổng thống Emmanuel Macron đã hoan nghênh quyết định của tổng thống Bouteflika không ra tranh cử nhiệm kỳ 5. Nhưng ông Macron kêu gọi một sự chuyển tiếp với thời hạn hợp lý.
Thanh Phương
Bất chấp biểu tình phản đối, tổng thống Bouteflika tái ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 (RFI, 04/03/2019)
Ngày 03/03/2019, tổng thống Algeria, Abdelaziz Boutflika, 81 tuổi đã chính thức nộp đơn tái ứng cử nhiệm kỳ thứ 5. Thông điệp của tổng thống phát đi tối qua trên truyền hình không thuyết phục được dân chúng. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ngay trong đêm tại nhiều thành phố Algeria để phản đối ông Bouteflika ra tranh cử tổng thống.
Sinh viên biểu tình phản đối tổng thống Abdelaziz Bouteflika ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 5, ngày 03/03/2019. Reuters/Ramzi Boudina
Thông tín viên RFI, Leila Berato tại Alger tường thuật :
"Trong thông điệp gửi đến quốc dân tối Chủ Nhật (03/03/2019), ông Abdelazis Bouteflika viết : Tôi đã lắng nghe và nghe thấy tiếng thét từ trong tâm những người biểu tình. Tuy nhiên, trong khi đó hôm thứ Sáu (01/03) hàng trăm nghìn người Algeria đã tuần hành phản đối ông ra ứng cử nhiệp kỳ thứ 5. Hồ sơ ra ứng cử tổng thống của ông đã được nộp lên Hội đồng Bảo hiến hôm qua.
Ông Abdelaziz Bouteflika đã có một vài hứa hẹn để đáp lại sự phản kháng như : Phân chia lại của cải quốc gia công bằng hơn, Tổ chức hội thảo quốc gia mở rộng cho đối lập tham dự, Tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn trong đó ông hứa không tham gia.
Nhưng ông không đáp ứng yêu sách chính của người biểu tình là Không nhiệm kỳ thứ 5. Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Abdelaziz Bouteflika muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng uy tín trong dân của tổng thống, nói rằng ông Bouteflika đã thu thập được 5 triệu chữ ký ủng hộ đơn ra ứng cử.
Thế nhưng tối qua, sau thông báo ông nộp đơn ứng cử, kêu gọi tổng đình công đã được tung lên các mạng xã hội. Đồng thời các cuộc biểu tình trong đêm cũng khởi phát ở nhiều thành phố trong cả nước".
Anh Vũ
******************
Dân Algeria biểu tình phản đối Tổng thống Bouteflika tranh cử nhiệm kỳ 5 (RFI, 02/03/2019)
Ngày 03/03/2019, tổng thống Algeria đương nhiệm Bouteflika sẽ nộp hồ sơ tranh cử nhiệm kỳ mới theo đúng thời hạn lên Hội Đồng Lập Hiến. Bất chấp các cuộc biểu tình phản đối, được tổ chức từ nhiều tuần nay, vị tổng thống bệnh tật, ít xuất hiện trước công chúng và hiện đang điều trị tại Thụy Sĩ, vẫn quyết tâm ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5.
Người dân Algeria biểu tình phản đối tổng thống Abdelaziz Bouteflika ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, tại thủ đô Alger, ngày 01/03/2019. RYAD KRAMDI / AFP
Ngày 01/02, hàng chục nghìn người dân Algeria lại xuống đường biểu tình trên khắp đất nước. Tại thủ đô Alger, cuộc biểu tình thu hút đông người hơn những tuần trước và đã xảy ra một số vụ xô xát giữa cảnh sát và người tham gia, cách phủ tổng thống không xa.
Phóng viên của AFP chứng kiến khoảng 10 người bị thương do bị trúng đá hoặc dùi cui của cảnh sát. Cửa kính của nhiều cửa hàng bị đập vỡ, một chi nhánh ngân hàng và một xe hơi bị đốt. Theo thống kê của cảnh sát, 56 cảnh sát và 7 người biểu tình bị thương, 45 người bị bắt giữ ở Alger.
Nhiều cuộc tuần hành khác cũng được tổ chức ở Oran và Constantine, hai thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Algeria, cũng như ở rất nhiều địa phương nhỏ hơn.
Làn sóng phản đối tổng thống Bouteflika bắt đầu từ ngày 10/02 khi ông thông báo ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong khi ông bị bại liệt do hệ quả của đợt tai biến mạch máu năm 2013. Hiện 82 tuổi, ông Bouteflika đã giữ bốn nhiệm kỳ tổng thống, từ năm 1999.
Thu Hằng
Algeria : Phong trào chống tổng thống tham quyền cố vị bùng lên
Tình hình Algeria với những cuộc biểu tình bùng lên mạnh mẽ ngay tại quốc gia Bắc Phi này và… tại Pháp để phản đối đương kim tổng thống Abdelaziz Bouteflika tham quyền cố vị, là chủ đề được hầu hết báo Pháp ra hôm nay 04/03/2019 quan tâm.
Đông đảo cộng đồng người Algeria tập hợp phản đối TT Bouteflika tranh cử nhiệm kỳ 5 tại quảng trường Republique ở Paris ngày 03/03/2019. RFI/Laura Martel
Le Monde trên trang nhất cho rằng chế độ Bouteflika đang chịu áp lực nặng nề. Còn Le Figaro thì nhấn mạnh đến sự đề cao cảnh giác của nước Pháp.
Với hàng tít lớn "Chính quyền Algeria dưới sức ép sau những cuộc biểu tình phản đối", báo Le Monde đã nêu lên những nét chính trong cuộc khủng hoảng đang manh nha tại Algeria, với những cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng thấy đã nổ ra khắp nơi hôm 01/03 vừa qua. Những người xuống đường phản đối đương kim tổng thống Bouteflika tái ứng cử tổng thống, bày tỏ thái độ chán ngán chế độ cũng như ước vọng thay đổi.
Theo nhật báo Pháp, khởi sự từ ngày 22/02, đây là phong trào phản kháng quan trọng nhất tại Algeria trong hai chục năm gần đây, với hàng chục ngàn người dân xuống đường để phản đối việc tổng thống nước này ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ 5 nhân cuộc bầu cử dự trù vào ngày 18/04.
Vấn đề khiến nhiều người dân Algeria phẫn nộ là sự kiện dù tổng thống đương nhiệm của nước này đã lớn tuổi, và bệnh tật, nhưng các thế lực khác nhau đang nắm quyền tại Algeria có vẻ bất lực trong việc nhất trí đề cử một người thay thế. Phe đối lập, bị chia rẽ nặng nề, cũng không đưa ra được người nào khả dĩ lên thay thế.
Tình hình sục sôi tại Algeria đã được các đặc phái viên tờ báo ghi nhận qua phóng sự ở trang trong về hai cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Alger và ở Oran, thành phố lớn thứ hai của Algeria.
Mẫu số chung của hai cuộc xuống đường nói trên là quy mô to lớn của phong trào phản đối. Dưới hàng tựa : "Tại Alger, một đám đông khổng lồ quyết tâm biểu tình ôn hòa", Le Monde khẳng định rằng hôm mồng 1 tháng 3 vừa qua, "hàng trăm ngàn người đã tuần hành tại thủ đô Algeria chống lại nhiệm kỳ thứ 5 của Abdelaziz Bouteflika". Tại Oran, quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng có "hàng ngàn người Algeria xuống đường chống tổng thống Bouteflika", người đã lên lãnh đạo quốc gia này từ năm 1999.
Ngoài Bouteflika, chính quyền không có kế hoạch B
Trong bài phân tích mang tựa đề "Một chính quyền thiếu phương án thay thế, một phong trào đối lập yếu ớt", Le Monde giải thích nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Algeria.
Đối với nhật báo, tình trạng bế tắc chính trị ở Algeria không có gì mới. Sở dĩ chế độ hiện hành tại quốc gia Bắc Phi này vẫn bám víu vào một nhiệm kỳ thứ năm cho tổng thống Bouteflika, mặc dù ông đã 82 tuổi và đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đó là vì các thế lực khác nhau đang cầm quyền, cho đến nay, vẫn không đồng ý được trên danh tánh một người có thể lên thay đương kim tổng thống.
Ngày 26 tháng 2 vừa qua, khi các sinh viên và giới đại học tham gia phong trào biểu tình, cựu thủ tướng Abdelmalek Sellal, nguyên giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Bouteflika vẫn khẳng định rằng sẽ không thể có việc tổng thống rút khỏi cuộc đua vì "không ai có quyền tước bỏ quyền của ông Bouteflika được Hiến Pháp công nhận là trở thành ứng cử viên".
Theo Le Monde, bất chấp phong trào phản đối rộng khắp của người dân, giới cầm quyền tại Algeria không hề công khai nói đến khả năng ông Bouteflika không ra ứng cử. Lý do rất đơn giản : hầu như toàn bộ các tác nhân quan trọng của chế độ, từ các lãnh đạo Diễn đàn giới Lãnh đạo Doanh nghiệp, công đoàn UGTA, cho đến một loạt các đảng phái chính trị trong đó có hai đảng thuộc liên minh cầm quyền là Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) và Tập hợp Dân chủ Quốc gia (RND), đều đồng hội đồng thuyền trên "con tàu Bouteflika".
Các thành phần này đã hưởng nhiều quyền lợi trong suốt 20 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Bouteflika vừa qua, do đó họ sẵn sàng làm mọi việc để duy trì nguyên trạng. Hậu thuẫn mạnh nhất cho cánh Bouteflika chính là tham mưu trưởng Quân Đội, tướng Gaïd Salah. Mới đây, nhân vật này đã không ngần ngại gọi những ai chống nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống đương nhiệm là những kẻ "vô ơn", không biết đến những "thành quả" của triều đại Bouteflika.
Vấn đề đối với đa số cầm quyền tại Algeria hiện nay, theo nhận định của Le Monde, là họ không tìm được ai có khả năng lên thay thế ông Bouteflika. Lý do là vì trong thời gian làm tổng thống, ông Bouteflika đã dẹp bỏ mọi gương mặt có khả năng làm ông bị lu mờ.
Đối với chế độ Bouteflika, hiên nay, chính các phong trào biểu tình mới là mối đe dọa và khiến họ lo ngại, chứ không phải là phong trào đối lập chính trị. Các thành phần này, đi từ cực tả sang Hồi giáo, đã hết sức bất ngờ trước sự bùng lên của phong trào phản kháng.
Tờ báo cho rằng, bị chế độ Bouteflika bóp nghẹt trong 2 thập niên qua, các đảng đối lập Algeria dĩ nhiên rất vui mừng trước quy mô to lớn của những cuộc biểu tình chống ông Bouteflika. Thế nhưng còn lâu họ mới nhất trí được với nhau về một phương thức hành động chung.
Algéri biến động, Pháp lo nhưng tránh can thiệp lộ liễu
Le Figaro cũng dành tít lớn trang nhất cho Algeria, nhưng chú ý đến sự kiện "Pháp cảnh giác trước tình hình chính trị bấp bênh tại Algéria".
Theo ghi nhận của tờ báo cánh hữu, bất chấp phong trào phản kháng càng lúc càng mạnh, tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika vẫn loan báo quyết định ra tranh cử một nhiệm kỳ thứ năm, nhưng hứa hẹn là sẽ không tại vị cho đến cuối nhiệm kỳ đó.
Sau những ngày cuối tuần sôi động, với những cuộc biểu tình chống chế độ Bouteflika tại Algeria cũng như tại một số thành phố lớn ở Pháp như Paris hay Marseille, chính quyền Pháp đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở nước này, nhưng cố tránh không can thiệp, vì sợ bị buộc tội can thiệp vào một thuộc địa cũ.
Một bằng chứng hiển nhiên cho thấy thái độ quan ngại của Paris trước khả năng tình hình Algeria xấu đi là việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tuần trước, trong một động thái hiếm hoi đã gặp đại sứ Pháp tại Algeria để tìm hiểu về cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Theo tờ báo Pháp, Paris lo ngại cũng đúng, vì lịch sử Pháp và Algeria gắn chặt với nhau. Mặt khác, cộng đồng người Algeria tại Pháp rất đông đảo, và ngược lại, có rất đông người quốc tịch Pháp sống ở nước Bắc Phi này.
1/10 loại thuốc bán ra trên thế giới là thuốc giả
Vào lúc thời sự Algeria nóng bỏng, Libération dành trang nhất cho một hồ sơ nhức nhối về mặt y tế : Đó là tệ nạn buôn bán thuốc giả đang hoành hành trên thế giới mà nạn nhân trước tiên là cư dân các quốc gia nghèo nhất.
Theo tờ báo, tệ nạn buôn bán thuốc giả lại bùng lên đã gây ra những hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Trước tệ nạn này, Liên Hiệp Châu Âu vừa tăng cường các biện pháp đối phó.
Libération trích dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết là có đến 1/10 loại thuốc bán ra trên thế giới là thuốc giả. Ở một số quốc gia, con số này thậm chí có thể vọt lên mức 70%, nhất là ở châu Phi, khu vực có đến 100.000 người chết mỗi năm do sử dụng thuốc giả.
Theo ông Bernard Leroy, giám đốc Viện Nghiên cứu biện pháp chống thuốc giả (Iracm), trên thế giới hiện nay, trị giá thuốc thật được sản xuất hợp pháp lên tới 1.000 tỷ đô la, trong lúc các loại thuốc giả được ước tính trị giá từ 70 đến 200 tỷ đô la.
Phần lớn thuốc giả được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia cũng sản xuất ra các nguyên liệu thô và hoạt chất của nhiều loại thuốc bán trên thị trường ở các nước phương Tây.
Nạn trốn thuế ở Pháp có quy mô từ 2 tỷ đến 100 tỷ
Trung thành với tôn chỉ của mình, nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa lớn trang nhất cho vấn đề tài chánh : Quy mô tệ nạn trốn thuế tại Pháp.
Trong bài viết mang tựa đề "Chênh lệch lớn trong việc ước tính quy mô của việc trốn thuế". Les Echos ghi nhận là chủ đề này đã được nhắc đi nhắc lại trong cuộc tranh luận lớn đang diễn ra, vì việc chống lại tệ nạn này là một trong những đòi hỏi cấp thiết của những người Áo Vàng.
Tuy nhiên, theo nhật báo, các đánh giá tiếp tục khác xa nhau về quy mô của tệ nạn trốn thuế. Cho đến nay, ước tính phổ biến nhất đến từ công đoàn Liên đới Tài chánh công (Solidaires Finances Publiques), theo đó số tiền thuế bị gian lận khoảng từ 80 đến 100 tỷ euros.
Trong bản báo cáo về tình trạng này, dân biểu Benedicte Peyrol thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước tại Pháp cũng nhắc đến mức trần cao trên đây, nhưng lại cho rằng mức thấp của lượng thuế bị trốn chỉ là 2 tỷ mà thôi.
Trọng Nghĩa