Trọng Thành, RFI, 01/12/2020
Kiểm duyệt và đàn áp gia tăng trên các mạng xã hội ở Việt Nam là điều ngày càng khiến giới bảo vệ nhân quyền quốc tế lo ngại. Hôm nay, 01/12/2020, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) ra báo cáo mô tả thực trạng và đưa ra nhiều khuyến nghị, gửi đến chính phủ Việt Nam, các đại tập đoàn, trước hết là Facebook và Google, cũng như chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác với Việt Nam.
Amnesty International báo động tình trạng các dịch vụ trên mạng của Facebook và Google đang trở thành nơi mà quyền tự do ngôn luận ngày càng bị xâm phạm một cách ngang nhiên, với việc các đại tập đoàn công nghệ số thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để được tiếp tục hoạt động tại thị trường hứa hẹn này. Tập đoàn Facebook thừa nhận, trong vòng 6 tháng trở lại đây, số lượng nội dung bị kiểm duyệt, theo đòi hỏi của chính quyền sở tại, đã tăng gấp 10 lần. Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, hồi tháng trước, cũng cho biết là trong năm nay, 95% đòi hỏi kiểm duyệt của chính quyền đã được Facebook đáp ứng, và tỉ lệ này đối với Youtube (do Google quản lý) là 90%.
Ân Xá Quốc Tế đã tiến hành nhiều điều tra để làm rõ các hành động chống lại quyền tự do ngôn luận trên mạng, như "hạn chế nội dung" với lý do luật pháp quốc gia đòi hỏi, đóng cửa tài khoản cá nhân mà không thông báo, hạn chế truy cập các trang truyền thông độc lập có quan điểm chỉ trích chính quyền. Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh việc nhiều đại tập đoàn kỹ thuật số tiếp tay cho chính quyền kiểm duyệt trên mạng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam tiến hành đàn áp tự do ngôn luận một cách có hệ thống, với việc "hình sự hóa" nhiều phát biểu trên mạng, dựa trên các điều luật mơ hồ, hành hung, hăm dọa những người bất đồng chính kiến, tổ chức lực lượng dư luận viên nhằm "giám sát, quấy nhiễu" những người bất đồng chính kiến trên mạng, và định hướng dư luận.
Một trong các ví dụ tiêu biểu được Ân Xá Quốc Tế nêu ra là trường hợp ông Trương Châu Hữu Danh, "một nhà báo tự do nổi tiếng trong việc tố cáo tham nhũng, bất công xã hội và tố cáo viên chức chính phủ lạm quyền". Tài khoản Facebook của ông Trương Châu Hữu Danh hiện có gần 150.000 người theo dõi. Trong thời gian từ 26/03 đến ngày 08/05/2020, Trương Châu Hữu Danh đăng hơn 100 bài trên Facebook về hai đề tài : lệnh cấm xuất khẩu gạo và án tử hình với Hồ Duy Hải. Trương Châu Hữu Danh cho biết, trong tháng 6, "tổng cộng hàng trăm bài viết đã biến mất, mà không nhận được bất cứ thông báo nào".
Ân xá Quốc tế cũng lập danh sách tổng cộng 69 trường hợp "tù nhân lương tâm", gồm 53 nam và 16 nữ, hiện đang bị giam giữ vì đã bày tỏ quan điểm của mình tại các diễn đàn trên mạng.
Báo cáo dài hơn 70 trang, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, mang tựa đề "Let us Breathe ! / Hãy để cho chúng tôi thở", dựa trên các điều tra do Ân xá Quốc tế thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020. Thông tin có từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm 31 cuộc phỏng vấn các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, thân nhân các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ và luật sư về nhân quyền...
Ân xá Quốc tế cũng đăng tải phản hồi của Facebook. Theo công ty này, số lượng bị "hạn chế quyền truy cập" trên mạng Facebook theo đòi hỏi của chính quyền Việt Nam chỉ là "một phần rất nhỏ trong số hàng trăm triệu bài được đăng ra trong cùng thời kỳ". Tập đoàn Hoa Kỳ cũng khẳng định, sự nhân nhượng "rất nhỏ" này diễn ra trong bối cảnh các cơ sở cung cấp các dịch vụ của Facebook "phải chịu áp lực chưa từng có từ chính quyền Việt Nam". Tốc độ truy cập Facebook bị hạn chế đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến đầu tháng 4/2020.
Ân Xá Quốc Tế không chấp nhận bào chữa nói trên. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cảnh báo : "Việc Facebook công khai công nhận quyết định tăng cường tuân thủ những đòi hỏi kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam vào tháng 4/2020 và thành tích lâu năm của Google trong việc tuân thủ những đòi hỏi kiểm duyệt tùy tiện của giới chức trách, đang gây ảnh hưởng gián tiếp tại các nước ở Đông Nam Á và cả các nơi khác".
Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế một mặt thừa nhận "Việt Nam ngày càng chính thức công nhận các quyền con người bằng luật pháp, qua những đảm bảo về các quyền con người ghi trong Hiến pháp năm 2013", mặt khác nhấn mạnh tình trạng "gia tăng truy tố và quấy nhiễu các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là những người bày tỏ quan điểm trên mạng". Ân Xá Quốc Tế gửi đến chính quyền Việt Nam 6 khuyến nghị, trong đó có "chấm dứt việc hạn chế các nguồn thông tin trên mạng… tạo môi trường thuận lợi cho các nhà báo, những nhà báo-công dân, blogger và những người bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng".
Về phía các tập đoàn tin học, Ân Xá Quốc Tế đưa 9 khuyến nghị, trong đó có yêu cầu "Thực hiện đánh giá kỹ lưỡng các tác động nhân quyền trong việc phát triển chính sách và sản phẩm trên cơ sở thường xuyên dựa vào những tham vấn từ công chúng và xã hội dân sự". Ân Xá Quốc Tế đặc biệt yêu cầu chính phủ Mỹ "đưa ra luật quy định các công ty công nghệ đăng ký trụ sở tại Hoa Kỳ phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền phù hợp với Các Quy tắc Hướng dẫn về Doanh nghiệp và Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc".
Trọng Thành
*******************
"Những gã khổng lồ công nghệ đồng lõa với đàn áp quy mô công nghiệp ở Việt Nam !"
RFA, 01/12/2020
Ân Xá Quốc tế - tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi vấn đề nhân quyền, hôm 1/12/2020 công bố báo cáo dài 78 trang với tiêu đề "Hãy để chúng tôi thở" qua đó phơi bày tình trạng bắt tay kiểm duyệt ngày càng khắt khe của chính phủ Việt Nam cùng với các mạng xã hội lớn như Facebook và Google.
Báo cáo "Hãy để chúng tôi thở" của Ân Xá Quốc Tế đăng tải ngày 1/12/2020. Courtesy of Amnesty International
Thông cáo báo chí nêu rõ ‘Các đại công ty này "đang tự cho phép mình trở thành công cụ kiểm duyệt và quấy rối người dân của chính quyền Việt Nam, trong một dấu hiệu đáng báo động về việc các công ty này có thể ngày càng hoạt động ở các quốc gia hà khắc".
Báo cáo có cả tiếng Anh và tiếng Việt dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền trong và ngoài Việt Nam, bao gồm các cựu tù nhân lương tâm, luật sư, nhà báo và nhà văn, ngoài thông tin do Facebook và Google cung cấp.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng quốc gia theo cộng sản này hiện đang giam giữ 170 tù nhân lương tâm, trong đó 69 tù nhân lương tâm chỉ vì hoạt động truyền thông xã hội của họ, một con số gia tăng đáng kể so với con số ước tính năm 2018.
Trong báo cáo của mình, Ân xá Quốc tế cũng dẫn trường hợp của Đài Á Châu Tự Do bị hạn chế nội dung ở Việt Nam, ví dụ như kênh YouTube của đài có nửa triệu người đăng ký, đã bị YouTube hạn chế phát video trực tiếp trong vòng 1 tuần lễ với lý do vi phạm các nguyên tắc cộng đồng sau khi các video về vụ việc "công an tấn công vào làng Đồng Tâm" được nhiều người đón xem.
Và chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020, Facebook đã áp đặt giới hạn địa lý đối với 5 bài đăng của RFA, đồng nghĩa với việc người dùng Facebook tại Việt Nam không xem được.
Tổ chức này cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam bãi bỏ hoặc sửa đổi một số điều trong Bộ luật Hình sự 2015, luật An ninh mạng và các Nghị định để phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.
Đồng thời đề nghị "chấm dứt quấy nhiễu, đe dọa, bắt giữ và truy tố các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, và mọi cá nhân đã tham gia thực thi ôn hoà các quyền của mình về tự do biểu đạt và hội họp cả trên mạng và ngoài mạng" và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Thông cáo của Ân xá Quốc tế đi kèm với bản báo cáo 78 trang nêu rõ : "Các công ty - bao gồm cả Facebook và Google - có trách nhiệm tôn trọng mọi quyền con người ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động.
Họ phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận trong các quyết định kiểm duyệt nội dung của họ trên toàn cầu, bất kể luật pháp địa phương ngăn cản quyền tự do ngôn luận.
Các gã khổng lồ công nghệ cũng nên sửa đổi chính sách kiểm duyệt nội dung của họ để đảm bảo các quyết định của họ phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".
Vào ngày Ân Xá Quốc Tế công bố báo cáo vừa nêu, Facebook tiếp tục hạn chế thêm một bài đăng của RFA theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
Nhân quyền ‘biến mất’ khỏi Facebook của Đại sứ Mỹ, gây tranh cãi (VOA, 09/07/2018)
Một bài trên trang Facebook chính thức của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đang gây ra nhiều tranh cãi khi cư dân mạng nhận thấy có sự bất nhất về nội dung nói đến nhân quyền và pháp quyền.
Bài gốc trên Facebook hôm 8/7 của Đại sứ Mỹ Kritenbrink nói về cuộc gặp của Ngoại trưởng Pompeo
Bài của Đại sứ Kritenbrink được đăng vào khoảng 9h30 tối hôm 8/7, giờ Hà Nội, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ nhiều đại diện doanh nghiệp tại một khách sạn ở thủ đô Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông.
Đại sứ Mỹ cho hay trong bài trên Facebook của ông : "Tại buổi gặp gỡ các doanh nhân, Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định rằng : ‘Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng... Một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang tính sống còn cho sự tăng trưởng thương mại liên tục giữa hai nước chúng ta.’"
Ngay dưới nội dung tiếng Việt là phần lời bằng tiếng Anh, mà theo ảnh ghi lại màn hình bài viết ban đầu của ông Kritenbrink do chính VOA chụp, có thể dễ dàng nhận thấy có sự bất nhất.
Khoảng 3 tiếng sau khi bài được đăng, bắt đầu có những phàn nàn từ một số người rằng phần tiếng Việt bị thiếu.
Nhà hoạt động trẻ được nhiều người biết tiếng Nguyễn Anh Tuấn lên tiếng đầu tiên. Anh nêu ý kiến : "Bạn nào bên sứ quán dịch thiếu rồi", với hàm ý rằng có thể không phải chính Đại sứ Kritenbrink viết và đăng bài trên Facebook mà do đội ngũ nhân viên của ông thực hiện.
Tiếp đến, anh Tuấn bổ sung các cụm từ còn thiếu để phần tiếng Việt hoàn toàn tương đương với phần tiếng Anh, đó là "vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền."..
Kể từ khi nhà hoạt động trẻ chỉ ra phần dịch thiếu, cho đến tối 9/7, hàng chục người sử dụng Facebook đã dồn dập gửi đến những lời bình luận và câu hỏi bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho đại sứ Mỹ về sự không nhất quán này.
Facebooker Bao Trung Nguyen có lượng người theo dõi đông đảo viết "Đến fb [Facebook] của ngài đại sứ mà cũng tự kiểm duyệt".
Một số người khác liên kết sự việc này với Luật An ninh Mạng của Việt Nam mới được thông qua và bị nhiều chỉ trích. Họ đưa ra bình luận mỉa mai rằng đến cả đại sứ quán Mỹ mà cũng "sợ" Luật An ninh Mạng và dịch thiếu những lời đề cập đến nhân quyền.
Cùng lúc, không ít người đặt ra nghi vấn về những nhân viên người Việt trong đại sứ quán. Facebooker có tên Nguyễn Bảo viết : "Có VC [Việt Cộng] ở trong sứ quán tham gia bộ phận PR [public relations – quan hệ công chúng] hay sao mà cứ thấy chữ human rights [nhân quyền], the rule of law [pháp quyền]... là cắt, không dịch ? !"
Facebooker khác, Thach Vu, góp ý bằng tiếng Anh rằng đại sứ quán Mỹ cần rà soát nghiêm chỉnh đội ngũ những người dịch. "Ở mức độ nhẹ, họ đã không làm tốt công việc. Ở mức độ nghiêm trọng, họ thực hiện các chỉ thị của VCP [Vietnamese Communist Party – Đảng Cộng sản Việt Nam] Ở BÊN TRONG Đại sứ quán Mỹ", người này viết.
VOA đã liên lạc bằng email với văn phòng của Tùy viên báo chí Đại sứ quán Mỹ để hỏi về nguyên nhân của sự việc này, và hôm 9/7, nhận được câu trả lời ngắn gọn : "Cảm ơn bạn đã báo động cho chúng tôi về lỗi dịch thuật trong bản tiếng Anh trong bài gốc đăng trên Facebook của chúng tôi. Phần lời văn tiếng Việt trong bài đó phản ánh đúng bài diễn văn đã được đọc".
Đại sứ quán Mỹ trả lời về "lỗi dịch thuật" liên quan đến một bài trên Facebook của Đại sứ Kritenbrink, 9/7
Trong email trả lời, văn phòng báo chí của Đại sứ quán cũng cung cấp đường link đến bài phát biểu bằng tiếng Anh của Ngoại trưởng Pompeo, được đăng trên cả hai trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ và phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam. Văn phòng nói thêm rằng nội dung đầy đủ bằng tiếng Việt sẽ được đại sứ quán đăng lên sớm.
Theo những gì được đăng trên hai trang web kể trên, trong phần cuối bài phát biểu này, ông Pompeo chỉ nói : "Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc vì một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia vào thương mại công bằng và đối ứng".
Một câu trả lời tương tự như những gì gửi đến VOA cũng được đại sứ quán đăng vào phần bình luận bên dưới bài gây tranh cãi của Đại sứ Kritenbrink vào sáng 9/7, giờ Hà Nội. Cùng với đó, đoan văn nói về "đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền" cũng bị xóa khỏi phần lời tiếng Anh.
Động thái này và câu trả lời ngắn ngủi dường như không những không giải đáp được các thắc mắc của các Facebooker, mà thậm chí còn làm nảy sinh những câu hỏi mới và những ý kiến gay gắt hơn.
Một người có tên Đỗ Minh trên Facebook viết một cách hài hước : "Hahaha 8 giờ sáng nay ngày 09/7/2018 : Admin [quản trị viên] của facebook Đại sứ và facebook U.S. Embassy in Hanoi [Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội] đã đồng loạt sửa status [dòng trạng thái] đăng ngày hôm qua. Họ chỉ để lại đoạn ngắn, đơn giản, hữu nghị"…
Trong khi đó, một số Facebooker khác bày tỏ "thất vọng" nếu đích thân Đại sứ Kritenbrink tự sửa bài. Có người dùng những từ ngữ nặng nề như "hèn yếu" dành cho nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Việt Nam. Họ đặt câu hỏi tại sao ông hoặc nhân viên của ông xóa nốt "human rights" [nhân quyền] và "the rule of law" [pháp quyền] khỏi nội dung liên quan đến bài phát biểu của ngoại trưởng Pompeo, hay phải chăng "sống cùng những người cộng sản" đến cả những "người ngay thẳng" cũng trở thành những "kẻ nói dối".
Tuyên bố hôm 9/7 của bà Heather Nauert, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, về các chủ đề chính thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày của ông Pompeo không thấy nhắc tới nhân quyền.
Tuy trong hơn một thập niên trở lại đây, Việt Nam và Mỹ thực hiện nhiều cuộc đối thoại nhân quyền, song hai bên chưa giảm được nhiều khác biệt về quan điểm và đây vẫn là chủ đề gai góc trong quan hệ hai nước.
Các báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên đánh giá Việt Nam không tự do về chính trị, nhiều hạng mục thuộc quyền con người ở Việt Nam không được tôn trọng.
Ngược lại, Hà Nội luôn bác bỏ các báo cáo của Mỹ và đề nghị Washington cần "có đánh giá khách quan" cũng như "không can thiệp vào công việc nội bộ" của Việt Nam.
*****************
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi trả tự do cho 3 nhà hoạt động dân chủ (RFA, 09/07/2018)
Từ trái sang : Nguyễn Văn Điển, Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc - RFA
Ân xá Quốc tế (AI) hôm 9/7 lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho 3 nhà hoạt động dân chủ thuộc phong trào Chấn hưng nước Việt. Lời kêu gọi được đưa ra 1 ngày trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm 3 nhà bảo vệ nhân quyền bị chính phủ Hà Nội kết án với mức cao nhất 8 năm tù giam vào hồi cuối tháng 01/2018 với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Những bản án tù đối với ba người vừa nêu được cho có liên quan đến những hình ảnh, video, bài viết đưa lên mạng xã hội.
Trong thông báo được đưa ra, Ân xá Quốc tế cáo buộc chính sách đàn áp của chính phủ Hà Nội đối với tất cả những cá nhân bất đồng chính kiến. Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc là 3 trong số những nạn nhân của chính sách đàn áp bị cho là đáng hổ thẹn như thế, mặc dù họ chỉ hoạt động với mục đích ôn hòa thông qua việc sử dụng mạng xã hội để nêu lên những vấn đề về hỗ trợ quyền bảo vệ con người và công bằng xã hội tại Việt Nam. Đặc biệt, Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam chấm dứt ngay các điều luật nhằm đáp áp, khởi tố và trừng phạt những nhà hoạt động dân chủ bằng cách miễn mọi tội danh và phóng thích ngay 3 nhà hoạt động này tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10/7.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm vào hồi đầu năm nay, Vũ Quang Thuận bị kết án 8 năm tù giam, Nguyễn Văn Điển bị 6 năm rưỡi và Trần Hoàng Phúc 6 năm tù giam với các tội danh " xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo đảng trên mạng internet ".
******************
16 người biểu tình tại Long An bị phạt với cáo buộc gây rối (RFA, 09/07/2018)
16 người tham gia biểu tình tại khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vào ngày 12 tháng 6 phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh Tế và An ninh mạng bị xử phạt với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng.’
Ảnh minh họa : Một hình ảnh của người dân biểu tình ôn hòa phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, trong tháng 6/18, tại Việt Nam. Courtesy : Facebook Nhật Ký Biểu Tình
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 9 tháng 7. Theo đó, Công an huyện Thủ Thừa trong cùng ngày ra quyết định xử phạt hành chính đối với 16 người, mỗi người bị phạt 200 ngàn đồng với cáo buộc có hành vi gây rối trật tự công cộng, như chạy xe máy hò hét quanh các các nhà xưởng trong nhiều giờ liền, tại khu công nghiệp Hòa Bình.
Bên cạnh đó, còn có thêm 9 người khác cùng tham gia bị cơ quan điều tra yêu cầu cam kết giữ an ninh trật tự và không tái phạm.
Trước đó, Công an Thành phố Tân An, tỉnh Long An đã khởi tố 5 người tham gia trong cuộc biểu tình ngày 12 tháng 6 tại địa phương, với cáo buộc tội "cố ý làm hư hỏng tài sản".
Trong những ngày đầu cho đến trung tuần tháng 6 vừa qua, hàng ngàn người dân, trong đó có giới công nhân đồng loạt biểu tình khắp các tỉnh, thành ở Việt Nam để phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.
Các tỉnh, gồm Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành khởi tố đối với một số người tham gia biểu tình và phát tán thông tin liên quan biểu tình trên mạng xã hội phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Trong đó, Bình Thuận là địa phương có số người bị khởi tố đông nhất, 34 người liên quan đến cuộc biểu tình bạo động trong hai ngày 10 và 11 tháng 6.
******************
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông lại kêu gọi kiểm soát thông tin mạng (RFA, 09/07/2018)
Các đơn vị liên quan đến truyền thông, thông tin Việt Nam cần quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cũng như xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý, cung cấp, và sử dụng dịch vụ internet.
Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong buổi sơ kết diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 9 tháng 7. Courtesy of mic.gov.vn
Đây là nội dung được ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nhấn mạnh trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm 2018 được diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 9 tháng 7.
Tại cuộc họp, ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có yêu cầu các Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh thành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ để quản lý chặt thông tin trên các trang mạng.
Theo lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tính đến hết tháng 6, Facebook và Google đã đồng ý gỡ bỏ 8.000 video clip và đường link bị cho vi phạm pháp luật Việt Nam. Google đã ngăn chặn và và gỡ bỏ gần 6.700 trên 7.800 video được yêu cầu xóa khỏi Youtube và 6 kênh Youtube bị chặn hoàn toàn. Phía Facebook cũng đồng ý gỡ bỏ 1.000 đường link trong số 5.500 đường link mà chính phủ Hà Nội yêu cầu.
Liên quan đến Formosa và những nội dung được cho là tuyên truyền, chống phá Đảng và nhà nước, Youtube đã bỏ gần 300 video, Facebook đã xóa 137 tài khoản.
Một nội dung khác cũng được nêu ra là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã tạm ngừng cấp phép cơ quan báo chí mới trước khi Quy hoạch báo chí chưa được ban hành.
Theo đó thì Bộ tiếp tục cấp phép bản điện tử cho các tòa báo in, nhưng phải tuân theo Luật báo chí là bản điện tử và bản in phải có 1 ban biên tập và 1 tổng biên tập riêng, không được gộp chung bộ phận quản lý cho cả 2 phiên bản.
Đồng thời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng xác nhận trong buổi sơ kết rằng việc quản lý về những thông tin đăng tải vẫn còn nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều tòa báo và nhà báo vi phạm pháp luật và gây tác động xấu đến xã hội, đặc biệt là các trang báo mạng.
Vào ngày 9 tháng 7, ông Trương Minh Tuấn cũng nói đến Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG bị thanh tra chính phủ kết luận là gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Tuấn cho biết sau khi Bộ Truyền thông Thông tin chỉ đạo quyết liệt, hiện tại MobiFone đã thu hồi toàn bộ số tiền thanh toán khi mua AVG, bao gồm cả chi phí phát sinh, lãi suất, chi phí cơ hội… mà AVG phải hoàn trả.
MobiFone là công ty dịch vụ điện thoại di động do Bộ Thông Tin và Truyền Thông là cơ quan chịu trách nhiệm chủ quản và đại diện chủ sở hữu.
Vào năm 2015, MobiFone ra chiến lược đầu tư vào truyền hình nên đến tháng 1 năm 2016, MobiFone chính thức ra quyết định mua cổ phần công ty AVG.
Vụ việc này bị Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cho là một vụ án tham nhũng lớn, tuy nhiên đến nay cựu Bộ trưởng Thông Tin - Truyền Thông là ông Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dù bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản kết luận là có sai phạm nghiêm trọng trong vụ MobiFone mua AVG nhưng cho đến giờ vẫn chưa bị xử lý kỷ luật
Phản ứng về việc blogger và nhà báo chính trị Lê Anh Hùng bị bắt với cáo buộc "Lạm dụng quyền tự do dân chủ" chỉ vì công bố một bức thư ngỏ trong đó ông phê phán chính sách mới của chính phủ về đặc khu kinh tế, Minar Pimple, Giám đốc Các Chương trình Toàn cầu của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), nói :
Blogger Lê Anh Hùng - Ảnh minh họa - Ảnh VOA
"Tuy nhiên, một lần nữa, các nhà chức trách của Việt Nam đã sử dụng các điều luật đàn áp nặng nề để ngăn chặn những lời chỉ trích ôn hòa và chính đáng".
"Lê Anh Hùng chỉ đơn giản là sử dụng nền tảng của mình như một blogger nổi tiếng để bày tỏ ý kiến của mình về một chính sách của chính phủ. Chỉ vì viết một lá thư, ông hiện đang phải đối mặt với viễn cảnh bị kết án với mức án lên đến bảy năm tù".
"Chính phủ Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng những cáo buộc vô căn cứ và nhà tù như là một phương tiện để trấn áp giới bất đồng chính kiến. Lê Anh Hùng phải được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện và Việt Nam phản chấm dứt sự đàn áp liên tục về tự do ngôn luận".
Thông tin bổ sung
Chính quyền Việt Nam hôm nay (05 tháng 7) đã bắt giữ Lê Anh Hùng với nghi ngờ "Lạm dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và/hoặc công dân".
Ông sẽ bị giam giữ trong ba tháng tới để điều tra và có thể phải đối mặt với bảy năm tù nếu bị kết án.
Lê Anh Hùng đã công bố một lá thư ngỏ vào ngày 2 tháng 7 năm 2018, được chia sẻ trên mạng xã hội, chỉ trích nhiều cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản (CPV) và một dự luật mới được đề xuất với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn : VNTB, 08/07/2018
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến như là blogger Mẹ Nấm đã bị chuyển một cách bí mật tới một nhà tù cách xa 915 km và bị giam giữ trong điều kiện trại giam rất tồi và xa gia đình của cô. Tình trạng sức khoẻ của cô đang xấu đi trong khi thực hiện án tù giam 10 năm.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hai đứa con nhỏ.
Mẹ Nấm đã bị chuyển từ một nhà tù ở tỉnh Khánh Hòa, là nơi gia đình cô đang ở, đến Trại giam số 5, một nhà tù khắc nghiệt ở tỉnh Thanh Hoá. Nhà chức trách đã không thông báo việc chuyển cô cho mẹ của cô, người đã đến thăm cô trong trại giam một tuần trước đó.
Mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nêu quan ngại nghiêm trọng về tình trạng sức khoẻ yếu của cô : mặt cô bị sưng phồng do phản ứng với việc sử dụng thuốc không đúng, nhiều ngón tay và ngón chân của cô bị đau trong khi nhà chức trách không cho phép mẹ của cô chuyển thuốc cho cô kể từ khi cô bị bắt giam vào tháng 10 năm 2016.
Việc chuyển nơi giam giữ xa gia đình sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thăm và tiếp tế cho cô. Một số thành viên trong gia đình bị theo dõi hàng ngày bởi lực lượng an ninh địa phương, và từng bị cảnh sát đánh đập nhiều lần khi cùng nhiều nhà hoạt động khác đòi trả tự do cho cô.
Ngày 17/11/2017, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng đã giữ nguyên mức án tù 10 năm mà Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Mẹ Nấm vì tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 chỉ vì cô đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và biểu tình. Theo cáo trạng, cô bị buộc tội chia sẻ nhiều bài viết trực tuyến và đã tham gia vào nhiều ở nơi cuộc biểu tình công cộng về nhiều vấn đề, bao gồm sự tàn bạo của lực lượng công an.
Cơ quan chức năng của Việt Nam thường xuyên bí mật chuyển tù nhân tới những nhà tù có điều kiện giam giữ khắc nghiệt và cách xa gia đình họ hàng trăm cây số, như một biện pháp trừng phạt. Nhà tù cũng từ chối cung cấp điều trị y tế cho tù nhân để buộc họ phải thú nhận hoặc đơn giản dùng biện pháp này như là một hình phạt cho các hoạt động ôn hòa cũng như những chỉ trích của họ đối với chính phủ Việt Nam.
Hãy viết ngay bằng tiếng Việt, Anh hoặc bằng tiếng mẹ đẻ của bạn để kêu gọi chính quyền Việt Nam :
■ Trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức và vô điều kiện khi cô là một tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì thực hiện các hoạt động ôn hòa nhằm bảo vệ và quảng bá nhân quyền ;
■ Chấm dứt việc chuyển nhà tù như một biện pháp trừng phạt và đảm bảo rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền tiếp cận luật sư và các thành viên trong gia đình cũng như được chăm sóc y tế thích hợp tại Trại giam số 5 ;
■ Đảm bảo rằng cho đến khi cô ấy được trả tự do, Trại giam số 5 đối xử với cô đúng theo Các Nguyên tắc Tối thiểu theo Tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về Đối xử với Tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và đặc biệt không bắt cô phải chịu sự tra tấn hoặc ngược đãi, bao gồm đến các điều kiện giam giữ ngặt nghèo.
Vui lòng gửi kiến nghị trước ngày 10/4/2018 tới
1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Văn phòng Thủ tướng Chính phủ
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
2. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
44 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội,
3. Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
1 Tôn Thất Đạm, Ba Đình Hà Nội, Viet Nam
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Đồng thời gửi bản sao cho các đại diện ngoại giao được công nhận tại nước bạn.
Thông tin bổ sung
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người đồng sáng lập tổ chức độc lập Mạng lưới Bloggers Việt Nam vào tháng 12 năm 2013 và thường tham gia vào các sự kiện quảng bá nhân quyền qua việc viết blog, đăng và chia sẻ các bài viết và video. Các vấn đề mà đề cập bao gồm sự minh bạch của chính phủ, trách nhiệm giải trình của nhà nước về vi phạm nhân quyền, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các quyền quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát. Cô đã nhiều lần bị quấy rối, bắt giữ và thẩm vấn về các hoạt động ôn hòa của cô, và đã bị ngăn cản ra nước ngoài. Cô là mẹ độc thân với hai con nhỏ và người mẹ cùng bà ngoại 90 tuổi. Vào năm 2015, Civil Rights Defenders đã trao giải thưởng Người bảo vệ quyền dân sự trong năm. Năm 2017, Quỳnh được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh vắng mặt như là một trong 13 phụ nữ được giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế.
Ngày 10/10/2016, Quỳnh bị bắt tại quê hương cô ở tỉnh Khánh Hòa trong khi cô đi cùng mẹ của một nhà hoạt động đi thăm người này trong một nhà tù địa phương. Một tiếng rưỡi sau khi bị bắt, lực lượng an ninh đã đưa cô về nhà và tiến hành khám xét, tịch thu máy tính của cô và nhiều thiết bị điện tử khác cũng như băng rôn biểu tình. Cô bị biệt giam trước khi xét xử cho đến ngày 20/6/2017, ngày cô được tiếp cận luật sư lần đầu tiên trước ngày xét xử 9 ngày.
Ngày 29/6/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã kết án cô mười năm tù giam về cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và luật sư của cô bị ngăn cản trong khi trình bày bào chữa. Các cáo buộc chống lại cô liên quan đến các hoạt động của cô trên Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, bao gồm viết, tải lên và chia sẻ nhiều bài báo và video có nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ ; sản xuất, biên tập và chia sẻ một báo cáo có tựa đề "Stop Police Kiling" với hồ sơ cáo buộc cảnh sát gây ra cái chết cho 31 người trong đồn công anh, nhiều bài trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài "bóp méo" tình hình ở Việt Nam ; và sở hữu bộ sưu tập thơ và nhiều bản ghi đĩa compact được coi là chỉ trích Đảng Cộng sản và Nhà nước.
Điều kiện nhà tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, thiếu lương thực và chăm sóc y tế, thiếu các tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong Quy tắc Tối thiểu của Liên Hợp quốc về Đối xử với Tù nhân (Nelson Mandela Rules) và các tiêu chuẩn quốc tế khác về nhà tù. Việc các tù nhân lương tâm bị giam trong một khoảng thời gian dài có thể coi như là hình thức tra tấn hoặc hành vi ngược đãi khác theo Quy tắc Nelson Mandela. Họ cũng bị tra tấn hoặc ngược đãi khác, bao gồm bị đánh đập bởi quản giáo và tù nhân khác mà quản giáo không can thiệp. Một hình thức đối xử ngược đãi mà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nói với luật sư của cô rằng cô không được cung cấp đồ lót và băng vệ sinh trong quá trình bị giam giữ.
Nhiều tù nhân lương tâm đã bị chuyển một cách bí mật đến nhà tù xa gia đình, và nhà tù không cung cấp việc chuyển tù nhân cho gia đình họ.
Nhiều tù nhân lương tâm, bao gồm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã thực hiện nhiều cuộc tuyệt thực để phản đối việc đối xử tàn bạo và điều kiện giam giữ tồi tàn.
Amnesty International
Nguyên tác : Urgent Action - Maximum prison sentence for anti-Formosa activist, 01/03/2018
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 02/03/2018