Sau Osama bin Laden năm 2011 đến lượt Abu Bakr al-Baghdadi, chỉ huy tổ chức tự xưng là một Nhà nước Hồi giáo (Daesh) bị triệt hạ. Theo giới phân tích, giống như al-Qaeda, Daesh có thể tiếp tục sống sót và vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.
Người được cho là thủ lãnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong một video tuyên truyền ngày 29/04/2019. AFP / AL-FURQAN MEDIA
Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố ngày tàn của nhóm thánh chiến tự nhận là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng các đối tác Châu Âu thận trọng cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa tới hồi kết. Nga thậm chí hoài nghi khi nhắc lại trong quá khứ cộng đồng quốc tế đã nhiều lần loan báo về cái chết của trùm khủng bố Al-Baghdadi.
Nhìn từ phía các chuyên gia, giáo sư Jean Piere Filiu giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris cho rằng, cái chết của thủ lĩnh Daesh, Abu Bakr al-Baghdadi là một "thất bại mang tính tượng trưng nhưng sẽ không ảnh hưởng sâu rộng tới cách vận hành và chiến lược của tổ chức Nhà nước Hồi giáo" bởi vì Daesh có nhiều lá chủ bài khác trong tay.
Thứ nhất, từ lâu nay "vương quốc Hồi giáo" (califa) được hình thành từ năm 2014 trải rộng trên một phần lãnh thổ giữa biên giới Iraq và Syria đã thực sự do một toán rất chuyên nghiệp quản lý. Ngoài hai nhân vật số 1 và số 2 của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, danh tánh của những thành phần trong ban lãnh đạo đó hoàn toàn được giữ trong vòng bí mật nhưng các chuyên gia đều biết rằng, Daesh do những thành phần từng phục vụ trong quân đội và tình báo Iraq dưới thời Saddam Hussein.
Thứ hai là kể từ khi Daesh để mất các thành trì tại Syria và Iraq như Palmyra hay Mosul, thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi không còn thực sự điều hành tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Một số nhà quan sát về tình hình ở Trung Đông nói rõ hơn : Daesh hiện còn có rất nhiều ổ nằm vùng tại Iraq, và một trong những điểm tựa của mạng lưới khủng bố này là cộng đồng Hồi giáo theo thệ phái Sunni. Số này bất mãn với chính sách của Baghdad được đặt trong tay hệ phái Shia, thân Iran.
Lợi thế thứ nhì của Daesh là tổ chức tội phạm này có cả một mạng lưới yểm trợ - đặc biệt là về mặt tài chính- quan trọng ở khắp khu vực, từ Lebanon, đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan. Điển hình là vào lúc giới quan sát chờ đợi al-Baghdadi ẩn náu đâu đó tại Iraq, thì cuối cùng, đặc nhiệm Mỹ đã phát hiện ông ta trên lãnh thổ Syria. Điều đó có nghĩa là, như chính tổng thống Hoa Kỳ đã xác nhận, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách "tổ chức lại" và có thể là chọn Syria làm địa bàn hoạt động để chuẩn bị các đợt phản công.
Yếu tố thứ ba khiến giới phân tích quả quyết rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo còn sức công phá rất lợi hại đó "cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ". Đành rằng Ankara đóng một vai trò quan trọng cho phép "vô hiệu hóa" thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại một khu vực chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có 5 cây số, nhưng theo phân tích của nhà báo Pháp trên tờ Le Figaro, Georges Malbrunot : "tất cả mọi người đều biết rằng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là cửa ngõ của Daesh" mở ra với thế giới bên ngoài. Chẳng vậy mà một số các công dân của Châu Âu tham gia thánh chiến bên hàng ngũ Daesh tại Syria và Iraq đều phải đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, việc Mỹ rút quân khỏi khu vực miền bắc Syria làm suy yếu lực lượng FDS của người Kurdistan tại Syria, luôn trên tuyến đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Quyết định của Washington đã nới lỏng vòng vây cho Daesh. Đó là chưa kể từ hơn một năm qua, quân thánh chiến tại Syria và Iraq đã đào thoát sang được các vùng bất ổn từ Libya đến miền bắc bán đảo Sinai của Ai Cập.
Trong những điều kiện đó, giới nghiên cứu về khủng bố quốc tế cho rằng, tựa như al-Qaeda, tổ chức khủng bố Daesh vẫn tồn tại. Có thể là sau cái chết của thủ lĩnh al-Baghdadi, tổ chức Nhà nước Hồi giáo sẽ "im hơi lặng tiếng" và sẽ khai thác cái chết đó để tuyển mộ thêm các chiến binh. Các vụ khủng bố tự sát trên thế giới vẫn sẽ tiếp diễn, bởi mục tiêu sau cùng của những phần tử cuồng tín này là chết như những người "tử vì đạo".
Thanh Hà
Trừ khử thủ lãnh Daesh : Bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố
Thông báo về việc đặc nhiệm Mỹ hôm 27/10/2019 tiêu diệt trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, xuất hiện dày đặc trên khắp các mặt báo Pháp ra hôm nay 28/10/2019.
Một lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo trên con đường dẫn đến căn cứ quân sự Al Fatiha, ở miền nam Hawija, Iraq, ngày 02/10/2017. Reuters/Stringer
Dưới hàng tựa lớn : "Trump đánh đòn chí tử vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo", Le Figaro đăng bức hình tổng thống Donald Trump cùng các quan chức chính phủ ngồi tại phòng chỉ huy dưới tầng hầm Nhà Trắng theo dõi trực tiếp cuộc đột kích. Libération thông báo : "Abu Bakr al-Baghdadi chết, Nhà nước Hồi giáo mất đầu" cùng với hình chân dung khổ lớn của thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trên trang nhất.
Đây là một tin tốt lành cho cả thế giới. Trong bài xã luận, Le Figaro bình luận đó là "kết cục hiển nhiên của hung thần Hồi giáo cực đoan, từng gây ra hàng nghìn cái chết, những vụ chặt đầu, cắt cổ man rợ của thời Trung cổ, những vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào người vô tội mà y đã chỉ đạo tiến hành từ Châu Âu sang nước Mỹ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gặp khó khăn, rắc rối trong chiến dịch tranh cử với mối đe dọa điều tra phế truất, đã nắm bắt cơ hội này. Cũng giống như Obama hồi năm 2011 khi tiêu diệt được thủ lĩnh al-Qaeda, bin Laden, ông Trump đã khoác ngay lên mình chiếc áo tổng chỉ huy quân đội.
Hôm qua, tổng thống Mỹ đã tổ chức họp báo, dành 45 phút để kể lại khá chi tiết, từ công tác chuẩn bị đến các hành động tác chiến tại chỗ của lực lượng đặc nhiệm trong vụ đột kích tiêu diệt trùm Daesh. Như ông Trump mô tả chiến dịch diễn ra như "một cuốn phim" và ông nhấn mạnh thủ lĩnh Daesh đã "chết như như một con chó… một kẻ hèn hạ".
Cũng để ý đến cách thông báo chiến thắng của tổng thống Mỹ, xã luận báo Libération ghi nhận : "Đáng ra có một thông báo khiêm nhường thì hơn. Nhưng vì đã thành thói quen, ông Donald Trump tỏ ra thái quá để công bố cái chết của thủ lĩnh khủng bố bị săn lùng gắt gao nhất thế giới. Cho dù không thể phủ nhận việc loại trừ được kẻ sát nhân của thế giới này là thành công của lượng đặc nhiệm Mỹ, được nhiều nước trong vùng hỗ trợ. Trong đó có đóng góp của lực lượng Kurdistan vừa bị Mỹ bỏ rơi và đang bị Thổ Nhĩ Kỳ truy đuổi".
Libération nhận định "Ông Trump phải cảm ơn lực lượng Kurdistan… Mỹ phải công nhận những đóng góp của họ vào cố gắng chung là rất quý giá". Vì sau chiến dịch này sẽ còn những chiến dịch khác nữa khốc liệt không kém. Bị suy yếu, mất đi thủ lĩnh, bị mất đất, tổ chức Nhà nước Hồi giáo chưa hẳn đã thành tro bụi. Tờ báo kết luận : "Dẫu gì thì đây cũng không phải là thời điểm tốt nhất để phương Tây rút ra khỏi vùng này".
Mất thủ lĩnh, tương lai Daesh ra sao ?
Đi kèm với thông tin về cái chết của trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, các báo đều có nhiều bài viết khai thác các góc cạnh khác của sự kiện. Le Figaro khẳng định : "Mất thủ lĩnh, Daesh vẫn sẽ sống sót".
Theo bài báo, cái chết của bin Laden năm 2011 hay của Abu Bakr al-Baghdadi là kết quả tất yếu của cuộc chiến đến chết mà al-Qaeda cũng như Daesh đã chủ trương. Các thủ lĩnh khủng bố này đã chết và đều mang theo những bí mật.
Ngay từ khi truy lùng khắp nơi và nhất là khi bị thất thủ, y đã chuẩn bị cơ cấu hoạt động mới cho tổ chức. Rõ ràng là các chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi là một thất bại lớn nhất của Daesh. Nhưng một thất bại mang "tính tượng trưng chứ không chiến lược" - tác giả bài báo khẳng định. "Tổ chức này vẫn còn những quân chủ bài cho phép chúng tự vực dậy ở Iraq-Syria và cả ở những lục địa khác, ở những nơi mà các chiến binh và ý tưởng của nó đã ăn sâu cắm rễ".
Bài báo cho biết, ở Iraq, Daesh vẫn còn rất nhiều phân nhóm nằm vùng chờ thời cơ. Dù đã bị đánh bại trên chiến trường nhưng khả năng gây hại của tổ chức này vẫn còn. Những rối ren chính trị, tôn giáo tại chỗ sẽ lại là đất tốt để Daesh trỗi dậy.
Tờ báo trích nguồn của an ninh Iraq phân tích : "Sau khi Saddam Hussein đổ, Hoa Kỳ đã phá hủy Nhà nước Iraq, hệ thống thể chế bị mất đi, al-Qaeda rồi Daesh xuất hiện. Nhưng chúng ta không chối bỏ trách nhiệm vì Daesh không ra đời ở Pháp hay Hoa Kỳ, Daesh là hệ quả của sự bình định tồi Iraq từ năm 2003".
Hơn thế nữa thủ lĩnh mất nhưng túi tiền của Daesh vẫn còn. Tất cả các mạng lưới tài chính ở nước ngoài như ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan vẫn không bị phá. Còn tiền thì vẫn mua được thuốc nổ, vẫn mua được lòng trung thành.
Các báo đều khẳng định chung một điều là Abu Bakr al-Baghdadi chính là sản phẩm phụ của cuộc chiến tranh Iraq và tổ chức Nhà nước Hồi giáo chính là biến thái của al-Qaeda, ra đời trong hỗn mang ở Iraq.
Đơn vị tinh nhuệ Delta Force, trái tim của cuộc chiến chống khủng bố
Nhật báo Libération còn dành sự chú ý đặc biệt đến lực lượng Delta Force, vừa thực hiện cuộc tấn công vào sào huyệt của al-Baghdadi tại Bericha, Syria.
Đây là "đơn vị tinh nhuệ, trái tim của cuộc chiến chống khủng bố". Tờ báo cho biết cuộc đột kích tại Iraq không phải do Navy Seals, đơn vị đã tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011, thực hiện mà là Delta Force.
Delta Force được "thành lập năm 1977, đảm nhiệm các chiến dịch quan trọng, hành động hạn chế tối đa báo cáo trước và trong bí mật tuyệt đối". Tờ báo cũng cho biết là không phải chiến dịch nào của đơn vị này cũng thành công cả. Chiến dịch đầu tiên của Delta Force bị thất bại là cuộc giải thoát các nhà ngoại giao Mỹ bị sinh viên Iran tại Tehran bắt làm con tin, ngày 04/11/1979.
Đã có 6 lính của Delta Force bị thiệt mạng trong một chiến dịch ở Somalia năm 1993. Gần đây nhất, đơn vị đặc nhiệm này đã thất bại trong cuộc giải cứu hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Scotloff, để cuối cùng bị Daesh hành hình.
Delta Force đã có mặt ở Iraq từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên năm 2003. Đơn vị này đã tham gia vào cuộc săn đuổi thủ lĩnh của al-Qaeda tại Iraq, Abu Musab al-Zarqawi. Năm 2011 rút về rồi đến 2014 Delta trở lại Iraq, khi Daesh vừa chiếm Mosul. Tổng hành dinh vùng Vịnh của Delta Force đặt ở Erbil, thủ phủ của người Kurdistan ở Iraq. Sứ mệnh chính của đơn vị giờ là truy diệt các thủ lĩnh khủng bố và giải cứu con tin.
Biểu tình ở Chile : Từ giá vé tàu đến phản kháng chống chính phủ
Nhìn sang Châu Mỹ, các báo đều có chung một hướng là Chile, nơi phong trào biểu tình diễn ra cả tuần nay với đỉnh điểm là ngày thứ Sáu tuần qua (25/10), hơn một triệu người xuống đường ở thủ đô Santiago, đòi chính phủ từ chức và thực hiện các cải thiện dân sinh.
Le Monde có bài phóng sự với tiêu đề : "Cuộc huy động lịch sử chống bất bình đẳng tại Chile". Bất bình đẳng, theo tờ báo, cũng là một nguyên nhân nguyên nhân làm bùng nổ phong trào phản kháng chính phủ kéo dài hàng tuần nay ở đất nước Nam Mỹ này. Và chưa có dấu hiệu nào dịu xuống, cho dù chính phủ đã có nhiều động thái lùi bước, sau một hồi mạnh tay trấn áp không kết quả.
Còn nhật báo công giáo La Croix thì cho rằng phong trào phản kháng hiện nay ở Chile là "tàn lửa không dập hết của chế độ độc tài Chile".
Theo những người biểu tình, phần đông sinh ra sau khi chế độ độc tài Pinochet đã sụp đổ, được La Croix trích dẫn, họ xuống đường để đòi cho đất nước được công bằng. Điều mà người dân Chile đã hy vọng sau khi lật đổ chế độ độc tài Pinochet. Từ đó đến nay nhiều chính quyền thay nhau lãnh đạo đất nước, thế nhưng nhiều chính sách từ thời Pinochet vẫn không thay đổi, làm tình hình kinh tế xã hội và đời sống người dân ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Ban đầu là để phản đối chính phủ nâng giá vé tàu điện ngầm, giờ đây các cuộc biểu tình trở thành phong trào phản kháng chính phủ. Yêu sách của người biểu tình cũng mở rộng ra, đòi cải cách toàn diện hệ thống an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho người dân và thậm chí sửa đổi Hiến Pháp.
Anh Vũ
Daesh bị sụp đổ nhưng lò lửa Trung Đông vẫn bốc khói (RFI, 20/10/2017)
Báo Pháp đặc biệt chú ý đến Danielle Darrieux, minh tinh thế kỷ của sân khấu và màn ảnh Pháp vừa tắt lịm, bên cạnh các chủ đề thời sự từ sự sụp đổ của Daesh ở Trung Đông, đến chuyện Madrid song đấu với Catalunya, Liên Hiệp Quốc bất lực trước hồ sơ Rohingya, thế thượng phong của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vì sao không nên cấm cửa kênh truyền hình Russia Today của Nga họat động tại Pháp, bản chất chế độ chính trị Trung Quốc qua gia đình của một nữ doanh nhân nằm trong trung tâm quyền lực từ trước 1949.
Cờ Daesh chỉ còn trên những ngôi nhà bị tàn phá ở Raqqa. Ảnh ngày 18/10/2017. Reuters/Erik De Castro
Trung Đông : một cuộc chiến mới đang chờ
Trước hết, liệu Trung Đông sẽ yên bình một khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh bị sụp đổ ? Trong bài "Trung Đông thời hậu thánh chiến" trên trang quốc tế của Le Monde, nhà phân tích Alain Frachon nhận xét : một Trung Đông mới sẽ ra đời khi "giáo triều thánh chiến" cáo chung. Tuy nhiên, Trung Đông mới này không bình yên mà còn hứa hẹn có nhiều lửa khói. Sau bốn năm gieo rắc máu xương, chiến tranh đã làm cho bộ mặt Trung Đông đổi khác không thể quay trở lại.
Thứ nhất, cánh Hồi giáo bệnh hoạn và cực đoan của hệ phái Sunni sẽ cùng với Daesh, mất đi ít nhất hai tham vọng : lật đổ chính quyền Syria và kiểm sóat miền bắc Irak. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của hệ phái Sunni, sản sinh ra al-Qaeda và Daesh, cũng như những chân rết khủng bố khác, sẽ tồn tại. Họ sẽ tiến hành chiến tranh du kích, khủng bố ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Hai chế độ Damascus và Baghdad sẽ đối xử ra sao với cộng đồng Sunni : tiếp tục trấn áp hay đối xử công bằng ? Có xem nhu cầu tái thiết Raqqa và Mosul là ưu tiên hay không ?
Trở lực lớn nhất vẫn là thiết lập cân bằng tương quan lực lượng. Nhưng liệu các nước "bảo trợ" có chấp nhận luật chơi hay không ? Trong cuộc chiến này, Nga và Tehran đứng về phía Damascus. Nhưng từ nay, Syria không còn là một nước có chủ quyền và được toàn vẹn lãnh thổ.
Nói đến Nga và Iran thì phải nhớ đến Mỹ của Donald Trump. Trong giai đoạn tranh cử, Donald Trump đã dành không biết bao nhiêu lời ưu ái ca ngợi Vladimir Putin và Bachar al-Assad. Thế mà một năm sau, khi vào Nhà Trắng, Donald Trump xem Iran là kẻ thù số một, muốn chế tài chế độ Hồi giáo Shi-a của Tehran. Tổng thống Mỹ muốn dựa vào Saudi Arabia và Israel để chống lại chính sách bành trướng của Iran.
Điện Kremlin sẽ phản ứng ra sao ? Le Monde đặt câu hỏi. Từ khi can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến Syria, nước Nga đã trở lại khu vực ở thế mạnh và bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, do thế thượng phong của Moskva, so với Washington, Nga cũng có phần trách nhiệm cho tương lai Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu đã cảnh báo chủ nhân điện Kremlin : Israel không dung tha cho Iran "mở mặt trận" ở biên giới phía tây của Israel. Không một tháng nào mà máy bay Israel không tấn công các đoàn xe của Hezbollah chở tên lửa của Iran. Theo Le Monde, những cuộc oanh kích này có thể vượt tầm kiểm sóat vì theo thông lệ bao giờ sau một cuộc chiến cũng sẽ xảy ra một cuộc chiến khác.
Shinzo Abe trước thềm chiến thắng
Shinzo Abe chuẩn bị thắng lớn nhưng các kết quả thăm dò cho thấy thủ tướng Nhật mất dần hậu thuẫn trong dân chúng. Le Figaro giải thích thêm : 5 năm qua, chính sách "Abenomics" không đánh thức được nước Nhật, vì hầu hết các biện pháp cải cách sâu rộng không được thi hành.
Nhận định này của nhật báo thân hữu như một lời cảnh báo tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi cho rằng Nhật Bản vẫn chưa có một chính sách nhập cư đáp ứng với nhu cầu lao động và vẫn chưa cải cách thị trường lao động.
Trái lại, Le Monde phân tích cơ may và rủi ro của cuộc bầu cử trước kỳ hạn. Thông tín viên của nhật báo độc lập từ Tokyo cho biết "bản thân thủ tướng Nhật cũng không ngờ, cho dù bị môt số tai tiếng nhũng lạm quyền thế, hỗ trợ bạn thân, ông còn đủ uy tín để hy vọng duy trì đa số áp đảo tại quốc hội. Tham vọng của thủ tướng Nhật là nhân cơ hội bị Bắc Triều Tiên đe dọa hạt nhân, ông có thể cải cách Hiến Pháp chủ hoà. Tuy nhiên, cơ hội có một không hai này là con dao hai lưỡi.
Theo phân tích của Thượng nghị sĩ Hiroe Makiyama, người của đảng Dân Chủ Nhật Bản , thì phe tả cũng sẽ nhân cơ hội này để huy động cử tri thuộc xu hướng chủ hòa và chống năng lượng hạt nhân, xây dựng một cương lĩnh chính trị mới. Vấn đề là nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt lên cao, thì điều này sẽ làm chiến thắng của thủ tướng cánh hữu.
Miến Điện - Rohingya
Bầu cử Nhật Bản vào chủ nhật này không phải là thời sự quan trọng duy nhất ở Châu Á.
Với tựa : Sự bất lực của Liên Hiệp Quốc trước thảm nạn Rohingya, La Croix đặt câu hỏi : Liên Hiệp Quốc phản đối, Liên Hiệp Quốc tố cáo,Liên Hiệp Quốc lên án , nhưng làm được gì ? Hai viên chức Liên Hiệp Quốc và một chuyên gia độc lập nhìn nhận Liên Hiệp Quốc bất lực vì không thể đưa lực lượng võ trang vào Miến Điện và cũng không nên can thiệp bằng quân sự.
Trong bài xã luận "Chuyện tàn ác ở Miến Điện" nhật báo Công giáo lưu ý bang Rakhin chỉ là một trong nhiều lò lửa xung đột sắc tộc tại Miến Điện. Quân đội Miến Điện là thủ phạm chính nhân danh "chủ nghĩa dân tộc". Trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ hiện nay, can thiệp vào Miến Điện sẽ rất phức tạp. Điều quốc tế cần làm là trừng phạt các sĩ quan phạm tội ác và tiếp tục yểm trợ tiến trình dân chủ hóa. Mặt khác, dồn sức cứu trợ gần 600.000 người tị nạn ở Bangladesh. Theo La Croix, đó là ý nghĩa của chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Francis vào tháng 11 tới.
Trung Quốc : Đại hội thứ 19 Đảng cộng sản Trung Quốc
Hồ sơ thứ ba liên quan đến Châu Á là đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc. Les Echos dành một trang cho Yan Lan ( Diêm Lan), một nhà quản trị ngân hàng Lazard, được Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, tác giả một quyển sách thuật lại những thăng trầm của gia đình ở trung tâm quyền lực đảng cộng sản Trung Quốc : ông nội là đảng viên Quốc Dân đảng trước khi theo Mao. Lên năm, Diêm Lan theo bố về sống một muà hè trong nhà Đặng Tiểu Bình, sát biệt thự của Mao và được đích thân họ Đặng dạy bơi. Bố của Diêm Lan là nhà ngoại giao, thông dịch viên tiếng Nga chính thức của Mao.
Lời kể của Diêm Lan như là một chứng nhân về tội ác của Hồng Vệ Binh thời cách mạng văn hóa mà ông và cha là nạn nhân. Bị tra khảo khắc nghiệt, ông nội của Diêm Lan từ trần trong nhà giam. Không chút hận thù, Diêm Lan cho biết mãi đến khi lên đại học, nhân một dịp trao đổi với một sinh viên Đài Loan bà mới ý thức được quy mô và tai hại của chiến thuật tuyên truyền sai lạc, bóp méo thông tin của chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Madrid Barcelona
Về thời sự Châu Âu, trận đấu sức giữa Madrid và chính quyền ly khai ở Barcelona được báo chí Pháp đưa tin theo lối giao banh : Trả lời tối hậu thư của thủ tướng Rajoy, lãnh đạo ly khai Puigdemont không giải thích thỏa đáng, tựa của Le Monde. Trong khi Libération nhận định hai phe chọn chiến thuật "ai mạnh sẽ thắng" thì Le Figaro nhấn mạnh : Madrid sẵn sàng đình chỉ quy chế tự trị của Catalunya và lưu ý thái độ của Liên Hiệp Châu Âu là đoàn kết với Tây Ban Nha chống ly khai.
Trong bài xã luận, Le Figaro trách phe đòi độc lập "đi ngược chiều lịch sử" gây tổn hại nặng nề cho quyền lợi chung. Phe chủ trương cực đoan muốn khai thác lòng bất mãn của dân Catalunya khi Madrid tiến trình thực hiện điều 155 của Hiếp Pháp để hy vọng xảy ra một… Thiên An Môn. Trong khi đó, đất nước sẽ bị phân hóa nghiêm trọng và lâu dài, giới đầu tư mất tin tưởng. Thay vì lãng phí thời giờ công sức, Catalunya nên cùng Madrid tập trung giải quyết những vấn nạn quốc gia, từ di dân nhập cư, thất nghiệp, khủng bố Hồi giáo. Châu Âu không tha thứ cho thái độ đi sai đường lich sử.
Ngôi sao truyền hình Ksenia Sobtchak : Đối thủ mới của Putin
Về tình hình chính trị Nga, trong khi lãnh đạo đối lập và chống tham nhũng Boris Nemtsov bị ám sát và Alexei Navalny bị điện Kremlin dùng tư pháp chận đường tranh cử tổng thống, Libération giới thiệu một nữ xướng ngôn viên truyền hình Nga đứng lên thách thức Putin, Le Monde phân tích vì sao không nên cấm kênh truyền hình tuyên truyền Russia Today của Nga chủ hòa
Trực diện Putin trong cuộc bầu cử tổng thống, ngày thứ tư vừa qua, Ksenia Sobtchak một ngôi sao truyền hình Nga xinh đẹp và ăn khách thông báo ra tranh cử. Trên đài truyền hình Dojd, cô nhà báo trẻ tuổi cho biết đã thông báo cho Putin quyết định tranh đua này. Theo giới phân tích tại Moskva, Ksenia Sobtchak sẽ thu hút được thành phần "dân thành thị trẻ, có học thức, có đầu óc phê phán, thích tây phương". Nhà báo này không giấu lập trường đối lập với Putin, nhiều lần xuất hiện bên cạnh Boris Nemtsov, trước khi ông bị ám sát, và Alexei Navalny.
Nổi loạn nhưng không chống chế độ, đối thủ mới của tổng thống Putin, nếu không bị cản đường bằng những biện pháp trấn áp, sẽ là một ứng cử viên lợi hại : tổ chức vận động tranh cử ôn hòa, không tố cáo bầu cử gian lận, nhưng giương cao ngọn lửa tranh đấu của mọi tiếng nói bất mãn. Chỉ riêng những người ủng hộ Alexei Navalny, chiếm đến 15% hay 25% cử tri Nga.
Vào lúc Nga tìm cách bóp nghẹt các tiếng nói phản biện thì một cơ quan truyền thông do nhà nước tài trợ, đài Russia Today, nước Nga ngày nay muốn phát sóng tại Pháp vào tháng 12 tới. Trên Le Monde, chuyên gia về nước Nga Maxime Audinet giải thích là không nên lên án Russia Today làm tay sai cho điện Kremlin vì đài này biết cách khai thác ngược lời cáo buộc để làm tăng số khán giả. Vũ khí thương mại của Russia Today là "quảng cáo họ là tiếng nói khác biệt" so với thông tin ở phương tây.
Theo tác giả, biện pháp hay nhất mà Thượng Hội Đồng Thính Thị Pháp nên làm là theo gương đồng nghiệp Anh đối với RT tại Anh Quốc : cảnh giác và cho công luận biết rõ cơ quan truyền thông này là công cụ của chính quyền Nga trong lĩnh vực đối ngoại. Thứ đến là nên chỉ trích xây dựng nước Nga bất lực tạo hình ảnh thu hút quốc tế.
Bên cạnh thời sự chính trị nóng bỏng, tin nữ diễn viên điện ảnh và sân khấu Pháp Danielle Darrieux vừa từ trần ở tuổi 100 chiếm trang nhất tất cả báo chí Pháp ngày thứ sáu. Nhật báo cánh tả Libération chọn bức ảnh trắng đen làm nổi bật gương mặt khả ái và mái tóc vàng óng ả : Nữ diễn viên thế kỷ, biểu tượng của 80 năm điện ảnh đã từ trần ngày thứ ba vừa qua.
Tú Anh
Khu phố cổ Mosul, căn cứ địa cuối cùng của Daesh tại miền bắc Iraq đang bị bao vây chặt chẽ. Được đồng minh Tây phương yểm trợ, sau 8 tháng nỗ lực quân đội chính phủ dường như sắp chiếm lại được toàn bộ thành phố lớn thứ hai của Iraq bị Daesh đánh chiếm vào mùa xuân 2014 và tuyên cáo thành lập Vương Triều Hồi giáo. Trận "xung phong cuối cùng" diễn ra như thế nào ? Bị dồn vào chân tường, Daesh không mất thế chủ động.
Quang cảnh khu phía tây thành phố cổ Mosul, Iraq. Ảnh chụp ngày 27/06/2017. Reuters
Sau ba tháng chuẩn bị, tám tháng chiến đấu gian nan chấp nhận thiệt hại giành từng thước đất, quân đội Iraq tung ra đợt "xung phong cuối cùng" từ Chủ Nhật 18/06/2017. Mục đích là đánh chiếm khu phố cổ Mosul, nơi tử thủ cuối cùng của Daesh.
Ngày 21/06/2017, hai di tích lịch sử của Mosul bị đánh sập. Đền thờ Hồi giáo al-Nuri là địa điểm biểu tượng của thánh chiến. Đây là nơi mà vào năm 2014, sau khi chiếm được Mosul, thủ lĩnh Daesh Abu Bakr al-Baghdadi, xuất hiện lần đầu và cũng là lần cuối, tự xưng là lãnh đạo một Vương triều Hồi giáo (Califat).
Daesh tố cáo không quân Mỹ dội bom phá di tích. Tuy nhiên, Bagdad cho biết chính Daesh phá hủy đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tòa tháp nghiêng al-Hadba. Chính phủ Iraq xem đây là dấu hiệu cho thấy Daesh đã mất tinh thần, tự thú nhận chiến bại.
Bị liên quân quốc tế tấn công khắp mặt trận từ Syria cho đến Iraq, liệu Daesh đã hoàn toàn suy sụp tinh thần tự phá biểu tượng ?
Trong chương trình Décryptage của RFI tiếng Pháp ngày 22/06/2017, giáo sư Myriam Benraad, chuyên gia Pháp về Trung Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia CNRS cho rằng Daesh phá hủy di tích không phải vì suy sụp tinh thần. Trái lại đó là thái độ quyết tử :
Không. Đây không phải là hành động tuyệt vọng của Daesh. Phải phân tích kỹ những tuyên bố về trận đánh này tại Mosul. Daesh nói Mỹ và liên quân quốc tế oanh kích đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tháp nghiêng al-Hadba. Thế nhưng, nếu xem kỹ hình ảnh và phim video thì đúng là một vụ nổ mìn chứ không phải là do oanh tạc.
Daesh phá đền thờ lịch sử vì không muốn quân đội Iraq chiếm lại và từ địa điểm biểu tượng này tuyên cáo chiến thắng Daesh. Chúng ta phải thấy Daesh đi theo một "logic" phóng lao thì phải theo lao. Đánh sập đền thờ là nhằm không cho Mỹ và quân đội Iraq chiếm nơi biểu tượng mà vào tháng 7 năm 2014, thủ lĩnh của Daesh là Abu Bakr al-Baghdadi, tuyên bố thành lập vương triều Hồi giáo tại một vùng lãnh thổ Iraq và Syria mà họ mới chinh phục và muốn các vùng khác thần phục.
Stéphane Mantoux, chuyên gia quân sử thế giới và chiến lược quân sự của Daesh có cùng nhận định :
Chính Daesh phá đền thờ và hình ảnh video cho phép xác nhận nhưng xin bổ sung một nhận xét. Daesh phá đền và tháp nghiêng nhưng vẫn tiếp tục cố thủ, tiếp tục chiến đấu chứ không bỏ khu phố cổ. Xung đột vẫn diễn ra tại khu vực hoang tàn đổ nát này.
Theo bản tin của AFP ngày 25/06/2017, lực lượng Iraq tiến sát vào ổ kháng cự cuối cùng của thánh chiến ở trung tâm thành phố Mosul tan nát vì bom đạn. Ba năm sau ngày chiến thắng, giờ đây chiến binh Daesh chỉ còn kiểm soát khoảng một cây số vuông. 70% diện tích thành phố đã được giải phóng, theo lời một sĩ quan tình báo nói với AFP. Mosul sẽ thất thủ trong nay mai.
Trên lý thuyết, Daesh không thể nào đương cự lại sức mạnh áp đảo của liên quân quốc tế và quân đội Iraq. Thế nhưng, phe thánh chiến chấp nhận trận đánh. Chuyên gia Myriam Benraad phân tích :
Theo thẩm định của nhiều người, trận Mosul xem như đã được định đoạt từ nhiều tháng nay, từ tháng 10 năm 2016 khi chiến dịch tái chiếm bắt đầu.
Trước hết là tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho Daesh. Từ hàng chục ngàn chiến binh lúc ban đầu, sau đó lớp tử trận, lớp đào ngũ, lực lượng chống cự chỉ còn vài trăm ở Mosul.
Trong khi đó, phương tiện của Mỹ thì khỏi nói, quân đội Iraq được trang bị rất dồi dào.
Tuy nhiên, Daesh chứng tỏ họ có ý chí chống cự đến cùng. Quyết tâm buộc đối phương phải chấp nhận thiệt hại và gây thiệt hại cho thường dân. Daesh đánh canh bạc cuối cùng trong một "logic" mà họ đã làm ở các nơi khác, rất khủng khiếp trong quá khứ, như trận Falluja trong những năm đầu tiên. Do vậy chúng ta không ngạc nhiên với mức độ tàn phá của trận Mosul
Ẩn số hiện nay là chuyện gì sẽ xảy ra sau trận Mosul với thời hậu Daesh.
Còn theo nhà nghiên cứu chiến lược quân sự Stéphane Mantoux, chiến binh tử thủ tại Mosul là người Iraq theo hệ phái Sunni nhưng cán bộ nồng cốt toàn là người nước ngoài mà đa số đến từ Tchechenia. Đó là những kẻ kiên quyết nhất, chuẩn bị đánh đến cùng với mọi phương tiện, chiến thuật khó đối phó, với giao thông hào ngập xăng dầu và nhiều bất ngờ khác chờ binh sĩ Iraq :
Khu vực chung quanh dẫn đến đền thờ al-Nuri là những con đường nhỏ hẹp như mô tả. Chiến xa và xe bọc thép của quân đội Iraq tiến rất khó khăn. Lực lượng phản công phải đánh chiếm từng con đường, giành lại từng ngôi nhà. Chiến binh Daesh ẩn nấp trên các nóc nhà ném lựu đạn vào lính Iraq. Thêm vào đó, Daesh đã có thời giờ xây dựng một hệ thống đường hầm, địa đạo chằng chịt ở khu phố cổ để có thể di chuyển từ con đường này qua con đường khác mà không bị phát hiện, không bị oanh kích hay pháo kích. Họ cũng đục tường để có lối đi xuyên qua dãy phố này đến dãy phố khác mà không cần ra đường. Các tay súng thiện xạ của Daesh phục kích kẻ thù bằng các loại vũ khí tối tân nhất có thể bắn xuyên qua vỏ xe bọc thép. Gài mìn chống chiến xa trong các tòa nhà để diệt các toán quân tràn vào đánh chiếm.
Chiến binh Daesh còn được trang bị đủ loại súng tốt từ trung liên , đại liên cho đến súng chống tăng. Họ còn một loại "vũ khí" cực kỳ nguy hiểm là bom người.
Phát minh mới nhất và vô cùng lợi hại là gắn rocket trên xe bom, để từ xa, họ phá hủy các chướng ngại vật rồi cứ thế lao thẳng vào phòng tuyến kẻ thù.
Lực lượng Iraq còn gặp phải một trở ngại khác là không thể nào phân biệt ai là Daesh ai là thường dân. Daesh áp dụng chiến tranh du kích thành thị, trà trộn trong dân, sử dụng dân chúng như những tấm bia thịt chống không kích và bất ngờ tấn công vào binh sĩ đối phương trên bộ. Không phân biệt, không phát hiện được chiến binh Daesh, các đơn vị đặc nhiệm của Iraq không thể triển khai sở trường cận chiến.
Chuyên gia Myriam Benraad nhận định :
Vâng. Chúng ta thấy trong trận Falluja trước đây, khi bị bao vây tứ phía, chiến binh Daesh tẩu thoát bằng cách lẩn trốn trong hàng ngũ thường dân tị nạn chiến cuộc. Ở Mosul, cũng thế, một bộ phận lực lượng thánh chiến kéo đi bố trí ở nơi khác nhưng để lại những chiến binh tinh nhuệ nhất để tử thủ. Chiến binh Daesh để lại không phải là những kẻ tuyệt vọng mà là những tay súng kinh nghiệm trận mạc và liều chết.
Do đó, họ ở lại chiến trường không phải để đàm phán mà là để tử chiến. Phá đền thờ và tháp nghiêng lịch sử là một thái độ quyết liệt chứ không phải vì tuyệt vọng.
Hơn nữa, Daesh gài mìn khắp nơi trong thành phố gây khó khăn cho dân cư muốn hồi hương. Trở lại thành phố xưa là một ước mơ xa vời vì để dân chúng có thể phục hồi sinh hoạt hằng ngày thì phải dọn sạch mìn bẫy, từng căn nhà, từng con đường, tạo ra một môi trường an toàn trước khi dân hồi cư. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn và tốn kém thời gian.
Kể từ khi chiến dịch tái chiếm Mosul khai diễn vào tháng 01/2017, ít nhất 500.000 ngàn dân chạy thoát và tạm trú ở các trại tị nạn, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Trong số gần 200.000 người còn lại, bao nhiêu người đã chết hay bị Daesh giữ làm bia người.
Theo bản tin của AFP ngày 26/06/2017, lực lượng Iraq đã phải tạm ngưng tấn công để củng cố vòng vây sau khi bị Daesh bất ngờ phản kích. Ngày hôm trước, chiến binh Daesh theo chân dân tị nạn trở về nhà, xâm nhập vào Tanak và Yarmouk, hai khu vực đã được "giải phóng" nằm ngoài khu phố cổ. Thiệt hại của quân đội chính phủ không được loan báo.
Daesh đã chứng tỏ họ rất linh động trên chiến trường và thích nghi với từng đối thủ. Đánh nhau với quân đội Syria và không quân Nga, kém chính xác, họ phản ứng cách khác. Đương đầu với quân đội Iraq và hỏa lực hùng hậu của Hoa Kỳ, họ chiến đấu cách khác.
Tú Anh
Ngày 05/02/2017 ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tuyên bố Moskva ủng hộ tiến trình đàm phán về Syria của Liên Hiệp Quốc và hội nghị tại Astana hồi tháng 1/2017 là một bước tiến để chuẩn bị cho hội nghị được dự trù mở tại Genève ngày 20/02/2017. Về tình hình tại chỗ : quân đội chính phủ cản bước tiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Deir Ezzor ở miền đông và trong vùng sa mạc gần thành phố Homs ở miền trung.
Quân thánh chiến bị lực lượng FDS tấn công ở phía bắc Raqqa, Syria. Ảnh ngày 3/02/2017. REUTERS/Rodi Said
Quân thánh chiến Hồi Giáo Syria đang bị tấn công từ tứ phía. Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Paul Khalife gửi về bài tường trình :
"Mối nguy hiểm để Deir Ezzor, gần biên giới giữa Syria với Iraq, rơi vào tay quân thánh chiến Hồi Giáo dường như đã được xua tan. Sau khi bị quân Daesh tấn công hồi tháng Giêng vừa qua, quân đội chính phủ đã ổn định lại được tình hình trước khi chuyển sang thế tấn công.
Trong 48 giờ qua, quân đội chính quy với sự yểm trợ của không quân Nga, đã đẩy lui được quân thánh chiến ở phía nam thành phố Deir Ezzor, thủ phủ của tỉnh cùng tên. Tuy nhiên, quân đội trung thành với chế độ Damascus vẫn chưa dẹp được toàn bộ Daesh tại một số khu vực vẫn còn trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Ngoài ra, ở vùng sa mạc gần Homs, quân thánh chiến cũng đang bị mất đà sau khi đã chiếm lại được thành cổ Palmyra hôm 10/12/2016. Hiện tại, quân đội Syria đã đẩy lui được Daesh ra xa 15 cây số về phía đông trên một tuyến đường khoảng 20 km và lực lượng quân sự Syria chỉ còn cách thành cổ Palmyra khoảng 20 cây số mà thôi. Ở mặt trận phía đông bắc thủ đô Damascus, quân thánh chiến cũng đang thua nặng trước âm mưu chiếm sân bay quân sự Sine".
Thanh Hà