Trừ khử thủ lãnh Daesh : Bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố
Thông báo về việc đặc nhiệm Mỹ hôm 27/10/2019 tiêu diệt trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, xuất hiện dày đặc trên khắp các mặt báo Pháp ra hôm nay 28/10/2019.
Một lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo trên con đường dẫn đến căn cứ quân sự Al Fatiha, ở miền nam Hawija, Iraq, ngày 02/10/2017. Reuters/Stringer
Dưới hàng tựa lớn : "Trump đánh đòn chí tử vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo", Le Figaro đăng bức hình tổng thống Donald Trump cùng các quan chức chính phủ ngồi tại phòng chỉ huy dưới tầng hầm Nhà Trắng theo dõi trực tiếp cuộc đột kích. Libération thông báo : "Abu Bakr al-Baghdadi chết, Nhà nước Hồi giáo mất đầu" cùng với hình chân dung khổ lớn của thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trên trang nhất.
Đây là một tin tốt lành cho cả thế giới. Trong bài xã luận, Le Figaro bình luận đó là "kết cục hiển nhiên của hung thần Hồi giáo cực đoan, từng gây ra hàng nghìn cái chết, những vụ chặt đầu, cắt cổ man rợ của thời Trung cổ, những vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào người vô tội mà y đã chỉ đạo tiến hành từ Châu Âu sang nước Mỹ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gặp khó khăn, rắc rối trong chiến dịch tranh cử với mối đe dọa điều tra phế truất, đã nắm bắt cơ hội này. Cũng giống như Obama hồi năm 2011 khi tiêu diệt được thủ lĩnh al-Qaeda, bin Laden, ông Trump đã khoác ngay lên mình chiếc áo tổng chỉ huy quân đội.
Hôm qua, tổng thống Mỹ đã tổ chức họp báo, dành 45 phút để kể lại khá chi tiết, từ công tác chuẩn bị đến các hành động tác chiến tại chỗ của lực lượng đặc nhiệm trong vụ đột kích tiêu diệt trùm Daesh. Như ông Trump mô tả chiến dịch diễn ra như "một cuốn phim" và ông nhấn mạnh thủ lĩnh Daesh đã "chết như như một con chó… một kẻ hèn hạ".
Cũng để ý đến cách thông báo chiến thắng của tổng thống Mỹ, xã luận báo Libération ghi nhận : "Đáng ra có một thông báo khiêm nhường thì hơn. Nhưng vì đã thành thói quen, ông Donald Trump tỏ ra thái quá để công bố cái chết của thủ lĩnh khủng bố bị săn lùng gắt gao nhất thế giới. Cho dù không thể phủ nhận việc loại trừ được kẻ sát nhân của thế giới này là thành công của lượng đặc nhiệm Mỹ, được nhiều nước trong vùng hỗ trợ. Trong đó có đóng góp của lực lượng Kurdistan vừa bị Mỹ bỏ rơi và đang bị Thổ Nhĩ Kỳ truy đuổi".
Libération nhận định "Ông Trump phải cảm ơn lực lượng Kurdistan… Mỹ phải công nhận những đóng góp của họ vào cố gắng chung là rất quý giá". Vì sau chiến dịch này sẽ còn những chiến dịch khác nữa khốc liệt không kém. Bị suy yếu, mất đi thủ lĩnh, bị mất đất, tổ chức Nhà nước Hồi giáo chưa hẳn đã thành tro bụi. Tờ báo kết luận : "Dẫu gì thì đây cũng không phải là thời điểm tốt nhất để phương Tây rút ra khỏi vùng này".
Mất thủ lĩnh, tương lai Daesh ra sao ?
Đi kèm với thông tin về cái chết của trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, các báo đều có nhiều bài viết khai thác các góc cạnh khác của sự kiện. Le Figaro khẳng định : "Mất thủ lĩnh, Daesh vẫn sẽ sống sót".
Theo bài báo, cái chết của bin Laden năm 2011 hay của Abu Bakr al-Baghdadi là kết quả tất yếu của cuộc chiến đến chết mà al-Qaeda cũng như Daesh đã chủ trương. Các thủ lĩnh khủng bố này đã chết và đều mang theo những bí mật.
Ngay từ khi truy lùng khắp nơi và nhất là khi bị thất thủ, y đã chuẩn bị cơ cấu hoạt động mới cho tổ chức. Rõ ràng là các chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi là một thất bại lớn nhất của Daesh. Nhưng một thất bại mang "tính tượng trưng chứ không chiến lược" - tác giả bài báo khẳng định. "Tổ chức này vẫn còn những quân chủ bài cho phép chúng tự vực dậy ở Iraq-Syria và cả ở những lục địa khác, ở những nơi mà các chiến binh và ý tưởng của nó đã ăn sâu cắm rễ".
Bài báo cho biết, ở Iraq, Daesh vẫn còn rất nhiều phân nhóm nằm vùng chờ thời cơ. Dù đã bị đánh bại trên chiến trường nhưng khả năng gây hại của tổ chức này vẫn còn. Những rối ren chính trị, tôn giáo tại chỗ sẽ lại là đất tốt để Daesh trỗi dậy.
Tờ báo trích nguồn của an ninh Iraq phân tích : "Sau khi Saddam Hussein đổ, Hoa Kỳ đã phá hủy Nhà nước Iraq, hệ thống thể chế bị mất đi, al-Qaeda rồi Daesh xuất hiện. Nhưng chúng ta không chối bỏ trách nhiệm vì Daesh không ra đời ở Pháp hay Hoa Kỳ, Daesh là hệ quả của sự bình định tồi Iraq từ năm 2003".
Hơn thế nữa thủ lĩnh mất nhưng túi tiền của Daesh vẫn còn. Tất cả các mạng lưới tài chính ở nước ngoài như ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan vẫn không bị phá. Còn tiền thì vẫn mua được thuốc nổ, vẫn mua được lòng trung thành.
Các báo đều khẳng định chung một điều là Abu Bakr al-Baghdadi chính là sản phẩm phụ của cuộc chiến tranh Iraq và tổ chức Nhà nước Hồi giáo chính là biến thái của al-Qaeda, ra đời trong hỗn mang ở Iraq.
Đơn vị tinh nhuệ Delta Force, trái tim của cuộc chiến chống khủng bố
Nhật báo Libération còn dành sự chú ý đặc biệt đến lực lượng Delta Force, vừa thực hiện cuộc tấn công vào sào huyệt của al-Baghdadi tại Bericha, Syria.
Đây là "đơn vị tinh nhuệ, trái tim của cuộc chiến chống khủng bố". Tờ báo cho biết cuộc đột kích tại Iraq không phải do Navy Seals, đơn vị đã tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011, thực hiện mà là Delta Force.
Delta Force được "thành lập năm 1977, đảm nhiệm các chiến dịch quan trọng, hành động hạn chế tối đa báo cáo trước và trong bí mật tuyệt đối". Tờ báo cũng cho biết là không phải chiến dịch nào của đơn vị này cũng thành công cả. Chiến dịch đầu tiên của Delta Force bị thất bại là cuộc giải thoát các nhà ngoại giao Mỹ bị sinh viên Iran tại Tehran bắt làm con tin, ngày 04/11/1979.
Đã có 6 lính của Delta Force bị thiệt mạng trong một chiến dịch ở Somalia năm 1993. Gần đây nhất, đơn vị đặc nhiệm này đã thất bại trong cuộc giải cứu hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Scotloff, để cuối cùng bị Daesh hành hình.
Delta Force đã có mặt ở Iraq từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên năm 2003. Đơn vị này đã tham gia vào cuộc săn đuổi thủ lĩnh của al-Qaeda tại Iraq, Abu Musab al-Zarqawi. Năm 2011 rút về rồi đến 2014 Delta trở lại Iraq, khi Daesh vừa chiếm Mosul. Tổng hành dinh vùng Vịnh của Delta Force đặt ở Erbil, thủ phủ của người Kurdistan ở Iraq. Sứ mệnh chính của đơn vị giờ là truy diệt các thủ lĩnh khủng bố và giải cứu con tin.
Biểu tình ở Chile : Từ giá vé tàu đến phản kháng chống chính phủ
Nhìn sang Châu Mỹ, các báo đều có chung một hướng là Chile, nơi phong trào biểu tình diễn ra cả tuần nay với đỉnh điểm là ngày thứ Sáu tuần qua (25/10), hơn một triệu người xuống đường ở thủ đô Santiago, đòi chính phủ từ chức và thực hiện các cải thiện dân sinh.
Le Monde có bài phóng sự với tiêu đề : "Cuộc huy động lịch sử chống bất bình đẳng tại Chile". Bất bình đẳng, theo tờ báo, cũng là một nguyên nhân nguyên nhân làm bùng nổ phong trào phản kháng chính phủ kéo dài hàng tuần nay ở đất nước Nam Mỹ này. Và chưa có dấu hiệu nào dịu xuống, cho dù chính phủ đã có nhiều động thái lùi bước, sau một hồi mạnh tay trấn áp không kết quả.
Còn nhật báo công giáo La Croix thì cho rằng phong trào phản kháng hiện nay ở Chile là "tàn lửa không dập hết của chế độ độc tài Chile".
Theo những người biểu tình, phần đông sinh ra sau khi chế độ độc tài Pinochet đã sụp đổ, được La Croix trích dẫn, họ xuống đường để đòi cho đất nước được công bằng. Điều mà người dân Chile đã hy vọng sau khi lật đổ chế độ độc tài Pinochet. Từ đó đến nay nhiều chính quyền thay nhau lãnh đạo đất nước, thế nhưng nhiều chính sách từ thời Pinochet vẫn không thay đổi, làm tình hình kinh tế xã hội và đời sống người dân ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Ban đầu là để phản đối chính phủ nâng giá vé tàu điện ngầm, giờ đây các cuộc biểu tình trở thành phong trào phản kháng chính phủ. Yêu sách của người biểu tình cũng mở rộng ra, đòi cải cách toàn diện hệ thống an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho người dân và thậm chí sửa đổi Hiến Pháp.
Anh Vũ