Daesh bị sụp đổ nhưng lò lửa Trung Đông vẫn bốc khói (RFI, 20/10/2017)
Báo Pháp đặc biệt chú ý đến Danielle Darrieux, minh tinh thế kỷ của sân khấu và màn ảnh Pháp vừa tắt lịm, bên cạnh các chủ đề thời sự từ sự sụp đổ của Daesh ở Trung Đông, đến chuyện Madrid song đấu với Catalunya, Liên Hiệp Quốc bất lực trước hồ sơ Rohingya, thế thượng phong của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vì sao không nên cấm cửa kênh truyền hình Russia Today của Nga họat động tại Pháp, bản chất chế độ chính trị Trung Quốc qua gia đình của một nữ doanh nhân nằm trong trung tâm quyền lực từ trước 1949.
Cờ Daesh chỉ còn trên những ngôi nhà bị tàn phá ở Raqqa. Ảnh ngày 18/10/2017. Reuters/Erik De Castro
Trung Đông : một cuộc chiến mới đang chờ
Trước hết, liệu Trung Đông sẽ yên bình một khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh bị sụp đổ ? Trong bài "Trung Đông thời hậu thánh chiến" trên trang quốc tế của Le Monde, nhà phân tích Alain Frachon nhận xét : một Trung Đông mới sẽ ra đời khi "giáo triều thánh chiến" cáo chung. Tuy nhiên, Trung Đông mới này không bình yên mà còn hứa hẹn có nhiều lửa khói. Sau bốn năm gieo rắc máu xương, chiến tranh đã làm cho bộ mặt Trung Đông đổi khác không thể quay trở lại.
Thứ nhất, cánh Hồi giáo bệnh hoạn và cực đoan của hệ phái Sunni sẽ cùng với Daesh, mất đi ít nhất hai tham vọng : lật đổ chính quyền Syria và kiểm sóat miền bắc Irak. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của hệ phái Sunni, sản sinh ra al-Qaeda và Daesh, cũng như những chân rết khủng bố khác, sẽ tồn tại. Họ sẽ tiến hành chiến tranh du kích, khủng bố ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Hai chế độ Damascus và Baghdad sẽ đối xử ra sao với cộng đồng Sunni : tiếp tục trấn áp hay đối xử công bằng ? Có xem nhu cầu tái thiết Raqqa và Mosul là ưu tiên hay không ?
Trở lực lớn nhất vẫn là thiết lập cân bằng tương quan lực lượng. Nhưng liệu các nước "bảo trợ" có chấp nhận luật chơi hay không ? Trong cuộc chiến này, Nga và Tehran đứng về phía Damascus. Nhưng từ nay, Syria không còn là một nước có chủ quyền và được toàn vẹn lãnh thổ.
Nói đến Nga và Iran thì phải nhớ đến Mỹ của Donald Trump. Trong giai đoạn tranh cử, Donald Trump đã dành không biết bao nhiêu lời ưu ái ca ngợi Vladimir Putin và Bachar al-Assad. Thế mà một năm sau, khi vào Nhà Trắng, Donald Trump xem Iran là kẻ thù số một, muốn chế tài chế độ Hồi giáo Shi-a của Tehran. Tổng thống Mỹ muốn dựa vào Saudi Arabia và Israel để chống lại chính sách bành trướng của Iran.
Điện Kremlin sẽ phản ứng ra sao ? Le Monde đặt câu hỏi. Từ khi can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến Syria, nước Nga đã trở lại khu vực ở thế mạnh và bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, do thế thượng phong của Moskva, so với Washington, Nga cũng có phần trách nhiệm cho tương lai Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu đã cảnh báo chủ nhân điện Kremlin : Israel không dung tha cho Iran "mở mặt trận" ở biên giới phía tây của Israel. Không một tháng nào mà máy bay Israel không tấn công các đoàn xe của Hezbollah chở tên lửa của Iran. Theo Le Monde, những cuộc oanh kích này có thể vượt tầm kiểm sóat vì theo thông lệ bao giờ sau một cuộc chiến cũng sẽ xảy ra một cuộc chiến khác.
Shinzo Abe trước thềm chiến thắng
Shinzo Abe chuẩn bị thắng lớn nhưng các kết quả thăm dò cho thấy thủ tướng Nhật mất dần hậu thuẫn trong dân chúng. Le Figaro giải thích thêm : 5 năm qua, chính sách "Abenomics" không đánh thức được nước Nhật, vì hầu hết các biện pháp cải cách sâu rộng không được thi hành.
Nhận định này của nhật báo thân hữu như một lời cảnh báo tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi cho rằng Nhật Bản vẫn chưa có một chính sách nhập cư đáp ứng với nhu cầu lao động và vẫn chưa cải cách thị trường lao động.
Trái lại, Le Monde phân tích cơ may và rủi ro của cuộc bầu cử trước kỳ hạn. Thông tín viên của nhật báo độc lập từ Tokyo cho biết "bản thân thủ tướng Nhật cũng không ngờ, cho dù bị môt số tai tiếng nhũng lạm quyền thế, hỗ trợ bạn thân, ông còn đủ uy tín để hy vọng duy trì đa số áp đảo tại quốc hội. Tham vọng của thủ tướng Nhật là nhân cơ hội bị Bắc Triều Tiên đe dọa hạt nhân, ông có thể cải cách Hiến Pháp chủ hoà. Tuy nhiên, cơ hội có một không hai này là con dao hai lưỡi.
Theo phân tích của Thượng nghị sĩ Hiroe Makiyama, người của đảng Dân Chủ Nhật Bản , thì phe tả cũng sẽ nhân cơ hội này để huy động cử tri thuộc xu hướng chủ hòa và chống năng lượng hạt nhân, xây dựng một cương lĩnh chính trị mới. Vấn đề là nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt lên cao, thì điều này sẽ làm chiến thắng của thủ tướng cánh hữu.
Miến Điện - Rohingya
Bầu cử Nhật Bản vào chủ nhật này không phải là thời sự quan trọng duy nhất ở Châu Á.
Với tựa : Sự bất lực của Liên Hiệp Quốc trước thảm nạn Rohingya, La Croix đặt câu hỏi : Liên Hiệp Quốc phản đối, Liên Hiệp Quốc tố cáo,Liên Hiệp Quốc lên án , nhưng làm được gì ? Hai viên chức Liên Hiệp Quốc và một chuyên gia độc lập nhìn nhận Liên Hiệp Quốc bất lực vì không thể đưa lực lượng võ trang vào Miến Điện và cũng không nên can thiệp bằng quân sự.
Trong bài xã luận "Chuyện tàn ác ở Miến Điện" nhật báo Công giáo lưu ý bang Rakhin chỉ là một trong nhiều lò lửa xung đột sắc tộc tại Miến Điện. Quân đội Miến Điện là thủ phạm chính nhân danh "chủ nghĩa dân tộc". Trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ hiện nay, can thiệp vào Miến Điện sẽ rất phức tạp. Điều quốc tế cần làm là trừng phạt các sĩ quan phạm tội ác và tiếp tục yểm trợ tiến trình dân chủ hóa. Mặt khác, dồn sức cứu trợ gần 600.000 người tị nạn ở Bangladesh. Theo La Croix, đó là ý nghĩa của chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Francis vào tháng 11 tới.
Trung Quốc : Đại hội thứ 19 Đảng cộng sản Trung Quốc
Hồ sơ thứ ba liên quan đến Châu Á là đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc. Les Echos dành một trang cho Yan Lan ( Diêm Lan), một nhà quản trị ngân hàng Lazard, được Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, tác giả một quyển sách thuật lại những thăng trầm của gia đình ở trung tâm quyền lực đảng cộng sản Trung Quốc : ông nội là đảng viên Quốc Dân đảng trước khi theo Mao. Lên năm, Diêm Lan theo bố về sống một muà hè trong nhà Đặng Tiểu Bình, sát biệt thự của Mao và được đích thân họ Đặng dạy bơi. Bố của Diêm Lan là nhà ngoại giao, thông dịch viên tiếng Nga chính thức của Mao.
Lời kể của Diêm Lan như là một chứng nhân về tội ác của Hồng Vệ Binh thời cách mạng văn hóa mà ông và cha là nạn nhân. Bị tra khảo khắc nghiệt, ông nội của Diêm Lan từ trần trong nhà giam. Không chút hận thù, Diêm Lan cho biết mãi đến khi lên đại học, nhân một dịp trao đổi với một sinh viên Đài Loan bà mới ý thức được quy mô và tai hại của chiến thuật tuyên truyền sai lạc, bóp méo thông tin của chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Madrid Barcelona
Về thời sự Châu Âu, trận đấu sức giữa Madrid và chính quyền ly khai ở Barcelona được báo chí Pháp đưa tin theo lối giao banh : Trả lời tối hậu thư của thủ tướng Rajoy, lãnh đạo ly khai Puigdemont không giải thích thỏa đáng, tựa của Le Monde. Trong khi Libération nhận định hai phe chọn chiến thuật "ai mạnh sẽ thắng" thì Le Figaro nhấn mạnh : Madrid sẵn sàng đình chỉ quy chế tự trị của Catalunya và lưu ý thái độ của Liên Hiệp Châu Âu là đoàn kết với Tây Ban Nha chống ly khai.
Trong bài xã luận, Le Figaro trách phe đòi độc lập "đi ngược chiều lịch sử" gây tổn hại nặng nề cho quyền lợi chung. Phe chủ trương cực đoan muốn khai thác lòng bất mãn của dân Catalunya khi Madrid tiến trình thực hiện điều 155 của Hiếp Pháp để hy vọng xảy ra một… Thiên An Môn. Trong khi đó, đất nước sẽ bị phân hóa nghiêm trọng và lâu dài, giới đầu tư mất tin tưởng. Thay vì lãng phí thời giờ công sức, Catalunya nên cùng Madrid tập trung giải quyết những vấn nạn quốc gia, từ di dân nhập cư, thất nghiệp, khủng bố Hồi giáo. Châu Âu không tha thứ cho thái độ đi sai đường lich sử.
Ngôi sao truyền hình Ksenia Sobtchak : Đối thủ mới của Putin
Về tình hình chính trị Nga, trong khi lãnh đạo đối lập và chống tham nhũng Boris Nemtsov bị ám sát và Alexei Navalny bị điện Kremlin dùng tư pháp chận đường tranh cử tổng thống, Libération giới thiệu một nữ xướng ngôn viên truyền hình Nga đứng lên thách thức Putin, Le Monde phân tích vì sao không nên cấm kênh truyền hình tuyên truyền Russia Today của Nga chủ hòa
Trực diện Putin trong cuộc bầu cử tổng thống, ngày thứ tư vừa qua, Ksenia Sobtchak một ngôi sao truyền hình Nga xinh đẹp và ăn khách thông báo ra tranh cử. Trên đài truyền hình Dojd, cô nhà báo trẻ tuổi cho biết đã thông báo cho Putin quyết định tranh đua này. Theo giới phân tích tại Moskva, Ksenia Sobtchak sẽ thu hút được thành phần "dân thành thị trẻ, có học thức, có đầu óc phê phán, thích tây phương". Nhà báo này không giấu lập trường đối lập với Putin, nhiều lần xuất hiện bên cạnh Boris Nemtsov, trước khi ông bị ám sát, và Alexei Navalny.
Nổi loạn nhưng không chống chế độ, đối thủ mới của tổng thống Putin, nếu không bị cản đường bằng những biện pháp trấn áp, sẽ là một ứng cử viên lợi hại : tổ chức vận động tranh cử ôn hòa, không tố cáo bầu cử gian lận, nhưng giương cao ngọn lửa tranh đấu của mọi tiếng nói bất mãn. Chỉ riêng những người ủng hộ Alexei Navalny, chiếm đến 15% hay 25% cử tri Nga.
Vào lúc Nga tìm cách bóp nghẹt các tiếng nói phản biện thì một cơ quan truyền thông do nhà nước tài trợ, đài Russia Today, nước Nga ngày nay muốn phát sóng tại Pháp vào tháng 12 tới. Trên Le Monde, chuyên gia về nước Nga Maxime Audinet giải thích là không nên lên án Russia Today làm tay sai cho điện Kremlin vì đài này biết cách khai thác ngược lời cáo buộc để làm tăng số khán giả. Vũ khí thương mại của Russia Today là "quảng cáo họ là tiếng nói khác biệt" so với thông tin ở phương tây.
Theo tác giả, biện pháp hay nhất mà Thượng Hội Đồng Thính Thị Pháp nên làm là theo gương đồng nghiệp Anh đối với RT tại Anh Quốc : cảnh giác và cho công luận biết rõ cơ quan truyền thông này là công cụ của chính quyền Nga trong lĩnh vực đối ngoại. Thứ đến là nên chỉ trích xây dựng nước Nga bất lực tạo hình ảnh thu hút quốc tế.
Bên cạnh thời sự chính trị nóng bỏng, tin nữ diễn viên điện ảnh và sân khấu Pháp Danielle Darrieux vừa từ trần ở tuổi 100 chiếm trang nhất tất cả báo chí Pháp ngày thứ sáu. Nhật báo cánh tả Libération chọn bức ảnh trắng đen làm nổi bật gương mặt khả ái và mái tóc vàng óng ả : Nữ diễn viên thế kỷ, biểu tượng của 80 năm điện ảnh đã từ trần ngày thứ ba vừa qua.
Tú Anh