Davos : Cuộc song đấu từ xa của Trump-Tập
Tại Davos, phía Mỹ tố cáo "mô hình tập trung vào Nhà nước, sự hung hăng đối với các láng giềng và chính sách đối nội độc đoán" của Trung Quốc.
Tân tổng thống cực hữu Brazil, Jair Bolsonaro đã cố thuyết phục các nhà đầu tư về mặt an ninh và bảo vệ môi trường, nhưng cử tọa chỉ vỗ tay lấy lệ. Financial Times
Le Figarohôm 23/01/2019chạy tựa "Người dân Pháp tham gia vào cuộc thảo luận toàn quốc". Libération đặt câu hỏi "Phải chọn lựa giữa đóng thuế và dịch vụ công ?". Les Echos phân tích "Renault lật sang trang mới sau thời kỳ ông Ghosn", còn La Croix dành trang nhất cho "Những thành phố chuyển sang xanh". Le Monde nói về "Diễn đàn Davos vào lúc toàn cầu hóa đang bị nghi hoặc".
Diễn đàn Davos tập hợp những nhân tố kinh tế chính trên thế giới, diễn ra từ ngày 22 đến 25/01/2019 tại Thụy Sĩ trong bối cảnh kém lạc quan. Le Monde tóm lược : xu hướng hiện nay tại một số nước là nghi ngờ toàn cầu hóa, co cụm lại. Không có nguyên thủ nào đến dự, trừ tân tổng thống Brazil. Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng do cuộc thương chiến Mỹ-Trung và Brexit. Trung Quốc, Đức tăng chậm, còn Pháp có nguy cơ bị ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình Áo Vàng.
Trong bài "Tăng trưởng thế giới chậm lại, thêm nhiều nỗi lo", Le Monde dẫn lời cảnh báo của Gita Gopinath, kinh tế gia trưởng (IMF) trong dịp khai mạc Diễn đàn Davos, rằng các nhà lãnh đạo không nên ngồi chờ rủi ro chính trị tăng lên. Dự báo của tổ chức quốc tế này khá u ám đối với các nước đang phát triển, do ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc. Venezuela tiếp tục lao dốc trong khủng hoảng, còn Argentina khó thể ra khỏi tình trạng suy thoái trước năm 2020.
Mỹ : Bắc Kinh hung hăng với láng giềng, độc đoán trong đối nội
Les Echosmô tả "Tại Davos, cuộc song đấu từ xa giữa Donald Trump và Tập Cận Bình". Đặc phái viên của tờ báo tại Davos nhận định, sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là trung tâm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này, cho dù cả hai nguyên thủ không đến Thụy Sĩ.
Tân tổng thống Brazil, được cho rằng sẽ là khuôn mặt vedette tại diễn đàn khai mạc hôm 22/1, nhưng ông Jair Bolsonaro đã không thành công. Vị tổng thống cực hữu cố thuyết phục các nhà đầu tư về mặt an ninh và bảo vệ môi trường, nhưng cử tọa chỉ vỗ tay lấy lệ.
Hai nguyên thủ khác không đến Davos năm nay, nhưng được nhắc đến trong tất cả các cuộc đối thoại : ông Trump và ông Tập. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu qua video từ Washington do "shutdown", bắt đầu bằng việc bày tỏ "tin tưởng về khả năng hai nước có thể cùng thịnh vượng". Nhưng sau đó ông nhanh chóng cao giọng tố cáo "mô hình tập trung vào Nhà nước, sự hung hăng đối với các láng giềng và chính sách đối nội độc đoán" của Trung Quốc.
Về thương mại, ngoại trưởng Mỹ chỉ trích hệ thống bất công, không "có qua có lại", các doanh nghiệp nước ngoài bị buộc phải chuyển giao công nghệ. Theo ông Pompeo, nếu Bắc Kinh chấp nhận luật chơi công bằng hơn thì "nhân dân Trung Quốc cũng được lợi".
Tất nhiên cái nhìn từ phía Trung Quốc khác hẳn. Ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Viện quan hệ quốc tế trường đại học Thanh Hoa khẳng định : "Không phải lo cuộc đối đầu thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ biến thành xung đột quân sự hay ý thức hệ, nhưng cạnh tranh giữa hai nước sẽ tăng lên mạnh mẽ".
Nhà phân tích địa chính trị Kishore Mahbubani, trường đại học Singapore cho biết : "Châu Á lo lắng trước việc quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nhanh chóng từ một năm qua". Phương Tinh Hải (Fang Xinghai), phó chủ tịch cơ quan giám sát thị trường tài chính Trung Quốc trấn an : "Tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 6% nhưng chính quyền còn nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế. Nhà nước có thể vay tiền rất dễ dàng".
Đức đánh thức Châu Âu để đối phó với Trung Quốc
Trên mục diễn đàn của Les Echos, ba chuyên gia Nicolas Bauquet, Eric Chaney và François Godement ký tên trong bài viết "Trước rủi ro từ Trung Quốc, nước Đức muốn đánh thức Châu Âu". Giới chủ Đức kêu gọi Paris, Roma và Berlin cùng phối hợp về chiến lược.
Theo các chuyên gia này, việc Liên đoàn Kỹ nghệ Đức (BDI) gióng lên tiếng chuông cảnh báo về Trung Quốc đồng thời đưa ra lời kêu gọi các nước Châu Âu và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đồng lòng đối phó, là một bước ngoặt lớn.
Nền kinh tế Đức hiện nay bị kẹt giữa hai mối đe dọa. Trước hết là Trung Quốc với Đảng đứng trên tất cả, tập trung quyền lực trong tay, lợi dụng tư cách quốc gia đang phát triển để bảo vệ, tài trợ cho các công ty trong nước. Phá giá về thương mại, tài chính, tránh né các quy định, bắt chẹt về kinh tế chính trị, đóng cửa thị trường gọi thầu, huy động nguồn lực cho các tập đoàn quốc doanh về công nghệ… Đối với BDI, Bắc Kinh đang thụt lùi, bất chấp những lời hứa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mối đe dọa thứ hai là khả năng Mỹ đáp trả sự ương ngạnh của Trung Quốc : không chỉ tăng thuế hải quan, mà còn là sự phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, bảo vệ công nghệ, rút lui khỏi các định chế như WTO – đã bị sập bẫy khi cho Trung Quốc gia nhập, quá ưu ái với nước này.
BDI nhận định, không có quốc gia Châu Âu nào có thể so găng ngang với Trung Quốc, thế nên phải tăng cường sức mạnh của Liên Hiệp Châu Âu. Các công cụ là : chính sách kỹ nghệ với ngân sách Châu Âu tăng cao, có những kế hoạch quan trọng như về 5G, chống phá giá cả trong dịch vụ và việc trợ giá, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải cách chính sách cạnh tranh.
Một sự tái định hướng chính sách Châu Âu là cấp thiết. Trong năm năm tới, Châu Âu sẽ ở đâu trên bản đồ thế giới mới ? Các tác giả cho rằng không có thì giờ để mất.
Hoàng Chi Phong : Tập Cận Bình còn nắm quyền, Hồng Kông còn bị đàn áp
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài phỏng vấn "Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hay cuộc nổi dậy của tuổi trẻ Hồng Kông". Đang được tạm tha, nhà đối lập mới 22 tuổi vẫn tiếp tục "cuộc chiến đấu vì dân chủ" trước Bắc Kinh.
Cứ mỗi thứ Hai hàng tuần, sau khi ra tù cách đây một năm, Hoàng Chi Phong phải trình diện công an khu phố, nơi hộ chiếu của anh được "giữ kỹ". Chàng thanh niên mới 22 tuổi đã là tù nhân chính trị, hiện được tạm trả tự do. Tháng 8/2017, Hoàng Chi Phong bị kết án sáu tháng tù vì "gây rối trật tự công cộng". Đến tháng Giêng 2018 anh lại bị thêm ba tháng tù vì tội danh tương tự.
Biểu tượng của phong trào phản kháng Hồng Kông cho biết : "Cuộc chiến đấu vì dân chủ của Hồng Kông mang tính sống còn. Một khi Tập Cận Bình còn nắm quyền tại Trung Quốc, thì không thể hy vọng có dân chủ cho Hồng Kông. Tất nhiên chúng tôi không đặt hy vọng vào chế độ Bắc Kinh, mà nơi người dân đặc khu".
Tất nhiên lãnh tụ trẻ tuổi này không hề tin tưởng vào đề nghị mới nhất của Tập Cận Bình : một đất nước, hai chế độ đối với Đài Loan. "Hồng Kông đã là một thất bại. Làm sao tin nổi khi Trung Quốc muốn ký thỏa thuận với Đài Loan, mà theo tôi vốn là một quốc gia thực sự ?"
Juan Guaido : Khuôn mặt mới của đối lập Venezuela
Nhìn sang Venezuela, La Croix nói về một khuôn mặt đối lập mới nổi : ông Juan Guaido, 35 tuổi vừa lên làm chủ tịch Quốc hội từ đầu năm nay, và nhanh chóng được coi là đại diện cho phong trào phản kháng.
Chỉ mới cách đây vài tuần, tên tuổi ông Guaido còn ít được biết đến, ngoài cử tri bang Vargas nhỏ bé nằm giữa Caracas và vùng biển Caribbean, tuy ông là dân biểu từ năm 2015. Nay Juan Guaido đã trở thành niềm hy vọng của tất cả các phe phái đối lập, ông kêu gọi tổng biểu tình hôm nay tại thủ đô và nhiều thành phố để đòi hỏi thành lập một chính phủ chuyển tiếp.
Lộ trình do ông Guaido đưa ra gồm ba điểm : chấm dứt việc bám ghế của tổng thống Nicolas Maduro (tuyên thệ nhiệm kỳ thứ hai ngày 10/01 sau cuộc bầu cử được nhiều người cho là bất hợp pháp), thành lập một ê-kíp quá độ, và tổ chức bầu cử tự do. Ông hứa hẹn khoan hồng cho những quân nhân rời bỏ hàng ngũ. Có lẽ lời kêu gọi của lãnh tụ đối lập trẻ tuổi đã được lắng nghe : 27 quân nhân đã nổi dậy hôm thứ Hai 21/1.
Carlos Ghosn khó thoát bộ máy tư pháp nghiệt ngã của Nhật
Quay lại với Châu Á, nhiều tờ báo quan tâm đến số phận cựu tổng giám đốc Renault-Nissan. Thông tín viên Les Echos tại Tokyo nhận định "Ở Nhật, ông Carlos Ghosn chưa bị xét xử nhưng đã bị kết án". Công tố viên đầy quyền lực, hồ sơ chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ lệ kết án kỷ lục : bộ máy tư pháp của Nhật rất khắt khe một khi nghi can bị đặt trong vòng điều tra, và khó có khả năng ông Ghosn thoát ra được.
Tờ báo nêu ra trường hợp của Iwao Hakamada, 30 tuổi, bị cho là nghi can trong vụ hỏa hoạn hôm 30/06/1966 làm bốn người chết. Sau 23 ngày bị tạm giam, bị đánh đập, đe dọa, không cho ngủ, không cho uống nước, Hakamada "thú tội", sau đó phản cung nhưng không được ghi nhận, bị kết án treo cổ. Đến năm 2014, sau 45 năm trong hành lang tử thần, ông mới được tạm tha để chờ xử lại. Ngày nay đã 82 tuổi, Iwao Hakamada chờ đợi kết luận Tòa án Tối cao, nhưng ông chỉ có 0,03% hy vọng, vì tỉ lệ kết án tại Nhật lên đến 99,97%. Một kỷ lục đối với một nước dân chủ.
Đối mặt với bộ máy tư pháp nghiệt ngã này, ông Carlos Ghosn – đã bị khởi tố ba lần, hầu như không còn cơ hội nào. Từ sau vụ bắt giữ đầy kịch tính tổng giám đốc Renault, đã rộ lên những lời chỉ trích của quốc tế về hệ thống xét xử Nhật Bản, làm dấy lên tranh luận trên báo chí và giới tư pháp Nhật. Chủ tịch Keidanren, tức hiệp hội giới chủ Nhật đề nghị cải cách thủ tục tố tụng hình sự, tuy nhiên có vẻ không được giới chính trị lắng nghe.
Quần đảo Kuril lại cản trở quan hệ Nhật-Nga
Về quan hệ Nhật-Nga, Les Echos nhận định "Một lần nữa hai ông Abe và Putin lại thất bại trong việc ký kết hòa bình". Cuộc thảo luận hôm thứ Ba 22/1 tại Moskva giữa thủ tướng Nhật và ông chủ điện Kremlin đã không giải quyết được vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril.
Đó là cuộc gặp tay đôi lần thứ 25. Nhưng sáu năm sau cuộc hội đàm đầu tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn chưa thành công trong việc ký kết một thỏa thuận hòa bình, từ sau khi Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945. Tổng thống Putin nhìn nhận : "Một núi công việc chờ đợi chúng tôi trước khi ký được văn bản, với các điều kiện được cả hai bên chấp nhận". Thủ tướng Abe nói thêm : "Chúng tôi đã thảo luận thẳng thắn, không giấu diếm gì cả".
Mọi thỏa thuận đều phải được dân chúng Nhật và Nga đồng tình, đó là thách thức thực sự, nếu người ta nhớ lại các cuộc biểu tình dân tộc chủ nghĩa tại cả hai nước. Thường xuyên được mời dự các diễn đàn kinh tế Nga, ông Shinzo Abe năm ngoái tại Vladivostok nhấn mạnh đến những hoạt động của các công ty Nhật tại nhiều thành phố Nga : thiết bị y tế và xây dựng hiện đại, tổ chức giao thông đô thị… Người đứng đầu nước Nga hôm qua cũng đặt ra mục tiêu tăng gấp rưỡi trao đổi thương mại với Nhật.
Nhưng Fiodor Loukianov, chuyên gia địa chính trị thân cận với Kremlin thổ lộ với Les Echos : "Ngoài những tuyên bố đẹp đẽ của ông Abe, Moskva bắt đầu mất kiên nhẫn. Ông Abe từ lâu vẫn nói về tăng cường hợp tác kinh tế, nhưng việc cụ thể hóa quá chậm. Đó là do tình hình quần đảo Kuril".
Pháp : Hai chính khách cực hữu tung tin giả
Về tình hình nước Pháp, bài xã luận của Le Monde nhấn mạnh "Hãy để cho vùng Alsace và Lorraine được yên !". Tờ báo mỉa mai, nếu trò cười có thể giết người, thì ít nhất có hai xác chết trên chính trường Pháp. Cả hai đều là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 : bà Marine Le Pen và ông Nicolas Dupont-Aignan.
Theo hai nhân vật này thì ngày thứ Ba 22/01 là một ngày nhục nhã cho nước Pháp : tổng thống Emmanuel Macron sẽ ký với thủ tướng Đức Angela Merkel một hiệp ước nhằm bán hai vùng Alsace và Lorraine cho Đức, chia sẻ với Berlin chiếc ghế ủy viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, thậm chí cả năng lực nguyên tử. Khi lan truyền tin giả, hai chính khách cực hữu muốn khẳng định là người bảo vệ chủ quyền quốc gia nhưng theo Le Monde, thực tế họ trở thành đối tượng của trò cười.
Thụy My
Davos 2019 vắng cả Trump, May, Putin, Macron và Tập Cận Bình (BBC, 22/01/2019)
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos tuần này sẽ vắng mặt một loạt lãnh đạo quốc tế vì họ đều đang phải đối phó với nhiều vấn đề nội bộ.
Tranh biếm họa tại Davos năm 2019 về chính Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Tổng thống Donald Trump sẽ hủy chuyến công du đến khu nghỉ đông ở Thuỵ Sĩ, nơi WEF họp thường niên.
Lý do là một phần chính phủ Hoa Kỳ vẫn đóng cửa và ông Trump đang đấu nhau với phe Dân chủ về ngân khoản xây tường ngăn di dân ở biên giới Mexico.
Diễn đàn Davos, tổ chức từ 22-25/01 này, cũng sẽ không có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới dự.
Chính phủ Pháp liên tục phải đối phó với làn sóng biểu tình hàng tuần của phe Áo Vàng, và các cải tổ thị trường lao động ông Macron đưa ra chưa có hiệu quả.
Bà Theresa May ở nhà để lo Brexit với liên tục các thất bại của chính phủ Anh trong nỗ lực thuyết phục Hạ viện thông qua một thỏa thuận nào đó.
Anh đang chưa rõ có phải trưng cầu dân ý Brexit II, bầu cử Quốc hội lại, hay ra khỏi EU cuối tháng 3/2019 mà không đạt thỏa thuận nào.
Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ không đến Davos tuần này mà tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Moscow trước khi ông Abe tới Davos.
Moscow và Tokyo mong muốn đạt tiến bộ trong đàm phán để ký hiệp ước hòa bình vốn bế tắc về tranh chấp lãnh thổ từ sau Thế Chiến 2.
Nga sẽ chỉ cử bộ trưởng phát triển kinh tế Maxim Oreshkin đến Davos và quan chức Nga nói sự kiện này năm nay "chỉ đem lại thất vọng", theo TASS hôm 21/01.
Ngôi sao năm nào của Davos, Chủ tịch Tập Cận Bình, năm nay sẽ không đến dự diễn đàn.
Ông Tập từng công khai ca ngợi toàn cầu hóa và tự do kinh tế tại Davos năm 2017.
Rất nhiều vấn đề
Năm nay Trung Quốc cử Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn đi Davos còn cả chủ tịch và thủ tướng ở nhà lo các vấn đề kinh tế.
Summer Davos hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới Mùa hè vào tháng 9/2018 ở Thiên Tân, Trung Quốc. Từ đó đến nay, các ý kiến cho rằng 'vận đỏ' của kinh tế Trung Quốc sang 2019 đã kém tươi
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm nhất từ 28 năm và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ chưa thấy lối ra.
Mới hồi tháng 9/2018, Trung Quốc tổ chức 'Summer Davos' hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới Mùa hè lần thứ 12 ở Thiên Tân.
Từ đó đến nay, không ít ý kiến cho rằng 'vận may' kéo dài của kinh tế Trung Quốc sang 2019 đã không còn.
Trung Quốc cho họ là 'nạn nhân' hàng đầu của chính sách thuế quan mà Hoa Kỳ áp đặt lên hàng loạt đối tác thương mại.
Chính sách đó bị phê phán ở nhiều nơi và Davos tuần này là dịp để Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tới phát biểu, giải thích vì sao Hoa Kỳ làm như vậy.
Tuy thế, chừng ba nghìn lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, diễn giả và nhất là các tổng giám đốc, nhà quản trị công nghệ cao sẽ đến Davos.
Oxfam : Tám người giàu nhất bằng một nửa nghèo nhất thế giới
Được biết chủ đề an ninh mạng sẽ được bàn thảo nhiều ở Diễn đàn Davos tuần này.
Trong số các gương mặt mới ở Davos có tân tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro.
Quan chức Ấn Độ cũng sẽ đến đông đảo và Thủ tướng Angela Merkel của Đức sẽ có mặt.
Từ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của nước này đến dự hội nghị Davos năm nay.
****************
Phát hiện cơ sở tên lửa Bắc Hàn 'chưa khai báo' (BBC, 22/01/2019)
Một trong 20 căn cứ vận hành tên lửa đạn đạo chưa được khai báo ở Bắc Hàn đóng vai trò là một trụ sở tên lửa, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố hôm 21/1.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được nhìn thấy trongcuộc diễu binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng hồi tháng 2/2018
Reuters dẫn báo cáo cho biết : "Cơ sở vận hành tên lửa Sino-ri và tên lửa Nodong được triển khai tại địa điểm này phù hợp với chiến lược quân sự hạt nhân được phỏng đoán của Bắc Hàn".
Việc phát hiện một trụ sở tên lửa chưa được khai báo diễn ra ba ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump loan báo ông "hướng tới" một hội nghị thượng đỉnh khác để thảo luận về phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào cuối tháng 2/2019.
CSIS cho biết căn cứ Sino-ri chưa bao giờ được Bình Nhưỡng công khai và vì thế mà "dường như không phải là đối tượng của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa".
Báo cáo lưu ý rằng các căn cứ vận hành tên lửa lẽ ra phải được khai báo, xác minh và dỡ bỏ trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào.
"Bắc Hàn sẽ không đàm phán về những điều mà họ không tiết lộ", ông Victor Cha, một trong những tác giả của báo cáo cho biết. "Có vẻ như họ đang không nghiêm túc. Họ vẫn muốn có năng lực hạt nhân, ngay cả khi họ tuyên bố phá hủy các cơ sở đã được khai báo".
Nằm cách khu phi quân sự 212 km về phía bắc và rộng 18 km2, khu phức hợp Sino-ri đóng vai trò then chốt trong việc phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến Nam Hàn, Nhật và thậm chí cả đảo Guam, lãnh thổ Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, báo cáo viết thêm.
Thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra tại Singapore
Vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã chọn xong địa điểm diễn ra cuộc gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cuối tháng Hai.
"Chúng tôi đã chọn được quốc gia nhưng sẽ thông báo sau".
"Kim Jong-un rất mong đợi sự kiện và tôi cũng thế", ông Trump nói với các phóng viên.
Hiện giới phóng viên nước ngoài đang đồn đoán Việt Nam là nơi được chọn.
AFP dẫn nguồn chính phủ Việt Nam nói "chuẩn bị hậu cần" đang diễn ra, có thể ở Hà Nội hay Đà Nẵng.
Hôm thứ Sáu, Nhà Trắng đã thông báo cuộc gặp lần hai giữa ông Trump và ông Kim sẽ diễn ra tháng Hai, theo sau chuyến thăm Washington của một tướng Bắc Hàn.
Kim Yong-chol, cánh tay phải của Kim Jong-un, đã gặp Tổng thống Trump hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp kéo dài tới 90 phút.
Việt Nam 'sẵn sàng tạo điều kiện'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói Việt Nam sẵn sàng làm nơi tổ chức cuộc này.
Trang Bloomberg cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với họ rằng Việt Nam sẵn sàng tổ chức cuộc gặp, mặc dù Việt Nam chưa được chọn.
"Chúng tôi không biết về quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cuộc họp".
"Việt Nam đã phối hợp rất tốt với Hoa Kỳ trong quan hệ phát triển kinh tế và thương mại cũng như trong các lĩnh vực khác".
Ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg TV.
Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam trong một "chuyến thăm chính thức cấp nhà nước" vào tháng 2.
Chỉ vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol tới Mỹ, Tổng thống Trump - vốn đã tuyên bố chỉ một ngày sau kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singpore hôm 12/6/2018 rằng mối đe dọa từ Bắc Hàn đã hết - công bố việc củng cố chiến lược phòng thủ tên lửa, là chiến lược coi Bắc Hàn như một "mối đe dọa đặc biệt".
Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều diễn ra hồi năm ngoái là cuộc gặp lịch sử đầu tiên từ trước tới nay giữa hai đương kim lãnh đạo của hai nước.
******************
Một cô gái Iraq từng bị chiến binh Nhà nước Hồi giáo buộc làm nô lệ tình dục hôm 16/1 đã lên tiếng đòi công lý cho những phụ nữ Việt từng bị lính Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong một sự kiện diễn ra tại trụ sở Quốc hội Anh nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột, cô Nadia Murad nói rằng cô "tự hào là một tiếng nói đại diện cho tất cả các nạn nhân bạo lực tình dục trong xung đột".
Thiếu nữ từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018 nói tiếp : "[Con] lai Đại Hàn sống trong bóng tối của xã hội Việt Nam đã quá lâu rồi. Các nạn nhân và gia đình họ đáng được thừa nhận trong khi chúng ta cùng nhau nỗ lực để đạt được công lý".
Trong một đoạn video về buổi lễ đăng trên trang có tên "Công lý cho [con] Lai Đại Hàn" mà phóng viên VOA tiếng Việt đã xem, bà Trần Thị Ngải, một trong các nạn nhân, kể trong nước mắt giây phút bà bị lính Hàn Quốc được trang bị súng ống và lựu đạn hãm hiếp lúc 24 tuổi nhiều thập kỷ trước.
Với người con trai, anh Trần Văn Ty, người sáng lập chiến dịch "Công lý cho [con] Lai Đại Hàn", đứng bên cạnh, người phụ nữ 78 tuổi nói : "Tôi mong muốn chính phủ của Vương quốc Anh, những người cao cấp hôm nay tôi gặp, ủng hộ dùm để đưa [sự việc] ra ánh sáng để rửa nỗi nhục của chúng tôi", bà nói.
Theo thông cáo trên trang "Công lý cho [con] Lai Đại Hàn", ông Jack Straw, cựu Ngoại trưởng Anh và là đại sứ quốc tế của chiến dịch, đã "kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về tình trạng bạo lực tình dục thời Chiến tranh Việt Nam".
Hồi năm 2015, bà Ngải cùng với 9 người phụ nữ khác đã gửi thư ngỏ tới Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye, yêu cầu công khai xin lỗi vì những gì lực lượng của nước này gây ra đối với họ hàng chục năm trước.
Trả lời VOA Việt Ngữ khi đó, anh Ty, người sáng lập chiến dịch "Công lý cho [con] Lai Đại Hàn", cho biết đã một số lần tới Hàn Quốc để tìm cha, nhưng vô vọng.
Anh kể, có lần, khi tới trụ sở của hội cựu chiến binh của nước này nhưng họ nói với anh rằng "ở Việt Nam, không có một người con nào của lính Đại Hàn cả, và đừng bao giờ nói với họ về điều đó".
Anh từng cho hay cũng đã nhiều lần viết như gửi tới các cấp của Hàn Quốc, nhưng không nhận được hồi âm. Tuy nhiên, anh Ty cho biết sẽ không dừng lại cho tới khi nào nhận được lời xin lỗi.
Anh nói tiếp : "Tôi tha thiết yêu cầu chính phủ Hàn, nhân dân Hàn hãy lên tiếng, trả lại danh dự cho mẹ chúng tôi. Những người mẹ chúng tôi đau bênh già yếu, mà để chết đi trong sự nhục nhã thì chúng tôi cứ phải giữ cái nỗi nhục nhã đó mà chúng tôi sống hay sao ? Hãy trả lại cho chúng tôi quyền sống, chứ không phải để cho chúng tôi sống tại một đất nước mà chúng tôi không có tự do".
Chính phủ Việt Nam chưa công bố con số thống kê các nạn nhân bị binh sĩ Hàn Quốc tấn công tình dục, nhưng theo bức thư của các nạn nhân, hiện có khoảng 800 phụ nữ trong số hàng nghìn người từng bị hãm hiếp vẫn còn sống.
Có khoảng hơn 300 trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng với lực lượng Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Viễn Đông
********************
Phụ nữ Việt bị lính Đại Hàn hiếp thời chiến tới Anh đòi công lý (BBC, 18/01/2019)
Phát biểu tại một sự kiện trong Điện Westminster, trụ sở Quốc hội Anh nhằm kêu gọi chấm dứt bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột tại London, bà Trần Thị Ngải, kể về việc bị một lính Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam khi mình 24 tuổi.
Bà Trần Thị Ngải nói về việc bị hãm hiếp tại quê nhà ở Phú Yên trong Cuộc chiến Việt Nam.
"Tôi cố gắng chống cự nhưng ông ta nắm lấy tay tôi, khống chế tôi trong phòng và đóng cửa lại và cưỡng hiếp tôi nhiều lần.
"Ông ta hãm hiếp khi vẫn mặc đồ lính, đeo súng và tôi hết sức sợ hãi".
Nay đã gần 80 tuổi, bà Ngải gửi lời cảm ơn tới những người tham gia chiến dịch "Công lý cho Lai Đại Hàn" (Justice for Lai Dai Han - JLDH) lên tiếng để tìm công lý cho bà và các nạn nhân khác tại Việt Nam.
Chiến dịch vận động toàn cầu
Trong khi đó, ông Jack Straw, cựu ngoại trưởng Anh và là đại sứ quốc tế chiến dịch này đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra toàn diện về bạo lực tình dục trong Chiến tranh Việt Nam tại sự kiện được tổ chức trong trụ sở Quốc hội Anh hôm 16/1.
Cùng tham gia sự kiện và phát biểu ủng hộ cuộc vận động còn có bà Nadia Murat, người được giải Nobel Hòa bình 2018.
Là người Yazidi, bà Murat đã bị nhóm Hồi giáo IS giam cầm và hãm hiếp như 'nô lệ tình dục'.
Sau đó, bà Murat đã trở thành nhà vận động chống bạo lực tình dục trong các cuộc chiến.
Người ta tin rằng có hàng ngàn trẻ em mang trong mình hai dòng máu Hàn Quốc và Việt Nam sinh ra trong Chiến tranh Việt Nam.
Chiến dịch JLDH đại diện cho họ và những người mẹ của họ, với khoảng 800 người vẫn còn sống đến nay, đưa ra các cáo buộc đã bị lính Hàn Quốc tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp trong chiến tranh tại Việt Nam.
Con trai bà Trần Thị Ngải là Trần Văn Ty, có mặt tại buổi lễ ở London, lên tiếng yêu cầu "chính phủ Hàn Quốc phải công nhận Con lai Đại Hàn" như ông.
Trước các khách mời gồm nhà báo, văn nghệ sỹ, một số thành viện Thượng Viện và Hạ Viện Anh, ông cho biết ông đã "viết thư cho sáu đời tổng thống Hàn Quốc" mà chưa được trả lời.
Ông phê phán thái độ của chính giới người Hàn muốn "quên đi" những người như ông.
Từ năm 1964 đến năm 1973, khoảng 320.000 binh sĩ Hàn Quốc được điều đến Việt Nam để tham chiến cùng binh lính Mỹ.
Hàn Quốc chưa bao giờ công nhận những cáo buộc chống lại quân đội của mình và chưa bao giờ điều tra. Một số phụ nữ cho rằng họ bị hãm hiếp lúc chỉ mới 12 hoặc 13 tuổi, theo thông cáo báo chí của JLDH.
Tại sự kiện này ông Jack Straw, hiện vẫn là nhân vật có uy tín trong chính trị Anh nói :
"Đối mặt với hành vi không thể chấp nhận được của binh lính là khó khăn đối với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy tìm kiếm sự thật không chỉ khiến nạn nhân và gia đình họ thấy quá khứ được khép lại mà còn có thể làm cho một quốc gia và các giá trị của nó được củng cố.
"Tôi thúc giục các người bạn ở Hàn Quốc lưu tâm tới việc này và để Liên Hiệp Quốc thực hiện yêu cầu điều tra mà chúng tôi đưa ra.
Quân Đại Hàn dùng xe ủy phá nhà dân ở Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng sản
"Các nạn nhân của bạo lực tình dục và những người con Lai Đại Hàn đáng được công nhận và đây là cơ hội để chữa lành vết thương. Chúng ta phải chứng minh cho thế giới thấy tầm quan trọng của việc thực hiện các cam kết chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang.
Lord William Hague, cựu Ngoại trưởng Anh, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, người đồng sáng lập của Sáng kiến Chống Bạo lực Tình dục nói tại sự kiện hôm 16/1 :
"Xóa vùng cấm cho tội ác của bạo lực tình dục trong xung đột là một phần thiết yếu để bảo đảm một thế giới công bằng và hòa bình.
"Nay đã có một hồ sơ đầy thuyết phục để một cơ quan điều tra dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc giúp đảm bảo những hành động tàn bạo này có thể được ngăn chặn và mang lại công lý cho tất cả", ông Hague nói tại sự kiện hôm 16/1.