Georgia, trắc nghiệm mới cho Liên Hiệp Châu Âu
Theo Le Figaro ngày 29/10/2024, vì Pháp và Đức không muốn cho Georgia (Gruzia) gia nhập NATO năm 2008 nên Moskva mới dám đưa quân sang xâm chiếm. Nếu lần này phương Tây dân chủ vẫn khoanh tay đứng nhìn, để cho Georgia lọt vào tay Kremlin sẽ là dấu hiệu bỏ rơi Ukraine và Moldova, trong khi cả ba nước này đều là ứng cử viên gia nhập EU. Đối với Châu Âu, đó là một trắc nghiệm mới.
Người biểu tình vẫy cờ Liên Hiệp Châu Âu và Ukraine trong cuộc xuống đường của đối lập ngày 28/10/2024 ở Tbilissi, để phản đối kết quả bầu cử Quốc hội Georgia. AP - Zurab Tsertsvadze
Bầu cử Georgia : Nỗi thất vọng của những người ủng hộ Châu Âu
La Croix nhận xét "Cuộc bầu cử ở Georgia đã kết thúc niềm hy vọng của những người thân Châu Âu". Mặc cho nhiều tháng trời biểu tình chống lại những sai lạc của đảng cầm quyền, đảng này vẫn thắng cử hôm thứ Bảy 26/10. Đối lập tố cáo gian lận nhưng chẳng còn biết làm cách nào hơn.
Theo ủy ban bầu cử, đảng Giấc mơ Georgia chiếm 54% số phiếu. Phe đối lập và các quan sát viên nói rằng cuộc bỏ phiếu đã "bị đánh cắp" : những video quay lại những cảnh bỏ nhiều phiếu vào thùng cùng lúc, nạn mua phiếu, mua bán thẻ căn cước giả... bên cạnh đó là những tác động gián tiếp. Cử tri thủ đô Tbilissi hoàn toàn ủng hộ đối lập, nhưng ở các miền quê, sự hào phóng của đảng do tài phiệt Bidzinaivanichvili cầm đầu mang tính quyết định. Bên cạnh đó là nỗi sợ - sợ thêm một cuộc chiến nữa với Nga, sợ mất việc - trong khi lời hứa thay đổi của đối lập không đủ thuyết phục.
Tuy vậy Giấc mơ Georgia chưa đủ 3/4 túc số để có thể sửa đổi Hiến pháp, mà một trong những điều khoản là cấm hẳn đối lập. Dù sao đi nữa, đảng cầm quyền không còn nhiều trở ngại với luật "ảnh hưởng nước ngoài" hay đàn áp cộng đồng LGBT+.
EU phản đối kết quả, chủ tịch luân phiên Orban đích thân sang chúc mừng
Le Monde nhận định "Liên Hiệp Châu Âu bị kẹt trong chiếc bẫy Georgia". Không có gì bất ngờ khi đảng của tỉ phú Bidzina Ivanichvili tuyên bố chiến thắng, cũng không bất ngờ khi ủy ban bầu cử công nhận kết quả này. Tổng thống Georgia, bà Salomé Zurabichvili tố cáo Nga giựt dây và kêu gọi xuống đường. Đáng tiếc là tình trạng này đã được dự báo từ nhiều tuần qua, tại một đất nước mà dân chủ bị thụt lùi, đảng cầm quyền dần dà thâu tóm những định chế chủ chốt. Các áp-phích bầu cử giăng mắc khắp nơi đè bẹp các đảng khác là biểu hiện cho sự bất bình đẳng về phương tiện vận động.
Ngược lại, điều đáng ngạc nhiên nhất là thủ tướng Viktor Orban của Hungary, nước đang làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho đến ngày 01/01 sang năm, không chỉ công khai hoan nghênh chính quyền Georgia ngay trước khi có kết quả kiểm phiếu, mà còn sang thăm chính thức Tbilissi hôm qua, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử gây tranh cãi, cùng với một số bộ trưởng. Thái độ của ông Orban gây rắc rối nghiêm trọng cho Bruxelles và các thành viên khác của EU, khi các quan sát viên của Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu, NATO và EU đều nhấn mạnh rằng cuộc bỏ phiếu "bất bình đẳng giữa các ứng cử viên, áp lực và căng thẳng". Không một nhà lãnh đạo Châu Âu nào chúc mừng hay công nhận kết quả.
Đây là thách thức mà Viktor Orban đặt ra cho châu lục, khi ngày 07/11 sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị Châu Âu ở Budapest và hôm sau là họp Hội đồng Châu Âu. Theo Le Monde, một tuần sau cuộc bầu cử bất định cho các nhà lãnh đạo thân Châu Âu ở Moldova, không nên để cho chiếc bẫy Georgia khép lại. Trên Telegram, ngay buổi tối bầu cử, báo Russia in Global Affairs thân Kremlin có nhận xét đáng chú ý là phương Tây quá bận rộn ở những nơi khác, sẽ không ủng hộ hiệu quả phong trào phản kháng như thời "cách mạng màu" ở Georgia (2003) hay Ukraine (2004).
Phương Tây tiếp tục phản ứng lấy lệ ?
Tương tự, Le Figaro coi Georgia là "một trắc nghiệm mới cho Châu Âu". Kremlin và các tay chân ở địa phương, đảng Giấc mơ Georgia và tài phiệt Bidzina Ivanichvili dùng mọi phương tiện để dập tắt khát vọng dân chủ của một dân tộc đại đa số ủng hộ Châu Âu. Nhà cầm quyền cũng dùng nỗi sợ chiến tranh với Nga, lấy Ukraine làm gương để lôi kéo những người còn do dự, và biến đất nước nhỏ bé vùng Kavkaz có 4 triệu dân thành thuộc địa Nga.
Dù khốn đốn ở Ukraine, Vladimir Putin vẫn không từ bỏ mục tiêu buộc những nước thuộc vùng ảnh hưởng cũ của Nga đang xích dần lại với phương Tây, phải quay lại thần phục Kremlin. Hiện các đối tác phương Tây chỉ bày tỏ "quan ngại", yêu cầu mở "điều tra". Sự ôn hòa này trái ngược với quyết tâm của Viktor Orban, nhân vật thân cận với Moskva ; trong lúc Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng, cuộc chiến Trung Đông có thể vượt ra ngoài biên giới và nhiều ý kiến muốn buộc Ukraine phải hy sinh một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.
Một cuộc khủng hoảng mới ở Georgia sẽ tác hại đến cuộc chiến tranh Ukraine. Cũng như việc cộng đồng quốc tế không phản ứng khi Nga chiếm Crimea năm 2014 đã dẫn đến việc xâm lăng Ukraine 8 năm sau, sự thụ động tương đối của Châu Âu trong cuộc chiến chớp nhoáng của Nga vào Georgia tháng 8/2008 dẫn đến phe thân Nga chiếm ưu thế và cuộc khủng hoảng bầu cử hiện nay. Và mai đây có thể là một Maidan mới... Paris đặc biệt liên quan, vì có hai nhân vật là người Pháp. Nữ tổng thống Zurabichvili là một nhà cựu ngoại giao Pháp, và tài phiệt thân Nga Ivanichvili sau khi nhập tịch Pháp năm 2010, đã được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh năm 2021.
Chính vì Pháp và Đức không muốn cho Georgia gia nhập NATO năm 2008 nên Moskva mới dám đưa quân sang. Cũng là nước Pháp thời Nicolas Sarkozy sau khi Nga xâm lăng đã dàn xếp một nền hòa bình không hoàn hảo giữa Moskva và Tbilissi. Nếu phương Tây dân chủ không hành động, kịch bản Georgia có thể dễ dàng hình dung, từ đàn áp biểu tình cho đến một cú đảo chánh của tình báo Nga. Vận mệnh Georgia liên quan đến Ukraine và Moldova. Để cho Georgia lọt vào tay ông chủ điện Kremlin sẽ là thêm một dấu hiệu bỏ rơi đối với Ukraine và Moldova, trong khi cả ba nước này đều là ứng cử viên gia nhập EU. Đối với Châu Âu, đó là một trắc nghiệm mới.
Ukraine : Thành phố tử đạo Izyum vác nặng thập giá
Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, đặc phái viên Le Monde tại Izyum mô tả "Sự phục sinh khó khăn của một thành phố tử đạo", nơi quân Nga từng chiếm đóng vài tháng và làm hơn 1.000 người trong số 13.000 dân đã chết. Một trong những ngõ vào thành phố là một khu rừng thông, với 449 chiếc hố có gắn sơ sài cây thánh giá. Nơi đây người ta quẳng xuống xác những người thiếu may mắn vì bị lính Nga gặp phải, hay chết vì thiếu thuốc men, phu đào mộ chỉ ghi con số lên thập tự giá. Khi thành phố được giải phóng, những xác này được gia đình khai quật đem chôn nơi khác, nhưng vẫn còn lại 20 ngôi mộ vô thừa nhận.
Được mệnh danh là "chìa khóa của Donbass", giao lộ đường sắt nằm cạnh sông Siversky Donets, Izyum từng có quá khứ huy hoàng. Nay 80% cơ sở hạ tầng và 30% nhà cửa đã bị phá hủy. Dọc theo đường Ngày 1 Tháng Năm, một tòa nhà bị oanh tạc ngày 09/03/2022 khiến 50 cư dân trú ẩn trong hầm đều bị thiệt mạng. Rốc-kết Nga đã biến những công trình vốn là niềm hãnh diện của thành phố thành đống gạch vụn. Dưới chân đồi, dãy nhà nơi công an và tình báo Nga dùng làm nơi tra tấn, từ hai năm qua không hề thay đổi, dường như bóng ma của những nạn nhân vẫn quanh quẩn.
Cuộc sống không còn như trước, một chiếc hố vô hình ngăn cách những người từng từ chối hợp tác với quân xâm lược và những người đã tiếp tay - thường là vì để có việc làm, thực phẩm, tiền bạc, vì lười biếng hay vì ngu xuẩn. Bài phóng sự kết thúc bằng hình ảnh một gia đình ăn mặc lịch sự đến nghĩa trang viếng mộ. Họ phải đi qua con đường thông xanh có hàng trăm ngôi mộ bỏ trống nói trên, như dấu ấn của những người đã khuất. Một thập tự giá đè nặng lên tất cả - cây thập tự của Izyum.
Nhiều người Châu Phi bị mafia Trung Quốc giam cầm để lừa đảo phương Tây
Liên quan đến Châu Á, Le Monde có bài điều tra tiết lộ "Mafia Trung Quốc giam giữ người Châu Phi để lừa đảo phương Tây như thế nào". Ngày càng nhiều người Châu Phi bị dụ dỗ đến khu tam giác vàng để phục vụ cho những tập đoàn tội phạm người Hoa. Theo Viện nghiên cứu vì hòa bình của Hoa Kỳ, số người bị bọn mafia người Hoa giam giữ tại khu vực được mệnh danh là tam giác vàng nằm giữa Miến Điện, Lào và Cam Bốt, lên đến 305.000 người, đại đa số là người Châu Á. Từng là trung tâm buôn lậu thuốc phiện, vùng đất này đã trở thành đại bản doanh của kỹ nghệ lừa đảo trên mạng.
Những băng nhóm tội phạm liên quan đến Tam Hoàng nở rộ, tại khu vực bất khả xâm phạm do cuộc nội chiến Miến Điện và sự đồng lõa của viên chức địa phương. Trong số những kẻ cầm đầu có Wan Kuok Koi, thủ lãnh nổi tiếng của Tam Hoàng 14 tại Macao, bí danh "Răng gãy" ; và tài phiệt Cam Bốt Ly Yong Phat, từng là cố vấn đặc biệt của cựu thủ tướng Hun Sen, từ tháng 9 đã bị Mỹ trừng phạt vì "vi phạm nhân quyền liên quan đến cưỡng bức lao động cho các hoạt động lừa đảo trên mạng". Kỹ nghệ này mang tên "pig butchering" (xẻ thịt heo), "vỗ béo" các nạn nhân trên internet để rồi rút rỉa tiền bạc qua các trang tiền ảo. Hoạt động này mang lại 75 tỉ đô la từ 2020.
Bridget Motari, một nữ sinh viên Kenya 22 tuổi thuật lại, được hứa một việc làm lương cao, cô đến Bangkok và được đưa đi bằng xe tải rồi đi tàu qua sông, tưởng rằng ở Thái Lan nhưng thật ra là đất Lào. Cô bị tịch thu tất cả giấy tờ, giao cho một máy tính, bốn điện thoại. Ở "địa ngục trần gian" này, các nạn nhân biến thành kẻ lừa đảo, phải tạo danh khoản giả trên Instagram, Telegram, Tinder, Facebook ; đăng hình những cô gái xinh đẹp thường là người Nga, bịa chuyện về đời tư. Những phần mềm trí thông minh nhân tạo được các kỹ sư Trung Quốc tạo ra để dễ qua mặt các mục tiêu, thường là nam giới phương Tây, ưu tiên dụ dỗ người Mỹ.
Khi cá đã cắn câu, họ được đề nghị đầu tư tiền ảo và các kỹ sư Trung Quốc sau đó cướp tiền của nạn nhân thông qua một liên kết gài bẫy. Năm 2023, mafia Trung Quốc đã lừa được gần 4 tỉ đô la của mấy chục ngàn cư dân mạng Mỹ, theo ước tính của FBI. Những nô lệ thời hiện đại đến từ Châu Phi đa số đã tốt nghiệp đại học, họ cũng bị đánh đập nếu không đạt chỉ tiêu lừa đảo, nhưng các nạn nhân người Châu Á còn bị hãm hiếp, có trường hợp bị nghi là cướp nội tạng. Điều cay đắng là để thoát khỏi những "trại tập trung" này, họ phải tìm cách lừa được người khác vào làm kiếp trâu ngựa thay mình. Ông Kiptiness Lindsay Kimwole, đại sứ Kenya tại Thái Lan cho Le Monde biết, do có ít đại sứ quán Châu Phi ở Bangkok, nên Kenya khi giải cứu công dân cũng đã trợ giúp cho các lao động cưỡng bức người Uganda, Ethiopia, Zimbabwe, Morocco, Burunda thoát được mafia người Hoa.
Thụy My
Georgia : Đối lập duy trì áp lực chống dự luật "đăng ký tác nhân nước ngoài"
Thanh Hà, RFI, 10/03/2023
Với 35 phiếu thuận, 1 phiếu chống, Quốc hội Georgia (Gruzia) hôm 10/03/2023 đã bác bỏ dự luật bị coi là "theo gương Nga", viện cớ "tác nhân nước ngoài" để đàn áp báo chí và các tổ chức bảo vệ nhân quyền độc lập.
Người dân Georgia biểu tình gần trụ sở Quốc hội, tại thủ đô Tbilissi, hôm 09/03/2023. AP - Zurab Tsertsvadze
Sau chính phủ, đến lượt các dân biểu Quốc hội Georgia lùi bước trước áp lực của đường phố. Dù vậy, tối hôm qua, các cuộc xuống đường tiếp diễn tại Georgia đòi chính phủ trả tự do cho hơn 130 người đã bị bắt giữ trong 2 ngày biểu tình, 07 và 08/03. Việc chính phủ phải nhượng bộ được coi là một thắng lợi to lớn của xã hội dân sự Georgia và phe đối lập.
Từ thủ đô Tbilissi, thông tín viên Régis Gente tường trình :
Tối qua, những người biểu tình tỏ thái độ rất tự hào : đó là đã buộc chính phủ phải nhượng bộ chỉ bẳng cách là họ thể hiện mong muốn hội nhập vào Châu Âu. Cho dù có một số rối loạn, nhưng những người biểu tình ít ra đã đồng thuận một điểm : sau khi dự luật bị rút bỏ, họ đòi trả tự do cho 133 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình hôm thứ Ba và thứ Tư và để tỏ rõ hơn một chút cho đảng cầm quyền, đảng "Giấc mơ Georgia", thấy ai là người bảo đảm chủ quyền của đất nước. Thực vậy, ngay từ tối qua, thứ Năm, họ đã đạt được nguyện vọng của mình.
Trong khi đó, hôm nay, thứ Sáu, Quốc hội Georgia khởi động thủ tục rút bỏ chính thức dự luật về "tác nhân ngoại quốc". Phe đối lập rất phản đối văn bản này, bị đánh giá là một đạo luật của Nga. Vậy phong trào phản kháng này sẽ đi tới đâu ? Phong trào này không có thủ lĩnh trong bối cảnh phe đối lập chính trị bị chia rẽ từ nhiều năm qua do những bất đồng nội bộ và những thủ đoạn của nhà tài phiệt Bidzna Ivanichvili, người đang áp đặt sức mạnh của mình đối với xã hội Georgia từ một thập niên qua.
Xã hội dân sự Georgia rất năng động nhưng vẫn còn thiếu những gương mặt lãnh đạo, đề ra chính sách và xác định hướng đi cho đất nước hiện đang rất mong muốn hội nhập vào Châu Âu hơn bao giờ hết.
Georgia là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, năm 2008 từng xảy ra giao tranh với Nga. Georgia không che giấu tham vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và liên minh quân sự NATO. Tuy nhiên, gương mặt đối lập, nổi tiếng thân Châu Âu, là cựu tổng thống Michail Saakachvili đang bị cầm tù.
Thanh Hà
**************************
Georgia rút lại dự luật "tác nhân nước ngoài" bị lên án là luật "kiểu Nga"
Trọng Thành, RFI, 09/03/2023
Hôm 09/03/2023, chính phủ Georgia đã phải quyết định rút lại dự luật mang tên "đăng ký tác nhân nước ngoài", sau hai ngày biểu tình phản đối tại thủ đô Tbilisi.
Những người tham gia biểu tình chống dự luật về " tác nhân nước ngoài" tại thủ đô Tbilisi của Georgia ngày 08/03/2023. © Reuters – Irakli Gedenidze
Dự luật "đăng ký tác nhân nước ngoài" bị bị đối lập lên án "dự luật kiểu Nga", nhằm cắt đứt Georgia khỏi phương Tây, ngả hẳn vào quỹ đạo của Moskva. Dự luật dựa theo mô hình luật "tác nhân nước ngoài" của Nga ban hành năm 2012, vốn đã được Moskva sử dụng để đàn áp báo chí độc lập, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các nhà đối lập.
Theo AFP, hàng chục nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình tối qua để phản đối dự luật này.
Thông tín viên Régis Genté từ Tbilissi gửi về bài tường trình:
"Chỉ sau 2 ngày tập hợp, người dân Georgia đã buộc chính phủ phải lùi bước. Sáng hôm nay, 09/03, đảng cầm quyền "Giấc mơ Georgia" của nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili, và "Lực lượng Nhân dân", tức phong trào vệ tinh của đảng, có quan điểm chống phương Tây triệt để, đã tuyên bố rút lại dự luật. Hai tổ chức này ra thông cáo báo chí, thừa nhận dự luật "đã gây ra sự chia rẽ về quan điểm trong xã hội".
Quyết định nói trên được đưa ra sau một cuộc biểu tình vào tối qua, với số người tham gia đông gấp từ 2 đến 3 lần so với ngày hôm trước. Trong cuộc biểu tình đầu tiên, chính quyền nước Cộng hòa nhỏ bé vùng nam Caucasus đã dùng vũ lực giải tán đám đông, dù biểu tình diễn ra ôn hòa và hợp pháp. Cuộc biểu tình tối qua cũng bị đàn áp tương tự, đã kết thúc với vòi rồng và hơi cay.
Điều có thể bảo đảm là bài học về dân chủ mà người dân Georgia vừa đưa ra sẽ in dấu ấn trong đời sống chính trị của nước này, cho dù sáng nay, đảng cầm quyền vẫn muốn tiếp tục gây căng thẳng, qua việc gọi các đối thủ là "các lực lượng cực đoan". Nhà cầm quyền Georgia cố gắng phủ nhận một điều hiển nhiên. Đó là tính chất thân Nga rõ rệt của dự luật, sẽ chỉ có thể khiến một bên thỏa mãn : Điện Kremlin".
Ngay sau khi đảng cầm quyền Georgia rút lại dự luật, trên mạng Twitter, phái bộ Liên Âu tại nước này đã "hoan nghênh" và kêu gọi "tất cả các lãnh đạo chính trị tại Georgia nối lại với các cải cách hướng đến Châu Âu".
Đối lập kêu gọi tiếp tục biểu tình
Trên thực tế, đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia chưa hoàn toàn từ bỏ dự luật. Theo thông báo của đảng này, dự luật sẽ có thể một lần nữa được đưa ra để lấy ý kiến người dân, và không loại trừ khả năng được đưa ra Quốc hội một lần nữa. Theo AFP, nhiều đảng đối lập hôm nay ra một tuyên bố chung, khẳng định phong trào "sẽ không dừng lại chừng nào chưa có bảo đảm là Georgia kiên quyết lựa chọn con đường hướng về phương Tây". Các đảng đối lập kêu gọi tham gia một cuộc tuần hành mới vào tối nay, đồng thời yêu cầu chính quyền trả tự do cho hàng chục người biểu tình bị câu lưu.
Trọng Thành