Bình Nhưỡng : "Bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực thẳm một tai họa hạt nhân". Tại Washington, tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng tiếp Kim Jong-un. Hàn Quốc thông báo hoàn tất lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD, Seoul sẵn sàng đối phó với đe dọa Bắc Triều Tiên. Oanh tạc cơ của Mỹ tại đảo Guam được huy động tập trận cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bắc Triều Tiên phô trương tên lửa hiện đại nhân kỷ niệm 105 năm sinh nhật Kim Nhật Thành ngày 15/04/2017. Reuters
Chưa có dấu hiệu tình hình ở khu vực Đông Bắc Á hạ nhiệt. Xung đột vũ trang có nguy cơ bùng nổ hay không ? Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng đang tính toán những gì ? Mariane Peron Doise, chuyên gia về chiến lược Châu Á, thuộc Học Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, Trường Quân sự của Pháp IRSEM và giáo sư Annick Cizel, đại học Sorbonne Nouvelle- Paris 3, nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, phân tích về những tính toán của cả đôi bên.
Trước hết bà Mariane Peron Doise nhấn mạnh đến thế bắt buộc Bình Nhưỡng phải cứng giọng với cộng đồng quốc tế :
Mariane Peron Doise : Chế độ Bắc Triều Tiên ngày càng bị cô lập, nhất là sau khi Bình Nhưỡng cắt đứt hoàn toàn đối thoại với Seoul. Chúng ta có cảm giác với Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên đang lao vào một cuộc đua ngày càng quyết liệt. Thực ra thì chế độ này bắt buộc phải duy trì áp lực với cộng đồng quốc tế, phải phô trương sức mạnh để tồn tại. Tôi có cảm tưởng đây là một cuộc chơi mà ở đó Kim Jong-un liên tục khiêu khích thế giới, liên tục bắt công luận quốc tế phải chú ý đến mình ở một nhịp độ do chính ông ta đặt ra. Từ các màn diễu binh khoe trang thiết bị quân sự đến các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí nguyên tử, Bình Nhưỡng chỉ tuân theo lô-gic của chính mình. Chế độ Bắc Triều Tiên bắt buộc phải liên tục khuấy động tình hình, duy trì căng thẳng để tồn tại, cả với công luận trong nước lẫn với phần còn lại của thế giới
Nhìn từ phía Hoa Kỳ, giáo sư Annick Cizel nói đến màn trình diễn của chính quyền Trump, nhưng về thực chất, Washington chưa có chiến lược rõ ràng với Bắc Triều Tiên :
Annick Cizel : Rất khác đời, trong động thái của tổng thống Trump triệu mời các thượng nghị sĩ đến Nhà Trắng để bàn về tình hình Bắc Triều Tiên, thay vì đích thân ông đến Thượng Viện. Tổng thống Hoa Kỳ có thể triệu tập lưỡng viện trong một cuộc họp bất thường để trình bày vấn đề. Nhưng ông đã chọn giải pháp khác. Qua đó, Donald Trump muốn chứng tỏ, ông mới là người điều khiển tất cả, như một vị nhạc trưởng.
Trên thực tế, tổng thống Mỹ không có chiến lược cụ thể về hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tới nay, các thành viên trong chính phủ liên quan trực tiếp đền hồ sơ này, từ bộ trưởng Quốc Phòng, tướng Mattis, đến ngoại trưởng Tillerson, hay đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikki Haley không đưa ra một tiếng nói đồng nhất về Bắc Triều Tiên. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong vòng công du Châu Á 10 ngày vừa qua, đã cố gắng trình bày quan điểm của Hoa Kỳ với các đồng minh. Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là về mặt hình thức, chính quyền Trump đang dàn dựng một vở tuồng, để công luận Mỹ bớt chú ý đến tai tiếng chung quanh mối liên hệ giữa các cộng tác viên thân cận của tổng thống Hoa Kỳ với Nga, hay vụ con gái tổng thống Trump là Ivanka phải giải thích về sự hiện diện của cô ở Nhà Trắng.
Còn về nội dung, chúng ta thấy các cố vấn quân sự hàng đầu của tổng thống Trump, như bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, đang cố gắng làm dịu tình hình. Một nhân vật uy tín khác trên chính trường Mỹ, là thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ tại Thượng Viện Hoa Kỳ cũng thiên về một giải pháp ngoại giao và đối thoại, thông qua các ngả khác nhau, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chuyên gia Mariane Peron Doise lo ngại tình hình trong khu vực đang nóng lên trong lúc các kênh đối thoại đều tắc nghẽn :
Mariane Peron Doise : Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là sự thiếu vắng các kênh ngoại giao. Tất cả các động thái diễu võ dương oai, từ việc điều tàu chiến đến Đông Bắc Á hay các đợt tập trận trong khu vực đều nhằm chứng minh với đối phương về sức mạnh quân sự của mình. Hầu như mỗi ngày, cả Mỹ lẫn Bắc Triều Tiên đều "đặt lên mặt bàn" những phương tiện quân sự mới để gia tăng áp lực, để hù dọa phe bên kia.
Nhưng đến một lúc nào đó thì các bên bắt buộc phải nối lại đối thoại, phải để cho các nhà ngoại giao làm việc với nhau. Vấn đề đặt ra là từ trước tới nay, dù Washington và Bình Nhưỡng không trực tiếp nói chuyện với nhau, nhưng kênh đối thoại đó vẫn được duy trì qua trung gian Hội Đồng Bảo An, hay là Trung Quốc, hoặc thông qua đặc sứ của các bên cũng như vai trò hết sức quan trọng của Hàn Quốc. Có điều ở thời điểm này, Seoul đang chuẩn bị bầu lại tổng thống vào ngày 09/05/2017. Ứng cử viên có triển vọng đắc cử nhất lại không chút mặn mà với giải pháp quân sự. Thậm chí, ứng cử viên Moon Jae-in cũng rất dè dặt với dự án đặt hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ là có lẽ bản thân Kim Jong-un cũng muốn đợi xem tình hình sẽ tiến triển ra sao. Trước mắt Bình Nhưỡng sẽ tránh đi quá đà. Nói tóm lại cả Donald Trump lẫn Kim Jong-un đều là những nhân vật có tính khí thất thường, nhưng về bản chất, hy vọng rằng cả hai không quá điên rồ để lao vào một cuộc chiến.
Giáo sư Cizel, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho rằng, trong ván bài hiện nay, tổng thống Trump như đang nhắm tới quá nhiều mục tiêu cùng một lúc, mà mục tiêu nào cũng nguy hiểm như nhau :
Annick Cizel : Về mặt lý thuyết, đúng là Mỹ oanh tạc căn cứ quân sự của Syria đề cảnh cáo Bắc Triều Tiên. Nhưng có lẽ chính quả bom mẹ thả xuống Afghanistan mới là thông điệp trực tiếp Washington gửi tới Bình Nhưỡng. Nói một cách ví von, tôi cho rằng, Hoa Kỳ đang dồn đối thủ đến sát bờ vực thẳm, để đối phương hiểu rằng, chỉ cần nhích một ly thôi, mọi việc sẽ đổi thay. Có điều, đòn hù dọa và răn đe đó rất nguy hiểm, vì chỉ cần một sự cố nhỏ cũng có thể đẩy toàn khu vực vào chiến tranh.
Hơn nữa, Đông Á như đang sống lại những năm tháng thời chiến tranh lạnh : Trung Quốc vừa hạ thủy tàu sân bay thứ nhì đề chứng minh với Mỹ rằng, Bắc Kinh có phương tiện quân sự để đối phó khi cần thiết. Mỹ thì nào là tập trận, nào là điều tàu chiến đến khu vực bán đảo Triều Tiên... Đây là một trò chơi nguy hiểm. Đồng thời Donald Trump cũng khẳng định lập trường rất rõ ràng với hai đồng minh truyền thống là Hàn Quốc và Nhật Bản. Thông điệp của chủ nhân Nhà Trắng là : tình hình nóng bỏng hiện nay cho thấy, đã đến lúc Seoul và Tokyo cần tự định đoạt lấy tương lai, chính sách phòng thủ phải là một ưu tiên. Hàn Quốc và Nhật Bản cần có khả năng phòng vệ xứng đáng, không nên trông chờ vào ô dù của Mỹ.
Dù vậy chuyên gia Mariane Peron Doise, học viện IRSEM, tin tưởng rằng, Kim Jong-un sẽ không dại để bị Mỹ đánh phủ đầu :
Mariane Peron Doise : Đây cũng là thông điệp mà chính quyền Mỹ nhắm tới Trung Quốc. Như vừa nói, Bắc Kinh cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì để khẳng định mình là một siêu cường quân sự, nhưng chúng ta đừng quên một điều, là các bên liên quan, đều có vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp xấu nhất, Bình Nhưỡng có thể dùng đến loại vũ khí này để trả đũa và cũng chính vì thế mà Hàn Quốc và Nhật Bản rất lo âu.
Phía Tokyo, chúng ta đều biết, từ khi trở lại cầm quyền, thủ tướng Shinzo Abe đã tạo mọi điều kiện để Nhật Bản có thể sử dụng sức mạnh trong trường hợp cần thiết, và điều này đã khiến Bắc Kinh lo ngại. Trong trường hợp Tokyo và Seoul bị Washington gây áp lực quá lớn để lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, để trang bị tên lửa đạn đạo, hay vũ khí hạt nhân, thì tình hình càng phức tạp hơn gấp bội.
Chính sách khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc tự trang bị vũ khí để phòng vệ trước hiểm họa Bắc Triều Tiên không là giải pháp tốt nhất. Vì ngoài yếu tố Bắc Triều Tiên còn có yếu tố Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước mắt chúng ta có thể an tâm một điều : lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un còn đang cân nhắc xem có nên đi quá đà hay không, và có lẽ Bình Nhưỡng không dại gì thử lửa với Washington, để lãnh lấy họa vào thân. Biết đâu Mỹ mạnh tay đánh phủ đầu.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 02/05/2017
Sau khi công khai nói rằng cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ rất khó khăn, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cảnh báo Trung Quốc hãy kiềm chế Triều Tiên nếu không Mỹ sẽ hành động một mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỹ không cần tới Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Trung tuần tháng 3/2017, ông Rex Tillerson đã có chuyến thăm Châu Á đầu tiên với cương vị Ngoại trưởng Mỹ, phát tín hiệu đanh thép đối với Triều Tiên bằng việc tuyên bố "chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc", đồng thời đề xuất tìm kiếm các biện pháp mới về ngoại giao, an ninh và kinh tế để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong một động thái được cho là nhằm đáp trả tuyên bố cứng rắn của phía Mỹ, ngày 21/03/2017, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công một loại động cơ tên lửa đời mới vào hai ngày trước.
Hành động nêu trên của Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ, trở thành một trong những nguyên nhân thúc đẩy Bộ Tài chính Mỹ ban hành lệnh trừng phạt bổ sung đối với 11 cá nhân và 1 công ty Triều Tiên dính líu đến các chương trình vũ khí, ngân hàng và giao dịch hàng hóa của Bình Nhưỡng vào ngày 31/03/2017.
Theo đánh giá của chính quyền Trump và nhiều chuyên gia, chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ sớm đe dọa tới Washington. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà K.T. McFarland từng phát biểu : "Có khả năng thực tế rằng Bình Nhưỡng có thể bắn một quả tên lửa hạt nhân vào Mỹ trong cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump".
Chính vì vậy, "mớ hỗn độn ở Triều Tiên" được thừa kế từ người tiền nhiệm, như cách nói của ông Trump khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time, cần phải được giải quyết theo cách thức mới và ngày 2/04, phát biểu trên tờ Financial Times, ông Trump cảnh báo Trung Quốc hãy kiềm chế Triều Tiên nếu không Mỹ sẽ hành động một mình.
Điều đáng quan tâm là phát biểu này của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, càng khiến dư luận đồn đoán về sự xuất hiện của một động thái bất ngờ nào đó trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình trên cương vị nguyên thủ hai nước.
Cuộc gặp hứa hẹn nhiều bất ngờ
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn được dự đoán là những nội dung được quan tâm hàng đầu trong các cuộc gặp gỡ gần đây giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, qua các lần tiếp xúc song phương có nhiều sự cố bất ngờ gần đây của ông Trump, như buổi tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, thì cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ngạc nhiên không kém, thậm chí kể cả một cái bắt tay cũng sẽ làm báo giới phải tốn giấy mực bàn luận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhắc lại buổi gặp mặt thượng đỉnh đầu tiên ngày 10/2 tại Nhà Trắng, ông Trump đã khiến nhà lãnh đạo nước đồng minh lớn nhất ở Châu Á là ông Abe bị rơi vào tình huống lúng túng. Tân Tổng thống Mỹ đã kéo tay của Thủ tướng Nhật Bản về phía mình, giữ thật chặt và lâu, liên tục giật mạnh và vỗ trong suốt 19 giây. Đây quả là một cách thức ngoại giao hiếm thấy.
Nắm được tình huống này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc gặp ngày 13/2 đã có động tác chủ động để không bị ông Trump giật tay về phía mình. Ông Trudeau đã đặt tay trái lên tay phải của Tổng thống Mỹ để ngăn bị kéo.
Về phần bà Angela Merkel, Thủ tướng nước đồng minh lâu năm ở Châu Âu của Mỹ lại gặp một phen khó xử khi bà bị ông Trump phớt lờ đề nghị bắt tay sau khi kết thúc cuộc gặp tại phòng Bầu dục ngày 17/03. Tổng thống Trump từ chối thực hiện một nghi thức truyền thống vỗn dĩ có trong những buổi hội đàm như vậy. Hành động này của ông Trump đã làm dư luận bóng gió ám chỉ là do mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa ông và bà Thủ tướng Đức, cụ thể là bất đồng trong chính sách đối với người nhập cư và trách nhiệm đóng góp của thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Donald Trump từng công khai chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn, nhập cư của bà Angela Merkel là một "sai lầm thảm họa". Ngược lại, bà Merkel cũng cảnh báo Tổng thống Trump về xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, để chống lại việc nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.
Còn lần đón tiếp ông Tập Cận Bình đã được chính ông Trump nhận định trên Twitter cá nhân là sẽ "rất khó khăn", dù ông đã thực hiện một cuộc điện đàm từ hồi tháng 2 để trấn an quan hệ giữa hai nước cũng như củng cố lập trường ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".
Hoàng Trang
********************
Vấn đề Bắc Hàn và Biển Đông trong cuộc hội kiến Mỹ-Trung (VOA, 03/04/2017)
Những phát biểu cứng rắn nhưng mơ hồ về Bắc Triều Tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này làm dấy lên những đồn đoán rộng rãi rằng ông Trump có thể theo đuổi một sự thay đổi quan trọng về mặt chính sách sẽ dẫn đến một cuộc mà cả quy mô với Bắc Kinh, hoặc bắt đầu một cuộc chiến tranh phủ đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của London hôm Chủ Nhật, ông Trump tuyên bố nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, "thì người Mỹ chúng ta sẽ giải quyết". Ông lưu ý về "ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên" và cảnh báo rằng Bắc Kinh nếu Bắc Kinh không giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn đạt tiến bộ nhanh chóng về khả năng sản xuất hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, thì điều đó "không tốt cho bất cứ ai".
Phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bắc Triều Tiên
Chặn lại chương trình hạt nhân của BắcTriều Tiên và ngăn không cho chính phủ của ông Kim Jong-un sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một vũ khí có khả năng tấn công vào đất liền của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ là một vấn đề chính mà ông Trump và ông Tập sẽ mang ra thảo luận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở bang Florida vào ngày thứ Năm tới đây.
Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng quốc phòng Mattis
Các chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng quốc phòng James Mattis tới thăm khu vực đã giúp Washington trấn an giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, Tokyo và Seoul rằng Washington sẽ tiếp tục đặt vào hàng ưu tiên cao việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực với Bình Nhưỡng, buộc họ phải thay đổi hành vi và từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh.
Ngoài ra, một báo cáo an ninh quốc gia mới đây của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách nhắm mục tiêu vào nhiều ngân hàng và các công ty của Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Ít người nghĩ rằng trong cuộc gặp đầu tiên, ông Trump và ông Tập sẽ đạt được một bước đột phá đáng kể về vấn đề Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh từ lâu không muốn làm bất cứ điều gì gây bất ổn cho chế độ miền Bắc, bởi vì nếu có bất ổn thì hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ vượt qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc.
Một số vấn đề khác cũng được đưa vào nghị trình làm việc của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, chẳng hạn như giảm thiểu các động thái quân sự có tính cách gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh hải, một ưu tiên khác là thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, một vấn đề lớn mà ông Trump đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử.
Một cuộc mà cả lớn
Tuy nhiên xét chính quyền ông Trump luôn nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự lựa chọn sẽ được đưa ra, không loại trừ giải pháp nào, để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, có tin đồn đoán cho rằng ông Trump có thể mưu tìm một thỏa thuận nhiều tầng lớp với ông Tập, sẽ bao gồm các vấn đề thương mại và an ninh khu vực.
Ông Bong Young-shik thuộc Viện Yonsei ở Seoul nhận định :
"Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không".
Ông Bong nói có lẽ Washington sẽ cần một phần nào đó, ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Đài Loan, đồng thời hạn chế bớt những lời chỉ trích nhắm vào thành tích nhân quyền của Trung Quốc, để khích lệ nước này ra hành động quyết liệt hơn chống lại Bắc Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Time, ông Trump nói : "Thương mại là động lực" mà Mỹ sẽ sử dụng trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.
Được hỏi về một "cuộc mặc cả lớn" trong đó Trung Quốc sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng để đổi lấy lời hứa của Mỹ sẽ rút quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên, tờ báo trích lời ông Trump nói rằng : "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ đứng ra giải quyết. Tôi chỉ có thể cho quý vị biết vậy thôi".
Giải pháp quân sự
Những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump và những bình luận của các quan chức trong chính quyền của ông cũng làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Trump có thể ủng hộ giải pháp sử dụng vũ lực để giải quyết các mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Tillerson và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trong chuyến viếng thăm Seoul hồi gần đây, ông Tillerson tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên leo thang "mối đe dọa về chương trình vũ khí của họ đến mức mà chúng tôi tin là cần có hành động quân sự, thì giải pháp đó sẽ được cứu xét".
Ông James Nolt, một nhà phân tích kinh tế chính trị quốc tế thuộc Viện Chính sách Thế giới, lo ngại rằng các giới chức có lập trường diều hâu trong chính quyền Trump có thể cứu xét việc phát động một cuộc tấn công phủ đầu để chặn Bắc Triều Tiên phóng đi một phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), giải pháp quân sự đó được coi là một mố rủi ro có thể chấp nhận được để giữ gìn an ninh của Hoa Kỳ.
Nhà phân tích Nolt nhận định :
"Tôi nghĩ đó là một hành động có khả năng xảy ra bởi vì hành động này không nhất thiết phải giống như chiến tranh. Có thể đó là một phản ứng tương đối hợp lý trước một mối đe doạ, nhưng chắc chắn là nhìn từ quan điểm Bắc Hàn, thì hành động đó có tính cách ‘khiêu khích cao độ’".
Nhiều người tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ không chấm dứt mối đe doạ hạt nhân vì nhiều cơ sở hạt nhân và phi đạn của nước này được giấu trong các hầm bí mật dưới lòng đất.
Và tệ hại hơn, theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công của Mỹ có thể đẩy Trung Quốc và toàn bộ khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, có thể giết chết hàng triệu con người.
**********************
Mỹ ‘sẵn sàng một mình đối phó với Bắc Hàn’ (VOA, 03/04/2017)
Hoa Kỳ chuẩn bị sẵn sàng một mình đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng, nếu Trung Quốc không thể gây áp lực lên Bắc Hàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói như vậy với tờ Financial Times hôm 2/04.
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un và các binh sĩ.
Reuters dẫn lời ông Trump nói với tờ báo tài chính : "Nếu Trung Quốc không thể giải quyết Bắc Hàn, chúng tôi sẽ [làm chuyện đó]. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói lúc này".
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa tuần này ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, và ngoài thương mại và tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông, vấn đề Bắc Hàn dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói với tờ Financial Times : "Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Hàn. Và Trung Quốc có thể quyết định giúp chúng tôi về Bắc Hàn hoặc là họ sẽ không làm vậy".
Theo tờ báo, Phó Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, K.T. McFarland, nói rằng có "khả năng thật sự" về việc Bắc Hàn có thể đánh trúng Hoa Kỳ bằng tên lửa hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ đầu của tỷ phú bất động sản.
Trong khi đó, các chuyên gia tình báo không đồng tình với đánh giá của ông McFarland, nói rằng khả năng đó của Bắc Hàn "nhiều năm nữa" mới đạt được.
Đầu tháng trước, Bình Nhưỡng phóng bốn quả tên lửa đạn đạo để đáp lại cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc mà Bắc Hàn coi là sự chuẩn bị cho chiến tranh.
Bắc Hàn đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và một loạt các vụ phóng tên lửa kể từ đầu năm 2016, theo Reuters.
Washington đã thúc ép Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Trung Quốc tránh làm căng với Mỹ
Tự do thương mại, bảo hộ mậu dịch, tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống Pháp là một số chủ đề trang nhất của các báo Pháp. Nhưng trước hết, xin giới thiệu những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Trung, nhân chuyến công du đông bắc Á của ngoại trưởng Mỹ, qua vở kịch ngắn "ba hồi" của Les Echos.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (T) họp báo chung với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị sau cuộc hội đàm tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh ngày 18/03/2017. REUTERS/Mark Schiefelbein/
Bài "Trung Quốc tránh làm căng với Hoa Kỳ" nhận xét : căng thẳng Mỹ-Trung đột ngột chùng xuống hôm Chủ nhật 19/03, qua "những lời lẽ thân thiện" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cho dù chỉ trước đó ít giờ, chính quyền Mỹ đã có "những phát biểu mang tính tấn công, đầy tính toán" nhắm vào Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Hồi thứ nhất : Trong chặng dừng chân tại Hàn Quốc, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố chính sách được gọi là "kiên nhẫn chiến lược" của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã chấm dứt, và giờ đây mọi giải pháp mới sẽ được xem xét, trong đó không loại trừ "biện pháp quân sự", nếu Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân "đến mức" Washington cho rằng cần phải phản ứng.
Hồi thứ hai : Chỉ ít giờ sau phát biểu của ngoại trưởng, đến lượt tổng thống Trump tung lên Twitter một thông điệp cáo buộc Bắc Kinh "ít nỗ lực" để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Theo Les Echos, hồi thứ ba của vở kịch, với đặc điểm là hai bên tìm cách sưởi ấm quan hệ, "có thể" đã bắt đầu diễn ra tại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua. Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh được xem là để chuẩn bị cho cuộc gặp tay đôi đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ - Trung tại Mar-a-Lago, Florida. Việc khu nhà nghỉ của Donald Trump được lựa chọn có thể giúp cho quan hệ Mỹ - Trung ấm lại, sau những căng thẳng lạnh giá trước kỳ nghỉ cuối tuần này.
Không thiếu vấn đề khiến quan hệ song phương căng thẳng. Trong khi tổng thống Trump đe dọa thiết lập nhiều thuế mới với hàng nhập khẩu Trung Quốc để trừng phạt, thủ tướng Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn khi tuyên bố không muốn "chiến tranh kinh tế". Về phần mình, Bắc Kinh phản đối dữ dội hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc để đề phòng vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Theo Les Echos, trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, "quân bài đã được chia để chuẩn bị cho đợt mặc cả lớn". Bắc Kinh có thể tác động mạnh hơn đến Bình Nhưỡng, với điều kiện hệ thống lá chắn tên lửa không được triển khai. Tuy nhiên, "ít có khả năng" Washington chấp nhận. Điều này lại càng khó khi có một ẩn số lớn, có thể làm thay đổi mọi thứ. Chỉ cần Bình Nhưỡng tiếp tục có các động thái mới, các thương lượng Mỹ - Trung ngay lập tức sẽ trở nên vô hiệu.
Chuyên gia Nhật : Đưa Bắc Triều Tiên tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân quân sự
Về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Le Monde phỏng vấn một chuyên gia quan hệ quốc tế Nhật Bản. Giáo sư Kazuto Suzuki cho rằng : "Chúng ta phải chấp nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân". Chuyên gia Kazuto Suzuki từng là thành viên nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Iran. "Bình Nhưỡng hiện trơ lì trước các áp lực chính trị và kinh tế", vấn đề là làm thế nào để vũ khí hạt nhân trong tay Bắc Triều Tiên không đe dọa các nước trong khu vực và quốc tế.
Chuyên gia Nhật không tin rằng các cố vấn quân sự của tổng thống Mỹ ủng hộ giải pháp «quân sự", bởi kịch bản này sẽ dẫn đến "một cuộc chiến tranh hạt nhân" khu vực. Mặt khác, ông Kazuto Suzuki cũng khẳng định khả năng Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân là "giới hạn", và chỉ là "lựa chọn của kẻ cùng đường". Điều nên làm, theo ông, là đưa Bắc Triều Tiên tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, bởi hiểm họa lớn nhất ở đây là Bắc Triều Tiên – do túng tiền – có thể "bán công nghệ hạt nhân cho bất cứ ai".
Vũ khí hạt nhân : Giai đoạn chạy đua mới
Cũng trong hồ sơ hạt nhân, báo Le Monde, có bài giới thiệu về các nỗ lực chạy đua tăng cường sức mạnh hạt nhân của năm thành viên Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) và một số cường quốc hạt nhân khu vực (Israel, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên), trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc chuẩn bị mở ra loạt thương thuyết đầu tiên về cấm vũ khí hạt nhân, kể từ ngày 27/03.
Theo các chuyên gia, các cường quốc đang bước vào kỷ nguyên hạt nhân quân sự thứ ba (sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với mục tiêu hủy diệt lẫn nhau, và thời kỳ giải trừ hậu Chiến tranh Lạnh những năm 1990 – 2000). Một đặc điểm của giai đoạn hiện nay là các bên tăng cường lực lượng hạt nhân từ tàu ngầm, có khả năng vượt qua mọi hệ thống lá chắn, bất ngờ tấn công đối phương vào bất cứ thời điểm nào.
G20 : "Cú lắc đầu lịch sử của Mỹ"
Lần đầu tiên kể từ năm 2005, các cường quốc kinh tế G20 đã không đưa được cam kết "chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch" vào tuyên bố chung, sau 48 giờ thương thuyết căng thẳng. Báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh "cú sốc tại G20 sau khi Hoa Kỳ ngăn chặn nguyên tắc tự do mậu dịch". Trong hội nghị tại Baden-Baden, Đức, cuối tuần trước, cũng không có một đồng thuận nào về tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Khí hậu COP21 không được nhắc đến trong tuyên bố chung.
Bất bình trước thái độ của Mỹ, bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Michel Sapin nhấn mạnh, đây không phải là bất đồng của G20, mà là "giữa một quốc gia với tất cả các nước còn lại". Về phía tân chính quyền Mỹ, mối quan tâm trước hết là "giảm thâm hụt thương mại" khiến Washington muốn xem xét lại các quy tắc hiện hành.
Theo Les Echos, Hoa Kỳ muốn xem xét lại toàn bộ luật chơi thương mại quốc tế, từ hơn nửa thế kỷ nay vốn dựa trên nguyên tắc đa phương, với định chế tiêu biểu là Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - WTO. Tại Badan-Baden, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Steven Mnuchin bình luận WTO đã "lạc hậu", và cần phải được "đàm phán lại".
Tranh cử Pháp: Lần đầu tiên, các ứng viên tổng thống tranh luận trực tiếp
Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình của một số ứng cử viên tổng thống trước vòng một bầu cử là tâm điểm thời sự nước Pháp. Về cuộc tranh luận đầu tiên giữa 5 ứng cử viên "hàng đầu" trên truyền hình tối nay, 20/03/2017, Le Figaro chạy tít : "Đọ sức nảy lửa giữa các cương lĩnh". La Croix thì chú ý tới toàn bộ "11 ứng viên cho một kỳ tranh cử tổng thống".
Tờ báo đại chúng Le Parisien nhận xét : "Chấm dứt thể thức tranh luận duy nhất, vốn được coi là bất di bất dịch, giữa hai ứng cử viên lọt vào vòng chung kết"… Theo Le Parisen, đối với Jean-Luc Mélanchon, Emmanuel Macron, Benoit Hamon, François Fillon và Marine Le Pen, năm người tham gia màn tranh luận tối nay, cuộc chạm trán này quả có ý nghĩa quan trọng…. Hai ngày sau khi kết thúc thủ tục đăng ký ứng viên, sự kiện này đánh dấu điểm khởi đầu thực sự của cuộc tranh cử tổng thống lạ lùng này.
Tờ báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra hoài nghi với câu hỏi : "Liệu cuối cùng công chúng có thực sự quan tâm đến điều cơ bản ? Bởi dường như ước nguyện tha thiết nhất của các ứng cử viên là thoát khỏi không khí ồn ào của các vụ việc (bê bối) để tập trung vào điều chính, đối chọi các cương lĩnh tranh cử với nhau… Và đây là lần đầu tiên, kể từ khi tranh cử bắt đầu, các bên có điều kiện trình bày rõ các dự án của mình vì nước Pháp, trước hàng triệu khán giả". Le Figaro dẫn quan điểm của viện Iraf, đánh giá chương trình của ứng viên Fillon là "hiệu quả nhất".
Tranh luận vận động bầu cử tổng thống Pháp : 7 vấn đề nóng và 3 chủ đề chính
Báo kinh tế Les Echos giới thiệu 7 vấn đề nóng cụ thể của cuộc tranh luận tối nay. Đó là vấn đề "tình trạng khẩn cấp (chống khủng bố)", "chế độ làm việc 35 giờ", chế độ thuế đối với tài sản lớn ISF, ở lại hay ra khỏi khu vực đồng euro, giảm hay tăng đội ngũ công chức, nên thiết lập chế độ thu nhập phổ quát hay không, và cuối cùng là cải cách chế độ hưu trí.
Báo thiên tả Libération (trong bài phân tích : "Trận đấu bắt đầu") cho rằng "có ít nhất ba chủ đề đáng được coi là trung tâm của cuộc tranh luận tối nay". Thứ nhất là vấn đề "chính sách kinh tế", một bên thiên về chủ trương ưu tiên phía cung, tức các doanh nghiệp (chính sách của nhiệm kỳ tổng thống Hollande vừa qua, được Emmanuel Macron tiếp tục, và cũng là quan điểm của François Fillon), bên kia thiên về cầu, tức ưu tiên sức mua của người dân (các ứng cử viên Hamon, Mélanchon).
Vấn đề thứ hai là tranh luận về văn hóa Pháp, một bên thiên về cội rễ Thiên Chúa Giáo của bản sắc Pháp (Le Pen và Fillon), bên kia thiên về đa văn hóa (Macron, Hamon, Mélanchon).
Về vấn đề thứ ba là Châu Âu, ba ứng cử viên Le Pen, Mélanchon và một phần nào đó Hamon cho rằng cần phải phá vỡ khuôn khổ Châu Âu hiện nay, trong khi đó, hai ứng viên còn lại (Fillon và Macron) muốn siết chặt quan hệ Pháp-Đức (cột trụ của Châu Âu).
Đặc biệt chú ý đến thái độ của các ứng cử viên trước xu thế bảo hộ gia tăng trên thế giới, báo Le Monde đặt câu hỏi : "Làm thế nào bảo vệ lợi ích của nước Pháp trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay ?". Theo giáo sư Sophie Meunier, đại học Princeton, Mỹ, trong cuộc bầu cử này, ranh giới truyền thống "tả-hữu" bị xóa nhòa, thay vào đó là ranh giới "mở-đóng" (trước xu thế toàn cầu hóa).
Le Monde nhấn mạnh là chỉ có khoảng một phần tư người Pháp coi việc mở ra cho cạnh tranh thương mại thế giới là "một cơ hội", theo điều tra của Ipsos tại 22 quốc gia, công bố tháng 2/2017, trong lúc Pháp đứng hàng thứ sáu thế giới về hàng xuất khẩu, với hơn 450 tỉ euro, một phần tư số lượng lao động ở Pháp phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu.
Theo một số chuyên gia, một trong những thách thức chủ yếu của Pháp và cả của Châu Âu nói chung là hệ thống đào tạo nghề cho người thất nghiệp, để đáp ứng việc chuyển đổi việc làm năng động.
Rock’n’roll : Huyền thoại Chuck Berry qua đời
Báo Libération dành năm trang đầu số báo hôm nay để tưởng nhớ nghệ sĩ huyền thoại Chuck Berry. Người tiên phong của dòng nhạc Rock’n’roll vừa qua đời ngày thứ Bảy 18/03, ở tuổi 90. Chuck Berry được coi là người đã có đóng góp quyết định, làm nên dòng nhạc Rock’n’roll, trên nền truyền thống nhạc Blues nổi tiếng của người da đen nông thôn miền nam nước Mỹ.
Trong số báo này, Libération giới thiệu "Johnny B. Good" (1957), được coi là nhạc phẩm khởi đầu cho dòng nhạc xuất xứ da đen, nay đã trở thành tài sản chung của nước Mỹ. Nhà văn Pháp Laurent Chalumeau tâm sự, "nếu nước Mỹ da trắng thời ấy để lại cho chàng thanh niên da đen tài năng này một cơ hội khác…, nếu Chuck nhận được một học bổng hơn là bị rơi vào tù, thì có Trời biết được là Chuck sẽ còn cống hiến thêm gì nữa cho nhân loại".
Trọng Thành