Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vac-xin và khí hậu, hai trọng tâm thượng đỉnh G7 "trực diện" đầu tiên thời Covid-19

Trọng Nghĩa, RFI, 11/06/2021

​​​​​​Sau nhiu tháng ch tiếp xúc qua đin thoi hay truyn hình, ln đầu tiên k t khi có đại dch Covid-19, hôm nay 11/06/2021, lãnh đạo các cường quc thuộc nhóm G7 họp trực tiếp tại Anh Quốc với hai trọng tâm chia sẻ vac-xin cho toàn thế giới và đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

g70

Thượng đỉnh G7 khai mạc ngày 11/06/2021 tại khu nghỉ mát ven biển Carbis Bay, phía bắc Cornvall, miền tây nam nước Anh. Getty Images - Hugh R Hastings

Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển nhất (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật) kéo dài đến Chủ Nhật 13/06. Đây là hội nghị G7 đầu tiên đối với tổng thống Mỹ Joe Biden - rất gắn bó với chủ nghĩa đa phương sau những co cụm thời Donald Trump - cũng như đối với thủ tướng Ý Mario Draghi và đồng nhiệm Nhật Yoshihide Suga. Tuy nhiên, đây là thượng đỉnh G7 cuối cùng của thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong cuộc họp mặt đối mặt đầu tiên sau gần hai năm chỉ gặp nhau một cách gián tiếp vì dịch Covid-19, trọng tâm thảo luận đầu tiên là sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và chia sẻ công bằng hơn vac-xin chống Covid-19 của các nước giàu, những quốc gia đã giành lượng vac-xin tối đa, bất kể thiệt hại đối với những người nghèo nhất.

Chia sẻ vac-xin

Đối mặt với sự gia tăng các lời kêu gọi đoàn kết, tương trợ, các lãnh đạo dường như sẽ đồng ý cung cấp "ít nhất một tỷ liều" vac-xin và tăng năng lực sản xuất, với mục tiêu "chấm dứt đại dịch vào năm 2022", theo phủ thủ tướng Anh, nước chủ nhà của hội nghị.

Hoa Kỳ đã hứa cung cấp 500 triệu liều và Anh Quốc 100 triệu, chủ yếu thông qua chương trình Covax của Liên Hiệp Quốc. Điều này đối với các tổ chức phi chính phủ vẫn chưa đủ. Theo họ, G7 phải chấp thuận đình chỉ các bằng sáng chế về vac-xin để cho phép sản xuất hàng loạt. Washington và Paris tán thành ý kiến này trong lúc Đức kiên quyết phản đối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi các công ty dược phẩm đóng góp 10% liều thuốc đã bán và muốn G7 tán thành mục tiêu 60% người Châu Phi được tiêm chủng vào cuối tháng 03/2022.

Về phần mình, trong một động thái được cho là nhắm vào các hạn chế của Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua đã kêu gọi "mọi tác nhân (trong quy trình làm vác-xin) tháo gỡ các hạn chế trên việc xuất khẩu vac-xin (chống Covid) cũng như các thành tố dùng để chế tạo vac-xin".

Theo hãng tin Bloomberg, G7 cũng sẽ kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới mở một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus corona.

Chống biến đổi khí hậu

Cuộc chiến chống lại hiện tượng hâm nóng bầu khí quyển là một trọng tâm khác của hội nghị thượng đỉnh, với mục tiêu trung hòa carbon, trước hội nghị khí hậu lớn của Liên Hiệp Quốc (COP26) dự kiến vào tháng 11/2021 tại Scotland.

Thủ tướng Anh Boris Johnson có tham vọng thiết lập một "Kế hoạch Marshall" để giúp các nước đang phát triển trong lãnh vực loại trừ carbon trong nền kinh tế của họ, theo kiểu các khoản viện trợ khổng lồ của Mỹ để tái thiết Châu Âu sau Thế Chiến II.

Là nước đăng cai thượng đỉnh G7 lần này, Anh Quốc đã chọn khu nghỉ mát ven biển Carbis Bay, phía bắc Cornvall, miền tây nam nước Anh, làm nơi họp của các lãnh đạo. Giới báo chí rất đông đảo thì được bố trí tại cảng nhỏ Falmouth, ở phía nam. Thị trấn đã có một dáng vẻ hoàn toàn mới kể từ khi hội nghị được quyết định tổ chức ở đây.

Từ Cornwall, đặc phái viên RFI Clea Broadhurst cho biết tình hình :

"Thứ đầu tiên người ta nhìn thấy khi đến cảng Falmouth là một du thuyền khổng lồ. Tony, một cư dân, nêu bật : "Thật không bình thường chút nào khi cảng này phải tiếp nhận một chiếc tàu lớn như thế ! Và đó lại là nơi ở của gần 1.000 cảnh sát để bảo đảm an ninh cho G7. Quả là họ đã được hưởng một kỳ nghỉ sang trọng !"

Cuộc sống của người dân ở ngôi làng nhỏ trên bờ biển phía nam nước Anh đã bị đảo lộn với sự xuất hiện của G7, như Kate, một chủ nhà hàng nổi tại cảng Falmouth, đã chia sẻ : Chúng tôi đã phải trải qua một tình trạng hỗn loạn, sau đó mới trở lại bình yên, với cảm giác là ‘một điều gì đó đang được ngấm ngầm chuẩn bị. Camera được lắp đặt mọi nơi và bây giờ chúng tôi nhìn thấy cảnh sát trên những chiếc mô tô nước jetski ! Họ trông thật oai phong, tất cả đều mặc đồ đen, trên những chiếc jetski toàn màu đen, lướt ào ào qua cảng. Thật là náo nhiệt !

Theo lời bà Kate, cư dân khá tự hào khi thấy địa phương được chọn để tổ chức một sự kiện như vậy. Ngay cả khi họ phải chấp nhận một số sóng gió. Cô giải thích : Có những người biểu tình đã đến đây, nhưng mọi thứ diễn ra khá kín đáo, với nhiều nét hài hước, thậm chí đôi khi rất đẹp ! Từ nhà hàng nổi của chúng tôi, quý vị có thể nhìn thấy những lá cờ của phong trào Extinction Rebellion trên cột buồm của những chiếc thuyền và cảnh tượng rất đẹp. Nhưng trên hết, họ đánh động mọi người, và đó mới là điều quan trọng.

Đối với thị trấn ven biển này, mực nước biển dâng cao, tình trạng bờ biển bị xói mòn, môi trường suy thoái là tâm điểm của mối quan tâm, và cư dân của vùng hy vọng G7 sẽ giữ lời hứa trong lĩnh vực này".

Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Anh Boris Johnson gặp nhau lần đầu tiên

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên hôm nay, 11/05/2021, tổng thống Biden và thủ tướng Johnson nhấn mạnh đến mối quan hệ đồng minh lịch sử giữa hai nước, gạt bỏ những khác biệt liên quan đến căng thẳng hậu Brexit ở Bắc Ireland. Như một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng đối với mối quan hệ với đồng minh Anh, tổng thống Biden cùng phu nhân bắt đầu chuyến công du Châu Âu bằng cuộc gặp gỡ kéo dài một tiếng rưỡi với thủ tướng Boris Johnson, cũng cùng đi với phu nhân, tại vịnh Carbis, một khu nghỉ mát ven biển ở phía tây nam nước Anh. Cuộc gặp diễn ra hôm trước thượng đỉnh khối G7.

Hai ông Joe Biden và Boris Johnson đã đồng ý về một bản "Hiến chương Đại Tây Dương" mới, được mô phỏng theo bản được thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ký cách đây 80 năm, nhằm tái khẳng định các giá trị dân chủ chung, đồng thời tính đến những thách thức mới trong hiện tại, như tấn công mạng hay khủng hoảng khí hậu. 

Trọng Nghĩa

*******************

G7 : Nỗ lực thể hiện vị thế của Hàn Quốc có thể bị hồ sơ Trung Quốc che lấp

Anh Vũ, RFI, 11/06/2021

Hôm 11/06/2021, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 mở ra tại nước Anh với sự hiện diện của tổng thống Mỹ Joe Biden là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Các cuộc thảo luận tập trung nhằm ngăn chặn Trung Quốc có thể làm lu mờ các hồ sơ khác.

g72

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị đối tác về tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) ở Seoul, ngày 30/05/2021. AFP – Handout

ANDOUT

Nguyên thủ của một quốc gia phát triển của Châu Á, ông Moon Jae-in tới dự G7 với tư cách khách mời, mang theo tham vọng chứng tỏ Hàn Quốc cũng là một tác nhân quan trọng trên các vấn đề quốc tế lớn như biến đổi khí hậu hay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các nỗ lực ngoại giao của Seoul lần này có thể sẽ bị khỏa lấp bởi các cuộc thảo luận chiến lược địa chính trị của phương Tây nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, một hồ sơ được cho là khá tế nhị cho sự tham gia của Hàn Quốc.

Từ khoảng một năm trở lại đây, Hàn Quốc vẫn nuôi hy vọng muốn có được quy chế chính thức là thành viên G7 mở rộng. Trước khi lên đường tới dự hội nghị, tổng thống Moon tuyên bố trong một cuộc họp chính phủ trong tuần này : "Việc tôi tham dự thượng đỉnh sẽ có tác dụng xúc tác để cải thiện ngoại giao của chúng ta… trách nhiệm và vai trò của chúng ta trong cộng đồng quốc tế đã được nâng cao".

Các nước dân chủ giàu có nhân cuộc họp thượng đỉnh lần này đang muốn chứng tỏ với thế giới là họ có thể phối hợp hành động để đối phó với các cuộc khủng hoảng lớn, sẵn sàng cung cấp hàng trăm triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, đồng thời cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Mặc dù bị dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần, Hàn Quốc vẫn được đánh giá là quốc gia thành công trong chống dịch, không phải phong tỏa dân cư làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Dưới thời của tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc cam kết từ nay đến năm 2050 sẽ đạt mức không phát thải, bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ xanh.

Tuy nhiên, hồ sơ trọng tâm được thảo luận ở thượng đỉnh G7 là về tự do mậu dịch và tạo lập một mặt trận thống nhất chống lại đà bành trướng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Viện Thomas More, nhận định trong một bài viết trên Le Figaro"Hội nghị thượng đỉnh lần này phải là dịp để xác định lại chiến lược địa chính trị của phương Tây để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc".

Một nước khách mời khác là Úc đã đặt vấn đề G7 ủng hộ cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới theo hướng chống lại các hành vi "lấn lướt kinh tế" trong quan hệ thương mại quốc tế, một ám chỉ nhắm vào Trung Quốc trong những căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và Canberra. Có lẽ những đề xuất theo hướng như của Úc thích hợp với chương trình nghị sự và mục tiêu của thượng đỉnh G7 lần này.

Trong khi đó, Seoul luôn tỏ ra thận trọng khi tiếp cận các vấn đề liên quan tới Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc. Quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn diễn ra ổn định, ngoại trừ hồi năm 2017 có bị khuấy động chút ít sau vụ Seoul cho lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ trên đất Hàn Quốc.

Trong lần gặp tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước, ông Moon Jae-in đã khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ khi tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ chung tay với Hoa Kỳ vì "hòa bình và ổn định trong eo biển Đài Loan". Ngay lập tức Bắc Kinh cảnh cáo rằng Seoul không nên can dự vào chuyện này.

Nhiều nhà phân tích nhận thấy có nhiều lý do để các lãnh đạo Hàn Quốc tránh các tuyên bố mạnh mẽ thể hiện lập trường chống Trung Quốc, chia sẻ quan điểm với các đồng minh phương Tây. Trước hết phải cân nhắc lợi hại về kinh tế, thứ nữa là vì Seoul vẫn coi Bắc Kinh như là nhân tố có khả năng kiềm chế mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng về mặt đối nội, giới quan sát gần đây nhận thấy, chính quyền Moon đang bị áp lực khá lớn bởi tâm lý chống Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. "Trong kỳ bầu cử trong chưa đầy một năm tới, đảng cầm quyền phải chứng tỏ cho cử tri thấy họ có lập trường đủ kiên quyết để chống Trung Quốc", theo nhận định của Anthony Rinna, lãnh đạo nhóm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên và các mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc Sino-North Korea.

Ở hội nghị G7 lần này, có thể những nỗ lực mà tổng thống Moon Jae-in muốn thể hiện về sự đóng góp và vai trò quốc tế của Hàn Quốc sẽ trở nên lạc lõng, hay ít ra không hợp thời, cũng chỉ vì cái bóng Trung Quốc phủ kín bàn hội nghị. 

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Thượng đỉnh Canada : Rạn nứt trong khối G7

"Châu Âu sẵn sàng đương đầu với Donald Trump", là tựa chính trên trang nhất báo kinh tế Les Echos. Trên hồ sơ hạt nhân Iran và thương mại, Nhật, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý khó có thể san bằng những bất đồng với siêu cường số 1 thế giới là Mỹ. Libération chạy tít : "Charlevoix-Québec, thượng đỉnh G7 hay của nhóm G6+1" ?

g70

Thượng đỉnh G7 sẽ khai mạc ngày 08/06/2018 tại Charlevoix, Québec, Canada. Reuters/Yves Herman

Le Figaro đi thẳng vào vấn đề : Tại Québec, ông Trump đối mặt với 6 đối tác thương mại đang "phẫn nộ" , "tổng thống Mỹ đến Charlevoix trong thế thủ".

Cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Canada cùng kiện Hoa Kỳ áp thuế nhôm và thép. Quan hệ giữa Hoa Kỳ với nước chủ nhà G7 là Canada không mấy tốt đẹp vì ít nhất hai hồ sơ : thuế nhập khẩu nhôm và thép ; đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA trong bộ ba Mỹ - Canada - Mexico. Trên hồ sơ này "Mexico và Canada thành lập một mặt trận chung".

Sau hơn một năm tỏ thái độ mềm mỏng với Donald Trump, tuần qua thủ tướng Justin Trudeau chọn giải pháp đối đầu. Ottawa chuẩn bị công bố danh sách các mặt hàng của Mỹ bị đánh thuế nhập khẩu kể từ ngày 01/07/2018. Theo tiết lộ của Le Figaro, không dưới 120 sản phẩm "made in USA" đang trong tầm ngắm của Canada. Trong số này, phải kể đến sô cô la Mỹ, sốt cà chua, ngành đóng tàu và các hãng sản xuất máy giặt của Mỹ.

Tương tự Ottawa, Bruxelles cũng chọn giải pháp đối đầu với Washington. Les Echos ghi nhận : Với ngôn từ ngoại giao, phủ tổng thống Pháp báo trước là sẽ không ngần ngại "bày tỏ một cách cứng rắn và mạnh mẽ lập trường, vì quyền lợi của nước Pháp và Châu Âu". Tại Berlin, thủ tướng Merkel "sẵn sàng đương đầu với Trump", tựa của tờ báo.

Hai ngày trước G7 ở Canada, Liên Hiệp Châu Âu vừa đề nghị đánh thuế nhập khẩu nhắm vào 3 tỷ đô la hàng Mỹ bán sang Liên Âu. Bruxelles không chỉ phẫn nộ vì thuế nhôm thép của Mỹ, mà còn bất bình vì Washington rút lui khỏi hiệp định hạt nhân Iran, tăng cường các biện pháp trừng phạt Tehran, khiến các doanh nghiệp Châu Âu và cả của Mỹ, bị thiệt hại.

Putin mềm mỏng với Châu Âu

Mỹ càng đẩy các đồng minh vào chân tường, thì lại càng tạo cơ hội cho nước Nga phá vỡ thế cô lập. Áo sắp giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và tân chính quyền Ý chủ trương nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.

Le Monde trong bài viết mang tựa đề "Tại Vienna, Putin mềm như nhung" nhận xét : Vladimir Putin đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức lần thứ tư để đến thủ đô nước Áo, quốc gia không là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Tại đây, nguyên thủ Nga đã nhấn mạnh "Áo luôn là một đối tác truyền thống và đáng tin cậy" của Moskva. Putin cũng đã khéo léo tuyên bố "một khối Liên Hiệp Châu Âu thịnh vượng có lợi cho nước Nga, bởi Liên Âu là đối tác kinh tế số 1 của Nga".

Cách nay đúng nửa thế kỷ, Liên Bang Xô Viết đã ký hợp đồng khí đốt đầu tiên với một nước Tây Âu. Quốc gia đó chính là Áo và đến nay, Vienna vẫn là "một trung tâm phân phối khí đốt rất quan trọng của Nga tại Trung Âu".

Tình báo Mỹ thua Trung Quốc

Vào lúc Hải Quân Mỹ và Trung Quốc thách thức lẫn nhau ở Biển Đông, các cuộc đàm phán diễn ra tại Singapore và Bình Nhưỡng quyết định tương lai trên bán đảo Triều Tiên trong những thập niên tới, ngành tình báo của Hoa Kỳ là một "chiếc giỏ rách với quá nhiều lỗ hổng", không hơn không kém.

Đó là mở đầu bài báo trên Le Figaro nói về vụ thêm một điệp viên Mỹ làm việc cho Trung Quốc bị lột mặt nạ. Ngày 02/06/2018, một cựu quan chức trong ngành tình báo quân sự Mỹ, Ron Rockwell Hansen, 58 tuổi, bị bắt ngay tại phi trường Seatle Tacoma, khi sắp đáp máy bay đi Trung Quốc.

Nói thành thạo tiếng Nga và tiếng Hoa, Hansen biết rất rõ Trung Quốc từ đầu thập niên 1980, khi quốc gia này còn khép kín với phương Tây. Năm 2006, ông được chuyển sang cơ quan đặc trách về các hoạt động tình báo của quân đội Hoa Kỳ. Đội lốt một doanh nhân, Hansen đi Trung Quốc như đi chợ trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2017, và có nhiều đầu mối liên lạc với tình báo Bắc Kinh.

Hansen giải thích với Cục Điều Tra Liên Bang, ông "giả vờ" chơi trò hai mang để đánh lạc hướng thiên hạ. Nhưng cựu nhân viên tình báo Mỹ này khó có thể giải thích với các nhà điều tra về số tiền 800.000 đô la ông đã nhận được từ "một số các quan chức" Trung Quốc. Số tiền đó đã được dùng để thanh toán một món nợ khổng lồ của Hansen ở quê nhà... Khi bị bắt, đương sự giấu khóa USB trong bít-tất. Trong vali của Hansen, có nhiều tài liệu với những địa điểm nhậy cảm nơi quân đội Mỹ đặt các "đơn vị chống tin tặc".

Hansen không phải là trường hợp đầu tiên bị lột mặt nạ. Tháng Giêng 2018, một cựu sĩ quan tình báo Hoa Kỳ CIA, người Mỹ gốc Hoa, cũng đã bị bắt ở phi trường New York. Năm ngoái, một cựu nhân viên Bộ ngoại giao thú tội đã cung cấp tài liệu mật cho Bắc Kinh... Vẫn Le Figaro cho biết thêm : thất bại ê chề của tình báo Mỹ không chỉ liên quan đến "vị trí của các cơ sở quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, đến các căn cứ không quân và hải quân của Hoa Kỳ trong vùng, mà còn là để lộ danh tính những điệp viên chìm của Mỹ ở Trung Quốc giai đoạn 2010-2012".

Do một sự trùng hợp lạ kỳ, Hansen bị bắt tại Seatle đúng vào lúc tại Diễn đàn an ninh Châu Á Shangri La, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis, tố cáo Bắc Kinh triển khai tên lửa và vũ khí hạng nặng ở Trường Sa, "uy hiếp các nước láng giềng". Trung Quốc đáp trả : những cáo buộc đó của Washington là "vô trách nhiệm", nhưng tuyệt nhiên không bình luận về "hồi mới nhất của cuộc chiến tranh trong bóng tối" này.

Pháp và dự luật chống tin giả

Liên quan tới thời sự Pháp, vào lúc Quốc hội xem xét dự luật chống tin giả-fake news, Libération dự báo "sẽ có những cuộc tranh cãi sôi nổi" về một dự luận bị chỉ trích là quá mông lung, và đe dọa đến quyền tự do báo chí. Cụ thể hơn, chính phủ muốn đưa ra những công cụ kiểm duyệt fake news, bởi chúng là một "mối đe dọa đối với các nền dân chủ".

La Croix đặt câu hỏi : "Dự luật này liệu có bóp chết quyền tự do ngôn luận hay không" ? Theo quan điểm của giáo sư Arnaud Mercier, chuyên về khoa học thông tin tại Viện Báo Chí Pháp, câu trả lời là không, bởi văn bản được thảo luận ở Quốc hội định nghĩa rõ thế nào là "fake news" : kiểm duyệt nhắm vào những "tin giả với chủ đích đánh lừa và thao túng" công luận.

Nhưng như ghi nhận của chuyên gia này, nhược điểm lớn nhất của dự luật chống tin giả nằm ở chỗ, đây sẽ là một công cụ vô hiệu quả. Thứ nhất là về thời gian, từ khi một tin thất thiệt được tung ra cho đến khi vụ việc được đưa ra tòa xét xử, thì "mọi chuyện đã rồi". Thứ hai là câu hỏi : liệu tòa án có thời gian và khả năng để điều tra về tính xác thực của những thông tin được tung ra hay không. Kiểm chứng thông tin trước khi phổ biến là công việc của nhà báo, không phải là công việc của các quan tòa.

Sean Hannity, quân sư của Donald Trump ?

Mở lại tờ Le Figaro, độc giả tò mò muốn biết thêm về nhân vật "luôn thì thầm vào tai Donald Trump". Đó là ngôi sao truyền hình Sean Hannity trên đài Fox News : một người trung thành với tổng thống Mỹ và rất có uy tín với cử tri bảo thủ ở Hoa Kỳ. Chương trình truyền hình mang tên Hannity Show thu thút hơn 3 triệu khán giả. Đứng đầu trong số đó là tổng thống Hoa Kỳ thứ 45.

Theo tác giả bài viết, Hannity tối nào, sau 10 giờ, cũng gọi điện nói chuyện với người quyền lực nhất nước Mỹ. Họ nói chuyện với nhau khá lâu và rất tâm đắc. Tổng thống Mỹ, một mình trong căn phòng rộng thênh thang ở Nhà Trắng, cô đơn hơn ai hết, và ông cần có một người thân tín để nói chuyện cho khuây khỏa. Hannity là người lý tưởng để đóng vai trò này.

Ảnh hưởng của ngôi sao truyền hình Mỹ đối với nguyên thủ Hoa Kỳ lớn đến nỗi, các cố vấn của Donald Trump gọi Hannity là "ông chánh văn phòng trong bóng tối" của phủ tổng thống.

Một cựu cộng tác viên của tổng thống Trump mỉa mai : "Sean Hannity có hẳn một phòng làm việc ảo ở Nhà Trắng và ông ta là người gieo vào đầu Donald Trump những ý tưởng để rồi, các cộng tác viên của tổng thống Mỹ phải thực hiện cho bằng được những ý tưởng đó". Từ hồ sơ nhập cư đến thuế khóa, tự do tín ngưỡng, quyền mang súng… chỗ nào cũng có dấu ấn của Hannity.

Kim cương nhân tạo

Tập đoàn khai thác kim cương hàng đầu thế giới De Beers vừa quyết định sản xuất "xoàn nhân tạo". Tin trên làm chao đảo thị trường kim cương, đá quý toàn cầu. "Một bước ngoặt lịch sử" là nhận định của báo Les Echos. Hạt xoàn nhân tạo rẻ hơn kim cương tự nhiên rất nhiều. Xoàn tự nhiên, được bán ra với giá trung bình 8.000 đô la/ca-ra. Giá kim cương nhân tạo chỉ bằng 1/10.

Xoàn nhân tạo ra lò từ các phòng thí nghiệm được đặt ở thành phố Portland, miền tây bắc Hoa Kỳ. De Beers đã đầu tư 94 triệu đô la trong vòng 4 năm để trình làng một mặt hàng mới. Theo thẩm định của De Beers, hạt xoàn nhân tạo sẽ chiếm từ 1% đến 10 % thị trường kim cương thế giới, hiện ước tính lên tới 80 tỷ đô la.

Hãng De Beers nhấn mạnh đây là hai loại đá khác nhau, hai thị trường tách bạch. Phải mất hơn một tỷ năm mới có được xoàn tự nhiên. Còn kim cương nhân tạo là một "sản phẩm của công nghệ cao, là những viên đá xinh đẹp được dùng để làm quà cho vui". 70% thị trường kim cương toàn cầu do ba hãng De Beers của Anh, Alrosa của Nga và Rio Tinto của Úc kiểm soát.

Thanh Hà

Published in Quốc tế