Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bầu cử tổng thống Pháp 2022 : Macron-Le Pen, cuộc đối đầu của 2 nước Pháp

Sự kiện hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai vòng bỏ phiếu tối qua 20/04/2022 đã thu hút chú ý của toàn bộ các báo Pháp.

doidau1

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen và Emmanuel Macron. © AP/Daniel Cole/Laurent Cipriani/Montage RFI

Đây là điểm nhấn của cuộc bầu cử tổng thống, một sự kiện dân chủ quan trọng nhất của nền chính trị Pháp. Hai ứng cử viên vào chung kết đã tranh luận những vấn đề mà người dân Pháp quan tâm, giúp cử tri có những lựa chọn cuối cùng vào ngày bỏ phiếu Chủ nhật tới, quyết định ai sẽ lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm tới. 

Cuộc tranh luận gần 3 giờ đồng hồ kéo dài đến tận nửa đêm, nhưng các tờ báo giấy ra sáng nay vẫn đăng đầy đủ thông tin, hình ảnh, bài viết, bình luận về sự kiện.  

Lướt qua trang nhất các tờ báo chính có thể thấy ngay những nhận xét ban đầu về cuộc tranh luận trên truyền hình tối qua. Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Macron vượt trội, Le Pen kiềm chế được sốc" cùng với nhận xét : Cuộc tranh luận cho phép ứng viên – tổng thống mãn nhiệm thể hiện được kinh nghiệm và làm chủ các hồ sơ. Trong khi đó, trong thế thủ, đối thủ của ông đã tỏ ra thoải mái không như cuộc tranh luận tương tự hồi năm 2017. Le Figaro dành nhiều bài viết để phân tích mổ xẻ cuộc đối đầu giữa hai ứng viên trên nhiều vấn đề như sức mua của người dân, cải cách hưu trí, năng lượng, môi trường cho đến quan hệ với Nga, chiến tranh Ukraine.  

Nước Pháp chia rẽ sâu sắc 

Hầu hết các báo đều có chung nhận định cuộc đấu giữa hai ứng viên tối qua, không ai bị hạ đo ván, nhưng ưu thế nghiêng về phía tổng thống mãn nhiệm.  

Tuy nhiên Le Figaro nhận thấy trận lượt về của hai ứng viên, đã từng vào chung kết năm 2017, đã diễn ra trôi chảy, thoải mái nhưng không khoan nhượng nhau. Bởi vì chương trình tranh cử cũng như quan điểm của hai ứng viên trên mọi vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau mà xã luận của Le Figaro gọi là "hai nước Pháp đối mặt nhau"

Đằng sau những phát ngôn của hai nhân vật đang ngấp nghé chiếc ghế tổng thống Pháp, người ta thấy "một quốc gia bị chia cắt bởi vô số những đường biên giới". 

Xã luận Le Figaro kết luận : Sau cuộc tranh luận, đến thùng phiếu quyết định. Mọi chỉ dấu cho thấy người dân Pháp vẫn sẽ giữ ý định bỏ phiếu như ban đầu. Người chiến thắng sẽ có nhiệm vụ nặng nề, hòa hợp một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc.  

Nhật báo Libération chạy tựa ngắn gọn trên trang nhất bằng nhận xét : "Vẫn không đúng tầm". Tờ báo chê ứng viên của đảng cực hữu, bà Le Pen không nắm rõ các vấn đề, trong khi đó ứng viên tổng thống mãn nhiệm luôn tỏ cao ngạo và đối đầu tranh luận đã diễn ra gay gắt, có lúc dữ dội. Libération gọi cuộc tranh luận tối qua giữa Macron-Le Pen là cuộc "hội ngộ nảy lửa". 

"Nước Pháp khiến thế giới lo lắng"

Trong khi đó báo công giáo La Croix đề cập đến cuộc tranh luận ở góc độ quốc tế với bài xã luận : "Nước Pháp khiến thế giới lo lắng". Theo La Croix, "không chỉ có dân Pháp theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình tối thứ Tư. Những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp đã cuốn hút sự chú ý của tất cả những ai trên thế giới yêu chuộng dân chủ và hòa bình". Đặc biệt là đối với nước láng giềng Đức. Tờ báo trích dẫn ý kiến của một số nhà chính trị nổi tiếng ở Đức lo lắng về viễn cảnh bà Marine Le Pen có thể thắng cử và điều đó thành hiện thực sẽ là "tai họa dữ dội" . Mối lo lắng tương tự cũng xuất hiện trong dư luận ở Lebanon. Hay như, ngay cả nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny, đang ngồi tù, hôm qua cũng tung lên mạng xã hội lời kêu gọi dân Pháp hãy bỏ phiếu cho Emmanuel Macron.  

La Croix bình luận : "Điều quan trọng là phải lắng nghe những tiếng nói đó. Hơn cả số phận của một đất nước được định đoạt vào ngày Chủ nhật này. Mỗi người đều thấy rõ cái được mất với nước Pháp, đó là một ý tưởng về nền dân chủ".  

Trong vùng Donbass : Cuộc sống của người Ukraine dưới làn bom đạn

Chiến tranh Ukraine. Tình hình cuộc chiến vẫn hết sức căng thẳng nhưng vì sự kiện nóng tranh luận bầu cử Pháp được đẩy xuống vị trí thứ 2.  Tuy nhiên các báo đều dành nhiều trang bài theo dõi diễn biến xung quanh cuộc chiến.  

Le Figaro phản ánh qua bài ký sự "Trong vùng Donbass, cuộc sống của người Ukraine dưới làn bom đạn". Tờ báo mô tả cảnh tượng ngày cũng như đêm, tại thành phố Avdiivka, trong vùng miền Đông, đạn pháo có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Các tòa nhà trống không  tan tác vì trúng đạn. Còn rất ít người dân ở lại, thành phố nhỏ chỉ nằm cách Donetsk chưa đầy 10 km đang chờ đợi những cuộc tấn công lớn của quân Nga.

Trong bài viết mang tiêu đề : "Cuộc xung đột liệu có làm thay đổi luật lệ chiến tranh", tờ báo nhận thấy cuộc chiến tranh mà Nga đang tiến hành ở Ukraine đã vượt quá mọi giới hạn về  luật lệ nhân đạo cũng như quân sự với các hành vi thảm sát thường dân, hãm hiếp, trút bom đạn ồ ạt, vũ khí sử dụng không tuân thủ quy ước,  không phân biệt mục tiêu, trường học bệnh viện bị phá hủy… Moskva đang muốn áp đặt cuộc chiến tranh theo cách của họ không tuân theo luật lệ quốc tế nào.  

"Ukraine : Mariupol đang hấp hối"

Vẫn chủ đề chiến tranh Ukraine, báo Libération có bài "Ukraine : Mariupol đang hấp hối" để nói về những binh sĩ Ukraine cuối cùng đang cố thủ trong khu luyện kim Azovstal bị quân Nga bao vây từ nhiều ngày qua.  Mặc dù việc cứ điểm cuối cùng này, cũng như thành phố Mariupol thất thủ chỉ tính bằng giờ, nhưng cái tên Mariupol là biểu tượng của sự kháng cự của người Ukraine trước  đội quân xâm lược Nga.

Ngay từ ngày đầu cuộc chiến, thành phố cảng ở đông nam Ukraine này đã là mục tiêu đánh chiếm số 1 của quân Nga. Nhưng thành phố vẫn kháng cự suốt gần hai tháng qua, dưới bom đạn và vòng vây của quân Nga. Libération ghi nhận, dù kết cục của Mariupol thế nào thì nó cũng cho thấy sức kháng cự của người Ukraine thật phi thường.  Sức kháng cự đó là biểu tượng anh hùng trong cuộc chiến tranh phi lý này, nó càng cho thấy sự yếu kém của quân đội Nga.

Bài xã luận của Libération viết : "Ukraine càng kháng cự bao nhiêu cho dù bị đạn bom dữ dội tàn phá tan hoang thì đất nước này càng gây xúc động với các nước phương Tây, thúc đẩy các nước này thắt chặt thêm trừng phạt và tăng cường cung cấp vũ khí… càng khiến Ukraine thắt chặt thêm quan hệ với phương Tây". Liên quan đến việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhật báo La Croix có bài "Sự hỗ trợ quân sự không đủ từ phía phương Tây"

Bài viết cho thấy các đồng minh phương Tây đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vũ khí của Kiev. Phần vì kho dự trữ vũ khí Mỹ đang cạn, phần vì một số nước còn thận trọng đắn đo. Nguy cơ những ngày tới quân đội Ukraine sẽ không có đủ vũ khí đạn được để chống lại quân Nga trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh.  

Vũ khí đạn dược, nhu cầu cấp thiết sống còn

Tờ báo dẫn phát biểu của tổng thống Volodymyr Zelensky gửi đến các lãnh đạo phương Tây, hôm 19/04 vừa rồi : "Nếu Ukraine đã có được tất cả các vũ khí cần có, chiến tranh có lẽ đã kết thúc" và ông kêu gọi giúp được vũ khí đạn dược cho Ukraine là nghĩa vụ đạo đức của các nước giúp Ukraine bảo vệ tự do và cứu hàng nghìn sinh mạng người Ukraine. 

Lời kêu gọi đó cho thấy vũ khí đạn dược giờ là nhu cầu cấp thiết sống còn giúp Ukraine bước vào giai đoạn chiến tranh mới ở miền đông. Sức mạnh hỏa lực sẽ quyết định trận chiến để kiểm soát vùng Donbass. Quân đội Ukraine đang đứng trước nguy cơ thiếu vũ khí để chống chọi với một cuộc chiến tranh cường độ cao, hỏa lực mạnh ở miền Đông. 

Tờ báo ghi nhận, từ đầu cuộc chiến đến giờ các nước phương Tây đã nâng dần mức độ trợ giúp quân sự cho Ukraine. Từ súng trường, mũ sắt, túi cứu thương thiết bị truyền thông, tên lửa cơ động Stinger và Javelin, đến giờ các nước đồng minh đã bắt đầu mạnh dạn chuyển cho Kiev các loại vũ khí hạng nặng, đặc biệt là xe thiết giáp, pháo và trực thăng, và gần đây nữa là chiến đấu cơ. Hoa Kỳ đến nay đã thông báo viện trợ quân sự cho Ukraine lên đến 2,6 tỷ đô la, Anh cũng hứa viện trợ gần 600 triệu đô la vũ khí cho Ukraine. Các nước Đông Âu cũng sẵn sàng chuyển các loại vũ khí hạng nặng của mình cho Ukraine. Chỉ có Đức còn ngần ngại không muốn "đổ dầu vào lửa", từ chối chuyển cho Ukraine các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng hay xe bọc thép theo đề nghị của Ukraine. Pháp cũng đã viện trợ cho Ukraine nhiều trăm triệu euro nhưng vẫn kín đáo về các loại khí tài. 

Theo bài báo, nếu cuộc chiến ở miền đông kéo dài, hỗ trợ quân sự của phương Tây có nguy cơ không theo kịp tốc độ vì kho dự trữ bắt đầu bị thiếu hụt. Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã phải làm việc với các nhà chế tạo vũ khí Mỹ để tìm cách nâng công suất sản xuất vũ khí.  

Vẫn trong dòng thời sự chiến tranh Ukraine, nhật báo Les Echos quan tâm đến khía cạnh nhân đạo.  

5 triệu người rời đất nước, hơn 7 triệu sơ tán trong nước

Tờ báo cho biết số người Ukraine phải rời bỏ đất nước vì chiến tranh sau đúng 2 tháng đã vượt ngưỡng 5 triệu người, ngày hôm qua, 20/04, theo số liệu được Cơ quan Di dân Quốc tế của Liên hiệp Quốc. Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Phụ nữ và trẻ em chiếm tới 90% người tị nạn, vì đàn ông từ 18 đến 60 tuổi được huy động, không được quyền rời khỏi Ukraine. Cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận đã có 7,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa sơ tán ở trong nước. 

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Nước Pháp mong chờ cuộc đọ sức Macron-Le Pen

Nga tập trung tấn công vào Donbass và cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình Pháp giữa hai ứng viên lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống 2022 là 2 chủ đề được các nhật báo Pháp dành chú ý nhiều nhất vào hôm 20/04/2022.

dosuc1

Hai ứng viên tổng thống Pháp vào vòng 2 ngày 24/04/2022 : ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen.  © AP/Jean-Francois Badias/Daniel Cole/Montage RFI

Nhật báo thiên tả Libération có bài viết về cuộc chiến quyết định ở Donbass. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18/04 khẳng định Nga bắt đầu tấn công khu vực Donbass, ba tuần sau khi quân đội Nga rút khỏi khu vực Kiev. Ở mặt trận phía đông này, quân Nga có ý định tiến công một cách thận trọng hơn, còn quân Ukraine dường như đang chuẩn bị sẵn để đối phó và cầm cự. 

Mọi sự chú ý đang được dồn về Donbass khi nơi đây liên tục bị pháo kích. Chính tại khu vực tranh chấp này có hai nước cộng hòa ly khai thân Nga là Donetsk và Lugansk, tự tuyên bố độc lập vào năm 2014 và được tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận 3 ngày trước cuộc xâm lược Ukraine. Việc tổng thống Zelensky tuyên bố rằng quân đội Nga đã bắt đầu cuộc chiến giành Donbass dường như đánh dấu việc cuộc chiến này chính thức bước vào giai đoạn hai. 

Điều này đã được dự báo từ ba tuần trước, kể từ khi các lực lượng Nga rút khỏi khu vực Kiev và điện Kremlin thông báo rằng Moskva muốn "tập trung vào phía đông Ukraine". Ba tuần mà những người dân ở khu vực này phải sống trong sự lo lắng và sợ hãi. Nhiều người trong số họ đã sơ tán, nhưng vẫn còn một số lượng lớn không thể rời đi do các hành lang nhân đạo đã bị tắc nghẽn trong ba ngày do Kiev và Moskva không tìm được thỏa thuận hoặc do bom rơi khiến họ không thể sơ tán. 

Người dân từ chối rời khỏi khu vực có chiến sự 

Cùng chủ đề, nhật báo Le Monde có bài viết nói cụ thể về những người dân Ukraine bị kẹt lại trong khu vực. 

Tại các ngôi làng nằm ở trọng tâm của khu vực bị quân Nga oanh kích, người dân vẫn quyết định ở lại, như thể bị choáng váng trước cảnh tượng kinh hoàng này. Tại Yatskivka, nới có cánh rừng thông lộng lẫy và yên ả, hàng loạt tiếng nổ khủng khiếp, đinh tai nhức óc vang lên. Ẩn mình trong rừng, lực lượng pháo binh Ukraine nã pháo tới tấp vào quân đội Nga đang từ khu vực Kharkiv tiến vào Donbass. 

Khu vực này đã thường xuyên bị bắn phá từ hơn một tháng qua. Tất cả những ngôi nhà ở đây dường như không còn ở được, đường ray tàu hỏa bị đứt gẫy, uốn cong. 

Một người phụ nữ tên Liudmila khóc nức nở cho biết : "Tôi còn hai năm nữa mới về hưu, tôi đã làm việc 28 năm trong ngành đường sắt. Các chuyến tàu của Nga luôn đi qua đây, kể cả hai tháng trước". Ngôi nhà của bà nằm ở gần đường sắt đã bị bom phá hủy. Lioudmila nói thêm : "Chúng tôi ngủ trong hầm hàng đêm kể từ khi chiến tranh nổ ra. Bỏ đi không phải là một giải pháp thích hợp, con chó của tôi và những con mèo của tôi vẫn ở đây, tôi không thể bỏ rơi chúng. Và tôi chỉ có vườn rau của mình để tồn tại". 

Xa hơn một chút, một cặp vợ chồng ở độ tuổi sáu mươi đang bận rộn dọn dẹp một ngôi nhà lớn với những bức tường nứt. Bà Alla tâm sự : "Chúng tôi không có ga, điện, nước hay bất cứ thứ gì". Còn chồng bà, ông Pavel thì đơn giản cảm thấy rất vui vì đã sống sót. Họ cho biết : "Tên lửa, đạn pháo liên tục dội qua đầu chúng tôi, và chúng tôi không biết ngày mai sẽ mang lại điều gì !" 

Kể từ năm 2014, hồi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đã có một phong trào nổ ra ở bộ phận những người dân từ chối sơ tán bất chấp các cuộc oanh tạc thường trực. Những người này được gọi là lyudi-kusky. Họ như thể cắm rễ trong ngôi nhà của mình và không muốn có bất kỳ sự di chuyển nào, dù chỉ là tạm thời. Kể từ đầu tháng, chính quyền Ukraine đã kêu gọi người dân ở Donbass tìm kiếm nơi ẩn náu xa hơn về phía tây. Các phương tiện đi lại và chỗ ở miễn phí được cung cấp bởi các cơ quan công quyền và các tổ chức phi chính phủ. 

Mối lo về sự gia tăng của nạn buôn người dọc theo các tuyến đường sơ tán 

Le Monde tiếp tục nói về việc trong bối cảnh đã có hơn 4,9 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đang cảnh báo về các mạng lưới tội phạm có thể tìm cách lợi dụng lòng tin của những di dân đang gặp hoạn nạn, đặc biệt là phụ nữ để có những ý đồ bất chính. 

Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, lợi dụng sự hỗn loạn đang ngự trị tại đồn biên giới Sighetu Marmatiei (phía tây bắc Romania), một tài xế từng bị kết án về tội buôn người, đã bị cảnh sát Romania bắt giữ khi y đang cố thuyết phục hai phụ nữ trẻ đang bị bối rối lên xe mình. Thời gian gần đây trong một trại tị nạn ở miền bắc Romania, một người đàn ông khác đã hứa đưa ba cô gái trẻ đến Ý và tạo cho họ một tương lai tốt đẹp hơn, trước khi ý anh ta bị các nhân viên ở đó tố giác. 

Vào ngày 12/04 vừa qua, Cao ủy Liên Hiệp Quốc đã viết trong một thông cáo báo chí rằng họ đã cảnh báo những người tị nạn trước những rủi ro họ có thể gặp phải khi sơ tán và phải đề cao cảnh giác trước những lời đề nghị cung cấp chỗ ở, hỗ trợ đi lại miễn phí hoặc tìm việc làm cho họ. 

Một số phụ nữ sau khi được các gia đình cho ăn ở miễn phí sẽ dần dần phải làm những việc như coi sóc nhà cửa, vườn tược, chuẩn bị bữa ăn, giúp việc nhà, và điều này sẽ dần biến thành lao động cưỡng bức. Geneviève Colas, điều phối viên của hiệp hội chống nạn buôn người Secours Catholique nhấn mạnh rằng đó là một hiện tượng rất khó phát hiện và định lượng, rằng đây đôi khi là một dạng vùng xám giữa "giúp đỡ chủ nhà" và "trở thành nô lệ". Ở nông thôn, chính việc sử dụng lao động giá rẻ này vào công việc nông nghiệp đã khơi dậy tinh thần cảnh giác của các hiệp hội nhân đạo. 

Theo thống kê của Hội đồng Châu Âu và Unicef, hơn 90% những người tị nạn rời Ukraine là phụ nữ và trẻ em. 

Ngày 09/05 sẽ có vai trò như thế nào ? 

Quay trở lại tình hình chiến sự, nhật báo công giáo La Croix có bài viết nói về ngày 09/05 tới có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến. 

Một số nhà phân tích, bao gồm nhà sử học quân sự Michel Goya cho rằng tổng thống Putin muốn thành công trước cuộc duyệt binh ngày 09/05 ở Moskva. Đây là ngày kỷ niệm phát xít Đức đầu hàng, được ký vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, lúc 11:01 tối tại Berlin, tức là là 1:01 sáng ngày 9 tháng 5 theo giờ Moskva. Nhân dịp này, Vladimir Putin có thể tuyên bố với công chúng đã chiếm được Mariupol và phần lớn Donbass như một chiến thắng lớn. Cũng đối với ông Goya, cho dù quân đội Nga không tiếp quản được hoàn toàn Donbass, thì ngày này cũng sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến, có lẽ dưới hình thức ngừng bắn. 

Nhiều chuyên gia khác thì tỏ ra bi quan hơn khi họ cho rằng ông Putin chừng nào chưa chiếm được Donbass sẽ không ngưng cuộc chiến. 

Liên Âu vẫn lưỡng lự về việc cấm vận khí đốt Nga 

Báo Les Echos có bài nói về các trừng phạt Liên Âu áp dụng nhắm vào Nga. Đầu tiên là than, sau đó là dầu, và cuối cùng là khí đốt. Trong những ngày gần đây, chiến lược trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đối với Nga đã trở nên rõ ràng hơn. Cấm vận than là điều dễ nhất. EU sau đó đã nhanh chóng nhất trí việc cấm vận dầu của Nga. 

Tuy nhiên đối với khí đốt, việc thực thi lệnh cấm vận dường như vẫn chưa được quyết định bởi một số quốc gia như Đức vẫn rất phụ thuộc vào nguồn cung của Gazprom. Đây có thể sẽ là bước thứ ba và bước cuối cùng trong các biện pháp trừng phạt mà Liên Âu áp dụng nhắm vào Nga trong lĩnh vực năng lượng. 

Nước Pháp mong chờ cuộc đọ sức Macron-Le Pen 

Chủ đề còn lại được các nhật báo quan tâm là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng viên đã lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 là ông Emmanuel Macron, tổng thống mãn nhiệm và bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN). 

Nhật báo Les Echos có bài viết nói về "trận đấu lượt về" đầy rủi ro, khi hai ứng viên sẽ lại một lần nữa đụng độ nhau ở "sân đấu" cách đây 5 năm. 

Vẫn là những gương mặt cũ, nhưng bối cảnh của cuộc tranh luận giữa hai vòng bầu cử tổng thống này rất khác so với năm 2017. Bởi giờ đây ông Macron là tổng thống mãn nhiệm chứ không chỉ là một ứng viên đơn thuần và ông sẽ phải bảo vệ những thành quả đã đạt được trong 5 năm cầm quyền của mình. 

Là người chiến thắng trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận với khoảng cách thậm chí còn được gia tăng trong những ngày gần đây, uy tín của tổng thống Macron rõ ràng vẫn rất cao, giống như cách đây 5 năm. Nhưng kết quả của song đấu lần này hứa hẹn sẽ sít sao hơn nhiều. Theo OpinionWay-Kéapartners, ông Macron được tín nhiệm với 56% số phiếu. 

Tỷ lệ vắng mặt sẽ là một câu hỏi lớn 

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro đặt câu hỏi, liệu người dân có ồ ạt đi bầu vào Chủ nhật tới hay không ? 

Nhiều người cảm thấy chán nản khi không còn muốn bỏ phiếu "chống lại" ứng viên họ ít có thiện cảm. Điều này sẽ khiến họ bỏ phiếu trắng hoặc thậm chí là không đi bỏ phiếu. 

Kịch bản này đã xảy ra vào năm 2017. Sau khi ông Macron và bà Le Pen vào vòng hai, tỷ lệ phiếu trắng đã tăng từ 22,23% ở vòng một lên mức kỷ lục 25,44% ở vòng hai. Đổi lại vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, người Pháp đã ồ ạt đi bỏ phiếu cho tổng thống Jacques Chirac ở vòng hai để chống lãnh đạo đảng cực hữu thời đó là ông Jean-Marie Le Pen, cha của Marine Le Pen. 

Năm nay, lịch sử có thể lặp lại. Nhận thức rõ xu hướng này, cả hai bên đều đang nỗ lực điều động những người ủng hộ mình. Bà Marine Le Pen tăng cường các chuyến đi đến những vùng ủng hộ bà, còn ông Macron thì khiêm tốn nhấn mạnh rằng vẫn chưa có gì ngã ngũ mặc dù ông đang bỏ khá xa bà Le Pen theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận.

Phan Minh

Published in Quốc tế

Tranh luận Macron-Le Pen : Cuộc đụng độ giữa oán hận và lý trí

macron1

Hai ứng cử viên Emmanuel Macron (t) và Marine Le Pen REUTERS/Christian Hartmann

"Cãi cọ ầm ĩ", "tranh cãi hỗn loạn", "đấu khẩu dữ dội", "cận chiến", "giành giật từng câu chữ" hay "vũng bùn không lối thoát"… là những từ ngữ mà nhiều báo Pháp dành để mô tả cuộc tranh luận lịch sử hôm qua, 03/05/2017, giữa hai ứng cử viên lọt vào chung kết cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron và Marine Le Pen. Ai là người chiến thắng ? Giới quan sát nghiêng về Emmanuel Macron. Về cuộc tranh luận tối hôm qua, tờ Le Figaro thiên hữu có bài xã luận : "Nỗi oán giận và sự tỉnh táo".

Theo Le Figaro, "chỉ sau không đầy 5 phút, người coi đã có thể hiểu rằng đây sẽ là cuộc tranh luận dữ dội nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống (Pháp). So với cuộc tranh luận này, thì các cuộc song đấu giữa Giscard d'Estaing và Mitterrand năm 1974, hay Chirac-Mitterrand năm 1988 chỉ là những tranh cãi dễ chịu trong phòng trà. Còn lần này, mọi thứ đều dữ dội, gây tan nát, thậm chí gây ngao ngán. Hiển nhiên trong chuyện này, bà Marine Le Pen là người có trách nhiệm trước nhất, bởi bà ấy là người đã khởi đầu cuộc chơi với chiến lược mở đường bằng xe tăng, hỏa lực mở về mọi hướng, nói chung là hết sức hỗn loạn, đến mức khó mà gọi cuộc khẩu chiến hôm qua là tranh luận".

Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh rằng : "cần lưu ý là diễn biến dữ dội nói trên đã phản ánh chính cái thời đại mà chúng ta đang sống. Tình hình hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống cuối thế kỷ XX. Giờ đây, thay cho tâm trạng chán nản là những nỗi oán hận ghê gớm, những nỗi sợ sâu sa. Đây là những tình cảm được ghi nhận trong suốt giai đoạn tranh cử hỗn loạn vừa qua. Ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia ở đó để bày tỏ những tình cảm ấy, với một phong cách dữ dội, mà không hề chứng tỏ bà có đủ tư cách để đảm nhiệm cương vị nguyên thủ quốc gia".

Tờ báo nhận xét : "Bà Marine Le Pen đã rất mù mờ trong vấn đề nguồn ngân sách chi trả cho các cam kết tranh cử, và thậm chí trở nên rất kỳ quặc khi nói về dự án đưa nước Pháp rời khỏi euro, trở lại với đồng franc, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng đồng euro trong một số giao dịch. Dự án rời euro bị tất cả những người có tiền gửi tiết kiệm, người về hưu, giới doanh nhân, nhỏ, lớn hay vừa, coi là một sự điên rồ. Và trong buổi tranh luận hôm qua, chính Marine Le Pen cũng tỏ ra không tin tưởng vào điều này. Về vấn đề này, Emmanuel Macron đã không quá khó khăn để chứng tỏ ưu thế của lý trí".

Tuy nhiên, Le Figaro cảnh báo, "cho dù đắc cử tổng thống ngày Chủ nhật tới, và điều này là chắc chắn, thì lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! cũng cần phải tính đến thái độ của gần một nửa dân Pháp (gồm những người cực hữu và cực tả), đã trở nên oán hận, sau bao nhiêu thất bại của nhiều đời chính phủ. Nhiệm vụ của ông Macron là tự do hóa nền kinh tế Pháp và ngừng tiếp điện cho cỗ máy sản xuất nạn thất nghiệp, vận hành từ 30 năm nay. Bên cạnh đó, việc trở lại với trật tự của nền cộng hòa, cuộc chiến chống nhập cư và trận đấu không khoan nhượng chống khủng bố". Và trong trường hợp các nỗ lực nói trên thất bại, "thật khó mà dám hình dung điều gì sẽ diễn ra trong cuộc tranh luận tổng thống năm 2022…".

Cuộc đấu không cùng đẳng cấp

Thử thách không dễ dàng với cả hai đối thủ trong cuộc tranh luận lịch sử hôm qua, 03/05/2017. Lần đầu tiên trong lịch sử nền Cộng Hòa V của Pháp, một ứng cử viên lọt vào vòng hai chấp nhận tranh luận trực tiếp với ứng cử viên cực hữu. Trong khi đó, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, với tỉ lệ ủng hộ thấp hơn nhiều theo các thăm dò dư luận, chọn phương cách tấn công làm chính, nhắm vào đối thủ Emmanuel Macron, người được coi là nắm chắc nhiều hồ sơ về kinh tế, sau nhiều năm làm việc trong chính phủ.

Giới quan sát nghiêng về Emmanuel Macron. Tờ Libération thiên tả nhận xét : "Rõ ràng, (bà Le Pen) không ở cùng đẳng cấp. Nếu gạt qua một bên các nguy cơ gắn liền với dự án của ứng cử viên này, hay những kỳ thị mà bà Le Pen áp đặt cho những người nhập cư, nếu chỉ đơn giản xem xét mức độ nắm vững hồ sơ, độ hợp lý của các tính toán tài chính, độ vững chắc của các đề nghị, tóm lại trong một từ, đó là chất lượng của các lập luận, thì có thể nói rằng ứng cử viên Marine Le Pen chỉ xứng đáng với một cuộc chơi ở hạng hai".

"Rõ ràng có nhiều điều để nói về các dự án của Emmanuel Macron, về khả năng thực hiện, về hiệu quả, về các hệ quả tồi tệ có thể xảy ra". Tuy nhiên, theo Libération, "không thể bằng cách tấn công như vậy. Không thể tấn công đối phương với cùng một trọng pháo bắn một cách ngẫu nhiên như vậy, cùng với một loại đạn như vậy, với cách lập luận thô thiển như vậy... Dựa chặt vào các hồ sơ mang theo, bám vào các khẩu hiệu tranh cử, lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia liên tục nã đạn trong suốt hai giờ đồng hồ, ắt hẳn do bị ám ảnh bởi 10 điểm thua kém theo các thăm dò dư luận".

Chiếc bẫy khẩu chiến

Báo kinh tế Les Echos cũng thừa nhận : "Macron đã trả đũa hiệu quả trước các đòn tấn công của Le Pen". Theo nhà bình luận Grégoire Poussielgue của Les Echos, ứng cử viên phong trào Tiến Bước ! đã thành công trong việc "kéo cuộc tranh luận về những vấn đề căn bản", "không bị rơi vào chiếc bẫy cãi vã mà đối thủ giương ra". Ông đã thành công trong việc đứng vững trên những vấn đề căn bản, để "lên án tính chất rỗng tuếch trong cương lĩnh của đối thủ».

Trong phần đầu của cuộc tranh luận về kinh tế, luật lao động, sức mua, ứng viên Tiến Bước ! "đã tỏ ra vượt trội". Trong lúc đối thủ không ngừng kéo ông về kết quả của nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ mãn nhiệm, mà ông từng tham gia một thời gian, thì Macron đã lần lượt trình bày các sáng kiến chính trong cương lĩnh của mình, nhanh chóng đặt bà Le Pen vào tình thế khó xử, trước hết trong vấn đề hai tập đoàn SFR và Alstom, khi cáo buộc đối thủ đã lẫn lộn các hồ sơ này.

Cũng tương tự như trong các chủ đề an ninh, hay đồng euro, Emmanuel Macron liên tục ở thế thượng phong, sử dụng thời gian để trình bày rõ quan điểm và các đề xuất của ông, sửa lại những điểm không chính xác trong luận điểm của đối thủ, "với nguy cơ đôi khi tỏ ra giống với một giáo viên đang giảng bài". Tuy nhiên, Les Echos nhấn mạnh điều quan trọng là Macron đã trụ vững trong các vấn đề căn bản, không để bị lôi vào những chuyện vụn vặt.

Bỏ phiếu vòng hai : "Chỉ số tình yêu" rất thấp

Bình luận về cuộc bỏ phiếu tổng thống Pháp vòng hai Chủ Nhật tới, Le Monde có bài "Lá cờ của chủ nghĩa định mệnh lơ lửng trên các hòm phiếu". Việc hai ứng cử viên không thuộc các đảng phái chính trị truyền thống lọt vào vòng hai là một sự kiện chưa từng thấy, được giới quan sát ghi nhận nhiều. Tuy nhiên, điều mà phân tích của Le Monde nhấn mạnh là tỉ lệ ủng hộ thực sự, hay nói cách khác "chỉ số tình yêu" (côte d’amour) đối với hai ứng cử viên vào chung kết hết sức thấp.

Một phần hai số cử tri bầu cho hai ứng cử viên là ở trong thế phải buộc phải chọn, vì không còn ai khả dĩ hơn. Cụ thể là, trong số những người từng bầu cho lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Melenchon ở vòng một, 48% dự định sẽ bầu cho ông Macron trong vòng hai. Nhưng có đến hơn 90% trong số những người này sẽ bỏ phiếu theo kiểu miễn cưỡng, bỏ phiếu chỉ để chống lại lãnh đạo cực hữu, mà có đến 59% người Pháp rất ghét.

Tình trạng này để ngỏ viễn cảnh rất dễ trở thành hiện thực, đó là "tổng thống tương lai sẽ bắt đầu nhiệm kỳ trong một không khí tin tưởng hết sức thấp, và một sự độ lượng rất có giới hạn của dân chúng".

Quốc Hội Pháp : Tiến bước ! có thể có đa số

Về viễn cảnh cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp vào tháng 6 tới. Theo một thăm dò dư luận của Opinion Way, cho báo Les EchosRadio Classique, thì cho dù không khí tin tưởng thấp, cử tri Pháp vẫn có xu hướng sẽ dành một đa số trong Quốc hội cho tổng thống Emmanuel Macron, nếu ông đắc cử.

Phong trào Tiến Bước sẽ giành được từ 249 đến 286 ghế (tức suýt soát với đa số tuyệt đối 290). Cánh hữu và cánh trung (LR và UDI) sẽ được từ 200 đến 210 ghế. Đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia được từ 15 đến 25 ghế, đủ để lập một nhóm tại Quốc Hội. Đảng Xã Hội trong tình trạng tả tơi sẽ chỉ còn 28 đến 43 ghế. Mặt Trận Cánh Tả, 6 đến 8 ghế.

Điều tra của Opinion dựa trên giả thuyết mỗi phong trào chính trị hay đảng phái cử đủ số ứng cử viên.

Joseph Stiglitz : "Thay đổi chủ nghĩa tư bản để chiến thắng chủ nghĩa mị dân"

Bình luận về cuộc tranh cử tổng thống Pháp đang diễn ra, giải Nobel kinh tế người Mỹ Joseph Stiglitz nhận xét : "Cho dù chiến thắng của Emmanuel Macron tại Pháp là nằm trong tầm tay, nhưng những người bảo vệ cuộc toàn cầu hóa cũng sẽ không thể mở sâm banh ăn mừng". "Cần phải thay đổi chủ nghĩa tư bản để chiến thắng chủ nghĩa mị dân" là tựa bài nhận định của Joseph Stiglitz trên báo Les Echos.

Theo nhà kinh tế học Mỹ, phong trào bảo hộ mậu dịch lan ra khắp mọi nơi trên thế giới. Một bộ phận công luận cho rằng năng lực quản trị quốc gia yếu kém của tổng thống dân túy Mỹ Donald Trump, thể hiện qua 100 ngày cầm quyền đầu tiên, chẳng hạn có thể khiến quả bóng dân túy xì hơi tại nhiều quốc gia khác. Và cử tri Mỹ từng bầu cho ông Donald Trump chắc chắc sẽ phải đối mặt với thực tế cuộc sống khó khăn trong bốn năm tới. "Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi tin tưởng rằng tâm trạng đối kháng với trào lưu toàn cầu hóa sẽ sụt giảm".

Joseph Stiglitz dự đoán : nếu các nền dân chủ tự do ở các quốc gia phát triển vẫn duy trì nguyên trạng như hiện nay, những người lao động là nạn nhân của cuộc toàn cầu hóa sẽ tiếp tục cảm thấy bị gạt ra bên lề, nhiều người sẽ tiếp tục tin tưởng là các lãnh đạo như Donald Trump, hay Marine Le Pen ủng hộ họ.

Theo nhà kinh tế Mỹ, các quốc gia Bắc Âu đã hiểu được điều này từ rất sớm. Họ hiểu rằng mở cửa là chìa khóa của tăng trưởng nhanh chóng và thịnh vượng. Thế nhưng, "để xã hội tiếp tục mở cửa và dân chủ, người dân phải tin tưởng là chính quyền đã nỗ lực làm mọi thứ để bảo vệ các công dân của mình. Nhà nước phúc lợi hay Nhà nước bảo trợ là một phần không thể tách rời khỏi thành công của các nước Bắc Âu. Hoa Kỳ và phần còn lại của Châu Âu cần hiểu điều này".

Trọng Thành

Published in Quốc tế