Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/04/2022

Điểm báo Pháp - Macron-Le Pen, cuộc đối đầu của 2 nước Pháp

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Pháp 2022 : Macron-Le Pen, cuộc đối đầu của 2 nước Pháp

Sự kiện hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai vòng bỏ phiếu tối qua 20/04/2022 đã thu hút chú ý của toàn bộ các báo Pháp.

doidau1

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen và Emmanuel Macron. © AP/Daniel Cole/Laurent Cipriani/Montage RFI

Đây là điểm nhấn của cuộc bầu cử tổng thống, một sự kiện dân chủ quan trọng nhất của nền chính trị Pháp. Hai ứng cử viên vào chung kết đã tranh luận những vấn đề mà người dân Pháp quan tâm, giúp cử tri có những lựa chọn cuối cùng vào ngày bỏ phiếu Chủ nhật tới, quyết định ai sẽ lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm tới. 

Cuộc tranh luận gần 3 giờ đồng hồ kéo dài đến tận nửa đêm, nhưng các tờ báo giấy ra sáng nay vẫn đăng đầy đủ thông tin, hình ảnh, bài viết, bình luận về sự kiện.  

Lướt qua trang nhất các tờ báo chính có thể thấy ngay những nhận xét ban đầu về cuộc tranh luận trên truyền hình tối qua. Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Macron vượt trội, Le Pen kiềm chế được sốc" cùng với nhận xét : Cuộc tranh luận cho phép ứng viên – tổng thống mãn nhiệm thể hiện được kinh nghiệm và làm chủ các hồ sơ. Trong khi đó, trong thế thủ, đối thủ của ông đã tỏ ra thoải mái không như cuộc tranh luận tương tự hồi năm 2017. Le Figaro dành nhiều bài viết để phân tích mổ xẻ cuộc đối đầu giữa hai ứng viên trên nhiều vấn đề như sức mua của người dân, cải cách hưu trí, năng lượng, môi trường cho đến quan hệ với Nga, chiến tranh Ukraine.  

Nước Pháp chia rẽ sâu sắc 

Hầu hết các báo đều có chung nhận định cuộc đấu giữa hai ứng viên tối qua, không ai bị hạ đo ván, nhưng ưu thế nghiêng về phía tổng thống mãn nhiệm.  

Tuy nhiên Le Figaro nhận thấy trận lượt về của hai ứng viên, đã từng vào chung kết năm 2017, đã diễn ra trôi chảy, thoải mái nhưng không khoan nhượng nhau. Bởi vì chương trình tranh cử cũng như quan điểm của hai ứng viên trên mọi vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau mà xã luận của Le Figaro gọi là "hai nước Pháp đối mặt nhau"

Đằng sau những phát ngôn của hai nhân vật đang ngấp nghé chiếc ghế tổng thống Pháp, người ta thấy "một quốc gia bị chia cắt bởi vô số những đường biên giới". 

Xã luận Le Figaro kết luận : Sau cuộc tranh luận, đến thùng phiếu quyết định. Mọi chỉ dấu cho thấy người dân Pháp vẫn sẽ giữ ý định bỏ phiếu như ban đầu. Người chiến thắng sẽ có nhiệm vụ nặng nề, hòa hợp một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc.  

Nhật báo Libération chạy tựa ngắn gọn trên trang nhất bằng nhận xét : "Vẫn không đúng tầm". Tờ báo chê ứng viên của đảng cực hữu, bà Le Pen không nắm rõ các vấn đề, trong khi đó ứng viên tổng thống mãn nhiệm luôn tỏ cao ngạo và đối đầu tranh luận đã diễn ra gay gắt, có lúc dữ dội. Libération gọi cuộc tranh luận tối qua giữa Macron-Le Pen là cuộc "hội ngộ nảy lửa". 

"Nước Pháp khiến thế giới lo lắng"

Trong khi đó báo công giáo La Croix đề cập đến cuộc tranh luận ở góc độ quốc tế với bài xã luận : "Nước Pháp khiến thế giới lo lắng". Theo La Croix, "không chỉ có dân Pháp theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình tối thứ Tư. Những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp đã cuốn hút sự chú ý của tất cả những ai trên thế giới yêu chuộng dân chủ và hòa bình". Đặc biệt là đối với nước láng giềng Đức. Tờ báo trích dẫn ý kiến của một số nhà chính trị nổi tiếng ở Đức lo lắng về viễn cảnh bà Marine Le Pen có thể thắng cử và điều đó thành hiện thực sẽ là "tai họa dữ dội" . Mối lo lắng tương tự cũng xuất hiện trong dư luận ở Lebanon. Hay như, ngay cả nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny, đang ngồi tù, hôm qua cũng tung lên mạng xã hội lời kêu gọi dân Pháp hãy bỏ phiếu cho Emmanuel Macron.  

La Croix bình luận : "Điều quan trọng là phải lắng nghe những tiếng nói đó. Hơn cả số phận của một đất nước được định đoạt vào ngày Chủ nhật này. Mỗi người đều thấy rõ cái được mất với nước Pháp, đó là một ý tưởng về nền dân chủ".  

Trong vùng Donbass : Cuộc sống của người Ukraine dưới làn bom đạn

Chiến tranh Ukraine. Tình hình cuộc chiến vẫn hết sức căng thẳng nhưng vì sự kiện nóng tranh luận bầu cử Pháp được đẩy xuống vị trí thứ 2.  Tuy nhiên các báo đều dành nhiều trang bài theo dõi diễn biến xung quanh cuộc chiến.  

Le Figaro phản ánh qua bài ký sự "Trong vùng Donbass, cuộc sống của người Ukraine dưới làn bom đạn". Tờ báo mô tả cảnh tượng ngày cũng như đêm, tại thành phố Avdiivka, trong vùng miền Đông, đạn pháo có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Các tòa nhà trống không  tan tác vì trúng đạn. Còn rất ít người dân ở lại, thành phố nhỏ chỉ nằm cách Donetsk chưa đầy 10 km đang chờ đợi những cuộc tấn công lớn của quân Nga.

Trong bài viết mang tiêu đề : "Cuộc xung đột liệu có làm thay đổi luật lệ chiến tranh", tờ báo nhận thấy cuộc chiến tranh mà Nga đang tiến hành ở Ukraine đã vượt quá mọi giới hạn về  luật lệ nhân đạo cũng như quân sự với các hành vi thảm sát thường dân, hãm hiếp, trút bom đạn ồ ạt, vũ khí sử dụng không tuân thủ quy ước,  không phân biệt mục tiêu, trường học bệnh viện bị phá hủy… Moskva đang muốn áp đặt cuộc chiến tranh theo cách của họ không tuân theo luật lệ quốc tế nào.  

"Ukraine : Mariupol đang hấp hối"

Vẫn chủ đề chiến tranh Ukraine, báo Libération có bài "Ukraine : Mariupol đang hấp hối" để nói về những binh sĩ Ukraine cuối cùng đang cố thủ trong khu luyện kim Azovstal bị quân Nga bao vây từ nhiều ngày qua.  Mặc dù việc cứ điểm cuối cùng này, cũng như thành phố Mariupol thất thủ chỉ tính bằng giờ, nhưng cái tên Mariupol là biểu tượng của sự kháng cự của người Ukraine trước  đội quân xâm lược Nga.

Ngay từ ngày đầu cuộc chiến, thành phố cảng ở đông nam Ukraine này đã là mục tiêu đánh chiếm số 1 của quân Nga. Nhưng thành phố vẫn kháng cự suốt gần hai tháng qua, dưới bom đạn và vòng vây của quân Nga. Libération ghi nhận, dù kết cục của Mariupol thế nào thì nó cũng cho thấy sức kháng cự của người Ukraine thật phi thường.  Sức kháng cự đó là biểu tượng anh hùng trong cuộc chiến tranh phi lý này, nó càng cho thấy sự yếu kém của quân đội Nga.

Bài xã luận của Libération viết : "Ukraine càng kháng cự bao nhiêu cho dù bị đạn bom dữ dội tàn phá tan hoang thì đất nước này càng gây xúc động với các nước phương Tây, thúc đẩy các nước này thắt chặt thêm trừng phạt và tăng cường cung cấp vũ khí… càng khiến Ukraine thắt chặt thêm quan hệ với phương Tây". Liên quan đến việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhật báo La Croix có bài "Sự hỗ trợ quân sự không đủ từ phía phương Tây"

Bài viết cho thấy các đồng minh phương Tây đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vũ khí của Kiev. Phần vì kho dự trữ vũ khí Mỹ đang cạn, phần vì một số nước còn thận trọng đắn đo. Nguy cơ những ngày tới quân đội Ukraine sẽ không có đủ vũ khí đạn được để chống lại quân Nga trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh.  

Vũ khí đạn dược, nhu cầu cấp thiết sống còn

Tờ báo dẫn phát biểu của tổng thống Volodymyr Zelensky gửi đến các lãnh đạo phương Tây, hôm 19/04 vừa rồi : "Nếu Ukraine đã có được tất cả các vũ khí cần có, chiến tranh có lẽ đã kết thúc" và ông kêu gọi giúp được vũ khí đạn dược cho Ukraine là nghĩa vụ đạo đức của các nước giúp Ukraine bảo vệ tự do và cứu hàng nghìn sinh mạng người Ukraine. 

Lời kêu gọi đó cho thấy vũ khí đạn dược giờ là nhu cầu cấp thiết sống còn giúp Ukraine bước vào giai đoạn chiến tranh mới ở miền đông. Sức mạnh hỏa lực sẽ quyết định trận chiến để kiểm soát vùng Donbass. Quân đội Ukraine đang đứng trước nguy cơ thiếu vũ khí để chống chọi với một cuộc chiến tranh cường độ cao, hỏa lực mạnh ở miền Đông. 

Tờ báo ghi nhận, từ đầu cuộc chiến đến giờ các nước phương Tây đã nâng dần mức độ trợ giúp quân sự cho Ukraine. Từ súng trường, mũ sắt, túi cứu thương thiết bị truyền thông, tên lửa cơ động Stinger và Javelin, đến giờ các nước đồng minh đã bắt đầu mạnh dạn chuyển cho Kiev các loại vũ khí hạng nặng, đặc biệt là xe thiết giáp, pháo và trực thăng, và gần đây nữa là chiến đấu cơ. Hoa Kỳ đến nay đã thông báo viện trợ quân sự cho Ukraine lên đến 2,6 tỷ đô la, Anh cũng hứa viện trợ gần 600 triệu đô la vũ khí cho Ukraine. Các nước Đông Âu cũng sẵn sàng chuyển các loại vũ khí hạng nặng của mình cho Ukraine. Chỉ có Đức còn ngần ngại không muốn "đổ dầu vào lửa", từ chối chuyển cho Ukraine các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng hay xe bọc thép theo đề nghị của Ukraine. Pháp cũng đã viện trợ cho Ukraine nhiều trăm triệu euro nhưng vẫn kín đáo về các loại khí tài. 

Theo bài báo, nếu cuộc chiến ở miền đông kéo dài, hỗ trợ quân sự của phương Tây có nguy cơ không theo kịp tốc độ vì kho dự trữ bắt đầu bị thiếu hụt. Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã phải làm việc với các nhà chế tạo vũ khí Mỹ để tìm cách nâng công suất sản xuất vũ khí.  

Vẫn trong dòng thời sự chiến tranh Ukraine, nhật báo Les Echos quan tâm đến khía cạnh nhân đạo.  

5 triệu người rời đất nước, hơn 7 triệu sơ tán trong nước

Tờ báo cho biết số người Ukraine phải rời bỏ đất nước vì chiến tranh sau đúng 2 tháng đã vượt ngưỡng 5 triệu người, ngày hôm qua, 20/04, theo số liệu được Cơ quan Di dân Quốc tế của Liên hiệp Quốc. Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Phụ nữ và trẻ em chiếm tới 90% người tị nạn, vì đàn ông từ 18 đến 60 tuổi được huy động, không được quyền rời khỏi Ukraine. Cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận đã có 7,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa sơ tán ở trong nước. 

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)