Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/04/2022

Điểm báo Pháp - Cuộc đọ sức Macron-Le Pen

RFI tiếng Việt

Nước Pháp mong chờ cuộc đọ sức Macron-Le Pen

Nga tập trung tấn công vào Donbass và cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình Pháp giữa hai ứng viên lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống 2022 là 2 chủ đề được các nhật báo Pháp dành chú ý nhiều nhất vào hôm 20/04/2022.

dosuc1

Hai ứng viên tổng thống Pháp vào vòng 2 ngày 24/04/2022 : ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen.  © AP/Jean-Francois Badias/Daniel Cole/Montage RFI

Nhật báo thiên tả Libération có bài viết về cuộc chiến quyết định ở Donbass. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18/04 khẳng định Nga bắt đầu tấn công khu vực Donbass, ba tuần sau khi quân đội Nga rút khỏi khu vực Kiev. Ở mặt trận phía đông này, quân Nga có ý định tiến công một cách thận trọng hơn, còn quân Ukraine dường như đang chuẩn bị sẵn để đối phó và cầm cự. 

Mọi sự chú ý đang được dồn về Donbass khi nơi đây liên tục bị pháo kích. Chính tại khu vực tranh chấp này có hai nước cộng hòa ly khai thân Nga là Donetsk và Lugansk, tự tuyên bố độc lập vào năm 2014 và được tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận 3 ngày trước cuộc xâm lược Ukraine. Việc tổng thống Zelensky tuyên bố rằng quân đội Nga đã bắt đầu cuộc chiến giành Donbass dường như đánh dấu việc cuộc chiến này chính thức bước vào giai đoạn hai. 

Điều này đã được dự báo từ ba tuần trước, kể từ khi các lực lượng Nga rút khỏi khu vực Kiev và điện Kremlin thông báo rằng Moskva muốn "tập trung vào phía đông Ukraine". Ba tuần mà những người dân ở khu vực này phải sống trong sự lo lắng và sợ hãi. Nhiều người trong số họ đã sơ tán, nhưng vẫn còn một số lượng lớn không thể rời đi do các hành lang nhân đạo đã bị tắc nghẽn trong ba ngày do Kiev và Moskva không tìm được thỏa thuận hoặc do bom rơi khiến họ không thể sơ tán. 

Người dân từ chối rời khỏi khu vực có chiến sự 

Cùng chủ đề, nhật báo Le Monde có bài viết nói cụ thể về những người dân Ukraine bị kẹt lại trong khu vực. 

Tại các ngôi làng nằm ở trọng tâm của khu vực bị quân Nga oanh kích, người dân vẫn quyết định ở lại, như thể bị choáng váng trước cảnh tượng kinh hoàng này. Tại Yatskivka, nới có cánh rừng thông lộng lẫy và yên ả, hàng loạt tiếng nổ khủng khiếp, đinh tai nhức óc vang lên. Ẩn mình trong rừng, lực lượng pháo binh Ukraine nã pháo tới tấp vào quân đội Nga đang từ khu vực Kharkiv tiến vào Donbass. 

Khu vực này đã thường xuyên bị bắn phá từ hơn một tháng qua. Tất cả những ngôi nhà ở đây dường như không còn ở được, đường ray tàu hỏa bị đứt gẫy, uốn cong. 

Một người phụ nữ tên Liudmila khóc nức nở cho biết : "Tôi còn hai năm nữa mới về hưu, tôi đã làm việc 28 năm trong ngành đường sắt. Các chuyến tàu của Nga luôn đi qua đây, kể cả hai tháng trước". Ngôi nhà của bà nằm ở gần đường sắt đã bị bom phá hủy. Lioudmila nói thêm : "Chúng tôi ngủ trong hầm hàng đêm kể từ khi chiến tranh nổ ra. Bỏ đi không phải là một giải pháp thích hợp, con chó của tôi và những con mèo của tôi vẫn ở đây, tôi không thể bỏ rơi chúng. Và tôi chỉ có vườn rau của mình để tồn tại". 

Xa hơn một chút, một cặp vợ chồng ở độ tuổi sáu mươi đang bận rộn dọn dẹp một ngôi nhà lớn với những bức tường nứt. Bà Alla tâm sự : "Chúng tôi không có ga, điện, nước hay bất cứ thứ gì". Còn chồng bà, ông Pavel thì đơn giản cảm thấy rất vui vì đã sống sót. Họ cho biết : "Tên lửa, đạn pháo liên tục dội qua đầu chúng tôi, và chúng tôi không biết ngày mai sẽ mang lại điều gì !" 

Kể từ năm 2014, hồi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đã có một phong trào nổ ra ở bộ phận những người dân từ chối sơ tán bất chấp các cuộc oanh tạc thường trực. Những người này được gọi là lyudi-kusky. Họ như thể cắm rễ trong ngôi nhà của mình và không muốn có bất kỳ sự di chuyển nào, dù chỉ là tạm thời. Kể từ đầu tháng, chính quyền Ukraine đã kêu gọi người dân ở Donbass tìm kiếm nơi ẩn náu xa hơn về phía tây. Các phương tiện đi lại và chỗ ở miễn phí được cung cấp bởi các cơ quan công quyền và các tổ chức phi chính phủ. 

Mối lo về sự gia tăng của nạn buôn người dọc theo các tuyến đường sơ tán 

Le Monde tiếp tục nói về việc trong bối cảnh đã có hơn 4,9 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đang cảnh báo về các mạng lưới tội phạm có thể tìm cách lợi dụng lòng tin của những di dân đang gặp hoạn nạn, đặc biệt là phụ nữ để có những ý đồ bất chính. 

Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, lợi dụng sự hỗn loạn đang ngự trị tại đồn biên giới Sighetu Marmatiei (phía tây bắc Romania), một tài xế từng bị kết án về tội buôn người, đã bị cảnh sát Romania bắt giữ khi y đang cố thuyết phục hai phụ nữ trẻ đang bị bối rối lên xe mình. Thời gian gần đây trong một trại tị nạn ở miền bắc Romania, một người đàn ông khác đã hứa đưa ba cô gái trẻ đến Ý và tạo cho họ một tương lai tốt đẹp hơn, trước khi ý anh ta bị các nhân viên ở đó tố giác. 

Vào ngày 12/04 vừa qua, Cao ủy Liên Hiệp Quốc đã viết trong một thông cáo báo chí rằng họ đã cảnh báo những người tị nạn trước những rủi ro họ có thể gặp phải khi sơ tán và phải đề cao cảnh giác trước những lời đề nghị cung cấp chỗ ở, hỗ trợ đi lại miễn phí hoặc tìm việc làm cho họ. 

Một số phụ nữ sau khi được các gia đình cho ăn ở miễn phí sẽ dần dần phải làm những việc như coi sóc nhà cửa, vườn tược, chuẩn bị bữa ăn, giúp việc nhà, và điều này sẽ dần biến thành lao động cưỡng bức. Geneviève Colas, điều phối viên của hiệp hội chống nạn buôn người Secours Catholique nhấn mạnh rằng đó là một hiện tượng rất khó phát hiện và định lượng, rằng đây đôi khi là một dạng vùng xám giữa "giúp đỡ chủ nhà" và "trở thành nô lệ". Ở nông thôn, chính việc sử dụng lao động giá rẻ này vào công việc nông nghiệp đã khơi dậy tinh thần cảnh giác của các hiệp hội nhân đạo. 

Theo thống kê của Hội đồng Châu Âu và Unicef, hơn 90% những người tị nạn rời Ukraine là phụ nữ và trẻ em. 

Ngày 09/05 sẽ có vai trò như thế nào ? 

Quay trở lại tình hình chiến sự, nhật báo công giáo La Croix có bài viết nói về ngày 09/05 tới có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến. 

Một số nhà phân tích, bao gồm nhà sử học quân sự Michel Goya cho rằng tổng thống Putin muốn thành công trước cuộc duyệt binh ngày 09/05 ở Moskva. Đây là ngày kỷ niệm phát xít Đức đầu hàng, được ký vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, lúc 11:01 tối tại Berlin, tức là là 1:01 sáng ngày 9 tháng 5 theo giờ Moskva. Nhân dịp này, Vladimir Putin có thể tuyên bố với công chúng đã chiếm được Mariupol và phần lớn Donbass như một chiến thắng lớn. Cũng đối với ông Goya, cho dù quân đội Nga không tiếp quản được hoàn toàn Donbass, thì ngày này cũng sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến, có lẽ dưới hình thức ngừng bắn. 

Nhiều chuyên gia khác thì tỏ ra bi quan hơn khi họ cho rằng ông Putin chừng nào chưa chiếm được Donbass sẽ không ngưng cuộc chiến. 

Liên Âu vẫn lưỡng lự về việc cấm vận khí đốt Nga 

Báo Les Echos có bài nói về các trừng phạt Liên Âu áp dụng nhắm vào Nga. Đầu tiên là than, sau đó là dầu, và cuối cùng là khí đốt. Trong những ngày gần đây, chiến lược trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đối với Nga đã trở nên rõ ràng hơn. Cấm vận than là điều dễ nhất. EU sau đó đã nhanh chóng nhất trí việc cấm vận dầu của Nga. 

Tuy nhiên đối với khí đốt, việc thực thi lệnh cấm vận dường như vẫn chưa được quyết định bởi một số quốc gia như Đức vẫn rất phụ thuộc vào nguồn cung của Gazprom. Đây có thể sẽ là bước thứ ba và bước cuối cùng trong các biện pháp trừng phạt mà Liên Âu áp dụng nhắm vào Nga trong lĩnh vực năng lượng. 

Nước Pháp mong chờ cuộc đọ sức Macron-Le Pen 

Chủ đề còn lại được các nhật báo quan tâm là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng viên đã lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 là ông Emmanuel Macron, tổng thống mãn nhiệm và bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN). 

Nhật báo Les Echos có bài viết nói về "trận đấu lượt về" đầy rủi ro, khi hai ứng viên sẽ lại một lần nữa đụng độ nhau ở "sân đấu" cách đây 5 năm. 

Vẫn là những gương mặt cũ, nhưng bối cảnh của cuộc tranh luận giữa hai vòng bầu cử tổng thống này rất khác so với năm 2017. Bởi giờ đây ông Macron là tổng thống mãn nhiệm chứ không chỉ là một ứng viên đơn thuần và ông sẽ phải bảo vệ những thành quả đã đạt được trong 5 năm cầm quyền của mình. 

Là người chiến thắng trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận với khoảng cách thậm chí còn được gia tăng trong những ngày gần đây, uy tín của tổng thống Macron rõ ràng vẫn rất cao, giống như cách đây 5 năm. Nhưng kết quả của song đấu lần này hứa hẹn sẽ sít sao hơn nhiều. Theo OpinionWay-Kéapartners, ông Macron được tín nhiệm với 56% số phiếu. 

Tỷ lệ vắng mặt sẽ là một câu hỏi lớn 

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro đặt câu hỏi, liệu người dân có ồ ạt đi bầu vào Chủ nhật tới hay không ? 

Nhiều người cảm thấy chán nản khi không còn muốn bỏ phiếu "chống lại" ứng viên họ ít có thiện cảm. Điều này sẽ khiến họ bỏ phiếu trắng hoặc thậm chí là không đi bỏ phiếu. 

Kịch bản này đã xảy ra vào năm 2017. Sau khi ông Macron và bà Le Pen vào vòng hai, tỷ lệ phiếu trắng đã tăng từ 22,23% ở vòng một lên mức kỷ lục 25,44% ở vòng hai. Đổi lại vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, người Pháp đã ồ ạt đi bỏ phiếu cho tổng thống Jacques Chirac ở vòng hai để chống lãnh đạo đảng cực hữu thời đó là ông Jean-Marie Le Pen, cha của Marine Le Pen. 

Năm nay, lịch sử có thể lặp lại. Nhận thức rõ xu hướng này, cả hai bên đều đang nỗ lực điều động những người ủng hộ mình. Bà Marine Le Pen tăng cường các chuyến đi đến những vùng ủng hộ bà, còn ông Macron thì khiêm tốn nhấn mạnh rằng vẫn chưa có gì ngã ngũ mặc dù ông đang bỏ khá xa bà Le Pen theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 296 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)