Bầu cử Tổng thống Pháp : Những hứa hẹn kinh tế của Le Pen là một ''màn ảo thuật''
Cương lĩnh kinh tế của ứng viên tổng thống cực hữu Pháp là chủ đề trang nhất nhiều nhật báo hôm nay, 19/04/2022, 5 ngày trước cuộc bầu cử vòng hai. "Le Pen : một dự án kinh tế để lòe mắt", tựa trang nhất Le Monde. "Doanh nghiệp : những ảo ảnh của cương lĩnh kinh tế Le Pen" là tựa chính của Les Échos.
Ứng cử viên tổng thống cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen, chụp ảnh bên bức tượng bán thân Marianne, biểu tượng của nền Cộng Hòa Pháp. Ảnh chụp trong lễ khánh thành trụ sở tranh cử ở Paris, ngày 15/11/2021. AP - Michel Euler
Libération tìm cách lật tẩy những gốc rễ "thù hận" ẩn đằng sau cương lĩnh tranh cử chung của ứng cử viên cực hữu dưới vỏ bọc "bảo vệ các tầng lớp bị tổn thương". Xã luận Libération nhấn mạnh đến "những màn ảo thuật" của ứng viên Le Pen nhằm che đậy những nguyên tắc cực hữu truyền thống, vốn không hề đổi khác. Thông điệp chính trang nhất của Le Figaro : "Đánh đồng Marine Le Pen với Emmanuel Macron là vô trách nhiệm", phát biểu của chính trị gia cánh hữu Edouard Philippe, cựu thủ tướng thời Emmanuel Macron.
Dự án kinh tế "lòe mắt" dân
Dưới hàng tựa trang nhất "Le Pen : một dự án kinh tế để lòe mắt", Le Monde nhấn mạnh một số nét lớn trong cương lĩnh kinh tế của Le Monde. Đằng sau vỏ bọc của các đề xuất thúc đẩy sức mua, cương lĩnh của bà Le Pen về cơ bản là "không thể thực thi được và mang tính bất công". Chi phí cho dự án kinh tế của Le Pen đã được ước giá thấp hơn nhiều so với thực tế, và những hành động chống lại Liên Âu của ứng viên này, nếu đắc cử, sẽ khiến cho nước Pháp khó vay được tiền trên thị trường thế giới.
Le Monde trong bài "Kinh tế : Những hiểm họa của một cương lĩnh" trước hết lưu ý đến việc ứng viên Marine Le Pen đã có nhiều điều chỉnh đáng kể so với quan điểm 5 năm trước, cụ thể như từ bỏ chủ trương rút khỏi đồng euro, hay về hưu nhất loạt ở tuổi 60. Ứng viên cực hữu khẳng định hình ảnh của một lãnh đạo "bảo vệ" người Pháp, với các đề xuất giúp nâng sức mua (như giảm thuế năng lượng, xăng dầu, xóa thuế đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm, giảm phần đóng góp cho giới chủ nếu tăng lương 10% cho nhân viên …). Tuy nhiên, theo Le Monde, các hứa hẹn được đưa ra để tranh thủ tình cảm của các tầng lớp người dân có thu nhập thấp này "vấp phải hàng loạt trở ngại về pháp lý, chính trị cũng như kinh tế".
Hiến pháp không chấp nhận "ưu tiên người Pháp", Le Pen không có nguồn tài chính
Le Monde nhấn mạnh là việc bà Le Pen dự kiến tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đế xác lập nguyên tắc "ưu tiên người Pháp" về phương diện việc làm, trợ cấp và nhà ở xã hội là đi ngược lại với Hiến pháp của Cộng Hòa Pháp. Mà, nếu như nguyên tắc "ưu tiên người Pháp" không trở thành luật, thì toàn bộ các điểm căn bản trong cương lĩnh kinh tế - mà bà Le Pen đưa ra để chiêu dụ cử tri – sẽ không có được các nguồn lực về tài chính để thực thi.
Bà Le Pen khẳng định cương lĩnh kinh tế của bà sẽ ưu tiên hỗ trợ "nước Pháp của những người bị quên lãng". Thế nhưng, theo Le Monde, đây là một cương lĩnh "giả danh" vì xã hội, nhiều biện pháp đưa ra sẽ bất lợi cho những người khó khăn nhất, và mang lợi cho những thành phần khá giả, theo một nghiên cứu của trung tâm tư vấn Terra Nova. Theo nghiên cứu của Terra Nova, công bố hôm 14/04, không có gì cho thấy phần chênh lệch giá cả nhờ việc cắt giảm mạnh thuế TVA đối với các hàng nhu yếu phẩm sẽ được các nhà phân phối hoàn chuyển cho người mua. Hay việc miễn thuế đối với người dưới 30 tuổi chỉ có lợi cho nhóm xã hội được ưu đãi, theo kinh tế gia Anne-Laure Delatte (Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp - CNRS và Đại học Paris Dauphine).
Dự án kinh tế của bà Le Pen cũng khiến nước Pháp có nguy cơ bị loại ra khỏi hệ thống thương mại quốc tế, trước hết do các chính sách chống lại những nguyên tắc nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu, như "ưu tiên luật quốc gia so với luật Châu Âu, ra khỏi thị trường điện Châu Âu, xem xét lại chính sách nông nghiệp chung của Châu Âu, chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh (Green Deal)", hay giảm các đóng góp của Pháp cho ngân sách Liên Âu. Việc bà Le Pen đắc cử có nguy cơ dẫn đến việc nước Pháp buộc phải rời khỏi thị trường chung Châu Âu, khiến Pháp trở nên nghèo đi nhanh chóng.
Các số liệu hoàn toàn thiếu cơ sở
Bên cạnh nguy cơ "khủng hoảng tài chính", nếu Le Pen đắc cử, Le Monde cũng đặc biệt chú ý đến các tính toán hoàn toàn thiếu cơ sở trong cương lĩnh kinh tế của ứng viên cực hữu, cho dù lần này bà Le Pen đã đưa ra một dự án với nhiều số liệu, thống kê, bảng biểu, đặt rõ mục tiêu cân bằng thu chi trong ngân sách. Cụ thể như ứng viên cực hữu khẳng định nước Pháp sẽ có thêm 16 tỉ euro nhờ chặn đứng nhập cư, nhưng không hề tính đến những tổn thất về kinh tế của biện pháp này (gây nên tình trạng thiếu nhân công, tác hại do các chính sách trả đũa từ các nước khác…).
Cũng Le Monde trong mục thời luận "Le Pen, nợ và chủ quyền quốc gia" cảnh báo là những hứa hẹn về bảo vệ "chủ quyền quốc gia và độc lập về kinh tế của nước Pháp", tách lìa kinh tế Pháp khỏi Liên Âu, trên thực tế, sẽ chỉ khiến Pháp phải gánh chịu những khoản lãi suất tăng vọt do nhà đầu tư mất niềm tin, khiến nước Pháp phải thêm nợ nần chồng chất. "Không nhất quán, che giấu và dối trá" là nhận định của nhà báo Stéphane Lauer trên Le Monde về cương lĩnh của Marine Le Pen.
"Bom nổ chậm" với doanh nghiệp : Lợi trước mắt, nhưng thiệt hại nghiêm trọng
Nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến "đằng sau những tuyên bố ủng hộ doanh nghiệp" của lãnh đạo cực hữu là "những cái giá phải trả rất cao". Xã luận Les Echos vạch rõ : Cương lĩnh của ứng viên Le Pen làm suy yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp : "tin tưởng rằng một cường quốc bậc trung như nước Pháp có đủ khả năng dựng lên được các hàng rào bảo hộ kinh tế, mà không phải chịu các biện pháp trả đũa, rõ ràng là một ảo tưởng".
Les Echos thừa nhận là một số hứa hẹn của ứng viên cực hữu (như giảm thuế sản xuất...) có thể quyến rũ được một bộ phận doanh nhân Pháp. Một vài món lợi trước mặt, nhưng thiệt hại sẽ là nghiêm trọng và lâu dài. Tương tự như Le Monde, Les Echos nhấn mạnh đến các tổn hại ghê gớm đối với nền kinh tế Pháp. Nhật báo kinh tế ví các biện pháp của bà Le Pen với "những trái bom nổ chậm".
Thiếu hụt nhân lực, từ nông nghiệp đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu Pháp đóng cửa với người nhập cư. Việc ra khỏi thị trường điện Châu Âu khiến Pháp rơi vào tình trạng khủng hoảng như bang Texas (Hoa Kỳ) trong đợt lạnh mới đây. Việc bùng nổ nợ công để lại các áp lực tài chính lớn đối với các doanh nghiệp trong tương lai.
"Đánh đồng Le Pen với Macron là vô trách nhiệm"
Vào thời điểm cử tri Pháp phải lựa chọn, "Đánh đồng Le Pen với Macron là vô trách nhiệm" là thông điệp chính của Le Figaro thiên hữu, qua bài phỏng vấn với cựu thủ tướng Édouard Philippe.
Chính trị gia cánh hữu nhấn mạnh đến "mặt trận Cộng Hòa" chống lại đảng cực hữu không còn là một "phản xạ tự nhiên" của người Pháp. Nhưng ông Édouard Philippe không tin vào việc cử tri Pháp thờ ơ với "mặt trận Cộng Hòa", nhiều người sẽ bỏ phiếu cho tổng thống mãn nhiệm, cho dù không chia sẻ cương lĩnh của ông Macron, bởi vì họ hiểu rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn rất nhiều đối với nước Pháp nếu Marine Le Pen đắc cử. Cựu thủ tướng Philippe đặc biệt lên án quan điểm của một số chính trị gia "không lá phiếu nào cho Le Pen", bởi vì chỉ tuyên bố như không đủ sức ngăn cản việc cử tri quyết định không đi bỏ phiếu.
"Không lá phiếu nào cho Le Pen", nhưng không chỉ rõ cần bỏ phiếu cho đối thủ của bà Le Pen, là thông điệp của chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên về thứ ba trong vòng một bầu tổng thống, nhưng cũng là quan điểm của đảng cánh hữu LR.
Tâm trạng lưỡng lự với "mặt trận Cộng Hòa" chống cực hữu, đang gia tăng cả ở cánh hữu lẫn cánh tả cũng là chủ đề một bài tổng hợp của La Croix.
Bài ngoại, gia tăng bạo lực cảnh sát - nhà tù : Đường lối Le Pen không đổi
Công kích Marine Le Pen dữ dội nhất có lẽ là nhật báo thiên tả Libération. Không chỉ cương lĩnh kinh tế, Libération tập trung chỉ rõ những nguyên tắc cực hữu triệt để ẩn đằng sau vẻ ngoài của cương lĩnh hướng đến bảo vệ người Pháp. "Cảnh sát, tôn giáo, giáo dục… Le Pen : Những cội rễ (quan điểm) và những hận thù" là tựa lớn của nhật báo. Libération nhấn mạnh : Chính sách dùng nhà tù để trừng phạt mọi tội phạm, chính sách giáo dục được đặt dưới sự kiểm soát, đóng cửa biên giới… rõ ràng có mặt trong dự án xã hội của ứng cử viên đảng Mặt Trận Dân Tộc.
Trang nhất Libération đăng hình bà Le Pen trên nền đen. Mặt cúi, gương mặt chìm trong bóng tối, hiện ra ánh sáng chỉ có hai bàn tay, mái tóc và chiếc áo trong. Nhân vật trong bức hình đang che giấu nhiều thứ, nhưng cũng muốn để ngỏ cho công chúng thấy nhiều điều.
"Màn ảo thuật" của bà Le Pen
Bức hình như thể minh họa cho tựa đề bài xã luận của Libération "Màn ảo thuật" (Passe-passe). Libération nhấn mạnh là Marine Le Pen "đã thành công trong việc xác lập được quan niệm là cương lĩnh của bà ta là có nghĩa bảo vệ hiệu quả hơn đối với các nhóm xã hội bị tổn thương". Ứng viên cực hữu cũng tỏ ra là người cổ vũ cho "sức mua" của dân chúng. Libération thừa nhận nỗ lực của bà Le Pen giúp đảng cực hữu Mặt Trận Dân Tộc trở thành một đảng phái ngày càng được coi là bình thường đã phần nào thành công. Trong giai đoạn tranh cử giữa hai kỳ, bà Le Pen đã cố gắng nói ít hơn hẳn về lập trường "chống dân nhập cư và lên án tình trạng mất an ninh" so với cuộc tranh cử trước.
Tuy nhiên, đối với Libération, tất cả những điều đó không xóa được một điều, đó là cương lĩnh của Marine Le Pen hoàn toàn đi ngược lại thể chế Nhà nước pháp quyền. Bài ngoại, gia tăng bạo lực cảnh sát, bạo lực nhà tù vẫn là những đường hướng chính trong chủ trương thực thi quyền lực của ứng viên Le Pen.
Giáo hoàng : "Hãy nghe tiếng kêu đòi hòa bình của người dân"
Kêu gọi hòa bình là thông điệp trang nhất của nhật báo công giáo La Croix. Chủ Nhật 17/04 là ngày Phục Sinh, một ngày lễ trọng với người công giáo. Thông điệp chính của giáo hoàng Francis trong dịp lễ này, gửi đến các lãnh đạo thế giới để kêu gọi họ "lắng nghe tiếng kêu đòi hòa bình của người dân", trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn tại Ukraine và nhiều nơi khác trên hành tinh.
La Croix hướng đến Ba Lan, nơi người dân nước này mừng lễ cùng với các tín đồ Thiên Chúa Giáo Ukraine tị nạn chiến tranh tại Ba Lan, cùng với hơn 2 triệu đồng bào. Nhật báo công giáo hướng đến một nhóm tín đồ Tin Lành Ukraine, đón lễ Phục Sinh trong vòng tay của cộng đồng công giáo Ba Lan tại một xứ đạo gần thủ đô Varsava.
Chiến tranh Ukraine và khô hạn : Hơn một phần tư dân Châu Phi đói
Chiến tranh và nạn đói, hai hiểm họa hàng đầu với nhân loại. Chiến tranh tại Ukraine góp phần đáng kể vào nguy cơ gia tăng nạn đói tại Châu Phi, do giá cả lương thực gia tăng. Xã luận La Croix dành chủ đề chính để nói về "Nạn đói không phải là một định mệnh". Khu vực bị nạn đói đe dọa hàng đầu thế giới hiện nay là vùng sừng Châu Phi. Ba đợt mất mùa liên tiếp và đợt thứ tư đang diễn ra, có thể kéo dài tới tháng Sáu, do khô hạn. Đợt khô hạn hiện nay có thể so sánh với đợt khô hạn lịch sử năm 1981.
Năm 2011, nạn đói riêng tại Somalia từng khiến 250.000 người chết đói do hạn hán kéo dài. Các tổ chức phi chính phủ và các định chế Liên Hiệp Quốc đang báo động tình trạng nguy hiểm hiện nay. Khoảng từ 27 triệu người đói tại Tây Phi (theo Oxfam) và đến 346 triệu người đói trên toàn Châu Phi (theo Hội Chữ Thập Đỏ), tức hơn một phần tư dân Châu Phi. Các tổ chức phi chính phủ và các định chế Liên Hiệp Quốc hy vọng cộng đồng quốc hành động khẩn cấp để tránh thảm kịch tái diễn tại Somalia.
Trọng Thành