Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/04/2022

Điểm báo Pháp - Mariupol và những người tử thủ cuối

RFI tiếng Việt

Mariupol và những người tử thủ cuối cùng trong "Mùa Phục Sinh của chiến tranh"

Người Ukraine sẵn sàng chiến đấu đến cùng tại Mariupol, dù quân Nga kiểm soát hầu hết thành phố đã bị tiêu hủy đến 80 % này và đã ra thêm tối hậu thư. Kháng chiến quân bị vây hãm từ nhiều tuần qua, không còn lương thực nhưng Nga phải dùng đến các oanh tạc cơ tầm xa, cho thấy quân xâm lược vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được Mariupol.

mariupol

Xác xe tăng Nga bị bắn cháy trên đường phố Mariupol, Ukraine ngày 17/04/2022.  Reuters – Alexander Ermochenko

Hôm 18/04/2022 nghỉ lễ Phục Sinh, chỉ có Le Figaro Libération ra mắt bạn đọc, và Le Monde ra từ ngày hôm trước. Tình hình Ukraine và bầu cử tổng thống Pháp luôn là hai chủ đề không thể bỏ qua.

Ukraine : Cầu nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh bên hố chôn tập thể

Le Figaro trích dẫn lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis từ Vatican nhân ngày lễ Phục Sinh : "Xin đừng làm quen với chiến tranh, tất cả chúng ta hãy kêu đòi hòa bình, từ những balcon và trên đường phố ! Mong rằng những người có trách nhiệm của các quốc gia nghe được những tiếng gọi hòa bình của người dân !".

Xúc động bởi tình hình Ukraine, người đứng đầu Giáo hội Công giáo nhìn nhận : "Chúng ta đều có cái nhìn hoài nghi trong mùa Phục Sinh của chiến tranh. Chúng ta đã thấy quá nhiều máu đổ, quá nhiều bạo lực, trái tim ta đầy sợ hãi và khủng hoảng, trong khi nhiều anh chị em phải tự giam mình để tránh bom đạn. Khó tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, đã chiến thắng cái chết. Nhưng giờ đây hơn bao giờ hết, chúng ta cần Chúa phục sinh, trong một Mùa Chay chừng như không bao giờ kết thúc".

Tờ báo cho biết thêm, trong dịp lễ Phục Sinh, Giáo hoàng Francis đã gởi Hồng y Konrad Krajewski đến Kiev. Vị Hồng y bị chấn động mạnh mẽ sau khi cầu nguyện vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trước một hố chôn tập thể 80 nạn nhân ở Borodianka. Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức giáo hoàng đích thân tiếp đoàn dân biểu Ukraine trong đó có thị trưởng Melitopol từng bị quân Nga bắt cóc cách đây một tháng, thổ lộ "Trong bóng tối mà các bạn đang sống, chúng tôi luôn bên cạnh và cầu nguyện cho các bạn".

Mariupol quyết không đầu hàng

Về cuộc chiến đang diễn ra,Le Figaronhận định "Người Ukraine sẵn sàng chiến đấu đến cùng tại Mariupol", dù quân Nga kiểm soát hầu hết thành phố đã bị tiêu hủy đến 80% này. Thời hạn tối hậu thư do Nga đặt ra cho Mariupol là phải hạ vũ khí trước 6 giờ sáng Chủ nhật đã trôi qua, nhưng rõ ràng những chiến binh cuối cùng của thành phố vẫn làm ngơ.

Bị vây hãm từ nhiều tuần qua, không còn nước uống và thực phẩm, nhưng vẫn còn 100.000 thường dân tại đây. Sự tàn bạo của Moskva, nhất là dùng đến các oanh tạc cơ tầm xa, cho thấy quân xâm lược vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được Mariupol. Khó thể biết được số người thiệt mạng, được ước tính trên 20.000. Phía chính quyền Mariupol tố cáo để xóa dấu vết tội ác, quân Nga thu thập các xác thường dân và thiêu hủy trong các lò thiêu di động.

Tối thứ Bảy 16/04, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky nhấn mạnh tình hình ở Mariupol là "vô nhân đạo", Nga "cố ý phá hủy tất cả những gì có thể phá được". Ông đe dọa ngưng đàm phán nếu những chiến binh Ukraine cuối cùng tại thành phố bị bao vây này bị "tiêu diệt", và kêu gọi phương Tây cung cấp "lập tức" các loại vũ khí hạng nặng. Zelensky mời tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Ukraine để tận mắt chứng kiến nạn "diệt chủng". Đại sứ Pháp Étienne de Poncins đã trao đổi với bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov về "những nhu cầu cụ thể" của Kiev về viện trợ quân sự.

Nga dùng phi pháo cực mạnh để tiêu diệt những chiến binh tử thủ

Le Monde nói về "Cuộc kháng chiến mãnh liệt của những chiến binh Azov tại Mariupol". Quân Nga cùng với quân ly khai Donbass và Chechenya quyết tiêu diệt lực lượng đang ở tuyến đầu bảo vệ thành phố cảng.

Sau những trận cận chiến trên các đường phố Mariupol, những chiến binh của tiểu đoàn Azov rút vào khu vực rộng lớn của nhà máy luyện kim Azovstal bên bờ biển. Theo một đại tá Ukraine không muốn nêu tên, họ biến hệ thống đường hầm bê-tông tại đây thành pháo đài để có thể di chuyển an toàn và tấn công vào quân xâm lược đang bao vây. Đơn vị kháng chiến cuối cùng này phải chịu đựng ngày cũng như đêm những vụ oanh kích nặng nề.

Vị đại tá trên cho biết : "Quân Nga dùng Solntsepek, loại pháo phản lực nhiều nòng có hỏa lực cực mạnh, đã hủy hoại phần lớn Mariupol. Nga cũng tấn công 10 đến 15 lần trong ngày bằng các loại hỏa tiễn có thể xuyên qua hầm ngầm, và sau cùng là moọc-chê như thường lệ". 

Azov, biểu tượng cho kháng chiến Ukraine

Tiểu đoàn Azov là trái tim của công cuộc phòng ngự Mariupol, lực lượng đã tăng lên nên nay có thể gọi là lữ đoàn. Được tổ chức thành các nhóm chiến thuật, lực lượng Azov với trên 3.000 tay súng cơ động hơn hẳn quân đội chính quy.

Ban đầu là dân quân vũ trang, được biết với tên "Hắc Y", thường được cho là thân cận với giới tân quốc xã. Nhưng đến tháng 9/2014 Azov nhập vào lực lượng phòng vệ Ukraine và đặt dưới quyền bộ Nội vụ. Nổi tiếng tinh nhuệ, Azov thu hút thêm nhiều chiến binh mới không theo xu hướng chính trị nào, nên số cực đoan trở thành thiểu số. Nhiều thành viên hiện nay là cựu binh trong cuộc chiến 2014-2015 ở Donbass, nung nấu ý muốn trả thù việc lãnh thổ bị xâm chiếm. Cuộc chiến mới đặt Azov đối mặt với quân ly khai Donbass. "Nếu quân Nga nhắm vào Mariupol là nhằm hạ gục tiểu đoàn Azov, vốn đã trở thành biểu tượng cho cuộc kháng chiến của Ukraine".

Về phía Moskva dựa vào quá khứ để biện minh cho việc "phi quốc xã hóa" Ukraine. Chinh phục được Mariupol, không chỉ là chiến thắng mang tính chiến lược, mà còn tạo được đà cho bộ máy tuyên truyền của Kremlin. Bị vây hãm khắc nghiệt từ hơn một tháng qua, tiểu đoàn Azov đã kêu gọi được tăng viện, nhưng quân đội Ukraine trước hết phải lo bảo vệ thủ đô Kiev. Cũng theo vị sĩ quan trên đây, "các chiến binh Azov cực kỳ dũng cảm, nhưng tình trạng thiếu thốn hỗ trợ về hậu cần và nhân lực khiến việc Mariupol thất thủ là không thể tránh khỏi".

Dnipro, trung tâm hậu cần cho chiến trường

Đặc phái viên Le Monde đã đến thăm "Dnipro, hậu cứ của nỗ lực chiến tranh". Thành phố này là nơi trung chuyển làn sóng tản cư từ miền đông Ukraine, từ Kharkov đến Donbass, từ Mariupol đến Kherson, đôi khi đến 15.000 người một ngày. Ngành đường sắt cùng với chính quyền cố gắng quản lý việc điều chuyển luồng người di tản, và theo chiều ngược lại, đưa những gì cần thiết cho quân đội ra tiền tuyến dù kẻ thù vẫn phá hoại.

Tuần trước hai hỏa tiễn hành trình của Nga đã làm hư hại phi trường. Hai trăm chiếc xe buýt sẵn sàng sơ tán cư dân Donbass thuộc vùng kiểm soát của Ukraine, nhưng vẫn còn 40% người dân không muốn ra đi. Chính quyền thành phố Dnipro còn phải gánh món nợ khác : lưu giữ hàng trăm xác lính Nga. Phóng viên Le Monde tận mắt trông thấy một container lạnh của nhà xác với khoảng 200 túi đựng tử thi.

Dnipro là nơi giao thoa của ba mặt trận : Kharkov, Donbass và Zaporijia. Thành phố phải bảo đảm hậu cần, gồm cung cấp vũ khí, phân phối thực phẩm, sơ tán người bị thương, điều phối giữa dân sự và quân sự. Nga tấn công vào các trục viễn thông, nhà ga, kho chứa hàng, sân bay, kho xăng dầu bằng hỏa tiễn. Tuy không còn nhiều hỏa tiễn Kalibr, nhưng quân Nga vẫn còn hàng ngàn hỏa tiễn tầm xa, hỏa tiễn hành trình và đạn đạo.

Ukraine "không có cách nào khác là phải chiến thắng"

Dnipro là ngã tư đường sắt quan trọng của đất nước, và là thành phố kỹ nghệ lớn với nhiều nhà máy. Trong số đó có YoujMach, một trong những nơi vẽ kiểu và chế tạo hỏa tiễn thời Liên Xô cũ mà Moskva rất thèm muốn, quân Nga hiện đóng cách thành phố chỉ 100 km. Bệnh viện thành phố cũng tràn ngập người bị thương trong chiến tranh. Nhiều cơ sở tư nhân đã mở rộng vòng tay với người di tản, lo ăn ở miễn phí cho họ, và dù hàng mấy chục ngàn căn nhà đã bị phá hủy, không ai phải ở ngoài đường tại Dnipro. Nhiều con đường đã được đổi tên : đường Mytischchi (tên một vùng ngoại ô Moskva) trở thành đường "Ba Lan", ngõ Moskva đổi tên là "Azovstal".

Hàng hóa của Ukraine được xuất đi từ các cảng biển, không thể chuyển sang đường sắt hoặc các phương tiện khác, trong khi Nga phong tỏa Hắc Hải. Trả lời phỏng vấn Le Monde, phó tỉnh trưởng Hennadi Korban khẳng định "Chúng tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc giành chiến thắng". 

Trên không, bảy tuần sau khi khởi đầu cuộc xâm lăng, Không quân Ukraine vẫn tồn tại và tiếp tục tranh chấp bầu trời, trong khi chỉ có 98 phi cơ loại cũ so với 1.400 máy bay Nga. Một phi công Ukraine với bí danh "Juice" cho Le Figaro biết đang điều khiển một chiếc Mig-29 trên 40 tuổi, tức có tuổi đời lớn hơn cả anh. "Juice" lấy làm tiếc vì phi công Ukraine được huấn luyện với NATO, tốt hơn Nga nhiều nhưng lại không có phương tiện bảo vệ đất nước, trong khi Nga bắt đầu dùng các oanh tạc cơ như Tupolev-22 có thể phá hủy cả một thành phố như ở Syria.

Nga nắm trong tay đảng cực hữu Pháp

Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Libération tố cáo "Nga nắm đảng Tập hợp Dân tộc (RN) trong tay qua những mối liên hệ về ý tưởng, tiền bạc...". Sự gần gũi của bà Marine Le Pen, với chế độ Putin là kết quả của nhiều năm dài xích lại gần nhau giữa đảng của bà và phe dân tộc chủ nghĩa Nga.

Bức ảnh bà Le Pen siết chặt tay Vladimir Putin tháng 3/2017 tại Moskva trước cuộc tranh luận với Emmanuel Macron không hề là một tấm ảnh chụp lén, mà đôi bên đã có quá trình hợp tác suốt hai thập niên. Thứ Tư tuần trước, khi một phụ nữ giơ cao tấm hình này, đã bị đội bảo vệ của Le Pen nhanh chóng đè ngã xuống đất. Một tháng trước đó, bức ảnh từ thành tích trở nên kỷ niệm gây rắc rối, đã bị "hóa phép" biến khỏi hàng ngàn truyền đơn.

Marine Le Pen luôn ca ngợi nước Nga của Putin, từ vụ chiếm Crimea cho đến vac-xin Sputnik V. Đến khi Nga xâm lăng thô bạo Ukraine, lần đầu tiên bà phải "lên án" lấy lệ, một sự "lùi bước chiến thuật" - theo nhà nghiên cứu Julien Nocetti của IFRI. Le Pen vẫn muốn "một sự xích gần lại về chiến thuật giữa NATO và Nga" một khi chiến tranh "kết thúc". Còn những vụ thảm sát từ Bucha đến Mariupol thì phải chờ Liên Hiệp Quốc điều tra về "các bên xung đột". Dân biểu Châu Âu Thierry Mariani của RN, người liên tục sang Nga và Crimea, chỉ trích tổng thống Volodymyr Zelensky, còn phát ngôn viên RN, Franck Allisio nói rằng "Nga không phải là một Nhà nước toàn trị, không còn là Liên Xô nữa".

Libération nhắc lại, Jean-Marie Le Pen hồi năm 1996 đã sang Moskva với chiếc nón chapka đội đầu, ủng hộ Vladimir Jirinovski, nhân vật cực kỳ dân tộc chủ nghĩa đóng vai đối lập cuội với Putin. Khi lên kế nghiệp cha năm 2011, Marine Le Pen lại càng thân Nga hơn, công khai bày tỏ sự "ngưỡng mộ" Vladimir Putin. Tại Nghị viện Châu Âu cũng như tại Quốc hội Pháp, các lá phiếu của đảng RN luôn chống lại mọi trừng phạt Moskva.

Le Pen ngự trị tại Élysée : Còn vài ngày để tránh cơn ác mộng

Giáo sư Bertrand Badie, đại học Sciences-Po Paris lưu ý, ngoài chủ trương dân tộc, dân túy, còn là mối liên hệ tài chánh mà Le Pen đang là người thiếu nợ. Năm 2014 đảng FN (tên cũ của RN) vay 9 triệu euro của ngân hàng First Czech-Russian Bank (FCRB) và vay thêm 2 triệu euro của Nga cho đảng của người cha. Cùng năm đó, phó chủ tịch Hạ viện Nga Andrei Issaiev là khách mời danh dự trong đại hội đảng. Sau khi FCRB phá sản, món nợ được chuyển sang một công ty của các cựu quân nhân Nga và kéo dài thời hạn đến 2028. Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử 2017 với nghi vấn Nga can thiệp, đã cấm mọi tài trợ chính trị ngoài Liên Hiệp Châu Âu (EU). Thế nên trong chiến dịch tranh cử 2022, RN đã vay của một ngân hàng... Hungary, mà đa số cổ phần thuộc về bạn bè của ông thủ tướng luôn bênh vực Putin.

Về chính sách đối ngoại, Marine Le Pen theo logic của thế kỷ 19, từ bỏ chủ trương đa phương của hậu bán thế kỷ 20 (EU, NATO, Liên Hiệp Quốc, WHO...) vốn đã bảo đảm hòa bình cho Châu Âu. Cựu đại sứ Pháp tại Washington, Gérard Araud nhắc nhở, từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 số cuộc chiến là không thể đếm xuể. Đường hướng của bà khiến mọi đối tác của Pháp phải toát mồ hôi, vì chủ trương "không liên kết" theo kiểu Marine Le Pen sẽ mang lại nhiều hậu quả : làm yếu đi mối quan hệ với NATO, liên minh với Nga, quan hệ "thăng bằng" với Trung Quốc thay vì "hung hăng" như Mỹ...

Bà muốn đặt luật của Pháp lên trên hiệp ước Châu Âu, ra khỏi không gian Schengen, bỏ qua các quy định về ngân sách... Nợ nần sẽ tăng cao vì những biện pháp mị dân, nếu không còn được Ngân hàng Châu Âu mua lại nợ, Pháp khó thể ở lại với khu vực đồng euro. Thủ lãnh cực hữu còn muốn chấm dứt hợp tác với Đức trong lãnh vực vũ khí, và như vậy, Paris phải nói lời vĩnh biệt với các chiến đấu cơ và xe tăng thế hệ mới. Tất cả đều khiến Nga và Trung Quốc hài lòng, một cuộc tự sát ! Tờ báo nhấn mạnh trong bài xã luận "Marine Le Pen ngự tại điện Élysée : Chỉ còn vài ngày để tránh cơn ác mộng này".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 260 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)