Công bố danh tính 50.000 nạn nhân của chế độ Staline (RFI, 29/01/2018)
Kiến tha lâu cũng đầy tổ : Nhà sử học người Nga, Anatoli Razoumov, trong 30 năm sự nghiệp, dành trọn thời gian để đi tìm quá khứ. Nhờ ông, 50.000 nạn nhân của chế độ Staline tại Leningrad không còn là những "người vô danh".
Lãnh tụ cộng sản Nga J. Staline vẫn còn được những cựu đảng viên cộng sản ngưỡng mộ
Hai mươi năm 1987-2017 là thời gian nhà sử học Razoumov thai nghén để cho ra đời 13 tập cuốn "Martyrologe de Leningrad", tạm dịch là Những người bị hy sinh của thành Leningrad, tức Saint Petersbourg.
Họ là những người bị sát hại tại Leningrad trong những năm tháng Staline thi hành chính sách thanh lọc. Trả lời hãng tin Pháp AFP, tác giả cho biết ông bắt tay vào việc, vì "không tìm thấy một logic nào" để giải thích được những cái chết ấy, "về mặt con người, đấy là một sự kiện không thể nào giải thích nổi".
Có điều như ghi nhận của AFP, sử gia Anatoli Razoumov đã dày công nghiên cứu về một thời đại đen tối nhất trong lịch sử của nước Nga, trong sự thờ ơ của công luận.
Trên nước Nga của Vladimir Putin ngày nay, 80 năm sau những trang sử kinh hoàng mang đậm dấu ấn của Staline, đi tìm sự thật là một nhiệm vụ vô cùng gian nan. Không mấy ai muốn nhắc lại thời kỳ mà hàng triệu người bị hành quyết, bị đầy tới những xứ sở ngục tù, bị chết đói. Vẫn theo AFP, nước Nga ngày nay, đứng đầu là tổng thống Putin, luôn nhân danh tinh thần đoàn kết dân tộc, để hạ thấp tầm mức nghiêm trọng của những trang sử đen tối đó.
Trong bộ sách nghiên cứu "Martyrologe de Leningrad" của sử gia Razoumov, người ta đã tìm thấy nào là tên tuổi, ngày sinh, ngày tử, nghề nghiệp và cả địa chỉ của những người đã "mất tích" tại Leningrad, như thể họ "chưa bao giờ hiện hữu trên đời".
Trong tác phẩm này, Razoumov kể lại : trong giai đoạn Đại Khủng Bố, kéo dài trong vòng gần một năm rưỡi, cho tới mùa thu 1938, "đêm nào cũng có hàng loạt người bị sát hại. Họ không hề được xét xử". Trong thời kỳ đó, nhà sử học người Nga cho biết "cỗ máy thay trừng hoạt động với công suất tối đa". Khoảng 40.000 người tại Leningrad bị giết trong vòng vài tháng.
Thân phụ của tác giả công trình nghiên cứu dài hơi nói trên là một vị tướng dưới thời Liên Xô. Gia đình ông không có ai là nạn nhân của các đợt thanh trừng dưới thời Staline.
Thanh Hà
**********************
Nghi án Nga : Hai TNS Mỹ khuyên Donald Trump "im lặng" về cuộc điều tra (RFI, 29/01/2018)
Hai thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa, vào hôm qua, 28/01/2018, đã cho rằng tổng thống Donald Trump nên giữ "im lặng" về cuộc điều tra độc lập đang tiến hành, liên quan đến các cuộc tiếp xúc của giới thân cận của ông với phía Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Robert Mueller trong buổi lễ kết thúc nhiệm kỳ giám đốc FBI (2001-2013), bộ Tư Pháp Mỹ, Washington, 01/08/2013. Reuters/Jonathan Ernst
Lời khuyên được đưa ra vào lúc rộ lên thông tin về việc tổng thống Mỹ tìm cách cách chức công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách cuộc điều tra.
Theo hãng tin Mỹ AP, hai thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bang South Carolina và Susan Collins, bang Maine, còn thúc giục ông Mueller, điều tra kỹ xem ông Trump có thực sự tìm kế cách chức ông hay không vào tháng 6 năm ngoái. Lời tố cáo bị chính tổng thống Mỹ cho là tin giả (fake news).
Theo tiết lộ của nhật báo Mỹ The New York Times và một số phương tiện truyền thông khác, thì tổng thống Trump từng có ý định cách chức ông Mueller, nhưng vào tháng Sáu vừa qua đã từ bỏ ý định này, sau khi luật sư của Nhà Trắng Don McGath từ chối chuyển chỉ thị của ông qua bộ Tư Pháp, và còn đe dọa từ chức, nếu ông Trump thúc đẩy vấn đề này.
Đối với thượng nghị sĩ Graham, nếu thông tin về việc ông Trump đòi cách chức ông Mueller là xác thực, thì đó là một sự việc rất nghiêm trọng và "mọi người ở Nhà Trắng đều biết là nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ kết thúc, nếu ông cách chức ông Mueller".
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham là đồng tác giả một dự luật nhằm bảo vệ ông Mueller, để ông không thể bị bãi nhiệm, nếu không có cơ sở pháp lý. Ông hy vọng là dự luật này có thể được thông qua vào hôm nay. Tuy nhiên, ông Graham cũng nhấn mạnh là công tác của ông Mueller trước mắt không bị đe dọa, vì ông Trump biết cái giá phải trả khi bãi nhiệm viên công tố đặc biệt này.
Về phần thượng nghị sĩ Susan Collins, bà cho rằng tốt nhất là ông Trump đừng bao giờ nói về cuộc điều tra, dù rằng qua tin nhắn twitter, ngoại trừ khi nói chuyện với luật sư của ông. Đối với bà Collins, Quốc hội Mỹ không bị thiệt hại gì khi thông qua dự luật bảo vệ ông Mueller.
Mai Vân
21 bang bị tin tặc nhắm mục tiêu trong cuộc bầu cử 2016 (VOA, 24/09/2017)
Chính phủ liên bang hôm thứ Sáu nói với các viên chức bầu cử ở 21 bang rằng tin tặc đã nhắm mục tiêu vào các hệ thống bầu cử của họ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái.
Tư liệu - Cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ở thành phố Medina, bang Ohio, ngày 8 tháng 11, 2016.
Thông báo này được đưa ra gần một năm sau khi các quan chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ lần đầu tiên nói rằng các bang đã bị nhắm mục tiêu bởi những tin tặc có thể có dính líu tới Nga. Hãng tin AP loan tin các bang bị nhắm mục tiêu bao gồm một số bang chiến trường chính trị quan trọng như Florida, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin
Vì thông báo của Bộ An ninh Nội địa không nêu tên các bang này, AP cho biết họ đã liên lạc với văn phòng bầu cử của tất cả các bang và xác định đó là Alabama, Alaska, Arizona, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Illinois, Iowa, Maryland, Minnesota, North Dakota, Oklahoma, Oregon, Texas và Washington, ngoài năm bang chiến trường kể trên.
Bị nhắm mục tiêu không có nghĩa là dữ liệu cử tri nhạy cảm đã bị thao túng hoặc kết quả đã bị thay đổi. Một tin tặc nhắm mục tiêu vào một hệ thống mà không xâm nhập cũng giống như một tên trộm đi rảo quanh một căn nhà để tìm cửa và cửa sổ chưa khóa, AP giải thích.
Mặc dù vậy, quy mô rộng lớn của những nỗ lực này và thời gian trì hoãn cả năm trong thông báo từ Bộ An ninh Nội địa khơi lên lo ngại nơi các quan chức bầu cử và các nhà lập pháp.
Đối với nhiều bang, các cuộc gọi vào ngày thứ Sáu là sự xác nhận chính thức đầu tiên về việc liệu bang của họ có nằm trong danh sách hay không - dù các quan chức bầu cử cấp bang khắp cả nước suốt nhiều tháng qua đã kêu gọi chính phủ liên bang chia sẻ thông tin về bất kỳ vụ tấn công tin tặc nào, cũng như các nghị sĩ Quốc hội.
"Một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được là Bộ An ninh Nội địa đã mất hơn một năm để thông báo cho văn phòng của chúng tôi về việc Nga dò tìm các hệ thống của chúng tôi, bất chấp những yêu cầu cung cấp thông tin của chúng tôi", Bộ trưởng Sự vụ Bang California Alex Padilla, người theo Đảng Dân chủ, nói trong một thông cáo. "Tập tục ém giữ những thông tin quan trọng không cho các viên chức bầu cử biết gây tổn hại cho sự an ninh của các cuộc bầu cử và nền dân chủ của chúng ta".
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Mark Warner của bang Virginia, thành viên Đảng Dân chủ cao cấp trong một ủy ban đang điều tra sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử năm ngoái, từ nhiều tháng qua đã hối thúc Bộ An ninh Nội tiết lộ tên của các bang bị nhắm mục tiêu. Ông nói các bang cần những thông tin như vậy trong thời gian thực để họ có thể tăng cường các biện pháp phòng vệ trên mạng.
"Chúng ta phải làm tốt hơn trong tương lai", ông nói.
Bộ An ninh Nội địa nói họ nhận thức rằng các quan chức cấp bang và cấp địa phương nên được thông báo về những rủi ro không gian mạng đối với cơ sở hạ tầng bầu cử của họ.
"Chúng tôi đang làm việc với họ để tinh chỉnh các quy trình của chúng tôi để chia sẻ những thông tin này đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của các cuộc điều tra và tính bảo mật của các chủ sở hữu hệ thống", Bộ nói trong một thông cáo.
Chính phủ không nói ai đứng đằng sau các nỗ lực tấn công tin tặc hoặc cung cấp chi tiết về những gì được tìm kiếm. Nhưng các quan chức bầu cử ở một số bang nói rằng những nỗ lực này liên quan đến Nga.
********************
Facebook sẽ giao cho Quốc hội Mỹ các quảng cáo chính trị của Nga (VOA, 23/09/2017)
Facebook nói họ sẽ chia sẻ với các nhà điều tra Quốc hội 3.000 quảng cáo trên mạng truyền thông xã hội này mà đã bị phát hiện có liên quan đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Chia sẻ trên mạng Facebook - Ảnh minh họa
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đưa ra thông báo này hôm thứ Năm, nhắc lại sự hợp tác của công ty của ông với các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và các ủy ban Quốc hội.
Ông Zuckerberg trước đó đã phải đối mặt với chỉ trích vì đã không làm nhiều hơn để ngăn chặn những người bị gọi là "phần tử xấu" sử dụng Facebook để thao túng hoặc gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Cuộc điều tra của Facebook cho thấy một hoạt động được tổ chức ở Nga đã chi 100.000 đôla cho các quảng cáo tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Nga đã phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào.
*********************
Mỹ dùng thông tin khách quan đối phó thông tin sai lệch của Nga
Nghi án Trump-Putin "toa rập" : Dân Mỹ xuống đường đòi "sự thật" (RFI, 04/06/2017)
Ngày 03/06/2017, năm ngày trước cuộc điều trần của cựu giám đốc FBI, nhiều cuộc biểu tình tuần hành diễn ra khắp nước Mỹ yêu cầu tổng thống Donald Trump phải nói thật về tin đồn ông được Moskva trợ giúp để đắc cử. Lên án bàn tay của Nga can dự vào bầu cử Mỹ chỉ là phần nổi của tảng băng sơn, phản ánh sự bất bình của dân chúng trước các chính sách thất nhân tâm của tỷ phú địa ốc từ khi vào Nhà Trắng.
Cuộc " Tuần hành vì sự thật " tại Washington, ngày 03/06/2017. Reuters
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet phân tích :
"Cuộc biểu tình được mệnh danh là "Tuần hành vì sự thật", với vài ngàn người tham gia tại New York, Washington, Los Angeles, Seatle và nhiều thành phố khác. Người biểu tình không chỉ lên án Donald Trump thiếu minh bạch trong nghi án Nga can dự vào cuộc bầu cử, mà còn chống lại một số chính sách của tổng thống như quyết định rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris.
Tại Washington chẳng hạn, đám đông hô to những khẩu hiệu như "Kháng chiến" hay cầm những tấm biển mang chữ "Truất phế" hoặc lấy lại công thức của tổng thống Pháp Emmanuel Macron : "Cùng làm cho trái đất vĩ đại trở lại".
Trước mặt Nhà Trắng, tổng thống Trump được một nhóm nhỏ khoảng 200 người, kéo đến ủng hộ. Phong trào xuống đường phản kháng diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài hôm nữa (08/06), giám đốc cảnh sát FBI bị ông Trump cách chức, ra điều trần tại Quốc Hội.
James Comey sẽ xác nhận với Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện là tổng thống Donald Trump có hay không có yêu cầu ông đình chỉ cuộc điều tra nhắm vào Mike Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống được bổ nhiệm có vài hôm là phải từ chức, vì bị nghi ngờ móc ngoặc với chính quyền Nga trong thời gian ông Trump tranh cử".
Tú Anh
*********************
Trump không định ngăn cựu giám đốc FBI ra khai chứng (VOA, 04/06/2017)
Tin tức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump không định sẽ dùng đặc quyền hành pháp của mình để ngăn chặn cựu giám đốc FBI James Comey tiết lộ với Quốc hội Mỹ những thông tin có thể có hại cho ông Trump về những phát biểu mà ông đưa ra về cựu giám đốc đặc trách an ninh quốc gia này.
Tư liệu - Cựu giám đốc FBI James Comey khai chứng trong một phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện, ngày 20 tháng 3, 2017.
Báo The New York Times loan tin về quyết định này, dẫn nguồn tin từ những quan chức cao cấp giấu tên trong chính quyền của ông Trump.
Hôm thứ Bảy, một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói tờ Times nên chuyển câu hỏi của họ cho luật sư bên ngoài của Tòa Bạch Ốc. Luật sư không phản hồi ngay tức thì yêu cầu bình luận.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với báo giới hôm thứ Sáu rằng ông không biết liệu ông Trump có ngăn chặn lời khai chứng của ông Comey hay không.
"Tôi chưa nói chuyện với luật sư, tôi không biết họ sẽ phản hồi như thế nào", ông Spicer nói.
Khi còn là giám đốc FBI, ông Comey đã dẫn đầu cuộc điều tra của cơ quan này nhắm vào sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái, và việc liệu những trợ lý trong ban vận động của ông Trump có thông đồng với Nga hay không trước khi ông Trump sa thải ông Comey hồi tháng trước.
Cựu giám đốc của FBI vào ngày 8 tháng 6 sẽ ra khai chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ủy ban cũng đang tiến hành một cuộc điều tra về cuộc bầu cử và sự thông đồng có thể có.
Ông Comey dự kiến sẽ trình bày với các nhà lập pháp về những cuộc trao đổi của ông với ông Trump, bao gồm một cuộc trao đổi mà trong đó Tổng thống hối thúc ông ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ông Trump sa thải ông Flynn vào tháng 2 sau khi tin tức cho hay ông Flynn đã nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về những liên lạc của ông với đại sứ Nga tại Mỹ.
Cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong bốn cuộc điều tra của Quốc hội nhắm vào những mối liên hệ có thể có của ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga và sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt để điều tra liệu những trợ lý trong ban vận động của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.
******************
Ông Trump : cần thôi "mực thước về chính trị" trong chống khủng bố (VOA, 04/06/2017)
Cảnh sát triển khai sau vụ tấn công trên cầu London
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng thế giới cần ngừng tỏ ra "mực thước về mặt chính trị" trong cuộc chiến chống khủng bố, và ông sử dụng cuộc tấn công chết chóc ở London để tiếp tục kêu gọi tòa án cho phép ông cấm người từ sáu nước có tín đồ Hồi giáo chiếm đa số du hành đến Mỹ.
Trong một loạt các bài ngắn đăng trên Twitter, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố ủng hộ Anh, chỉ trích thị trưởng London, và nêu ra lập trường cứng rắn về chống khủng bố.
Ông Trump nói hôm 4/6 : "Chúng ta phải dừng việc mực thước về mặt chính trị lại, và nghiêm túc làm việc về an ninh cho người dân. Nếu chúng ta không trở nên khôn ngoan, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn".
Ông cũng châm biếm thị trưởng London Sadiq Khan, người đã đắc cử hồi năm ngoái và là người Hồi giáo đầu tiên đứng đầu một thủ đô lớn của phương tây.
Ông Trump viết trên Twitter : "Ít nhất 7 người chết và 48 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố, vậy mà Thị trưởng London nói rằng "không có lý do gì để báo động !"
Khi tin tức về vụ tàn sát đêm 3/6 lan rộng ở London và trên thế giới, ông Khan lên án cuộc tấn công, mô tả nó là "một cuộc tấn công có chủ ý và hèn hạ vào những người London vô tội", sau đó ông nói người Anh không nên hoảng sợ khi nhìn thấy cảnh sát hiện diện nhiều hơn trên đường phố London.
Trong vòng một giờ sau khi ba kẻ tấn công lao xe vào đám đông trên cầu London và sau đó đâm dao vào nhiều người ở một khu thương mại gần đó, ông Trump nói : "Chúng ta cần phải khôn ngoan, cảnh giác và cứng rắn. Chúng ta cần tòa án trao lại quyền cho chúng ta. Chúng ta cần lệnh cấm du hành, đó một cách nâng mức độ an toàn !"
Một số tòa án Hoa Kỳ đã ngăn cản lệnh cấm của ông Trump đối với việc du hành từ Iran, Syria, Libya, Sudan, Yemen và Somalia. Một phần lý do là các tòa án phán quyết rằng việc ông liên tục công kích chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và có một lần kêu gọi cấm toàn bộ người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ cho thấy việc ông ngăn chặn du hành đến Hoa Kỳ, dù ở quy mô nhỏ hơn, vẫn thể hiện sự phân biệt tôn giáo. Ông đã kháng cáo phán quyết của các toà cấp thấp tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Ông Trump nói Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp London và Anh chống khủng bố. Ông nói : "Chúng tôi sát cánh với của bạn. Cầu Chúa ban phước lành !".