Hoạt động khai thác vàng tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan và Mali mang lại cho tập đoàn quân sự Nga Wagner mỗi tháng khoảng 114 triệu đô la kể từ tháng 02/2022. Như vậy, điện Kremlin có thể đã thu về 2,5 tỉ đô la kể từ khi gây chiến ở Ukraine, theo thẩm định của nhóm nghiên cứu The Blood Gold Report, có trụ sở tại Mỹ.
Người dân Mali ủng hộ Nga nhân lễ kỉ niệm 60 năm nước Cộng hòa Mali giành độc lập, Bamako, Mali, ngày 22/09/2020. AP
Trong báo cáo, nhóm chuyên gia do Jessica Berlin, chuyên về quan hệ Châu Phi-Châu Âu, đứng đầu, cho biết "vàng được khai thác từ các nước Châu Phi và được rửa trên thị trường quốc tế" đã cung cấp hàng tỉ đô la cho Nhà nước Nga để đáp ứng những nhu cầu cấp bách và "tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine".
Ngành kinh doanh đầy lợi nhuận của tập đoàn bán quân sự Wagner ở Châu Phi không chỉ "tài trợ cho cỗ máy chiến tranh Nga" mà còn "làm mất ổn định trong vùng, gây hại đến ảnh hưởng của phương Tây" trong khu vực này và "góp phần trực tiếp và gián tiếp làm tăng số người nhập cư xin tị nạn ở Châu Âu".
Theo báo Pháp Le Figaro, các nhà nghiên cứu nêu chi tiết cách kiếm tiền của Wagner tùy theo quốc gia Châu Phi mà họ hoạt động. Ví dụ, tại Mali, khoảng 1.000 lính đánh thuê Wagner có mặt để chống khủng bố thánh chiến và bảo vệ quân đội cầm quyền được tập đoàn quân sự trả thù lao hàng tháng 10,8 triệu đô la. Chính quyền quân sự dựa vào một số công ty khai thác mỏ quốc tế, trong đó có công ty Canada Barrick Gold. Đây là công ty đóng góp nhiều nhất cho Mali, chỉ trong quý I/2023 đã chuyển 206 triệu đô la cho chính quyền Bamako.
Tại Cộng hòa Trung Phi, Wagner được độc quyền khai thác mỏ Ndassima lớn nhất nước này. Theo thẩm định, hàng năm, tập đoàn bán quân sự Nga thu về khoảng 290 triệu đô la từ khai thác vàng ở mỏ này.
Tại Sudan, Wagner kiểm soát một mỏ lọc vàng lớn và trở thành bên mua vàng chưa qua xử lý. Dù có rất nhiều bằng chứng về hoạt động kinh doanh liên quan đến nhiều đối tượng có liên hệ với điện Kremlin từ hơn một thập niên, nhưng mọi thống kê ngoại thương của Sudan đều khẳng định vàng không hề được xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Sudan, được đài truyền hình CNN công bố, cho thấy là thiếu khoảng 32,7 tấn vàng trong năm 2021 và được cho là có thể liên quan đến Wagner.
Thu Hằng
Nga : Thực dân mới ở Châu Phi thông qua "cánh tay nối dài" Wagner
Trong bài xã luận hôm 16/08/2023 mang tựa đề "Wagner ở Châu Phi : Nga tái lập thuộc địa", Le Figaro đặt vấn đề, làm thế nào mà Vladimir Putin vốn sẵn sàng tống những người đối lập vào xà-lim vì những chuyện không đáng kể, lại có thể bỏ qua cho vụ binh biến của Yevgeny Prigozhin ? Để tìm ra câu trả lời, phải nhìn sang Châu Phi thay vì Ukraine.
Một cuộc biểu tình ở Bamako (Mali) chống Pháp, ủng hộ Nga ngày 22/09/2020. AP
Wagner bám rễ tại năm nước từng lật đổ chính phủ
Đó là do tại châu lục này, lính đánh thuê Nga hữu dụng nhất cho Kremlin. Là cánh tay vũ trang "với bàn tay đeo găng" nhằm tránh để lại dấu vết, Wagner là công cụ cần thiết cho chính sách Châu Phi của Moskva, phụ trách tất cả những gì mà ngoại giao chính thức không làm được : "bảo kê" cho các chế độ độc tài, những vụ làm ăn béo bở đi kèm tham nhũng, tuyên truyền tẩy não, những tội ác không bị trừng trị...
Trung Phi là phòng thí nghiệm cho công trình tái lập thuộc địa dưới lớp vỏ trung lập và hữu nghị. Đến thay chân lực lượng Sangaris của Pháp năm 2017, Wagner chuyển từ hỗ trợ quân sự sang gây ảnh hưởng chính trị và bóc lột kinh tế, một cách có phương pháp. Khi sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm cho tổng thống Touadéra có thể trị vì vĩnh viễn, Prigozhin đã mua được sự ổn định với cái giá rẻ mạt. Wagner tha hồ khai thác các mỏ kim cương và vàng, chưa kể phá rừng và buôn bán rượu. Nga có thể bắt rễ tại đây, thay thế lính đánh thuê thô bạo bằng các kỹ sư khai khoáng.
Wagner đã hiện diện quân sự tại 5 nước Châu Phi hạ Sahara, hầu như tất cả đều nằm trong tay các tập đoàn quân sự lên nắm quyền nhờ đảo chánh (liệu đây có phải là một sự ngẫu nhiên ?). Bên thiệt hại tất nhiên là Pháp, nhưng nhất là người dân Châu Phi. Lấy cớ "giải phóng" khỏi thực dân cũ, những người lãnh đạo yếu kém trao đất nước họ cho con quái vật Nga hay con hổ đói Trung Quốc. Le Figaro đặt câu hỏi, họ sẽ đổ lỗi cho ai một khi người dân buộc họ phải chịu trách nhiệm về sự điên rồ này ?
Nga và bước ngoặt thực dân tại Trung Phi
Cụ thể, trong bài điều tra "Bước ngoặt thực dân của Wagner tại Trung Phi", đặc phái viên Le Figaro cho biết hình ảnh lính đánh thuê Nga đã trở nên quen thuộc tại nước này. Lực lượng Wagner có chỗ đứng vững chắc, cho dù theo nhiều nguồn tin, khoảng 400 lính đánh thuê đã rời Trung Phi. Những người mới đến có vẻ có học và thiên về kỹ thuật hơn là nhà binh, có cả phụ nữ.
Nhìn lại quá khứ, bắt đầu từ việc tổng thống Faustin-Archange Touadéra yêu cầu Paris duy trì lực lượng Sangaris của Pháp. Tổng thống François Hollande ban đầu có vẻ thuận tình, nhưng rồi lại cho rút quân. Vài tháng sau, ông Touadéra lại đề nghị, lần này là với tân tổng thống Emmanuel Macron, cung cấp vũ khí loại nhẹ để chống quân nổi dậy. Điện Élysée ngại ngần, chỉ sang Moskva, mà không để ý đến những lính đánh thuê Nga đã được triển khai ở nước láng giềng Sudan. Kremlin chụp ngay cơ hội, không chỉ cung cấp vũ khí mà cả "huấn luyện viên".
Bà Danièle Darlan, cựu chủ tịch Hội đồng Bảo hiến Trung Phi kể lại, hồi tháng 2/2022 đại biện Nga đến hỏi thẳng bà điều khoản Hiến pháp nào có thể sửa đổi để ông Touadéra làm tổng thống suốt đời. Do trả lời "không thể được", đến tháng 10/2022 bà bị buộc về hưu, một thẩm phán khác lên thay một cách bất hợp pháp.
Wagner tha hồ lập ra một loạt công ty cả bình phong lẫn chính danh để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên Trung Phi. Chẳng hạn Lobaye Invest trực thuộc tập đoàn Concord của Yevgeny Prigozhin, Diamville chuyên về kim cương, Midas Ressources khai thác vàng… Người Nga buộc thợ mỏ phải bán dưới giá thị trường, với thợ rừng cũng vậy, sau đó sản phẩm được lính Wagner áp tải ra cảng vào ban đêm. Không có công ty nào của Wagner đóng thuế cho chính quyền Trung Phi.
Thêm một vụ người Đức làm gián điệp cho Nga
Trên mặt trận tình báo, Le Figaro cho biết tại Đức một nghi can cung cấp tin cho Moskva là một cảm tình viên của đảng cực hữu AfD, đã bị bắt ngày 09/08. Người này làm việc tại một đơn vị phụ trách cung cấp các thiết bị tinh vi cho quân đội Ukraine. Điệp viên tập sự này có vẻ không đáp ứng được những đòi hỏi của nghề nghiệp, trước hết là tính bí mật. Ông ta liên lạc với phái đoàn ngoại giao Nga tại Bonn và Berlin bằng thư điện tử, và bị cơ quan chức năng theo dõi.
Cơ quan liên bang về thiết bị, vi tính của quân đội Đức có 5.500 nhân viên, đặt tại Koblenz (bang Rheinland-Pfalz), chuyên thử nghiệm và đặt mua công nghệ quốc phòng. Theo Spiegel, nhân vật này làm việc ở ban "U" (tức Unterstützung : yểm trợ), lo về các hệ thống hiện đại cho chiến tranh điện tử (quân đội Đức gọi tắt là EloKa) nhằm giám sát và gây nhiễu hệ thống radio, vô hiệu hóa radar và phòng không của địch. Ban " U" cũng giám sát việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Ông ta có nguy cơ lãnh 10 năm tù về tội phản quốc.
Đây không phải là lần đầu một vụ làm gián điệp cho Nga bị phát hiện. Tháng 12 năm ngoái, Carsten L., nhân viên cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) bị bắt giam vì tiết lộ bí mật Nhà nước, và tháng 11 một sĩ quan dự bị ở Düsseldorf lãnh 1 năm 9 tháng tù treo vì lý do tương tự. Anh ta cho biết bị mê hoặc bởi "nhân vật mạnh mẽ" Vladimir Putin. Chuyên gia Erich Schmidt-Eenboom cho rằng quân đội Đức là nguồn tuyển mộ tiềm năng cho Nga, với những người có tư tưởng cực hữu, nhất là từ khi Đức trục xuất 40 "nhà ngoại giao Nga" vì làm gián điệp, đóng cửa 4 trong số 5 lãnh sự quán Nga. Là nhà cung cấp vũ khí thứ nhì cho Ukraine chỉ sau Hoa Kỳ, Berlin được chú ý đặc biệt, khoảng 100 gián điệp Nga được cho là vẫn đang hoạt động trên đất Đức.
Ba Lan duyệt binh rầm rộ nhất từ hơn 30 năm
Là quốc gia nằm cạnh hai nước đang tham chiến Ukraine và Nga, hôm 15/08/2023 quân đội Ba Lan đã biểu dương lực lượng với những vũ khí mới. Đây là cuộc duyệt binh quan trọng nhất kể từ năm 1989. Hơn 2.000 quân nhân Ba Lan đã diễu qua những đại lộ chính của Warszawa, với 200 thiết bị mới tinh cho lục quân.
Tất cả những vũ khí mới mua đều được trình diện, đặc biệt là các xe tăng M1A1 Abrams và hệ thống phòng không Patriot của Hoa Kỳ, hay xe tăng K2, đại bác K9 và hệ thống rốc-kết Himars mua của Hàn Quốc. Trên bầu trời, 9 chiến đấu cơ bay biểu diễn, trong đó có tiêm kích siêu thanh FA-50. Và tất nhiên là F-16 nổi tiếng cũng như những chiếc F-35 vẫn còn thuộc sở hữu của Washington, sẽ được giao vào năm 2024.
Kho vũ khí của Ba Lan sẽ còn phong phú hơn trong những năm tới, đơn đặt hàng gồm đủ loại. Warszawa hy vọng được Quốc hội Mỹ duyệt cho mua 96 trực thăng Apache để thay thế những chiếc Mi-24 của Liên Xô, và đang thương lượng mua 22 trực thăng AW101 của Ý-Anh, hợp tác với Kia của Hàn Quốc để có được 1.000 xe quân sự từ 2025. Bộ trưởng quốc phòng Mariuz Blaszczak tự hào nói : "Hai năm nữa, chúng tôi sẽ có lục quân mạnh nhất Châu Âu". Ba Lan chi đến 4% GDP cho quốc phòng, và dự định đến 2035 sẽ có 300.000 quân nhân (hiện nay 175.000).
Súng trường mới của Pháp được thử nghiệm tại Ukraine
Còn tại Ukraine, các chiến sĩ đang thử nghiệm loại súng trường tấn công mới của Thales. Les Echos cho biết, tập đoàn Pháp đã bí mật cung cấp cho Kiev "một số lượng nhỏ" súng ACAR được sản xuất tại Úc. Nhật báo kinh tế Pháp dẫn lời một phát ngôn viên của Thales nói rằng do không phải là hợp đồng mua bán nên không thông tin. Súng trường ACAR (viết tắt từ Australian Combat Assault Rifle) là phiên bản cải tiến của F90 dành cho quân đội Úc vào đầu những năm 2000. Thales đã đầu tư nhiều triệu đô la vào kiểu súng này, nhưng năm 2015 bị trượt gói thầu của quân đội Pháp nhằm thay thế súng trường Famas, do một số tiêu chí kỹ thuật đặc biệt được đặt ra vào thời đó. Thế nên tập đoàn Pháp cho thử nghiệm ở Ukraine trước khi giới thiệu tại những hội chợ vũ khí sắp tới.
Súng ACAR có thể dùng nhiều loại đạn có kích cỡ khác nhau, từ loại 5,56 ly theo tiêu chuẩn NATO đến 6,8 ly theo kiểu Mỹ, đi kèm với những phụ tùng đa dạng (phóng lựu, kính ngắm laser, ống kính hồng ngoại…). Không chỉ có ACAR được thử nghiệm trên chiến trường, Thales còn bán cho Ukraine hệ thống phát hiện radar cơ động hiện đại nhất là GM200 bổ sung cho phòng không, cùng với việc đưa vào hoạt động một hệ thống thông tin bảo mật mới.
Bắc Kinh gây áp lực, lãnh đạo Đài Loan vẫn "quá cảnh" Mỹ
Liên quan đến Châu Á, La Croix nhận thấy "Bất chấp áp lực của Bắc Kinh, Đài Loan liên tục có những chuyến ‘quá cảnh’ sang Hoa Kỳ". Đến New York trước khi thăm Paraguay, phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) hôm Chủ nhật cam đoan "chống lại việc hòn đảo bị Trung Quốc sáp nhập". Ông tuyên bố : "Nếu Đài Loan an toàn, thế giới cũng an toàn".
Vị bác sĩ 63 tuổi tốt nghiệp Harvard khẳng định : "Cho dù tầm cỡ mối đe dọa độc tài đang đè nặng lên Đài Loan có như thế nào đi nữa, chúng tôi không sợ hãi và không bao giờ lùi bước". Tờ báo nhắc lại tháng Ba năm ngoái trong chuyến công du Châu Mỹ la-tinh, tổng thống Thái Anh Văn đã lưu lại hai ngày tại New York và trong chuyến về đã ghé Los Angeles cũng hai ngày. Đây là chuyến quá cảnh thứ bảy của bà từ khi đắc cử, và lần thứ 29 từ khi cựu tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui) đến Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 1995. La Croix cho rằng Bắc Kinh có thể trả đũa bằng việc lại cho chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Trung Quốc : "Thành phố ma" 100 tỉ đô của Country Garden
Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nói về "thành phố ma", dự án 100 tỉ đô la của tập đoàn địa ốc Trung Quốc Country Garden đang gặp khó khăn. Năm 2016, tập đoàn này tung ra siêu dự án về một thành phố hiện đại 700.000 dân, nhưng bảy năm sau chỉ mới thu hút được vài ngàn người đến cư ngụ. Đang nợ đến 150 tỉ euro - và theo Bloomberg thì đến 176 tỉ - dự án "Forest City" được quảng cáo là "thành phố tương lai thông minh và sinh thái" ở miền nam Malaysia, gần Singapore, là thất bại nặng nề góp phần vào số nợ này. Một kênh YouTube chuyên ngành có 800.000 người theo dõi còn đánh giá là "siêu dự án vô dụng thứ nhì trên thế giới".
Chỉ có một trong số bốn đảo nhân tạo được xây dựng, gần 90% cửa hàng bị bỏ hoang. Giá nhà cao quá tầm với của cư dân địa phương, một số căn hộ được rao giá đến 1 triệu đô la. Còn khách mua là người giàu Trung Quốc thì phân vân trước những tuyên bố trái ngược của chính quyền Malaysia, hơn nữa vốn đầu tư bị Tập Cận Bình kiểm soát. Country Garden nói rằng đã tuyển dụng 100 đại lý nước ngoài để bán các căn hộ Forest City. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay của tập đoàn Trung Quốc khiến khả năng này khó thành sự thực.
Donald Trump : Càng ra tòa nhiều càng lên điểm
Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro đặt vấn đề "Có những thay đổi gì qua vụ khởi tố thứ tư với Donald Trump ?". Đối với bất kỳ ai, bốn vụ khởi tố trong số 91 tội danh bị cáo buộc nhất định là hồi kết cho sự nghiệp chính trị. Nhưng đối với ông Trump, đây là lợi thế, ít nhất là trong cuộc bầu cử sơ bộ. Đến giữa tháng Tám, theo thăm dò của RealClear Politics, ông lên được 10 điểm so với tháng Ba, và cao hơn đến 40 điểm so với đối thủ chính là Ron DeSantis, thống đốc Florida.
Libération cho rằng vụ khởi tố ở Georgia "làm ông Trump và đội ngũ rúng động". Ngược lại, La Croix nhận thấy "Donald Trump càng bị khởi tố càng được ưa thích". Tờ báo dẫn lời gió sư Seth McKee của đại học Oklahoma về điểm số đè bẹp ông DeSantis : "Tuy hãy còn sớm, nhưng một khoảng cách lớn như vậy ở giai đoạn này sẽ không bao giờ rút ngắn nổi". Lớp cử tri da trắng, bình dân luôn tin vào Trump, hơn nữa những cử tri hăng hái nhất luôn nghe nói rằng đây là một cuộc "săn lùng phù thủy". Đối với họ, tội phạm "thực sự" là Hunter Biden, con trai đương kim tổng thống mà những tai tiếng trốn thuế, dựa vào tên tuổi người cha để làm ăn, đang được cánh hữu khai thác.
Thụy My
Nga và Châu Phi : Ước mơ và ảo vọng
Trang bìa và hồ sơ chính các tạp chí Pháp của tuần lễ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019 này đều dành cho các chủ đề liên quan đến nước Pháp, đẩy lùi các đề tài quốc tế cũng rất lý thú vào những trang trong. Một trong những phân tích đáng chú ý là bài nhận định trên L’Express về tham vọng mới của tổng thống Nga Vladimir Putin tại Châu Phi, muốn Moskva khôi phục hào quang của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên đối với tạp chí Pháp, thời thế đã thay đổi, và tham vọng của Nga chỉ là ảo vọng mà thôi.
Tổng thống Nga Putin và tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, nhân hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi, ngày 23/10/2019 tại Sochi. Reuters
Trong bài "Ước mơ và ảo vọng của Nga tại Châu Phi", nhà bình luận Christian Makarian của L’Express đã ghi nhận thái độ nôn nóng của Vladimir Putin, vừa mới ký kết xong thỏa thuận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về Syria, đã vội tiếp đón ngay khoảng 40 nguyên thủ quốc gia Châu Phi ở Sochi.
Nga muốn chi phối trở lại Châu Phi
Theo L’Express, mong muốn của giới lãnh đạo Nga là tái lập quyền chi phối Châu Phi về mặt ý thức hệ như vào thời Liên Xô trước đây ngay khi lục địa này bắt đầu tiến trình phi thực dân hóa.
Nhưng từ khi Liên Xô phân rã, vai trò toàn cầu của Nga bắt đầu suy giảm, điều mà ông Putin đã biết ngăn chặn bằng cách đích thân công du các nước Châu Phi.
Một bước tiến quan trọng đã được thực hiện ở Ai Cập, nơi mà ngành ngoại giao Nga đã khéo léo tận dụng những sai lầm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, đã dấn thân quá sâu vào việc bảo vệ cựu tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi xuất thân từ hàng ngũ của Huynh đệ Hồi giáo.
Ngay khi quân đội Ai Cập dưới quyền thống chế Al-Sissi trở lại nắm quyền tại Cairo vào tháng 7 năm 2013, Putin đã lao ngay vào kẽ hở và ký kết nhiều hợp đồng với Ai Cập. Trước đó, tổng thống Nga đã làm điều tương tự với Algeria, với hy vọng khôi phục được quan hệ hữu nghị xưa cũ.
Tranh thủ cơ hội phương Tây có vẻ như muốn buông lơi Châu Phi (Mỹ từ chối dấn thân sâu hơn vào lục địa Châu Phi, trong lúc tổng thống Pháp tái khẳng định quyết tâm từ bỏ cách hành xử đáng chê trách của kiểu quan hệ truyền thống mẫu quốc-thuộc địa "Françafrique"), chủ nhân điện Kremlin tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí Pháp, nước Nga của Putin hoàn toàn không phải là Liên Xô ; không còn ảnh hưởng ý thức hệ, không có chỗ dựa chính trị địa phương và thậm chí không đủ sức đầu tư cho các dự án lớn.
Việc bám rễ trở lại vào vùng Trung Đông nhờ cuộc xung đột rất đẫm máu tại Syria không có khả năng dẫn đến một động lực mới.
Moskva hiện không thu hoạch được bất kỳ lợi ích thực sự nào từ các xung đột nội bộ khác nhau đang khuấy động lục địa đen – như ở Sudan, ở Cộng hòa Trung Phi, cũng như ở Nigeria, ở Nam Phi (quốc gia mà Putin rất thích), thậm chí ở Algeria cũng không.
Putin được một số nhà lãnh đạo Châu Phi đánh giá tốt, nhưng ông còn lâu mới là bạn của Châu Phi.
Chuyến xe hãi hùng đến xứ Anh
Một bài đáng chú ý khác được đăng trên tờ Courrier International liên quan đến vụ phát hiện 39 thi thể trong một chiếc xe tải đông lạnh vùng Essex. Trích dịch tạp chí kinh tế Anh The Economist ngày 24/10/2019, Courrier International cho rằng vụ việc đó làm nổi bật những hậu quả của chính sách nhập cư của Luân Đôn.
Trong bài mang tựa đề "Anh Quốc : Thị thực đến xứ kinh hoàng", tuần báo Anh đã ghi nhận tính chất đáng sợ của vụ việc về số lượng người nhập cư thiệt mạng khi tìm cách vào Anh, mà những thông tin sau cùng xác định đó là người Việt. Tờ báo nhắc lại vụ Essex là thảm kich ghê gớm thứ hai sau vụ 58 người nhập cư Trung Quốc bị chết năm 2000 trong một chiếc xe tải được tìm thấy ở Dover. Riêng năm 2014, người ta đã cứu được 35 người Sikh Afghanistan trong một container ở Tilbury, và hầu hết đã sống sót.
Theo The Economist, khó mà biết chính xác số người nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc mỗi năm là bao nhiêu, nhưng giới chuyên gia đều cho rằng một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh là thành phần đã đến Anh với thị thực du lịch hợp pháp rồi sau đó trốn ở lại. Nhiều người khác thì dùng giấy tờ giả.
Riêng những người vượt biển bằng tàu thuyền hoặc trốn bên trong các chiếc xe tải thường là những người đã không xin được thị thực.
Theo bà Madeleine Sumption, thuộc Đại học Oxford : "Do chính sách cố ý gây khó khăn của chính phủ, thật khó mà đặt chân được lên Vương quốc Anh để xin tị nạn. Do đó, những người đến từ các nước có số người xin tị nạn đông đảo sẽ gặp khó khăn trong việc xin thị thực du lịch để vào Anh".
Những sự cố bi thảm liên quan đến người nhập cư lậu không chỉ diễn ra riêng tại Anh, mà ở nhiều nước khác. Năm 2008, tại Thái Lan, hệ thống điều hòa không khí trong một chiếc xe tải chở hải sản đã bị hỏng làm cho 54 người nhập cư Miến Điện trong số 121 người trong xe thiệt mạng. Vài năm sau, có 43 trong số 113 người nhập cư trốn vào Nam Phi trong một chiếc xe tải đã chết ngạt. Gần đây hơn, năm 2015, cảnh sát Áo đã phát hiện một chiếc xe kéo đông lạnh bỏ lại bên đường với 71 người tị nạn chết bên trong. Tất cả đều đến từ Iraq, Iran, Syria và Afghanistan.
Những thảm kịch chết người kể trên đều xảy ra trong những chiếc xe chở hàng đông lạnh. Theo ông David Wood, cựu trưởng phòng nhập cư tại bộ Nội vụ Anh, sở dĩ giới buôn người chuộng loại xe này, đó là vì việc phát hiện người trong những chiếc xe khó khăn hơn so với những loại xe bình thường có thành mỏng hơn.
Giới lãnh đạo chính trị hứa hẹn sẽ triệt hạ các băng đảng buôn người. Các nhóm nhân quyền thì kêu gọi thay đổi các quy định nhập cư. Nhưng không ai đề cập nghiêm túc đến khả năng sửa đổi thiết kế của loại xe tải được giới buôn người ưa chuộng.
The Economist nhắc lại : Vào giữa thế kỷ 20, các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu các nhà sản xuất tủ lạnh là phải sử dụng phương thức đóng cửa bằng từ tính thay vì dùng khóa chốt sau nhiều vụ trẻ em bị ngạt thở sau khi tự nhốt mình trong những chiếc tủ lạnh bị bỏ phế.
Tuần báo Anh kết luận một cách châm biếm : Việc ra lệnh sửa cửa để cho việc thoát ra khỏi những chiếc xe tải đó được dễ dàng hơn, sẽ đơn giản về mặt chính trị hơn là giảm nhẹ các quy tắc nhập cảnh vào một quốc gia cụ thể. Và điều đó còn giúp cứu sống mạng người nữa.
Điều tra về lối sống của các "đầy tớ nhân dân"
Chính trường Pháp là hồ sơ lớn của tạp chí L’Obs tuần này. Dưới tựa lớn trang bìa "Điều tra về lối sống của nền cộng hòa", tạp chí dành cả 12 trang để xem xét các khoản chi tiêu của các tầng lớp phục vụ nhân dân, từ phủ tổng thống, các bộ, cho đến Quốc hội.
Tạp chí đã gởi câu hỏi đến 577 dân biểu Pháp để biết chi phí giao tế và chiêu đãi của mỗi người. Kết quả chỉ có vỏn vẹn 47 người đồng ý trả lời, trong đó có 39 người chịu nêu chi tiết. Nhìn chung, chênh lệch giữa các khoản chi tiêu khá lớn, có người có thể xài đến 18.053 euro/năm, nhưng có người chỉ dùng 1.428 euro mà thôi. L’Obs ghi nhận là người ta có thể chi gấp đôi cho tiền hoa kỷ niệm hơn là cho một bữa ăn trưa làm việc !
L’Obs cũng nêu lên một chi tiết khá lý thú như tính toán của một dân biểu đối lập thích cả ngày mặc áo T-shirt, nhưng lại cho rằng việc Quốc hội phải chi trả tiền "đồng phục dân biểu", tức là toàn bộ quần áo của ông là điều chính đáng.
Tạp chí còn chú ý đến đội xe hơi của phủ tổng thống trong chiều hưởng ngày càng tăng. Thời tổng thống Giscard d’Estaing, đội này gồm 35 chiếc, đến thời Mitterrand lên tới 49 chiếc, qua thời Chirac là 61, rồi lên đến 96 chiếc thời ông Sarkozy.
Với đương kim tổng thống Macron, đội xe của tổng thống sụt xuống 82 chiếc và điện Élysée giải thích là đã cố gắng tiệt kiệm, mua xe đẳng cấp thấp hơn, tức là mua Peugeot 308 thay vì 508.
Dân Pháp mất lòng tin nơi Tư Pháp ?
L’Express cũng chú ý đến tình hình Pháp, nhưng trong quan hệ của người dân với ngành Tư Pháp. Tựa lớn trang bìa cố tìm hiểu "Tại sao người Pháp không còn tin tưởng nữa", một câu hỏi đã được giải đáp trong một hồ sơ chiếm cả 11 trang trong.
Theo điều tra vào hạ tuần tháng 9 vừa qua của viện thăm dò Ifop theo đơn đặt hang của L’Express, chỉ còn 53% người được hỏi cho biết là còn tin tưởng vào định chế Tư pháp, trong lúc có đến 62% nghĩ là Tư pháp hoạt động không tốt, 56% cho là nếu phải ra trước Tư pháp thì họ rất e ngại.
Qua những câu trả lời, tạp chí ghi nhận là cái nhìn về ngành Tư pháp đã xấu đi, người Pháp không còn hâm mộ giới thẩm phán như xưa.
Vẫn còn đến 63% nghĩ là giới thẩm phán thanh liêm, chính trực, nhưng con số này lên đến 83% năm 2008). Cũng như vậy, chỉ còn 71% nghĩ là thẩm phán tôn trọng luật lệ (giảm 14 điểm), 70% cho là họ có khả năng, thạo việc (mất 17 điểm). Những vụ tai tiếng tài chính-chính trị trong thập niên qua đã khiến hơn một nửa người được hỏi không tin là thẩm phán có thể giữ tư thế độc lập trước giới cầm quyền.
Về phía các thẩm phán, L’Express nhận thấy là dù họ rất dầy dạn, thái độ nghi ngờ của người dân cũng đã có tác động trên con số 8.400 thẩm phán Pháp. Bà Gwenola Joly-Croz, chủ tịch tòa án Pontoise (ngoại ô Paris) công nhận bà khó có thể hiểu được thái độ mâu thuẫn của người dân : "Họ nói là không tin tưởng chúng tôi, nhưng mà họ lại quay sang chúng tôi vì những vụ việc rất nhỏ. Ví dụ như một vụ cãi cọ giữa láng giềng, thay vì nói chuyện với nhau để giải quyết, thì thường khi họ lại đưa nhau ra trước tòa án và yêu cầu chúng tôi giải quyết".
Điệp viên Pháp sống như thế nào ?
Le Point ngay trang bìa đưa độc giả vào bên trong cơ quan phản gián Pháp DGSE với dòng tựa đầy sức thu hút "Cuộc sống thật của gián điệp Pháp", và giới thiệu quyển sách của Jean Guisnel, một phóng viên của Le Point, tựa đề "Chuyện bí mật của DGSE".
Trong một hồ sơ dài 10 trang, Le Point giúp độc giả khám phá những thói quen (tật xấu) của giới hoạt động trong bóng tối, nhưng đã bắt đầu xuất hiện trên truyền hình Pháp, qua bộ phim nhiều tập, như của đạo diễn Eric Rochant và được chiếu trên Canal+.
Đạo diễn đã làm việc với một người trong cơ quan phản gián DGSE. Người này đã hiểu là nếu cơ quan tình báo Mỹ CIA hầu như chỉ làm công việc giao tế qua phim ảnh, công nghiệp giải trí, thì đó không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một chủ trương từ rất lâu.
Tập biên khảo kể lại với hàng ngàn chi tiết cụ thể về sự biến đổi của cơ quan DGSE trong một thập kỷ để đối phó với sự gia tăng của nạn khủng bố hoặc sự phổ biến của các loại công nghệ ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết.
Quyển sách cũng đồng thời nói về những vũ khí mới để chống lại sự hung hăng của các cơ quan tình báo Nga hoặc Trung Quốc, mà mục tiêu ưu tiên hiện nay là tập trung gây bất ổn nơi các nền dân chủ song song với việc bảo vệ lợi ích quốc gia tương ứng của họ.
Đây là một tình huống mới thúc đẩy cơ quan DGSE phải bảo vệ chính mình chống lại cả những đồng minh "tốt nhất" của mình, bao gồm cả Hoa Kỳ thông qua cơ quan NSA nổi tiếng, quốc gia không còn ngần ngại theo dõi nhân sự chính trị Pháp ở cấp cao nhất.
Dân chủ lâm nguy vì tin vịt ?
Hồ sơ chính của Courrier International tuần này được gói trong tựa chính trang bìa : "Những lời nói dối chi phối chúng ta", bên trên một hàng tiểu tựa giải thích : "Giới chính khách, mạng xã hội, phương tiện truyền thông… Cách thức tin vịt phá hoại các nền dân chủ".
Đối với Courrier International, ngày nay nhan nhản tin thất thiệt, nhưng vấn đề là không ai còn quan tâm nữa. Tạp chí đã nêu lên một loạt ví dụ như các lời khẳng định của cựu thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu theo đó nạn diệt chủng Do Thái Holocaust là một sáng tạo của giáo sĩ Hồi giáo Jerusalem còn tướng Benny Gantz là mối đe dọa cho nền an ninh Israel, hay là tuyên bố theo đó một đám đông khổng lồ đã tham dự lễ nhậm chức của Donald Trump tại Washington, hoặc là lời đoan chắc của nhà tổng thống tỷ phú nước Mỹ là ông Barack Obama không phải là được sinh ra ở Hoa Kỳ.
Courrier International đã trích lời nhà xã hội học Eva Illouz, tác giả của bài báo rất dài trong hồ sơ, viết rằng : "Thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng sự thoái hóa chưa từng thấy của một trong những di sản chính của thời đại Ánh Sáng : Sự thật trong tư cách là một trụ cột đạo đức và chính trị".
Một câu hỏi đáng giá được đặt ra trong bối cảnh này : Làm thế nào để chống lại thông tin sai lệch ? Đây là điều cần phải trả lời. Một số quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, đã ra luật chống lại việc thao túng thông tin hoặc kích động hận thù trên mạng. Với kết quả ra sao ? Đó là điều còn khó biết…
Trận chiến còn lâu mới kết thúc.
Mai Vân