Nga : Thực dân mới ở Châu Phi thông qua "cánh tay nối dài" Wagner
Trong bài xã luận hôm 16/08/2023 mang tựa đề "Wagner ở Châu Phi : Nga tái lập thuộc địa", Le Figaro đặt vấn đề, làm thế nào mà Vladimir Putin vốn sẵn sàng tống những người đối lập vào xà-lim vì những chuyện không đáng kể, lại có thể bỏ qua cho vụ binh biến của Yevgeny Prigozhin ? Để tìm ra câu trả lời, phải nhìn sang Châu Phi thay vì Ukraine.
Một cuộc biểu tình ở Bamako (Mali) chống Pháp, ủng hộ Nga ngày 22/09/2020. AP
Wagner bám rễ tại năm nước từng lật đổ chính phủ
Đó là do tại châu lục này, lính đánh thuê Nga hữu dụng nhất cho Kremlin. Là cánh tay vũ trang "với bàn tay đeo găng" nhằm tránh để lại dấu vết, Wagner là công cụ cần thiết cho chính sách Châu Phi của Moskva, phụ trách tất cả những gì mà ngoại giao chính thức không làm được : "bảo kê" cho các chế độ độc tài, những vụ làm ăn béo bở đi kèm tham nhũng, tuyên truyền tẩy não, những tội ác không bị trừng trị...
Trung Phi là phòng thí nghiệm cho công trình tái lập thuộc địa dưới lớp vỏ trung lập và hữu nghị. Đến thay chân lực lượng Sangaris của Pháp năm 2017, Wagner chuyển từ hỗ trợ quân sự sang gây ảnh hưởng chính trị và bóc lột kinh tế, một cách có phương pháp. Khi sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm cho tổng thống Touadéra có thể trị vì vĩnh viễn, Prigozhin đã mua được sự ổn định với cái giá rẻ mạt. Wagner tha hồ khai thác các mỏ kim cương và vàng, chưa kể phá rừng và buôn bán rượu. Nga có thể bắt rễ tại đây, thay thế lính đánh thuê thô bạo bằng các kỹ sư khai khoáng.
Wagner đã hiện diện quân sự tại 5 nước Châu Phi hạ Sahara, hầu như tất cả đều nằm trong tay các tập đoàn quân sự lên nắm quyền nhờ đảo chánh (liệu đây có phải là một sự ngẫu nhiên ?). Bên thiệt hại tất nhiên là Pháp, nhưng nhất là người dân Châu Phi. Lấy cớ "giải phóng" khỏi thực dân cũ, những người lãnh đạo yếu kém trao đất nước họ cho con quái vật Nga hay con hổ đói Trung Quốc. Le Figaro đặt câu hỏi, họ sẽ đổ lỗi cho ai một khi người dân buộc họ phải chịu trách nhiệm về sự điên rồ này ?
Nga và bước ngoặt thực dân tại Trung Phi
Cụ thể, trong bài điều tra "Bước ngoặt thực dân của Wagner tại Trung Phi", đặc phái viên Le Figaro cho biết hình ảnh lính đánh thuê Nga đã trở nên quen thuộc tại nước này. Lực lượng Wagner có chỗ đứng vững chắc, cho dù theo nhiều nguồn tin, khoảng 400 lính đánh thuê đã rời Trung Phi. Những người mới đến có vẻ có học và thiên về kỹ thuật hơn là nhà binh, có cả phụ nữ.
Nhìn lại quá khứ, bắt đầu từ việc tổng thống Faustin-Archange Touadéra yêu cầu Paris duy trì lực lượng Sangaris của Pháp. Tổng thống François Hollande ban đầu có vẻ thuận tình, nhưng rồi lại cho rút quân. Vài tháng sau, ông Touadéra lại đề nghị, lần này là với tân tổng thống Emmanuel Macron, cung cấp vũ khí loại nhẹ để chống quân nổi dậy. Điện Élysée ngại ngần, chỉ sang Moskva, mà không để ý đến những lính đánh thuê Nga đã được triển khai ở nước láng giềng Sudan. Kremlin chụp ngay cơ hội, không chỉ cung cấp vũ khí mà cả "huấn luyện viên".
Bà Danièle Darlan, cựu chủ tịch Hội đồng Bảo hiến Trung Phi kể lại, hồi tháng 2/2022 đại biện Nga đến hỏi thẳng bà điều khoản Hiến pháp nào có thể sửa đổi để ông Touadéra làm tổng thống suốt đời. Do trả lời "không thể được", đến tháng 10/2022 bà bị buộc về hưu, một thẩm phán khác lên thay một cách bất hợp pháp.
Wagner tha hồ lập ra một loạt công ty cả bình phong lẫn chính danh để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên Trung Phi. Chẳng hạn Lobaye Invest trực thuộc tập đoàn Concord của Yevgeny Prigozhin, Diamville chuyên về kim cương, Midas Ressources khai thác vàng… Người Nga buộc thợ mỏ phải bán dưới giá thị trường, với thợ rừng cũng vậy, sau đó sản phẩm được lính Wagner áp tải ra cảng vào ban đêm. Không có công ty nào của Wagner đóng thuế cho chính quyền Trung Phi.
Thêm một vụ người Đức làm gián điệp cho Nga
Trên mặt trận tình báo, Le Figaro cho biết tại Đức một nghi can cung cấp tin cho Moskva là một cảm tình viên của đảng cực hữu AfD, đã bị bắt ngày 09/08. Người này làm việc tại một đơn vị phụ trách cung cấp các thiết bị tinh vi cho quân đội Ukraine. Điệp viên tập sự này có vẻ không đáp ứng được những đòi hỏi của nghề nghiệp, trước hết là tính bí mật. Ông ta liên lạc với phái đoàn ngoại giao Nga tại Bonn và Berlin bằng thư điện tử, và bị cơ quan chức năng theo dõi.
Cơ quan liên bang về thiết bị, vi tính của quân đội Đức có 5.500 nhân viên, đặt tại Koblenz (bang Rheinland-Pfalz), chuyên thử nghiệm và đặt mua công nghệ quốc phòng. Theo Spiegel, nhân vật này làm việc ở ban "U" (tức Unterstützung : yểm trợ), lo về các hệ thống hiện đại cho chiến tranh điện tử (quân đội Đức gọi tắt là EloKa) nhằm giám sát và gây nhiễu hệ thống radio, vô hiệu hóa radar và phòng không của địch. Ban " U" cũng giám sát việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Ông ta có nguy cơ lãnh 10 năm tù về tội phản quốc.
Đây không phải là lần đầu một vụ làm gián điệp cho Nga bị phát hiện. Tháng 12 năm ngoái, Carsten L., nhân viên cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) bị bắt giam vì tiết lộ bí mật Nhà nước, và tháng 11 một sĩ quan dự bị ở Düsseldorf lãnh 1 năm 9 tháng tù treo vì lý do tương tự. Anh ta cho biết bị mê hoặc bởi "nhân vật mạnh mẽ" Vladimir Putin. Chuyên gia Erich Schmidt-Eenboom cho rằng quân đội Đức là nguồn tuyển mộ tiềm năng cho Nga, với những người có tư tưởng cực hữu, nhất là từ khi Đức trục xuất 40 "nhà ngoại giao Nga" vì làm gián điệp, đóng cửa 4 trong số 5 lãnh sự quán Nga. Là nhà cung cấp vũ khí thứ nhì cho Ukraine chỉ sau Hoa Kỳ, Berlin được chú ý đặc biệt, khoảng 100 gián điệp Nga được cho là vẫn đang hoạt động trên đất Đức.
Ba Lan duyệt binh rầm rộ nhất từ hơn 30 năm
Là quốc gia nằm cạnh hai nước đang tham chiến Ukraine và Nga, hôm 15/08/2023 quân đội Ba Lan đã biểu dương lực lượng với những vũ khí mới. Đây là cuộc duyệt binh quan trọng nhất kể từ năm 1989. Hơn 2.000 quân nhân Ba Lan đã diễu qua những đại lộ chính của Warszawa, với 200 thiết bị mới tinh cho lục quân.
Tất cả những vũ khí mới mua đều được trình diện, đặc biệt là các xe tăng M1A1 Abrams và hệ thống phòng không Patriot của Hoa Kỳ, hay xe tăng K2, đại bác K9 và hệ thống rốc-kết Himars mua của Hàn Quốc. Trên bầu trời, 9 chiến đấu cơ bay biểu diễn, trong đó có tiêm kích siêu thanh FA-50. Và tất nhiên là F-16 nổi tiếng cũng như những chiếc F-35 vẫn còn thuộc sở hữu của Washington, sẽ được giao vào năm 2024.
Kho vũ khí của Ba Lan sẽ còn phong phú hơn trong những năm tới, đơn đặt hàng gồm đủ loại. Warszawa hy vọng được Quốc hội Mỹ duyệt cho mua 96 trực thăng Apache để thay thế những chiếc Mi-24 của Liên Xô, và đang thương lượng mua 22 trực thăng AW101 của Ý-Anh, hợp tác với Kia của Hàn Quốc để có được 1.000 xe quân sự từ 2025. Bộ trưởng quốc phòng Mariuz Blaszczak tự hào nói : "Hai năm nữa, chúng tôi sẽ có lục quân mạnh nhất Châu Âu". Ba Lan chi đến 4% GDP cho quốc phòng, và dự định đến 2035 sẽ có 300.000 quân nhân (hiện nay 175.000).
Súng trường mới của Pháp được thử nghiệm tại Ukraine
Còn tại Ukraine, các chiến sĩ đang thử nghiệm loại súng trường tấn công mới của Thales. Les Echos cho biết, tập đoàn Pháp đã bí mật cung cấp cho Kiev "một số lượng nhỏ" súng ACAR được sản xuất tại Úc. Nhật báo kinh tế Pháp dẫn lời một phát ngôn viên của Thales nói rằng do không phải là hợp đồng mua bán nên không thông tin. Súng trường ACAR (viết tắt từ Australian Combat Assault Rifle) là phiên bản cải tiến của F90 dành cho quân đội Úc vào đầu những năm 2000. Thales đã đầu tư nhiều triệu đô la vào kiểu súng này, nhưng năm 2015 bị trượt gói thầu của quân đội Pháp nhằm thay thế súng trường Famas, do một số tiêu chí kỹ thuật đặc biệt được đặt ra vào thời đó. Thế nên tập đoàn Pháp cho thử nghiệm ở Ukraine trước khi giới thiệu tại những hội chợ vũ khí sắp tới.
Súng ACAR có thể dùng nhiều loại đạn có kích cỡ khác nhau, từ loại 5,56 ly theo tiêu chuẩn NATO đến 6,8 ly theo kiểu Mỹ, đi kèm với những phụ tùng đa dạng (phóng lựu, kính ngắm laser, ống kính hồng ngoại…). Không chỉ có ACAR được thử nghiệm trên chiến trường, Thales còn bán cho Ukraine hệ thống phát hiện radar cơ động hiện đại nhất là GM200 bổ sung cho phòng không, cùng với việc đưa vào hoạt động một hệ thống thông tin bảo mật mới.
Bắc Kinh gây áp lực, lãnh đạo Đài Loan vẫn "quá cảnh" Mỹ
Liên quan đến Châu Á, La Croix nhận thấy "Bất chấp áp lực của Bắc Kinh, Đài Loan liên tục có những chuyến ‘quá cảnh’ sang Hoa Kỳ". Đến New York trước khi thăm Paraguay, phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) hôm Chủ nhật cam đoan "chống lại việc hòn đảo bị Trung Quốc sáp nhập". Ông tuyên bố : "Nếu Đài Loan an toàn, thế giới cũng an toàn".
Vị bác sĩ 63 tuổi tốt nghiệp Harvard khẳng định : "Cho dù tầm cỡ mối đe dọa độc tài đang đè nặng lên Đài Loan có như thế nào đi nữa, chúng tôi không sợ hãi và không bao giờ lùi bước". Tờ báo nhắc lại tháng Ba năm ngoái trong chuyến công du Châu Mỹ la-tinh, tổng thống Thái Anh Văn đã lưu lại hai ngày tại New York và trong chuyến về đã ghé Los Angeles cũng hai ngày. Đây là chuyến quá cảnh thứ bảy của bà từ khi đắc cử, và lần thứ 29 từ khi cựu tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui) đến Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 1995. La Croix cho rằng Bắc Kinh có thể trả đũa bằng việc lại cho chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Trung Quốc : "Thành phố ma" 100 tỉ đô của Country Garden
Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nói về "thành phố ma", dự án 100 tỉ đô la của tập đoàn địa ốc Trung Quốc Country Garden đang gặp khó khăn. Năm 2016, tập đoàn này tung ra siêu dự án về một thành phố hiện đại 700.000 dân, nhưng bảy năm sau chỉ mới thu hút được vài ngàn người đến cư ngụ. Đang nợ đến 150 tỉ euro - và theo Bloomberg thì đến 176 tỉ - dự án "Forest City" được quảng cáo là "thành phố tương lai thông minh và sinh thái" ở miền nam Malaysia, gần Singapore, là thất bại nặng nề góp phần vào số nợ này. Một kênh YouTube chuyên ngành có 800.000 người theo dõi còn đánh giá là "siêu dự án vô dụng thứ nhì trên thế giới".
Chỉ có một trong số bốn đảo nhân tạo được xây dựng, gần 90% cửa hàng bị bỏ hoang. Giá nhà cao quá tầm với của cư dân địa phương, một số căn hộ được rao giá đến 1 triệu đô la. Còn khách mua là người giàu Trung Quốc thì phân vân trước những tuyên bố trái ngược của chính quyền Malaysia, hơn nữa vốn đầu tư bị Tập Cận Bình kiểm soát. Country Garden nói rằng đã tuyển dụng 100 đại lý nước ngoài để bán các căn hộ Forest City. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay của tập đoàn Trung Quốc khiến khả năng này khó thành sự thực.
Donald Trump : Càng ra tòa nhiều càng lên điểm
Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro đặt vấn đề "Có những thay đổi gì qua vụ khởi tố thứ tư với Donald Trump ?". Đối với bất kỳ ai, bốn vụ khởi tố trong số 91 tội danh bị cáo buộc nhất định là hồi kết cho sự nghiệp chính trị. Nhưng đối với ông Trump, đây là lợi thế, ít nhất là trong cuộc bầu cử sơ bộ. Đến giữa tháng Tám, theo thăm dò của RealClear Politics, ông lên được 10 điểm so với tháng Ba, và cao hơn đến 40 điểm so với đối thủ chính là Ron DeSantis, thống đốc Florida.
Libération cho rằng vụ khởi tố ở Georgia "làm ông Trump và đội ngũ rúng động". Ngược lại, La Croix nhận thấy "Donald Trump càng bị khởi tố càng được ưa thích". Tờ báo dẫn lời gió sư Seth McKee của đại học Oklahoma về điểm số đè bẹp ông DeSantis : "Tuy hãy còn sớm, nhưng một khoảng cách lớn như vậy ở giai đoạn này sẽ không bao giờ rút ngắn nổi". Lớp cử tri da trắng, bình dân luôn tin vào Trump, hơn nữa những cử tri hăng hái nhất luôn nghe nói rằng đây là một cuộc "săn lùng phù thủy". Đối với họ, tội phạm "thực sự" là Hunter Biden, con trai đương kim tổng thống mà những tai tiếng trốn thuế, dựa vào tên tuổi người cha để làm ăn, đang được cánh hữu khai thác.
Thụy My