Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/08/2023

Mỹ siết công nghệ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam hưởng lợi

RFI tiếng Việt

Mỹ siết công nghệ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam hưởng lợi

Le Figaro hôm 14/08/2023 chú ý đến việc "Hoa Kỳ đẩy mạnh cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc". Cũng như người tiền nhiệm Donald Trump, tổng thống Joe Biden tiếp tục một cách có phương pháp chiến lược làm yếu đi công nghệ đối với Bắc Kinh.

1450625946

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng - Ảnh: Getty Images

Ngay giữa mùa hè, tổng thống của đảng Dân Chủ đã ban hành nghị định cấm các nhà đầu tư Mỹ từ nay đến 2024 đưa những đồng đô la sang Hoa lục, trong những lãnh vực chủ chốt như trí thông minh nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, chất bán dẫn ; tránh khả năng Bắc Kinh dùng vào mục đích quân sự hay giám sát. Điều chắc chắn là việc Mỹ ra đòn liên tục làm ảnh hưởng nặng nề đến vai trò "công xưởng công nghệ thế giới" của Trung Quốc. Từ nhiều tháng qua, các nhãn hiệu lớn về hàng điện tử của thế giới lần lượt loan báo giảm quy mô lắp ráp và sản xuất linh kiện tại Hoa lục.

Nikkei Asia cho biết, nhà sản xuất máy tính thứ nhì thế giới là HP chuẩn bị gia tăng sản lượng ở Thái Lan, Việt Nam, Mexico. Nhà sản xuất đứng thứ ba là Dell tìm cách ngưng sử dụng linh kiện Trung Quốc từ 2025, thậm chí không còn sản phẩm nào bán trên đất Mỹ được xuất xưởng tại Hoa lục kể từ 2027. Đầu năm nay, Sony quyết định chuyển dịch 90% sản xuất máy chụp hình ra khỏi Trung Quốc. Còn Apple di chuyển trọng tâm sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, số sản phẩm sản xuất ngoài Hoa lục từ 5% đã tăng lên 25%. Các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ cũng chạy khỏi Trung Quốc, số tiền đưa vào Hoa lục trong năm 2022 đã sụt mất 80%.

Dân số bị lão hóa, giá thành sản xuất tại Trung Quốc cũng tăng lên. Một công nhân Trung Quốc tốn kém gấp bốn lần so với Ấn Độ và ba lần so với Việt Nam. Ấn Độ đưa ra chính sách trợ giá nhằm thu hút các công ty ngoại quốc, đến 5% tổng giá trị các sản phẩm được lắp ráp trong nước trong vòng 6 năm. Về phía Việt Nam, một số nhà cung cấp quan trọng cho Apple tập trung tại khu kỹ nghệ Deep C Two ở Hải Phòng. Nhà sản xuất MacBook cho Apple là Quanta Computer vừa khai trương một nhà máy ở Nam Định, còn Foxconn loan báo đầu tư thêm 300 triệu đô la vào Bắc Giang. Nhà phân tích Thibault Morel nhận xét, tất cả theo chiến lược "nearshoring", tức đưa các chuỗi sản xuất sang những nước lân cận với giá lao động rẻ hơn rất nhiều.

Lào bị chỉ trích vì bắt một luật sư nhân quyền theo lệnh Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực nhân quyền, Le Monde cho biết "Lào bị tố cáo bắt một nhà ly khai Trung Quốc theo lệnh Bắc Kinh", và các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng đòi trả tự do cho luật sư Lư Tư Vị (Lu Siwei). Việc bắt giữ luật sư nhân quyền đã trốn khỏi Hoa lục trong khi không hề có lệnh truy nã, đã đặt nước cộng sản nhỏ bé lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh vào tình thế khó xử, quốc tế đang phản đối mạnh mẽ.

Vientiane lấy cớ là "dùng giấy tờ giả" để bắt khi ông Lư qua cửa kiểm soát di trú để sang Thái Lan, rõ ràng là để gởi trả về Trung Quốc. Ông Peter Dahlin, thuộc tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders chuyên về các vụ "mất tích" của các nhà đối lập Trung Quốc tiết lộ, các luật sư không được phép gặp ông Lư Tư Vị, như vậy đây là một vụ án chính trị do cấp cao nhất trong chính phủ xử lý.

Lư Tư Vị nằm trong số những luật sư nằm trong tầm ngắm của chế độ Tập Cận Bình. Ông Lư biện hộ cho một trong số 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị tuần duyên Trung Quốc chận bắt trong lúc vượt biên sang Đài Loan bằng xuồng cao tốc, sau đó ông bị trả đũa bằng cách gạch tên khỏi luật sư đoàn. Tháng 5/2021 khi lên đường sang Hoa Kỳ, Lư Tư Vị mới biết mình bị cấm xuất cảnh, chỉ có vợ và con gái được đi. Hai năm sau, tháng 7/2023, vị luật sư quyết định sang Mỹ sống cùng vợ con : ông bí mật qua Lào, nơi có hai thành viên tổ chức phi chính phủ ChinaAid chờ đợi. Tuy mang hộ chiếu có thị thực Thái Lan và Hoa Kỳ, ông Lư bị bắt hôm 28/07 tại một ga xe lửa trước khi lên tàu sang Thái.

Vòi bạch tuộc của Đảng cộng sản vươn sang các nước "đàn em"

Tại Luân Đôn hôm 07/08, các nhà đấu tranh Hồng Kông lưu vong đã đưa kiến nghị cho đại sứ quán Lào, và tại Vientiane các nhà ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại. Càng đáng lo hơn khi một nhà ly khai khác có bút danh Kiều Hâm Hâm (Qiao Xinxin), do tiến hành một chiến dịch đòi chấm dứt kiểm duyệt tại Trung Quốc, đã công an Lào đi kèm với an ninh Trung Quốc đến bắt tại nhà ở Vientiane. Đến ngày 09/08 gia đình ông Kiều ở Hoa lục mới được thông báo ông đang bị giam tại Hà Nam.

Trường hợp ông Kiều cho thấy an ninh Trung Quốc có cánh tay nối dài ở Đông Nam Á nhất là Lào và Cam Bốt. Nhà nghiên cứu Simon Menet nói với Le Monde, những vụ bắt bớ này trùng khớp với việc tăng cường hợp tác giữa công an Lào với an ninh Trung Quốc, cũng như ở Cam Bốt ; tương tự như các chiến dịch Fox Hunt rồi Sky Net. Tuy đã ký với Lào hiệp định dẫn độ năm 2022, Bắc Kinh vẫn ưu tiên cho các kênh không chính thống với đảng cộng sản nước đàn em vì nhanh chóng, linh hoạt hơn.

Nepal cũng đàn áp các nhà hoạt động Tây Tạng

Tương tự, La Croix nhận thấy "Trung Quốc dấn lên những con cờ ở Nepal". Bên cạnh các dự án hạ tầng, Bắc Kinh còn dùng nhiều cách để quyến rũ đất nước nhỏ bé vốn gần gũi về văn hóa với Ấn Độ. Bị kẹt giữa hai cường quốc, Nepal phải tỏ ra hữu nghị với cả hai, tuy nhiên không ngần ngại từ chối việc vay mượn của nước ngoài để tránh bẫy nợ. Số 200.000 du khách Trung Quốc hàng năm kéo theo việc buôn bán phát đạt, và Bắc Kinh tặng học bổng cho thanh niên Nepal. Với 5.000 người Nepal tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc, tiếng Hoa mang lại cho họ nhiều cơ hội.

Trung Quốc cũng giành chiến thắng trong việc làm mờ nhạt chính nghĩa của Tây Tạng. Tại thủ đô Katmandu, người Tây Tạng vẫn đông đảo nhưng ngoài việc dán ảnh Đạt Lai Lạt Ma ở phía sau cửa hàng, họ phải im hơi lặng tiếng. Dưới sự can thiệp của Bắc Kinh, Nepal đàn áp các nhà hoạt động Tây Tạng, những ai vượt qua biên giới đều bị gởi trả.

Ukraine : Vũ khí phương Tây đến muộn, khả năng giải phóng lùi xa hơn

Tại Châu Âu, Libération nhận định "Tại Ukraine, một cuộc chiến dài hơi bắt đầu hình thành". Phương Tây chuyển giao vũ khí quá trễ trong khi quân Nga đã được trang bị tốt hơn so với thời kỳ đầu. Theo kế hoạch ban đầu thì quân đoàn 9 lo tìm ra những lỗ hổng trong phòng tuyến địch rồi quân đoàn 10 xuyên thủng, nhưng quân đoàn 9 đã quá mệt mỏi phải đưa quân đoàn 10 tăng viện.

Khó khăn lớn nhất là Nga đã gài mìn đến 30% miền nam Ukraine. Tình báo Mỹ ước tính từ đầu cuộc xâm lăng, đã có 50.000 lính Nga chết trận, và 17.000 ở phía Ukraine, hàng trăm ngàn quân nhân Ukraine bị thương, thường là bị cụt tay chân vì mìn. Và nếu việc huấn luyện phi công F-16 đã bắt đầu, thì F-15 phải chờ nhiều tháng nữa, việc hoãn lại cuộc phản công hầu như chính thức. Hôm 18/07, tướng Mỹ Mark Milley nhận định cuộc phản công sẽ "chậm chạp, vất vả, với cái giá cao (về người)". 

Quân Nga nay được trang bị tốt hơn và chừng như chiến đấu tích cực hơn. Ban tham mưu Nga lợi dụng những áp đặt của Âu-Mỹ lên Kiev về thời hạn cũng như loại vũ khí, huấn luyện, và cả việc Washington cố ý chậm lại nhịp độ để tránh leo thang, để tái tổ chức quân đội, xây dựng phòng tuyến kiên cố. Khi quân đội Ukraine đã sẵn sàng, được huấn luyện và trang bị, thì đã quá trễ, và lại không có phương tiện trước thành lũy Nga chạy dài 1.000 km. Hậu quả là mặt trận đóng băng từ nhiều tháng. Việc tiến công giải phóng được dời sang mùa đông, mùa xuân thậm chí mùa hè tới, dù sao cũng phải trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024.

Khó dung thứ cho việc làm giàu bất chính thời chiến

Libération nhận thấy Tổng thống Zelensky lập tức rút kinh nghiệm, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng đã bắt rễ từ thời xô-viết. Ông cách chức cả trăm viên chức phụ trách các trung tâm tuyển mộ, những người bị sa thải phải ra trận, được thay thế bằng các thương binh từ mặt trận trở về. Le Monde  Le Figaro cùng có bài viết về vấn đề này. Truyền hình nhà nước Ukraine cuối tuần trước chiếu cảnh Evgeny Borisov, ủy ban quân sự Odessa phải ra trước tòa án binh, do nghi ngờ làm giàu bất chính trong thời chiến. Báo chí Ukraine tiết lộ Borisov có gia tài 4,6 triệu euro, và cuối năm ngoái đã mua một biệt thự trị giá 3,7 triệu euro ở Tây Ban Nha.

Trường hợp Borys Hlushak cũng được nêu ra : anh thanh niên 29 tuổi tuy bị thiểu năng trí tuệ vẫn bị cho ra mặt trận và ngay hôm sau thiệt mạng. Dmytro Kopanchuk, 22 tuổi, ủy viên hội đồng ở Rudkiv (Lviv) hôm 09/08 phải từ chức sau 8 tháng sống ở nước ngoài, trong khi nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị cấm ra khỏi nước. Những vụ tai tiếng của các chính khách có liên quan đến đảng của tổng thống khiến tỉ lệ tín nhiệm đối với ông Volodymyr Zelensky từ 85% hồi tháng Hai xuống còn 80% cuối tháng Bảy.

Ukraine không thể không chiến thắng !

Song song với chống tham nhũng, Zelensky chuẩn bị cho công cuộc giải phóng Ukraine bằng mọi giá, xin từ đồng minh những vũ khí mang tính quyết định như phi cơ, xe tăng, hỏa tiễn... nhất là không thể chậm trễ như hiện nay. Hạn chót là cuối mùa hè 2024. Theo phát ngôn viên điện Kremlin, cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng Ba có thể bị hủy bỏ.

Một cuộc chiến không hồi kết tại Châu Âu với nguy cơ Vladimir Putin giành thắng lợi sẽ mang lại lợi thế cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump – vốn phản đối chiến tranh kéo dài. Hôm 10/08, ông Biden đã đề nghị Quốc hội thông qua viện trợ quân sự 13 tỉ đô la cho Ukraine, mục đích chứng tỏ quyết tâm đứng cạnh Kiev.

Libération nhắc lại, đừng quên đây là cuộc chiến ở trung tâm Châu Âu chống lại các chế độ độc tài, phản dân chủ luôn coi vũ lực là giá trị tối thượng. Không thể để thua trong cuộc chiến này : người Ukraine không chỉ chiến đấu cho đất nước mình mà còn nhằm vô hiệu hóa một thế lực đã phạm vô vàn tội ác chiến tranh, với những vụ sát nhân, cướp bóc, đày ải.

Ứng cử viên tổng thống bị ám sát, mối đe dọa cho Ecuador

La Croix chạy tựa trang nhất "Lộ Đức, ngọn lửa luôn soi sáng", nhân kỷ niệm 150 năm hành hương về Lourdes. Theo nhật báo công giáo, từ năm 1873, cuộc tập hợp tại địa điểm Đức Mẹ hiện ra đã giúp người hành hương vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng. Le Figaro quan tâm đến dự định cải cách của Đức giáo hoàng Phanxicô gây lo ngại, Libération nói về những người bị lỡ chuyến đi nghỉ hè. Les Echos đưa tít "Những mối đe dọa đối với rượu vang Pháp" : nấm mốc, lạm phát, sản xuất thừa. Le Monde nói về "Sinh thái, chủ thuyết mới để kiếm phiếu của đảng cực hữu".

Liên quan đến Châu Mỹ la-tinh, trong bài xã luận "Tại Ecuador, một tội ác đe dọa Nhà nước", Le Monde nhận định vụ ám sát ứng cử viên Fernando Villavicencio cho thấy đất nước nằm giữa hai nước sản xuất cocaine là Peru và Colombia không còn tương đối yên ổn như cách đây vài năm. Những băng đảng trong nước kết hợp với các tổ chức bên Colombia, Mexico, Albani tung hoành. Ông Villavicencio, cựu nhà báo tố cáo tham nhũng và các tập đoàn tội phạm ma túy, đã phải trả giá bằng mạng sống. Bằng bạo lực và thúc đẩy tham nhũng, các tổ chức tội phạm là mối đe dọa cho Nhà nước, nhưng đấu đá trong nội bộ những tháng gần đây đã trói tay chính quyền.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 125 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)