Hoạt động khai thác vàng tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan và Mali mang lại cho tập đoàn quân sự Nga Wagner mỗi tháng khoảng 114 triệu đô la kể từ tháng 02/2022. Như vậy, điện Kremlin có thể đã thu về 2,5 tỉ đô la kể từ khi gây chiến ở Ukraine, theo thẩm định của nhóm nghiên cứu The Blood Gold Report, có trụ sở tại Mỹ.
Người dân Mali ủng hộ Nga nhân lễ kỉ niệm 60 năm nước Cộng hòa Mali giành độc lập, Bamako, Mali, ngày 22/09/2020. AP
Trong báo cáo, nhóm chuyên gia do Jessica Berlin, chuyên về quan hệ Châu Phi-Châu Âu, đứng đầu, cho biết "vàng được khai thác từ các nước Châu Phi và được rửa trên thị trường quốc tế" đã cung cấp hàng tỉ đô la cho Nhà nước Nga để đáp ứng những nhu cầu cấp bách và "tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine".
Ngành kinh doanh đầy lợi nhuận của tập đoàn bán quân sự Wagner ở Châu Phi không chỉ "tài trợ cho cỗ máy chiến tranh Nga" mà còn "làm mất ổn định trong vùng, gây hại đến ảnh hưởng của phương Tây" trong khu vực này và "góp phần trực tiếp và gián tiếp làm tăng số người nhập cư xin tị nạn ở Châu Âu".
Theo báo Pháp Le Figaro, các nhà nghiên cứu nêu chi tiết cách kiếm tiền của Wagner tùy theo quốc gia Châu Phi mà họ hoạt động. Ví dụ, tại Mali, khoảng 1.000 lính đánh thuê Wagner có mặt để chống khủng bố thánh chiến và bảo vệ quân đội cầm quyền được tập đoàn quân sự trả thù lao hàng tháng 10,8 triệu đô la. Chính quyền quân sự dựa vào một số công ty khai thác mỏ quốc tế, trong đó có công ty Canada Barrick Gold. Đây là công ty đóng góp nhiều nhất cho Mali, chỉ trong quý I/2023 đã chuyển 206 triệu đô la cho chính quyền Bamako.
Tại Cộng hòa Trung Phi, Wagner được độc quyền khai thác mỏ Ndassima lớn nhất nước này. Theo thẩm định, hàng năm, tập đoàn bán quân sự Nga thu về khoảng 290 triệu đô la từ khai thác vàng ở mỏ này.
Tại Sudan, Wagner kiểm soát một mỏ lọc vàng lớn và trở thành bên mua vàng chưa qua xử lý. Dù có rất nhiều bằng chứng về hoạt động kinh doanh liên quan đến nhiều đối tượng có liên hệ với điện Kremlin từ hơn một thập niên, nhưng mọi thống kê ngoại thương của Sudan đều khẳng định vàng không hề được xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Sudan, được đài truyền hình CNN công bố, cho thấy là thiếu khoảng 32,7 tấn vàng trong năm 2021 và được cho là có thể liên quan đến Wagner.
Thu Hằng