Sống tiết kiệm, gắn bó cộng đồng… : Giải pháp thoát đại khủng hoảng sinh thái
Năm 2023 sắp qua. Xung đột Cận Đông chưa có lối thoát, nỗi lo nước Pháp "tụt hạng" tiếp tục là chủ đề chính của nhiều tuần báo. Courrier International, trước nghỉ Tết, dành số đặc biệt cho chủ đề "Sống một cách khác trong thế giới này". Cũng Courrier International có bài bác bỏ quan điểm thống trị về lịch sử, cho rằng văn minh nông nghiệp, ra đời 10.000 năm trước, là gốc rễ các thành tựu cũng như các khuyết tật "mang tính định mệnh", của văn minh nhân loại, không thể loại bỏ.
Một sinh hoạt của cộng đồng Mạng lưới đô thị sinh thái (Transition Network), xuất phát từ thị trấn Totnes, Anh quốc, do Rob Hopkins sáng lập, hiện có mặt ở khoảng 500 đô thị trên thế giới. © Creative Commons / Copyright Steb Fisher Photography 2010
Nhà cao cửa rộng vốn là mong muốn của đông đảo mọi người, và ngày càng trở thành một mẫu hình lý tưởng, gắn liền với lối sống tự do cá nhân phương Tây. Tuy nhiên, việc thu hẹp diện tích ở cũng lại đang là một xu thế bắt đầu được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại nhiều nước phát triển. Nhiều người coi đây là giải pháp căn bản giúp nhân loại, sắp 10 tỉ người, đối phó với các khủng hoảng nhiều mặt, trước hết là cuộc đại khủng hoảng sinh thái.
Chọn nơi ở khác với quan điểm thống trị nói trên đi liền với việc lựa chọn những lối sống khác : chọn sống cùng bạn bè, hay sống chung với những người cùng hoặc không cùng huyết thống, lập cộng đồng với những người cùng chí hướng… Với chủ đề "Habiter le monde autrement" (tạm dịch là "Sống một cách khác trong thế giới này"), Courrier International hy vọng chuyển đến độc giả nhiều cảm hứng và trải nghiệm mới, có thể có ý nghĩa thiết thực cho các lựa chọn hướng đi tương lai.
Nhìn lại năm 2023 qua "biếm họa"
Trước hết xin giới thiệu phần đầu của số báo, điểm lại những sự kiện lớn của năm 2023 sắp qua thông qua các biếm họa. Trang nhất Courrier International đăng một bức họa cho thấy hai khán giả truyền hình hoảng hốt, sững sờ trước cả một dàn thông tin bạo lực ồ ạt tràn đến qua màn hình tivi, với xe tăng, tên lửa, bom đạn, máu lửa, người chết, lũ lụt, đổ nát…
Phía dưới bức họa, tuần san Pháp chú thích : "Chiến tranh, đảo chính, bạo động, thảm họa thiên nhiên…. Thật không dễ mỉm cười với các thông tin thời sự thường xuyên khiến người ta thất vọng. Đây là điều nổi rõ qua bức vẽ của họa sĩ Québec, André-Philippe Côté. Toàn bộ tài nghệ của các họa sĩ vẽ cho báo chí, trên toàn thế giới, nằm ở chỗ biết cách tìm ra một độ lùi phù hợp trước các biến cố mà chúng ta đối mặt hàng ngày (qua truyền thông), từ địa-chính trị cho đến khí hậu, thể thao hay văn hóa, với một thái độ châm biếm hoặc nghiêm túc…".
"Cặp sừng bò và lá cờ Mỹ": Sức mạnh mù quáng trong một xã hội dân chủ
Nói ít, hiểu nhiều. Các biếm họa có thể giúp công chúng tiếp nhận thông tin một cách tỉnh táo và sâu sắc hơn có lẽ là triết lý mà Courrier Internatinal muốn chuyển đến độc giả trong số báo cuối năm này. Sự kiện nổi bật đầu năm được ghi nhận qua bức biếm họa về cuộc tấn công vào các cơ quan quyền lực tối cao Brazil, của người biểu tình ủng hộ tổng thống mãn nhiệm cực hữu Brazil, ông Jair Bolsonaro (người hâm mộ Donald Trump), không chấp nhận kết quả bầu cử.
Biến cố nhắc lại sự kiện người ủng hộ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công nhà Quốc hội Hoa Kỳ đúng hai năm trước, với hình ảnh một người mang chiếc sừng bò, mặt in hình lá cờ Mỹ, mắt nhắm nghiền… Hình ảnh nói trên đã phần nào trở thành biểu tượng cho sức mạnh mù quáng trong nội bộ các xã hội dân chủ, tại Mỹ cũng như tại Brazil.
"Bánh ga-tô" mừng Putin một năm chiến tranh
Cuộc chiến quyết liệt giành giật từng mét đất tại thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, tròn một năm sau ngày Nga mở đầu cuộc xâm lược Ukraine, được coi là một biểu tượng cho cuộc kháng chiến Ukraine chống Nga. Chiếc bánh ga-tô với hình chữ Z (biểu tượng của quân đội Nga trong cuộc can thiệp tại Ukraine), được thiết kết để "ăn mừng" dịp một năm chiến tranh, biến thành vòi lửa phun ngược vào mặt tổng thống Nga Putin.
Vụ khinh khí cầu Trung Quốc và "trò diễn Hollywood"
Cũng trong tháng 2/2023, bùng lên vụ khinh khí cầu gián điệp được coi là đã làm cho quan hệ Mỹ - Trung lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Courrier International giễu cợt "sự kiện" này khi dẫn lại nhận định của Financial Times, gọi đó là một "trò diễn Hollywood", với hình ảnh lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mập ú bị chiếc khinh khí cầu kéo ngược lên trời.
Thuyền nhân Địa Trung Hải, Châu Âu "sóng kẽm gai"
Biếm họa không chỉ để châm biếm, mà còn để đánh thức lương tri trước những thảm kịch nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các sự kiện được nhìn nhận một cách đơn lẻ. Tháng 6/2023, một tàu đánh cá đưa người vượt biển từ Libya sang Châu Âu bị chìm khiến hàng trăm người chết.
Truyền thông Hy Lạp có bức họa tố cáo "Châu Âu là một pháo đài giết người", với hình ảnh "đợt sóng khổng lồ", nhưng không phải sóng của biển cả, mà cơn sóng dữ được kết bằng các dây kẽm gai mang màu cờ Liên Âu. Chiếc thuyền chở những con người bất hạnh hướng đến Châu Âu phải vượt qua các đợt sóng dây kẽm gai bất khả xâm nhập đó. Courrier International lưu ý : tổng cộng ít nhất 25.000 người chết hoặc mất tích trên biển khi tìm đường đến miền đất hứa châu Âu, kể từ 2014.
Cuộc bạo động hiếm có bùng lên trong nhiều ngày tại Pháp đầu tháng 7, sau cái chết của người thanh niên Nahal sau khi bị cảnh sát bắn, là chủ đề một bức họa lớn khác, với hình những thanh niên phẫn nộ màu đen vươn mình ở trung tâm, nổi bật trên nền quốc kỳ Pháp ba màu xanh trắng đỏ.
"Xóa bỏ" năng lượng hóa thạch : Bàn về khí hậu tại xứ sở dầu khí
Nhiệt độ thế giới tăng kỷ lục, các thiên tai kinh hoàng liên tiếp tại Morocco và Libya hồi tháng 9 cũng là chủ đề một biếm họa chính khác. Chuỗi tranh 2023 của Courrier International khép lại với bức biếm họa về Hội nghị khí hậu COP28 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, cường quốc dầu khí.
Bức họa chìm trong gam màu đen-vàng-nâu, màu của dầu mỏ - than đá – khí đốt, mang lại một hình ảnh cô đúc về thế giới đương đại của chúng ta, nơi các năng lượng hóa thạch đang ngự trị. Nằm giữa bức hình là một can xăng, trên có dòng chữ COP28, Dubai, 2023. Hội nghị bàn về bảo vệ khí hậu được tổ chức tại chính xứ sở của các năng lượng hóa thạch, nguồn gốc của đại khủng hoảng khí hậu.
Tình hình có vẻ như hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng với Courrier International (trong bình luận mang tựa đề "Giữ vững niềm tin"), bức biếm họa của Viecent, báo L’Épée (Thụy Sĩ) điểm chút lạc quan, với hình chữ "X" trên chiếc can xăng, với ngụ ý xóa bỏ năng lượng hóa thạch. Như chúng ta biết, chính tại hội nghị ở xứ sở dầu khí này, cộng đồng quốc tế hôm 14/12 vừa qua đã thông qua thỏa thuận lịch sử, mở đầu tiến trình "hướng đến rời bỏ các năng lượng hóa thạch".
Bế tắc Gaza : Sách lược "đâm lao theo lao" của thủ tướng Israel
Cuộc xung đột giữa Israel và tổ chức Hamas tại Cận Đông có lẽ là chủ đề ám ảnh hàng đầu các tuần báo Pháp. L’Obs dành hồ sơ chính cho chủ đề "Cuộc chiến tranh tại Gaza : Israel sẽ đi về đâu ?", tố cáo chính sách liều lĩnh của thủ tướng Netanyahou. L’Express nói đến 5 kịch bản cho xung đột. Le Point tập trung giới thiệu về các cơ quan tình báo Israel trong cuộc chiến truy lùng các thủ lĩnh Hamas.
Bài xã luận của L’Obs, nhan đề "Sách lược đâm lao theo lao của thủ tướng Israel", tố cáo thủ tướng Israel Netanyahou là một "con người cơ hội", lợi dụng chính phủ đoàn kết quốc gia chống Hamas để mưu đồ cứu vãn liên minh với các đảng phái cực hữu, dốc sức tiếp tục cuộc chiến tại Gaza, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, và viễn cảnh bế tắc.
L’Obs có cuộc phỏng vấn cựu đại sứ Israel, ông Eli Barnavi, với nhận định thủ tướng Netanyahou giờ chỉ là một "zombi chính trị", hay nói cách khác một thứ "thây ma sống chính trị" không còn thực lực. Đại đa số người Israel coi ông ta là kẻ có trách nhiệm để xảy ra vụ khủng bố của Hamas tại Israel ngày 07/10, khi "làm lơ trước các cảnh báo của ngành tình báo". Và trước đó ông Netanyahou bị cáo buộc đã "ủng hộ việc Qatar tài trợ Hamas trong nhiều năm, nhằm làm suy yếu Cơ quan Quyền lực Palestine", cũng như hướng Quân đội Israel, "thay vì giám sát Gaza, chuyển sang tập trung bảo vệ dân định cư Do Thái ở vùng đất West Bank (Cisjordanie) của người Palestine".
Bế tắc Gaza : Hy vọng đặt vào sự trỗi dậy của phe dân chủ
Theo L’Obs, tương lai của xung đột Gaza phụ thuộc chủ yếu vào "sự thức tỉnh của phe dân chủ tại Mỹ", chống lại việc Washington ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của thủ tướng Israel, cũng như sự trỗi dậy của đối lập Israel, cụ thể với vai trò của lãnh đạo trung hữu Benny Gantz, cựu tổng tham mưu trưởng Quân đội, thành viên chính phủ đoàn kết dân tộc hiện nay. Hy vọng hòa bình cho Cận Đông "chỉ có thể diễn ra trong nền dân chủ và bởi chính định chế dân chủ" là kết luận của L’Obs.
Xung đột Israel – Hamas : 5 kịch bản
Về xung đột Israel – Hamas, L’Express đưa ra 5 kịch bản, từ tồi tệ nhất đến lạc quan nhất. Thứ nhất là cuộc chiến có thể kéo dài. Theo nhiều nhà quan sát, trong đó có chuyên gia về Trung Đông Hugh Lovatt – Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), đây là một kịch bản hiện thực, vì sau hơn hai tháng chiến tranh tại vùng đất nhỏ bé này (khoảng 360 km²), Quân đội Israel chưa loại bỏ được Hamas. Kịch bản thứ hai là Israel chiếm đóng Gaza sau khi chiến thắng Hamas. Kịch bản này có thể xảy ra nhưng chắc chắn sẽ bị Hoa Kỳ phản đối, bên cạnh đó là gánh nặng bảo đảm an ninh. Kịch bản thứ ba là cuộc chiến lan ra toàn khu vực. Với các lực lượng răn đe của Mỹ tại khu vực, xác suất kịch bản này không cao, nhưng cũng không thể loại trừ.
Về xung đột này, có hai kịch bản hướng đến hòa bình. Thứ nhất là quốc tế trực tiếp quản lý dải Gaza và thứ hai là thực thi giải pháp hai nhà nước. Dù giải pháp nào, vai trò của Mỹ cũng có ý nghĩa quyết định. L’Express cũng bày tỏ hy vọng là "các đau khổ kéo dài ở cả hai phía sẽ buộc hai bên chấp nhận hướng đến một nền hòa bình bền vững". Cũng trong số báo này, L’Express có bài phỏng vấn cựu ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Theo nhà ngoại giao này, bạo lực của Israel "sẽ chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển của ý thức hệ Hamas, và khiến giới tranh đấu vì Palestine ngả vào vòng tay của Hồi giáo cực đoan".
Jerusalem : Những nỗ lực duy trì tình bạn Israel – Palestine
Về xung đột Cận Đông, tuần san Pháp Courrier International muốn đưa độc giả đến với những góc nhìn khác, đang bị cuộc chiến Israel – Hamas làm lu mờ. Qua ngòi bút của phóng viên New York Times, công chúng được biết đến những nỗ lực của nhiều thiếu niên người Israel và Palestine, tại Jerusalem (nơi sinh sống của khoảng 400.000 người Palestine), cố gắng bảo vệ tình bằng hữu, trong bối cảnh bạo lực tại Gaza, sau vụ khủng bố 07/10, có thể làm bùng lên ngọn lửa hận thù.
Một trong những không gian giúp cho quan hệ hữu nghị được duy trì là các lớp tập bơi tại trung tâm YMCA, của một hiệp hội Thiên Chúa giáo tại trung tâm một khu phố Do Thái, nơi các thiếu nhi Israel và Palestine, từ 8, 9 tuổi trở lên, có thể luyện tập cùng nhau trong nhóm, không phân biệt sắc tộc. Còn rất nhiều "cầu nối" khác tại Jerusalem để vượt qua các khác biệt tôn giáo, văn hóa.
Áp lực địa ốc ở nước giàu : Phong trào giảm "diện tích nhà ở" tại Đan Mạch
Hồ sơ chính của tuần san Courrier International là "Sống một cách khác trong thế giới này" với tiêu điểm là vấn đề nơi ở. Vì sao lại là chủ đề "nơi ở"? Courrier International giải thích: "bởi sự lựa chọn tự do hay do hoàn cảnh bó buộc, ngày càng có nhiều người quyết định sống một cách khác và sáng tạo lại khái niệm về cuộc sống tập thể". Mục tiêu là tạo những lối sống mới, cách cư trú mới, "bền vững hơn cho con người và ít tổn hại hơn cho môi trường".
Tại Đan Mạch, ở nhiều nơi dấy lên một phong trào hướng đến "thu hẹp diện tích nơi ở" nhằm nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng, góp phần vào cuộc chiến chống hâm nóng khí hậu. Tại thành phố Skanderborg, mục tiêu đặt ra là trung hòa về khí thải ngay từ năm 2025. Cuộc chiến giảm diện tích nơi ở vấp phải nhiều trở lực trong một xã hội, nơi diện tích ở cá nhân được coi là một tiêu chuẩn sống quan trọng, và gắn liền với tập quán lâu đời của xứ sở Bắc Âu này.
Trên thực tế, nhìn chung, việc thu hẹp diện tích ở là một áp lực tại chính "các nước giàu nhất". Tại Mỹ hay Châu Âu, giá thuê nhà gia tăng, số lượng nơi ở mới ngày càng hiếm, bên cạnh việc giá thuê người coi sóc trẻ đắt hay chi phí cao ở nhà dưỡng lão buộc nhiều người phải thuê nhà chung, hay sống cùng cha mẹ. Hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết, số lượng giấy phép xây dựng mới tại Đức sụt 27% trong nửa đầu năm nay. Tại Pháp, Anh, tình hình tương tự.
"Gia đình hạt nhân" suy yếu, những cách chung sống mới nở rộ
Trong một bài tổng hợp khác cũng về chủ đề này, Courrier International chú ý đến một trào lưu rộng lớn mang tính toàn cầu, của những người không chỉ vì bị bó buộc mà phải lựa chọn cuộc sống chung trong một không gian chật hẹp hơn. Nhà dân tộc học Mỹ Kristen Ghodsee, tác giả cuốn sách mới xuất bản, mang tựa đề "Everyday Utopia", ghi nhận hiện tượng là mô hình gia đình hạt nhân, vốn được coi là thống trị hiện nay, đang trên đường "sụp đổ", và thế vào đó là hàng loạt lối sống chung đa dạng khác, vượt ra ngoài hiện tượng chung sống tạm thời, như kiểu cùng thuê nhà.
Hiện tượng "coliving" (chung sống), với việc sáng tạo ra các hình thức chung sống tập thể mới, một phần lấy cảm hứng từ truyền thống, nở rộ tại Mỹ, tại Ý, cũng như tại một số nước Châu Á, như Nhật Bản. Theo Business Insider, trong năm 2022 ngày càng có nhiều người Mỹ trưởng thành chọn cách thuê nhà sống cùng bạn bè – thậm chí mua chung một căn hộ. Cuộc sống như vậy cho phép duy trì tình cảm bạn bè cùng với việc hậu thuẫn nhau về nhiều mặt.
"Tự cung tự cấp", gần gũi thiên nhiên, thay vì "nhà cao cửa rộng"
Tuy nhiên, kinh nghiệm đặc biệt về "nơi ở" được Courrier International nêu bật trong số báo này, qua phóng sự của African Arguments, là trường hợp của một cộng đồng mang tên eKhenana, ở khu vực ngoại ô thành phố Durban, Nam Phi, hình thành từ năm 2018. Cộng đồng eKhenana, với 109 gia đình, được coi là những người đi tiên phong trong một thế giới hướng đến mục tiêu duy trì nhiệt độ không tăng quá 1,5°C.
Lối sống "tự cung tự cấp" một thời bị chê bai là lạc hậu, giờ được xem như một lối thoát cho thế giới. Các chuẩn mực sống của Châu Âu, của phương Tây nói chung, về một lối sống tiêu thụ nhiều, nhà cao cửa rộng, không còn là "khuôn vàng thước ngọc" cho hạnh phúc của đông đảo, mà thậm chí là một tham vọng với các hệ quả nguy hại. Theo báo Châu Phi, kinh nghiệm của cộng đồng nhỏ bé ở bên lề xã hội tại Nam Phi này cho thấy, sống tiết kiệm với các điều kiện khiêm tốn là con đường dẫn đến hạnh phúc cho mình và bảo vệ hành tinh.
Lịch sử nhân loại: Từ bỏ quan điểm "định mệnh" để rút ra các bài học thực sự
Courier International giới thiệu trích đoạn bài viết của nhà báo Michael Marshall, trên New Scientist, Anh Quốc, tuần báo phổ biến khoa học hàng đầu thế giới, với tiêu đề "Một quan niệm khác về lịch sử các nền văn minh nhân loại". Ôn cố tri tân : Hiểu đúng hơn về lịch sử có thể giúp con người xác định được đúng hơn hướng đi trong xã hội đương đại vô cùng phức tạp hiện nay, là chủ ý của bài viết.
Muốn nhận thức đúng hơn, cần thoát khỏi các ảo tưởng mang tính định mệnh. Tuần báo New Scientist cho biết quan điểm thống trị từ lâu trong nghiên cứu về lịch sử nhân loại, đó là nền văn minh nông nghiệp, ra đời khoảng 10.000 năm trước, với việc thuần hóa nhiều giống loại thực vật và động vật, đã là động lực làm xuất hiện các xã hội phức tạp, phát triển. Theo quan điểm này, văn minh nông nghiệp dẫn đến nhiều thành tựu vĩ đại, như mức sống gia tăng, chữ viết, y học ra đời… Mặt tiêu cực là sự hình thành của các hệ thống quyền lực, bất bình đẳng gia tăng… Và với sự phát triển của các xã hội phức tạp, những điểm tiêu cực nói trên ngày thêm trầm trọng hơn và không thể tránh khỏi. Các chuyên gia, trong đó có người nổi tiếng như giáo sư Jared Diamond (UcLa), giải thưởng Pulitzer, với nhiều tác phẩm bán chạy nhất thế giới, thậm chí coi nông nghiệp là một "cạm bẫy", là "sai lầm tồi tệ nhất của nhân loại".
Theo New Scientist, quan điểm về nguyên nhân đơn nhất nói trên đã bị nhiều phát hiện gần đây bác bỏ. Việc khảo cổ học phát hiện một số công trình kiến trúc quy mô lớn có trước thời kỳ văn minh nông nghiệp (chẳng hạn như quần thể kiến trúc Gobekli Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 11.500 đến 10.000 năm trước), cho thấy ngay trong các xã hội săn bắn - hái lượm cũng đã tồn tại các hình thái tổ chức rất cao, cho phép huy động một số lượng lớn nhân lực vào các công trình lớn. Văn minh nông nghiệp đúng là cơ sở cho sự phát triển của nhiều xã hội "phức tạp", nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất.
New Scientist cũng phê phán kết quả của nghiên cứu quy mô của Seshat (viện nghiên cứu Mỹ Evolution Institute), về 414 xã hội, tồn tại trong 10.000 năm lịch sử, từ khi có nông nghiệp. Đây là dự án nghiên cứu được coi là lớn hàng đầu. Theo một số kết quả ban đầu của Seshat, gây bàng hoàng, có nhận định về động lực quan trọng nhất để thúc đẩy các xã hội phát triển là "chiến tranh", còn quan trọng hơn cả nông nghiệp. Quan điểm này cũng bị chuyên gia Timothy Kohler (Đại học Washington) phản bác.
10.000 năm "mưa thuận gió hòa" sắp tan vỡ : Động lực nào giúp nhân loại hành động ?
Nhìn chung, không có một nguyên nhân ban đầu, có ý nghĩa quyết định duy nhất, và mang tính định mệnh. Sự hình thành của nền văn minh nhân loại, tính chất phức tạp của xã hội con người, còn chứa đầy ẩn số. Nhưng có một điểm dường như tương đối được giới khoa học thống nhất, đó là nông nghiệp phát triển mạnh để trở nên ổn định trên quy mô toàn cầu là vào thời điểm khoảng 10.000 năm trước, tương ứng với thời kỳ mà khí hậu Trái đất bước vào ổn định với tình trạng mưa thuận gió hòa tại nhiều khu vực rộng lớn.
Các điều kiện thuận lợi nói trên hiện đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ do biến đổi khí hậu, do chính nền văn minh công nghiệp tạo ra. Để hãm lại đà biến đổi khí hậu và thích ứng với những hậu quả của nó, các xã hội đương đại cũng cần được cải tổ sâu sắc. Trở lại hiểu đúng lịch sử, học lấy các bài học tích cực từ các xã hội ngoài phương Tây là rất quan trọng. Theo nhà khảo cổ học so sánh người Anh, David Wengrow, trường College Luân Đôn, xét về đóng góp "xây dựng xã hội", thì quan hệ cộng đồng, quan hệ với thiên nhiên, năng lực sáng tạo nghệ thuật của các thổ dân xứ Ambrym ở tiểu quốc đảo Vanuatu chẳng hạn có thể đáng được xem trọng hơn nhiều so với các xã hội phát triển Châu Âu.
Trọng Thành