Những thách thức với Putin nếu đắc cử thêm nhiệm kỳ 6 năm
Reuters, VOA, 09/12/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết muốn lưu lại Điện Kremlin thêm 6 năm nữa bằng cách tham gia cuộc tranh cử vào tháng 3/2024, nơi chiến thắng của ông được nhiều người cho là một kết quả đã được định trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc mít-tinh ở Moscow năm 2022 (Ảnh : AFP)
Chiến tranh Ukraine
Sau hơn 21 tháng chiến tranh, lực lượng Nga kiểm soát hơn 1/6 lãnh thổ Ukraine. Tiền tuyến không có sự thay đổi đáng kể trong năm qua khi cuộc xung đột đã chuyển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao.
Mục tiêu cuối cùng của ông Putin vẫn chưa rõ ràng. Ông đã thất bại trong nỗ lực ban đầu nhằm chiếm thủ đô Kyiv và loại bỏ giới lãnh đạo Ukraine khi lực lượng Nga bị đánh lui khỏi Kyiv. Kể từ đó, ông tuyên bố 4 khu vực của Ukraine là một phần của Nga nhưng chỉ kiểm soát được một phần tại những lãnh thổ đó.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Putin dường như tin rằng thời gian đang đứng về phía mình : Moscow hy vọng quyết tâm của phương Tây về việc vũ trang và tài trợ cho Ukraine sẽ dần dà phai mờ, đặc biệt nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới đưa ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.
Nếu chọn cách leo thang, ông Putin có thể khai thác thực tế rằng Nga có nguồn nhân lực dự trữ dồi dào hơn Ukraine bằng cách tuyên bố một đợt huy động mới bên cạnh đợt triệu tập 300.000 quân mà ông đã ra lệnh vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, làn sóng đầu tiên diễn ra hỗn loạn và không được lòng dân, khiến hàng trăm ngàn người Nga chạy trốn ra nước ngoài, và Điện Kremlin đã nhiều lần nói rằng không cần phải có đợt huy động thứ hai.
Hoặc ông Putin có thể để cho cuộc chiến chuyển thành một ‘cuộc xung đột đóng băng,’ mà qua đó Nga sẽ cố gắng giữ Ukraine trong tình trạng nghẹt thở bằng cách chiếm đóng vô thời hạn miền nam và miền đông.
Chính sách đối ngoại
Quyết định của ông Putin tiến hành chiến tranh ở Ukraine đã làm rạn nứt quan hệ với phương Tây. Ông đã tiến gần hơn đến Trung Quốc và Ấn Độ như một phần trong nỗ lực phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong quan hệ quốc tế và xây dựng cái mà ông gọi là ‘thế giới đa cực,’ đồng thời cũng đang phát triển mối quan hệ với Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latin. Ông Putin đã tổ chức các cuộc họp trong những tháng gần đây với các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Iran, hai quốc gia có cùng quan điểm thù địch với Mỹ và có khả năng cung cấp cho quân đội của ông ở Ukraine. Nhiệm kỳ mới của ông Putin có thể sẽ cho thấy sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào mối quan hệ của Nga với nhóm các quốc gia BRICS đang mở rộng mà Moscow đang tìm cách phát triển ngoài thương mại để bao gồm các lĩnh vực mới như hợp tác trong không gian và một sự kiện tranh tài thể thao của BRICS, theo kiểu như Thế vận hội Olympic.
Võ khí hạt nhân
Lực lượng Nga đang bị sa lầy ở Ukraine bởi một đối thủ được trang bị vũ khí phương Tây, nhỏ hơn nhưng quyết tâm cao. Ông Putin đã nhiều lần ca ngợi quy mô và khả năng của kho vũ khí hạt nhân Nga. Ông đã đưa ra khả năng Nga có thể tiếp tục thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô làm như vậy vào năm 1990, mặc dù Moscow cho biết họ sẽ không thử nghiệm trừ khi Mỹ làm như vậy. Triển vọng hiện có vẻ mờ mịt về một hiệp ước gia hạn hoặc kế thừa cho thỏa thuận START Mới nhằm hạn chế số lượng đầu đạn chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa hai nước và sẽ hết hạn vào tháng 2 năm 2026, chưa đầy hai năm sau nhiệm kỳ mới của ông Putin.
Thương mại và Năng lượng
Nga đã mất phần lớn thị trường năng lượng béo bở ở Châu Âu kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Để bù đắp, Moscow đang trông cậy vào ba dự án lớn :
- Một ‘trung tâm khí đốt’ mới ở Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép Nga định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt của mình.
- Một đường ống mới, Power of Siberia 2, sẽ đưa thêm 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga mỗi năm đến Trung Quốc qua Mông Cổ.
- Mở rộng Tuyến đường biển phía Bắc, được thực hiện nhờ băng biển Bắc Cực tan chảy, để nối Murmansk gần biên giới Nga với Na Uy tới eo biển Bering gần Alaska.
Tiến bộ về những vấn đề này trong nhiệm kỳ mới của ông Putin sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thành công của ông trong việc giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và xoay trục thương mại của Nga về phía Đông.
Kinh tế nội địa
Ông Putin thường tự hào về khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tổng sản phẩm quốc nội đã tăng 5% so với cùng kỳ trong tháng 10, nhưng mức tăng trưởng này phần lớn bắt nguồn từ sự gia tăng lớn trong sản xuất quân sự. Quốc phòng và an ninh dự kiến sẽ ngốn khoảng 40% chi tiêu ngân sách năm tới, loại bỏ các ưu tiên khác như giáo dục và y tế. Hàng trăm ngàn người Nga, trong đó có nhiều chuyên gia trẻ và chuyên gia công nghệ thông tin, đã rời khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu chiến tranh, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong các ngành công nghiệp then chốt. Lạm phát ở mức trên 7% và lãi suất ở mức 15%. Trong phần lớn thời gian cầm quyền, ông Putin đã có thể tăng cường sức hấp dẫn của mình đối với người Nga bằng cách nâng cao mức sống, nhưng giờ đây ông phải đối mặt với thách thức ngăn những điều này bị xói mòn.
Thay mới giới tinh hoa
Ông Putin bước sang tuổi 71 vào tháng 10 và sẽ ở tuổi 77 vào cuối nhiệm kỳ mới, vẫn trẻ hơn so với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông tuyên thệ nhậm chức. Một số nhân vật hàng đầu trong nội bộ của ông Putin đều lớn tuổi hơn ông, bao gồm giám đốc an ninh FSB, Alexander Bortnikov, 72 tuổi, lãnh đạo Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, 72 tuổi, và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, 73 tuổi.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, 68 tuổi, vẫn giữ chức vụ bất chấp những lời chỉ trích gay gắt từ một số nhà bình luận ủng hộ chiến tranh về những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine. Ông Putin lâu nay tỏ ra miễn cưỡng trong việc thay đổi đội ngũ của mình và các nhà phê bình cáo buộc ông coi trọng lòng trung thành hơn là năng lực.
Tuy nhiên, ông có thể buộc phải thay đổi một số điều trong nhiệm kỳ tiếp theo. Những nhân vật trẻ hơn cần để mắt như chủ tịch quốc hội Vyacheslav Volodin, 59 tuổi, Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev, 46 tuổi, và cựu vệ sĩ của ông Putin là Alexei Dyumin, 51 tuổi, thống đốc vùng Tula.
Reuters
Nguồn : VOA, 09/12/2023
****************************
Bầu cử tổng thống Nga 2024 : Vladimir Putin xác nhận tái tranh cử
Thùy Dương, RFI, 09/12/2023
Sau 1/4 thế kỷ nắm quyền điều hành đất nước, Vladimir Putin hôm 08/12/2023 thông báo chính thức ra tái tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ 5 trong kỳ bầu cử tổng thống Nga vào tháng 03/2024. Theo AFP, ông Putin tuyên bố sẽ tái tranh cử tổng thống vì ông "không có lựa chọn nào khác". Thông báo được đưa ra trong buổi lễ trao huy chương cho các binh sĩ Nga từng chiến đấu tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, ngày 08/12/2023. AP - Mikhail Klimentyev
Bối cảnh hiện nay được xem là thuận lợi đối với ông Putin : kinh tế Nga không sụp đổ bất chấp các đòn trừng phạt của phương Tây, chiến dịch phản công của Ukraine không hiệu quả, sự chú ý và viện trợ của phương Tây dành cho Kiev cũng giảm do tác động từ chiến tranh Gaza, chuyến công du Vùng Vịnh cho thấy tổng thống Nga vẫn không bị cô lập hoàn toàn trên trường quốc tế.
Theo giới quan sát, kỳ bầu cử tổng thống Nga 2024 chỉ mang tính hình thức, Putin chắc chắn sẽ tái đắc cử bởi vì ông Putin được sự ủng hộ của bộ máy Nhà nước, các nhà đối lập chính đã bị triệt hạ, truyền thông cũng bị Nhà nước kiểm soát … Dù vậy, theo thông tín viên RFI Anissa El Jabri, Vladimir Putin đang vấp phải phong trào phản kháng của nhiều phụ nữ là mẹ, chị em hay vợ của những người đàn ông phải tòng quân sang Ukraine chiến đấu :
Mọi người chỉ nghe nói đến điều đó hồi tháng trước, nhưng phong trào phản kháng này dường như đã bắt đầu từ hồi mùa xuân. Đó là điều người phụ nữ xưng danh là Olga (không phải tên thật để bảo đảm an toàn), kể với chúng tôi. Phải sau vài tháng mới có người đồng ý kể cho chúng tôi nghe về các bước đi đầu tiên của những người phản kháng.
Bà Olga nói : "Chúng tôi đã viết hàng tập thư cho các dân biểu, chúng tôi đã thử mọi cách có thể để trao đổi với chính quyền. Nhiều phụ nữ trẻ đã tổ chức một nhóm làm việc với các đại diện của chính phủ, các dân biểu. Và điều những người phụ nữ này được nghe là : ‘Chỉ khi quý vị có hành động mang tính xây dựng, chỉ khi quý vị giúp đỡ Bộ Quốc phòng tuyển được thêm quân, thì khi đó có thể những người đàn ông của quý vị mới được trở về’. Logic của chính quyền là vậy đấy".
Không thể đánh giá quy mô của phong trào phản kháng, nhưng từ khắp mọi nơi trên nước Nga đều có các phụ nữ yêu cầu đưa những người đàn ông thân thích của họ trở về. Đa phần phụ nữ không chỉ trích quyết định của Putin điều quân sang Ukraine, nhưng bà Olga thì có. Bà nói tiếp : "Tôi đã luôn phản đối. Và dĩ nhiên là khi chính mình bị ảnh hưởng thì sẽ càng tỉnh ngộ hơn, nhất là khi chúng tôi biết được mọi chi tiết gây chấn động về những chuyện đang xảy ra ở đó".
Nhưng dù là phản kháng thế nào thì họ cũng đang bị chính quyền tìm cách dập tắt. Bà Olga nói thêm : "Mỗi người chúng tôi đều chiu áp lực rất lớn, thậm chí những người tích cực nhất còn có nguy cơ bị cáo buộc phạm tội hình sự. Những người đàn ông của chúng tôi cũng bị triệu tập, bị đe dọa. Họ ra lệnh cho họ nói với những người phụ nữ của mình là phải im lặng. Nhiều người bị cảnh sát gọi đến, bị triệu đến đồn cảnh sát, bị cố ý điều tra công khai ở khu dân cư hay bị hăm dọa trên mạng xã hội...
Bà Olga kể : "Những người ái quốc ủng hộ Putin viết rằng tất cả chúng tôi đều là gái mại dâm, là những kẻ phản bội tổ quốc, rằng chúng ta phải bị treo cổ, rằng họ sẽ tìm ra từng người trong số chúng tôi và giết chúng tôi. Tôi không nhớ lần cuối cùng tôi ngủ ngon giấc là khi nào, chỉ biết là đã từ lâu lắm rồi".
Chính phủ nay đã chặn việc cho quân dự bị động viên trở về. Vladimir Putin trong tuần này cũng đã đặt chỉ tiêu tăng 15% quân số.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 09/12/2023