Khi Thế vận hội Paris 2024 khép lại, cũng là lúc đặt ra vấn đề di sản của kỳ Olympic này, điều đã được nhắc đến nhiều trong hồ sơ xin đăng cai sự kiện của thủ đô nước Pháp.
Làng vận động viên Olympic Paris 2024, tại Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. AP - Rebecca Blackwell
Một trong những hứa hẹn trọng tâm được ban tổ chức Thế Vận Hội 2024 lặp đi lặp lại hàng tháng trời đó là : Các đầu tư huy động cho sự kiện này sẽ vẫn được sử dụng tốt sau Olympic và Paralympic.
Lời hứa này đã được tổng thống Emmanuel Macron nhắc lại một ngày sau lễ bế mạc : "Di sản của Thế Vận Hội sẽ là sự cải thiện lâu dài cho môi trường hàng ngày của chúng ta".
Những nơi ở mới, các công trình thể thao, và cả con sông Seine sạch sẽ hơn hay những tuyến đường mới dành riêng cho xe đạp... Cụ thể sẽ sau các cuộc so tài, Thế Vận Hội Paris sẽ để lại những gì cho thành phố chủ nhà ?
Những khu nhà ở mới và hạ tầng cơ sở thể thao
Theo Ban tổ chức Olympic và Paralympic (Cojop), trong hai tuần Thế Vận Hội, làng Olympic tại tỉnh Seine-Saint-Denis đã đón tiếp tới 14.500 vận động viên cùng các thành viên của các đoàn thể thao đến từ khắp thế giới. Theo Laurent Michaud giám đốc làng vận động viên dành cho Paralympic, trước mắt khu làng sẽ được dọn dẹp và "tân trang lại" hoàn toàn. Tổng cộng : 9.000 người – trong đó có hơn 4.000 vận động viên khuyết tật – dự kiến sẽ có mặt ở làng từ ngày 21 tháng 8.
Tiếp sau đó đến giai đoạn "chuyển đổi lại" kéo dài khoảng một năm, khu làng sẽ biến thành một khu phố của thành phố Saint-Denis, với 2.800 đơn vị nhà ở mới có khả năng chứa 6.000 cư dân. Theo Cojop, hai khu trường học và hai nhà trẻ cùng các cửa hàng cũng được xây dựng trong khu phố này. Xung quanh, một không gian xanh rộng lớn giúp địa điểm thích ứng với tình trạng khí hậu ấm lên toàn cầu.
Trong số 2.800 căn hộ, có 700 căn được chào bán. Còn lại, một nửa sẽ được dành làm nhà cho thuê giá thấp hơn thị trường dành cho công chức và nửa còn lại làm nhà ở xã hội, bà Marion Le Paul phó tổng giám đốc của Solideo, công ty cung cấp công trình cho Olympic Paris cho biết hôm 05/08. Những cư dân đầu tiên của khu phố sẽ đến vào đầu năm học 2025.
Về cơ sở hạ tầng thể thao, tỉnh Seine-Saint-Denis cũng sẽ được hưởng lợi nhiều. Trung tâm thể thao dưới nước Olympic, nơi tổ chức các môn thi đấu như nhảy cầu, bơi nghệ thuật và bóng nước trong thời gian Thế Vận Hội sẽ tiếp tục được sử dụng, tương tự như nhà thi đấu Porte de la Chapelle, nơi tổ chức các môn cầu lông và thể dục nhịp điệu.
Vẫn ở tỉnh Seine-Saint-Denis, toàn bộ Công viên Thể thao Bourget, nơi có các cơ sở thi môn leo tường, đã được xây dựng lại hoàn toàn nhân dịp này. Với khoản đầu tư ước tính khoảng 650 triệu euro, cơ sở này hiện có một phòng tập, hai sân tổng hợp và sáu sân tennis. Từ giờ trở đi, các hiệp hội thể thao có thể tổ chức các hoạt động với các trang thiết bị và tiêu chuẩn mới nhất.
Theo Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris (Cojop), ở những nơi khác ở Île-de-France, khoảng 20 công trình thể thao đã được cải tạo, nâng cấp. Trong số những công trình biểu tượng có sân vận động Yves-du-Manoir ở Colombes, sân vận động duy nhất đã tổ chức các cuộc thi Olympic vào năm 2024 và... 1924.
Những tuyến đường dành cho xe đạp
Sạch sẽ, tin cậy, dễ tiếp cận... chủ tịch Hội đồng vùng Île-de-France, Valérie Pécresse, hôm 09/08 đã liệt kê một loạt tiến bộ về giao thông công cộng trong vùng đã đạt được trong kỳ Thế Vận Hội, đồng thời bà khẳng định quyết tâm duy trì thành quả này.
Là một vấn đề gây nhiều lo ngại trước khi bắt đầu Olympic Paris, nhưng cuối cùng giao thông công cộng của Ile-de-France, được bổ sung một số lượng lớn nhân viên, đã trụ vững trước lưu lượng lớn du khách trong suốt hai tuần thi đấu. Bà Valérie Pécresse đảm bảo rằng nguồn nhân lực bổ sung sẽ tiếp tục được duy trì sau khi Thế Vận Hội kết thúc.
Dự án lớn khác trên mặt trận giao thông công cộng là khả năng dễ tiếp cận. Mặc dù đã có nhiều cố gắng – 240 ga ở Île-de-France đã được cải tạo để tạo điều kiện tiếp cận cho những người có khả năng di chuyển hạn chế – nhưng theo Île-de-France-Mobilités (Cơ quan quản lý giao thông công cộng vùng Île-de-France), hiện chỉ có 29 ga tàu điện ngầm nội đô có thể thích ứng với người dùng xe lăn. Như vậy con số vẫn còn xa mục tiêu đặt ra.
Các tuyến tàu điện ngầm 15, 16, 17 và 18, được hứa hẹn khi Paris nộp hồ sơ xin đăng cai Thế Vận Hội Olympic, cuối cùng không được đưa vào sử dụng đúng thời hạn. Chỉ có tuyến đường 14 được mở rộng và giờ đây cho phép kết nối thành phố Saint-Denis ở phía bắc Paris với phi trường Orly (phía nam).
Cuối cùng, "Mạng lưới đường xe đạp Olympic" dài 400 km đã được triển khai để giúp khán giả đến địa điểm thi đấu bằng xe đạp. Theo chính quyền vùng Île-de-France, khoảng 367 km đường như vậy sẽ phải được duy trì lâu dài.
Sông Seine trở nên sạch hơn
Sông Seine như một ngôi sao có tính khí thất thường của Thế Vận Hội này. Mặc dù phải thông báo hoãn đi hoãn lại nhiều lần các buổi luyện tập và thi đấu ba môn phối hợp nam, cuối cùng thì các vận động viên vẫn có thể được ngụp lặn trong sông Seine, như bà thị trưởng Paris Anne Hidalgo, chủ tịch Cojop Tony Estanguet và bộ trưởng thể thao Amélie Oudéa-Castéra trước họ.
Một thắng lợi chính trị của Paris. Hội đồng thành phố đã cố gắng thực hiện lời hứa trọng tâm ở kỳ Thế Vận Hội này là biến con sông chảy qua thủ đô trở thành nơi có thể bơi lội an toàn.
Tuy nhiên trước những kết quả vẫn còn bấp bênh về chất lượng nước, việc giữ được phần thứ hai của lời hứa là mang đến cho người dân Paris cơ hội được bơi trên sông Seine vào mỗi mùa hè từ năm 2025 dường như vẫn chưa có gì bảo đảm.
Dự án làm sạch nước sông Seine đòi hỏi những nỗ lực vô cùng lớn. Với ngân sách 1,4 tỷ euro, một bể chứa nước mưa khổng lồ và hàng chục trạm thu gom nước thải được lắp đặt để ngăn nước ô nhiễm đổ trực tiếp vào sông Seine cùng hàng nghìn khu dân cư đã được kết nối với hệ thống làm sạch nước thải đã được xây dựng.
Mặc dù vậy, theo thống kê của AFP, trong số 11 chương trình bơi lội được lên kế hoạch cho các cuộc thi và tập luyện trên sông Seine, chỉ có năm lần được các liên đoàn thể thao quốc tế (bơi và ba môn phối hợp) cho phép do nước sông không đạt tiêu chuẩn sạch, còn có hàm lượng vi khuẩn cao. Nguyên nhân : nước bị ô nhiễm sau các mưa giông xảy ra trước các buổi tập luyện và thi đấu dự trù.
Đài lửa Olympic ở lại Tuileries ?
Biểu tượng của Thế Vận Hội Paris thu hút hàng nghìn người chiêm ngưỡng mỗi ngày, đài lửa Olympic đã được tắt vào tối Chủ nhật khi Thế Vận Hội kết thúc nhưng sẽ được thắp lại trong thời gian diễn ra Paralympic từ ngày 28/08 đến 08/09 tới đây.
Trước sự hâm mộ cuồng nhiệt của dân chúng, ý tưởng giữa lại đài lửa Olympic, như các thành phố tổ chức Thế Vận Hội khác vẫn làm, đã được sự ủng hộ của đa số người dân Paris và các lãnh đạo chính trị. Một cuộc thảo luận xung quanh việc này đã mở ra.
Đài lửa này "giờ đây khiến rất nhiều người mơ ước", không lâu sau lễ khai mạc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh và ông cam đoan sẽ lưu tâm đến tương lai của đài lửa này vào "thời điểm thích hợp".
Thị trưởng Paris (đảng Xã Hội), bà Anne Hidalgo, trên kênh truyền hình France 2 cho biết "rất sẵn sàng". Bà giải thích thêm : "không phải tôi là người quyết định vì nó nằm trên địa điểm của bảo tàng Louvre, thuộc quyền quản lý của Nhà nước, nên tôi đã viết thư gửi tổng thống". Nếu không thể để đài lửa ở lại Tuileries, chủ tịch vùng Île-de-France, bà Valérie Pécresse, đề nghị chuyển về Parc de la Villette ở phía đông bắc thủ đô.
Còn những kỷ vật khác ?
Ngoài đài lửa Olympic, bà Anne Hidalgo còn đưa ra ý tưởng rằng các bức tượng của các nữ anh hùng trong lịch sử Pháp nổi lên trên sông Seine trong lễ khai mạc sẽ được đặt tại Porte de la Chapelle, một khu bình dân đã được quy hoạch lại nhân sự sự kiện này, và 5 vòng tròn biều trưng của phong trào Olympic sẽ vẫn được giữ lại trên tháp Eiffel.
Chủ tịch Ban tổ chức Olympic, Tony Estanguet, cho biết hôm 10/08, phần đông dân chúng mong muốn giữ lại những kỷ vật của Olympic Paris 2024. Ông có nhắc đến con ngựa sắt chạy trên sông Seine trong lễ khai mạc đồng thời cho biết thêm là những vấn đề này sẽ được thảo luận, suy nghĩ bình tĩnh trong những tuần tới.
(Theo AFP và France24.com)
Anh Vũ
Nước Pháp đầy tự tin sau thành công mỹ mãn của Thế vận hội Paris 2024
Thế vận hội Paris vừa kết thúc khuya hôm qua chiếm trang nhất các nhật báo Pháp ngày 12/08/2024.
Các vận động viên Pháp chạm tay chào thân ái khán giả trong lễ bế mạc Thế vận hội Paris tại sân vận động Stade de France ở Saint-Denis, đêm 11/08/2024. Reuters - Tingshu Wang
Olympic của mọi kỷ lục
Le Figaro chạy tít "Paris 2024 : Thế vận của mọi kỷ lục" về số huy chương cho Pháp, số người dự khán và theo dõi trên truyền thông. Libération coi "Paris 2024" là "Thế vận hội tuyệt đẹp" : công chúng nồng nhiệt, tổ chức hoàn hảo tờ báo chơi chữ, thay chữ "yeux" trong câu nói "T'as de beaux yeux" (Em có đôi mắt đẹp) trong một bộ phim nổi tiếng thành "Jeux" (chỉ Thế vận hội). Les Echos rút ra "Bài học Olympic", với thành quả lịch sử về thể thao, kinh tế và xã hội. La Croix nói về "Di sản thể thao". Riêng Le Monde ra từ cuối tuần trước nhấn mạnh "Kiev ra đòn nặng mang tính biểu tượng cho Moskva".
Giấc mơ đẹp gây nuối tiếc
Libération tổng kết : Ngược với sự hỗn loạn như dự báo, mười lăm ngày thế vận đã thành công - trong các sân vận động cũng như ngoài trời - đã giúp người Pháp trải qua một khoảng thời gian vui tươi sau một giai đoạn khó khăn. Những ai tắt ti vi tối Chủ nhật tự hỏi những ngày còn lại của mùa hè sẽ ra sao, sau hai tuần lễ tràn ngập phấn khích vừa trôi qua.
Huy chương, nước mắt, nụ cười, những thành tích vượt trội, hậu cần, giao thông và an ninh : tất cả đều không có gì đáng chê trách. Lần đầu tiên ý hướng thành công đã vượt lên trên mọi thứ. Paris táo bạo với một thế vận ngay trong thành phố-bảo tàng, các cuộc thi đấu diễn ra trong những khung cảnh đẹp như bưu thiếp. Chủ tịch ủy ban tổ chức Paris 2024, Tony Estanguet cho rằng "cần nối dài tinh thần Olympic", và "Pháp có thể làm nên những chuyện vĩ đại nếu muốn".
Tổng thống Emmanuel Macron đã không bác bỏ nhận xét này. Trong hai tuần qua, ông có mặt khắp nơi, khích lệ, ôm hôn, vỗ vai thân mật các vận động viên Pháp. Một phóng viên Bỉ chuyên theo dõi các Thế vận hội nói rằng trong các kỳ Olympic trước chưa bao giờ thấy một nguyên thủ xông xáo như vậy. Các bộ trưởng trong nội các đã từ chức cũng nô nức dự khán dù nhiệm vụ không liên quan. Hệ thống métro thông suốt, đúng giờ, ngay cả tuyến RER C vốn hoạt động thất thường trong mùa hè, chăm chỉ đưa hàng đoàn khán giả đến xem các trận đấu gôn, đua ngựa ở cung điện Versailles.
Các bệnh viện vẫn sợ bị quá tải, nhưng rốt cuộc lại hết sức vắng vẻ : trong suốt mùa thi đấu, chỉ có 31 người đến khoa cấp cứu. Trước Thế vận hội, đảng cực hữu đòi một Thế vận hội không công chúng để tránh bị phá rối, chính quyền khẳng định Paris và vùng phụ cận sẽ an ninh nhất trong toàn quốc, huy động đông đảo cảnh sát ; và người ta lại thấy lực lượng an ninh tươi cười chụp hình kỷ niệm với khách tham quan.
Những tấm huy chương xứng đáng, số vé bán ra cao nhất lịch sử
Các fan zone tiếp đón trên 4,5 triệu người trong hai tuần lễ. Ngay những ngày đầu tiên, trên đường đua xanh, kình ngư trẻ tuổi Léon Marchand đã làm nên thành tích chưa từng thấy : giành bốn huy chương vàng Olympic chỉ trong sáu ngày. Teddy Riner giữ vững chiếc ngai vàng nhu đạo của mình với huy chương vàng thứ ba về cá nhân và thứ hai về đồng đội. Paris 2024 kết thúc với 760 cuộc tranh tài trong 32 môn, gần 850 huy chương được trao, 400.000 chiếc bánh hot-dog bán ra tại chỗ.
Riêng đội tuyển Pháp với 64 huy chương trong đó có 16 huy chương vàng, đạt gấp đôi thành tích so với Thế vận hội Tokyo. Những ngôi sao thế giới như vận động viên thể dục dụng cụ Simone Biles hay Armand Duplantis trong môn nhảy sào của Thụy Điển đều không phụ lòng người hâm mộ. Olympic Paris sôi động đến nỗi những người hoài nghi nhất cũng lùng mua vé vào giờ chót, 9,5 triệu chiếc vé đã được bán ra, một con số kỷ lục trong lịch sử Thế vận hội. Sau bảy năm chuẩn bị và một tháng tăng tốc, người ta đã có "quyền được hạnh phúc".
Trong bài xã luận "Ngày hội", La Croix nhận xét Thế vận hội Paris làm người ta mơ mộng cho đến ngày cuối cùng, như trận đấu bóng rổ nữ nghẹt thở hôm qua giữa Pháp và Mỹ. Tại Paris và khắp nước Pháp, niềm hân hoan và tự hào vượt khỏi giới thể thao, lan tỏa trên đường phố và trên những khuôn mặt. Tinh thần Olympic tạo ra thái độ thân thiện với nhau như các ống kính đã ghi nhận. Thành công của sự kiện giúp Pháp có thể tự hào về cách tổ chức và óc sáng tạo, hy vọng rằng ma thuật Olympic không bị xóa mờ quá sớm.
Di sản của Thế vận hội 2024
An ninh được củng cố, tư pháp hiện đại hóa, sông Seine sạch hơn : Đó là các di sản của Thế vận hội Paris, theo Le Figaro. Lực lượng an ninh 35.000 người, riêng trong ngày khai mạc là 45.000 người, không ghi nhận sự cố nào đáng kể trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Các đơn vị tuần tra cho biết không khí Olympic tương tự như thời kỳ hậu khủng bố Charlie Hebdo : dân Paris và du khách tỏ ra đầy cảm tình với cảnh sát, hiến binh. Việc xóa bỏ ranh giới hành chánh giữa các lực lượng và địa phương khác nhau giúp họ hoạt động hiệu quả hơn.
Các đơn vị Vệ binh Cộng hòa thực hiện 60 cuộc tuần tra trên lưng ngựa hàng ngày, được kỵ binh Qatar và Hà Lan hỗ trợ. Trang web song ngữ Anh-Pháp của bộ Nội vụ Pháp đạt 526.000 lượt truy cập trong thời gian Olympic, trong khi cả năm 2023 chỉ là 1.300.000 lượt. Tuy việc phân phát nước đóng chai miễn phí trong hệ thống xe điện ngầm kết thúc cùng với Thế vận hội, nhưng đã có gần 100 vòi nước công cộng được gắn thêm tại các trạm métro. Tư pháp được số hóa, chuẩn bị xử lý nhanh những trường hợp vi phạm, nhưng tương đối "thất nghiệp". Và kể từ tháng 7/2025 công chúng có thể bơi trên dòng sông Seine xinh đẹp, đã được đầu tư 1,4 tỉ euro để chống ô nhiễm.
Mạng lưới giao thông công cộng cải thiện đáng kể, tuyến métro số 14 và RER E được nối dài thêm. Mọi người đang bàn bạc giữ lại vạc lửa Olympic, hay năm vòng tròn thế vận ở tháp Eiffel hay không. La Croix bổ sung : Sau Thế vận hội, phong trào rèn luyện thể dục thể thao chắc sẽ tăng vọt, nên cần có cơ sở hạ tầng và và bộ máy phù hợp. Tương tự, Libération cho rằng "Di sản phi vật thể" của Paris 2024 là có thể bơi trên sông Seine, và một quốc gia thể thao.
Cuộc hành quân thần tốc của Ukraine vào đất Nga
Về cuộc chiến tranh Ukraine, Les Echos tóm tắt tình hình trong bài "Trước việc Ukraine đánh vào Kursk, Moskva dùng biện pháp gọi là ‘chống khủng bố’". Hành quân thần tốc, lực lượng Kiev chiếm được nhiều làng mạc và thành phố thuộc tỉnh Kursk của Nga gần biên giới. Theo các nguồn tin Nga, có ít nhất 1.000 quân nhân Ukraine với thiết giáp, drone và phòng không hùng hậu, vũ khí điện tử tham gia ; hình ảnh nhiều lính Nga bị bắt làm tù binh xuất hiện trên mạng xã hội. Cư dân hoảng loạn, chỉ trích chính quyền, trên 76.000 người đã được di tản. Ukraine kiểm soát Sudzha, nơi có đường ống dẫn khí đốt, đe dọa nhà máy điện nguyên tử Kursk.
Tối Chủ nhật, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại tháp làm mát của nhà máy điện nguyên tử Zaporizhia. Bộ quốc phòng Nga khẳng định đã chận được "các nhóm cơ động" xâm nhập vào Tolpino, Juravli, Obshchy Kolodez cách Ukraine 30 kilomet đường chim bay, và Belovski ở phía đông. Trước đó vào thứ Bảy, lần đầu tiên tổng thống Volodymyr Zelensky nhìn nhận sự hiện diện của quân đội Ukraine tại vùng Kursk để "chuyển chiến tranh sang đất Nga".
Le Monde cho rằng Kiev chấp nhận rủi ro, nhằm cố gắng thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Chỉ trong vài ngày, Ukraine đã chiếm được số đất tương đương với những gì đã bị Nga chiếm kể từ đầu 2023 đến nay - một đòn nặng cho Kremlin. Một video do một tài xế Nga quay được và đăng lên mạng sáng thứ Sáu cho thấy mười mấy quân xa Nga cháy rụi và xác chết nằm dài theo con đường chạy qua làng Oktyabrskoy. Kremlin khó thể tiếp tục nói với dân Nga là "mọi việc diễn ra như dự kiến". Một căn cứ không quân Nga cũng bị drone tấn công ở Lipetsk, cách biên giới 300 kilomet, phá hủy các kho chứa bom lượn tại đây.
Bí mật cho đến phút chót, chiến dịch Kursk gây chấn động
Chiến dịch này tỏ ra hoàn hảo : việc ém quân, thiết vận xa và các thiết bị sát biên giới Nga hoàn toàn bí mật, gây bất ngờ không chỉ cho quân Nga mà cả các quan sát viên quốc tế. Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận với Kremlin nói rằng tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đã "làm ngơ" những cảnh báo của cơ quan tình báo. Dù kết cuộc như thế nào đi nữa, rõ ràng Kiev đã có được chiến thắng tâm lý quan trọng khi tiến vào lãnh thổ Nga sâu như vậy. Các tuyên truyền viên Nga tức giận, có người còn đòi dùng vũ khí nguyên tử.
Trả lời Libération, cựu tướng Pháp Dominique Trinquand nhận định vụ đột kích của Ukraine có mục tiêu vừa quân sự vừa tâm lý. Vừa buộc Nga phải đưa quân dự trữ từ Donetsk sang Kursk, vừa cho người Nga thấy chiến tranh nay trên đất họ. Ông cho rằng Ukraine điều đến hai lữ đoàn thiết giáp từ 6.000 đến 8.000 quân, còn theo Le Monde có thêm hai lữ đoàn được không vận đến. Trong khi Nga không có xe bọc thép tại chỗ mà chỉ có bộ binh ; Moskva có phản ứng tệ hại là gởi đến cả một đoàn xe tải chở quân và bị Ukraine diệt gọn. Rõ ràng là Moskva bị bất ngờ, nếu không Ukraine không thể chiếm được nhiều làng như vậy.
Les Echos nhận định, cuộc tiến công quá bất ngờ vào Kursk đã thay đổi thế trận tưởng chừng đang bế tắc, gây tiếng vang quốc tế đồng thời làm dấy lên niềm hy vọng cho người dân Ukraine. Chiến dịch đột kích này vừa làm giảm áp lực ở Donbass, vừa làm rối loạn hậu cần quân Nga qua việc đe dọa các tuyến đường bộ và đường xe lửa tiếp tế cho đội quân ở đông bắc. Và nếu lực lượng Ukraine trấn giữ được hơn 1.000 kilomet vuông đất chiếm được, sẽ đảo lộn tương quan một khi đàm phán.
Ông Mykhailo Podoliak, cố vấn tổng thống Ukraine nói, Nga coi mọi thỏa hiệp là một sự yếu đuối, nên cần làm cho họ hiểu rằng chiến tranh không diễn ra theo kịch bản của họ. Trong khi đa số người Ukraine vẫn luôn chống đối việc nhượng đất cho Nga dù ít hay nhiều, sự kiện Kursk đã tạo thế mạnh cho Kiev.
Phương Tây đứng về phía Ukraine
Trả lời Le Monde, ông Mykhailo Fedorov, bộ trưởng bộ chuyển đổi kỹ thuật số 33 tuổi của Ukraine cho biết "Trong một cuộc chiến tranh phi đối xứng, cần sử dụng các công nghệ gây bất ngờ cho kẻ thù". Bên cạnh lực lượng drone sẽ có thêm chó robot làm những nhiệm vụ nguy hiểm, và nhất là công nghệ phối hợp tác chiến giữa các loại vũ khí, và bảo mật các kênh liên lạc, vì Nga cũng chạy đua trong lãnh vực này. Bản thân công nghệ cũng chưa đủ, mà quân đội cần nhanh chóng hội nhập, và quá trình chuyển đổi đang diễn ra.
Le Monde nhận định trong chiến dịch tiến công vào Kursk, phương Tây lập tức đứng về phía Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn khẳng định sẽ gởi cho Kiev "một lô đạn pháo lớn mà Ukraine đang cần khẩn cấp. Sự hỗ trợ này sẽ giúp Ukraine bảo vệ lực lượng và dân chúng, củng cố năng lực ở tiền tuyến". Tuy nhiều xe quân sự do phương Tây viện trợ được nhận ra trong các video và ảnh của Nga, không có đồng minh nào phàn nàn cả !
Thụy My
Nếu tôi không nhầm thì Thế vận hội Olympic mùa hè đã được tổ chức 28 lần, trong đó kể từ khi tôi theo dõi được, đã có 4 thế vận bị một số nước tẩy chay, mà thường là hai bên Đông (cộng sản) hoặc Tây (không cộng sản) khơi mào tẩy chay.
Thế Vận Hội 2024 được tổ chức tại Paris (Pháp)
Nhẹ nhàng nhất là cuộc tẩy chay Thế Vận Hội Montréal 1976. Nhiều nước Châu Phi tẩy chay để phản đối sự tham gia vào thế vận này của đội New Zealand (Tân Tây Lan, một nước bé tý vài triệu dân gần Châu Úc). Lý do làz vì New Zealand, trước đó có quan hệ với Nam Phi, cho đội bóng bầu dục (rugby) sang thi đấu tại Nam Phi, trong khi Nam phi đang bị cấm vận, bị phản đối vì chính sách phân biệt chủng tộc - Apartheid. Các nước tẩy chay gồm có : Tanzania, Tchad, Zambia, Uganda, Nigeria.
Vụ khổng lồ nhất là tẩy chay thế vận olympic Moskva 1980 vì Liên Xô (đứng đầu là Nga) xâm lược Afghanistan năm 1979. Khi Nga xâm lược Ukraine (2022), Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và đám dư luận viên trẻ của họ luôn mồm la ó là Nga không bao giờ đi xâm lược nước khác. Đúng là chuyện tiếu lâm. Nga xâm lược Afghanistan là chuyện quá hiển nhiên, đã gây một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Do vậy, toàn bộ các nước phương Tây và rất nhiều nước khác không thân phương Tây đã tẩy chay Thế Vận Hội Moskva, kể cả Trung Quốc. Danh sách các nước tẩy chay quá dài (44 nước) nên tôi không mất công cho vào đây.
Ăn miếng trả miếng, ngay sau khi bị tẩy chay năm 1980, Liên Xô liền trả đũa bằng cách lôi kéo các nước xã hội chủ nghĩa tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles 1984 tại Mỹ. Việc tẩy chay cũng là kết quả của quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng vì nhiều lý do trong giai đoạn này. Nhưng vụ trả đũa này lại làm cho Liên Xô bị một vố đau vì chỉ lôi kéo được 15 nước, đa số là các nước xã hội chủ nghĩa (Afghanistan, Angola, Bulgaria, Cuba, Tiệp Khắc, Đông Đức, Ethiopia, Hungary, Lào, Mông Cổ, Bắc Hàn, Ba Lan, Nam Yemen, Viêt Nam). Ba nước xã hội chủ nghĩa, bất chấp Liên Xô, vẫn cứ đến tham gia là Trung Quốc, Romania và Nam Tư. Nghịch lý thay, thế vận Los Angeles lại lập kỷ lục về số các nước và số vận động viên tham gia (140 nước với 7.800 vận động viên).
Cái dớp tẩy chay vẫn tiếp tục đến Thế Vận Hội Seoul 1988 (Nam Hàn). Nguyên nhân chính là gia đình nhà họ Kim (Bắc Hàn) cay cú việc Nam Hàn được chọn làm nước chủ nhà. Bắc Hàn cũng đòi được chia phần, cùng tổ chức thế vận. Không ai dở hơi chấp nhận cùng tổ chức thế vận với mấy người cùn nên đòi hỏi của Bắc Hàn không được chấp nhận. Không xin được thì Bắc Hàn quay ra phá bằng cách kêu gọi tẩy chay. Tuy nhiên, lúc đó Bắc Hàn tuổi gì mà kêu gọi tẩy chay. Chỉ có mấy quốc gia gàn gàn dở dở tương tự mới hưởng ứng, cụ thể là : Cuba, Albania, Ethiopia, Madagascar, Nicaragua, Seychelles (toàn là những nước "lớn"). Cũng nghịch lý như vụ tẩy chay trước, Thế vận Seoul lại lập kỷ lục về số nước tham dự (159). Việc Nam Hàn được tổ chức Thế Vận Hội cũng thể hiện tính hợp pháp chính đáng của nhà nước Nam Hàn được quốc tế công nhận. Bắc Hàn vì thế rất cay.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trở nên hòa bình hơn, Thế vận hội càng vui hơn, rực rỡ hơn. Nó thực sự là một ngày hội của toàn thế giới. Người ta đến đây để cùng nhau vui vẻ đua tài, để làm một ngày hội cực lớn cho toàn thể nhân loại cùng hưởng ứng.
Nước Pháp đã từng tổ chức Thế Vận Hội mùa hè 2 lần (1900 và 1924). Sau 100 năm, Paris mới lại được tổ chức Thế vận lần này, từ 26/07 đến 11/08/2024 (gọi tắt là Paris 24).
Không như thời chiến tranh lạnh, đương nhiên lần này không có chuyện bên này hay bên kia tẩy chay thế vận. Tuy nhiên, cuộc vui sẽ không thể trọn vẹn vì Nga đang xâm lược Ukraine. Cái dở của Nga kỳ này là Nga không thể nào tẩy chay Paris 24 vì Nga làm gì còn đồng minh như thời Liên Xô. Ngược lại Nga, với cuộc xâm lược Ukraine, đã tự tạo cho mình một hình ảnh vô cùng xấu xí nên cũng chẳng có uy tín và tư cách gì để kêu gọi tẩy chay. Hơn thế, hai nước Nga và Bạch Nga bị cấm cửa các môn thể thao đồng đội. Đối với các môn thể thao cá nhân, họ có thể tham gia với tư cách cá nhân, không cờ quạt (một sỉ nhục với một cường quốc thể thao như Nga). Tất cả các cá nhân tham gia Paris 24 lần này bị soi rất kỹ. Nếu đã từng tuyên bố ủng hộ chiến tranh của Nga, có quan hệ mật thiết với chính quyền, có liên quan đến quân đội… sẽ bị loại ngay từ vòng "gửi xe".
Sau 100 năm, Paris mới được tổ chức lại Thế vận lần này, từ 26/07 đến 11/08/2024.
Có rất nhiều người kêu ca phàn nàn là không được "dính" thể thao vào chính trị. Đây là một câu chuyện vô cùng rắc rối. Người ta không thể dính chính trị vào thể thao đối với những chuyện chính trị đơn giản. Việc Nga xâm lược Ukraine gây ra biết bao nhiêu tội ác tầy trời, làm cho gần nửa triệu người đã chết ở cả hai phía còn là vấn đề nhân phẩm, lương tâm (cái chết bên nào cũng là thảm thương). Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, hàng loạt các sự kiện thể thao trên thế giới đã bị hủy bỏ hoặc chuyển sang nơi khác (không tổ chức ở Nga).
Nếu cứ để cho Nga tham gia thế vận, sẽ có rất nhiều vận động viên, thậm chí nhiều nước sẽ không tham gia thế vận, không phải vì tẩy chay thế vận mà để phản đối Nga. Vậy, vấn đề không chỉ còn là chính trị. Cấm đội Nga và Bạch Nga có lợi chung cho tất cả. Nga và Bạch Nga cũng không được tham gia diễu hành trong buổi khai mạc đại hội. Theo Ủy ban quốc tế Olympic (CIO) hiện tại mới chỉ có 12 cá nhân của 2 nước này được chấp thuận. Tối đa, Nga chỉ có 58 chỗ và Bạch Nga 28.
Việc các cá nhân Nga đi tham dự Paris 24 đang là một vấn đề lớn chia rẽ nước Nga.
Phái ủng hộ Paris 24 cho rằng Olympic là rất quan trọng cho các lực sĩ chơi thể thao. Nữ vận động viên bơi lội Yulia Efimova, người đã từng giữ kỷ lục thế giới môn bơi sải 50 m, nằm trong phái ủng hộ. Cùng với cô, có chủ tịch liên đoàn bộ môn vật, người đã từng tuyên bố "Chúng ta cần phải tham gia, ngay cả khi không có quốc kỳ và quốc ca". Chủ tịch liên đoàn xe đạp Viasheslav Ekimov cũng tuyên bố rằng : "Từ chối không tham dự Paris 24 là cũng đánh cược luôn cả các cơ hội tham gia các thế vân 2028 và 2032. Các vận động viên cần phải tham gia kỳ này trong các điều kiện khó khăn, ngay cả khi bị coi thường. Họ cần có sự ủng hộ của chúng ta".
Phái chống đối thì phản đối dữ dội hơn nhiều, không ngần ngại dùng những từ ngữ ghê gớm nhất. Cụ thể là bà chủ tịch liên đoàn thể dục nhịp điệu, Irina Viner đã tuyên bố : "Những kẻ tham gia Paris 24 là một đội quân ăn mày vô gia cư, chúng hoàn toàn mất nhân tính và nhân dân sẽ không tha thứ cho chúng". Nói thêm để các bạn biết là bà này là một nhân vật thân chính quyền Nga và đặc biệt là đã bị Liên đoàn thể dục nhịp điệu quốc tế treo giò 2 năm vì "tội" phản đối dữ dội ban trọng tài ở thế vận Tokyo. Chủ tịch liên đoàn trượt tuyết, Elena Valbe còn nói kinh dị hơn nhiều : "Những kẻ phản bội, không nên giúp đỡ chúng bất cứ cái gì". Bà Lydia Ivanova, cựu vận động viên Liên Xô còn sỉ vả : "Một bọn thể thao đi bằng cách bò". Còn chủ tịch liên đoàn bộ môn đấu kiếm khinh bỉ nói : "Nếu chúng mày yêu mình hơn tổ quốc thì đi mà tham gia". Chủ tịch ủy ban Olympic quốc gia Nga, Stanislav Pozdniakov thì kết tội các cầu thủ quần vợt nổi tiếng của Nga là đội "nhân viên nước ngoài", từ ngữ mà chính quyền Nga dành cho kẻ thù của nước Nga. (Chắc ở đây ông ta nói đến Daniil Medvedev sống ở Pháp và Andrey Rublev. Hai vận động viên này phản đối chiến tranh Nga).
Mâu thuẫn không chỉ trong giới thể thao mà có thể ngay cả trong một gia đình. Hai ông bà chuyên gia nổi tiếng về trượt băng nghệ thuật Liên Xô cũng mỗi người một ý. Cụ ông 93 tuổi, Anatoli Tchaikovsky nói : "Thế giới sẽ biết đến các nhà thể thao của chúng ta. Không nên phán xét họ". Cụ bà Elena 84 tuổi lại nói : "Không vì bất cứ cái gì mà để người ta chà đạp chúng ta". Các nhà lãnh đạo Nga đương nhiên không nói thẳng ra là cấm các vận động viên. Tuy nhiên, chắc các bạn cũng hiểu thế nào là cộng sản. Nga bây giờ không phải là cộng sản, nhưng thực chất vẫn là bóng ma cộng sản. Một số vận động viên đã được CIO duyệt, nhưng họ đã tự từ chối không đi Paris 24, như trường hợp của vận động viên bơi lội Ivan Girev. Nhiều vận động viên khác đã buộc phải bỏ qua Paris 24. Bộ trưởng thể thao nga Oleg Matyshin nhấn mạnh rằng Olympic không quan trọng đối với Nga.
Nga hiện nay đang bận tổ chức đại hội thể thao thay thế, đại hội BRICS (Brasil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc, Nam Phi) và đại hội Thể thao Hữu nghị ở Moskva Yekaterinburg… Và anh Pu Tin cũng đã lường trước rồi, anh ấy đã quyết "Giải thưởng ngang hàng với các giải thưởng của Paris 24".
Những huy chương vàng Olympic Paris 2024
Đối với Bạch Nga, có 2 chuyện đáng chú ý.
1. Nữ cầu thủ quần vợt Sabalenka gần đây đã cố gắng không muốn dính dáng đến tổng thống Lukashenko bằng tuyên bố "tôi không ủng hộ Lukashenko". Nhưng tuyên bố này có vẻ muôn màng và không có tác dụng, bởi vì ai cũng biết cô ta đã có quan hệ rất mật thiết với gia đình Lukashenko.
2. Bác chủ tịch Lukashenko vừa mới tuyên bố một câu xanh rờn hôm 30/04 (chắc nhân ngày "giải phóng Miền Nam") : "Nếu như cháu đã quyết định đi sang đó với quy chế không mầu cờ, hãy đấm vỡ mồm các đối thủ. Hãy chứng tỏ cho chúng nó biết cháu là một người Bạch Nga thực sự". Đây là một lời khuyến khích động viên của Bác Luka, thực sự đúng với tinh thần và giá trị Olympic ?
Thử hỏi một nước yếu đuối và bé nhỏ như ta nếu cũng rơi vào vòng xoáy độc tài tập thể sang độc tài cá nhân như vậy thì chúng ta sẽ trở thành cái gì ?
Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nước Nga chưa bao giờ bị ở trong một tình thế thảm hại như ngày hôm nay.
Nước Nga rộng lớn bao la, tài nguyên thiên nhiên vô biên, con người cần cù, thông minh đã tạo nên 1 cường quốc hùng mạnh. Nhưng rất tiếc cho nước Nga đã bị tàn phá bởi một học thuyết không phải của họ, chủ nghĩa cộng sản. Hiện tại trên giấy tờ, Liên bang Nga không còn là một nước cộng sản, nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn tiếp tục tàn phá nước Nga bởi vì sau hơn một trăm năm (1917-2024) áp dụng chủ nghĩa cộng sản, những tàn dư, lối sống, tư duy, cách điều hành xã hội của nó không thể biết mất một cách nhanh chóng. Bóng ma của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn bao trùm Liên bang Nga.
Nước Nga cũng là một bài học lớn cho các nước khác. Từ một chế độ độc tài tập thể trở thành một chế độ độc tài cá nhân. To lớn, vĩ đại, hùng cường như thế, mà bây giờ thảm hại. Thử hỏi một nước yếu đuối và bé nhỏ như ta nếu cũng rơi vào vòng xoáy như vậy thì chúng ta sẽ trở thành cái gì ?
Từ độc tài tập thể đến độc tài cá nhân là con đường gần như có tính quy luật và độc tài cá nhân dẫn dắt cả tập thể xuống hố cũng là quy luật. Những lộn xộn gần đây ở nước ta có vẻ như đang làm lộ diện một Putin Việt Nam.
Liệu có một ngày nào đó không xa, đồng chí Pu Tin Việt ra lệnh tiến quân từ Đông Lào qua Lào ? Ai mà biết được. Sự điên khùng không có giới hạn.
Hoàng Quốc Dũng
(03/05/2024)
Pháp chạy nước rút chuẩn bị cho Thế vận hội Paris 2024
Đồng hồ đếm ngược 365 ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 chính thức được cài đặt hôm 26/07/2023, và đây cũng là chủ đề chính trên các mặt báo lớn tại Pháp số ra hôm nay. Các báo nêu ra những thách thức mà Pháp gặp phải cho việc tổ chức cuộc thi đấu thể thao quốc tế này.
Pháp chuẩn bị tiếp đón ít nhất 15 000 vận động viên, 15 triệu người đến thủ đô tham dự Thế vận hội Paris 2024 - Ảnh minh họa
Trang nhất báo La Croix đặt câu hỏi "Liệu chúng ta đã sẵn sàng ?" để tiếp đón ít nhất 15 000 vận động viên, 15 triệu người đến thủ đô tham dự Thế vận hội Paris 2024 (từ ngày 26/07-08/09/2024). Nhật báo công giáo đề cập đến vấn đề về chỗ ở, cũng như các nơi tổ chức thi đấu, giao thông và tài chính. Pháp tận dụng những hạ tầng thể thao có sẵn như sân vận động Roland Garros, Parc des Princes hay Arena Bercy. Các công trình "làng thể thao" và trung tâm thể thao dưới nước, phục vụ Thế vận hội vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự trù hoàn thiện vài tháng, hoặc vài tuần trước khi sự kiện này diễn ra. Theo La Croix, thị trưởng thành phố Paris đã thở phào nhẹ nhõm vì vấn đề tài chính đã được giải quyết vì tập đoàn chuyên về hàng xa xỉ LVMH của Pháp đã đồng ý trở thành nhà tài trợ của Thế vận hội, tức là vấn đề tài chính để tổ chức sự kiện đã được bảo đảm đến 98%.
Nhật báo kinh tế Les Echos và Le Figaro về phần mình, nêu ra các thách thức, 1 năm trước Thế vận hội mà Pháp phải chạy nước rút. Nhiều tuyến tàu điện ngầm tại thủ đô như 15, 16, 17, 18 khó có thể hoàn thiện trong 1 năm tới, trong khi nhu cầu di chuyển sẽ tăng đáng kể trong thời gian diễn ra sự kiện. Xã luận của Les Echos nhắc lại những tranh cãi xung quanh giá vé tham dự các trận thi đấu Olympic quá cao khiến nhiều người Pháp bất bình.
Các nhà hoạt động sinh thái cũng không bỏ lỡ dịp này để nói về những tác động đối với môi trường của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Phe ủng hộ hòa bình, dân chủ thì nhấn mạnh đến sự tham gia của những nước độc tài, chuyên chế, tận dụng dịp này để thay đổi hình ảnh. Thế nhưng, cây bút xã luận của Les Echos cho rằng đây là một trong những cuộc thi hiếm hoi cho phép một thế giới vốn đang bị chia rẽ, cùng hội tụ lại vì một mục đích chung, đó là thể thao. Nhật báo kinh tế kết luận rằng, mặc dù không nên lý tưởng hóa Thế vận hội Paris 2024, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng thể thao cho phép thiết lập đối thoại, thoát ra khỏi các khác biệt về văn hóa, tôn giáo hay sắc tộc.
"Paris có 365 ngày để thay đổi hình ảnh của nước Pháp", như nhận định của xã luận Le Figaro. Bởi vì gần đây, hình ảnh ấy đã bị bôi nhọ qua các cuộc biểu tình bạo lực trong cuộc cải tổ chế độ hưu trí, hay cuộc bạo động tại các vùng ngoại ô, cho thế giới thấy một nước Pháp bị chia rẽ. Nhật báo thiên tả nêu ra nghi vấn liệu tình hình an ninh có được bảo đảm hay không ? Khi 600 000 người sẽ tham dự lễ khai mạc diễn ra trên sông Seine, một khu vực khó có thể kiểm soát an toàn 100%, cũng như chặng đường rước đuốc Olympic đi qua gần 60 tỉnh. Pháp đang phải khẩn trương tìm cách huy động lực lượng an ninh, tổ chức các khóa đào tạo cấp tốc, và có khả năg sẽ phải viện đến quân đội.
Le Monde thì quan tâm sự tham gia của các vận động viên Ukraine, liệu họ có đến tham gia vào Thế vận hội Paris 2024 hay không, khi mà các vận động viên Nga cũng có thể có mặt ? Do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhiều vận động viên Nga và Belarus, vốn đã bị cấm tham dự các cuộc thi thể thao quốc tế, nhưng ngày 19/07 vừa qua, Liên đoàn thể dục thế giới đã cho phép họ tham gia thi đấu trở lại từ ngày 01/01/2024. Như vậy, các vận động viên Nga và Belarus có khả năng được tham gia Olympic Paris 2024 nhưng với "tư cách cá nhân", không có bất cứ liên kết nào với quân đội và không ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga. Ủy ban quốc tế Olympic cho biết sẽ đưa ra quyết định chính thức vào một thời gian phù hợp, về tư cách tham gia thi đấu của vận động viên Nga và Belarus, đồng thời nhấn mạnh đến "tính trung lập về chính trị" trong thể thao. Phía chính phủ Pháp dường như cũng không đưa ra lập trường rõ ràng. Điều này khiến Ukraine phẫn nộ, và đã thành công thuyết phục được các nước đồng minh như Ba Lan và các nước vùng Baltic cùng nhau tẩy chay Thế vận hội Paris nếu như các vận động viên Nga cũng tham gia.
Cảnh sát Pháp đồng loạt "nghỉ ốm"
Vẫn về thời sự nước Pháp, phong trào "nghỉ ốm" của giới cảnh sát, công an, từ Marseille đã lan ra nhiều tỉnh thành khác. Phong trào nổ ra sau khi một viên cảnh sát bị khởi tố và bị tạm giam vào thứ Năm tuần trước vì đã có hành động bạo lực đối với một thanh niên trong cuộc bạo động xảy ra hồi đầu tháng Bảy. Vụ việc đã khiến nhiều cảnh sát phẫn nộ. Theo Le Figaro, riêng tại Marseille, khoảng 800 đến 1000 cảnh sát hoặc công chức trong lực lượng an ninh Pháp đã xin "nghỉ ốm" hoặc xin nghỉ vì "hậu chấn tâm lý", Le Monde thì cho rằng khó có nói chính xác tổng cộng có tất bao nhiêu người xin nghỉ ốm trong phong trào này vì Bộ Nội vụ không đưa ra số liệu. Tác động của phong trào này hiện cũng chưa rõ.
Libération cũng như Le Figaro và Le Monde đều trích dẫn những lời chứng ẩn danh chỉ ra những bất cập trong nghề nghiệp "giữ gìn an ninh trật tự" ở Pháp. Đối với một số người, cuộc bạo động vừa qua giống như một cuộc chiến tranh, lực lượng an ninh được yêu cầu lập lại trật tự, nhưng không được cung cấp đủ nguồn lực để chống lại "một đội quân du kích". Ngoài việc bị chỉ trích bởi giới truyền thông cũng như công luận, nhiều người cũng bày tỏ chán nản, không còn thấy ý nghĩa trong nghề nghiệp, và nhất là không được coi trọng, bị bỏ rơi. Nhiều người cho rằng viên cảnh sát nói trên có thể bị khởi tố, nhưng bị bắt vào trại giam thì có phần quá đáng. Phong trào "nghỉ ốm" là để bày tỏ sự đoàn kết với đồng nghiệp vì chính họ cũng có khả năng bị bắt giam trong hoàn cảnh tương tự.
Các báo cũng đề cập đến tranh cãi xoay quanh phát biểu của Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Pháp (DGPN) Frédéric Veaux, bày tỏ sự ủng hộ với cảnh sát, cho rằng "trước khi có một phiên tòa thì cảnh sát không phải vào tù". Xã luận của Le Monde cho rằng, phong trào này không chỉ nêu ra quan ngại về thực trạng điều kiện làm việc của cảnh sát ở Pháp, mà còn là sự im lặng, bất lực của giới lãnh đạo. Vào lúc mà Pháp chuẩn bị tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quốc tế, như Giải Vô địch Bóng bầu dục (Rugby) và Thế vận hội Paris 2024, nước Pháp khó có thể đương đầu với một cuộc khủng hoảng, nhất là từ những người có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự.
Ngoại trưởng Trung Quốc vừa tái xuất liền bị "tống khứ" ngay
Nhìn sang Châu Á, việc ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bị cách chức sau một tháng mất tích khiến nhiều báo số ra hôm nay quan tâm. Le Figaro có tựa "Trung Quốc "tống khứ" bộ trưởng ngoại giao". Được bổ nhiệm từ cuối tháng 12/2022, Tần Cương được cho là một người trung thành với Tập Cận Bình, đã không lộ diện trước công chúng từ ngày 25/06 dù có chương trình ngoại giao dày đặc. Theo Tân Hoa Xã, Ủy viên bộ Chính Trị, ông Vương Nghị, kiêm chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ thay thế Tần Cương, quay trở lại vị trí ngoại trưởng mà ông nắm giữ từ 2013 đến 2022. Vương Nghị nắm chức cao hơn cả vị trí bộ trưởng và là lãnh đạo cao cấp nhất trong ngành ngoại giao Trung Quốc.
Le Figaro trích dẫn nhận định của chuyên gia Alexis Payette, thuộc tổ chức tư vấn Eurasia Group, cho rằng Vương Nghị đã mở cuộc điều tra về Tần Cương, một phần là vì ông không ưa Tần Cương, cũng như vì sự thăng tiến nhanh chóng của ông Tần khi trở thành ngoại trưởng ở tuổi 57, đã làm mất lòng nhiều nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm hơn. Nhật báo thiên hữu cho rằng vụ việc này đã vén một góc màn về cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong bộ máy ngoại giao Trung Quốc.
Cũng về chủ đề này, Libération nói về những lời đồn đoán sau vụ mất tích của Tần Cương, cũng như các vụ mất tích khác tại Trung Quốc, không chỉ liên quan đến giới chính khách mà cả nghệ sĩ, doanh nhân, hay thậm chí chính ông Tập Cận Bình cũng đã từng biến mất 2 tuần, ngay trước khi lên làm lãnh đạo vào năm 2012.
Về sự biến mất của ông Tần Cương, Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra giải thích là vì lý do sức khỏe, nhưng theo một số chuyên gia, được Les Echos trích dẫn, đây chỉ là cái cớ. Mạng xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện những tin đồn về việc ông Tần Cương ngoại tình và có khả năng có con ngoài giá thú với một nữ dẫn chương trình của đài truyền hình Hồng Kông. Nhà phân tích Antoine Bondaz, tại Quỹ nghiên cứu chiến lược trả lời nhật báo kinh tế rằng có thể "xác nhận những bóng tối dày dặc bao phủ chế độ Bắc Kinh, và chính điều này làm dấy lên những tin đồn. Mục đích của những tin đồn này là để mọi người không thể hiểu được hệ thống đưa ra quyết định" của Trung Quốc.
Ngũ cốc Ukraine gây chia rẽ nội bộ Liên Âu
Liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Les Echos đề cập đến sự chia rẽ trong nội bộ của Liên Hiệp Châu Âu vì ngũ cốc của Ukraine. Khi bị hạn chế xuất khẩu từ cảng Biển Đen, Ukraine đã tìm cách bán ngũ cốc qua các con đường khác, bằng đường bộ, qua các nước Đông Âu như Ba Lan và Romania hay Hungary. Tuy nhiên vì ngũ cốc Ukraine tràn vào thị trường và có giá rẻ nên những nông dân Ba Lan hay Romania đã bị cạnh tranh, khó có thể bán được nông sản. Do vậy Liên Âu đã đưa ra các hạn chế về việc nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa của các nước liên quan. Các hạn chế này hết hạn vào tháng 6 và được gia hạn đến ngày 15/09, nhưng tại cuộc họp các bộ trưởng nông nghiệp Liên Âu hôm thứ Ba vừa qua tại Bruxelles, một số nước Đông Âu đề xuất tiếp tục gia hạn những hạn chế về nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để bảo vệ thị trường nông sản nội địa.
Một số nước như Pháp và Đức thì lại phản đối đề xuất này vì như vậy là quay lưng lại với Ukraine, trong khi các nước Đông Âu vốn đã nhận được nhiều trợ giúp về tài chính từ khối 27 nước, lên đến 150 triệu euro.
Về phần mình, La Croix đã cử đặc phái viên đến Odessa, thành phố cảng giàu văn hóa ở miền nam Ukraine. Kể từ khi Nga từ chối triển hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine từ cảng Biển Đen, Odessa đã nhiều lần bị tên lửa tấn công. Nhiều công trình kiến trúc lịch sử, tôn giáo đã bị phá hủy hư hại. Phóng viên của nhật báo công giáo ghi nhận sự phẫn nộ, bất lực của người dân thành phố cảng, đăng tải hình ảnh Nhà thờ Chính Thống giáo Chúa Biến Hình, một di sản được UNESCO công nhận, đã bị hư hại nặng chìm trong đống đổ nát.
Khô hạn cho phép khám phá các di tích khảo cổ
Về khí hậu, Les Echos nêu ra tình trạng hạn hán ở Tây Ban Nha, khiến sông hồ khô cạn, nhiều nơi thiếu nước trầm trọng vào mùa hè này cho nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt. Thế nhưng, tình trạng này không hẳn là hoàn toàn tiêu cực. Bộ văn hóa cho biết, do hạn hán từ 3 năm qua, Tây Ban Nha đã phát hiện 1.700 di tích khảo cổ ở đáy các sông hồ bị cạn nước. Có những di tích được phát hiện có niên đại hơn 5000 năm.
Chi Phương