Bế mạc Thế vận hội Tokyo : Paris nhận cờ Olympic
VOA, 08/08/2021
Tokyo hôm 8/8 đã trao lá cờ Olympic cho thị trưởng Paris, tạo tiền đề cho Thế vận hội tiếp theo vào năm 2024 tại buổi lễ bế mạc có cảnh công viên của cả hai thành phố, nhấn mạnh sự tiếp xúc của con người ngay cả khi đại dịch vẫn tiếp diễn.
Hình ảnh sân vận động Olympic ở Tokyo tại lễ bế mạc hôm 8/8.
Sau khi bị hoãn một năm, các nhà tổ chức cho biết Thế vận hội là biểu tượng cho sự chiến thắng của thế giới trước đại dịch. Được tổ chức mà không có khán giả và với các biến thể Covid-19 hồi sinh, Thế vận hội đã không đạt được thành công vang dội và nguồn thu tài chính mà Nhật Bản kỳ vọng ban đầu.
Pháp hứa hẹn về một Thế vận hội Mùa hè năm 2024 dành "cho người dân" sau kỳ Olympic Tokyo không có khán giả vì dịch bệnh. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy rằng những ngày đó còn xa mới kết thúc, công chúng chỉ được cho phép vào khu vực dành cho cổ động viên sau khi họ xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin hoặc có xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Các huy chương vàng giành được trong ngày thi đấu cuối cùng đã đưa Hoa Kỳ lên đầu bảng huy chương với 39 huy chương vàng, hơn Trung Quốc một huy chương vàng.
Hoa Kỳ giành được tổng cộng 113 huy chương các loại, giảm so với Thế vận hội Rio khi họ giành được tổng cộng 121 huy chương, trong đó có 46 huy chương vàng.
"Các bạn đã khiến tôi vô cùng tự hào", Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với một nhóm vận động viên Olympic của Hoa Kỳ trong một cuộc gặp gỡ ảo mà ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden tổ chức vào tối 7/8.
Tổng thống Biden đã mời các vận động viên đến Nhà Trắng vào mùa thu để "tôi có thể khoe nhiều hơn về các bạn".
Ông nói với nhóm vận động viên : "Các bạn nhắc nhở chúng tôi về một đất nước tuyệt vời của chúng ta".
Theo Reuters
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 08/08/2021
Sau hơn hai tuần lễ thi đấu, Thế Vận Hội Tokyo 2020 bế mạc vào hôm nay, 08/08/2021 với một buổi lễ hoành tráng như thông lệ, nhưng hoàn toàn vắng bóng khán giả bình thường do dịch bệnh Covid-19, tương tự như vào lúc khai mạc.
Lễ bế mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020 tại Tokyo, ngày 08/08/2021. AP - Aaron Favila
Trong 17 ngày thi đấu chính thức, hơn 11.000 vận động viên trong 33 môn thể thao khác nhau đến từ hơn 200 quốc gia trên thế giới đã tranh tài với nhau tại Tokyo và vùng phụ cận, với nhiều kỷ lục bị phá, cho thấy trình độ chung vẫn được nâng cao dù nước nào cũng bị Covid-19 tác động.
Trong lãnh vực thành tích, một yếu tố đáng chú ý là đoàn thể thao Mỹ vẫn duy trì được vị trí đứng đầu thế giới của mình, và trong ngày thi đấu cuối cùng hôm nay đã giành thêm được ba huy chương vàng ở nội dung bóng rổ và bóng chuyền nữ và đua xe đạp trong sân lòng chảo, vươn lên dẫn đầu bảng tổng xếp hạng về số huy chương đoạt được, vượt qua Trung Quốc về số huy chương vàng giành được, cũng như hơn hẳn về số huy chương bạc và đồng.
Tính đến hết ngày hôm qua, Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng xếp hạng không chính thức, với 38 huy chương vàng, đứng trên nước Mỹ chỉ được 36 danh hiệu vô địch thế vận, cho dù thua xa Mỹ về số huy chương bạc và đồng. Với ba huy chương vàng giờ chót giành được hôm nay, Mỹ đã lật đổ ngôi vị số một đó của Trung Quốc.
Về phần Nhật Bản, tư thế nước chủ nhà của Thế Vận Hội lần này như đã hun đúc tinh thần thi đấu của các vận động viên, giúp Nhật Bản vươn lên đứng thứ ba trong bảng xếp hạng huy chương, với 27 danh hiệu thế vận chỉ thua Mỹ và Trung Quốc.
Khí thế của nước Nhật chủ nhà quả là một điềm tốt cho Pháp, nước chủ nhà của Thế Vận Hội Paris 2024, "chỉ" được 10 huy chương vàng trong tổng số 33 huy chương đủ loại, đứng hạng 8 thế giới. Với Thế Vận Hội sắp tới, Pháp hy vọng sẽ đạt được nhiều thành tích tốt hơn.
Trọng Nghĩa
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 08/08/2021
Thế Vận Hội Tokyo 2020 đã bế mạc ngày 08/08/2021, nhưng người dân Nhật Bản vẫn bị chia rẽ về việc duy trì sự kiện này. Theo nhiều người, khi được thăm dò ý kiến, sự kiện thể thao quốc tế này quá nguy hiểm vì đất nước của họ đang phải đối mặt với làn sóng thứ năm của đại dịch Covid-19.
Màn pháo hoa lễ bế mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020, ngày 08/08/2021. AP - Kiichiro Sato
Họ từng biểu tình và đệ trình rất nhiều kiến nghị để chống lại sự kiện này. Giờ đây, Thế Vận Hội đã kết thúc, người dân Tokyo nghĩ gì ? Họ rút ra kết luận gì từ sự kiện này ?
Thông tín viên Bruno Duval tại Tokyo ghi nhận suy nghĩ của một số người trong phóng sự sau đây :
"Thắng lợi không hề được thấy trước, nhưng nhiều người Tokyo cuối cùng đã bị Thế Vận Hội cuốn hút, giống như những khách bộ hành chúng tôi gặp được trên đường phố Tokyo. Một phụ nữ cho biết : "Tôi ngày nào cũng ngồi trước ti vi để cổ vũ các vận động viên của chúng tôi bằng cách vẫy lá cờ Nhật Bản nhỏ bé của tôi. Họ thật tuyệt vời !".
Một người đàn ông đồng tình : "Thật ấm lòng khi thấy các vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới, những người đã cống hiến hết mình trong bối cảnh các điều kiện thực tế không phải là lý tưởng".
Một phụ nữ khác thì tiếc nuối : "Quả thật là đáng buồn, những cuộc thi đấu lại phải diễn ra ‘sau cánh cửa khép kín’. Thế nhưng, khi nghĩ đến các vận động viên, tôi rất vui vì họ đã có thể tham gia thi đấu : Đó là một khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp của họ".
Tuy nhiên, ở thủ đô Nhật Bản, không phải ai cũng có quan điểm như trên. Một khách bộ hành phàn nàn : "Những trận đấu này đã rất tốn kém đối với chúng tôi và thêm vào đó, chúng chẳng ra gì. Các vận động viên bị mệt lả vì trời nóng bức và bị buộc phải tập luyện trong những sân vận động vắng tanh. Thành thật mà nói, thà bỏ đi thi hơn".
Một người đàn ông khác nói thêm : "Ngày hội lớn về thể thao ư ? Tôi chẳng thích thú gì về điều đó trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay : Đất nước của chúng tôi chưa bao giờ có nhiều ca nhiễm virus như vậy !" Một người phụ nữ chỉ trích : "Thế Vận Hội đã được tổ chức, mọi người tự nhủ rằng tình hình không đến nỗi tệ. Họ đã ít cẩn thận hơn và lẽ dĩ nhiên là biến thể Delta đã lan rộng khắp nơi".
Và điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa đến : đối với nhiều chuyên gia, đợt dịch thứ năm vẫn chưa đạt đỉnh điểm".
Anh Vũ, RFI, 08/08/2021
Buổi lễ bế mạc trên sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo ngày đã khép lại kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 32. Olympic ToKyo 2020 sẽ đi vào lịch sử là một kỳ thế vận hội thành công về cả thành tích thể thao đồng thời thể hiện quyết tâm ý chí của con người vượt qua thách thức của dịch bệnh.
Thế Vận Hội : cuộc đua tài của sức mạnh và vẻ đẹp. Ảnh minh họa : Vận động viên bơi nghệ thuật Pháp Charlotte Tremble thi đấu tại Tokyo, ngày 02/08/2021. AFP - ATTILA KISBENEDEK
Sau gần một thập kỷ chuẩn bị, một năm phải hoãn lại và nhiều tháng phấp phỏng lo âu vì trận đại dịch Covis-19, cuối cùng hai tuần sôi động thi đấu của hơn 10 nghìn vận động viên trên khắp thế giới tại Tokyo đã trôi qua ra êm đẹp, không xảy ra sự cố lớn nào.
Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 ở Nhật Bản sẽ đi vào lịch sử với rất nhiều diễn biến ấn tượng và thành tích thi đấu, nhưng có lẽ nét đặc biệt nhất là diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới cũng như tại nước chủ nhà tổ chức sự kiện.
Nỗi lo cho kỳ Thế Vận Hội an toàn trước dịch bệnh là thách thức lớn nhất cho ban tổ chức và các vận động viên. Dịch bệnh ngăn cổ động viên đến thưởng ngoạn những trận tranh tài. Dịch bệnh chia cắt vận động viên với người hâm mộ. Các cuộc thi đấu vẫn diễn ra nhưng trong bối cảnh và điều kiện an toàn vệ sinh phòng dịch đặt lên hàng đầu. Mặc dù vậy các cuộc so tài của các vận động viên vẫn diễn ra rất gay cấn và hấp dẫn.
Đến lúc này giới quan sát đều có chung nhận định, nước chủ nhà và Ủy Ban Olympic Quốc tế đã nỗ lực cao nhất để Thế Vận Hội thành công cho dù phải hy sinh kinh tế.
Anh Vũ
Cuối cùng Olympic Tokyo 2020 đã được khai mạc tại thủ đô Nhật Bản tối ngày 23/07/202. Đây là kỳ Thế Vận Hội đặc biệt nhất trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới.
Đài lửa Olympic trên sân vận động Quốc gia ở Tokyo được thắp sáng ngày khai mạc Thế Vận Hội mùa hè Tokyo 2020, ngằy 23/07/2021 AP - Lee Jin-man
Không có không khí của ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, các cuộc tranh tài đỉnh cao vắng bóng khán giả, không có tiếng reo hò cổ vũ, ăn mừng chiến thắng, mọi nghi thức hoành tráng được rút gọn hay thay thế bằng các thủ tục đơn giản ngắn gọn, những quy định giám sát phòng dịch khắt khe.
Vượt lên trên mối đe doa dịch bệnh, nước chủ nhà Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế CIO trong suốt một năm qua đã nỗ lực hết sức để duy trì sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua mọi thách thức của nhân loại.
Mặc dù đại dịch kéo dài ở khắp mọi nơi trên thế giới đã gây trở ngại rất nhiều cho việc tập luyện của các vận động viên trên khắp thế giới suốt hơn một năm qua, nhưng Olympic Tokyo vẫn quy tụ đông đảo những tài năng thể thao đỉnh cao của khắp thế giới. Ngoại trừ đoàn Bắc Triều Tiên bỏ cuộc vì lý do dịch Covid, tổng cộng vẫn có 11.058 vận động viên đại diện cho 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh đến Tokyo so tài.
Trong số các vận động viên đến Tokyo, đoàn Mỹ tham dự đông đảo nhất với 630 vận động viên, xếp trên nước chủ nhà có 552 vận động viên. Điều này đã chứng minh cho sức sống mãnh liệt của thể thao, quyết tâm không khuất phục trước đe dọa dịch bệnh. Không khí của ngày hội lớn có thể không được còn cuồng nhiệt như vốn có, nhưng tinh thần thể thao cao cả của phong trào Olympic vẫn còn đó.
Trong hai tuần thi đấu, Olympic Tokyo sẽ trao 339 bộ huy chương cho các vận động viên thi đấu ở 33 môn thể thao. Đây là kỳ Thế Vận Hội có số lượng môn thi đấu kỷ lục.
Anh Vũ
Nhân ngày chính thức khai mạc Thế Vận Hội lần thứ 32, các báo Pháp hôm nay đều quan tâm dành nhiều bài viết cho sự kiện thể thao toàn cầu này, dưới nhiều góc độ. Báo kinh tế Les Echos đặt tựa trang nhất "Thách thức Olympic Tokyo" trên nền bức ảnh một cô gái giơ cao ngọn đuốc.
1111111111111111111
Pháo hoa bắn lên từ Sân Vận Động Quốc Gia, nơi diễn ra lễ khai mạc Olympic Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/07/2021. Kazuhiro Nogi AFP
Le Figaro nói về "Thế Vận Hội Tokyo dưới sự giám sát chặt chẽ về dịch tễ". Đây cũng là dịp để Le Figaro nhìn lại Olympic Tokyo 1964 và hướng tới Thế Vận Hội Paris 2024.
Còn La Croix dành cả tựa trang nhất, bài xã luận và mục Sự kiện cho Olympic 2020. "Thế Vận Hội bằng mọi giá" là tựa trang nhất trên nền tấm hình chỉ có một nữ vận động viên chơi bóng, phía sau là biểu tượng Thế Vận Hội gồm 5 vòng tròn lồng vào nhau. Bên cạnh là bài xã luận giới thiệu không khí "khác lạ" của Olympic Tokyo với sự thờ ơ, thậm chí là chống đối của người dân Nhật.
Các đoàn vận động viên sẽ diễu hành "kín", không có khán giả ở khán đài, đảm bảo giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch. Các nhà tổ chức hy vọng sẽ có 650 triệu người xem chương trình qua truyền hình, nhưng La Croix lo ngại là các vận động viên sẽ cảm thấy trống trải, bởi số vận động viên còn đông hơn số 1.000 khách mời dự lễ khai mạc. Và hơn phân nửa số 11.000 vận động viên vắng mặt ở lễ khai mạc, bởi họ chỉ được đến Nhật 5 ngày trước khi có trận thi đấu.
Các vận động viên cũng ít cơ hội gặp gỡ nhau. Điều mỉa mai, theo La Croix, là ban tổ chức năm nay lại thêm từ "cùng nhau" vào khẩu hiệu "cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn". Ở thời Covid-19, khái niệm Làng Thế Vận cũng mất ý nghĩa, bởi các vận động viên bị cấm gặp gỡ nhau ngoài giờ thi đấu …
Olympic 2020 là một kỳ Thế Vận được tổ chức "bằng mọi giá" nhưng "không niềm hân hoan, vui sướng". La Croix hy vọng đến Olympic mùa hè Paris 2024 thì sẽ có "ngày hội".
Thời sự quốc tế của Le Monde dàn trải trên nhiều hồ sơ, từ vụ gián điệp bằng phần mềm Pegasus, đặc biệt ở vùng Vịnh, thỏa thuận giữa Mỹ và Đức về đường ống dẫn khí dốt Nord Stream 2, việc thủ tướng Anh Boris Johnson muốn thương lượng lại với Liên Âu về Bắc Ireland, những thách thức đặt ra cho tân tổng thống Peru, vụ thủ tướng Hungary Victor Orban cho tổ chức trưng cầu dân ý về dự luật gây tranh cãi liên quan đến người đồng tính, song giới, chuyển giới (LGBT). Bài xã luận của Le Monde cũng dành để nói về việc Liên Âu phải ngừng những suy nghĩ ngây thơ để đối phó với chính quyền Orban.
Bên lề Olympic Tokyo 2020, Le Monde nói về những rạn nứt trong xã hội Nhật Bản thể hiện qua việc nhiều người dân phản đối kỳ Thế Vận Hội năm nay. Nhận định chung của các thông tín viên của Le Monde tại Tokyo : đằng sau một xã hội có vẻ "uể oải" là tinh thần nổi dậy.
Trong khi nhiều nền dân chủ bị chia rẽ bởi xu hướng dân túy, cực đoan thì Nhật Bản lại là một trường hợp đặc biệt, không có nhiều rối ren chính trị như ở Mỹ và Châu Âu. Biểu tình chỉ diễn ra với quy mô nhỏ, nạn bạo lực đường phố và cướp phá không tồn tại, các thành phố an toàn tuyệt đối, không có đình công, chính trị ổn định với sự thống trị của đảng cầm quyền từ nhiều năm nay, ít dấu hiệu cực đoan : nước Nhật đầu thế kỷ 21 cho thấy hình ảnh của một xã hội ít sự đòi hỏi thậm chí là "uể oải".
Thế nhưng, theo các thông tín viên của Le Monde, nếu nhìn gần hơn thì không hẳn như vậy : xã hội kém đồng nhất hơn, đa dạng hơn thậm chí có sự nổi dậy, nhiều yếu tố chắc chắn làm ảnh hướng đến tính năng động xã hội, chẳng hạn tình trạng lão hóa dân số, người già chiếm 28% dân số, tỉ lệ sinh giảm mạnh, trong khi thế hệ người cao tuổi ủng hộ đảng cầm quyền thì giới trẻ lại không quan tâm đến bầu cử, chênh lệch xã hội ngày càng tăng …
Về thời sự nước Pháp, ngoài Le Monde vẫn đặc biệt quan tâm đến dịch Covid-19, với 5 bài viết trên 3 trang báo. Le Monde ghi nhận sự căng thẳng giữa chính phủ và Quốc Hội liên quan đến dự luật mới tình trạng khẩn cấp về y tế. Tại Hạ Viện Pháp, các dân biểu chỉ có 4 ngày để bàn thảo và bỏ phiếu thông qua dự luật thứ 9 về tình trạng khẩn cấp về y tế, nhất là việc mở rộng phạm vi tiêm chủng bắt buộc và chứng nhận y tế mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra hôm 12/07, vốn vấp phải nhiều chỉ trích từ các phe đối lập.
Từ hôm qua 21/07, các công viên vui chơi giải trí ở Pháp bắt đầu thử nghiệm kiểm tra chứng nhận Covid-19, nhưng theo quan sát của phóng viên của Le Monde ở vài địa điểm, các khu vui chơi giải trí này đều chưa xảy ra tình trạng "ách tắc" ở lối vào do phải triển khai công tác kiểm tra chứng nhận y tế. Còn tại các tụ điểm văn hóa có trên 50 người tụ tập như ở rạp phim, nhà hát, bảo tàng…, việc chính quyền bắt buộc triển khai công tác kiểm tra chứng nhận y tế quá nhanh gây không khí căng thẳng cho các cơ sở và nhiều phản ứng của công chúng, từ sốt ruột, bực tức đến ngờ vực …
Le Monde cũng lưu ý đến khó khăn của những người muốn tiêm nhưng không thể tiêm đế sớm quay trở lại cuộc sống bình thường : phụ nữ mang thai chưa được phép tiêm, những người đã từng nhiễm Covid-19 cách nay khá lâu nhưng được khuyên chờ thêm một thời gian mới tiêm do phản ứng của cơ thể quá mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chích ngừa vào thời điểm này …
Trong khi đó, giới khoa học lại chưa thống nhất về việc dỡ bỏ khẩu trang ở những không gian khép kín. Nhiều chuyên gia cảnh báo đây sẽ là biện pháp thiếu thận trọng, nhất là trong bối cảnh virus corona đang lây lan rất nhanh trở lại.
Vụ phần mềm gián điệp Pegasus hôm nay vẫn thu hút sự chú ý của Le Figaro, trong bối cảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua đã triệu tập và đích thân chủ trì Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia sau khi báo chí tiết lộ khả năng nhiều mục tiêu Pháp, trong đó có chính tổng thống Macron, có thể đã bị Maroc do thám bằng phềm mềm Pegasus do công ty NSO Group của Israel sản xuất.
Theo Le Figaro, tiết lộ về các vụ gián điệp mạng quy mô lớn đang làm sáng tỏ dần những cuộc chiến tranh không gian mạng. Theo bước Hoa Kỳ, ngày càng nhiều nước phương Tây chọn cách chỉ rõ những nước đứng đằng sau vụ tấn công ác ý hoặc âm mưu gián điệp đó. Chính quyền Pháp dù chưa làm như vậy nhưng phủ tổng thống đã yêu cầu Maroc và Israel làm sáng tỏ mọi chuyện.
Sự phổ biến vũ khí mạng do các tổ chức tư nhân, chẳng hạn NSO Group của Israel, phát triển, đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột mạng ngày càng được "dân chủ hóa". Các hoạt động gián điệp được thực hiện nhờ phần mềm Pegasus chỉ là một mặt của mối đe dọa.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Nghị Viện vào tháng 6 vừa qua, ông Guillaume Poupard, tổng giám đốc Cơ quan An ninh mạng Pháp ANSSI, đã phân biệt ba loại : tội phạm mạng, đặc biệt là thông qua yêu cầu đòi tiền chuộc ; gián điệp và phá hoại. Ba ví dụ điển hình được ông nêu lần lượt là vụ tấn công nhắm vào Colonial Pipeline, vụ tấn công nhắm vào Microsoft Exchange mà Hoa Kỳ quy trách nhiệm cho Trung Quốc và vụ SolarWinds mà Moskva bị cho là có liên quan. Le Figaro trích dẫn một người am hiểu về tầm mức các vụ xâm nhập : "Cứ như thể máy bay ném bom của Nga đã bay trên đất Mỹ trong nhiều tháng trời mà không bị phát hiện".
Le Figaro nhận định việc phát hiện một sự xâm nhập là cực kỳ phức tạp, ngay cả khi về mặt kỹ thuật, khi các cơ quan đặc trách đã được trang bị nhiều kỹ năng. Một quan chức cấp cao của lực lượng không gian mạng Pháp giải thích là phải biết cách thăm dò đúng chỗ, bởi không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được hệ thống phần mềm gián điệp nếu chúng chưa được kích hoạt.
Quân đội các nước rõ ràng đều coi là chiến tranh mạng đã bắt đầu giữa các cường quốc. Một vị tướng ở Bruxelles cho biết "Chúng tôi đã sẵn sàng". Còn tổng giám đốc Cơ quan An ninh mạng Pháp nay từ hồi tháng 06 đã nhận định : "Mức độ đe dọa và số vụ tấn công đang tăng lên, đó là chúng tôi mới chỉ nói đến những gì chúng tôi thấy. Để đối phó, phản ứng của Nhà nước và nói chung là của hệ sinh thái mạng là điều cần thiết".
Để đề phòng các vụ tấn công mạng, tại Pháp, một hệ thống có tên "chaine C4" đã được triển khai, bao gồm bộ phận kỹ thuật và một bộ phận chiến lược với các đề xuất phản ứng do Hội đồng Quốc phòng phát triển, thảo luận. Theo tổng giám đốc Cơ quan An ninh mạng Pháp, các đòn bẩy ngoại giao, kỹ thuật, các đòn phản công, trừng phạt kinh tế… đều được phép sử dụng để đối phó các với vụ tấn công mạng. Các hành động này chủ yếu đến từ các quốc gia lớn, điều đó cũng có nghĩa là sẽ có những khó khăn trong việc tìm kiếm một phản ứng phù hợp và tương xứng. Le Figaro kết luận đối mặt với phần mềm gián điệp Pegasus, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có những lựa chọn khó khăn.
Nhìn sang Châu Á, ngoài nhiều bài viết về Thế Vận Hội được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, Le Figaro quan tâm đến cuộc khủng hoảng ở Miến Điện. Trong bài viết "Miến Điện : Tài sản của quân đội dưới áp lực từ vụ đảo chính", Le Figaro cho biết việc sa lầy vào cuộc xung đột, viễn cảnh kinh tế tồi tệ và cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến tập đoàn quân sự chịu nhiều áp lực về tài chính.
Nguồn dự trữ tài chính lớn của quân đội Miến Điện không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ vụ đảo chính ngày 01/02/2021, cho dù Tatmadaw, tức quân đội Miến Điện, có nhiều thu nhập do đứng đầu một số tập đoàn trong các lĩnh vực kinh tế then chốt như ngân hàng, viễn thông, khai thác khí đốt, khai thác mỏ... Theo một báo cáo của tổ chức IEM gồm các nhà kinh tế độc lập của Miến Điện và ngoại quốc, được thành lập sau vụ đảo chính, quân đội Miến Điện sở hữu ít nhất 4 tỷ đô la trong các tài khoản ở nước ngoài, tương đương 2/3 lượng ngoại tệ của đất nước, ngoài ra Tatmadaw còn thu thêm 2,5 tỷ đô la mỗi năm từ các công ty của quân đội.
Doanh thu từ các doanh nghiệp của quân đội, nguồn thu từ thuế, tiền điện dân nộp, đầu tư nước ngoài đều giảm mạnh, nên theo dự báo, hệ quả tài chính đối với quân đội sẽ rất lớn. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ không thực sự gặp khó khăn nếu quân đội vẫn có thể tiếp cận với nguồn ngoại tệ mà họ sở hữu ở nước ngoài để mua vũ khí, đạn dược, xăng dầu hoặc thiết bị quân sự.
Thùy Dương