Đến Nga dự BRICS, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phá thế cô lập giúp Putin
Le Figaro ngày 24/10/2024 nhận xét "Liên Hiệp Quốc phá vỡ thế cô lập của Vladimir Putin". Tổng thống Nga không thể nào mơ tưởng nhiều hơn. Một người bị phương Tây tẩy chay, trừng phạt ; lại là chủ nhà hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, tiếp đón nhiều khuôn mặt tên tuổi.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong lễ đón tiếp tại phi trường khi đến dự hội nghị thượng đỉnh ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024. via Reuters - RU Host Photo Agency
Đích thân đến Kazan nhưng từ chối dự hội nghị hòa bình Ukraine
Tập Cận Bình, Erdogan, Modi, Pezechkian... đều có mặt để mừng "chiến thắng" ngoại giao của tổng thống Nga trước phương Tây. Nhưng ấn tượng nhất là một "con rối" cho sân khấu u ám của Kremlin - theo một nhà ngoại giao - trực tiếp đến từ phương Tây. Đó là Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã hội đàm với Vladimir Putin hôm nay về chiến tranh ở Ukraine và Cận Đông. Chế độ Kremlin còn tự cho phép thay mặt tổ chức quốc tế thông báo sự hiện diện của vị khách trước khi chuyến bay của Guterres cất cánh đi Moskva.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022, tức hai tháng khi khi cuộc xâm lăng Ukraine bắt đầu, ông Antonio Guterres gặp tổng thống Nga. Lần ấy ông đã bị Putin cho đi tàu bay giấy khi ỡm ờ về một "lối thoát tích cực". Bộ trưởng quốc phòng Ukraine thời đó, Oleksiy Reznikov trên Wall Street Journal bình luận, Liên Hiệp Quốc là "chất xúc tác cho tội phạm chiến tranh bằng sức ì và sự bất lực trong việc trừng phạt Nga".
Hai năm rưỡi sau, chuyến đi Moskva thứ hai của Guterres tiếp tục gây bất bình ở Kiev. Ngoại trưởng Andrii Sybiha lấy làm tiếc vì Antonio Guterres cất công đến dự thượng đỉnh BRICS ở Kazan nhưng lại từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vì hòa bình cho Ukraine được tổ chức tại một quốc gia trung lập. Thái độ này làm tổn hại cho danh tiếng của Liên Hiệp Quốc.
Guterres "bình thường hóa" Putin, làm ICC yếu đi
Đến Kazan, ông Antonio Guterres thăm một tổng thống đang bị truy nã vì tội ác chiến tranh theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - một định chế của Liên Hiệp Quốc. Chuyến thăm này được coi như chính danh hóa chế độ Moskva. Là người lãnh đạo tổ chức Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ bảo đảm việc tôn trọng luật pháp quốc tế và nhân quyền, ông tổng thư ký đã giúp phá thế cô lập cho Vladimir Putin.
Antonio Guterres muốn đóng vai nhà hòa giải của một cuộc chiến mà rất nhiều người muốn chấm dứt. Một nhà ngoại giao Pháp đặt câu hỏi : "Nói chuyện với Putin trong tư cách tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tại sao không. Nhưng liệu có phải đến tận Kazan ? Hơn nữa, cuộc chiến không phải được định đoạt ở Liên Hiệp Quốc mà tại Washington ngày 05/11 tới". Nhà trí thức Orhan Gragas viết : "Câu lạc bộ các nhà độc tài không phải là nơi dành cho người lãnh đạo một định chế toàn cầu nhằm bảo vệ hòa bình, công lý".
Khi đứng cạnh Vladimir Putin, Antonio Guterres gởi một thông điệp nhập nhằng đến tất cả những nước muốn giải quyết bất đồng với láng giềng bằng vũ lực. Sự bất lực của Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ nổi bật đến thế. Libération dẫn bình luận của The Guardian : "Dù mục đích là gì đi nữa, Guterres đã bình thường hóa Putin và làm ICC yếu đi, vào lúc mà luật pháp quốc tế cần được tăng cường".
Quân Nga san bằng làng mạc, nhiều người Ukraine thành vô gia cư
Tại Ukraine về mặt xã hội, Les Echos cho biết mùa đông càng đến gần thì nhu cầu nhà ở và thực phẩm càng cấp bách. Gần 1/4 người vô gia cư hiện nay là người chạy loạn - theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ Depaul Ukraine. Sau khi san bằng Mariupol, Bakhmut, Vugledar, quân Nga tiếp tục hủy diệt Vovtchansk, thành phố có 17.000 dân trước chiến tranh thuộc tỉnh Kharkiv và nằm gần biên giới Nga. Những hình ảnh được drone thu nhận đang lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây cho thấy chỉ còn lại tro tàn và khói. Hầu như tất cả cư dân đều bỏ chạy, để lại nhà cửa và tài sản cả đời của họ.
Cuộc xâm lăng quy mô của Moskva đẩy Ukraine vào khủng hoảng nhân đạo chưa từng thấy tại Châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến. Trên 6,5 triệu người di tản ra nước ngoài, nhiều triệu người khác sơ tán trong nước. Tổ chức Depaul Ukraine chuyên trợ giúp người vô gia cư báo động nhiều người chạy loạn sẽ trở thành kẻ không nhà : 2 triệu căn nhà đã bị phá hủy, và 95% những người phải sống ngoài đường đã chịu đựng cảnh này từ hơn một năm qua.
Mùa đông khắc nghiệt sắp đến. Ngân sách Nhà nước hao hụt nặng vì chiến tranh, trợ cấp xã hội sang năm phải giảm xuống, nhưng chính phủ vẫn gia hạn đến tháng 2/2025 trợ cấp nhà ở cho những người sơ tán "dễ tổn thương", tuy lẽ ra đã kết thúc vào tháng 8. Theo Depaul, trợ giúp của Nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu, 81% người được hỏi coi trợ cấp thực phẩm là quan trọng nhất, nhà ở lâu dài chiếm 33%. Các cựu chiến binh chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là thương binh hoặc bị sang chấn thương tâm lý.
Một cựu chiến binh vô danh cho biết, căn nhà của anh ở Irpin, ngoại ô Kiev đã bị phá sập từ đầu chiến tranh. Bị thương trong chiến đấu, sau khi trị liệu nay anh ở trại tạm cư. Những tháng tới, sẽ có thêm nhiều người Ukraine phải ở ngoài đường. Quân Nga tiếp tục tiến lên từ từ tại miền đông, đồng thời oanh kích cơ sở hạ tầng điện và hệ thống sưởi của Ukraine.
Đối ngoại : Những vấn đề không thay đổi dù là Trump hay Harris
Tình trạng bạo lực nơi lứa tuổi vị thành niên, những chuyến tàu di dân vượt biển Manche bất hợp pháp ngày càng nguy hiểm với thêm 2 người thiệt mạng hôm qua, phiên tòa Pelicot là những vấn đề thời sự Pháp trên trang nhất hôm nay. Về quốc tế, đó là "Gaza một năm dưới mưa bom", "Wall Street và thách thức Trump" : thị trường chứng khoán New York bắt đầu tin vào chiến thắng của ứng cử viên Cộng Hòa.
Riêng về bầu cử tổng thống Mỹ, theo phân tích của Les Echos thì những vấn đề trong chính sách đối ngoại sẽ không thay đổi, dù người đắc cử là Trump hay Harris. Chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ phải chận đứng cuộc chiến ở Ukraine, tránh rơi vào cuộc xung đột Cận Đông và bảo đảm gia tăng sức mạnh Mỹ.
Alexandra de Hoop Scheffer, chủ tịch German Marshall Fund nhấn mạnh có những vấn đề quan trọng vẫn phải được giữ nguyên. Một chuyên gia nói thêm, đối với người Mỹ, an ninh quốc gia được khẳng định thông qua an ninh kinh tế : đối đầu với Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh với Châu Âu. Với Kamala Harris, điều này có nghĩa tái kỹ nghệ hóa là trung tâm, trong những lãnh vực giàu sáng tạo như không gian, chip bán dẫn, xe điện, dược phẩm... Còn Donald Trump coi thuế quan là vũ khí tối thượng, bất chấp ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu thụ.
Đài Loan, Ukraine, Trung Đông : Những hướng chính
Laurence Nardon của IFRI dự báo trên Les Echos, cả hai đều tìm cách duy trì quan niệm nhập nhằng về Đài Loan. Một nhà quan sát cho rằng Donald Trump có thể ngăn chặn áp lực Trung Quốc bằng cách tăng cường các căn cứ xung quanh như ở Philippines, đầu tư vào Hải quân để củng cố kỹ nghệ quốc phòng. Chính sách đối ngoại của Trump tùy theo cán cân thương mại với từng nước. Với chính quyền Dân Chủ cũng không khá hơn, dù có thể an tâm phần nào với sự hiện diện của Philip Gordon, một người thông thạo Châu Âu làm cố vấn cho bà Harris.
Trong hồ sơ Ukraine, hai đảng đều muốn giảm bớt cam kết vì Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính. Theo Alexandra de Hoop Scheffer, Mỹ vẫn viện trợ cho Ukraine với điều kiện Châu Âu đứng về phía Washington trong việc đối phó với Trung Quốc. Một chuyên gia khác cho rằng Trump sẽ gây sức ép lên Kiev và Châu Âu để nhượng bộ Putin. Nhà nghiên cứu Maud Quessard của IRSEM nhấn mạnh, Trump không ưa đa phương, không coi Châu Âu là đối tác. Tuy nhiên Hoop Sheffer cho rằng ứng cử viên "Make America Great Again" không phải là người theo chủ trương cô lập, ông có thể gây ngạc nhiên. Lực lượng trong NATO đã tăng cao trong nhiệm kỳ Donald Trump, và ông đã can thiệp quân sự vào Syria. Một chuyên gia khác lưu ý : "Trump tin vào hòa bình bằng sức mạnh. Tuy có cảm tình với Putin nhưng nếu quá tham lam, tổng thống Nga sẽ làm ông Trump tức giận".
Để giải quyết xung đột Cận Đông, cử tri bảo thủ tin vào chính quyền Cộng Hòa hơn. Donald Trump sẽ ủng hộ chính phủ Netanyahou, thân thiết với Saudi Arabia và luôn thù địch với Iran. Thái độ của ông rõ ràng hơn bà Kamala Harris. Theo Maud Quessard, chính quyền Dân Chủ sẽ có chính sách thực dụng, tránh xung đột kéo dài. Harris sẽ củng cố các đối tác chiến lược, trước hết ở Ấn Độ-Thái Bình Dương ; đầu tư nhiều hơn vào Châu Đại Dương, Châu Phi, các nước phương Nam. Một cách để tạo điều kiện hợp tác tình báo, chống lại tham vọng đế quốc của Nga và Trung Quốc.
Thời cơ hiếm có để đập tan chế độ thần quyền Iran
Cũng liên quan đến Trung Cận Đông, triết gia Pascal Bruckner trên trang Ý kiến của Le Figaro nhận định tương lai của các nền dân chủ phương Tây được đặt cược vào thái độ cứng rắn trước Moskva và Tehran. Ông cho rằng hiện nay là thời cơ duy nhất để "giải thể" chế độ của các giáo sĩ, nếu trì hoãn thế hệ con cháu sẽ phải trả giá gấp trăm lần.
Nhà trí thức kể ra "bốn nhà độc tài cộng một" : đại đế Tập Cận Bình, tay găng-tơ Vladimir Putin, chú hề Kim Jong-un, giáo sĩ choàng khăn Khamenei, cộng thêm Recep Tayyip Erdogan. Điểm chung duy nhất của họ là sự thù địch với phương Tây và nuối tiếc đế chế cũ. Những khuôn mặt này đang hình thành một trục quân sự-kinh tế nhằm bao vây các quốc gia dân chủ và phá hoại các nguyên tắc lâu nay. Họ luôn căm ghét giá trị tự do, bình đẳng, đa phương ; tự cho là người bảo vệ "các nước phương Nam" - tên gọi mới của thế giới thứ ba – chống lại chủ nghĩa đế quốc Châu Âu. Họ bóp méo lịch sử, coi chủ nghĩa thực dân là đáng nguyền rủa hơn phát-xít hay stalin-nít.
Liên minh này nay có một mắt xích yếu là Tehran – Hamas bị phá vỡ, Hezbollah bị trảm, kinh tế bị trừng phạt và người dân nổi lên chống lại. Trái đã đủ chín để rụng, Iran đang chao đảo như Liên Xô năm 1989. Theo ông Bruckner, một cuộc phối hợp tấn công giữa Israel và Mỹ có sự hỗ trợ của Pháp, Anh và các vương quốc Ả rập sẽ là đòn quyết định cho chế độ khủng bố đã treo cổ các phụ nữ, tra tấn đối lập, đàn áp thiểu số, gieo rắc cái chết trong toàn khu vực.
Khó khăn đến từ chính nội bộ nước Mỹ : Sau Việt Nam, Iraq và Afghanistan, công chúng không còn muốn thấy một quân nhân Mỹ nào phải chết để bảo vệ một nước khác. Cơ hội để chấm dứt mối đe dọa từ chế độ thần quyền áp đặt lên Tehran từ 1979, chỉ có thể là một quyết định lưỡng đảng, cần sự táo bạo - đang thiếu vắng ở cả hai bên. Khối ung thư Hồi giáo từ thập niên 80 đã sinh sôi mạnh mẽ với Al-Qaeda, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Huynh đệ Hồi giáo... Lòng căm thù "Đại Satan" Hoa Kỳ, Israel, Châu Âu mạnh mẽ hơn những chia rẽ giữa Shia và Sunni. Hai quốc gia đang cứu vãn danh dự của thế giới dân chủ là Ukraine và Israel. Nếu chẳng may Iran thoát được với vài vết trầy xước, Ukraine thất trận, NATO sẽ sụp đổ và Châu Âu có nguy cơ bị tất cả thú dữ xúm vào xơi tái từng mảng một.
Thụy My
Putin dùng BRICS để chứng tỏ không bị cô lập, lôi kéo chống phương Tây
Le Figaro nhận định "Putin muốn đẩy các thành viên BRICS vào cuộc chiến chống phương Tây", Les Echos cho rằng "Với thượng đỉnh BRICS, Putin muốn chứng tỏ Nga không bị cô lập", tương tự, Le Monde nhận thấy ông Putin cố gắng làm rình rang sự kiện này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chờ đón khách mời đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan (Nga) ngày 22/10/2024. Reuters - Maxim Shemetov
BRICS giúp Putin lấy lại thể diện
Tại Kazan, thành phố cổ bên bờ sông Volga, ông chủ điện Kremlin trong ba ngày đón tiếp các đại diện khối BRICS. Thủ phủ của Tatarstan, nước cộng hòa có đa số dân theo Hồi giáo thuộc Liên bang Nga, là một trong những cửa ngõ vào Châu Á. Khoảng hai chục nhà lãnh đạo được chờ đợi trong đó có chủ tịch Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ, tổng thống Nam Phi, Iran... Putin muốn cho thấy tuy Nga đang chịu 14 lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu nhưng vẫn có nhiều đối tác.
Tổng thống Nga khoe rằng có 30 nước muốn hợp tác với BRICS, trong đó có Thái Lan, Malaysia - mà theo Le Monde là dấu hiệu cho sự mở cửa cho Đông Nam Á, còn Les Echos cho rằng chỉ là quyết định mang tính chiến thuật. Đặc biệt có sự hiện diện của Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, một trong những tổ chức quốc tế hiếm hoi mà Moskva còn có thể tranh cãi với những người chỉ trích ở phương Tây. Le Monde nêu ra một nốt trầm : Saudi Arabia dù được mời gia nhập vẫn chưa xác nhận, thái tử Mohammed Ben Salman không đến mà chỉ gởi ngoại trưởng đại diện.
Vladimir Putin muốn lập ra trật tự thế giới mới "đa cực" với những đối tác "khả tín", có nghĩa là không tham gia trừng phạt Nga. Các nhà tổ chức nhấn mạnh rằng BRICS chiếm 41% dân số thế giới, 26% diện tích của bốn lục địa, 37% kinh tế thế giới, 25% dầu lửa và 50% khoáng chất. Nhưng Léa Dauphas, kinh tế gia trưởng của TAC Economics trên Les Echos lưu ý, trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm gần 65% GDP của cả khối BRICS.
Một tổ chức hàm chứa nhiều bất đồng nội tại
Putin cho rằng BRICS đóng vai trò hàng đầu trong kinh tế toàn cầu và sẽ còn mạnh mẽ hơn. Nga có tham vọng tạo ra các định chế tương tự như Bretton Woods, một nền tảng thanh toán quốc tế nhằm tránh né trừng phạt về hệ thống chi trả liên ngân hàng Swift. Bên cạnh đó là lập ra tổ chức thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hệ thống trao đổi chứng khoán (mang tên Brics Clear), thị trường chứng khoán chuyên về ngũ cốc... Tất cả dưới ngọn cờ "phi đô la hóa". Tuy nhiên nhiều nước e ngại, nhất là các ngân hàng Trung Quốc, sợ rằng bị trừng phạt thứ cấp vì duy trì quan hệ thương mại với Nga.
Bất đồng còn về việc mở rộng thành viên của một khối gồm những nước ít tương đồng và thường cạnh tranh với nhau. Nhà chính trị học Ilya Grachtchenkov phân tích : Trung Quốc thống trị bằng tầm vóc lớn và kinh tế, Nga cố kiểm soát về chính trị, Ấn Độ thì có quan hệ chặt chẽ với phương Tây. Trung Quốc muốn kết nạp càng nhiều càng tốt để tạo một liên minh đối mặt với G7, Nga thì ngược lại vì chống phương Tây, Ấn Độ lo vai trò của những nước sáng lập bị mờ nhạt đi.
Le Monde lưu ý là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS thành lập từ 2014 đặt trụ sở tại Thượng Hải, có khả năng cho vay 4 tỉ đô la, chỉ là một giọt nước so với Ngân hàng Thế giới, hàng năm vẫn cấp tín dụng 100 tỉ đô la. Một điểm đen nữa là sự hợp tác chiến lược giữa Nga và Bắc Triều Tiên, Iran khiến các thành viên khác không mấy hào hứng. Chuyên gia Sarang Shidore nói : "Các nước phương Nam không hẳn là đồng minh của phương Tây nhưng cũng chẳng phải đối thủ. Họ không tìm cách cản bước phương Tây, mà một quan hệ mang tính đa phương trong một thế giới mà sự thống trị của Hoa Kỳ đang dần dà xói mòn và tương lai của trật tự quốc tế bất định".
Cũng liên quan đến Nga, Libération đăng bài phóng sự đã rút ngắn từ tờ báo độc lập Verstka của Nga, cho biết tại các trung tâm tuyển mộ ngày càng nhiều người đến ký hợp đồng đi chiến đấu tại Ukraine. Đa số vì tiền thay vì lòng ái quốc. Từ khi Vladimir Putin cho phép nam giới đến 65 tuổi gia nhập quân đội, tiền lương cao thu hút hàng trăm người về hưu hoặc sắp về hưu tham gia.
Trong số người xếp hàng từ 9 giờ sáng, những người đến sớm nhất thường từ các vùng xa, đi tàu đêm đến thủ đô. Hôm 23/07, đô trưởng Moskva quyết định tặng 1,9 triệu rúp (18.000 euro) cho mỗi người ký hợp đồng với quân đội. Cộng cả tiền lương, tiền thưởng của thủ đô và liên bang, mỗi tân binh nhận được 5,2 triệu rúp cho một năm đầu phục vụ, tức gần 50.000 euro. Một số tiền cả đời không mơ thấy nổi đối với nhiều người. Trong khi tại Ural chẳng hạn, tiền thưởng chỉ là 400.000 rúp (3.700 euro), nên người ta thà mua vé máy bay đến Moskva đăng ký để có được món tiền lớn.
Không ít người đến ký hợp đồng đang mang nợ nần chồng chất, hoặc thất bại trên đường đời, đang có nguy cơ ra tòa hoặc gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống. Một nhân viên xã hội cho biết trừ tội phạm tình dục và cuồng tín, tất cả đều được nhận kể cả buôn ma túy, giết người, trộm cướp. Từ tháng 8, đã có trên 14.000 người ký giấy từ trung tâm này đã ra chiến trường. Trong năm 2024, trong số lính Nga tử trận được các nguồn mở xác nhận, ngày càng nhiều người 40, 50 tuổi thậm chí 60 tuổi, không kinh nghiệm chiến đấu cũng như không được huấn luyện đầy đủ.
Bầu cử Moldova : Kết quả sát nút gây bất ngờ
Tại Châu Âu, La Croix nhận xét "Moldova chia rẽ sau cuộc bầu cử". Kết quả khít khao trong trưng cầu dân ý về tương lai Châu Âu của đất nước, và việc tái cử khó khăn của nữ tổng thống thân Châu Âu Maia Sandu cho thấy căng thẳng cao độ tại nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Lẽ ra cuộc bầu cử này đưa Moldova ra khỏi tình trạng nhập nhằng, nhưng thay vào đó, quốc gia nhỏ bé nằm giữa Romania và Ukraine một lần nữa lại bị kẹt giữa Moskva và Châu Âu.
Thay vì đạt được đa số phiếu như vẫn chờ đợi, trưng cầu dân ý về việc ghi vào Hiến pháp ý định gia nhập Liên hiệp Châu Âu chỉ giành thắng lợi trong đường tơ kẽ tóc nhờ vài ngàn phiếu của cộng đồng Moldova hải ngoại. Những hàng dài cử tri xếp hàng trước các phòng phiếu ở Pháp, Romania, Anh, Ý, nơi có nhiều người Moldova sinh sống. Tổng thống mãn nhiệm tuy được 42 % nhưng khó thể nhiều hơn trong vòng hai, đối thủ Alexandru Stoianoglo gây ngạc nhiên khi được 26 %, gấp đôi số phiếu so với thăm dò trước đó.
Những người ủng hộ Maia Sandu chờ đợi một chiến thắng dễ dàng đã phải thất vọng. Les Echos nói thêm, cuộc trưng cầu dân ý tưởng chừng chỉ là hình thức, nhưng đến 10 giờ tối số người trả lời "không" lên đến 58% khiến chính quyền bà Maidu hồi hộp cho đến phút chót. May mà kiều bào Moldova ở nước ngoài đã ồ ạt đi bỏ phiếu.
Ilan Shor, nhà tài phiệt thân Nga mua đứt 12% số phiếu ?
Les Echos chú ý đến "Ilan Shor, người của Kremlin phía sau việc thao túng bầu cử ở Moldova". Doanh nhân này được tình báo phương Tây coi là người chỉ huy các hoạt động gây bất ổn tại Moldova, và cũng là người đứng ra mua hàng trăm ngàn lá phiếu trong cuộc bầu cử cuối tuần qua.
Hiếm khi nào một người ngoài có thể lũng đoạn đến như vậy. Nhà tài phiệt đã biển thủ 1 tỉ đô la của ba ngân hàng lớn ở Moldova đã chạy sang Israel rồi qua Moskva và nhập quốc tịch Nga. Ông ta tổ chức một hệ thống mua phiếu thông qua Telegram, gom được 300.000 lá phiếu, chiếm 12% số phiếu bầu - theo con số của tổng thống Maia Sandu. Mạng lưới tinh tế này với hệ thống tự động đề nghị chi 500 lei (25 euro) cho việc đăng ký đi bầu, 5.000 lei (250 euro) nếu trả lời "không" trong cuộc trưng cầu dân ý. Những món tiền khá lớn ở Moldova, nơi GDP tính theo đầu người chỉ có 6.400 euro.
Bên cạnh đó Ilan Shor còn tuyển mộ các "biểu tình viên" để những cuộc xuống đường chống chính phủ được đông đảo. Phủ tổng thống Moldova ước tính Kremlin chi ra khoảng 100 triệu euro để thao túng bầu cử. Ilan Shor hẳn không dừng lại ở đây, vòng hai sẽ còn căng thẳng giữa bà Maia Sandu và đối thủ Alexander Stoianoglo. Và xa hơn nữa là cuộc bầu cử Quốc hội năm tới, vì Moskva cũng dòm ngó cả những chiếc ghế trong Quốc hội Moldova.
Khuynh loát bầu cử quy mô bằng tiền mặt và tiền ảo
Tương tự, nêu ra việc "Tổng thống Moldova tố cáo gian lận bầu cử quy mô", Le Figaro dẫn các nguồn tin địa phương cho biết từ tháng Giêng Moskva đã chi ra 10 triệu euro mỗi tháng cho các hoạt động can thiệp vào chính trường nước này. Phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu Peter Stano nói về tình trạng can dự thô bạo chưa từng thấy tại đất nước nhỏ bé đang là ứng cử viên Liên Hiệp Châu Âu. Đầu tháng 10, cảnh sát Moldova phá vỡ một hệ thống mua phiếu được điều khiển từ Moskva, liên quan đến 1/4 số cử tri. Theo AFP, cảnh sát đã tiến hành 350 vụ khám xét, câu lưu hàng trăm nghi can.
"Groupe Shor" do nhà tài phiệt thành lập có khoảng 60.000 thành viên chuyên tung tin giả và phá rối, mỗi tuần hai lần nhận cuộc gọi chỉ đạo từ hai trung tâm ở Moskva và Saint-Petersburg. Họ nhận tiền công từ tài khoản ở Promsvyazbank, ngân hàng bị quốc tế trừng phạt và loại khỏi hệ thống Swift, nhờ thẻ Mir - thẻ tín dụng của Nga thay thế cho Visa và Mastercard, sử dụng được ở Transnistria, lãnh thổ ly khai của Moldova. Khoảng hai trăm "cốt cán" của nhóm Shor lãnh lương 2.000 euro mỗi tháng.
Một cách trả công khác là đưa sang tiền mặt từ Nga. Tại Moldova cũng như Liên Hiệp Châu Âu, hành khách được phép mang đến 10.000 euro không cần khai báo. Nhiều chuyến bay hạ cánh xuống Chisinau với những hành khách mang theo va-li với số tiền 9.999 euro, đủ để hợp pháp. Điều tra cho thấy họ đều liên quan đến hệ thống Shor. Một viên chức an ninh cấp cao của Moldova cho biết : "Có lần chỉ trong một đêm đã tịch thu được 1,2 triệu euro tiền mặt. Hãy hình dung ra số tiền khổng lồ mà họ đã đổ vào nước chúng tôi từ nhiều tháng qua để chi phối bầu cử. Do chúng tôi nỗ lực chặn luồng tiền mặt, Shor và các tay chân đã chuyển sang tiền kỹ thuật số. Tiền ảo bị cấm ở Moldova nhưng Transnistria thì không".
Bài học Moldova
Trong bài xã luận "Bài học Moldova", Le Monde cho rằng kết quả ở Moldova là lời cảnh báo cho Georgia (Gruzia), một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nữa ở vùng Kavkaz sẽ bầu cử vào thứ Bảy 26/10 tới. Cuối tuần trước những người ủng hộ Châu Âu đã biểu tình ồ ạt trên khắp cả nước. Tại quảng trường Tự Do ở Tbilissi, tổng thống Salome Zurabichvili trước đám đông phất cờ EU đã khẳng định Georgia sẽ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cùng lúc với Ukraine. Nhưng bà biết rằng kết quả rất khó đoán, vì cũng như với Moldova, Moskva nhất định duy trì quân Nga ở các vùng ly khai.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm thứ Năm tuần trước đã thăm Georgia, loan báo hỗ trợ 1,8 tỉ euro. Nhưng việc thực hiện quá chậm chạp, viện trợ của Châu Âu không gây chú ý nhiều, không được quảng bá để đối phó với sự lũng đoạn có hệ thống của Nga. Le Monde nhấn mạnh đây là bài học cho Châu Âu, khi cuộc chiến đấu tại những vùng xám này ngày càng dữ dội, Moskva không hề nhường bước.
Thụy My