Từ Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ ‘nhắn nhủ’ lãnh tụ Bắc Hàn (VOA, 08/07/2018)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8/7 phát biểu tại Hà Nội rằng Tổng thống Donald Trump tin Bình Nhưỡng có thể đi theo con đường "tuyệt vời" mà Việt Nam đã trải qua, nhưng để đạt được điều đó, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un phải "nắm lấy cơ hội này".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 8/7.
"Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác tưởng chừng như không tưởng mà chúng tôi có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp với Chủ tịch Kim Jong-un : Tổng thống Trump tin rằng nước ngài có thể tái tạo lại con đường này [của Việt Nam]. Nó sẽ là của ngài nếu ngài nắm lấy cơ hội này. Phép màu này có thể là của ngài ; nó cũng có thể là phép màu của ngài ở Bắc Hàn", ông Pompeo nói, theo nội dung bài phát biểu được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Hoa Kỳ đã thể hiện rõ về những gì chúng tôi mong muốn từ Bắc Hàn để bắt đầu chuỗi sự kiện tuyệt vời này. Lựa chọn giờ tùy thuộc vào Bắc Hàn và người dân nước này. Nếu họ có thể làm điều này, nó sẽ được ghi nhớ và Chủ tịch Kim sẽ được ghi nhớ là người hùng của người dân Triều Tiên".
Ngoại trưởng Mỹ phát biểu như vậy một ngày sau khi thăm Bắc Hàn để tìm cách thuyết phục ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân. Sau đó, truyền thông Bình Nhưỡng chỉ trích Washington sử dụng cách tiếp cận ngoại giao giống như "gangster".
Việt Nam từng được nhiều chuyên gia coi là ứng cử viên tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim và ông Trump hồi tháng trước.
Phát biểu tại Hà Nội, ông Pompeo nói rằng "một chìa khóa dẫn tới sự trỗi dậy lớn của Việt Nam trong vòng vài thập kỷ qua là sự giao tiếp mới với Hoa Kỳ", và điều này "bắt đầu khi Mỹ và Việt Nam cùng nhau làm việc để hồi hương hài cốt của các quân nhân Mỹ hy sinh ở Việt Nam".
"Trong vòng hai thập kỷ qua, thương mại song phương đã tăng 8 nghìn phần trăm. Riêng trong thập kỷ qua, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng hơn 300%, và các công ty Mỹ đã đổ hàng tỷ đôla đầu tư vào Việt Nam", Ngoại trưởng Pompeo nói.
"Thực tế là chúng tôi đang hợp tác, chứ không phải giao chiến, là bằng chứng cho thấy rằng khi một đất nước quyết định kiến tạo tương lai tươi sáng hơn cho bản thân bên cạnh Mỹ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa".
Ông Pompeo phát biểu trước các doanh nhân ở Hà Nội hôm 8/7.
Trả lời VOA Việt Ngữ, Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore từng cho rằng Bắc Hàn "có thể học từ Việt Nam ba bài học lớn", trong đó có việc "tôn trọng kinh tế thị trường", "hội nhập quốc tế và mở rộng tối đa quan hệ hợp tác tin cậy với tất cả các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ".
Ngoài ra, Tiến sĩ Khương cho rằng Bình Nhưỡng "có thể học Việt Nam từ góc độ nghiên cứu những việc mà Việt Nam chưa làm tốt trong quá trình cải cách đã qua, chẳng hạn như kiểm soát tham nhũng, trọng dụng nhân tài, phát triển thực lực khoa học công nghệ".
Trước khi phát biểu trước các doanh nghiệp, ông Pompeo có cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo thông tin đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Trọng nói với nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ rằng dù "rất ngắn ngủi", chuyến thăm của ông Pompeo "rất quan trọng".
Ông Pompeo được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink tháp tùng đi dạo phố ở Hà Nội hôm 8/7.
Đáp lại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam là đất nước ông muốn tới vì đây là "đối tác quan trọng của Mỹ".
Ông Pompeo cũng chuyển lời hỏi thăm của Tổng thống Trump tới ông Trọng cũng như nhắc lại chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, đồng thời cho biết rằng cả ông Trump và ông Mattis "thực sự cam kết [phát triển] quan hệ giữa hai nước".
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Pompeo tới Việt Nam trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Ngoài Hà Nội, chuyến công du kéo dài 7 ngày của ông Pompeo còn đưa ông tới Bình Nhưỡng, Tokyo, Abu Dhabi và Brussels.
Viễn Đông
*********************
Hà Nội : Ngoại trưởng Mỹ khuyến khích Bắc Triều Tiên "noi gương" Việt Nam (RFI, 08/07/2018)
Chiều ngày 08/07/2018, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến Hà Nội, trong chuyến công du hai ngày. Một trong các thông điệp đầu tiên của lãnh đạo ngoại giao Mỹ là khuyến khích Bắc Triều Tiên đi theo "tấm gương"Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại buổi gặp các đại diện doanh nghiệp tại khách sạn Metropol, Hà Nội ngày 08/07/2018. Andrew Harnik/Reuters
Theo Reuters, phát biểu trước các chủ doanh nghiệp tại Hà Nội, ngoại trưởng Pompeo bày tỏ hy vọng là một ngày nào đó, Hoa Kỳ có thể đạt được mức độ hợp tác với Bắc Triều Tiên, giống như các hợp tác đang có với Việt Nam, quốc gia vốn là một cựu thù.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại quan điểm của tổng thống Donald Trump, là Bình Nhưỡng nên đi theo con đường của Hà Nội, bình thường hóa quan hệ với Washington, đưa xã hội Bắc Triều Tiên vào con đường phát triển kinh tế. Tuy nhiên để làm được điều này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phải nắm lấy cơ hội.
Chiều nay, ngay sau khi đặt chân đến Hà Nội, lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã đến chào xã giao tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ông Pompeo cũng có kế hoạch gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và ngoại trưởng Phạm Bình Minh.
Theo giới quan sát, nội dung chủ yếu của chuyến công du này là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các nhu cầu hợp tác song phương Mỹ - Việt, sau chuyến công du Washington hồi cuối tháng trước của phó thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ.
Trọng Thành
************************
Triều Tiên nói đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ là ‘đáng tiếc’ (VOA, 08/07/2018)
Các cuộc đàm phán cao cấp giữa Mỹ và Triều Tiên dường như vấp phải trở ngại ngày thứ Bảy khi Bình Nhưỡng nói chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là "đáng tiếc" và cáo buộc Washington đưa ra những đòi hỏi "giống như gangster" để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ ông Kim Yong-chol, một quan chức cao cấp của đảng và cựu giám đốc tình báo, trong ngày đàm phán thứ hai tại Nhà Khách Park Hwa ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 7 tháng 7, 2018.
Thông cáo từ miền Bắc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Pompeo kết thúc hai ngày đàm phán với các quan chức cao cấp của Triều Tiên mà không gặp được lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng có những cam kết cho các cuộc thảo luận mới về giải trừ hạt nhân và hồi hương hài cốt của những binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.
Dù ông Pompeo đưa ra nhận định tương đối tích cực về các cuộc hội đàm của mình, song Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói Mỹ đã phản bội tinh thần hội nghị thượng đỉnh tháng trước giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim bằng việc đưa ra những đòi hỏi "đơn phương và giống như gangster" về "CVID" - chữ viết tắt tiếng Anh của cụm từ giải trừ hạt nhân hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được.
Bộ nói kết quả của các cuộc hội đàm tiếp nối là "rất đáng lo ngại" bởi vì nó đã dẫn tới một "giai đoạn nguy hiểm mà có thể làm lung lay sự sẵn sàng của chúng tôi đối với việc giải trừ hạt nhân mà trước giờ vẫn vững chắc".
"Chúng tôi đã dự kiến rằng phía Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp mang tính xây dựng sẽ giúp vun đắp lòng tin dựa trên tinh thần của hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo... chúng tôi lúc đó cũng đang suy nghĩ về việc đưa ra các biện pháp đối ứng", thông cáo nói, được công bố bởi một phát ngôn viên không được nêu danh tính và được Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên loan tải.
"Tuy nhiên, thái độ và lập trường mà Hoa Kỳ cho thấy trong cuộc họp cao cấp đầu tiên (giữa hai nước) là hết sức đáng tiếc", phát ngôn viên này nói. "Những kỳ vọng và hy vọng của chúng tôi ngây thơ tới mức có thể được gọi là ngờ nghệch".
Theo phát ngôn viên này, trong các cuộc đàm phán với ông Pompeo miền Bắc đã nêu ra việc có thể tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, vốn đã khép lại bằng một hiệp ước đình chiến mà không phải là một hiệp ước hòa bình. Miền Bắc cũng đề nghị thảo luận về việc đóng cửa một địa điểm thử nghiệm động cơ phi đạn mà sẽ "xác nhận một cách có thực chất" một bước đi nhằm đình chỉ việc sản xuất phi đạn đạn đạo liên lục địa và thiết lập các cuộc thảo luận ở cấp làm việc để hồi hương hài cốt lính Mỹ thời chiến.
Tuy nhiên, phát ngôn viên này nói Mỹ đã đưa ra nhiều "điều kiện và lý do" để trì hoãn tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Phát ngôn viên cũng hạ giảm tầm quan trọng của việc Mỹ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự của mình với Hàn Quốc, nói rằng miền Bắc đã đưa ra một nhượng bộ lớn hơn bằng việc cho nổ tung các đường hầm tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của mình.
Dù chỉ trích các cuộc đàm phán với ông Pompeo, song miền Bắc cẩn thận tránh công kích ông Trump, nói rằng "chúng tôi hoàn toàn duy trì niềm tin nơi Tổng thống Trump", nhưng cũng nói rằng Washington không được cho phép "những chướng ngại" đối với "ý chí của các nhà lãnh đạo".
Trong những phát biểu trước các phóng viên trước khi rời Bình Nhưỡng, ông Pompeo nói rằng các cuộc đàm phán của ông với quan chức cao cấp của Triều Tiên Kim Yong-chol là "mang lại kết quả", được thực hiện "bằng thiện chí" và "rất nhiều tiến bộ" đã đạt được ở một số lĩnh vực. Ông nhấn mạnh rằng "vẫn còn nhiều việc cần phải làm" ở các lĩnh vực khác, phần nhiều trong số đó sẽ được thực hiện bởi các nhóm công tác mà hai bên đã thành lập để giải quyết các vấn đề cụ thể.
Ông Pompeo cho biết một đội ngũ của Lầu Năm Góc sẽ gặp các quan chức Triều Tiên vào ngày 12 tháng 7 tại biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc để thảo luận về việc hồi hương hài cốt và các cuộc hội đàm cấp làm việc sẽ sớm được tổ chức.
Trong những ngày sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử ngày 12 tháng 6 của mình với ông Kim Jong-un ở Singapore, ông Trump đã thông báo rằng việc hồi hương hài cốt và phá hủy cơ sở phi đạn đã được hoàn tất hoặc đang được tiến hành.
Tuy nhiên, ông Pompeo nói cần có thêm nhiều cuộc đàm phán nữa.
Trước đó, ông Pompeo và ông Kim Yong-chol đều nói họ cần một sự rõ ràng về những giới hạn của một thỏa thuận giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên mà ông Trump và ông Kim Jong-un đã nhất trí ở Singapore. Đây là chuyến đi thứ ba của ông Pompeo đến Bình Nhưỡng kể từ tháng 4 và chuyến đi đầu tiên của ông kể từ hội nghị thượng đỉnh.
******************
Bắc Hàn nói Mỹ hành xử 'như gangster' (BBC, 08/07/2018)
Bắc Hàn cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng các chiến thuật "như gangster" để ép Bình Nhưỡng tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân sau khi có một vòng đàm phán cấp cao mới.
Ông Mike Pompeo và ông Kim Yong-chol chào tạm biệt nhau trước khi ngoại trưởng Hoa Kỳ lên đường sang Nhật Bản
Bắc Hàn gọi thái độ của Mỹ tại cuộc họp là "vô cùng khó chịu".
Tuyên bố do một quan chức Bộ Ngoại giao không nêu tên đưa ra có nội dung khác hẳn với những gì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra vài giờ trước đó.
Ông ngoại trưởng nói đã có những tiến bộ đạt được trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hai ngày.
Đây là lần đầu tiên ông tới Bắc Hàn kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Singapore. Cuộc họp của hai nhà lãnh đạo kết thúc với lời hứa hẹn từ phía ông Kim rằng sẽ hợp tác hướng tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng không nêu chi tiết về việc sẽ đạt được điều này bằng cách nào.
Một mục tiêu chủ chốt của ông Pompeo trong chuyến đi là nhằm củng cố cam kết từ phía Bắc Hàn về việc giải trừ vũ khí.
Tuy nhiên, tuyên bố của Bắc Hàn, được hãng thông tấn nước này KCNA loan báo, nói rằng Mỹ đã đi ngược lại tinh thần cuộc họp thượng đỉnh bằng việc đơn phương đưa ra áp lực lên Bình Nhưỡng, đòi Bắc Hàn phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tại các cuộc hội đàm, ông Pompeo đã không gặp ông Kim mà gặp ông Kim Yong-chol, người được coi là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
Trong phần đánh giá, ông Pompeo không nói gì nhiều nhưng nói các bên đã thảo luận về lịch trình giải trừ vũ khí, gồm các việc phá hủy một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa.
"Đây là những vấn đề phức tạp, nhưng chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong hầu hết các vấn đề trọng tâm, một số mảng đạt được rất nhiều tiến bộ, những mảng khác thì vẫn còn những việc phải làm", ông nói.
Sau kỳ họp thượng đỉnh Singapore, là sự kiện trong đó Hoa Kỳ hứa hẹn "đảm bảo an toàn" cho Bắc Hàn và cam kết chấm dứt các cuộc tập trận chung với Nam Hàn, ông Trump nói rằng Bắc Hàn không còn là một mối đe dọa hạt nhân nữa.
Tuy nhiên, tổng thống Hoa Kỳ sau đó đã tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt lên Bắc Hàn trong lúc các quan chức tình báo Mỹ nói có những bằng chứng cho thấy Bắc Hàn đang tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Hôm Chủ Nhật, ngoại trưởng Hoa Kỳ theo kế hoạch có các cuộc gặp với các ngoại trưởng Nhật Bản và Nam Hàn tại Tokyo.
*********************
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố duy trì cấm vận Bình Nhưỡng (RFI, 08/07/2018)
Họp báo chung với hai đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc tại Tokyo ngày 08/07/2018 để thông báo về kết quả sau hai ngày công tác tại Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến một số "tiến bộ" trên hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên Washington vẫn duy trì chính sách cấm vận Bắc Triều Tiên cho tới khi nào quốc gia này "phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng".
Từ trái qua : Các ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Nhật Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung Wha thể hiện tình đoàn kết trong cuộc gặp báo chí tại Tokyo 08/07/2018. Andrew Harnik/ Reuters
Theo giới quan sát, trong hai ngày làm việc 06 và 07/07/2018 tại Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, đã có cuộc đàm phán "gay go" sáu giờ đồng hồ với ông Kim Yong-chol. Nhân vật này được xem là cánh tay mặt của nguyên thủ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong buổi họp báo với hai đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản, ngoại trưởng Mỹ một lần nữa đã nhấn mạnh rằng tiến trình "phi hạt nhân hóa được hiểu theo nghĩa rộng", bao gồm cả một loạt các loại vũ khí và phía Bắc Triều Tiên hiểu "không phản đối điều này".
Đánh giá về hai ngày làm việc tại Bình Nhưỡng, ông Pompeo cho biết đôi bên đã có những trao đổi "rất có hiệu quả".
Nhận xét này trái ngược với quan điểm của bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên xem đối thoại với ông Mike Pompeo là "đáng tiếc". Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên chỉ trích Hoa Kỳ đàm phán theo kiểu các "băng cướp gangster", để ép Bắc Triều Tiên. Theo Bình Nhưỡng, thái độ này "vi phạm tinh thần của thượng đỉnh Singapore".
Từ thủ đô Seoul thông tín viên Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết :
Bắc Triều Tiên đã sử dụng trở lại giọng điệu hung hăng mà từ nhiều tháng qua quốc gia này đã tạm gác lại một bên. Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao nước này tuyên bố : "Mỹ yêu cầu giải trừ vũ khí hạt nhân theo kiểu của các băng gangster".
Bình Nhưỡng "rất thất vọng" vì các cuộc đàm phán với ngoại trưởng Mike Pompeo và bác bỏ những đòi hỏi của phía Hoa Kỳ về tiến trình phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Những lời chỉ trích trên đây của Bình Nhưỡng càng củng cố thêm lập trường hoài nghi của một số nhà phân tích tại Seoul, theo đó Bắc Triều Tiên chưa bao giờ có ý định từ bỏ vũ khí nguyên tử.
Quan điểm của bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của ông Pompeo cho rằng Washington và Bình Nhưỡng đã có những cuộc trao đổi "hiệu quả" và đôi bên đã đạt được những "tiến bộ quan trọng".
Tuy nhiên ông Pompeo cũng nhìn nhận là còn rất nhiều việc phải làm. Đây là cách nói để làm giảm nhẹ thực tế, trong lúc chế độ Bình Nhưỡng dường như đang muốn kéo dài các vòng đàm phán để câu giờ.
Hai cái nhìn hoàn toàn khác nhau về cùng một vấn đề ?
Làm sao có thể giải thích về quan điểm của Washington và Bình Nhưỡng hoàn toàn trái ngược nhau trên tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên ? Theo lời nhà báo Dorian Malovic đặc trách về hồ sơ châu Á của tờ La Croix, đây là chiến thuật của Bình Nhưỡng buộc Hoa Kỳ phải đàm phán. Bắc Triều Tiên ý thức được rằng chính quyền Trump không thể để thất bại trên hồ sơ quan trọng này. Dorian Malovic phân tích :
"Đây mới chỉ là một giai đoạn, chưa phải là hồi kết. Như thông lệ ở Hoa Kỳ cánh tân bảo thủ luôn quan niệm rằng, Donald Trump bị lừa trong thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua và Bắc Triều Tiên không có tiến bộ nào trên hồ sơ nguyên tử, không đưa ra bằng chứng về quyết tâm giải trừ hạt nhân.
Trên thực tế, tiến trình mới chỉ bắt đầu. Về phía chính quyền Mỹ, Washington cố gắng đưa ra những tín hiệu tích cực để chứng minh rằng tổng thống Trump đã không mắc phải sai lầm. Tôi nghĩ là tình cảnh này sẽ kéo dài cho đến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.
Sau đó chúng ta mới biết được là Donald Trump có thay đổi thái độ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên hay không và đôi bên có giữ lời hứa hay không.
Trong mọi trường hợp, cần nhắc lại là bản tuyên bố Singapore nêu lên 4 điểm một cách chung chung, mà mỗi điểm đều cần được đi sâu vào chi tiết khi bắt đầu đàm phán. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian".
Thanh Hà
*******************
Mỹ và Bắc Triều Tiên muốn "làm sáng tỏ" lộ trình phi hạt nhân hóa (RFI, 07/07/2018)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay 07/07/2018 đã có ngày làm việc căng thẳng với ông Kim Yong-chol, nhân vật được coi là "cánh tay phải" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, nhằm vạch ra một lộ trình chi tiết, một kế hoạch cụ thể về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gặp cựu lãnh đạo tình báo Kim Yong-Chol, cánh tay phải của Kim Jong-un, Bình Nhưỡng, 07/07/2018. Andrew Harnik/Pool via Reuters
Theo AFP, cuộc họp của ngoại trưởng Mỹ Pompeo với đại diện Bình Nhưỡng đã kéo dài 6 tiếng. Cả hai bên cho biết muốn "làm sáng tỏ" thêm một số điều.
Trước khi rời Bình Nhưỡng sang Tokyo, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết cuộc thương thuyết đạt kết quả, nhưng không nói cụ thể Bắc Triều Tiên sẽ làm thế nào để thực hiện các cam kết phi hạt nhân hóa : "Đó là những vấn đề rất phức tạp, nhưng chúng tôi đã được kết quả trên mọi vấn đề trọng tâm, chúng tôi đạt được đồng thuận trên một số điểm, trên những điểm khác thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm".
Trong khi đó, phát ngôn viên của ngoại trưởng Mỹ hôm qua thông báo chính quyền Mỹ và Bắc Triều Tiên đã triển khai các nhóm làm việc để xử lý các "vấn đề hệ trọng", nhất là về phi hạt nhân hóa. Theo phát ngôn viên này, các cuộc thảo luận của ngoại trưởng Pompeo và quan chức Kim Yong-chol cũng có đề cập tới việc đưa thi hài lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 về nước.
Sau cuộc trao đổi với các đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc tại Seoul, ông Pompeo sẽ có bài phát biểu với giới truyền thông vào ngày mai 08/07, trước khi sang thăm Việt Nam trong 2 ngày 08 và 09/07.
Thùy Dương
Hoa Kỳ : Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm về cái chết của Otto Warmbier (RFA, 20/06/2017)
Sinh viên Hoa Kỳ được Bắc Hàn trả về trong tình trạng hôn mê đã tử vong ngày 19/6 vừa qua.
Hình được chụp vào ngày 29 tháng 2 năm 2016 và được phát hành bởi truyền thông Bắc Hàn vào ngày 1 tháng 3 năm 2016. AFP photo
Trước thông tin trên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên án chế độ tàn bạo của Bắc Hàn và khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ giải quyết vấn đề này mà không giải thích gì thêm.
Hãng AFP dẫn lời ông Trump viết trên một tài khoản twitter cá nhân rằng chuyện này đã làm sâu sắc hơn quyết tâm của ông trong việc ngăn chặn những thảm kịch như vậy xảy ra với những người vô tội dưới bàn tay của một chế độ không tôn trọng luật pháp hay sự nhân đạo cơ bản của con người.
Ngoại trưởng Rex Tillerson thì khẳng định rằng Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về án tù bất công đối với sinh viên này và phải thả ba người Mỹ khác đang bị giam cầm bất hợp pháp.
Trong khi đó Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố rằng sinh viên này đã bị chính chế độ độc tài Kim-Jong-Un giết hại và Hoa Kỳ không thể tha thứ cho những kẻ giết công dân Mỹ với mục đích trả thù.
Sinh viên được nhắc trên tên là Otto Warmbier, 22 tuổi, bị công an Bắc Hàn bắt giam hồi tháng Giêng 2016 về tội lấy trộm một bức tranh cổ động. Anh này khai rằng chỉ muốn lấy tấm áp phích này để về khoe với bạn bè, nhưng bị tòa Bắc Hàn kêu án 15 năm lao động khổ sai.
Đầu tuần này, anh được Bắc Hàn trả tự do, về lại Hoa Kỳ trong tình trạng hôn mê.
Phía Bắc Hàn nói rằng sinh viên Warmbier hôn mê vì bị ngộ độc thức ăn và uống thuốc ngủ. Tuy nhiên toán bác sĩ Mỹ đang chữa trị cho anh lại nói rằng tình trạng hôn mê xảy ra vì anh ta bị thiếu oxygen và thiếu máu trong não.
***************************
Mỹ điều động oanh tạc cơ B1 răn đe Bắc Triều Tiên (RFI, 20/06/2017)
Cho dù tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chủ trương xuống thang hòa dịu với Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ-Hàn Quốc vẫn biểu dương lực lượng. Hai oanh tạc cơ chiến lược B1 thực hiện một phi vụ trên không phận bán đảo Triều Tiên trong ngày 20/06/2017.
Ảnh minh họa : Oanh tạc cơ B-1B bay trên bầu trời Hàn Quốc, ngày 13/09/2016, răn đe Bắc Triều Tiên. REUTERS/Kim Hong-Ji
Hãng Yonhap, trích dẫn một nguồn tin quân sự ở Seoul cho biết hai máy bay B1-B cùng các chiến đấu cơ Hàn Quốc F-15K tham gia một cuộc thao dượt trong ngày hôm nay trên bầu trời bán đảo Triều Tiên. Sự kiện này chứng tỏ "quyết tâm của Hoa Kỳ khuyến cáo những đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng".
Theo một kế hoạch tập trận chung, hai chiếc B1-B của Mỹ từ căn cứ Anderson ở đảo Guam bay đến Hàn Quốc, oanh kích giả định ở trường bắn Pilsung, tỉnh Gangwon, giáp ranh với Bắc Triều Tiên.
Hoa Kỳ vẫn thường điều động oanh tạc cơ chiến lược như một biện pháp trấn an Hàn Quốc và răn đe Bắc Triều Tiên sau những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Từ khi đắc cử hồi tháng Tư năm nay, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhiều lần tuyên bố muốn giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên.
Cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung In, đang có mặt tại Washington, kêu gọi chính quyền Donald Trump rút bớt vũ khí chiến lược tại Hàn Quốc, như hệ thống lá chắn THAAD, và giảm thiểu các cuộc tập trận chung, nếu Bắc Triều Tiên chấp thuận ngưng chương trình hạt nhân quân sự và thử tên lửa.
Tuy nhiên, theo Yonhap, dường như Hoa Kỳ không thay đổi chính sách. Sự kiện phi vụ B1-B tập trận chung với không quân Hàn Quốc ngày hôm nay chứng tỏ Hoa Kỳ quyết tâm duy trì các phương tiện chiến lược răn đe tại Hàn Quốc.
Tú Anh
*********************
Sinh viên Mỹ Warmbier qua đời, Donald Trump cáo buộc Bình Nhưỡng "tàn nhẫn" (RFI, 20/06/2017)
Sinh viên người Mỹ Otto Warmbier hôm 19/06/2017 đã qua đời tại quê nhà Cincinnati, bang Ohio sau khi được Bắc Triều Tiên trả tự do trong tình trạng hôn mê. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Bình Nhưỡng là "một chế độ tàn nhẫn".
Sinh viên Mỹ Otto Warmbier tại tòa án ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. (Ảnh do Kyodo công bố ngày 16/03/2016) REUTERS/Kyodo
Trong một thông cáo, tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh quyết tâm ngăn cản việc người vô tội chịu thảm kịch tương tự trong tay những chế độ không tôn trọng Nhà nước pháp quyền hoặc những nguyên tắc cơ bản. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đánh giá Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về vụ này và yêu cầu Bình Nhưỡng trả tự do cho ba người Mỹ khác hiện vẫn đang bị giam trong các nhà tù ở Bắc Triều Tiên.
AFP cho biết sau khi nhận được thông tin Otto Warmbier qua đời, công ty lữ hành Young Pioneer Tours đã thông báo trên Facebook là ngưng đưa người Mỹ sang du lịch tại Bắc Triều Tiên vì "rủi ro khi người Mỹ tham quan Bắc Triều Tiên là quá cao". Young Pioneer Tours là công ty lữ hành đã đưa Otto Warmbier tới Bình Nhưỡng hồi đầu năm 2016.
Cái chết của Otto Warmbier sau 18 tháng bị Bình Nhưỡng giam giữ trong tù diễn ra trong bối cảnh quan hệ Hoa kỳ - Bắc Triều Tiên đang rất căng thẳng do chế độ Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Vụ việc này có thể sẽ khiến căng thẳng giữa hai bên gia tăng.
Otto Warmbier bị Bình Nhưỡng kết án 15 năm lao động khổ sai vào tháng 03/2016 với cáo buộc có "những hoạt động thù địch" vì sinh viên này đã lấy trộm một bích chương có khẩu hiệu chính trị tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng. Otto Warmbier bị hôn mê trong tù suốt hơn 1 năm qua.