Một TPP không có Hoa Kỳ sẽ được thảo luận tại Hà Nội vào hai ngày 21 và 22 tháng 5 sắp tới. Trước đó, báo chí nước ngoài đã hé lộ thông tin về khả năng gia nhập TPP của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) phát biểu trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila hôm 18/11/2015. AFP photo
Bên cạnh đó là những bàn cãi về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đang đề xuất với mục đích đối trọng với TPP.
Vẫn thực thi
Theo tờ Nikkei, tại cuộc họp diễn ra ở New York ngày 19 tháng 4, 2017 ông Taro Aso, Phó thủ tướng Nhật cho hay 11 nước thành viên còn lại của TPP sẽ có cuộc đàm phán để thoả thuận TPP có hiệu lực trong bối cảnh không có Mỹ tại cuộc họp diễn ra ở Hà Nội vào tháng 5.
Khẳng định điều này, Tiến sĩ Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội cho biết 11 quốc gia còn lại đã nhất trí với một quan điểm là không có Mỹ thì TPP vẫn thực thi. Và ông đưa ra quan điểm cá nhân của mình :
"Tất nhiên có Mỹ thì tốt. Nếu không có Mỹ thì theo quan điểm cá nhân thì không có ảnh hưởng gì. Người ta vẫn tiến hành vì đó là xu hướng chung, là sự hợp tác."
Tuy nhiên, ông vẫn có sự so sánh giữa hai nền kinh tế.
"Nếu Hoa Kỳ vào thì hiệu quả của TPP sẽ tốt hơn nhiều so với Trung Quốc hiện nay. Tất nhiên, giả sử Trung Quốc nếu tham gia, trong quá trình thương lượng đàm phán mà nếu 11 nước kia đồng ý thì buộc Trung Quốc phải có những cải cách cải tổ rất mạnh thì hội nhập mới hiệu quả."
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của ông :
"Nền kinh tế trung Quốc không phải là một sự thay thế hoàn hảo đối với kinh tế Hoa Kỳ trong TPP, vì cơ cấu kinh tế Trung Quốc khác, năng lực cạnh tranh khác. Vả lại Trung Quốc chưa chắc chấp nhận những thoả thuận của TPP đã đàm khán ở Oakland. Rất có thể Trung Quốc sẽ yêu cầu tái đàm phán để một TPP với Trung Quốc sẽ khác nhiều với TPP với Mỹ".
Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29 tháng 1, 2016, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm 2015 là 18,1 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, GDP của Trung Quốc trong năm 2015 là khoảng 10 nghìn tỷ USD.
Hiện tại GDP của Mỹ chiếm 60% GDP của TPP.
Trung Quốc không thể thay thế Mỹ ?
Cuộc đàm phán thứ 17 Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) tại Kobe, Nhật Bản vào ngày 27/2/2017. AFP photo
Trước đó, vào tháng 1, rất nhiều bài báo kinh tế trên thế giới đều hé lộ thông tin khả năng Trung Quốc sẽ là thành viên thứ 12, thay thế vị trí Hoa Kỳ.
Khẳng định lời mời gọi này, Tân Hoa Xã đưa tin ngày 25 tháng 1 cho biết, Đại sứ Australia tại Anh đã ủng hộ những lời kêu gọi Trung Quốc tham gia TPP.
Thời báo kinh tế Việt Nam cũng cho biết Australia và New Zealand cùng bày tỏ hy vọng sẽ cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các nước châu Á khác tham gia vào thỏa thuận tự do thương mại này.
Ngược lại, theo một bảng tin loan trên Reuters ngày 25 tháng 1 và được Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn lại, chính phủ Nhật Bản cho rằng "nếu TPP bị giảm giá trị do đưa Trung Quốc vào hiệp định này, thì sẽ không còn giá trị gì để đầu tư công sức nhằm đạt được thỏa thuận này. Thương lượng với Trung Quốc với khả năng thay đổi cái đã ký kết là không khôn khéo". Vấn đề được hiểu ở đây, Nhật Bản xem TPP là một phần chủ chốt của liên minh Mỹ - Nhật. Mặt khác, nếu Trung Quốc thay thế vai trò của Hoa Kỳ trong hiệp định này, thì TPP, vốn được xem là một phần trong chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama về xoay trục chính sách đối ngoại của Mỹ về châu Á để đối phó với Trung Quốc sẽ không còn ý nghĩa.
Đã có nhiều ý kiến đưa ra trên các diễn đàn kinh tế, bày tỏ mối quan ngại về các đường lối không minh bạch của Trung Quốc từ trước đến nay. Một trong những điều khoản của TPP là phải minh bạch.
Tuy nhiên Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long cho biết đây không phải là điều đáng lo lắng.
"Bản thân Trung Quốc ngoài vấn đề không minh bạch còn rất nhiều vấn đề khác nữa. Từ đó ta thấy cũng không nghi ngại, nếu vào thì buộc phải tuân thủ theo thể chế, cam kết đã thực hiện."
RCEP hay TPP ?
Tờ ChinaDaily trong tháng 3 vừa qua đăng tải một bài viết có tựa đề "Will China join TPP is not a question", tạm dịch là "Liệu Trung Quốc sẽ gia nhập TPP hay không, không phải là một câu hỏi". Bài viết trình bày khá rõ chính phủ Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường đối với TPP, ngay cả khi Mỹ đã từ bỏ.
Cũng trong bài viết này, Bắc Kinh đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 16 nước, song cho đến nay, tiến trình cho RCEP diễn ra chậm chạp, vốn được kỳ vọng sẽ hoàn tất trước năm 2015.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong một lần trả lời Đài Á châu Tự do có đưa ra quan điểm về tiến trình này :
"Cho đến nay các vòng đàm phán về RCEP không đưa ra một tiến bộ đáng kể nào cả. Khi nào Trung Quốc chưa chấp nhận mở cửa thị trường, chưa chấp nhận các qui trình công khai minh bạch và có những mối quan hệ bình đẳng trong quan hệ giữa các nước thì chừng đó RCEP sẽ khó có tiến bộ."
Ông nói thêm nếu Trung Quốc không chấp nhận những điều đó thì cũng sẽ khó chấp nhận những điều khoản trong TPP.
Với Tiến sĩ Ngô Trí Long, ông cho rằng RCEP là một hiệp định do Trung Quốc tạo ra trong lúc "chưa đủ điều kiện và chưa có yêu cầu để tham gia vào một hiệp định nào đó, nhằm tìm một hướng đi mới để xâm nhập sâu hơn vào xu thế toàn cầu hoá."
Theo ông, RCEP là một cách thức đương nhiên Trung Quốc phải thực hiện và tính đến nếu không gia nhập TPP để phát triển nền kinh tế của quốc gia.
Tờ ChinaDaily cho biết trong khi đàm phán các thoả thuận kinh tế RCEP và Mậu dịch Tự do Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Vì vậy, có thể Trung Quốc sẽ hợp tác với TPP nhằm thực thi mục đích đó, nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia này sẽ là thành viên thứ 12 của TPP.
Cát Linh, phóng viên RFA
Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có cuộc gặp tại Toronto trong hai ngày 2 và 3 tháng 5 để bắt đầu những thảo luận tiến tới thực hiện hiệp ước mà không có sự tham gia của Mỹ.
11 nước thành viên TPP, ngoại trừ Hoa Kỳ, họp tại Chile hôm 15/3/2017. AFP photo
Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong nhóm sẽ dẫn đầu cuộc thảo luận. Cuộc gặp được cho là để chuẩn bị cho cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến tổ chức ở Việt Nam từ ngày 20 đến 21 tháng 5 tới.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề TPP của Nhật, Nobuteru Ishihara cho báo chí biết hôm thứ sáu 28 tháng tư qua rằng Canada đã yêu cầu Nhật bản đóng vai trò chính trong TPP.
Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng tổ chức ở Chile hồi tháng 3 vừa qua, 11 nước đã ra một tuyên bố chung khẳng định cam kết tham gia của các nước vào TPP. Không có những thay đổi lớn trong thỏa thuận TPP sau khi Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định này. Có 3 trường hợp có thể xảy ra liên quan đến những thay đổi trong thỏa thuận bao gồm yêu cầu hiệp định đi vào hiệu lực sau khi 6 nước đóng góp 85% GDP của cả khối, hoàn tất các thủ tục trong nước để tham gia hiệp định. Các nước cũng có thể tiến hành thảo luận lại các nội dung của TPP bao gồm các quy định về đầu tư. Khả năng thứ ba là thành lập một khu vực tự do thương mại mới bằng việc kết nạp thêm các nước vào TPP. Một số nước Nam Mỹ trong hiệp định đang nhắm đến việc kết nạp Trung Quốc vào TPP.
Nhân danh quốc tế, Trung Quốc dọa Izumo xuống Biển Đông (Đất Việt, 26/03/2017)
Trước kế hoạch tàu Izumo xuống Biển Đông, Trung Quốc nhân danh các quốc gia quanh Biển Đông cảnh báo sẽ không để Nhật khiến khu vực dậy sóng.
Kế hoạch
Tuyên bố được phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đưa ra, nước này sẽ có những biện pháp đáp trả cần thiết nếu Nhật Bản triển khai chiếc tàu chiến lớn nhất của họ, tàu sân bay chở trực thăng Izumo, xuống Biển Đông.
Bà Hoa cáo buộc, Nhật Bản đã và đang tạo nên nhiều vấn đề và gây chia rẽ tại Biển Đông, "gây phản ứng giận dữ từ công chúng Trung Quốc". Tokyo nỗ lực hiện diện quân sự tại Biển Đông đã biểu lộ một mối đe dọa đối với lợi ích của Trung Quốc và gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Vị quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, các quốc gia ngoài khu vực phải tôn trọng "nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực", đồng thời đe dọa sẽ có những biện pháp đáp trả sự việc này.
Chiếc tàu Uzumo đầu tiên của Nhật Bản.
Hồi giữa tháng 3/2017, trong lễ tiếp nhận chiếc tàu lớp Izumo thứ mang tên Kaga, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, lực lượng phòng vệ trên biển của nước này có kế hoạch sẽ triển khai chiếc tàu sân bay chở trực thăng Izumo hoạt động dài ngày trên biển trong thời gian 3 tháng ở khu vực Biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo kế hoạch, chiếc tàu chiến lớn nhất của hải quân Nhật Bản sẽ có các điểm dừng chân tại các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông là Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka để kiểm tra khả năng của tàu trước khi tham gia cuộc diễn tập hải quân chung Malabar với Mỹ và Ấn Độ.
Tàu khu trục chở trực thăng (tàu sân bay trực thăng) lớp Izumo là chiến hạm tác chiến viễn dương đa năng hiện đại, có lượng giãn nước lớn hơn tàu sân bay trực thăng HMS Ocean của Anh. Tuy là tàu đổ bộ trực thăng nhưng lớp tàu này được thiết kế theo mô hình hiện đại của tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ.
Tàu sân bay trực thăng này có đầy đủ tính năng tổng hợp của tàu đổ bộ, tàu chống ngầm, tàu chỉ huy, tàu bổ trợ hậu cần và tàu bệnh viện, khả năng tác chiến nổi trội của nó là năng lực chống ngầm, chống tàu mặt nước, phòng không và năng lực đổ bộ, khiến năng lực tác chiến của Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản được nâng lên một tầm cao mới.
Cách dùng của Nhật Bản
Theo nhận định của một số chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc phản ứng mạnh trước kế hoạch tàu Izumo xuống Biển Đông xuất phát bởi sức mạnh hiếm có của bản thân chiếc tàu này và mục đích sử dụng chúng của Nhật Bản chưa thực sữ rõ ràng đang khiến Trung Quốc lo lắng.
Nhật Bản có thể sử dụng Izumo làm phương tiện chuyên chở máy bay trực thăng vận chuyển hải quân đánh bộ, đổ bộ tấn công tầm xa. Các đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đều có diện tích rất nhỏ, không tiện triển khai mô hình đổ bộ tấn công quy mô lớn, sử dụng nó làm phương tiện vận chuyển trực thăng, sẽ nâng cao hiệu quả của phương thức đổ bộ vuông góc hoặc đổ bộ lập thể.
Tuy nhiên, sử dụng Izumo theo cách này chỉ áp dụng với những đối thủ yếu hơn, không có khả năng tấn công đáp trả, còn gặp những đối thủ mạnh như Trung Quốc, các máy bay chiến đấu và tàu chiến của họ sẽ dễ dàng đối phó với trực thăng đổ bộ và "làm thịt" tàu sân bay này.
Ngoài ra, Nhật Bản có thể sử dụng theo mô hình tàu đổ bộ tấn công, mang theo máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ. Cách sử dụng này được một số chuyên gia quân sự ưa chuộng bởi biên chế kiểu này sẽ tăng cường khả năng tấn công vào lục địa của đối phương và kiểm soát không phận trên biển, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn.
Hiện nay, Nhật Bản cũng có các tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn lớp Hyuga có khả năng mang theo các máy bay vận tải đổ bộ hạng nặng như MV-22 Osprey, nếu DDH-183 Izumo được sử dụng theo cách thứ nhất sẽ lãng phí chức năng tấn công của một tàu đổ bộ mặt boong phẳng hiện đại.
Căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa Bộ Quốc phòng Nhật và chính phủ Mỹ, lô máy bay F-35 đầu tiên sẽ được bàn gia cho Nhật vào năm 2017, nếu Nhật trang bị phiên bản F-35B trên tàu sân bay này, năng lực tác chiến thống nhất không - hải, của lực lượng phòng vệ Nhật sẽ được nâng lên rất mạnh.
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản và Trung Quốc đều cho rằng, trong tương lai DDH-183 Izumo sẽ được trang bị F-35B, có tính năng vượt trội so với tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc. Do đó, mỗi tàu lớp Izumo đều có khả năng tấn công cao gấp đôi so với tàu sân bay Trung Quốc.
Vì vậy, sử dụng Izumo theo hướng thứ 2 là hợp lý và cực kỳ hiệu quả, vì hiện nay Nhật chưa có phương tiện mang máy bay tác chiến tầm xa. Nếu các tàu đổ bộ lớp Izumo được sử dụng theo hướng này sẽ là cánh tay nối dài của máy bay Nhật Bản, khống chế toàn bộ không phận biển Hoa Đông.
Trước đây, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cũng đã từng bày tỏ sự quan ngại khi Nhật bản biên chế tàu DDH-183 Izumo và trang bị F-35B. Ông này cho rằng, đây là mô hình tác chiến mà Trung Quốc quan ngại nhất, Izumo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện tranh chấp ở Hoa Đông và những vùng biển lân cận.
Tuấn Hưng
********************
Thủ tướng Lý Hiển Long : TPP không phải là tất cả (VOA, 26/03/2017)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) phát biểu trong buổi họp báo chung với người đồng cấp bên phía Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
"Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) quan trọng, nhưng nó không phải là cách duy nhất để tăng cường tự do thương mại", ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore phát biểu trong buổi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trả lời báo chí hôm 24/03 vào lúc kết thúc chuyến công du 4 ngày tới thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông "khuyến khích" Việt Nam hãy có hướng tiếp cận "nhìn tới phía trước" đối với RCEP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đang được bàn thảo giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Nhà lãnh đạo Singapore cho biết nước ông sẽ thông qua TPP bất chấp việc Hoa Kỳ đã rút ra khỏi danh sách 12 nước tham gia Hiệp định này. Phía Việt Nam đã hoãn việc thông qua TPP, nhưng đang theo dõi sát các động thái của các bên liên quan, ông Lý nói.
Thủ tướng Singapore và người đồng cấp bên phía Việt Nam cũng mong muốn tăng cường kết nối hàng không giữa hai quốc gia. Mỗi năm có khoảng 400.000 lượt du khách Việt đến thăm Singapore và 250.000 người Singapore sang Việt Nam. Ông Lý Hiển Long cho rằng việc dỡ bỏ các rào cản về du hành cũng như kinh doanh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước.
Theo thống kê của Singapore, thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 giảm 8,6% so với năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm tới 16,1%.
Vấn đề Biển Đông, tuy không nằm cao trong nghị trình, nhưng cũng được đưa ra thảo luận. Cả hai phía Việt Nam, Singapore đều cam kết sẽ củng cố đoàn kết trong nội bộ khối ASEAN, xây dựng khả năng cho các quốc gia thành viên để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Singapore không nằm trong các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, nhưng xung đột, nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đảo quốc vốn phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải quan trọng này.