Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Macron của năm 2017 giờ đang ở đâu ?

Kết quả vòng một của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp với tỷ lệ rất sát sao, những diễn biến chiến tranh tại Donbass với lợi thế nghiêng về phía Nga và cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, hay việc Anh Quốc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda, đó là những chủ đề chính được nhiều báo Pháp số ra hôm 14/06/2022, quan tâm. 

macron1

Tổng thống Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 10/06/2022. AP - Michel Euler

Trang nhất Libération đăng một bức ảnh biếm họa vẽ Macron lo lắng, căng thẳng cực độ, nhìn chằm chằm vào cốc nước với một vài viên thuốc bên cạnh. Libération nhắc lại Macron tái đắc cử là vì nhiều người đã bầu cho ông để ngăn chặn lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen nắm quyền. Tại vòng một bầu cử Quốc hội, Macron về đích với 25,75% tỷ lệ phiếu bầu, chỉ dẫn trước liên minh đảng của Melenchon khoảng hơn 20.000 phiếu. Trong vòng hai Chủ Nhật 19/06, liên minh Ensemble ! của Macron phải đối đầu với liên minh cánh tả của Melenchon tại 271 khu vực, nhưng cũng sẽ tranh ghế dân biểu với đảng Tập hợp Dân tộc tại 110 khu vực.

Nếu như Le Monde quan ngại về tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử lập pháp, liên tục phá kỷ lục từ những năm gần đây, vượt quá một nửa số cử tri, chiếm 52,48%, (kỷ lục này được xác lập lần đầu vào năm 2017), thì nhật báo công giáo La Croix có bài phân tích "Liên minh NUPES, thắng lợi và những hạn chế". Chỉ sau 5 tuần thành lập, Liên hiệp nhân dân sinh thái và xã hội mới NUPES của Melenchon đã giành được 25,55% phiếu bầu. Với 388 ứng viên lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử lập pháp, liên minh NUPES có thể trở thành nhóm đứng đầu hoặc thứ hai tại Quốc hội, đưa cánh tả trở lại chính trường Pháp. Thế nhưng, liên Minh NUPES sẽ không thể đạt được mục tiêu "bầu Melenchon làm thủ tướng".

Les Echos thì đặt câu hỏi : Macron của năm 2017 giờ đang ở đâu ? Một vị tổng thống trẻ tuổi muốn cải tổ, đổi mới nền chính trị quốc gia và mở rộng cánh cửa đối với tất cả chính khách từ cánh hữu cho đến cánh tả. Chiến lược tranh cử của Macron là "không có chương trình vận động tranh cử", giống như trong cuộc bầu cử tổng thống. Điều này đã dấy lên nghi ngờ cho cử tri và ngay cả nội bộ đảng. Le Monde cho rằng Macron tự rơi vào bẫy do chính ông giương ra và sự thụ động này có thể dẫn đến tình trạng "mất thực quyền" (non mandat) trong nhiệm kỳ này.

Trang nhất báo Le Figaro chạy tựa "Đối mặt với Melenchon, Macron tìm kiếm chiến lược". Mục "Giải mã" của tờ báo nhận định rằng đã đến lúc Macron khoác lại tấm áo của thủ lĩnh chiến tranh mà ông đã cất trong tủ từ khi tái đắc cử. Không ai biết có phải trùng hợp hay không, nhưng trong tuần này, Macron có chuyến công du 2 ngày, gặp gỡ binh lính Pháp tại căn cứ NATO ở Romania và thăm Moldova, hai quốc gia láng giềng của Ukraine. Figaro cũng đề cập đến khả năng Macron đến Kiev, nhưng hiện giờ lịch trình chính thức vẫn chưa được công bố. 

Theo Le Figaro, sau kết quả về đích sát nút với đối thủ cực tả Mélenchon, tổng thống đương nhiệm không muốn mất thì giờ. Ngay từ hôm qua, Macron bắt đầu tấn công vào chương trình tranh cử của Mélenchon, nêu lên những khác biệt quan điểm về vị trí của NATO và vai trò của một Liên Âu toàn vẹn, hai chủ đề mà Mélenchon thường né tránh. Những người thân cận của Macron cũng bắt đầu lên tiếng, đưa ra định hướng bầu cử. Người thì kêu gọi bỏ phiếu trắng nếu đảng Tập hợp Dân tộc của Marine Le Pen và Liên minh NUPES đối đầu ở vòng hai, người thì kêu gọi ngăn chặn cực tả và cực hữu. 

Cả La Croix Les Echos đều cho rằng liên minh của Mélenchon không có đủ nguồn phiếu dự trữ và nếu muốn chiếm đa số tại Quốc hội, họ phải thu hút lá phiếu của người trẻ, tầng lớp lao động và cả những cử tri đã không đi bầu ở vòng một.

Trong một bài đăng cùng hồ sơ, La Croix nhận định rằng "cánh hữu đã bị hạ gục sát đất nhưng vẫn sống sót", do chỉ có 81 ứng cử viên lọt vào vòng hai. Dù kết quả vòng hai như thế nào thì cánh hữu vẫn phải nhường chỗ cho phe đối thủ. Nếu liên minh Ensemble ! của Macron không giành được đa số tuyệt đối 289 ghế, có khả năng đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa và đảng cánh trung Liên minh Dân chủ và Độc lập (UDI) sẽ hỗ trợ để có thể chiếm đa số tại Quốc hội cùng với Macron. Nhật báo công giáo kết luận rằng, cũng như các đảng khác, các đảng cánh hữu phải quyết định đưa ra các định hướng bầu cử ở vòng hai.

Chiến tranh Ukraine : Nga tiến gần đến thắng lợi tại Donbass

Về thời sự quốc tế, tình hình chiến sự tại Donbass vẫn là chủ đề được nhiều báo hôm nay quan tâm. Theo Libération, Nga xác nhận đã kiểm soát 70 % các thành phố ở Donbass. Nhật báo cánh tả trích lời của phát ngôn viên phe ly khai thân Nga tại khu vực Edouard Basourine : "Những ai vẫn còn lại, một là ra hàng, hai là chết".

Severodonetsk, trung tâm hành chính chủ yếu của Luhansk, đã phải hứng chịu những cuộc tấn công kinh hoàng của Nga từ nhiều tuần qua. Bom đạn trút xuống nhà máy hóa chất Azot lớn nhất Châu Âu, nhiều người vẫn mắc kẹt trong nhà máy, khiến người ta liên tưởng đến cuộc giao tranh ở nhà máy luyện kim Azovstal tại Mariupol. Quân đội Nga đã phá hủy hai cây cầu nối giữa Severodonetsk và Lysychansk. Libération cho biết đây là chiến lược cắt đứt giao thông đường bộ. Từ Bakhmut đến Lysychansk và Severodonetsk, lực lượng Nga tiến đến Kramatork, một thành phố lớn khác của vùng, và rồi sẽ chiếm được cả vùng Donbass.

Như vậy, đây được xem là một chiến thắng của tổng thống Nga Vladimir Putin để biện minh cho cuộc xâm lược nhằm "bảo vệ" người dân và cộng đồng người nói tiếng Nga ở vùng Donbass. Phía Ukraine cho biết, để thực hiện cuộc xâm lược này, Nga đã tiêu hao ít nhất 30 000 binh lính. Về phần mình, Moskva chưa đưa ra con số thương vong cụ thể.

Nga mở cửa cho thăm nhà máy Azovstal

Le Figaro nhắc lại bức tường thành kháng cự của quân đội Ukraine ở Mariupol. Ba tuần sau khi chiếm được nhà máy Azovstal, những người lính Ukraine cuối cùng ra hàng, quân Nga mở cửa cho phép phóng viên tham quan nhà máy.

Bóng tối bao trùm lên đống đổ nát, nhiều khu vực xung quanh nhà máy vẫn còn mìn. Những dấu vết của sự sống từng hiện diện, ngoài những chiếc giường tầng cũ nát, hay những bức tranh tô màu ngổn ngang trên mặt đất. Các ký hiệu được vẽ trên tường như "SS", "14/88"-khẩu hiệu của phong trào tân phát xít, những chiếc áo gắn huy hiệu phát xít, một số quyển sách về phong trào dân tộc chủ nghĩa được đặt trên những chiếc giường tầng. Đây dường như là thông điệp mà Nga muốn gửi đi để biện minh cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của mình.

Paris tăng cường kho vũ khí

Chiến tranh Ukraine đã cho thấy rõ những bất cập trong việc dự trữ vũ khí của nhiều nước. Với tựa đề "Paris sẽ làm thế nào để lấp đầy kho dự trữ vũ khí ?", Le Monde cho biết chính phủ Pháp đang xây dựng một văn bản luật cho phép trưng dụng nguyên vật liệu, kim loại để sản xuất vũ khí, hay trưng dụng các doanh nghiệp vào mục đích quân sự. Những doanh nghiệp liên quan có thể là các tập đoàn sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực dân sự cũng như quân sự, như Thales hay Dassault Aviation. Nếu luật được thông qua, chính phủ có thể yêu cầu tạm thời trưng dụng dây chuyền sản xuất các sản phẩm dân sự để chuyển sang quân sự.

Giới chức Pháp đang thảo luận tìm cách gia tăng kho vũ khí, đạn dược, cụ thể là các loại tên lửa, pháo, đạn và thiết bị bộ binh. Ngoài ra, Pháp cũng đầu tư các loại máy móc hiện đại, vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất thiết bị quốc phòng. Trái với Đức và Thụy Sỹ, Pháp không tính đến việc tái sử dụng các thiết bị quân sự lỗi thời, hoặc đã qua sử dụng. Theo Le Monde, cuộc chiến tại Ukraine cho thấy các thiết bị quân sự bị tiêu hao nhanh chóng như thế nào, một chiếc xe thiết giáp chỉ có thể chiến đấu trong vòng chưa tới hai tuần tại vùng Donbass. Tờ báo kết luận, nếu theo nhịp độ này, quân đội Châu Âu khó có thể đáp ứng được.

Thế giới chạy đua vũ trang hạt nhân

La Croix thì quan ngại về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân toàn cầu đã được khởi động lại. Theo báo cáo hàng năm của Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình Stockholm, số lượng vũ khí hạt nhân có thể sẽ gia tăng trong những năm tới. Nhiều yếu tố chỉ ra rằng Mỹ và Nga có thể sẽ kết thúc thời kỳ độc quyền về sản xuất vũ khí. Hiện nay hai nước này vẫn chiếm 90% số vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Tính tới đầu năm 2022, thế giới có khoảng 12.705 đầu đạn hạt nhân. Chín quốc gia (gồm Nga Mỹ, Anh Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên) tăng cường hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Trung Quốc gần đây cũng xây thêm hơn 300 hầm chứa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, Nga đã công khai cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phương Tây can dự sâu vào cuộc chiến để yểm trợ Ukraine. Do vậy theo báo cáo, việc giải trừ vũ khí hạt nhân khó có thể thực hiện được trong tương lai gần.

Hậu Brexit, Anh Quốc chạm lằn ranh đỏ với Liên Âu

Vẫn về thời sự Châu Âu, Les Echos có tựa "Bruxelles chuẩn bị đáp trả dự luật gây tranh cãi của Boris Johnson", liên quan đến việc Anh Quốc muốn thay đổi quy chế của Bắc Ireland. Ủy Ban Châu Âu cho rằng việc sửa đổi này vi phạm luật pháp quốc tế, do Anh muốn sửa đổi các quy định thuế quan và hải quan, miễn kiểm soát hàng hóa ở Bắc Ireland trong bối cảnh hậu Brexit.

Le Figaro nhắc lại rằng trong khuôn khổ thỏa thuận Brexit, Bắc Ireland vẫn nằm trong thị trường chung Châu Âu để duy trì biên giới mở của với Ireland, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Dự luật này nếu được thông qua sẽ đặt ra vấn đề về kiểm soát hải quan ở biển Ireland. Điểm gây tranh cãi nhất đó là văn bản luật muốn xóa bỏ vai trò của Tòa Án Công Lý Châu Âu tại Bắc Ireland. Đây được xem là lằn ranh đỏ mà Ủy Ban Châu Âu đã công bố rõ ràng kể từ 5 năm trước khi bắt đầu đàm phán với Anh về Brexit. 

Người nhập cư bất hợp pháp bị gửi tới Rwanda

Vẫn về thời sự Anh Quốc, Le Figaro đề cập đến vụ việc Luân Đôn gửi trả người tị nạn bất hợp pháp Rwanda, một hành động gây nhiều tranh cãi. Chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh đến Rwanda vào ngày 14/06, dựa theo hiệp ước ký kết giữa chính phủ của Boris Johnson và Rwanda, bù lại Anh sẽ hỗ trợ 140 triệu euro cho Rwanda. Chính phủ Anh cho biết quyết định này là nhằm hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp, nhất là giảm bớt số người vượt biển Manche để đến Anh, khoảng 10 000 người từ đầu năm 2022.

Khi đến Rwanda, những người này có thể xin tị nạn, nếu được chấp nhận sẽ được ở lại 5 năm và được hưởng trợ cấp và các dịch vụ xã hội. Nếu bị từ chối, họ phải tìm cách xin nhập cư ở các nơi khác, và có nguy cơ bị trục xuất khỏi Rwanda. Quyết định này đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ từ hoàng gia Anh cho đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cảnh báo rằng những người này có thể bị gửi đến các nước mà họ có nguy cơ bị hành quyết.

Chi Phương

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Quốc tế

Macron thăm Trung Quốc : "Mã" có khắc được "Long" ? (RFI, 09/01/2018)

Có hai chuyện báo chí Pháp rôm rả bàn luận bên lề về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron. Thứ nhất là món quà tặng đặc biệt dành cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thứ hai là cách đọc tên tổng thống Pháp bằng tiếng Hoa.

phap1

Vệ binh Cộng hòa trong ngày quốc khánh Pháp, 14/07/2017-Reuters

"Ngoại giao kỵ binh" đáp trả "ngoại giao gấu trúc"

Trong câu chuyện thứ nhất, báo chí Pháp hóm hỉnh nói về "ngoại giao kỵ binh" đối đáp với "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc. Để bày tỏ tình hữu hảo với đối tác Bắc Kinh, tổng thống Pháp đã mang tặng đồng nhiệm Tập Cận Bình : "Một con ngựa của đội Kỵ Binh".

Có tên gọi là "Vesuve de Brekka", chú ngựa bờm nâu 8 tuổi này vốn đến từ một trại nuôi ngựa ở vùng biển Manche và đã gia nhập đội Kỵ Binh Cộng Hòa vào năm 2012. Kèm với ngựa Kỵ Binh, tổng thống Pháp còn tặng cho chủ nhà một bộ yên và một thanh gươm có khắc dòng chữ : "Ông Emmanuel Macron – Tổng thống Cộng Hòa Pháp – Bắc Kinh – Tháng Giêng 2018" (M. Emmanuel Macron – Président de la République Française – Pékin – Janvier 2018).

Sở dĩ chủ nhân điện Elysée có món quà lạ lẫm này là vì vào năm 2014, trong chuyến công du Paris, chủ tịch Tập Cận Bình đã được đội Kỵ Binh Cộng Hòa Pháp hộ tống đến điện Invalides và ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đội kỵ binh.

Nguyên thủ Pháp tinh ý và có một "cử chỉ ngoại giao" với mong muốn "thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu hảo với nguyên thủ các nước", đồng thời nhằm đáp trả "chính sách gấu trúc" của Bắc Kinh, theo như giải thích của phủ tổng thống Pháp.

AFP nhắc lại là vào năm 2012, Trung Quốc đã cho nước Pháp mượn cặp gấu trúc, loài động vật quý hiếm được Bắc Kinh sử dụng như là một quyền lực mềm để phát huy ảnh hưởng. Kết quả của nền "ngoại giao gấu trúc" năm đó là một chú gấu trúc con đã được hạ sinh tại vườn thú Beauval vào mùa hè năm 2017. Và gấu trúc mới sinh đó còn có vinh hạnh được đích thân phu nhân tổng thống Pháp đặt tên.

"Mã" khắc "Long" ?

Câu chuyện thứ hai không kém phần thú vị là cách gọi tên tổng thống Pháp bằng tiếng Hoa. Phiên âm tiếng Hoa tên riêng Macron được viết là "Makelong", nghĩa là "Ngựa chế ngự Rồng". Một câu hỏi tuy dí dỏm nhưng không xa mấy thực tế đang được đặt ra : Liệu rằng "Ngựa" Pháp có thật sự chế ngự được "Rồng" Trung Hoa hay không ?

Câu trả lời có lẽ là "Không". Theo quan điểm của ông Jean-Louis Rocca, chuyên gia thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế CERI với đài France 24, trong nhãn quan Bắc Kinh, nước Pháp còn chưa đủ để trở thành đồng minh chiến lược. "Những nước mà Trung Quốc coi trọng là Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và trong bối cảnh hiện nay là Bắc Triều Tiên".

Với Trung Quốc, "nước Pháp như là một địa danh để vui thú điền viên mà ở đó có các thương hiệu nước hoa, thời trang và chủ nghĩa lãng mạn… Nước Pháp không được xem như là một đối tác chính trị đặc biệt quan trọng. Ngay tại Châu Âu, nước Đức cũng xem xét cẩn trọng điều này".

RFI tiếng Việt

*****************

Chìa khóa của Pháp để mở cửa thị trường Trung Quốc (RFI, 09/01/2018)

Tái cân bằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Pháp với Trung Quốc, tạo dựng một nền tảng mới "có lợi cho cả đôi bên" : hai trong số các hồ sơ nổi bật nhân đối thoại song phương Emmanuel Macron - Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

phap2

Tổng thống Pháp, Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ngày 09/01/2018. Reuters

Lãnh đạo Pháp đến Bắc Kinh trong bối cảnh thuận lợi : nước Mỹ của Donald Trump đang để ngỏ một chỗ trống trên bàn cờ thương mại. Nước Đức của thủ tướng Merkel, đối tác kinh tế Châu Âu quan trọng nhất đối với Bắc Kinh, lúng túng chưa thành lập được nội các. Anh Quốc bị chia trí về Brexit. Còn lại Pháp.

Kế hoạch xây dựng một khối Liên Âu vững mạnh của điện Elysée khiến Paris trở thành một đối tác đáng tin cậy trong mắt Bắc Kinh. Nước Pháp là một cửa ngõ quan trọng hơn để Trung Quốc bước vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu, tiếp cận với các công nghệ high tech của phương Tây.

Trung Quốc và Pháp "cần có nhau"

Ngay ngày đầu đến Trung Quốc, tổng thống Emmanuel Macron cam kết hàng năm sẽ trở lại thăm nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu. Chủ nhân điện Elysée nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Bắc Kinh để thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris vẫn tồn tại sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Lãnh đạo Pháp đã chọn Tây An là chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du 3 ngày trên quê hương của Tần Thủy Hoàng. Bởi trong quá khứ, Tây An từng là điểm khởi đầu của Con Đường Tơ Lụa mà từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình có tham vọng làm sống lại qua sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường. Dự án này mở rộng tới 65 quốc gia, nối liền các Châu lục Âu - Á, tổng trị giá đầu từ lên tới hơn 1.000 tỷ đô la.

Ngoài các hồ sơ chính về ngoại giao như căng thẳng tại Trung Đông hay tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên, Emmanuel Macron và Tập Cận Bình chủ yếu đề cập đến hàng loạt các vấn đề kinh tế song phương và theo như thông báo của phủ tổng thống Pháp, Paris còn chú trọng vào việc "xây dựng một mối quan hệ mới giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu" trong bối cảnh ông Macron đang tìm cách củng cố vai trò của Liên Âu trên sân khấu chính trị quốc tế.

Trên thực tế hai nền kinh tế Pháp và Trung Quốc có thể bổ sung cho nhau ở những điểm nào ?

Khoảng 50 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp tháp tùng tổng thống Macron đến BBK, trong số này phải kể đến những tên tuổi trong ngành năng lượng của Pháp như EDF, tập đoàn Areva hay tập đoàn sản xuất chiến đấu cơ Dassault, hãng máy bay Airbus...

Mỗi lần một nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh, báo chí chủ ý vào hàng loạt hợp đồng, hay thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết. Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Macron không là một ngoại lệ. Hãng tin Anh, Reuters dự báo sẽ có khoảng 50 thỏa thuận thương mại được ký kết lần này. Trung Quốc đang rất quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ hàng không của Pháp, đến các dịch vụ về y tế trên quê hương của Pasteur, đến những sáng kiến làm sạch môi trường, phát triển và quản lý đô thị, đến nền nông nghiệp của Pháp...

Nhưng không chỉ có thế : trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, David Baverez, một nhà đầu tư đang hoạt động tại Hồng Kông nêu bật những điểm mạnh của kinh tế Pháp trước ông khổng lồ Châu Á là Trung Quốc :

"Không chỉ có những sản phẩm xa xỉ - de luxe. Đừng quên rằng kinh tế Pháp có năng suất cao vào bậc nhất trên thế giới. Trung Quốc thì đang thực sự cần nâng cao năng suất. Từ nhiều năm qua, kinh tế nước này có phát triển nhưng năng suất còn rất kém cỏi. Lương nhân công còn thấp, do vậy Trung Quốc chưa thể trông cậy vào tiêu thụ nội địa để phát triển.

Mục tiêu tái cân bằng mô hình kinh tế của nước này, tức là lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy, đồng thời giảm bớt mức độ lệ thuộc vào xuất khẩu, đến nay vẫn mới chỉ là một khẩu hiệu.

Trong hoàn cảnh đó Pháp có những lợi thế để chen chân vào Trung Quốc. Pháp nói riêng, Châu Âu nói chung đang có những kỹ thuật cao đang được Trung Quốc nhòm ngó tới. Trong khi đó chúng ta biết rằng, nước Mỹ của Donald Trump đang đóng với Trung Quốc trên phương diện này. Điển hình là mới đây, Washington đã chận lại dự án của tập đoàn Alibama muốn thâu tóm MoneyGram, một công ty trong lĩnh vực chuyển tiền qua mạng.

David Baverez mùa xuân năm nay cho phát hành cuốn sách nói về quan hệ Pháp và Trung Quốc mang tựa đề "Paris-Pékin Express, la nouvelle Chine racontée au furur Président"- một dạng "Cẩm nang để nói với tổng thống tương lai của nước Pháp về một nước Trung Quốc Mới". Trong mắt David Baverez đó là nơi có phép lạ giải quyết công việc làm cho 200 triệu người từ thôn quê lên thành thị kiếm sống ; không chỉ khát dầu hay nguyên liệu, Trung Quốc còn là một nền kinh tế rất "khát công nghệ".

Trong bối cảnh đó nhà đầu tư người Pháp này cho rằng, chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Macron đang diễn ra trong những điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết.

Thứ nhất, tại Hoa Kỳ tổng thống Trump không bỏ lỡ một cơ hội để nhắc lại khẩu hiệu đã giúp ông đắc cử : America First và đòi đóng cửa biên giới nước Mỹ với hàng hóa nước ngoài cạnh tranh bất bình đẳng với các sản phẩm của Mỹ. Thứ hai, nhìn đến đối tác kinh tế quan trọng nhất quan trọng nhất của Bắc Kinh là Vương Quốc Anh, thì từ khi người dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu Trung Quốc tránh "bỏ hết trứng vào một giỏ" và tìm những bãi đáp mới để dễ làm ăn với 27 thành viên còn lại trong gia đình Châu Âu, một thị trường với hơn 500 triệu dân thiết yếu cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc.

Sau cùng, với nước Đức, một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới mà cán cán thương mại của Trung Quốc bị thâm hụt – thì thành trì Angela Merkel có phần bị lung lay : hơn bốn tháng sau khi đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ tư, bà Merkel vẫn đang tìm kiếm đối tác để thành lập một chính phủ liên minh.

Trước một Donald Trump có tính khí thất thường, một Angela Merkel đang lúng túng vì chính trị nội bộ và một Theresa May bị cuốn hút vào vòng xoáy của Brexit, giới quan sát cho rằng, Emmanuel Macron đang trở thành một đối tác đáng tin cậy trong mắt ông Tập Cận Bình, và Pháp sẽ tiếp tục là một cánh cửa quan trọng mở ra thị trường Liên Hiệp Châu Âu cho Bắc Kinh.

Tái cân bằng quan hệ và giao thương "hai chiều"

Nhưng nói như vậy không phải là Paris đứng về phía Bắc Kinh một cách vô điều kiện. Đành rằng trước khi hội kiến ông Tập Cận Bình, Emmanuel Macron nhấn mạnh Trung Quốc là một đối tác quan trọng của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, tương lai của Hoa Lục và Lục Địa Già gắn bó với nhau. Ông mong muốn Pháp và Liên Âu không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21. Nhưng đấy phải là "những con đường để các bên cùng chia sẻ, chứ không thể là những con đường một chiều" và "dự án đó không thể đặt các quốc gia đặt một số quốc gia trong thế chư hầu của một chính sách bà quyền".

Bên ngoài những lời lẽ nhã nhặn và thành thật khi Paris cảm ơn Bắc Kinh nỗ lực trên mặt trận chống biến đổi khí hậu, tổng Macron đến Trung Quốc lần này với một thông điệp rất rõ ràng : Pháp mong muốn cân bằng lại quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Pháp là điểm đầu tư lớn thứ nhì của Trung Quốc trên Lục Địa Già, nhưng luôn trong thế nhập siêu so với ông khổng lồ Châu Á này. Thâm hụt cán cân thương mại của Pháp với Trung Quốc liên tục gia tặng, vượt quá ngưỡng 30 tỷ euro trong năm 2016. Con số này như vậy là cao hơn gấp đôi so với nhà cung cấp lớn nhất của Pháp là Đức.

Trung Quốc chỉ đứng hạng 8 trong số các thị trường mua hàng của Pháp. Dù là nước đông dân nhất địa cầu nhưng tới nay Trung Quốc mới chiếm có 6 % tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch với Pháp. Để so sánh, thì Đức với 85 triệu dân mua vào 17 % hàng made in France. Một chỉ số khác rất tiêu biểu cho thế bất cân đối trong giao thương hai chiều : nếu như đến cuối 2016 đã có 1.600 doanh nghiệp Pháp sang Trung Quốc làm ăn, thì ngược lại mới có khoảng 700 đơn vị đại diện cho cả Trung Quốc lẫn Hồng Kông có mặt trên đất của các chú Gà Trống Gaulois.

Nhìn rộng ra hơn ngoài phạm vi nước Pháp, theo thống kê của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh được công bố hồi tháng 9/2017 : trong năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu tăng 77 % trong lúc vốn của Châu Âu đổ vào Trung Quốc giảm 1/4.

Tới nay Bắc Kinh luôn hứa hẹn mở cửa cho các công ty nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhâu Âu, Mỹ sang Trung Quốc làm ăn. Trên thực tế, theo phân tích của chuyên gia Pháp về Trung Quốc bà Alice Ekman – Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, Liên Hiệp Châu Âu dễ dàng mở cửa cho các công ty Trung Quốc đến Lục Địa Già. Còn doanh nhân Châu Âu thì vất vả hơn khi cắm rễ tại Hoa Lục.

Thanh Hà

**********************

Paris - Bắc Kinh : Thỏa thuận xây dựng nhà máy xử lý chất thải hạt nhân tại Trung Quốc (RFI, 09/01/2018)

Ngày 09/01/2018 tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh chứng kiến lễ ký kết văn bản ghi nhớ thỏa thuận xây dựng tại Trung Quốc một nhà máy xử lý chất thải hạt nhân của Areva. Chi phí dự án lên đến khoảng 10 tỷ euro.

phap3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh ngày 09/01/2018. Reuters/Ludovic Marin/Pool

Ngoài ra, một loạt các hợp đồng kinh tế, hợp tác khoa học công nghệ sẽ được ký kết nhân chuyến đi này đặc biệt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Thông tín viên Heike Schmidt tại Bắc Kinh tóm lược :

"Một quỹ đầu tư Pháp-Trung trị giá 1 tỷ euro sẽ được dùng để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Một chương trình trao đổi sẽ giúp cho 20 tài năng Trung Quốc, 20 tài năng Pháp về công nghệ cao được hoàn thiện các kiến thức nghiên cứu của họ tại hai nước.

Lĩnh vực y tế dự phòng, xe hơi không người lái, chế tạo robot hỗ trợ người già… trí thông minh nhân tạo đã có mặt trong khắp các dự án. Nhưng tổng thống Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng công nghệ phải nhằm mục đích phục vụ con người.

Tuy vậy, giờ đây Trung Quốc còn sử dụng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo vào phục vụ việc kiểm soát gần như toàn bộ công dân nước họ. Nhờ các phần mềm nhận dạng và hàng triệu camera giúp nhận diện hơn một tỷ người dân, cảnh sát Trung Quốc có thể can thiệp trước khi tội phạm xảy ra.

Bắc Kinh cũng đang triển khai một hệ thống tín nhiệm xã hội, đánh giá cách ứng xử và thái độ chính trị của từng người dân. Những ai càng có thái độ phê phán chính sách của đảng và Nhà nước thì họ càng khó khăn trong việc học hành, sinh hoạt.

Bắc Kinh đặt chỉ tiêu từ nay đến 2025, công nghệ trí thông minh nhân tạo sẽ cần đầu tư 150 tỷ euro".

Anh Vũ

Published in Quốc tế