Iran can dự vào cuộc chiến, phương Tây tiếp tục trói tay Ukraine ?
Không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, phương Tây tuy hậu thuẫn mạnh mẽ Kiev trong cuộc chiến tranh vệ quốc, nhưng lại đặt ra những hạn chế trong việc sử dụng vũ khí viện trợ. Theo La Croix ngày 12/09/2024, gần đây việc Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về những lằn ranh đỏ lâu nay.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu trong lễ chuyển giao các hỏa tiễn đạn đạo cho quân đội ở Tehran ngày 22/08/2023 via Reuters – Wana News Agency
Bà Kamala Harris áp đảo ông Donald Trump trong cuộc tranh luận truyền hình, trong khi nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên Dân Chủ. Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về những hạn chế về đạn pháo tầm xa đặt ra cho Ukraine. Đó là các chủ đề được báo chí phân tích nhiều hôm nay.
Ukraine vất vả đối phó với hỏa tiễn đạn đạo
Từ nhiều tuần qua, toàn quốc Ukraine phải chịu đựng những trận bão lửa. Kharkiv bị oanh tạc ngày càng nhiều, tại Poltava ở miền trung 55 thường dân đã thiệt mạng và 300 người bị thương, trước đó một bệnh viện nhi bị oanh kích… Mỗi lần như vậy hệ thống phòng không đều chặn được đa số nhưng không thể tránh được tất cả.
Tổng thống Volodymyr Zelensky sau đợt oanh tạc quy mô của Nga hôm 26/08 với 236 hỏa tiễn và drone, đã viết trên X : "Nga tiếp tục một cuộc chiến hèn nhát đánh vào thường dân, đó là tội ác chiến tranh". Ông đòi hỏi được dùng vũ khí phương Tây để tấn công các căn cứ Nga, nhằm ngăn chận những vụ oanh kích vào Ukraine. Dân biểu đối lập Andrey Osadchuk nhấn mạnh : "Chặn những mũi tên là một chuyện, nhưng còn phải trừ khử cả cung thủ".
Hiện giờ Kiev sở hữu ít nhất 2 hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất và 7 Iris-T của Đức. Theo thủ tướng Olaf Scholz, với số giàn Iris-T đang có, Ukraine đã hạ được trên 250 hỏa tiễn và drone Nga. Nhưng hệ thống này không thể chặn hỏa tiễn đạn đạo mà chỉ những tên lửa bay thấp hay drone tầm xa. Kiev cần ít nhất 10 giàn Patriot, và cũng không thể bảo vệ cả nước mà phải chọn ra những ưu tiên. Sở dĩ Ukraine còn chống chọi được là nhờ những hệ thống phòng không cũ, tuy thô sơ nhưng có số lượng nhiều, chặn được những loại tên lửa kém tân tiến. Tư lệnh lục quân Oleksandr Pavliuk cho biết chỉ riêng trong tháng 8, lực lượng Ukraine đã bắn hạ 5 phi cơ, 2 trực thăng, 1.539 drone và 150 hỏa tiễn của Nga.
Tehran đã can dự vào cuộc chiến, phương Tây tiếp tục trói tay Kiev ?
Trong bài xã luận "Một cuộc xung đột đã vượt ra bên ngoài", La Croix nhận định Iran đã trở thành bên tham gia trong cuộc chiến đang hoành hành ở Ukraine. Ngoài các drone Shahed, Tehran còn cung ứng hỏa tiễn đạn đạo Fath 360 cho Nga - và bị Đức, Pháp, Anh cùng lên tiếng cáo buộc. Hậu quả là cả ba nước đồng loạt loan báo những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Sự can dự này có thể làm lung lay những lằn ranh đỏ mà các nước phương Tây tự đặt ra khi viện trợ cho Kiev.
Sự hậu thuẫn của phương Tây trong cuộc chiến tranh vệ quốc từ tháng 2/2022 là vô cùng quan trọng, nhưng các nước đều không muốn đối đầu trực tiếp với Nga. Một sự thận trọng tuy có thể thông cảm trước kho vũ khí nguyên tử khổng lồ của Moskva, nhưng lại không thể giúp Ukraine khóa được không phận nhằm bảo vệ hiệu quả lãnh thổ. Kiev cũng không thể tấn công vào sâu lãnh thổ của địch, nhất là các phi trường và căn cứ quân sự là nơi xuất phát các chiến đấu cơ bay đi oanh tạc Ukraine. Tóm lại, phương Tây giúp Ukraine tự vệ nhưng không giúp tấn công.
Sự yểm trợ quân sự của Iran cho Nga, thêm vào việc Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí và đạn pháo, có thể làm thay đổi quan điểm. Cuộc chiến tranh Ukraine không chỉ là của Châu Âu. Nga đang dần hình thành một liên minh - trong đó Moskva rất muốn đưa Bắc Kinh vào - với mục tiêu rõ rệt là gây bất ổn cho môi trường quốc tế và các quy định căn bản để sống chung hòa bình, bằng những biện pháp hiếu chiến. Cuộc chiến đã vượt ra bên ngoài biên giới, khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về các lằn ranh đỏ.
Nhà đối lập Nga Kara-Murza : Hậu Putin và "một nước Nga khác"
Cũng liên quan đến Nga, trả lời phỏng vấn của Le Monde, nhà đối lập Vladimir Kara-Murza vừa được trả tự do, nhấn mạnh "Cần phải chuẩn bị cho thời kỳ hậu Putin". Bị kết án 25 năm tù tại Nga, Vladimir Kara-Murza, 43 tuổi, hôm 01/08 đã được thả cùng với 15 tù chính trị khác, trong cuộc trao đổi lớn nhất với phương Tây kể từ sau chiến tranh lạnh.
Sau khi được phóng thích, nhà đối lập Nga đã gặp gỡ các tổng thống Hoa Kỳ, Pháp, Phần Lan, thủ tướng Đức và kêu gọi sẵn sàng làm việc với "một nước Nga khác" chống lại chiến tranh. Tại Paris, ông cho biết về dự án đoàn kết lại đối lập và lập ra một "lộ trình" cho tương lai một nước Nga dân chủ. Nhà đối lập đặt ra hai vấn đề đối với các nhà lãnh đạo đã được tiếp xúc.
Trước hết là các tù nhân chính trị trong gu-lắc của Putin, ước tính có trên 1.300 người tại Nga và 2.000 ở Belarus, chưa kể các tù binh chiến tranh Ukraine. Không chỉ là bất công, mà còn là chuyện sống chết. Chẳng hạn Alexei Gorinov, người đầu tiên bị kết án vì phản đối cuộc xâm lăng Ukraine, đã trên 60 tuổi, chỉ còn một lá phổi, bị giam cầm trong tình trạng khắc nghiệt. Hoặc Maria Kolesnikova, nhà đối lập Belarus, hiện không biết còn sống hay không.
Thứ đến, cần nghĩ về tương lai. Không nên lặp lại sai lầm của thập niên 90 : không dứt khoát thực sự với quá khứ cộng sản, không ai bị quy trách nhiệm và kết án.
Khi chế độ Putin kết thúc, cần mở ra các kho lưu trữ, sẵn sàng đưa ra tòa những kẻ phạm các tội ác tại Ukraine và cả đối với nhân dân Nga, như vụ ám sát nhà đối lập Boris Nemtsov hay cái chết bí ẩn trong tù của Alexei Navalny. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga được gia nhập Hội Đồng Châu Âu nhưng chỉ có động thái mang tính biểu tượng đó mà thôi. Một nước Nga hậu Putin cần được hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Nếu Châu Âu muốn sống trong hòa bình, thì chỉ khả thi với một nước Nga tự do dân chủ.
Bắc Kinh mua chuộc nhiều cựu lãnh đạo Châu Âu
Nhìn sang Trung Quốc, Le Monde nhận định từ "Con đường tơ lụa mới" đến công nghệ xanh, Bắc Kinh tiếp tục chiến lược lũng đoạn Châu Âu, tìm cách lấy lại ảnh hưởng sau trận đại dịch toàn cầu vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán. Tờ báo đưa ra một ví dụ : "Mr Revolving Door", biệt danh được gán cho Günther Oettinger, từng là ủy viên Châu Âu ba nhiệm kỳ và là một nhân vật trong CDU - đảng bảo thủ của bà Angela Merkel, nay chuyển sang nghề vận động hành lang ở Bruxelles.
Nhưng cuối tháng 8, người ta ngỡ ngàng khi cựu ủy viên được Shein, tập đoàn Trung Quốc về thời trang "siêu rẻ" tuyển mộ. Không chỉ vì Oettinger từ 2010 đến 2019 từng phụ trách các hồ sơ quan trọng là năng lượng, kinh tế kỹ thuật số rồi đến ngân sách ; nhưng nay lại làm giàu bằng cách lên tiếng chống lại những chính sách mà chính mình đã tham gia thiết lập. Sự bàng hoàng chủ yếu vì ông chủ mới của cựu ủy viên là Trung Quốc, "đối thủ mang tính hệ thống" của Liên Hiệp Châu Âu (EU) và là kẻ cạnh tranh tàn khốc, mà chính sách lũng đoạn được tất cả cơ quan tình báo phương Tây theo dõi.
Trước đó đã có một tiền lệ đáng buồn : Gerhard Schröder, thủ tướng Đức (1998-2005), bị Vladimir Putin và món lợi khổng lồ từ Gazprom thu hút. Cuộc xâm lăng Ukraine năm 2022 làm hại cho nỗ lực của ông ta, nhưng nay cựu thủ tướng dù đã 80 tuổi vẫn đem khả năng phục vụ cho Trung Quốc, trong hội đồng cố vấn của China Investment Corporation. Nhà nghiên cứu Abigaël Vasselier ở Berlin nhấn mạnh, việc chiêu mộ giới tinh hoa Châu Âu nằm trong chiến lược của Đảng cộng sản Trung Quốc, được triển khai cùng với "Con đường tơ lụa mới" trong thập niên 2010.
Từ "Con đường tơ lụa mới" đến công nghệ xanh
Chẳng hạn ở Ý năm 2019, Michele Geraci, thứ trưởng phụ trách phát triển kinh tế sau khi giảng dạy ở Trung Quốc đã trở thành sợi dây liên lạc, dẫn đến việc chính phủ Ý ký bản ghi nhớ với Bắc Kinh, biến Ý thành quốc gia Châu Âu duy nhất tham gia chương trình này. Chính phủ Giorgia Meloni cuối 2023 đã từ bỏ ý định.
Tại Ba Lan, cựu phó thủ tướng Janusz Piechocinski tiếp tục ca ngợi các công ty Trung Quốc, nhưng ông ta có vẻ cô đơn. Cộng hòa Czech, có thời là cửa ngõ giúp Trung Quốc vào Châu Âu nhờ sự vận động của nhiều dân biểu và đặc biệt là tổng thống Milos Zeman, đã thay đổi hẳn chính sách - và cả tổng thống. Cựu thủ tướng Anh David Cameron, người xúc tiến "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ với Bắc Kinh đã phải từ bỏ việc lập ra một quỹ đầu tư 1 tỉ đô là với tài trợ từ Trung Quốc.
Vẫn còn những nhân vật thân Bắc Kinh như Viktor Orban ở Hungary, Aleksandar Vucic ở Serbia, José Luis Rodriguez Zapatero ở Tây Ban Nha. Tại Pháp, ngoài cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, "người bạn của Trung Quốc" nổi tiếng nhất, còn có những chính khách như Dominique de Villepin, Jean-Louis Borloo, Jean-Marie Le Guen có cổ phần trong nhiều công ty Trung Quốc. Cựu chủ tịch trường Bách Khoa Jacques Biot nay là chủ tịch hội đồng quản trị Huawei France - Huawei vốn là một trong những véc-tơ của chiến lược Trung Quốc.
Việc mua chuộc vẫn bằng tiền bạc và phỉnh nịnh, nhưng đã có thay đổi sâu sắc. Ngày nay Trung Quốc không dùng chiêu bài "Con đường tơ lụa mới", mà với tư cách nhà vô địch về công nghệ, nhất là sinh thái, vốn rất thu hút đối với giới tinh hoa Châu Âu. Nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cảnh báo, không nên để lệ thuộc vào công nghệ Trung Quốc như Châu Âu từng bị lệ thuộc vào khí đốt Nga. Khi tìm cách lấy lại vị thế, Bắc Kinh vấp phải một cản ngại lớn : cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong đó Trung Quốc đứng bên cạnh Nga.
Thần tượng ca nhạc Taylor Swift ủng hộ Kamala Harris
Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các báo đều chú ý đến việc nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift công khai ủng hộ bà Kamala Harris. Thần tượng của nhiều người Mỹ đã chọn đúng thời điểm sau cuộc tranh luận được đánh giá là rất thành công của ứng cử viên Dân Chủ để đưa ra ý kiến. Libération nhận định Taylor Swift đã vào cuộc sau một thời gian dài không tiết lộ sự chọn lựa của mình.
Siêu sao đăng lên Instagram đúng ba câu và nhận được 8 triệu like, tính đến chiều thứ Tư. Cô viết : "Tôi bầu cho Kamala Harris vì bà tranh đấu cho các quyền và lý tưởng, mà theo tôi, cần một chiến binh để bảo vệ. Tôi nghĩ rằng bà là một nhà lãnh đạo ổn định và tài năng, và tôi tin là chúng ta có thể hoàn thành được nhiều việc hơn tại đất nước này, nếu được lãnh đạo trong sự an hòa chứ không phải hỗn loạn". Thêm vào đó, Taylor Swift còn đăng ảnh bên cạnh chú mèo Benjamin Button, rõ ràng là nhằm nhắc đến tuyên bố của J.D. Vance, người đứng chung liên danh với ông Donald Trump, về "các phụ nữ già không con sống với mèo".
Theo tờ báo, ê-kíp đảng Dân Chủ có thể mở sâm-banh : từ nhiều tháng qua, cả hai bên đều chú ý đến thái độ của nữ ca sĩ có trên 280 triệu người theo dõi. Vòng lưu diễn "The Eras Tour" của cô thu được trên 1 tỉ đô la, và trên Spotify hàng tháng cô có 100 triệu thính giả trung thành. Một số nhà phân tích cho rằng Taylor Swift và cộng đồng "Swifties" của cô có thể ảnh hưởng đến bầu cử. Tuy thần tượng không kêu gọi các fan bỏ phiếu như mình, nhưng thông điệp này không hoàn toàn trung lập : năm ngoái, sau lời kêu gọi đi bầu, trang vote.org ghi nhận thêm 35.000 cử tri mới trong vòng 24 giờ.
Giáo hoàng Francis thành ngôi sao ở Đông Timor
Một "ngôi sao" khác : Giáo hoàng Francis được đón tiếp trọng thể ở Đông Timor. Đất nước nhỏ bé này chỉ có 1,3 triệu dân, nhưng khi phân nửa dân số tập trung lại ở một khu đất vài hecta thì vô cùng ấn tượng, với một rừng dù màu vàng và trắng - màu cờ Vatican. Đến 600.000 người Đông Timor cùng đồng thanh đáp "Amen" khi Giáo hoàng chủ tế một thánh lễ lịch sử tại quốc gia dân chủ non trẻ, có đến 97% dân số theo Công giáo. Có người đến từ đêm hôm trước để được đứng gần nơi hành lễ. Nhà nước Đông Timor tuyên bố ba ngày nghỉ lễ trong dịp này.
Ngài không phải là Giáo hoàng đầu tiên đến đây, nhưng khi Giáo hoàng John Paul II tông du năm 1989, Đông Timor còn là một tỉnh của Indonesia. Sự hiện diện của Giáo hoàng là thông điệp hy vọng cho một dân tộc bị đàn áp, và là một cách gây áp lực với Indonesia, đã xâm lăng nước này sau khi thực dân Bồ Đào Nha rút đi năm 1975. Đông Timor chỉ chính thức độc lập từ 2002, ba năm sau khi quân đội Indonesia triệt thoái, để lại phía sau một đất nước hoang tàn. Chuyến thăm của Giáo hoàng John Paul II đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh, đồng thời mang lại vầng hào quang cho Giáo hội : sau đó người dân Đông Timor ồ ạt theo đạo Công giáo.
Thụy My
Tổng thống Ukraine Zelensky thăm cấp Nhà nước tại Pháp, tìm kiếm hậu thuẫn quân sự
Minh Anh, RFI, 07/06/2024
Hôm nay, 07/06/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Pháp, một ngày sau khi dự lễ tưởng niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie. Nguyên thủ Ukraine được tổng thống Pháp tiếp đón tại điện Elysée để thảo luận về những "nhu cầu" của Kiev để đối phó với Moskva.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phu nhân Olena Zelenska tại lễ tưởng niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie, bãi biển Omaha, Saint-Laurent-sur-Mer, Normandie, Pháp, ngày 06/06/2024. Reuters - Benoit Tessier
AFP cho biết, trước cuộc gặp với đồng nhiệm Pháp, tổng thống Ukraine đã có bài phát biểu 20 phút trước Quốc Hội Pháp ở điện Bourbon. Trước sự hiện diện của các nghị sĩ, tổng thống Zelensky lấy làm tiếc rằng "Châu Âu không còn là một châu lục yên bình". Khi coi tổng thống Nga Vladimir Putin là "kẻ thù chung" của Ukraine và Châu Âu, ông Zelensky hối thúc các đồng minh "làm nhiều hơn" để hỗ trợ Kiev trước cuộc chiến xâm lược của Nga.
Theo Le Monde, sau bài phát biểu ở Quốc Hội Pháp, tổng thống Ukraine có cuộc gặp với bộ trưởng Quân Lực Pháp Sebastien Lecornu, tham quan cơ sở sản xuất vũ khí Pháp – Đức của KNDS ở Versailles gần Paris. KNDS là một trong số các ngành công nghiệp quốc phòng chính yếu tại Châu Âu chuyên về các trang thiết bị quân sự trên bộ như chế tạo xe tăng chiến đấu, hệ thống đại pháo cũng như là loại đại bác Caesar mà Pháp cung cấp cho Ukraine. Theo dự kiến, doanh nghiệp này sẽ đến lập cơ sở tại Ukraine.
Vào chiều tối hôm nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp đón đồng nhiệm Volodymyr Zelensky tại điện Elysée. Cả hai nguyên thủ sẽ có cuộc họp báo chung và ký kết nhiều thỏa thuận trước khi có bữa ăn tối. Phủ tổng thống Pháp giải thích : "Hai tổng thống sẽ đề cập đến tình hình thực địa cũng như là các nhu cầu của Ukraine trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh song phương được đúc kết ngày 16/02/2024 và Hội nghị Hỗ trợ Ukraine do điện Elysée tổ chức ngày 26/02".
Hôm qua, Nhà Trắng thông báo sẽ gởi cho Ukraine một khoản chi viện quân sự trị giá 225 triệu đô la, bao gồm đạn dược mà Kiev có thể sử dụng để đánh vào lãnh thổ Nga cũng như là bảo vệ làng mạc ở Kharkiv trước các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ Joe Biden, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC News nhân chuyến thăm Normandie, tuyên bố "không cho phép đánh sâu (đến tận 370 km) vào lãnh thổ Nga và không cho phép đánh vào Moskva, vào điện Kremlin".
Minh Anh
*****************************
Tổng thư ký NATO : Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu Nga
Reuters, VOA, 07/06/2024
Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp ở Nga để tự vệ theo luật pháp quốc tế, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong chuyến thăm Thụy Điển, thành viên mới của liên minh, hôm 7/6.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ở Stockholm
"Ukraine có quyền tự vệ", ông Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại một căn cứ quân sự gần Stockholm.
"Quyền tự vệ cũng bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ của bên tấn công, kẻ xâm lược, mà trong trường hợp này là Nga", ông nói.
Điện Kremlin trong tuần này cho biết các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga sẽ phải tính đến Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đang xem xét trang bị vũ khí cho kẻ thù của phương Tây để trả đũa.
"Đây là cuộc chiến tấn công mà Nga đã khởi sự nhằm vào nước Ukraine láng giềng hòa bình, dân chủ vốn chưa bao giờ là mối đe dọa đối với Nga", ông Stoltenberg nói.
"Không nghi ngờ gì là Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", ông Stoltenberg nói thêm.
Nguồn : VOA, 07/06/2024
*****************************
Pháp giao chiến đấu cơ Mirage 2000-5 cho Ukraine
Phan Minh, RFI, 07/06/2024
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm 06/06/2024, tuyên bố Paris sẽ chuyển giao chiến đấu cơ Mirage 2000-5 cho Ukraine và đào tạo phi công nước này trong khuôn khổ hợp tác quân sự mới với Kiev nhằm chống lại cuộc xâm lược của quân đội Nga.
Máy bay Mirage 2000-5 đang luyện tập trên không phận căn cứ không quân Tanagra, bắc Athens, Hy Lạp, ngày 23/11/2007. Associated Press – Petros Giannakouris
Chủ nhân điện Elysée trả lời đài truyền hình Pháp, được hãng tin AFP trích dẫn, cho biết sẽ cho khởi động ngay "mối quan hệ hợp tác quân sự mới với Kiev và sẽ chuyển giao chiến đấu cơ Mirage 2000-5 của nhà sản xuất Dassault cho Ukraine, cũng như đào tạo phi công nước này tại Pháp". Emmanuel Macron nhấn mạnh sẽ phải mất từ 5 đến 6 tháng để đào tạo phi công, vì vậy, đến cuối năm nay, các phi công sẽ sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, nguyên thủ Pháp không nêu rõ số lượng chiến đấu cơ sẽ được chuyển giao.
Ngoài ra, tổng thống Macron cũng thông báo Pháp sẽ huấn luyện và trang bị cho khoảng 4.500 binh sĩ Ukraine để họ có thể tự vệ khi trở về nước sau khóa huấn luyện. Ông nói : "Tổng thống Volodymyr Zelensky và bộ trưởng quốc phòng Ukraine đã kêu gọi tất cả các đồng minh hỗ trợ, nói rằng ‘cần các nước đào tạo quân đội Ukraine nhanh hơn’".
Tổng thống Macron cho biết sẽ thảo luận cụ thể với đồng nhiệm Ukraine Zelensky khi hai người hội đàm tại điện Elysée vào hôm nay 07/06.
Nhìn sang Nga, chính quyền Moskva, hôm qua, thông báo bắt giữ một công dân Pháp bị tình nghi thu thập thông tin về quân đội Nga. Người bị bắt tên là Laurent Vinatier, một nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Đối thoại Nhân đạo (HD) có trụ sở tại Thụy Sỹ. Ông Vinatier đã phủ nhận mọi cáo buộc làm gián điệp.
Phan Minh
**************************
Tổng thống Nga Putin đe dọa trang bị vũ khí cho nhiều nước để tấn công các mục tiêu phương Tây
Phan Minh, RFI, 06/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 05/06/2024, chỉ trích hành động cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine của phương Tây, và cho biết Moskva có thể trang bị cho nhiều nước khác những vũ khí tương tự để tấn công các mục tiêu của phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi tiếp các lãnh đạo cơ quan báo chí quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 05/06/2024. AP - Vladimir Astapkovich
Bình luận của chủ nhân điện Kremlin được đưa ra tại một cuộc họp báo hiếm hoi với các hãng tin nước ngoài, sau khi một số quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, bật đèn xanh cho Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, hành động mà Moskva gọi là một sai lầm nghiêm trọng.
Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết cụ thể :
"Chúng tôi chưa bao giờ đe dọa bất cứ ai", Vladimir Putin đã nói như vậy sau cái cười ngắn gọn, khi được hỏi về khả năng Đức chuyển giao tên lửa cho Ukraine và những hậu quả mà việc này có thể gây ra.
Những yếu tố được đưa ra về chủ đề này vào hôm qua rõ ràng nhằm mục đích ít nhất là răn đe và đi vào chi tiết cụ thể. Vladimir Putin nói rằng hành động khiến Moskva có thể đáp trả là việc sử dụng tên lửa tầm xa, cần có sự hỗ trợ của quân đội phương Tây, nhắm vào các mục tiêu ở Nga. Tổng thống Putin trước tiên nêu ra các thiết bị của Hoa Kỳ và Anh Quốc rồi sau đó là Pháp.
Về phản ứng sẽ được đưa ra, chủ nhân điện Kremlin đã mô tả là "không đối xứng". Xin trích, có khả năng "chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí cùng loại cho các khu vực trên thế giới, nơi có thể thực hiện các cuộc tấn công vào những cơ sở nhạy cảm của các quốc gia hành động chống Nga như vậy". Ông Putin nói thêm : "Chúng tôi hiện đang suy nghĩ về việc này".
Phan Minh
Viện trợ Ukraine : Phương Tây vượt qua ngưỡng mới
Le Monde ngày 05/06/2024 nhận định "Oanh kích vào lãnh thổ Nga, một ngưỡng mới trong sự trợ giúp Ukraine của phương Tây". Với việc cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga và sắp tới có thể gởi sang chuyên gia huấn luyện, đồng minh đã bước sang một giai đoạn cam kết mới - dù vẫn chừng mực nhưng đầy ý nghĩa.
Lính cứu hỏa chữa cháy tại một siêu thị ở Kharkiv bị Nga oanh kích vào ngày thứ Bảy 25/05/2024, lúc có nhiều người dân đi mua sắm. Reuters - Oleksandr Ratushniak
Từ nón sắt tiến lên F-16 : Cả một chặng đường dài
Những ngưỡng cửa lần lượt được vượt qua. Đã quá xa cái thời mà người ta chỉ gởi nón sắt và kính hồng ngoại, giờ đây Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch tặng cho Kiev các chiến đấu cơ F-16. Trước đây là những tranh luận về chi viện đại bác, xe tăng hạng nhẹ rồi hạng nặng, và đến hỏa tiễn tầm xa, sắp tới có thể là gởi người đến huấn luyện quân đội Ukraine tại chỗ. Mỗi một giai đoạn đều được cân nhắc theo hai yếu tố chính : thế khó của Ukraine để đẩy lùi quân xâm lược và nguy cơ leo thang.
Việc Nga oanh kích ồ ạt vào Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của Ukraine kể từ tháng 5, tiến hành từ đất Nga chứ không phải từ lãnh thổ bị chiếm đóng, đã thay đổi ván cờ. Nhiều đồng minh của Kiev rốt cuộc nhìn nhận Ukraine không thể tự vệ nếu không được đánh vào cơ sở hạ tầng quân sự - những nơi mà từ đó quân Nga tung ra những cuộc tấn công. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Anh và Pháp nhấn mạnh đến quyền tự vệ chính đáng của Ukraine. Dưới áp lực, Washington sau cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ chính quyền Biden đến 30/05 mới cho phép.
Hoàn toàn đúng theo luật pháp quốc tế, các quyết định này tuy vậy trễ tràng và hạn chế. Để tránh can thiệp sâu, nhiều nước trong đó có Pháp và Mỹ chỉ đồng ý cho quân đội Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa được chi viện tại khu vực Kharkiv, và để trả đũa những mục tiêu đã tấn công mình mà thôi. Mối quan ngại này là chính đáng nhưng theo Le Monde, việc lần lượt vượt qua giới hạn dưới áp lực địch, mạnh ai nấy làm thay vì trong khuôn khổ một chiến dịch chung hợp lý, đồng minh đã tạo cảm giác chạy theo đuôi, dành cho Moskva thế chủ động. Thế nên Kremlin không ngần ngại leo thang, bằng cớ là gia tăng chiến tranh đa diện nhắm vào Pháp những tuần lễ gần đây.
Sợ Pháp đưa quân sang Ukraine, Kremlin dọa dẫm
Về việc gởi quân sang Ukraine, Le Figaro nhận thấy tổng thống "Macron còn đang cân nhắc, nhưng chưa chi Nga đã đe dọa". Nguyên thủ Pháp chuẩn bị đưa ra đề nghị lập một liên minh gồm các nước sẵn sàng gởi người sang huấn luyện cho Ukraine.
Dù chưa có gì được thông báo chính thức, hôm qua Moskva nói rằng nếu Pháp đưa người sang, họ sẽ bị coi là mục tiêu bất chấp tư cách quân nhân hay "lính đánh thuê". Đối với chính quyền Pháp, đây là dấu hiệu Nga coi việc này là quan trọng. Nếu đề nghị này thành sự thực, đó sẽ là một liên minh đặc biệt không liên quan đến NATO. Lâu nay việc huấn luyện quân nhân cho Kiev được tổ chức rải rác ở nhiều nước, nếu tiến hành ở Ukraine sẽ đơn giản hóa về hậu cần.
Nhưng điều quan trọng theo chuyên gia Pierre Haroche của đại học Queen Mary là gởi đi thông điệp về quyết tâm trợ giúp lâu dài. "Làm thế nào nói rằng chiến tranh Ukraine liên quan đến an ninh Châu Âu nhưng lại không muốn nhận lấy rủi ro ?". Quyết định của Pháp còn tạo tác động tâm lý, biến điều khó thể nghĩ đến thành thực tế, và sắp tới có thể hỗ trợ về phòng không. Trước khi tiến hành, phương Tây còn phải quyết định nếu lực lượng phương Tây bị quân Nga oanh kích thiệt mạng thì sẽ trả đũa như thế nào. Đối với giới quân sự Pháp, câu hỏi này trước hết sẽ đè nặng lên phía Nga.
Ba ngày kỷ niệm sự kiện D-Day lịch sử
Liên quan đến các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ, Les Echos cho biết từ hôm nay cho đến thứ Sáu, nhiều buổi lễ được tổ chức tại Bretagne rồi Normandie với sự hiện diện của một số cựu chiến binh "D-Day". Việc khắc sâu ký ức càng thêm ý nghĩa vào thời điểm chiến tranh quay lại ở Châu Âu.
Khoảng 200 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch đổ bộ xuống Normandie, sẽ là những nhân chứng cuối cùng về những gì đã diễn ra ngày 06/06/1944, làm nên bước ngoặt của Đệ nhị Thế chiến. Sau đó từ ký ức sống động sẽ chỉ còn là ký ức trong sử sách đối với thế hệ sau. Sáng nay tại làng Plumelec (tỉnh Morbihan) thuộc vùng Bretagne, là nơi những lính nhảy dù đầu tiên của kháng chiến quân Pháp thuộc lực lượng Anh "Special Air Service" đặt chân đến để ngăn quân tiếp viện Đức. Sau đó đến Normandie : tại Saint-Lô, thành phố bị tiêu hủy đến 95% vì đồng minh oanh tạc.
Buổi tối, một lễ tưởng niệm tại trại giam Caen, nơi 73 tù nhân là quân kháng chiến bị Đức xử bắn khi nghe tin đổ bộ, và xác họ không bao giờ tìm thấy. Ngày mai, thứ Năm là ngày kỷ niệm chính mang tính quốc tế. Trước hết ở đài tưởng niệm Ver-sur-Mer, với sự hiện diện của quốc vương Charles III cùng hoàng hậu Camilla và thủ tướng Anh Rishi Sunak. Rồi đến nghĩa trang Colleville-sur-Mer, nơi an nghỉ của 9.387 "GI", tổng thống Mỹ Joe Biden đang thăm chính thức cấp nhà nước sẽ có mặt. Tại bãi biển đẫm máu nhất trong chiến dịch đổ bộ là Omaha Beach, đến chiều diễn ra lễ kỷ niệm với sự tham dự của nhiều nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, trong đó có Volodymyr Zelensky.
Chiến tranh Ukraine phủ bóng lên lễ kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ
Tổng thống Ukraine sau đó sẽ đến Paris để thảo luận tại Élysée về nhu cầu của đất nước mình rồi phát biểu trước Quốc hội Pháp. Ngược lại, Vladimir Putin từng hiện diện trong lễ kỷ niệm 60 và 70 năm Đồng minh đổ bộ Normandie, không được mời. Elysée còn cho biết là không có bất cứ đại diện nào của Nga được tham dự vì cuộc xâm lăng Ukraine. Cuối cùng, "cuộc hành hương mang tính biểu tượng và tưởng niệm" kết thúc bằng buổi lễ tại Bayeux và Cherbourg vào thứ Sáu nhằm vinh danh những người đã giúp tái lập Nhà nước cộng hòa và năng lực quân sự Pháp.
Le Monde nhận định, "Chiến tranh Ukraine phủ bóng lên lễ kỷ niệm 80 năm D-Day". Đây là dịp để tổng thống Ukraine nhận được nhiều sự ủng hộ, dù là chỉ tượng trưng. Trước đó tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Zelensky đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc "ngăn cản các nước khác đến dự hội nghị hòa bình". Tờ báo cũng nhắc lại,hồi kỷ niệm 70 năm, hai nhà lãnh đạo François Hollande của Pháp và Angela Merkel của Đức đã ra điều kiện với Vladimir Putin là phải gặp gỡ tổng thống Ukraine thời đó là Petro Poroshenko, vừa được bầu lên sau thắng lợi của cách mạng Maidan khiến tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich phải chạy trốn.
Đối với phương Tây, dịp lễ này không chỉ duy nhất là để siết chặt hàng ngũ xung quanh Kiev. Số phận Ukraine sẽ là trung tâm của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Apulia (Pouilles) ở Ý, ông Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự, ít nhất là qua video. Từ nay đến cuối tháng 6, vấn đề thương lượng để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ được tái khởi động, ngoại trừ nếu Hungary phản đối. Còn việc trở thành thành viên của NATO thì Kiev còn phải chờ đợi lâu.
Ba Lan chuẩn bị "lá chắn phía đông"
Le Figaro dành tít trang nhất nói về nạn kẹt đường ở Paris trước Thế vận hội : Còn 50 ngày nữa đến sự kiện lớn, không chỉ người lái xe hơi mà cả người đi xe đạp và đi bộ cũng gặp khó. Libération và Le Monde đề cập đến các tranh luận ở Châu Âu về xe hơi điện và chủ trương làm việc nhiều hơn. La Croix dành trang nhất cho tư lệnh lục quân Pháp: 80 năm sau cuộc đổ bộ của Đồng minh, tướng Pierre Schill tỏ ra tin tưởng vào khả năng bảo vệ tổ quốc của người Pháp nếu chiến tranh quay lại. Dẫn ra một thăm dò mới đây của Ipsos và Cevipof, theo đó 62% người Pháp ủng hộ quay lại với chế độ quân dịch bắt buộc và 63% sẵn sàng đi chiến đấu nếu đất nước bị xâm lăng, vị tướng coi đây là dấu hiệu lạc quan ngược với hình ảnh lâu nay về một lớp trẻ vị kỷ.
Trong khi đó tại Ba Lan, Le Monde cho biết chính phủ nước này sẽ đầu tư 2,3 tỉ euro để biến vùng biên cương thành nơi "bất khả xâm phạm" đối với kẻ thù. Từ nay đến 2028, sẽ xây dựng phòng tuyến dài 400-500 kilomet dọc theo biên giới với Nga và Belarus, với bê-tông cốt thép, hào, tháp canh, boong-ke, kho tàng, củng cố cầu đường… và cũng có thể gài mìn ở một số nơi. Nhà nghiên cứu Tomaz Pawluszko nhận xét : "Nếu Moskva quyết định sáp nhập Belarus từ nay đến 2030, Ba Lan sẽ có biên giới trực tiếp với Nga. Tương tự, nếu Ukraine không thắng nổi thì phải sẵn sàng vì Nga sẽ hướng về một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Ấn Độ : Chiến thắng đáng thất vọng cho ông Modi
Nhìn sang Châu Á, các báo đều quan tâm đến kết quả bầu cử Ấn Độ. Les Echos nhận định "Narendra Modi, người thắng cuộc dễ tổn thương". Le Figaro cho rằng đây là "chiến thắng gây thất vọng cho ông Modi". Tương tự, La Croix coi là một chiến thắng "không lấy gì làm rực rỡ", hay chiến thắng "nửa vời" theo Libération.
Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp tục một nhiệm kỳ 5 năm thứ ba, điều mà chưa có ai làm được kể từ thời Nehru, tuy nhiên đảng BJP của ông không giành được đa số, sẽ phải thỏa hiệp với đảng khác. Le Figaro cho rằng đây là thất bại cá nhân, vì chiến dịch tranh cử đều tập trung xung quanh thủ tướng với những khẩu hiệu như "Một lần nữa vì chính phủ Modi", "Những bảo đảm của Modi" dành cho giới bình dân. Ông Modi đã tham gia 206 cuộc mít-tinh liên tục trong 75 ngày, gấp đôi đối thủ Rahul Gandhi. Có nhiều giải thích cho thất bại này : nhiều cử tri vắng mặt vì tin chắc rằng Modi sẽ đắc cử cộng thêm đợt nóng kinh người, thất nghiệp nơi giới trẻ, giai cấp thấp nhất không bầu cho ông…
Trả lời Les Echos, nhà chính trị học Christophe Jaffrelot của Sciences Po cho rằng đây là "khởi đầu của hồi kết". Ngay trong BJP, các nhân vật của đảng sẽ bắt đầu tìm kiếm người kế nhiệm ông Modi, quá trình này sẽ nhanh chóng diễn ra nếu họ cảm thấy ông không quản được liên minh. Về việc BJP mất phiếu tại các bang miền bắc, chuyên gia này cho là có hai cực trong chính trị Ấn Độ, giai cấp và bản sắc tôn giáo, còn chủ đề thống trị trong bầu cử lần này là giai cấp và rộng hơn là vấn đề kinh tế xã hội. Một nhà nghiên cứu trên Le Monde lo ngại xu hướng độc tài "để bù lại việc mất bớt quyền bính".
Thụy My