Iran can dự vào cuộc chiến, phương Tây tiếp tục trói tay Ukraine ?
Không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, phương Tây tuy hậu thuẫn mạnh mẽ Kiev trong cuộc chiến tranh vệ quốc, nhưng lại đặt ra những hạn chế trong việc sử dụng vũ khí viện trợ. Theo La Croix ngày 12/09/2024, gần đây việc Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về những lằn ranh đỏ lâu nay.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu trong lễ chuyển giao các hỏa tiễn đạn đạo cho quân đội ở Tehran ngày 22/08/2023 via Reuters – Wana News Agency
Bà Kamala Harris áp đảo ông Donald Trump trong cuộc tranh luận truyền hình, trong khi nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên Dân Chủ. Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về những hạn chế về đạn pháo tầm xa đặt ra cho Ukraine. Đó là các chủ đề được báo chí phân tích nhiều hôm nay.
Ukraine vất vả đối phó với hỏa tiễn đạn đạo
Từ nhiều tuần qua, toàn quốc Ukraine phải chịu đựng những trận bão lửa. Kharkiv bị oanh tạc ngày càng nhiều, tại Poltava ở miền trung 55 thường dân đã thiệt mạng và 300 người bị thương, trước đó một bệnh viện nhi bị oanh kích… Mỗi lần như vậy hệ thống phòng không đều chặn được đa số nhưng không thể tránh được tất cả.
Tổng thống Volodymyr Zelensky sau đợt oanh tạc quy mô của Nga hôm 26/08 với 236 hỏa tiễn và drone, đã viết trên X : "Nga tiếp tục một cuộc chiến hèn nhát đánh vào thường dân, đó là tội ác chiến tranh". Ông đòi hỏi được dùng vũ khí phương Tây để tấn công các căn cứ Nga, nhằm ngăn chận những vụ oanh kích vào Ukraine. Dân biểu đối lập Andrey Osadchuk nhấn mạnh : "Chặn những mũi tên là một chuyện, nhưng còn phải trừ khử cả cung thủ".
Hiện giờ Kiev sở hữu ít nhất 2 hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất và 7 Iris-T của Đức. Theo thủ tướng Olaf Scholz, với số giàn Iris-T đang có, Ukraine đã hạ được trên 250 hỏa tiễn và drone Nga. Nhưng hệ thống này không thể chặn hỏa tiễn đạn đạo mà chỉ những tên lửa bay thấp hay drone tầm xa. Kiev cần ít nhất 10 giàn Patriot, và cũng không thể bảo vệ cả nước mà phải chọn ra những ưu tiên. Sở dĩ Ukraine còn chống chọi được là nhờ những hệ thống phòng không cũ, tuy thô sơ nhưng có số lượng nhiều, chặn được những loại tên lửa kém tân tiến. Tư lệnh lục quân Oleksandr Pavliuk cho biết chỉ riêng trong tháng 8, lực lượng Ukraine đã bắn hạ 5 phi cơ, 2 trực thăng, 1.539 drone và 150 hỏa tiễn của Nga.
Tehran đã can dự vào cuộc chiến, phương Tây tiếp tục trói tay Kiev ?
Trong bài xã luận "Một cuộc xung đột đã vượt ra bên ngoài", La Croix nhận định Iran đã trở thành bên tham gia trong cuộc chiến đang hoành hành ở Ukraine. Ngoài các drone Shahed, Tehran còn cung ứng hỏa tiễn đạn đạo Fath 360 cho Nga - và bị Đức, Pháp, Anh cùng lên tiếng cáo buộc. Hậu quả là cả ba nước đồng loạt loan báo những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Sự can dự này có thể làm lung lay những lằn ranh đỏ mà các nước phương Tây tự đặt ra khi viện trợ cho Kiev.
Sự hậu thuẫn của phương Tây trong cuộc chiến tranh vệ quốc từ tháng 2/2022 là vô cùng quan trọng, nhưng các nước đều không muốn đối đầu trực tiếp với Nga. Một sự thận trọng tuy có thể thông cảm trước kho vũ khí nguyên tử khổng lồ của Moskva, nhưng lại không thể giúp Ukraine khóa được không phận nhằm bảo vệ hiệu quả lãnh thổ. Kiev cũng không thể tấn công vào sâu lãnh thổ của địch, nhất là các phi trường và căn cứ quân sự là nơi xuất phát các chiến đấu cơ bay đi oanh tạc Ukraine. Tóm lại, phương Tây giúp Ukraine tự vệ nhưng không giúp tấn công.
Sự yểm trợ quân sự của Iran cho Nga, thêm vào việc Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí và đạn pháo, có thể làm thay đổi quan điểm. Cuộc chiến tranh Ukraine không chỉ là của Châu Âu. Nga đang dần hình thành một liên minh - trong đó Moskva rất muốn đưa Bắc Kinh vào - với mục tiêu rõ rệt là gây bất ổn cho môi trường quốc tế và các quy định căn bản để sống chung hòa bình, bằng những biện pháp hiếu chiến. Cuộc chiến đã vượt ra bên ngoài biên giới, khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về các lằn ranh đỏ.
Nhà đối lập Nga Kara-Murza : Hậu Putin và "một nước Nga khác"
Cũng liên quan đến Nga, trả lời phỏng vấn của Le Monde, nhà đối lập Vladimir Kara-Murza vừa được trả tự do, nhấn mạnh "Cần phải chuẩn bị cho thời kỳ hậu Putin". Bị kết án 25 năm tù tại Nga, Vladimir Kara-Murza, 43 tuổi, hôm 01/08 đã được thả cùng với 15 tù chính trị khác, trong cuộc trao đổi lớn nhất với phương Tây kể từ sau chiến tranh lạnh.
Sau khi được phóng thích, nhà đối lập Nga đã gặp gỡ các tổng thống Hoa Kỳ, Pháp, Phần Lan, thủ tướng Đức và kêu gọi sẵn sàng làm việc với "một nước Nga khác" chống lại chiến tranh. Tại Paris, ông cho biết về dự án đoàn kết lại đối lập và lập ra một "lộ trình" cho tương lai một nước Nga dân chủ. Nhà đối lập đặt ra hai vấn đề đối với các nhà lãnh đạo đã được tiếp xúc.
Trước hết là các tù nhân chính trị trong gu-lắc của Putin, ước tính có trên 1.300 người tại Nga và 2.000 ở Belarus, chưa kể các tù binh chiến tranh Ukraine. Không chỉ là bất công, mà còn là chuyện sống chết. Chẳng hạn Alexei Gorinov, người đầu tiên bị kết án vì phản đối cuộc xâm lăng Ukraine, đã trên 60 tuổi, chỉ còn một lá phổi, bị giam cầm trong tình trạng khắc nghiệt. Hoặc Maria Kolesnikova, nhà đối lập Belarus, hiện không biết còn sống hay không.
Thứ đến, cần nghĩ về tương lai. Không nên lặp lại sai lầm của thập niên 90 : không dứt khoát thực sự với quá khứ cộng sản, không ai bị quy trách nhiệm và kết án.
Khi chế độ Putin kết thúc, cần mở ra các kho lưu trữ, sẵn sàng đưa ra tòa những kẻ phạm các tội ác tại Ukraine và cả đối với nhân dân Nga, như vụ ám sát nhà đối lập Boris Nemtsov hay cái chết bí ẩn trong tù của Alexei Navalny. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga được gia nhập Hội Đồng Châu Âu nhưng chỉ có động thái mang tính biểu tượng đó mà thôi. Một nước Nga hậu Putin cần được hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Nếu Châu Âu muốn sống trong hòa bình, thì chỉ khả thi với một nước Nga tự do dân chủ.
Bắc Kinh mua chuộc nhiều cựu lãnh đạo Châu Âu
Nhìn sang Trung Quốc, Le Monde nhận định từ "Con đường tơ lụa mới" đến công nghệ xanh, Bắc Kinh tiếp tục chiến lược lũng đoạn Châu Âu, tìm cách lấy lại ảnh hưởng sau trận đại dịch toàn cầu vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán. Tờ báo đưa ra một ví dụ : "Mr Revolving Door", biệt danh được gán cho Günther Oettinger, từng là ủy viên Châu Âu ba nhiệm kỳ và là một nhân vật trong CDU - đảng bảo thủ của bà Angela Merkel, nay chuyển sang nghề vận động hành lang ở Bruxelles.
Nhưng cuối tháng 8, người ta ngỡ ngàng khi cựu ủy viên được Shein, tập đoàn Trung Quốc về thời trang "siêu rẻ" tuyển mộ. Không chỉ vì Oettinger từ 2010 đến 2019 từng phụ trách các hồ sơ quan trọng là năng lượng, kinh tế kỹ thuật số rồi đến ngân sách ; nhưng nay lại làm giàu bằng cách lên tiếng chống lại những chính sách mà chính mình đã tham gia thiết lập. Sự bàng hoàng chủ yếu vì ông chủ mới của cựu ủy viên là Trung Quốc, "đối thủ mang tính hệ thống" của Liên Hiệp Châu Âu (EU) và là kẻ cạnh tranh tàn khốc, mà chính sách lũng đoạn được tất cả cơ quan tình báo phương Tây theo dõi.
Trước đó đã có một tiền lệ đáng buồn : Gerhard Schröder, thủ tướng Đức (1998-2005), bị Vladimir Putin và món lợi khổng lồ từ Gazprom thu hút. Cuộc xâm lăng Ukraine năm 2022 làm hại cho nỗ lực của ông ta, nhưng nay cựu thủ tướng dù đã 80 tuổi vẫn đem khả năng phục vụ cho Trung Quốc, trong hội đồng cố vấn của China Investment Corporation. Nhà nghiên cứu Abigaël Vasselier ở Berlin nhấn mạnh, việc chiêu mộ giới tinh hoa Châu Âu nằm trong chiến lược của Đảng cộng sản Trung Quốc, được triển khai cùng với "Con đường tơ lụa mới" trong thập niên 2010.
Từ "Con đường tơ lụa mới" đến công nghệ xanh
Chẳng hạn ở Ý năm 2019, Michele Geraci, thứ trưởng phụ trách phát triển kinh tế sau khi giảng dạy ở Trung Quốc đã trở thành sợi dây liên lạc, dẫn đến việc chính phủ Ý ký bản ghi nhớ với Bắc Kinh, biến Ý thành quốc gia Châu Âu duy nhất tham gia chương trình này. Chính phủ Giorgia Meloni cuối 2023 đã từ bỏ ý định.
Tại Ba Lan, cựu phó thủ tướng Janusz Piechocinski tiếp tục ca ngợi các công ty Trung Quốc, nhưng ông ta có vẻ cô đơn. Cộng hòa Czech, có thời là cửa ngõ giúp Trung Quốc vào Châu Âu nhờ sự vận động của nhiều dân biểu và đặc biệt là tổng thống Milos Zeman, đã thay đổi hẳn chính sách - và cả tổng thống. Cựu thủ tướng Anh David Cameron, người xúc tiến "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ với Bắc Kinh đã phải từ bỏ việc lập ra một quỹ đầu tư 1 tỉ đô là với tài trợ từ Trung Quốc.
Vẫn còn những nhân vật thân Bắc Kinh như Viktor Orban ở Hungary, Aleksandar Vucic ở Serbia, José Luis Rodriguez Zapatero ở Tây Ban Nha. Tại Pháp, ngoài cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, "người bạn của Trung Quốc" nổi tiếng nhất, còn có những chính khách như Dominique de Villepin, Jean-Louis Borloo, Jean-Marie Le Guen có cổ phần trong nhiều công ty Trung Quốc. Cựu chủ tịch trường Bách Khoa Jacques Biot nay là chủ tịch hội đồng quản trị Huawei France - Huawei vốn là một trong những véc-tơ của chiến lược Trung Quốc.
Việc mua chuộc vẫn bằng tiền bạc và phỉnh nịnh, nhưng đã có thay đổi sâu sắc. Ngày nay Trung Quốc không dùng chiêu bài "Con đường tơ lụa mới", mà với tư cách nhà vô địch về công nghệ, nhất là sinh thái, vốn rất thu hút đối với giới tinh hoa Châu Âu. Nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cảnh báo, không nên để lệ thuộc vào công nghệ Trung Quốc như Châu Âu từng bị lệ thuộc vào khí đốt Nga. Khi tìm cách lấy lại vị thế, Bắc Kinh vấp phải một cản ngại lớn : cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong đó Trung Quốc đứng bên cạnh Nga.
Thần tượng ca nhạc Taylor Swift ủng hộ Kamala Harris
Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các báo đều chú ý đến việc nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift công khai ủng hộ bà Kamala Harris. Thần tượng của nhiều người Mỹ đã chọn đúng thời điểm sau cuộc tranh luận được đánh giá là rất thành công của ứng cử viên Dân Chủ để đưa ra ý kiến. Libération nhận định Taylor Swift đã vào cuộc sau một thời gian dài không tiết lộ sự chọn lựa của mình.
Siêu sao đăng lên Instagram đúng ba câu và nhận được 8 triệu like, tính đến chiều thứ Tư. Cô viết : "Tôi bầu cho Kamala Harris vì bà tranh đấu cho các quyền và lý tưởng, mà theo tôi, cần một chiến binh để bảo vệ. Tôi nghĩ rằng bà là một nhà lãnh đạo ổn định và tài năng, và tôi tin là chúng ta có thể hoàn thành được nhiều việc hơn tại đất nước này, nếu được lãnh đạo trong sự an hòa chứ không phải hỗn loạn". Thêm vào đó, Taylor Swift còn đăng ảnh bên cạnh chú mèo Benjamin Button, rõ ràng là nhằm nhắc đến tuyên bố của J.D. Vance, người đứng chung liên danh với ông Donald Trump, về "các phụ nữ già không con sống với mèo".
Theo tờ báo, ê-kíp đảng Dân Chủ có thể mở sâm-banh : từ nhiều tháng qua, cả hai bên đều chú ý đến thái độ của nữ ca sĩ có trên 280 triệu người theo dõi. Vòng lưu diễn "The Eras Tour" của cô thu được trên 1 tỉ đô la, và trên Spotify hàng tháng cô có 100 triệu thính giả trung thành. Một số nhà phân tích cho rằng Taylor Swift và cộng đồng "Swifties" của cô có thể ảnh hưởng đến bầu cử. Tuy thần tượng không kêu gọi các fan bỏ phiếu như mình, nhưng thông điệp này không hoàn toàn trung lập : năm ngoái, sau lời kêu gọi đi bầu, trang vote.org ghi nhận thêm 35.000 cử tri mới trong vòng 24 giờ.
Giáo hoàng Francis thành ngôi sao ở Đông Timor
Một "ngôi sao" khác : Giáo hoàng Francis được đón tiếp trọng thể ở Đông Timor. Đất nước nhỏ bé này chỉ có 1,3 triệu dân, nhưng khi phân nửa dân số tập trung lại ở một khu đất vài hecta thì vô cùng ấn tượng, với một rừng dù màu vàng và trắng - màu cờ Vatican. Đến 600.000 người Đông Timor cùng đồng thanh đáp "Amen" khi Giáo hoàng chủ tế một thánh lễ lịch sử tại quốc gia dân chủ non trẻ, có đến 97% dân số theo Công giáo. Có người đến từ đêm hôm trước để được đứng gần nơi hành lễ. Nhà nước Đông Timor tuyên bố ba ngày nghỉ lễ trong dịp này.
Ngài không phải là Giáo hoàng đầu tiên đến đây, nhưng khi Giáo hoàng John Paul II tông du năm 1989, Đông Timor còn là một tỉnh của Indonesia. Sự hiện diện của Giáo hoàng là thông điệp hy vọng cho một dân tộc bị đàn áp, và là một cách gây áp lực với Indonesia, đã xâm lăng nước này sau khi thực dân Bồ Đào Nha rút đi năm 1975. Đông Timor chỉ chính thức độc lập từ 2002, ba năm sau khi quân đội Indonesia triệt thoái, để lại phía sau một đất nước hoang tàn. Chuyến thăm của Giáo hoàng John Paul II đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh, đồng thời mang lại vầng hào quang cho Giáo hội : sau đó người dân Đông Timor ồ ạt theo đạo Công giáo.
Thụy My