Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/09/2024

Điểm báo Pháp - Ukraine xin đánh sâu vào lãnh thổ Nga

RFI tiếng Việt

Ukraine kiên trì kêu gọi phương Tây cho phép đánh sâu vào lãnh thổ Nga

Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Donald Trump và Elon Musk xích lại gần nhau trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 13/09/2024.

xin1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng cấp Anh David Lammy hội kiến tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Ảnh ngày 11/09/2024. AP - Mark Schiefelbein

Trang nhất của nhật báo Le Monde chú ý đến việc Ukraine tiếp tục gia tăng áp lực với các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Pháp để phương Tây cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và phá hủy các căn cứ quân sự của nước này, trong bối cảnh Ukraine đang cố gắng giữ vững các khu vực đã chiếm được (khoảng 1.300 km2) trong cuộc tấn công bất ngờ vào mùa hè ở vùng Kursk của Nga, đồng thời làm chậm đà tiến của quân địch ở Donbass.

Chủ đề này là trọng tâm của chuyến thăm chung chưa từng có tới Kiev hôm 11/09 của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Anh Quốc David Lammy. Hai quan chức đã gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vốn kêu gọi phương Tây bật đèn xanh cho Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga từ nhiều tháng qua. Không có tuyên bố cụ thể nào được đưa ra, nhưng ngoại trưởng Blinken khẳng định "chuyến đi tới Kiev chứng tỏ phương Tây quyết tâm bảo đảm sự thành công của Ukraine".

Một ngày trước đó, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chính quyền của ông đang "tìm những biện pháp" dỡ bỏ các hạn chế đối với Kiev. Theo hãng tin Bloomberg, nguyên thủ Ukraine tới Washington vào hôm nay để cho biết cụ thể về kế hoạch của mình. Hãng tin Mỹ cho biết thêm rằng "chính quyền Washington muốn hiểu rõ hơn mục tiêu cụ thể của Kiev trước khi đưa ra quyết định".

Những sự kiện này được điện Kremlin theo dõi sát sao và hôm 11/09, chính quyền Moskva đã dọa có phản ứng "thích hợp" trong trường hợp các đồng minh của Kiev cho phép Ukraine đánh sâu vào lãnh thổ Nga. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố "những quyết định kiểu này của phương Tây là bằng chứng cho thấy tính chính đáng của chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.

Về phần mình, sau cuộc trao đổi với ngoại trưởng Anh David Lammy, thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal tuyên bố : "Nếu chúng tôi được phép phá hủy các mục tiêu quân sự ở Nga hoặc kho vũ khí do kẻ thù sử dụng cho các cuộc tấn công nhắm vào Ukraine, an ninh của người dân, con cái chúng tôi sẽ được bảo đảm hơn".

Nga sẵn sàng tiến hành chiến tranh kim loại với phương Tây

Tờ Les Echos dành trang nhất nói về việc Vladimir Putin sẵn sàng tiến hành cuộc chiến kim loại, sau khi đã gây áp lực với phương Tây trong lĩnh vực khí đốt. Trong cuộc họp chính phủ được phát sóng trên truyền hình hôm 11/09, chủ nhân điện Kremlin đã yêu cầu các bộ trưởng xem xét hạn chế xuất khẩu niken, palladium hay uranium sang phương Tây.

Vladimir Putin phát biểu : "Nga là nước dẫn đầu về nguồn dự trữ các nguyên liệu thô chiến lược như uranium, titan và niken. Có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến việc áp dụng các hạn chế. Tôi không nói rằng biện pháp này phải được thực hiện ngay lập tức, nhưng chúng ta có thể nghiên cứu về một số giới hạn nhất định, đồng thời phải bảo đảm những biện pháp này không gây thiệt hại cho chính chúng ta".

Tổng thống Nga không nêu đích danh những quốc gia bị nhắm mục tiêu, nhưng nhật báo kinh tế nhận định chắc chắn Châu Âu hay Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Đó là phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt đã được ban hành chống lại Moskva. Những hạn chế này có thể sẽ không áp dụng với Trung Quốc, và ngược lại, Bắc Kinh sẽ trở thành khách hàng thay thế.

Bất chấp hàng loạt những lệnh trừng phạt Nga được phương Tây ban hành từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, hoạt động buôn bán kim loại vẫn tiếp diễn giữa Moskva và người tiêu dùng phương Tây. Về phần mình, Philippe Chalmin, giáo sư kinh tế tại đại học Paris-Dauphine và chuyên gia về nguyên liệu thô, giải thích "kinh nghiệm cho thấy các nước có thể dùng nguyên liệu thô làm công cụ bắt chẹt đối tác, nhưng biện pháp này phải được sử dụng một cách thận trọng". Chuyên gia Chalmin nhấn mạnh việc Trung Quốc tăng giá và hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản đã thúc đẩy nhiều nơi khác trên thế giới tái khởi động sản xuất và tinh chế nguyên liệu này, làm suy yếu áp lực từ phía Bắc Kinh.

Liệu những biện pháp hạn chế do tổng thống Putin dự tính ban hành có gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Châu Âu ? Điều đó còn phụ thuộc vào tùy loại nguyên liệu. Mặc dù Nga là một trong những nước sản xuất niken lớn nhất, nguyên liệu thiết yếu để sản xuất bình điện cho ô tô điện, nhưng với sự trỗi dậy của Indonesia, vai trò của Nga có phần bị suy giảm.

Donald Trump và Elon Musk xích lại gần nhau trước bầu cử tổng thống Mỹ

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất quan tâm đến việc ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã hứa sẽ bổ nhiệm ông chủ của X và Tesla, Elon Musk, vào nội các nếu đắc cử tổng thống tháng 11. Đối với Asma Mhalla, nhà khoa học chính trị chuyên về địa chính trị công nghệ, đây là điều rất đáng chú ý.

Sau khi cựu tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố nói trên hôm 04/09, chủ nhân Tesla và mạng xã hội X đã ngay lập tức chấp nhận đề nghị "phục vụ nước Mỹ mà không nhận lương".

Chuyên gia Mhalla nhận định việc tỷ phú Musk chấp nhận đề nghị của Trump không khiến bà ngạc nhiên chút nào, bởi rõ ràng là Elon Musk sẽ thu được rất nhiều lợi ích qua việc hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ. Ông có thể hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế cho Tesla, hay cho phép SpaceX hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).

Về phần mình, Donald Trump đang rất cần hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Elon Musk. Với việc Joe Biden rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và được Kamala Harris thay thế, cựu tổng thống đang cần một nhân vật có trọng lượng để thuyết phục cử tri, trong bối cảnh người đứng liên danh của Trump là J.D. Vance tỏ ra quá bảo thủ, không giúp cho Trump thu hút được thêm nhiều cử tri. Đối với Asma Mhalla, Donald Trump gần như đã coi Elon Musk như một phó tổng thống thứ hai.

Pháp : Nhà thờ ngày càng bị "đe đọa"

Về thời sự nước Pháp, trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chú ý đến hiện tượng các nhà thờ trên toàn quốc đang ngày càng bị "đe đọa". Gần đây nhất là vụ nhà thờ ở thành phố Saint-Omer, miền bắc đất nước, bị cháy, 4 năm sau vụ hỏa hoạn ở nhà thờ Nantes.

Động cơ của những hành động này là gì ? Tư pháp sẽ phải điều tra và làm sáng tỏ những sự cố này. Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi đó có phải là hành vi cố tình phá hoại, thủ phạm có bị rối loạn tâm thần, say rượu hay trầm trọng hơn nữa là có hành vi chống Công Giáo một cách công khai hay không ? Điều chắc chắn là dựa trên những số liệu do bộ Nội vụ đưa ra, tình hình không hề khả quan.

Le Figaro nhận định nhà thờ giờ đây đã trở thành nơi dễ bị "đe đọa". Những công trình này không phải là cung điện quốc gia, cũng không phải là nhà ga hay viện bảo tàng. Đó đơn giản là những ngôi nhà của người dân tin vào Chúa, và trừ một số trường hợp ngoại lệ, thường không có người bảo vệ hoặc camera giám sát. Tờ báo thiên hữu nhấn mạnh việc đóng mở cửa cũng như bảo trì nhà thờ thường do các tình nguyện viên phụ trách. Về bản chất, nhà thờ luôn mở cửa và là nơi tất cả mọi người được hoan nghênh. Nếu bị đóng cửa để thoát khỏi sự điên rồ của con người, nhà thờ sẽ không còn hữu dụng.

Nhà thờ thường rất đẹp, và trên hết, là ký ức về khả năng và niềm tin của những người đã xây dựng nên chúng. Sàn đá của các nhà thờ bị mòn bởi bước chân hoặc đầu gối của hàng ngàn tín đồ, chứng tỏ tầm quan trọng của những công trình này đối với cuộc sống của người dân Pháp.

Nhưng vẫn còn nhiều thứ đẹp hơn những viên đá, những bức vẽ hay những cửa sổ kính màu của nhà thờ. Đó là những gì ẩn chứa trong tâm mỗi người : sự hiện diện của Thiên Chúa Giáo. Dù con người có tin vào Chúa hay không, thì điều bí ẩn này vẫn phải nhận được sự nghiêm trang và tôn kính.

Ngoài những thiệt hại về vật chất do những hành vi phá hoại và phạm tội này gây ra, tình trạng này phản ánh rất rõ về thời đại loài người đang trải qua, được đặc trưng bởi sự suy giảm đáng lo ngại về vai trò của những thứ mang tính chất thiêng liêng.

Phải đồng lòng chống nạn lạm dụng tình dục

Vẫn tại Pháp, tờ La Croix dành bài xã luận để nói về phiên tòa xét xử vụ án "hiếp dâm tập thể ở Mazan" đã mở màn vào tuần trước. Một người đàn ông đã về hưu bị cáo buộc đánh thuốc mê vợ mình và sau đó cùng 50 người đàn ông khác thay phiên nhau hiếp dâm bà trong nhiều năm trời. Về bài học rút ra từ vụ này, nhật báo công giáo nhấn mạnh cần phải xác định chính những người thân, thành viên trong gia đình cũng có thể gây ra những hành vi bạo lực tình dục khủng khiếp. Trong bối cảnh này, nhiều người đàn ông đã cho lan truyền hashtag #NotAllMen để phản đối hiện tượng "vơ đũa cả nắm". Tuy nhiên, La Croix cho rằng đó không phải là cách phản ứng khéo léo. Tờ báo nhận định tất cả mọi người phải đồng lòng chống lại vấn nạn này và nam nữ cần tìm một khẩu hiệu chung, chẳng hạn như #AllUnited – "tất cả đoàn kết".

Tất cả mọi người đều quen biết những người đàn ông tuyệt vời, và đàn ông đôi khi cũng là nạn nhân của những hành vi bạo lực tình dục của phụ nữ, nhưng đa phần vẫn là những vụ phụ nữ bị phái mày râu tấn công. Đây là vấn đề trọng tâm của nền văn minh con người đang sống. Nạn nhân có thể chính là con gái, vợ hoặc mẹ của mỗi người, bởi thủ phạm có thể là cha, anh, em hoặc con trai.

La Croix kết luận tất cả mọi người phải cảnh giác cao độ và cùng nhau chống lại "sự tầm thường" của bạo lực tình dục. Cần phải nghiên cứu kỹ về những hành vi này, cụ thể là truy tìm nguyên nhân khiến cho con người nghĩ đến việc thực hiện hành vi đồi trụy này.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 172 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)