Viện trợ Ukraine : Phương Tây vượt qua ngưỡng mới
Le Monde ngày 05/06/2024 nhận định "Oanh kích vào lãnh thổ Nga, một ngưỡng mới trong sự trợ giúp Ukraine của phương Tây". Với việc cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga và sắp tới có thể gởi sang chuyên gia huấn luyện, đồng minh đã bước sang một giai đoạn cam kết mới - dù vẫn chừng mực nhưng đầy ý nghĩa.
Lính cứu hỏa chữa cháy tại một siêu thị ở Kharkiv bị Nga oanh kích vào ngày thứ Bảy 25/05/2024, lúc có nhiều người dân đi mua sắm. Reuters - Oleksandr Ratushniak
Từ nón sắt tiến lên F-16 : Cả một chặng đường dài
Những ngưỡng cửa lần lượt được vượt qua. Đã quá xa cái thời mà người ta chỉ gởi nón sắt và kính hồng ngoại, giờ đây Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch tặng cho Kiev các chiến đấu cơ F-16. Trước đây là những tranh luận về chi viện đại bác, xe tăng hạng nhẹ rồi hạng nặng, và đến hỏa tiễn tầm xa, sắp tới có thể là gởi người đến huấn luyện quân đội Ukraine tại chỗ. Mỗi một giai đoạn đều được cân nhắc theo hai yếu tố chính : thế khó của Ukraine để đẩy lùi quân xâm lược và nguy cơ leo thang.
Việc Nga oanh kích ồ ạt vào Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của Ukraine kể từ tháng 5, tiến hành từ đất Nga chứ không phải từ lãnh thổ bị chiếm đóng, đã thay đổi ván cờ. Nhiều đồng minh của Kiev rốt cuộc nhìn nhận Ukraine không thể tự vệ nếu không được đánh vào cơ sở hạ tầng quân sự - những nơi mà từ đó quân Nga tung ra những cuộc tấn công. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Anh và Pháp nhấn mạnh đến quyền tự vệ chính đáng của Ukraine. Dưới áp lực, Washington sau cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ chính quyền Biden đến 30/05 mới cho phép.
Hoàn toàn đúng theo luật pháp quốc tế, các quyết định này tuy vậy trễ tràng và hạn chế. Để tránh can thiệp sâu, nhiều nước trong đó có Pháp và Mỹ chỉ đồng ý cho quân đội Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa được chi viện tại khu vực Kharkiv, và để trả đũa những mục tiêu đã tấn công mình mà thôi. Mối quan ngại này là chính đáng nhưng theo Le Monde, việc lần lượt vượt qua giới hạn dưới áp lực địch, mạnh ai nấy làm thay vì trong khuôn khổ một chiến dịch chung hợp lý, đồng minh đã tạo cảm giác chạy theo đuôi, dành cho Moskva thế chủ động. Thế nên Kremlin không ngần ngại leo thang, bằng cớ là gia tăng chiến tranh đa diện nhắm vào Pháp những tuần lễ gần đây.
Sợ Pháp đưa quân sang Ukraine, Kremlin dọa dẫm
Về việc gởi quân sang Ukraine, Le Figaro nhận thấy tổng thống "Macron còn đang cân nhắc, nhưng chưa chi Nga đã đe dọa". Nguyên thủ Pháp chuẩn bị đưa ra đề nghị lập một liên minh gồm các nước sẵn sàng gởi người sang huấn luyện cho Ukraine.
Dù chưa có gì được thông báo chính thức, hôm qua Moskva nói rằng nếu Pháp đưa người sang, họ sẽ bị coi là mục tiêu bất chấp tư cách quân nhân hay "lính đánh thuê". Đối với chính quyền Pháp, đây là dấu hiệu Nga coi việc này là quan trọng. Nếu đề nghị này thành sự thực, đó sẽ là một liên minh đặc biệt không liên quan đến NATO. Lâu nay việc huấn luyện quân nhân cho Kiev được tổ chức rải rác ở nhiều nước, nếu tiến hành ở Ukraine sẽ đơn giản hóa về hậu cần.
Nhưng điều quan trọng theo chuyên gia Pierre Haroche của đại học Queen Mary là gởi đi thông điệp về quyết tâm trợ giúp lâu dài. "Làm thế nào nói rằng chiến tranh Ukraine liên quan đến an ninh Châu Âu nhưng lại không muốn nhận lấy rủi ro ?". Quyết định của Pháp còn tạo tác động tâm lý, biến điều khó thể nghĩ đến thành thực tế, và sắp tới có thể hỗ trợ về phòng không. Trước khi tiến hành, phương Tây còn phải quyết định nếu lực lượng phương Tây bị quân Nga oanh kích thiệt mạng thì sẽ trả đũa như thế nào. Đối với giới quân sự Pháp, câu hỏi này trước hết sẽ đè nặng lên phía Nga.
Ba ngày kỷ niệm sự kiện D-Day lịch sử
Liên quan đến các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ, Les Echos cho biết từ hôm nay cho đến thứ Sáu, nhiều buổi lễ được tổ chức tại Bretagne rồi Normandie với sự hiện diện của một số cựu chiến binh "D-Day". Việc khắc sâu ký ức càng thêm ý nghĩa vào thời điểm chiến tranh quay lại ở Châu Âu.
Khoảng 200 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch đổ bộ xuống Normandie, sẽ là những nhân chứng cuối cùng về những gì đã diễn ra ngày 06/06/1944, làm nên bước ngoặt của Đệ nhị Thế chiến. Sau đó từ ký ức sống động sẽ chỉ còn là ký ức trong sử sách đối với thế hệ sau. Sáng nay tại làng Plumelec (tỉnh Morbihan) thuộc vùng Bretagne, là nơi những lính nhảy dù đầu tiên của kháng chiến quân Pháp thuộc lực lượng Anh "Special Air Service" đặt chân đến để ngăn quân tiếp viện Đức. Sau đó đến Normandie : tại Saint-Lô, thành phố bị tiêu hủy đến 95% vì đồng minh oanh tạc.
Buổi tối, một lễ tưởng niệm tại trại giam Caen, nơi 73 tù nhân là quân kháng chiến bị Đức xử bắn khi nghe tin đổ bộ, và xác họ không bao giờ tìm thấy. Ngày mai, thứ Năm là ngày kỷ niệm chính mang tính quốc tế. Trước hết ở đài tưởng niệm Ver-sur-Mer, với sự hiện diện của quốc vương Charles III cùng hoàng hậu Camilla và thủ tướng Anh Rishi Sunak. Rồi đến nghĩa trang Colleville-sur-Mer, nơi an nghỉ của 9.387 "GI", tổng thống Mỹ Joe Biden đang thăm chính thức cấp nhà nước sẽ có mặt. Tại bãi biển đẫm máu nhất trong chiến dịch đổ bộ là Omaha Beach, đến chiều diễn ra lễ kỷ niệm với sự tham dự của nhiều nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, trong đó có Volodymyr Zelensky.
Chiến tranh Ukraine phủ bóng lên lễ kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ
Tổng thống Ukraine sau đó sẽ đến Paris để thảo luận tại Élysée về nhu cầu của đất nước mình rồi phát biểu trước Quốc hội Pháp. Ngược lại, Vladimir Putin từng hiện diện trong lễ kỷ niệm 60 và 70 năm Đồng minh đổ bộ Normandie, không được mời. Elysée còn cho biết là không có bất cứ đại diện nào của Nga được tham dự vì cuộc xâm lăng Ukraine. Cuối cùng, "cuộc hành hương mang tính biểu tượng và tưởng niệm" kết thúc bằng buổi lễ tại Bayeux và Cherbourg vào thứ Sáu nhằm vinh danh những người đã giúp tái lập Nhà nước cộng hòa và năng lực quân sự Pháp.
Le Monde nhận định, "Chiến tranh Ukraine phủ bóng lên lễ kỷ niệm 80 năm D-Day". Đây là dịp để tổng thống Ukraine nhận được nhiều sự ủng hộ, dù là chỉ tượng trưng. Trước đó tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Zelensky đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc "ngăn cản các nước khác đến dự hội nghị hòa bình". Tờ báo cũng nhắc lại,hồi kỷ niệm 70 năm, hai nhà lãnh đạo François Hollande của Pháp và Angela Merkel của Đức đã ra điều kiện với Vladimir Putin là phải gặp gỡ tổng thống Ukraine thời đó là Petro Poroshenko, vừa được bầu lên sau thắng lợi của cách mạng Maidan khiến tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich phải chạy trốn.
Đối với phương Tây, dịp lễ này không chỉ duy nhất là để siết chặt hàng ngũ xung quanh Kiev. Số phận Ukraine sẽ là trung tâm của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Apulia (Pouilles) ở Ý, ông Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự, ít nhất là qua video. Từ nay đến cuối tháng 6, vấn đề thương lượng để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ được tái khởi động, ngoại trừ nếu Hungary phản đối. Còn việc trở thành thành viên của NATO thì Kiev còn phải chờ đợi lâu.
Ba Lan chuẩn bị "lá chắn phía đông"
Le Figaro dành tít trang nhất nói về nạn kẹt đường ở Paris trước Thế vận hội : Còn 50 ngày nữa đến sự kiện lớn, không chỉ người lái xe hơi mà cả người đi xe đạp và đi bộ cũng gặp khó. Libération và Le Monde đề cập đến các tranh luận ở Châu Âu về xe hơi điện và chủ trương làm việc nhiều hơn. La Croix dành trang nhất cho tư lệnh lục quân Pháp: 80 năm sau cuộc đổ bộ của Đồng minh, tướng Pierre Schill tỏ ra tin tưởng vào khả năng bảo vệ tổ quốc của người Pháp nếu chiến tranh quay lại. Dẫn ra một thăm dò mới đây của Ipsos và Cevipof, theo đó 62% người Pháp ủng hộ quay lại với chế độ quân dịch bắt buộc và 63% sẵn sàng đi chiến đấu nếu đất nước bị xâm lăng, vị tướng coi đây là dấu hiệu lạc quan ngược với hình ảnh lâu nay về một lớp trẻ vị kỷ.
Trong khi đó tại Ba Lan, Le Monde cho biết chính phủ nước này sẽ đầu tư 2,3 tỉ euro để biến vùng biên cương thành nơi "bất khả xâm phạm" đối với kẻ thù. Từ nay đến 2028, sẽ xây dựng phòng tuyến dài 400-500 kilomet dọc theo biên giới với Nga và Belarus, với bê-tông cốt thép, hào, tháp canh, boong-ke, kho tàng, củng cố cầu đường… và cũng có thể gài mìn ở một số nơi. Nhà nghiên cứu Tomaz Pawluszko nhận xét : "Nếu Moskva quyết định sáp nhập Belarus từ nay đến 2030, Ba Lan sẽ có biên giới trực tiếp với Nga. Tương tự, nếu Ukraine không thắng nổi thì phải sẵn sàng vì Nga sẽ hướng về một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Ấn Độ : Chiến thắng đáng thất vọng cho ông Modi
Nhìn sang Châu Á, các báo đều quan tâm đến kết quả bầu cử Ấn Độ. Les Echos nhận định "Narendra Modi, người thắng cuộc dễ tổn thương". Le Figaro cho rằng đây là "chiến thắng gây thất vọng cho ông Modi". Tương tự, La Croix coi là một chiến thắng "không lấy gì làm rực rỡ", hay chiến thắng "nửa vời" theo Libération.
Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp tục một nhiệm kỳ 5 năm thứ ba, điều mà chưa có ai làm được kể từ thời Nehru, tuy nhiên đảng BJP của ông không giành được đa số, sẽ phải thỏa hiệp với đảng khác. Le Figaro cho rằng đây là thất bại cá nhân, vì chiến dịch tranh cử đều tập trung xung quanh thủ tướng với những khẩu hiệu như "Một lần nữa vì chính phủ Modi", "Những bảo đảm của Modi" dành cho giới bình dân. Ông Modi đã tham gia 206 cuộc mít-tinh liên tục trong 75 ngày, gấp đôi đối thủ Rahul Gandhi. Có nhiều giải thích cho thất bại này : nhiều cử tri vắng mặt vì tin chắc rằng Modi sẽ đắc cử cộng thêm đợt nóng kinh người, thất nghiệp nơi giới trẻ, giai cấp thấp nhất không bầu cho ông…
Trả lời Les Echos, nhà chính trị học Christophe Jaffrelot của Sciences Po cho rằng đây là "khởi đầu của hồi kết". Ngay trong BJP, các nhân vật của đảng sẽ bắt đầu tìm kiếm người kế nhiệm ông Modi, quá trình này sẽ nhanh chóng diễn ra nếu họ cảm thấy ông không quản được liên minh. Về việc BJP mất phiếu tại các bang miền bắc, chuyên gia này cho là có hai cực trong chính trị Ấn Độ, giai cấp và bản sắc tôn giáo, còn chủ đề thống trị trong bầu cử lần này là giai cấp và rộng hơn là vấn đề kinh tế xã hội. Một nhà nghiên cứu trên Le Monde lo ngại xu hướng độc tài "để bù lại việc mất bớt quyền bính".
Thụy My