Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/06/2024

NATO vận động tìm nguồn vũ khí hỗ trợ Ukraine

RFI tổng hợp

NATO : Cần ít nhất 40 tỉ đô la hỗ trợ quân sự hàng năm cho Ukraine

Trọng Thành, RFI, 01/06/2024

Hội nghị không chính thức các ngoại trưởng khối NATO, bàn về việc hỗ trợ Ukraine, họp tại Praha, trong hai ngày, 30 và 31/05/2024, đã có một số bước tiến đáng chú ý. Theo AFP, nhiều quốc gia còn lưỡng lự với việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công sang lãnh thổ Nga, như Đức, rút cục đã điều chỉnh lập trường, sau khi Washington thay đổi quan điểm.

nato4

Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg trao đổi với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong hội nghị các ngoại trưởng NATO, tại Praha, Cộng hòa Czech, ngày 31/05/2024. AP - Peter David Josek

Các thành viên NATO cũng thảo luận về việc duy trì mức độ hỗ trợ tối thiểu 40 tỉ đô la hàng năm, như hiện nay, chừng nào Kiev còn cần cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Nga. Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

"Một bước tiến quan trọng đối với các ngoại trưởng NATO là tuyên bố của đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken về việc vũ khí Mỹ có thể được dùng để tấn công lãnh thổ Nga đối diện với vùng Kharkiv của Ukraine. Quyết định nói trên mở đường cho một số nước Châu Âu, như Đức, dỡ bỏ quy định cấm dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Đối với tổng thư ký NATO, Nga sẽ không thể làm nhụt chí các đồng minh của Ukraine trong việc hậu thuẫn quốc gia này chừng nào mà việc này còn là cần thiết. Ông nói :

"Tổng thống Putin đã đe dọa các quốc gia thành viên NATO từ đầu chiến tranh, và ông ta sẽ tiếp tục làm như vậy. Trên thực tế, trước khi xâm lược Ukraine, Putin đã từng đe dọa tất cả các nước có ý định hậu thuẫn Ukraine. Ông ta đã cố gắng ngăn cản chúng ta giúp Ukraine về quân sự. Tiếp theo đó, ông ta đã tìm cách ngăn cản chúng ta cung cấp xe thiết giáp, các hệ thống tên lửa tân tiến, phi cơ chiến đấu... Chúng ta đã điều chỉnh và tăng cường hậu thuẫn Ukraine, bởi chúng ta tin tưởng vững chắc là Ukraine có quyền tự vệ. Tự vệ là quyền căn bản của một quốc gia, đã được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Về dài hạn, để củng cố hậu thuẫn quân sự cho Ukraine, tổng thư ký Jens Stoltenberg đã yêu cầu các quốc gia thành viên NATO duy trì mức đóng góp 40 tỉ euro hàng năm".

Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ NATO can dự vào chiến tranh tại Ukraine

Cũng tại hội nghị này, tổng thư ký NATO đề nghị NATO cần có "vai trò lớn hơn" trong việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo AFP, nhiều quốc gia NATO lo ngại, nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, việc viện trợ cho Kiev, do Washington điều phối hiện nay sẽ bị đình chỉ.

Về vấn đề này, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara không ủng hộ việc NATO "tham gia" vào cuộc chiến tranh tại Ukraine, cho dù Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chủ trương trợ giúp quân sự cho Kiev chống xâm lược, "khôi phục lãnh thổ".

Trong lúc hội nghị ngoại trưởng NATO đang diễn ra, điện Kremlin, hôm 30/05, một lần nữa cáo buộc NATO "kích động" Ukraine để kéo dài chiến tranh, và đe dọa "các hậu quả nghiêm trọng", nếu các nước NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga.

Trọng Thành

**************************

Nga sử dụng vũ khí của Bắc Triều Tiên ở Ukraine

Phan Minh, RFI, 31/05/2024

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/05/2024, công bố một báo cáo cho biết quân đội Nga đang sử dụng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên ở Ukraine, theo kết quả các phân tích những mảnh vỡ trên chiến trường.

kharkiv1

Một đại diện chính quyền Ukraine dẫn bày những mảnh vỡ tên lửa không xác định chủng loại bắn xuống Kharkiv ngày 06/01/2024 mà Kiev cho là do Bắc Triều Tiên chế tạo. Reuters - Stringer

Theo hãng tin AFP, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) đã phân tích kỹ lưỡng hình ảnh để xác nhận các mảnh vỡ được tìm thấy vào tháng 1 ở khu vực Kharkiv, tây bắc Ukraine, là của một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được sản xuất tại Bắc Triều Tiên. DIA đã so sánh những hình ảnh được truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên đăng tải với những bức ảnh của những mảnh tên lửa được phát hiện ở Ukraine và "phân tích xác nhận rằng Moskva đang sử dụng tên lửa đạn đạo do Bình Nhưỡng sản xuất trong cuộc chiến chống Kiev".

Hàn Quốc trước đó đã tố cáo Bắc Triều Tiên vận chuyển hàng nghìn container vũ khí đến Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào hai nước. Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho biết Bình Nhưỡng "không có ý định xuất khẩu các thiết bị quân sự cho bất kỳ quốc gia nào".

Về tình hình chiến sự, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, hôm qua 30/05, tuyên bố rằng quân đội Nga đang củng cố lực lượng ở Kharkiv kể từ khi phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực này hôm 10/05, nhưng Moskva vẫn chưa đủ khả năng xuyên thủng phòng tuyến Ukraine.

Vẫn tại Kharkiv, thống đốc Oleg Synegoubov thông báo Nga đã tiến hành một cuộc oanh kích đẫm máu vào đêm qua rạng sáng nay 31/05. Cuộc oanh kích khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 25 người bị thương.

Phan Minh

*********************

Họp ngoại trưởng NATO để tìm nguồn vũ khí và đạn dược viện trợ Ukraine

Thùy Dương, RFI, 30/05/2024

Ngoại trưởng các nước khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay và ngày mai, 30-31/05/2024, họp tại Praha, Cộng hòa Czech, để bàn về viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh đang có nhiều tranh cãi về việc để Ukraine dùng vũ khí của phương Tây để tấn công sang lãnh thổ Nga.

nato1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng quốc phòng Cộng hòa Czech Jana Cernochova tham dự Sự kiện Năng lực Quốc phòng Czech tại sân bay Praha-Kbely ở Praha, Cộng hòa Czech, ngày 30/05/2024 via Reuters - Petr David Josek

Theo AFP, đây là cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng NATO nhằm tìm kiếm nguồn vũ khí, đạn dược, nhất là hệ thống phòng không, viện trợ cho Kiev, trong khi quân Nga đang tiến hành chiến dịch tấn công quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Hôm 18/05, tổng thống Volodymyr Zelensky đã báo động quân đội Ukraine nay chỉ có 25% số vũ khí phòng không cần thiết, nhất là tên lửa Patriot của Mỹ, để bảo vệ đất nước.

Trong nội bộ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang có bất đồng về việc để Ukraine dùng vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Kiev tấn công vào lãnh thổ nước Nga. Tổng thống Pháp Macron hôm qua tuyên bố ủng hộ việc Ukraine sử dụng các vũ khí mà phương Tây viện trợ để oanh kích một số cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga, nhưng ông nhấn mạnh Kiev chỉ được nhắm đến những cơ sở mà từ đó Nga tấn công Ukraine.

Một nguồn tin quân sự của NATO cho AFP biết là Pháp dự tính đề cập đến vấn đề này tại hội nghị Praha nhằm thuyết phục các nước, trong đó có Đức, Ý và Mỹ, cho đến nay vẫn phản đối việc để Kiev dùng vũ khí của phương Tây để tấn công sang lãnh thổ Nga.

Trước khi đến Praha dự họp, hôm qua 29/05, trong chặng dừng chân tại Moldova, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định các đồng minh của Ukraine "đã thích ứng và điều chỉnh" việc cung cấp vũ khí cho Kiev và "sẽ tiếp tục làm như vậy" để bảo đảm thành công của Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược. Theo giới truyền thông, ngoại trưởng Blinken đang để ngỏ cửa về việc cho Ukraine tấn công sang lãnh thổ Nga và tìm cách thuyết phục tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc về các lệnh trừng phạt mới

Liên quan đến Trung Quốc, hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm nay 30/05 cho biết Bắc Kinh có thể dàn xếp một cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Về phía Mỹ, theo Reuters , Washington hôm qua cáo buộc lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở Ukraine, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt tiếp theo của Hoa Kỳ và các nước khác trong khối NATO. Phát biểu trước báo giới nhân chuyến thăm Bruxelles, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Kurt Campbell cho biết Liên Âu và NATO phải khẩn cấp gửi một thông điệp chung về mối quan ngại về các hành động của Trung Quốc mà họ cho là đang gây bất ổn ngay trong lòng Châu Âu.

Thùy Dương

*****************************

Nga không sợ thách thức từ vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine

Thanh Hà, RFI, 30/05/2024

Có nên cho phép quân Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công một số mục tiêu quân sự của Nga trên lãnh thổ Nga ? Đây là một điểm chính được thảo luận trong cuộc họp cấp ngoại trưởng NATO tại Praha, Cộng hòa Czech hôm nay, 30/05/2024. Mỹ nắm giữ chìa khóa để trả lời câu hỏi này, trong lúc một số nước phương Tây, đứng đầu là Anh, Pháp… muốn đặt tổng thống Putin trước một thách thức mới.

nato2

Một quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 28 kiểm tra đạn dược trong chiến hào ở tiền tuyến, gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 03/03/2024. AP - Efrem Lukatsky

Trong 27 tháng qua, kể từ khi Moskva đưa quân sang Ukraine, mọi quyết định yểm trợ chính quyền Kiev chống quân Nga đều gây nhiều tranh cãi trong đại gia đình (30 rồi 32 thành viên) Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Vấn đề cơ bản là phương Tây vừa muốn giúp Ukraine tự vệ vừa muốn tránh bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh.

Vài ngày trước khi Pháp trải thảm đỏ đón tổng thống Volodymyr Zelensky và lãnh đạo các nước đồng minh đến dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie, khởi đầu cho việc chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai, tổng thống Emmanuel Macron đã "phá rào" khi nhìn nhận Kiev "cần có phương tiện để vô hiệu hóa" một số căn cứ quân sự của Nga, những "bệ phóng tên lửa" của Moskva nhắm vào Ukraine. Quan điểm này của Paris được Anh Quốc, và nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu như Ba Lan, các nước vùng Baltic, Hà Lan ủng hộ. Một tiếng nói có trọng lượng không kém là lãnh đạo NATO : Hôm 24/05, ông Jens Stoltenberg đã cho rằng "đây là thời điểm để các nước đồng minh suy nghĩ về khả năng dỡ bỏ một số rào cản trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ".

Khác với Pháp, Đức đến nay vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine "tên lửa tầm xa Taurus", có khả năng bắn trúng mục tiêu 500 km, có nghĩa là có thể nhắm tới lãnh thổ của Nga. Là thành viên nặng ký của NATO và cũng là đầu tàu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, Đức vẫn thận trọng trên hồ sơ Ukraine và đã nhiều lần bị chỉ trích về thái độ này. Nay, dưới áp lực càng lúc càng lớn không chỉ từ Pháp mà cả từ nhiều đối tác ở Đông Âu, như Ba Lan hay các nước vùng Baltic, thủ tướng Olaf Scholz, họp báo chung với tổng thống Emmanuel Macron cách đây hai ngày, nhìn nhận Ukraine là bên "bị tấn công và có quyền tự vệ". Song Đức, Ý và nhất là Hoa Kỳ đứng về phía các quốc gia vẫn chống việc dùng vũ khí của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Sau tuyên bố nói trên của tổng thống Macron, ngày 29/05 phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby, cũng như đại sứ Mỹ bên cạnh NATO lập tức khẳng định : "Lập trường của Washington không thay đổi". Dù là nguồn cung cấp viện trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine từ đầu cuộc chiến, Hoa Kỳ "không khuyến khích mà cũng không cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để đánh vào lãnh thổ Nga".

Khá đơn giản để trả lời câu hỏi tại sao kẻ bênh người chống việc Kiev dùng vũ khí của Âu Mỹ nhắm vào một số mục tiêu quân sự của Nga : Phe ủng hộ cho rằng đà tiến của quân Nga từ hôm 10/05 đang đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm và các bên không có nhiều thời gian để tiếp tục tranh cãi. Bên chống đối thì có nhiều lý do khác nhau. Trước chiến tranh Ukraine, Nga là đối tác hàng đầu của Đức và Ý về năng lượng. Do vậy một số nhà phân tích nêu lên khả năng Berlin cũng như Roma "có tầm nhìn xa", với hy vọng cứu vãn được một số hợp đồng khai thác dầu mỏ, khí đốt với các đối tác Nga. Riêng trong trường hợp của nước Ý, phó thủ tướng Matteo Salvini nổi tiếng là người có lập trường thân Putin. 

Về phía Hoa Kỳ, thái độ của Nhà Trắng gây "khó hiểu". Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Kiev mới là bên định đoạt về chiến lược quân sự của Ukraine, gián tiếp để ngỏ khả năng Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ tùy theo nhu cầu trên chiến trường. Trái lại, Lầu Năm Góc và các cố vấn an ninh của Nhà Trắng vẫn coi đây là điều cấm kỵ. 

Những rạn nứt trong nội bộ NATO khiến Moskva phần nào an tâm. Ý thức được điều này, họp báo hôm 28/05 tại Uzbekistan, tổng thống Nga lớn tiếng hù dọa phương Tây : "Tại Châu Âu, mà đặc biệt là những nước nhỏ, cần suy nghĩ xem họ đang chơi trò gì trong khi nước họ diện tích chật hẹp mà lại đông dân". Vladimir Putin một lần nữa gián tiếp mang vũ khí hạt nhân ra đe dọa. Chủ nhân điện Kremlin nhắc lại : những nước nào cho Ukraine dùng vũ khí của họ nhắm vào lãnh thổ Nga sẽ phải hứng chịu trên lãnh thổ của họ những "hậu quả tai hại vô lường". Ông coi tuyên bố của một số thành viên NATO như một bước tiến mới trong cuộc "leo thang không ngừng nghỉ" nhắm vào những lợi ích của nước Nga.

Có điều, từ khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang biên giới Ukraine, phương Tây đã nhiều lần do dự trước khi thỏa mãn những đòi hỏi về viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev, rồi tranh cãi triền miên về việc cấp xe tăng, chiến đấu cơ hay tên lửa tầm xa cho Ukraine… Mỗi lần như vậy thì quân Nga lại có thêm thời gian để tổ chức lại và chỉnh đốn hàng ngũ. Sử gia người Pháp chuyên nghiên cứu về quân sự Michel Goya nói đến một sự "lãng phí thời gian quá bất lợi" cho phía các đồng minh của Ukraine. 

Một nghịch lý khác là trong chiến tranh Ukraine do Nga phát động, áp lực với Vladimir Putin giờ đây dường như ít nặng hơn là với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Không trực tiếp tham gia vào xung đột này, nhưng ông Biden đang bị chỉ trích tứ bề : đảng đối lập Cộng Hòa chỉ trích Nhà Trắng quá hào phóng với Kiev, trong lúc xung đột diễn ra tận Châu Âu, rất xa nước Mỹ. Một số đồng minh của Washington trong NATO từ tổng thư ký Stoltenberg đến những đối tác quan trọng như Ba Lan thì cho rằng Mỹ đang trói tay chính quyền Kiev và nhất là đã mất gần nửa năm trời chậm trễ giải ngân cho Ukraine… tạo thuận lợi cho Nga tổ chức cuộc phản công giành được hàng trăm km vuông lãnh thổ Ukraine.  

Thanh Hà

****************************

Ukraine tuyên bố đã bắn trúng hai tàu tuần tra của Nga ở Biển Đen

Thùy Dương, RFI, 30/05/2024

Ukraine tuyên bố đã bắn trúng hai tàu tuần tra của Nga trong đêm qua, rạng sáng nay 30/05/2024, ở Biển Đen, vùng bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập.

nato3

Ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC cung cấp ngày 23/09/2023 cho thấy những thiệt hại ở tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải ở Sébastopol, Crimea, sau khi bị hỏa tiễn của Ukraine tấn công. AP

Một nguồn tin quốc phòng Ukraine nói với AFP rằng "hai tàu tuần tra của Nga, theo xác định ban đầu là tàu KS-701 + Tunets + - đã bị bắn trúng", "drone Magura V5 của Hải quân Ukraine đã tấn công các tàu địch ở khu vực làng Chornomorsk", gần thị trấn Yevpatoria, miền tây bán đảo Crimea. Cũng theo nguồn tin trên, "hoạt động đặc biệt" này do Cục Tình báo Quân sự (GUR), thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, tiến hành. Tình báo quân đội Ukraine đã đăng tải một video ngắn trên mạng xã hội, cho thấy một drone Hải quân phát nổ khi chạm vào một tầu đang đậu.

Trong báo cáo buổi sáng, Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về vụ này mà chỉ cho biết đã bắn hạ được 2 drone của Hải quân Ukraine "hướng tới Crimea" trong đêm và chặn được 8 drone khác bên trên Biển Đen, gần Crimea. Quân đội Nga còn tuyên bố đã bắn hạ được 8 tên lửa chiến thuật Mỹ ATACMS trên biển Azov, cũng gần Crimea.

Trong một thông cáo khác, cơ quan an ninh Nga (FSB) hôm nay cho biết đã bắt giữ 4 người bị tình nghi phối hợp với tình báo quân đội Ukraine để chuẩn bị "một loạt hành động phá hoại và khủng bố" nhắm vào các đoàn tàu và đường ray xe lửa ở bán đảo Crimea.

Tình hình chiến sự vùng Kharkiv

Tướng Olekxandr Syrsky, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, hôm nay thông báo Moskva đang tăng cường lực lượng ở phía bắc vùng Kharkiv của Ukraine, nhưng ông nhận định quân Nga chưa đủ mạnh để đạt được một bước đột phá trong vùng Kharkiv.

Theo tướng Olekxandr Syrsky, được Reuters trích dẫn, Nga đang tiếp tục điều quân từ các vùng khác và các nơi huấn luyện đến vùng Kharkiv, miền đông bắc của Ukraine, để củng cố hai tuyến tấn công chính ở phía bắc vùng Kharkiv, khu vực Striletcha-Lyptsi và vùng xung quanh Vovtchansk.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Thanh Hà
Read 123 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)