NATO : Cần ít nhất 40 tỉ đô la hỗ trợ quân sự hàng năm cho Ukraine
Trọng Thành, RFI, 01/06/2024
Hội nghị không chính thức các ngoại trưởng khối NATO, bàn về việc hỗ trợ Ukraine, họp tại Praha, trong hai ngày, 30 và 31/05/2024, đã có một số bước tiến đáng chú ý. Theo AFP, nhiều quốc gia còn lưỡng lự với việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công sang lãnh thổ Nga, như Đức, rút cục đã điều chỉnh lập trường, sau khi Washington thay đổi quan điểm.
Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg trao đổi với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong hội nghị các ngoại trưởng NATO, tại Praha, Cộng hòa Czech, ngày 31/05/2024. AP - Peter David Josek
Các thành viên NATO cũng thảo luận về việc duy trì mức độ hỗ trợ tối thiểu 40 tỉ đô la hàng năm, như hiện nay, chừng nào Kiev còn cần cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Nga. Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
"Một bước tiến quan trọng đối với các ngoại trưởng NATO là tuyên bố của đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken về việc vũ khí Mỹ có thể được dùng để tấn công lãnh thổ Nga đối diện với vùng Kharkiv của Ukraine. Quyết định nói trên mở đường cho một số nước Châu Âu, như Đức, dỡ bỏ quy định cấm dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Đối với tổng thư ký NATO, Nga sẽ không thể làm nhụt chí các đồng minh của Ukraine trong việc hậu thuẫn quốc gia này chừng nào mà việc này còn là cần thiết. Ông nói :
"Tổng thống Putin đã đe dọa các quốc gia thành viên NATO từ đầu chiến tranh, và ông ta sẽ tiếp tục làm như vậy. Trên thực tế, trước khi xâm lược Ukraine, Putin đã từng đe dọa tất cả các nước có ý định hậu thuẫn Ukraine. Ông ta đã cố gắng ngăn cản chúng ta giúp Ukraine về quân sự. Tiếp theo đó, ông ta đã tìm cách ngăn cản chúng ta cung cấp xe thiết giáp, các hệ thống tên lửa tân tiến, phi cơ chiến đấu... Chúng ta đã điều chỉnh và tăng cường hậu thuẫn Ukraine, bởi chúng ta tin tưởng vững chắc là Ukraine có quyền tự vệ. Tự vệ là quyền căn bản của một quốc gia, đã được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
Về dài hạn, để củng cố hậu thuẫn quân sự cho Ukraine, tổng thư ký Jens Stoltenberg đã yêu cầu các quốc gia thành viên NATO duy trì mức đóng góp 40 tỉ euro hàng năm".
Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ NATO can dự vào chiến tranh tại Ukraine
Cũng tại hội nghị này, tổng thư ký NATO đề nghị NATO cần có "vai trò lớn hơn" trong việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo AFP, nhiều quốc gia NATO lo ngại, nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, việc viện trợ cho Kiev, do Washington điều phối hiện nay sẽ bị đình chỉ.
Về vấn đề này, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara không ủng hộ việc NATO "tham gia" vào cuộc chiến tranh tại Ukraine, cho dù Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chủ trương trợ giúp quân sự cho Kiev chống xâm lược, "khôi phục lãnh thổ".
Trong lúc hội nghị ngoại trưởng NATO đang diễn ra, điện Kremlin, hôm 30/05, một lần nữa cáo buộc NATO "kích động" Ukraine để kéo dài chiến tranh, và đe dọa "các hậu quả nghiêm trọng", nếu các nước NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trọng Thành
**************************
Nga sử dụng vũ khí của Bắc Triều Tiên ở Ukraine
Phan Minh, RFI, 31/05/2024
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/05/2024, công bố một báo cáo cho biết quân đội Nga đang sử dụng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên ở Ukraine, theo kết quả các phân tích những mảnh vỡ trên chiến trường.
Một đại diện chính quyền Ukraine dẫn bày những mảnh vỡ tên lửa không xác định chủng loại bắn xuống Kharkiv ngày 06/01/2024 mà Kiev cho là do Bắc Triều Tiên chế tạo. Reuters - Stringer
Theo hãng tin AFP, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) đã phân tích kỹ lưỡng hình ảnh để xác nhận các mảnh vỡ được tìm thấy vào tháng 1 ở khu vực Kharkiv, tây bắc Ukraine, là của một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được sản xuất tại Bắc Triều Tiên. DIA đã so sánh những hình ảnh được truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên đăng tải với những bức ảnh của những mảnh tên lửa được phát hiện ở Ukraine và "phân tích xác nhận rằng Moskva đang sử dụng tên lửa đạn đạo do Bình Nhưỡng sản xuất trong cuộc chiến chống Kiev".
Hàn Quốc trước đó đã tố cáo Bắc Triều Tiên vận chuyển hàng nghìn container vũ khí đến Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào hai nước. Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho biết Bình Nhưỡng "không có ý định xuất khẩu các thiết bị quân sự cho bất kỳ quốc gia nào".
Về tình hình chiến sự, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, hôm qua 30/05, tuyên bố rằng quân đội Nga đang củng cố lực lượng ở Kharkiv kể từ khi phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực này hôm 10/05, nhưng Moskva vẫn chưa đủ khả năng xuyên thủng phòng tuyến Ukraine.
Vẫn tại Kharkiv, thống đốc Oleg Synegoubov thông báo Nga đã tiến hành một cuộc oanh kích đẫm máu vào đêm qua rạng sáng nay 31/05. Cuộc oanh kích khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 25 người bị thương.
Phan Minh
*********************
Họp ngoại trưởng NATO để tìm nguồn vũ khí và đạn dược viện trợ Ukraine
Thùy Dương, RFI, 30/05/2024
Ngoại trưởng các nước khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay và ngày mai, 30-31/05/2024, họp tại Praha, Cộng hòa Czech, để bàn về viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh đang có nhiều tranh cãi về việc để Ukraine dùng vũ khí của phương Tây để tấn công sang lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng quốc phòng Cộng hòa Czech Jana Cernochova tham dự Sự kiện Năng lực Quốc phòng Czech tại sân bay Praha-Kbely ở Praha, Cộng hòa Czech, ngày 30/05/2024 via Reuters - Petr David Josek
Theo AFP, đây là cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng NATO nhằm tìm kiếm nguồn vũ khí, đạn dược, nhất là hệ thống phòng không, viện trợ cho Kiev, trong khi quân Nga đang tiến hành chiến dịch tấn công quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Hôm 18/05, tổng thống Volodymyr Zelensky đã báo động quân đội Ukraine nay chỉ có 25% số vũ khí phòng không cần thiết, nhất là tên lửa Patriot của Mỹ, để bảo vệ đất nước.
Trong nội bộ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang có bất đồng về việc để Ukraine dùng vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Kiev tấn công vào lãnh thổ nước Nga. Tổng thống Pháp Macron hôm qua tuyên bố ủng hộ việc Ukraine sử dụng các vũ khí mà phương Tây viện trợ để oanh kích một số cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga, nhưng ông nhấn mạnh Kiev chỉ được nhắm đến những cơ sở mà từ đó Nga tấn công Ukraine.
Một nguồn tin quân sự của NATO cho AFP biết là Pháp dự tính đề cập đến vấn đề này tại hội nghị Praha nhằm thuyết phục các nước, trong đó có Đức, Ý và Mỹ, cho đến nay vẫn phản đối việc để Kiev dùng vũ khí của phương Tây để tấn công sang lãnh thổ Nga.
Trước khi đến Praha dự họp, hôm qua 29/05, trong chặng dừng chân tại Moldova, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định các đồng minh của Ukraine "đã thích ứng và điều chỉnh" việc cung cấp vũ khí cho Kiev và "sẽ tiếp tục làm như vậy" để bảo đảm thành công của Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược. Theo giới truyền thông, ngoại trưởng Blinken đang để ngỏ cửa về việc cho Ukraine tấn công sang lãnh thổ Nga và tìm cách thuyết phục tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về các lệnh trừng phạt mới
Liên quan đến Trung Quốc, hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm nay 30/05 cho biết Bắc Kinh có thể dàn xếp một cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.
Về phía Mỹ, theo Reuters , Washington hôm qua cáo buộc lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở Ukraine, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt tiếp theo của Hoa Kỳ và các nước khác trong khối NATO. Phát biểu trước báo giới nhân chuyến thăm Bruxelles, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Kurt Campbell cho biết Liên Âu và NATO phải khẩn cấp gửi một thông điệp chung về mối quan ngại về các hành động của Trung Quốc mà họ cho là đang gây bất ổn ngay trong lòng Châu Âu.
Thùy Dương
*****************************
Nga không sợ thách thức từ vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine
Thanh Hà, RFI, 30/05/2024
Có nên cho phép quân Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công một số mục tiêu quân sự của Nga trên lãnh thổ Nga ? Đây là một điểm chính được thảo luận trong cuộc họp cấp ngoại trưởng NATO tại Praha, Cộng hòa Czech hôm nay, 30/05/2024. Mỹ nắm giữ chìa khóa để trả lời câu hỏi này, trong lúc một số nước phương Tây, đứng đầu là Anh, Pháp… muốn đặt tổng thống Putin trước một thách thức mới.
Một quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 28 kiểm tra đạn dược trong chiến hào ở tiền tuyến, gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 03/03/2024. AP - Efrem Lukatsky
Trong 27 tháng qua, kể từ khi Moskva đưa quân sang Ukraine, mọi quyết định yểm trợ chính quyền Kiev chống quân Nga đều gây nhiều tranh cãi trong đại gia đình (30 rồi 32 thành viên) Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Vấn đề cơ bản là phương Tây vừa muốn giúp Ukraine tự vệ vừa muốn tránh bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh.
Vài ngày trước khi Pháp trải thảm đỏ đón tổng thống Volodymyr Zelensky và lãnh đạo các nước đồng minh đến dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie, khởi đầu cho việc chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai, tổng thống Emmanuel Macron đã "phá rào" khi nhìn nhận Kiev "cần có phương tiện để vô hiệu hóa" một số căn cứ quân sự của Nga, những "bệ phóng tên lửa" của Moskva nhắm vào Ukraine. Quan điểm này của Paris được Anh Quốc, và nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu như Ba Lan, các nước vùng Baltic, Hà Lan ủng hộ. Một tiếng nói có trọng lượng không kém là lãnh đạo NATO : Hôm 24/05, ông Jens Stoltenberg đã cho rằng "đây là thời điểm để các nước đồng minh suy nghĩ về khả năng dỡ bỏ một số rào cản trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ".
Khác với Pháp, Đức đến nay vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine "tên lửa tầm xa Taurus", có khả năng bắn trúng mục tiêu 500 km, có nghĩa là có thể nhắm tới lãnh thổ của Nga. Là thành viên nặng ký của NATO và cũng là đầu tàu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, Đức vẫn thận trọng trên hồ sơ Ukraine và đã nhiều lần bị chỉ trích về thái độ này. Nay, dưới áp lực càng lúc càng lớn không chỉ từ Pháp mà cả từ nhiều đối tác ở Đông Âu, như Ba Lan hay các nước vùng Baltic, thủ tướng Olaf Scholz, họp báo chung với tổng thống Emmanuel Macron cách đây hai ngày, nhìn nhận Ukraine là bên "bị tấn công và có quyền tự vệ". Song Đức, Ý và nhất là Hoa Kỳ đứng về phía các quốc gia vẫn chống việc dùng vũ khí của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Sau tuyên bố nói trên của tổng thống Macron, ngày 29/05 phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby, cũng như đại sứ Mỹ bên cạnh NATO lập tức khẳng định : "Lập trường của Washington không thay đổi". Dù là nguồn cung cấp viện trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine từ đầu cuộc chiến, Hoa Kỳ "không khuyến khích mà cũng không cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để đánh vào lãnh thổ Nga".
Khá đơn giản để trả lời câu hỏi tại sao kẻ bênh người chống việc Kiev dùng vũ khí của Âu Mỹ nhắm vào một số mục tiêu quân sự của Nga : Phe ủng hộ cho rằng đà tiến của quân Nga từ hôm 10/05 đang đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm và các bên không có nhiều thời gian để tiếp tục tranh cãi. Bên chống đối thì có nhiều lý do khác nhau. Trước chiến tranh Ukraine, Nga là đối tác hàng đầu của Đức và Ý về năng lượng. Do vậy một số nhà phân tích nêu lên khả năng Berlin cũng như Roma "có tầm nhìn xa", với hy vọng cứu vãn được một số hợp đồng khai thác dầu mỏ, khí đốt với các đối tác Nga. Riêng trong trường hợp của nước Ý, phó thủ tướng Matteo Salvini nổi tiếng là người có lập trường thân Putin.
Về phía Hoa Kỳ, thái độ của Nhà Trắng gây "khó hiểu". Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Kiev mới là bên định đoạt về chiến lược quân sự của Ukraine, gián tiếp để ngỏ khả năng Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ tùy theo nhu cầu trên chiến trường. Trái lại, Lầu Năm Góc và các cố vấn an ninh của Nhà Trắng vẫn coi đây là điều cấm kỵ.
Những rạn nứt trong nội bộ NATO khiến Moskva phần nào an tâm. Ý thức được điều này, họp báo hôm 28/05 tại Uzbekistan, tổng thống Nga lớn tiếng hù dọa phương Tây : "Tại Châu Âu, mà đặc biệt là những nước nhỏ, cần suy nghĩ xem họ đang chơi trò gì trong khi nước họ diện tích chật hẹp mà lại đông dân". Vladimir Putin một lần nữa gián tiếp mang vũ khí hạt nhân ra đe dọa. Chủ nhân điện Kremlin nhắc lại : những nước nào cho Ukraine dùng vũ khí của họ nhắm vào lãnh thổ Nga sẽ phải hứng chịu trên lãnh thổ của họ những "hậu quả tai hại vô lường". Ông coi tuyên bố của một số thành viên NATO như một bước tiến mới trong cuộc "leo thang không ngừng nghỉ" nhắm vào những lợi ích của nước Nga.
Có điều, từ khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang biên giới Ukraine, phương Tây đã nhiều lần do dự trước khi thỏa mãn những đòi hỏi về viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev, rồi tranh cãi triền miên về việc cấp xe tăng, chiến đấu cơ hay tên lửa tầm xa cho Ukraine… Mỗi lần như vậy thì quân Nga lại có thêm thời gian để tổ chức lại và chỉnh đốn hàng ngũ. Sử gia người Pháp chuyên nghiên cứu về quân sự Michel Goya nói đến một sự "lãng phí thời gian quá bất lợi" cho phía các đồng minh của Ukraine.
Một nghịch lý khác là trong chiến tranh Ukraine do Nga phát động, áp lực với Vladimir Putin giờ đây dường như ít nặng hơn là với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Không trực tiếp tham gia vào xung đột này, nhưng ông Biden đang bị chỉ trích tứ bề : đảng đối lập Cộng Hòa chỉ trích Nhà Trắng quá hào phóng với Kiev, trong lúc xung đột diễn ra tận Châu Âu, rất xa nước Mỹ. Một số đồng minh của Washington trong NATO từ tổng thư ký Stoltenberg đến những đối tác quan trọng như Ba Lan thì cho rằng Mỹ đang trói tay chính quyền Kiev và nhất là đã mất gần nửa năm trời chậm trễ giải ngân cho Ukraine… tạo thuận lợi cho Nga tổ chức cuộc phản công giành được hàng trăm km vuông lãnh thổ Ukraine.
Thanh Hà
****************************
Ukraine tuyên bố đã bắn trúng hai tàu tuần tra của Nga ở Biển Đen
Thùy Dương, RFI, 30/05/2024
Ukraine tuyên bố đã bắn trúng hai tàu tuần tra của Nga trong đêm qua, rạng sáng nay 30/05/2024, ở Biển Đen, vùng bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập.
Ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC cung cấp ngày 23/09/2023 cho thấy những thiệt hại ở tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải ở Sébastopol, Crimea, sau khi bị hỏa tiễn của Ukraine tấn công. AP
Một nguồn tin quốc phòng Ukraine nói với AFP rằng "hai tàu tuần tra của Nga, theo xác định ban đầu là tàu KS-701 + Tunets + - đã bị bắn trúng", "drone Magura V5 của Hải quân Ukraine đã tấn công các tàu địch ở khu vực làng Chornomorsk", gần thị trấn Yevpatoria, miền tây bán đảo Crimea. Cũng theo nguồn tin trên, "hoạt động đặc biệt" này do Cục Tình báo Quân sự (GUR), thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, tiến hành. Tình báo quân đội Ukraine đã đăng tải một video ngắn trên mạng xã hội, cho thấy một drone Hải quân phát nổ khi chạm vào một tầu đang đậu.
Trong báo cáo buổi sáng, Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về vụ này mà chỉ cho biết đã bắn hạ được 2 drone của Hải quân Ukraine "hướng tới Crimea" trong đêm và chặn được 8 drone khác bên trên Biển Đen, gần Crimea. Quân đội Nga còn tuyên bố đã bắn hạ được 8 tên lửa chiến thuật Mỹ ATACMS trên biển Azov, cũng gần Crimea.
Trong một thông cáo khác, cơ quan an ninh Nga (FSB) hôm nay cho biết đã bắt giữ 4 người bị tình nghi phối hợp với tình báo quân đội Ukraine để chuẩn bị "một loạt hành động phá hoại và khủng bố" nhắm vào các đoàn tàu và đường ray xe lửa ở bán đảo Crimea.
Tình hình chiến sự vùng Kharkiv
Tướng Olekxandr Syrsky, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, hôm nay thông báo Moskva đang tăng cường lực lượng ở phía bắc vùng Kharkiv của Ukraine, nhưng ông nhận định quân Nga chưa đủ mạnh để đạt được một bước đột phá trong vùng Kharkiv.
Theo tướng Olekxandr Syrsky, được Reuters trích dẫn, Nga đang tiếp tục điều quân từ các vùng khác và các nơi huấn luyện đến vùng Kharkiv, miền đông bắc của Ukraine, để củng cố hai tuyến tấn công chính ở phía bắc vùng Kharkiv, khu vực Striletcha-Lyptsi và vùng xung quanh Vovtchansk.
Thùy Dương
Kháng chiến chống Nga : Pháp, Ukraine thảo luận về "nhu cầu vũ khí" của Kiev
Trọng Thành, RFI, 11/02/2024
Hôm 10/02/2024, lãnh đạo hai nước Pháp và Ukraine đã có cuộc điện đàm với trọng tâm là nhu cầu vũ khí của Kiev trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bắt tay Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné (phải) tại Kyiv, Ukraine, ngày 13/01/2024. Ảnh do Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine cung cấp. AP
Trên mạng X, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Pháp, Emmanuel Macron "về tình hình trên chiến trường và các nhu cầu phòng thủ của Ukraine, bao gồm drone, pháo binh và đạn dược, hệ thống tác chiến điện tử và phòng không". Lãnh đạo Ukraine đánh giá cuộc điện đàm là "rất tích cực và cụ thể", đồng thời cảm ơn nước Pháp đã dành cho Ukraine "sự hỗ trợ liên tục".
Điện Elysée xác nhận việc lãnh đạo hai nước đã thảo luận về "diễn biến trên thực địa và nhu cầu của Ukraine". Cũng theo nguồn tin này,‘tổng thống đã nhắc lại quyết tâm của Paris cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết, trong thời gian dài và cùng với tất cả các đối tác, để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lăng của Nga".
Lãnh đạo hai nước cũng bàn về thỏa thuận an ninh song phương mà Pháp và Ukraine đang xem xét để sớm ký kết, tương tự như thỏa thuận gần đây mà Kiev ký kết với Vương Quốc Anh. Hồi giữa tháng 1/2024, tổng thống Pháp cho biết ông sẽ tới Ukraine"vào tháng Hai". Hôm thứ bảy, giới thân cận với ông Macron đảm bảo rằng ông sẽ sớm tới Ukraine, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tổng thống Macron nhấn mạnh là thỏa thuận hợp tác an ninh song phương sẽ được công bố trong chuyến công du Ukraine sắp tới.
Cũng về tình hình quân đội Ukraine, theo AFP, tổng thống Volodymir Zelensky hôm qua đã tuyên bố bổ nhiệm năm sĩ quan để hoàn tất nhân sự Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi bổ nhiệm tướng Oleksandr Syrskyi làm tổng tư lệnh Quân Đội.
Trọng Thành
****************************
Lãnh đạo NATO kêu gọi các nước Châu Âu gia tăng sản xuất vũ khí cho Ukraine
Thanh Phương, RFI, 10/02/2024
Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên báo chí Đức hôm 10/02/2024, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước Châu Âu gia tăng sản xuất vũ khí để cung cấp cho Ukraine cũng như khôi phục các kho dự trữ vũ khí của Châu Âu.
Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO trong một cuộc họp báo nhân kỳ thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva ngày 11/07/2023. Reuters – Ints Kalnins
Trong khi chỉ còn chưa tới một tuần nữa là diễn ra cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng khối NATO tại Bruxelles trong hai ngày 15 và 16/02, ông Stoltenberg nhấn mạnh : "Điều đó có nghĩa là chúng ta phải chuyển từ sản xuất với nhịp độ chậm trong thời bình sang sản xuất với nhịp độ nhanh trong thời chiến".
Ông còn cảnh báo : "Khối NATO không muốn có chiến tranh với Nga, nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Nga có thể kéo dài nhiều thập niên".
Còn tại Washington hôm qua, theo hãng tin AFP, thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng thanh yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua khoản viện trợ mới 60 tỷ đô la cho Ukraine. Hôm thứ Năm (08/02), Thượng Viện Mỹ đã đạt được một bước tiến tới việc giải tỏa khoản viện trợ này, nhưng không có gì bảo đảm là Quốc Hội lưỡng viện sẽ thông qua, do sự chống đối của các dân biểu theo Donald Trump.
Trong khi chờ viện trợ mới của Mỹ, thủ tướng Olaf Scholz đã thể hiện quyết tâm hỗ trợ Ukraine tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev năm nay lên hơn 7 tỷ euro, đồng thời hối thúc các đối tác Châu Âu cũng gia tăng hỗ trợ cho Ukraine.
Về tình hình chiến sự, hôm nay đã có 7 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em, trong các cuộc không kích bằng drone của Nga vào thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine.
Thanh Phương
Ukraine hy vọng là tại thượng đỉnh Vilnius, Litva, hôm 11-12/07/2023, NATO mở ra cho Kiev một lịch trình cụ thể để gia nhập Liên Minh. Thế nhưng, chuyện đó đã không xảy ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) tại thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, ngày 12/07/2023. Reuters – Yves Herman
Tư cách thành viên của Ukraine trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, mà Kiev yêu cầu từ nhiều năm nay, nhất là từ khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02/2022, cũng đã không được đưa ra bàn thảo trong hai thượng đỉnh đầu tiên của NATO được tổ chức sau khi nổ ra chiến tranh Ukraine (lần triệu tập họp khẩn cấp vào tháng 03/2022 và thượng đỉnh Madrid tháng 06/2022).
Trong bài viết "NATO và Ukraine : Mọi chuyện sẽ đi về đâu sau thượng đỉnh Vilnius ?" đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 24/07/2023, nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, giáo sư hợp tác với trường ESCP Business School, nhắc lại là tại những thời điểm đó, sự ủng hộ ngay tức khắc dành cho Ukraine đã được nêu lên, thay vì những tính toán để bảo đảm an ninh dài hạn hơn. Tuy nhiên, thượng đỉnh Madrid khi đó đã tạo điều kiện để khởi động việc Phần Lan gia nhập khối NATO, chính thức có hiệu lực vào tháng 04/2023, và sự gia nhập của Thụy Điển. Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa phê chuẩn hiệp ước để Stockholm gia nhập NATO.
Theo nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, từ nguyên tắc mơ hồ về việc để "cửa ngỏ", với hội nghị thượng đỉnh Bucarest vào tháng 04/2008, khả năng Ukraine và cả Georgia (Gruzia) gia nhập NATO là một triển vọng có thực. Vào thời điểm đó, bất chấp sự phản đối của Pháp và Đức về việc đưa ra một "kế hoạch hành động để gia nhập" khối NATO cho Ukraine và Georgia, mà chính quyền Mỹ của tổng thống Bush mong muốn, hội nghị thượng đỉnh Bucarest 2008 đã đưa ra tuyên bố rõ ràng : "NATO hoan nghênh nguyện vọng của Ukraine và Georgia muốn gia nhập Liên Minh. Hôm nay, chúng tôi đã quyết định rằng các nước này sẽ trở thành thành viên của NATO". Thế nhưng, vài tháng sau đó, cuộc chiến Nga- Georgia đã nổ ra, tạo cơ hội cho Moskva thể hiện ưu thế chiến lược của Nga trong khu vực.
Hồ sơ gia nhập NATO của các ứng viên Ukraine và Georgia về cơ bản không tiến triển nhiều từ sau thượng đỉnh 2008. Sự hợp tác của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương với hai nước này đã được tăng cường, lời hứa để họ gia nhập khối đã được triển hạn, nhưng không có bước tiến cụ thể nào để Ukraine và Georgia trở thành thành viên NATO.
Georgia tỏ ra ít vội vàng hơn sau sự ra đi của tổng thống Saakashvili vào năm 2013. Về phần mình, Ukraine từ năm 2014 đã phải đối đầu với chính sách dùng vũ lực của Moskva (bị Nga thôn tính bán đảo Crimea, mất một phần vùng Donbass), nên đến năm 2019, trước kỳ bầu cử đưa Zelensky lên làm tổng thống, Kiev đã ghi vào Hiến pháp mục tiêu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Cho dù trước đó, việc gia nhập NATO từng là một mục tiêu gây tranh cãi ở Ukraine, không giống như việc gia nhập Liên Âu được gần 2/3 người dân ủng hộ.
Cuộc chiến tranh do Nga phát động vào tháng 02/2022 lại càng củng cố mong muốn của Ukraine được Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bảo vệ trong tương lai. Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ truyền thống từ một số đồng minh, đặc biệt là Anh Quốc và các nước Đông Âu, Hoa Kỳ lại đưa ra tín hiệu về một lập trường có tính kiềm chế cao trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thẳng là Ukraine "chưa sẵn sàng".
Đức theo quan điểm thận trọng của Mỹ, trong khi Pháp, theo phát biểu của tổng thống Macron hôm 31/05 tại Bratislava, tiếp tục theo hướng quyến rũ các nước Đông Âu, đã bày tỏ lập trường ủng hộ sự gia nhập của Ukraine. Theo nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, trên thực tế chắc chắn nhiều quốc gia thận trọng là vì hiệp ước kết nạp thành viên mới phải được từng nước thành viên phê chuẩn. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển đã cho thấy không phải quốc gia nào cũng dễ dàng thông qua hồ sơ gia nhập của các ứng viên.
Kết quả của thượng đỉnh Vilnius, khiến Ukraine thất vọng, trước hết phản ánh lập trường của Mỹ. Mặc dù khả năng NATO kết nạp Ukraine đã được tái khẳng định ("tương lai của Ukraine là ở trong khối NATO"), nhưng không có quy trình gia nhập cụ thể nào được khởi động, NATO chỉ xác định là khác với Georgia, Ukraine sẽ được miễn trừ "kế hoạch hành động để gia nhập".
Về việc Kiev muốn được NATO mời gia nhập, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trả lời ngắn gọn rằng Ukraine sẽ được mời "khi các nước Đồng Minh quyết định và khi các điều kiện được đáp ứng" (mà không nói cụ thể là điều kiện gì). Nói cách khác, việc kết nạp Ukraine vào NATO hay không và khi nào sẽ chỉ do Liên Minh quyết định. Bù lại, NATO đã quyết định tăng cường hơn nữa quan hệ với Kiev, nhất là với việc thành lập Hội đồng NATO-Ukraine.
Nỗi sợ đụng độ hạt nhân
Theo tác giả bài viết, sự từ chối mời Ukraine gia nhập NATO cần được giải thích ở hai cấp độ : từ quan điểm về sự can dự của NATO vào cuộc xung đột và từ quan điểm về giải pháp mà NATO có thể đưa ra để giải quyết xung đột.
Trước tiên, có một sự thật hiển nhiên : NATO không phải là bên tham chiến. Đây là cuộc chiến Nga chống Ukraine, chứ không phải Nga chống lại phương Tây. Trong khi việc một số quốc gia, chẳng hạn như Belarus, cho phép quân đội Nga đi qua lãnh thổ của họ, có thể bị xem là bên tham chiến, thì việc phương Tây giao vũ khí cho Ukraine lại không bị xem là tham chiến. Và phương Tây cũng tỏ ra hết sức thận trọng về cung cấp các loại vũ khí tấn công (xe tăng, tên lửa, máy bay) có khả năng tấn công trực tiếp vào nước Nga.
Mặc dù có sự phối hợp sơ lược trong khuôn khổ NATO ("nhóm Ramstein"), nhưng việc giao vũ khí cho Ukraine có xu hướng đi vòng, tránh thông qua NATO, mà trong khuôn khổ quan hệ song phương (giữa một nước nào đó với Ukraine), hoặc thông qua Liên Hiệp Châu Âu (với sự tài trợ của Quỹ Liên Âu vì hòa bình), hoặc thông qua sự phối hợp trong nhóm G7 (cam kết hỗ trợ Ukraine lâu dài và chống lại một cuộc tấn công mới của Nga trong tương lai đã được quyết định tại Vilnius, nhưng là trong khuôn khổ nhóm G7 chứ không phải trong khuôn khổ NATO).
Lý do NATO né tránh cũng rất dễ hiểu, bởi vì bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào dù là giữa phương Tây với Nga, hay giữa NATO với Nga, hay giữa Hoa Kỳ với Nga, đều có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột hạt nhân. Nga đã nhiều lần truyền đi thông điệp công khai rằng họ không sợ leo thang hạt nhân. Theo nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, như vậy rất có thể là Nga cũng đã gửi đi những thông điệp tương tự trong các cuộc đối thoại với Mỹ. Nhiệm vụ chính của NATO là phòng thủ tập thể cho các thành viên. Đây cũng là một nội dung chính của thượng đỉnh Vilnius vừa qua.
Trong tương lai, Ukraine có thể được hưởng sự bảo đảm an ninh mà NATO dành cho các thành viên của Liên Minh hay không ? Câu hỏi này đã gây ra một cuộc tranh luận thực sự trước thềm hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Điều khó là việc áp dụng cơ chế bảo đảm an ninh được quy định trong Điều 5 của Hiệp định thành lập NATO (Điều khoản phòng vệ tập thể) đối với một nước không kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ của họ. Không có quốc gia thành viên NATO nào rơi vào tình huống này (Chypre thuộc Liên Âu nhưng không thuộc NATO).
Trong trường hợp đó, tối thiểu cũng cần diễn giải Điều 5 theo hướng việc bảo đảm an ninh chỉ áp dụng cho các vùng lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát được, và với mục đích phòng thủ, chứ không áp dụng cho các vùng lãnh thổ của Ukraine nhưng đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, để tránh nguy cơ NATO bị lôi kéo ngoài ý muốn vào chiến dịch thu hồi các vùng lãnh thổ của Ukraine đã bị Nga chiếm đóng.
Mô hình Israel và Hàn Quốc
Nhiều khả năng lựa chọn đã được đưa ra. Chẳng hạn như mô hình của Hàn Quốc, nước đã ký một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ từ năm 1953. Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc trong khi bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia cắt và chưa có hiệp ước hòa bình. Hoặc như trường hợp của Israel, được Hoa Kỳ hỗ trợ an ninh thông qua nhiều thỏa thuận hợp tác quốc phòng.
Hiện giờ, "các bảo đảm an ninh" mà phương Tây đề xuất với Kiev (như trong tuyên bố của nhóm G7 tại Vilnius) đều chưa đạt đến mức như trên. NATO không dự kiến triển khai binh sĩ của các nước đồng minh trên lãnh thổ Ukraine. Họ cũng không dự kiến điều khoản về hỗ trợ quân sự chống xâm lược. Và ngay cả nếu NATO cam kết hỗ trợ an ninh cho Ukraine theo diện rộng và lâu dài, như Hoa Kỳ đang làm với Israel, thì Ukraine cũng đang ở một vị thế rất khác biệt : Kiev không có vũ khí hạt nhân và ngay cả khi Ukraine được phương Tây trang bị vũ khí, thì chỉ với quân đội của Ukraine, họ cũng không thể chiếm ưu thế chiến lược đối với nước láng giềng Nga.
Yếu tố cuối cùng phải được tính đến : Nga luôn phản đối Ukraine gia nhập NATO. Lấy việc NATO kết nạp Ukraine làm lối thoát cho chiến tranh không hẳn là sẽ sớm chấm dứt cuộc chiến, mà ngược lại có thể thúc đẩy Moskva tiếp tục cuộc chiến để ngăn chặn kết cục đó.
Việc gia nhập NATO cũng có nghĩa là Ukraine phải đáp ứng được nhiều điều kiện : Ukraine cần thu hồi phần lãnh thổ đủ nhiều để khiến Nga có thể đồng ý thông qua lệnh ngừng bắn ; Điều 5 cần được giới hạn ở phần lãnh thổ do Ukraine kiểm soát (điều này dẫn đến việc ít nhất là tạm thời Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ được quốc tế công nhận nhưng giờ đây không còn nắm quyền kiểm soát, ví dụ như bán đảo Crimea hoặc một phần vùng Donbass đã bị Nga thôn tính) ; Nga cũng phải xem là họ đã thất bại đủ để chấp nhận một lệnh ngừng bắn với những điều khoản rất bất lợi (giảm bớt quyền kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine, việc Ukraine gia nhập NATO, về mặt logic là NATO sẽ triển khai quân ở những điểm quan trọng), điều này chắc chắn cần có một sự thay đổi quyền lực ở Moskva.
Nhưng vì Nga là một cường quốc hạt nhân, nên yếu tố chiến lược nền tảng của cuộc xung đột này là NATO không thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Nga và cần đặt ra giới hạn về thất bại mà Ukraine có thể gây ra cho Nga. Chuyên gia Maxime Lefebvre kết luận đó là lý do vì sao các chiến lược gia ở Washington muốn để ngỏ mọi cánh cửa để tìm lối thoát cho cuộc xung đột, điều mà thượng đỉnh Vilnius hướng tới.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 31/07/2023
NATO : Công thức nào cho Ukraine sau 15 năm chờ đợi trong "luyện ngục" ?
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva khai mạc hôm 11/07/2023 là sự kiện được các báo Pháp đặt lên hàng đầu. Les Echos nhấn mạnh "Một hội nghị thượng đỉnh mang tính quyết định cho Ukraine". Le Figaro chạy tựa trang nhất "NATO : Tại Vilnius, các đồng minh chìa tay cho Ukraine". La Croix đưa tít "NATO trước nguy cơ một cuộc chiến tranh kéo dài", Le Monde nhận định "NATO tìm một công thức thích hợp cho Ukraine".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng với phu nhân Olena Zelenska, và tổng thống Litva Gitanas Nauseda trong lễ trao tặng một lá quốc kỳ Ukraine từ tiền tuyến, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) ngày 11/07/2023. Reuters – Kacper Pempel
33.000 lá cờ Ukraine tại thượng đỉnh Vilnius
Le Monde mô tả, trong một tuần lễ, Vilnius trở thành thủ đô được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới. Hơn một chục nước thành viên gởi đến khoảng 1.000 binh sĩ và mấy chục loại vũ khí, từ hệ thống chống hỏa tiễn Patriot, đại bác Caesar, thiết bị giám sát, lực lượng đặc nhiệm để giữ an ninh cho hai ngày hội nghị.
Les Echos nói thêm, chưa bao giờ Vilnius tổ chức một sự kiện tầm cỡ như vậy. Thủ đô Litva chỉ cách Belarus có 35 kilomet, nơi Vladimir Putin đe dọa bố trí vũ khí nguyên tử chiến thuật. Ở trên không, có các chiến đấu cơ Rafale của Pháp, phi cơ thám sát AWACS và các phương tiện chống drone.
Để chào mừng hội nghị có sự hiện diện của 31 nhà lãnh đạo các nước NATO cộng thêm Thụy Điển là 32, cùng với bốn đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand) và tổng thống Volodymyr Zelensky, người dân quốc gia Baltic này đã chuẩn bị 33.000 lá cờ Ukraine để trang hoàng Vilnius.
Thụy Điển chuẩn bị vào NATO : Thông điệp mạnh mẽ cho Nga
Cập nhật tình hình, Libération nhận thấy việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhập để Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương là một thông điệp mạnh mẽ gởi đến Nga. Sau một tuần lễ với hàng loạt cuộc điện đàm và hội họp với nhiều đối tác khác nhau, Recep Tayyip Erdogan rốt cuộc tối qua loan báo sẽ chuyển hồ sơ cho Quốc hội phê chuẩn, có nghĩa là không còn ngăn chặn việc kết nạp Thụy Điển. Hành động ngoạn mục chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc, giúp củng cố sức mạnh của Liên minh.
Đất nước Bắc Âu 10 triệu dân sở hữu một kỹ nghệ quốc phòng năng động, một quân đội chuyên nghiệp 50.000 người, sẽ góp phần biến biển Baltic thành ao nhà của NATO, gây khó khăn cho hoạt động của hải quân Nga. Từ Vilnius, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết "rất vui mừng", khẳng định ông chỉ cam kết song phương rằng sẽ tích cực ủng hộ việc tái lập thương lượng để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), cải tiến thỏa thuận thuế quan với Châu Âu và việc cấp visa Thụy Điển.
Để thời gian không là đồng minh của Putin…
La Croix cho rằng thách thức chủ yếu của NATO là giành được chiến thắng về thời gian trong "trắc nghiệm quyết tâm" về chiến tranh Ukraine, giữa các nước phương Tây và Nga.Bởi vì Vladimir Putin đặt cược vào sự chán nản của công chúng các quốc gia dân chủ, khả năng chiến thắng của phe Cộng hòa vốn chủ trương không can thiệp ở Hoa Kỳ, và một số khuôn mặt thân Nga có thể lên nắm quyền tại một số nước Châu Âu như Pháp. Trong bài diễn văn tại Bratislava hôm 31/05, tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh cần ủng hộ dài lâu Ukraine trong cuộc chiến cường độ cao và trung bình.
Nhà phân tích Andrew Michta nhận định, vấn đề là thuyết phục được các nhà lãnh đạo và cử tri các nước Châu Âu ở xa sườn phía đông là an ninh của họ cũng bị nguy hiểm, nên phải tiếp tục tái vũ trang trong ít nhất một thập niên. Một Châu lục thịnh vượng có 600 triệu dân cần lo được phần cốt lõi năng lực răn đe quy ước của NATO, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ về nguyên tử.
Nửa vời là thất bại
Theo Le Figaro, từ khi Vladimir Putin ra lệnh xâm lăng Ukraine, bàn cờ địa chính trị Châu Âu đã hoàn toàn bị đảo lộn. Nạn nhân từ hơn 500 ngày qua đã chống chọi được với cỗ máy nghiền của Nga, với các loại vũ khí và cố vấn của phương Tây. Dù NATO thận trọng không muốn bị coi là "đồng tham chiến", nhưng ai đứng về bên nào cũng đã rõ. Tờ báo cho rằng cần bảo đảm trách nhiệm lịch sử thay vì núp phía sau những tuyên bố nhập nhằng.
Tại Vilnius, đã đến lúc 31 quốc gia thành viên chọn lựa một sự cam kết lâu dài, đưa ra thông điệp tương trợ với Kiev và chống lại chủ nghĩa đế quốc của Putin. Đứng trước Nga, cách tốt nhất để thất bại là không chịu đi đến cùng. Ukraine đã có được vé vào cửa NATO, chính Putin đã tạo ra tình trạng mà ông ta muốn tránh né. Cựu phó tổng thư ký NATO Camille Grand trên Le Monde nhắc nhở, cho đến năm 2014, từ thăm dò này đến thăm dò khác, đa số dân Ukraine không muốn vào NATO, nhưng giờ đây tỉ lệ ủng hộ gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương lên đến 91% !
Kiev chưa phải thành viên, NATO bảo đảm an ninh cách nào ?
Trong bài "NATO, bảo đảm an ninh nào cho Ukraine ?", Le Figaro nêu ra vài công thức. Chẳng hạn phòng vệ "con nhím" như cách Mỹ hỗ trợ Israel, cần nhiều tỉ đô là viện trợ hàng năm ; hay giúp bảo vệ Hàn Quốc, với sự hiện diện quân sự thường trực dọc theo đường biên ngưng bắn. Châu Âu liệu đã sẵn sàng hay chưa ? Nhưng cần tương đối hóa ví dụ Israel : Nhà nước Do Thái sở hữu vũ khí nguyên tử, trong một khu vực mà Israel độc quyền loại vũ khí này. Còn Ukraine ngược lại, nằm sát một cường quốc nguyên tử hung hăng. Tương tự, ông Camille Grand cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel là hết sức đặc thù, không thể so sánh.
Đối với dân biểu Benjamin Haddad, cần trao cho người Ukraine phương tiện để tái chiếm lãnh thổ, giúp cuộc phản công thắng lợi. Phương Tây quá trễ tràng trong việc viện trợ phi cơ, xe tăng. Les Echos cho biết trong khi chờ đợi trở nên thành viên NATO, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp thương thảo về "những bảo đảm an ninh mới" cho Kiev. Đó là tìm ra một kế hoạch yểm trợ quân sự lâu dài, nhất là về vũ khí, để thoát khỏi cảnh liên tục chậm trễ so với nhu cầu chiến trường Ukraine. Từ việc bàn bạc từng vụ một về cấp đạn dược, thiết giáp… chuyển sang cam kết quân viện trong nhiều năm (thiết bị, tình báo, huấn luyện).
Cũng theo ông Haddad, chiến thắng không chỉ là giành lại đất đai, mà còn là sự bảo đảm một Ukraine tự do, dân chủ, cắm rễ vào Châu Âu. Đó là điều mà Putin muốn tránh. Như vậy việc hội nhập Ukraine vào Liên Hiệp Châu Âu và NATO mang tính quyết định, giúp tăng cường ổn định về địa chính trị vào lúc Nga và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng với phương Tây bằng tiền bạc hay bóp méo thông tin. Chuyên gia Camille Grand nói thêm, sự ổn định này không chỉ tốt đẹp cho Ukraine và Châu Âu, mà cả cho người Nga.
Ukraine, 15 năm chờ đợi trong "luyện ngục"
Bài xã luận của Les Echos nhận định, đối với các láng giềng của Nga, không có gì tệ hại hơn là phải kiên nhẫn ngồi mãi ngoài sảnh chờ. Có thể nói đây là chỗ của người chết đợi ngày phán xử : không có được sự bảo đảm bênh vực của các đồng minh, nhưng lại thường xuyên bị Putin trút giận. Vị trí lửng lơ này Ukraine đã phải chịu đựng từ hơn 15 năm qua. Từ khi các nước lãnh đạo NATO nói rằng Kiev có thể tham gia dù sớm hay muộn, nhưng không hề cụ thể hóa. Le Monde nhắc lại câu nói mỉa mai : "Cửa đã mở, nhưng không được mời vào nhà".
Nếu có một ưu tiên trong thượng đỉnh Vilnius, thì đó phải là cam kết đưa Ukraine ra khỏi lò lửa luyện ngục : đất nước này đã phải chịu đựng việc Crimea bị sáp nhập năm 2014 và một cuộc chiến tranh cường độ cao từ 18 tháng qua. Tất nhiên không thể kết nạp Ukraine vào NATO trước khi chiến tranh kết thúc, vì sẽ đổ dầu vào lửa. Nhưng điều cốt yếu là các nhà lãnh đạo phương Tây vạch hẳn ra một con đường với những điều kiện cụ thể, rõ ràng đối với cả Kiev lẫn Moskva. Tất cả những biện pháp nửa vời chỉ có lợi cho Vladimir Putin. Hoa Kỳ và Đức khó lay chuyển nhất, vì Ukraine còn lâu mới đạt được những đòi hỏi về chống tham nhũng, chất lượng tình báo và quân đội theo tiêu chuẩn NATO.
Ngoài triển vọng gia nhập, NATO muốn mang lại cho Ukraine những bảo đảm mới về an ninh. Nhưng Kiev đã từng khốn đốn với những lời hứa kiểu này. Cách đây khoảng 30 năm, Ukraine đã chấp nhận giao lại tất cả những vũ khí nguyên tử Liên Xô, đứng thứ ba thế giới vào thời đó, để đổi lấy sự bảo vệ của Mỹ, Anh và Nga. Một sự bảo đảm tỏ ra rỗng tuếch vào năm 2014.
NATO từng chứng tỏ là một tổ chức sống động và cởi mở, đã tiếp nhận năm quốc gia mới trong 15 năm qua. Giờ đây cần phải chứng minh là vẫn giữ được tính thực dụng và tầm nhìn lịch sử. Với những ai phản đối là không thể cho một nước đang có chiến tranh gia nhập, nên nhớ lại thời điểm quan trọng khi NATO chấp nhận kết nạp Cộng hòa Liên bang Đức, tức Tây Đức ; trong khi Cộng hòa Dân chủ Đức vẫn hiện diện tuy không được công nhận. Đó là năm 1955, ở đỉnh điểm căng thẳng giữa hai khối cộng sản và phương Tây. Berlin, lâu nay liên tục làm khó dễ vì sợ leo thang với Nga, tốt nhất nên nhớ lại điều này.
Dân Armenia từ cảm tình đến bất mãn với người Nga di tản
Tại vùng Kavkaz, Le Figaro nhận thấy cư dân địa phương không ưa những người Nga chạy sang Armenia trốn lệnh động viên, làm giá nhà đất tăng vọt. Tháng 9/2022, hàng ngàn người Nga tràn ngập Armenia để tránh bị bắt lính đưa sang Ukraine. Những người có tiền thì mua nhà, số khác đi mướn với giá rất cao đối với người dân tại chỗ nhưng với họ thì bình thường, gây ra một trận động đất trên thị trường địa ốc. Giá thuê nhà tăng gấp đôi thậm chí gấp ba.
Parandzem Vartanyan, nữ y tá 36 tuổi là một trong những nạn nhân. Bà cho biết tiền mướn nhà từ 220 euro một tháng nay tăng lên 550 euro, gia đình phải dọn đi nơi khác, nhưng tình trạng vẫn không khá hơn mà lương thì không tăng. Sau ba lần dọn nhà, bây giờ họ thuê một ga-ra cũ ở ngoại ô. Nóng như lò lửa vào mùa hè, lạnh như băng vào mùa đông, và khi trời mưa thì ngập lụt. "Người Nga nhất là chuyên viên thảo chương có thể trả tiền thuê như ở Moskva hay Berlin, với họ không có gì thay đổi, và chủ nhà Armenia cũng hưởng lợi. Nhưng chúng tôi không còn có thể sống đàng hoàng như xưa nữa".
Dù ban đầu người dân Armenia đối xử tử tế hơn với các công dân Nga chạy sang, so với Georgia (Gruzia) - đất nước bị Moskva chiếm mất 20% lãnh thổ từ 2008. Tuy nhiên ngày lại ngày, giới bình dân và trung lưu càng tỏ ra ác cảm với người Nga hơn. Taron, một người dân Erevan nói, đi đâu họ cũng nói tiếng Nga cứ như là ai cũng song ngữ, đôi khi tỏ ra hách dịch. Chính quyền Armenia dần dà đứng xa khỏi Moskva, tuyên bố không ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine. Một số người Nga có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã khoe giấy thường trú hoặc xin nhập quốc tịch : họ sực nhớ ra một người thân gốc Armenia, kết hôn, mở tiệm…
Chưa hề thử lửa sau thất bại trước Việt Nam, Trung Quốc khó phiêu lưu với Đài Loan
Nhìn sang Châu Á, trên trang Ý kiến của Le Monde, chuyên gia Jean-François Di Meglio của Asia Centre cho rằng tuy không thể làm ngơ trước mối nguy hiểm ở Biển Đông, nhưng cũng không nên quá cảm tính. Dù diễu võ dương oai trước Đài Loan, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi lao vào cuộc phiêu lưu.
Sự kiện hàng không mẫu hạm Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan hôm 27/05, một lần nữa làm dấy lên lo ngại. Trung Quốc tiếp tục gây áp lực, như hôm 08/06 điều 37 chiến đấu cơ bay vào "vùng nhận diện phòng không" của Đài Loan, một lần nữa vi phạm đường trung tuyến được hai bên mặc nhiên công nhận. Tuy nhiên tác giả nhận thấy dù hải quân Trung Quốc phát triển rất ấn tượng về cả số lượng lẫn chất lượng, nhưng chưa bao giờ giành được chiến thắng, ít nhất là từ 1949.
Năm đó, quân đội Trung Quốc, tất nhiên rất khác với hiện nay, thất bại trong việc đổ bộ lên đảo Kim Môn của Đài Loan. Đến năm 1979, quân Trung Quốc đã bị Việt Nam tặng cho một cái tát nhục nhã, khi định "dạy cho Việt Nam một bài học". Bắc Kinh không thể huy động một hay nhiều hàng không mẫu hạm vì chưa nắm vững kỹ năng, thay vào đó có thể dùng hỏa tiễn siêu thanh. Nhưng muốn chiếm Đài Loan, phải triển khai lực lượng đổ bộ hết sức hùng hậu, còn phong tỏa đòi hỏi hậu cần phải rất chu đáo. Di Meglio cho rằng mối lo lớn nhất là sự thờ ơ của Châu Âu, thiếu vắng những động thái mang tính răn đe trước tham vọng Bắc Kinh.
Thụy My
Phương Tây công bố "kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài cho" Ukraine
Thanh Hà, RFI, 12/07/2023
Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO không cam kết cụ thể về lịch trình kết nạp Ukraine nhưng để đưa ra "một tín hiệu mạnh" gửi tới Moskva, phương Tây hôm nay 12/07/2023 công bố một "kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài" cho Ukraine. Trong khi đó, khối G7 và một số quốc gia khác cam kết hỗ trợ Ukraine "xây dựng lại một lực lượng quân đội đủ sức tự vệ và tránh mọi cuộc tấn công trong tương lai".
Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg (phải) đón tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới dự thượng đỉnh tại Vilnius, Litva, ngày 12/07/2023. AFP - Odd Andersen
Thông cáo chung của G7 nhấn mạnh, đây sẽ là một chương trình "đầu tư lâu dài". Lãnh đạo 7 cường quốc công nghiệp thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Canada) có một cuộc họp với tổng thống Ukraine và các bên chính thức công bố "kế hoạch hỗ trợ an ninh lâu dài" đó.
Trở lại với ngày họp đầu tiên tại Vilnius, Litva hôm qua, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg khẳng định "tương lai của Ukraine là ở trong NATO" nhưng khối này không đưa ra lịch trình kết nạp. Tổng thống Ukraine đến dự thượng đỉnh đã thất vọng trước lập trường cứng rắn của NATO.
Đặc phái viên Anastasia Becchio từ Vilnius tường trình :
"Những tuyên bố cứng rắn của Volodymyr Zelensky vào lúc mà các nước đồng minh đang đúc kết bản tuyên bố chung đã không thay đổi được gì. Tổng thống Ukraine không thuyết phục được các lãnh đạo NATO đồng ý về một bản tuyên bố chung cùng với một lịch trình cụ thể kết nạp Kiev vào liên minh.
Chung cuộc, lập trường thận trọng nhất đã chiếm thế áp đảo. Đó là quan điểm của Mỹ và Đức, muốn tránh leo thang xung đột với Nga. Như vậy là Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO khi các nước đồng minh chấp thuận và hội đủ các điều kiện. Nhượng bộ duy nhất là Ukraine sẽ đốt ngắn được một giai đoạn, tức là sẽ không phải trải qua giai đoạn thực hiện các nghĩa vụ chính trị, kinh tế và quân sự được ấn định trong kế hoạch hành động để gia nhập tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương. Trong khi chờ đợi Kiev và NATO sẽ đẩy mạnh thêm quan hệ nhằm chuẩn bị cho các cuộc thương lượng trong tương lai trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Ukraine. Và Hội đồng có cuộc họp đầu tiên vào hôm nay. Đây cũng sẽ là cơ hội để các bên bàn thảo trở lại về những biện pháp bảo đảm an ninh, hỗ trợ quân sự, tài chính, về vật chất cho một quốc gia đang phải đối mặt với chiến tranh.
Khối G7 cam kết tiếp tục yểm trợ Ukraine đặc biệt là giúp quốc gia này nâng cao khả năng phòng không, pháo binh, tình báo, huấn luyện. Một số quốc gia khác sẽ tham gia vào sáng kiến này, trong đó có Ba Lan và Rumanie cũng như một số quốc gia trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương như Úc, Hàn Quốc hay Nhật Bản."
Thanh Hà
***********************
NATO do dự kết nạp Ukraine, người dân Kiev lo lắng
Chi Phương, RFI, 12/07/2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp lãnh đạo các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO hôm nay 12/07/2023, tại Vilnius, Litva, nhân thượng đỉnh của Liên Minh. Trước đó, ông Zelensky đã chỉ trích gay gắt NATO vì thiếu thiện chí đối với hồ sơ gia nhập của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại thượng đỉnh NATO, Vilnius, Litva, ngày 11/07/2023. AFP – Petras Malukas
Tại Kiev, thái độ mập mờ của NATO khiến người Ukraine cảm thấy lo lắng bởi "sự do dự đó khiến hàng ngàn người Ukraine phải trả giá bằng sinh mạng trên chiến trường" chống lại sự xâm lược của Nga.
Từ thủ đô Ukraine, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tường trình :
"Người dân Ukraine khó có thể chấp nhận thái độ không rõ ràng của NATO. Họ bị tấn công hàng ngày từ một năm rưỡi trong cuộc chiến chống lại Nga. Từ năm 2014 và từ đầu cuộc chiến đến nay, đã có một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm của người dân Ukraine, với mong muốn thực sự gia nhập NATO.
Bởi vì người Ukraine cho rằng, trên chiến trường, Kiev đã là một phần của Liên Minh. Bởi vì họ thấy rằng, theo một cách nào đó, Ukraine là bức tường thành cuối cùng giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga. Và hôm nay, họ có cảm giác đó là thỏa thuận Budapest thứ hai, nghĩa là Ukraine nhận được những lời hứa hẹn mơ hồ về an ninh, bất chấp những thiệt hại mà họ phải hứng chịu.
(Trong cuộc chiến với Nga), Ukraine đã trải qua những sự kiện tàn khốc như cuộc thảm sát ở Bucha, Izium, Mykolaiv… cùng với mối đe dọa thường trực về thảm họa hạt nhân.
Các khu vực phía đông, vốn là những khu vực được công nghiệp hóa thì nay thành đống đổ nát, bom mìn rải khắp nơi và không có thể sinh sống được nữa do các trận đánh diễn ra tại đây. Và sau đó, khi nhìn vào quy mô mức độ phá hủy, người dân Ukraine đã phải trả xương máu, với ít nhất 9000 thường dân thiệt mạng kể từ năm ngoái.
Mỗi gia đình đều bị ảnh hưởng vì hàng chục ngàn lính Ukraine đang ở trên chiến tuyến và phải trả giá bằng mạng sống của họ. Cuộc chiến này không cân xứng khi xét đến quy mô giữa quân đội Nga và Ukraine, mặc dù Ukraine có được sự trợ giúp mạnh mẽ từ phương Tây và NATO.
Đối với người dân Ukraine, khi nào chưa có được bảo đảm gia nhập với một lịch trình rõ ràng thì cho dù Liên Minh Bắc Đại Tây Dương có ủng hộ, nhưng lại vẫn do dự, thì cái giá của sự do dự, không quyết định này, đó là chính là sinh mạng của nhiều người dân Ukraine."
Chi Phương
*************************
NATO ủng hộ Ukraine nhưng chưa đề ra lịch trình kết nạp
Thanh Phương, RFI, 11/07/2023
Hôm 11/07/2023, lãnh đạo của các nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương họp thượng đỉnh tại thủ đô Vilnius của Litva trong hai ngày, chủ yếu nhằm bày tỏ sự ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, nhưng sẽ không đề ra lộ trình kết nạp Kiev.
Tấm biển ghi NATO và Ukraine gắn trên nóc một tòa nhà ở Vilnius, Litva, vào ngày 10/07/2023. © Reuters / INTS KALNINS
Được mời dự thượng đỉnh, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây ngay từ bây giờ đưa ra những cam kết về việc kết nạp Ukraine vào NATO, tuy ông nhìn nhận là Ukraine khó có thể được thâu nhận ngay do đang có chiến tranh với Nga.
Theo hãng tin AFP, tuyên bố với các phóng viên bên lề thượng đỉnh ở Vilnius, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết khối NATO sẽ vạch ra một "con đường các cải tổ" mà Ukraine phải thực hiện để có thể gia nhập Liên minh, nhưng sẽ không đề ra một "lịch trình" cho việc thâu nhận Kiev.
Ông Sullivan nhắc lại lập trường của Washington là trong lúc đang có chiến tranh với Nga, Ukraine không thể được kết nạp vào NATO, vì làm như vậy sẽ kéo NATO vào một cuộc chiến với Nga. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng nhân dịp này thông báo, ngày mai tổng thống Joe Biden sẽ gặp tổng thống Zelensky tại Vilnius.
Về phần tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông khẳng định là các lãnh đạo của Liên minh sẽ gởi một tín hiệu "rõ ràng" và "tích cực" đến Ukraine trong viễn cảnh gia nhập NATO. Vấn đề là trong bản dự thảo thông cáo kết thúc thượng đỉnh, lãnh đạo các nước thành viên NATO hiện chưa tìm ra được một công thức nào thể hiện cam kết với Kiev mà có thể làm hài lòng tất cả các bên.
Trên mạng Twitter hôm nay, tổng thống Zelensky đã có phản ứng, xem thái độ "do dự" của NATO là một sự "yếu kém", chỉ khuyến khích Nga "tiếp tục cuộc khủng bố Ukraine". Ông cũng cho rằng việc NATO không đề ra lịch trình cho việc kết nạp Ukraine là một điều "phi lý".
Người dân Ukraine dĩ nhiên là theo dõi sát diễn tiến thượng đỉnh NATO lần này, như tường trình của thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze từ thủ đô Kiev :
"Bộ máy tuyên truyền của Nga đã dùng việc Ukraine xin gia nhập NATO để biện minh cho cuộc chiến xâm lược của Moskva. Nhưng người dân Ukraine dứt khoát không từ bỏ tham vọng trở thành thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Vào lúc thượng đỉnh Vilnius khai mạc, tại Kiev, mọi con mắt đang hướng về phương Tây. Một người dân nói : "Chúng tôi có nhiều hy vọng, hy vọng là cuối cùng sẽ có một chút gì đó của Ukraine trong NATO". Một người khác thì tỏ vẻ bi quan : "Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ không đạt được gì thêm ngoài những gì đã có, bởi vì thế giới đâu có muốn đánh nhau với Nga, đâu quan tâm đến vấn đề của những người khác". Người thứ ba thì mong ước : "Tôi hy vọng là sự yểm trợ cho nền độc lập của chúng tôi sẽ lên đến đỉnh điểm và thế giới sẽ thấy chúng tôi biết ơn về sự yểm trợ đó như thế nào, và chúng tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với sự yểm trợ đó.
Trong khi chờ kết quả thượng đỉnh NATO, chiến tranh càng kéo dài, người dân Ukraine càng mất kiên nhẫn trước sự lưỡng lự của phương Tây về việc có kết nạp Ukraine vào Liên Minh hay không. Ukraine nay đã trở thành một quân đội mạnh ở lục địa Châu Âu, đủ sức bảo vệ lãnh thổ của mình trong cuộc chiến này. Thay vì nhận được những bảo đảm về an ninh, gần 90% người dân Ukraine muốn nước họ được thâu nhận vào NATO.
Thanh Phương
************************
Nga đe dọa đáp trả nếu NATO kết nạp Ukraine
Trước khi thượng đỉnh NATO khai mạc, phát ngôn viên điện Kremli, Dmitri Peskov hôm qua 10/07/2023, đã khẳng định lại lập trường của Moskva kiên quyết chống lại việc Ukraine gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại tây Dương và dọa sẽ có phản ứng đáp trả cứng rắn.
Phát ngôn của tổng thống Nga Dmitri Peskov tại Moskva, Nga, ngày 22/12/2022. via Reuters - Sputnik
Thông tín viên Jean-Didier Revoin từ Moskva cho biết thêm chi tiết :
"Kremlin cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO có thể sẽ gây hậu quả rất tiêu cực cho cấu trúc an ninh Châu Âu tồn tại từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov nhấn mạnh thêm rằng Ukraine gia nhập NATO hiển nhiên là mối đe dọa cho Nga, Moskva sẽ cần có phản ứng rõ ràng và kiên quyết. Lập trường để biện minh cho cuộc can thiệp quân sự tại Ukraine như vậy đã được Mátxcơva nhiều lần công khai.
Theo một số phương tiện truyền thông có xu hướng dân tộc chủ nghĩa thì thượng đỉnh NATO lần này đã báo hiệu như là một sự sỉ nhục đối với Kiev. Một số người còn cho đó như là một cú dao đâm sau lưng Ukraine khi nhắc đến thái độ bực tức của ông Volodymyr Zelensky.
Quả thực, họ nhận thấy tổng thống Ukraine đã rất khó chịu với các tuyên bố của Mỹ và Đức, theo đó việc Ukraine gia nhập Liên minh hiện tại không có trong trường trình nghị sự. Còn lại, cần phải chờ thông cáo cuối cùng của thượng đỉnh để biết được phản ứng mới của Nga".
Anh Vũ
************************
Khối NATO bị chia rẽ về vấn đề thâu nhận Ukraine
Thanh Phương, RFI, 10/07/2023
Trong lịch sử của Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, có lẽ chưa bao giờ tổ chức này lại đứng trước một vấn đề nan giải như vậy : Nên hay không nên khởi động ngay từ bây giờ tiến trình thâu nhận Ukraine, một quốc gia đang có chiến tranh với Nga ?
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva ngày 10/07/2023. Reuters - INTS KALNINS
Trước cuộc họp thượng đỉnh của khối NATO khai mạc ngày mai tại Vilnius, thủ đô Litva, đây là một vấn đề đang gây chia rẽ nặng nề các nước đồng minh, nhất là kể từ cuối tháng 6, tổng thống Zelensky đã liên tục hối thúc NATO chính thức có lời mời Ukraine gia nhập khối này.
Thật ra thì vào năm 2008, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bucarest, NATO đã chấp nhận là trong tương lai Ukraine sẽ được gia nhập khối này. Nhưng lúc đó lãnh đạo các nước thành viên đã không phê chuẩn "Kế hoạch Hành động để trở thành Thành viên" (Membership Action Plan - MAP), một kiểu lộ trình để đưa Ukraine tiến gần đến NATO.
Trong khuôn khổ kế hoạch MAP, các nước ứng viên phải chứng minh đáp ứng được những tiêu chuẩn về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời chứng minh là có đủ khả năng đóng góp về mặt quân sự cho Liên minh. Kể từ năm 1999, nhiều nước xin gia nhập NATO, nhất là các nước thuộc khối Cộng Sản cũ ở Đông Âu, đã thực thi kế hoạch đó, cho dù đây không phải là điều bắt buộc. Riêng Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia trung lập nhưng đã hợp tác với NATO từ lâu, thì đã được mời gia nhập Liên minh mà không cần phải theo đúng kế hoạch MAP.
Ngày càng có nhiều nước thành viên như Anh Quốc đang vận động để Ukraine được kết nạp vào NATO mà không cần thực thi kế hoạch MAP. Làm như vậy, khối NATO không cần phải khởi động ngay tiến trình kết nạp chính thức, hoặc công bố một lộ trình cụ thể cho Ukraine. Hơn nữa, kể từ khi bị Nga xâm lược, quân đội Ukraine được xem là đã vượt qua những giai đoạn quan trọng để đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên minh. Phương Tây thì cũng đang huấn luyện binh lính Ukraine theo các chuẩn mực của NATO, đồng thời viện trợ cho Kiev ngày càng nhiều vũ khí tối tân, số vũ khí thời Liên Xô của Ukraine ngày càng ít đi.
Một số thành viên Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, muốn là một lộ trình cho việc kết nạp Ukraine được công bố ngay từ thượng đỉnh của Liên minh lần này. Ngay cả nước Pháp cũng đã thay đổi ý kiến. Cho đến tháng 12 năm ngoái, tổng thống Emmanuel Macron vẫn còn loại trừ khả năng kết nạp Ukraine. Nhưng hôm 28/06 vừa qua, cũng chính ông Macron đã kêu gọi "xác định một con đường để cụ thể hóa việc Ukraine gia nhập NATO".
Nhưng một số thành viên khác như Hoa Kỳ và Đức sợ rằng quyết định như vậy sẽ đẩy khối NATO tiến gần đến một cuộc chiến tranh với Nga. Tổng thống Joe Biden khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ CNN hôm qua đã tuyên bố : "Tôi không nghĩ là nước này sẵn sàng để gia nhập NATO. Tôi không nghĩ là có một sự nhất trí trong NATO để thâu nhận Ukraine giữa lúc đang có xung đột. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ có chiến tranh với Nga".
Tổng thống Vladimir Putin đã từng lấy cớ khối NATO mở rộng đến biên giới nước Nga để biện minh cho việc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Điện Kremlin vẫn cho rằng việc mở rộng khối NATO đến biên giới nước Nga là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Tuy các nước phương Tây khẳng định Liên minh Bắc Đại Tây Dương chỉ là một tổ chức mang tính phòng thủ, Moskva vẫn dọa sẽ có phản ứng để bảo đảm an ninh cho nước Nga trong trường hợp Ukraine được gia nhập NATO. Hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cũng vừa tuyên bố là việc Ukraine gia nhập NATO sẽ có những hậu quả "rất tiêu cực" cho an ninh Châu Âu. Phát ngôn viên này một lần nữa nhấn mạnh : "Đây sẽ là một mối đe dọa tuyệt đối đối với nước chúng tôi, buộc chúng tôi phải có một phản ứng rõ ràng và cứng rắn".
Trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4 vừa qua, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg tuy công nhận "vị trí chính đáng" của Ukraine chính là trong khối NATO, nhưng nói thêm là không thể nào kết nạp Kiev khi nào mà xung đột với Nga chưa chấm dứt. Lãnh đạo NATO cũng đã loại trừ khả năng là thượng đỉnh lần này sẽ chính thức có lời mời Ukraine gia nhập. Thật ra thì bản thân tổng thống Zelensky cuối cùng cũng nhận thấy là Ukraine không thể nào được kết nạp vào NATO khi chiến tranh chưa chấm dứt, nhưng ông vẫn hy vọng thượng đỉnh Vilnius sẽ bắn "một tín hiệu rõ ràng" đến Kiev.
Thanh Phương
****************************
Ba Lan tái khẳng định ủng hộ Ukraine gia nhập NATO
Thu Hằng, RFI, 10/07/2023
Ba Lan và Ukraine chọn thành phố Lutsk, biểu tượng cho lịch sử thời Thế Chiến II giữa hai nước, để thể hiện tinh thần "đoàn kết, cùng nhau sát cánh chống một kẻ thù chung". Tại lễ "tưởng niệm các nạn nhân trong vùng Volhynie" ngày 09/07/2023, tổng thống Ba Lan tái khẳng định ủng hộ Ukraine gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO tại thượng đỉnh Vilnius ngày 11 và 12/07.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda tại lễ tưởng niệm các nạn nhân của Thế chiến II ở Lutsk, Ukraine, ngày 09/07/2023. Reuters – Alina Sutko
Thông tín viên Martin Chabal tại Vacxava cho biết thêm :
"Tổng thống Ba Lan đến Ukraine trước khi lên đường đến Litva tham dự thượng đỉnh Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Các nước thành viên có thể sẽ thảo luận trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư về liên minh với Kiev và khả năng Ukraine gia nhập khối.
Phái đoàn Ba Lan đã đến Lutsk, thành phố nằm bên trong đường biên giới Ba Lan trong thời gian dài. Tại đây, dân quân Ukraine đã sát hại vài chục nghìn người Ba Lan trong Thế Chiến II. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nhân dịp tưởng niệm 80 năm các vụ thảm sát để một lần nữa khẳng định tình hữu nghị lớn với Ukraine.
Bời vì không phải ngẫu nhiên mà Ba Lan và Ukraine cùng tham gia lễ tưởng niệm này. Các vụ thảm sát người Ba Lan ở vùng Volhynie là một vết thương sâu, đôi khi vẫn gây căng thẳng giữa Kiev và Vacxava, dù cả hai bên tỏ ra rất thân nhau từ một năm qua.
Cho dù chủ đề thượng đỉnh NATO được đề cập ngắn gọn, theo ông Volodymyr Zelensky, nhưng tổng thống Ukraine xác nhận rằng các cuộc thảo luận đó rất cụ thể và Ba Lan sẽ ủng hộ Ukraine để đạt được "kết quả tốt nhất cho Kiev".
Dù không một chi tiết nào được tiết lộ nhưng chắc chắn là sẽ có những yêu cầu mới về cung cấp thiết bị để hỗ trợ cho cuộc phản công của Ukraine".
Nga cảnh cáo việc kết nạp Ukraine vào NATO
Ngày 10/07/2023, phát ngôn viên điện Kremlin cảnh cáo việc kết nạp Ukraine vào NATO "sẽ gây ra những hậu quả rất tiêu cực cho cấu trúc an ninh Châu Âu". Trả lời báo giới, ông Dmitri Peskov lên án "một mối đe dọa" đối với Nga, buộc Nga phải có "phản ứng rõ ràng và cứng rắn".
Thu Hằng