Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 14 juin 2018 22:48

Điểm báo Pháp - World Cup 2018

World Cup 2018, cuộc đua chóng mặt giữa các vì sao

Hôm 14/06/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức khai mạc Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018, với trận đấu mở màn giữa đội Nga và Ả Rập Xê Út. World Cup 2018 hứa hẹn một mùa bóng sôi nổi nhưng không kém phần mầu sắc chính trị là nhận định chung của các báo Pháp.

cup1

Một cổ động viên đội tuyển Nga trước hôm khai mạc World Cup 2018, bên ngoài sân vận động Luzhniki ở Moskva, ngày 14/06/2018. Reuters/Maxim Shemetov

Le Figaro trên trang nhất chạy tít : "Cúp Thế Giới, nước Nga của Putin đón tiếp hành tinh bóng đá". Libération, đăng ảnh lớn cầu thủ Pháp Antoine Griezmann, đề tựa : "Bóng đá thế giới : Nụ hôn nồng thắm từ Nga". Nhật báo thiên tả này cũng tự hỏi : Liệu Griezmann và đội tuyển Pháp có lại đạt đỉnh cúp hay không ?

Một cuộc tranh đua chóng mặt

Nhưng trước hết Cúp Bóng Đá Thế Giới là một lễ hội lớn của toàn cầu. Bởi vì đây là nơi diễn ra "Các cuộc tranh tài đến chóng mặt của các ngôi sao thế giới". Tổng cộng, có 32 đội bóng tham dự và 64 trận cầu sẽ diễn ra. Libération khai trận với những dự đoán các đội được cho là có ưu thế nhất.

Những màn ghi bàn, các cảm xúc, trong vòng một tháng từ ngày 14/06 đến hết ngày 15/07, thế giới sống theo nhịp quả bóng lăn theo gót chân của các ngôi sao bóng đá Ronaldo, Messi hay là Neymar.

Trong cuộc chơi tuy nhỏ mà lớn này, một số đội dường như có ưu thế hơn số khác mà điển hình là đội Brazil, luôn có mặt trong lễ hội lớn được tổ chức mỗi 4 năm/lần và có từ năm 1934. Dù đã 5 lần vô địch thế giới, nhưng đội bóng Seleçao năm nay sẽ bắt đầu cuộc tranh tài với đội Thụy Sĩ vào ngày Chủ Nhật 17/06, với mục tiêu xóa tan nỗi nhục 7-1 mà Brazil đã hứng chịu trong vòng bán kết cách nay 4 năm.

Là đội bóng đầu tiên đoạt vé đi dự vòng chung kết Cúp Thế Giới tại Nga, cùng với huấn luyện viên trưởng Tite và ngôi sao bóng đá Neymar, đội tuyển Brazil dường như đang có trong tay vũ khí để xóa sạch điều sỉ nhục, đưa đội bóng huyền thoại trở lại với đỉnh cao nghệ thuật bóng tròn.

Tây Ban Nha, cách nay bốn năm, bị loại ngay từ đầu, năm nay cũng phải phục thù. Vấn đề là đội bóng vô địch năm 2010, khởi động mùa giải Nga năm nay cùng với tai biến. Chỉ còn hai ngày nữa đến kỳ tranh giải, huấn luyện viên trưởng là Julen Lopetegui đã bị sa thải. Nguyên nhân chỉ là vì đã âm thầm thương lượng với Real Madrid để thế chỗ của Zinedine Zidane.

Lần này đến Nga, đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha với tân huấn luyện viên trưởng Fernando Hierro, trông cậy vào kinh nghiệm của Ramos, Piqué, Busquets hay Iniesta để không bị tan vỡ. Cuộc đấu trí đầu tiên của đội sẽ là trận cầu với Bồ Đào Nha. Ngày thứ hai của giải, nhưng là cú sốc đầu tiên. Liệu Ronaldo và đội vô địch Châu Âu này có đủ sức để thực hiện thành công cú đúp Euro và Thế giới hay không ? Hạ hồi phân giải !

Bốn lần vô địch mà giải gần nhất là năm 2014, đội bóng Đức đến với người hâm mộ với hy vọng gặp lại Brazil ở vòng chung kết. Lá chủ bài của Mannschaft là gì ? Đó chính là sự ổn định nhân sự đáng kinh ngạc dưới sự dẫn dắt của Joachim Low, huấn luyện viên trưởng của đội từ 2006. Đội bóng quy tụ những ngôi sao dày dạn kinh nghiệm như Neuer, Hummels, Ozil, Khedira hay Muller, và có một tinh thần tập thể cao độ. Nhờ vào yếu tố này mà Đức đã hạ gục được đội Argentina của ngôi sao Messi cách nay 4 năm trong trận chung kết, giành chức vô địch thế giới lần thứ 4.

Bóng đá : Thể thao và sợi dây ràng buộc chính trị

Ngoài không khí hừng hực thể thao đó, báo chí Pháp cũng nhận thấy ít nhiều hơi hướm chính trị trong lần World Cup này. Nhật báo Le Monde trên trang nhất cho rằng : "Nga 2018 : Sự cuồng nhiệt của bóng đá và những lý lẽ của Putin".

Điều đầu tiên nhật báo Le Monde ghi nhận bầu không khí hâm mộ bóng đá tại Nga không như cách nay 4 năm tại Brazil. Bất chấp sự hiện diện của hàng triệu người hâm mộ, nhưng cảm giác phấn khích của những người đam mê ngay cả ở những người trong nước cũng không dữ dội.

Lễ hội bóng đá năm nay đặc biệt diễn ra trong bầu không khí địa chính trị căng thẳng. Do đó, đối với điện Kremlin, đây là một cơ hội quan trọng, để xóa tan các vết hoen ố trong thể thao như việc dùng doping, nạn hooligan, tình trạng bài người đồng tính hay như phân biệt chủng tộc. Chỉ cần một sự cố xảy ra sẽ làm còn làm xói mòn thêm hình ảnh một nước Nga hùng cường mà ông Putin muốn đưa ra.

Cúp Bóng Đá năm nay cũng là dịp để cho FIFA tạo dựng lại uy tín của mình, kể từ sau vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến các quyết định trao quyền tổ chức World Cup 2018 tại Nga và World Cup 2022 ở Qatar. Tóm lại, theo Le Monde, sự kiện thể thao quốc tế lần thứ 21 này nặng đầy thách thức cho FIFA và Nga. Tờ báo kết luận, "World Cup 2018, một lịch sử cần viết nên".

World Cup : Công cụ chính trị của Putin ?

Le Figaro trong bài viết có tựa đề "Putin trên địa bàn chính trị với Cúp Thế Giới" cho rằng chủ nhân điện Kremlin muốn biến Russia 2018 thành một công cụ "quyền lực mềm" để thu hút sự chú ý của người dân trong nước và thế giới.

Le Figaro viết là nước Nga có một tháng lễ hội để thu hút trở lại sự quan tâm của người dân trong nước, cũng như là cả thế giới, về một cựu cường quốc thời chiến tranh lạnh và một nguyên thủ gây nhiều tranh cãi. Lễ khai mạc diễn ra tại Loujniki, sân vận động đã từng đón Thế Vận Hội Olympic năm 1980, dưới thời Xô Viết.

Nhưng khác với năm xưa, Thế Vận Hội bị nhiều nước tẩy chay nhằm phản đối Liên Xô xâm chiếm Afghanistan, năm nay ngoại trừ Anh quốc vì vụ Skripal, không một lãnh đạo phương Tây nào từ chối tham gia cuộc hẹn lớn này.

Điều Le Figaro muốn nói đến chính là bầu không khí chính trị. Nước Nga năm 2010, thời điểm được FIFA trao quyền đăng cai World Cup khác hẳn với nước Nga 2018. Nga năm 2010 còn là thành viên của khối G8, khối 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Do đó, theo nhận xét của ông Alexei Makarkine, phó chủ tịch Trung Tâm Công Nghệ Chính trị Moskva, "Cúp Bóng Đá Thế Giới khi ấy được xem như là một phương cách để củng cố uy tín của Nga trên chính trường ngoại giao".

Nhưng theo phân tích của ông Vitali Gorokhov, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu "Chính trị, Thể Thao và Xã Hội" thì World Cup năm nay còn là một thách thức chính trị của Putin, chủ yếu nhắm vào người dân trong nước.

"Lượng khán giả theo dõi mà cuộc tranh tài này mang lại sẽ là một công cụ dùng để chứng tỏ với người dân trong nước : Chỉ cần ông Gianni Infantino (chủ tịch FIFA) tuyên bố là Cúp Thế Giới được tổ chức tốt đẹp, người dân Nga sẽ tự cho là : "Mình quá giỏi, cả thế giới đang nói về mình".

Một quan điểm cũng được ông Dmitri Travin, giáo sư trường Đại học Châu Âu tại Saint-Petersbourg chia sẻ : "Chắc chắn là người ta có thể nghe trên các kênh truyền hình Nga đây sẽ là World Cup hay nhất trong lịch sử bóng đá trên phương diện tổ chức và người ta có quyền tự hào về điều này".

Theo một kết quả thăm dò do viện FOM thực hiện hồi tháng 4/2018, 74% số người Nga được hỏi tỏ ra lạc quan về sự kiện này, trong đó đại đa số khẳng định sự kiện "sẽ nâng cao uy tín của đất nước trên trường quốc tế".

World Cup : Một thảm kịch đối với người dân Moskva

Vậy người dân Moskva năm nay đón World Cup thế nào ? Báo Libération có bài phóng sự cho hay "Tại Moskva : Lễ hội ư ? Đối với chúng tôi, đó là một bi kịch".

Bi kịch là vì tại thủ đô, các cuộc lễ hội thâu đêm suốt sáng đang được chuẩn bị. Các cổ động viên đến ồ ạt gây ồn ào, an ninh bị siết chặt. Còn ở ngoại ô, công việc cải tạo cơ sở hạ tầng được thực hiện vội vã, bất chấp việc gây thiệt hại cho người dân do việc đền bù không thỏa đáng.

World Cup : Trung Quốc hưởng lợi

Cuối cùng, báo Le Monde khép lại mục điểm báo hôm nay với một chi tiết khá thú vị "Trung Quốc không dự World Cup, nhưng các thương hiệu hàng hóa thì có".

Le Monde cảnh báo, vào giờ nghỉ giữa các hiệp đấu, các fan hâm mộ nếu muốn thưởng thức một món kem thì phải chấp nhận cởi mở tư tưởng về ẩm thực cũng như là ngôn ngữ. Bởi vì khán giả hâm mộ có nguy cơ chỉ tìm thấy các hiệu kem của Trung Quốc, được độc quyền phân phối trong suốt mùa bóng này.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Bốn năm sau Thế vận hội mùa đông Sotchi, một lần nữa nước Nga đang chuẩn bị đón một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm nay : Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới 2018, được tổ chức từ ngày 14/06 đến 15/07. Lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại một quốc gia Đông Âu, sự kiện thể thao lớn này sẽ được hàng tỷ người trên khắp thé giới theo dõi.

cup1

Zabivaka, linh vật của World Cup 2018 trưng bày trong khu vực điện Kremlin ngày 11/12/2017. Mladen ANTONOV / AFP

Nước chủ nhà đã có 7 năm chuẩn bị với chi phí tốn kém lên tới nhiều tỷ đô la cùng nhiều thách thức lớn về mặt hậu cần tổ chức khi chỉ còn hơn 6 tháng khai hội. Đến lúc này, câu hỏi lớn đặt ra cho nước chủ nhà và FIFA lúc này là nước Nga có sẵn sàng về tiến độ thời gian ?

Về mặt chính thức, chính quyền Nga và Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới đều tỏ ra lạc quan. Mặc dù vậy, cho đến tháng cuối năm 2017, mới chỉ có 5 trong tổng số 12 sân vận động dự trù cho giải đấu lớn được đưa vào vận hành. Vẫn còn ít nhất một sân vận động (sân Samara) sẽ chỉ được bàn giao vào tháng Tư tới. Các nhà tổ chức Nga phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các sân vận động hơn nữa từ nay đến ngày khai mạc.

Tuy nhiên trong lễ bốc thăm chia bảng đấu hôm 01/12/2017 tại điện Kremlin, ông Gianni Infantino, chủ tịch FIFA đã lạc quan tuyên bố rằng :

"Về mặt chuẩn bị, tôi cho là tất cả đã sẵn sàng. Những cái gì chưa sẵn sàng thì sẽ sớm được hoàn thành…. Mục tiêu của chúng tôi tất nhiên là tổ chức một kỳ Cúp thế giới đẹp nhất. Theo những gì tôi chứng kiến đến giờ, tôi tin là Nga 2018 sẽ là kỳ Cúp thế giới tốt nhất từ trước tới nay".

Đằng sau niềm lạc quan của nhà quản lý giải đấu, vẫn còn bộn bề những lo toan của nước chủ nhà. Để tổ chức ngày hội bóng đá của cả hành tinh này, nước Nga đã bỏ ra trên chục tỷ đô la (11,6 tỷ). Đây là một khoản ngân sách không hề nhỏ, trong khi mà nền kinh tế Nga vẫn còn đang chới với bấp bênh, gặp rất nhiều khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khoản đầu tư khổng lồ vào một sự kiện mang lợi ích chính trị nhiều hơn là kinh tế như thế này không có gì bảo đảm sẽ hoàn vốn. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng riêng phục vụ sự kiện này đòi hỏi chi phí lớn nhưng có nguy cơ bị bỏ hoang phí sau này.

Nhiều công trình sân vận động được xây các thành phố mà đến giờ ở đó vẫn không có một đội bóng tham gia giải vô địch quốc gia. Người ta lo ngại sau Cúp thế giới, những sân vận động đã được xây cất tốn kém phục vụ sự kiện rồi sẽ không biết được sử dụng vào việc gì.

Bóng đen bê bối doping

Một thách thức khác với chính quyền Nga là vụ bê bối doping kéo dài dai dẳng với thể thao Nga suốt thời gian dài vừa qua vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên ngày hội lớn bóng đá thế giới.

Bằng chứng rõ nhất là cuộc họp báo chung của chủ tịch FIFA Gianni Infantino và phó thủ tướng Nga phụ trách thể thao Nga Vitaly Mutko hôm 01/12/2017 nhân lễ bốc thăm chia bảng cho vòng chung kết Cúp thế giới. Trong khi lãnh đạo Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới và chính phủ Nga chỉ muốn trả lời các câu hỏi tập trung vào thể thao hay bóng đá, thì các nhà báo lại chỉ chăm chú đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến các cáo buộc sử dụng doping trong thể thao Nga đã bị Ủy Ban Olympic Quốc Tế trừng phạt nặng nề.

Ông Vitaly Mutko, nhân vật trung tâm của vụ bê bối doping Nga, hôm 27/12 vừa qua đã phải tuyên bố rút khỏi (tạm thời) cương vị chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Nga và chủ tịch ủy ban tổ chức Cúp thế giới 2018 để tránh chuyện lùm xùm cũ ảnh hưởng đến sự kiện lớn.

Vitaly Mutko được mệnh danh là "ông Thể thao" ở Nga từ nhiều thập kỷ qua. Ông đã bị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế loại suốt đời khỏi các hoạt động liên quan đến Olympic do các cáo buộc trách nhiệm trong vụ bê bối doping của Nga.

Cũng cần phải nhắc lại là thể thao Nga đang bị dính án phạt nặng nề của quốc tế về chuyện doping. Đầu năm 2018 này, các vận động viên Nga sẽ chỉ được tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 dưới màu cờ trung lập. Cũng vì bê bối sử dụng doping đó mà thể thao Nga đã bị tước 1/3 số huy chương ở kỳ Thế vận hội Sotchi 2014. Chủ đề doping chắc hẳn vẫn còn ám ảnh ngày hội bóng đá tại Nga.

Về phần mình, FIFA khẳng định tin tưởng hoàn toàn vào chính quyền Nga cũng như các cầu thủ Nga. Chủ tịch FIFA trong cuộc họp báo trên đã tuyên bố :

"Nếu có vấn đề nghiêm trọng sử dụng doping trong bóng đá, chúng ta sẽ biết, cho dù đó là ở Nga hay trong bất kỳ nước nào khác".

Với nước Nga, FIFA có thể yên tâm về vấn đề doping ít nhất trong lĩnh vực bóng đá. Bởi không giống như các môn thể thao mùa đông, dù là nước chủ nhà nhưng bóng đá Nga không có nhiều tham vọng thành tích ở Cúp thế giới lần này.

Ở Sotchi 2014, chính quyền của tổng thống Putin muốn bằng mọi giá Nga phải dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương. Còn ở Cúp thế giới 2018, mục tiêu đề ra cho đội tuyển Nga chỉ là vào vòng 1/8 và nếu có thể thì đến tứ kết.

Tham vọng nhỏ đó tương xứng với trình độ chuyên môn còn khiêm tốn của đội tuyển bóng đá Nga nhìn chung cũng như đến thời điểm này. Thành tích cao nhất của bóng đá Nga mới chỉ là vào đến bán kết giải Euro 2008. Tại vòng chung kết Cúp thế giới tới đây, đội tuyển Nga là một trong những đội bóng yếu nhất giải, hiện đứng thứ 65 trong bảng xếp hạng của FIFA. Người hâm mộ Nga thừa nhận mặc dù có lợi thế chơi trên sân nhà, nhưng các cầu thủ của họ đi được tới tứ kết đã là một chiến công.

An ninh, mối lo thường trực

Một thách thức nữa cho nước Nga là bảo đảm an ninh cho ngày hội trước các mối lo không dứt về nạn côn đồ trong bóng đá và đặc biệt là đe dọa khủng bố.

Chính quyền Nga đã ban hành nhiều đạo luật cho phép cấm nhập cảnh vào Nga đối với các hooligan, lập danh sách đen một số nhóm côn đồ bóng đá để sàng lọc các cổ động viên ngoại quốc đến Nga. Thế nhưng, các nhà tổ chức Nga cũng phải đau đầu lo nạn Hooligan ngay ở trong nước mình. Các côn đồ bóng đá Nga vốn nổi tiếng với những hành vi kỳ thị chủng tộc và hung hãn. Mọi người vẫn còn chưa quên các vụ ẩu đả trên bến cảng Marseille của Pháp trong Euro 2016 giữa hooligan Nga và Anh .

Chủ tịch Gianni Infantino đã cảnh báo FIFA sẽ "cực kỳ kiên quyết" xử lý các hành vi kỳ thị chủng tộc. Lần đâu tiên tại Cúp thế giới, trọng tài có quyền cho ngừng hoặc hủy trận đấu vì các sự cố liên quan đến vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Còn nỗi lo khủng bố, một mối đe dọa đã trở nên thường trực, chính quyền Nga đã chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt nhất để phát hiện sớm các âm mưu. Các thành phố đón tiếp trận đấu đang được tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát. Đội chó nghiệp vụ sẽ được triển khai trên từng chuyến tàu, xe bus trong thời gian diễn ra Cúp thế giới.

Còn hơn 6 tháng nữa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ khai cuộc tại Moskva, nước chủ nhà đang phải lao vào cuộc chạy đua với thời gian để đón tiếp một sự kiện thể thao được hàng tỷ người trên trái đất theo dõi. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt nhất để nước Nga có thể xóa đi những dị nghị khi được trao quyền đăng cai Cúp thế giới và mang lại một hình ảnh mới cho bức tranh thể thao Nga đang u mám vì bóng đen của bê bối doping.

RFI tiếng Việt

Published in Quốc tế

Huấn luyện viên dở, thiếu hăng hái, tiền đầu tư không đúng chỗ… Đối với Trung Quốc, đã bị loại khỏi cuộc chạy đua World Cup 2018, con đường còn rất dài để có thể thực hiện được giấc mơ tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới.

cup1

Cổ động viên Trung Quốc trong trận đấu vòng loại World Cup 2018 với Uzbekistan trên sân Vũ Hán, ngày 31/08/2017. Reuters/Stringer

Đội tuyển quốc gia do huấn luyện viên Ý Marcello Lippi lãnh đạo từ cuối năm 2016, đã đánh bại Qatar 2-1 trong trận đấu cuối cùng vòng loại Châu Á, nhưng kết quả này không đủ để giành được chiếc vé đi tiếp.

Trên mạng xã hội, nhiều cổ động viên viết : "Lẽ ra ông Lippi phải đến sớm hơn". Từ khi ông nhận nhiệm vụ, đội tuyển Trung Quốc đã thắng được 3 trận, hòa 2 và thua 1 - ba trận thua và một trận hòa khác là dưới thời người tiền nhiệm Cao Hồng Ba (Gao Hongbo). Những tiến bộ khác trong những tháng gần đây rốt cuộc vẫn chưa đủ.

Ông Mads Davidsen, giám đốc kỹ thuật Shanghai SIPG, câu lạc bộ "thượng lưu" tập hợp các ngôi sao bóng đá Brazil như Oscar và Hulk, nhận định : "Vấn đề số một tại Trung Quốc là huấn luyện. Những gì các huấn luyện viên Trung Quốc dạy cho học viên là không thể cạnh tranh được với thế giới. Họ cần được đào tạo lại. Tôi không chê bai họ, nhưng một cầu thủ không được huấn luyện đúng đắn chỉ có 0% cơ hội đạt đến trình độ cao".

Chủ tịch Tập Cận Bình vốn yêu thích bóng đá, tuy vậy vẫn hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc có thể tổ chức và giành được chiếc Cúp vô địch bóng đá thế giới. Hồi tháng Sáu, bộ Ngoại Giao nước này đã bình luận : "Đó là giấc mơ của nhiều người Trung Quốc, và chúng tôi hy vọng có thể trở thành hiện thực càng nhanh càng tốt".

Trung Quốc không còn giấu diếm tham vọng được trở thành nước chủ nhà World Cup 2030, mà Achentina, Uruguay và Paraguay vừa liên kết để ứng cử. Tham vọng này được nuôi dưỡng từ nhiều năm qua, với việc đổ tiền ồ ạt vào các giải vô địch quốc gia. Các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc chi ra nhiều triệu đô la để mua các tiền đạo nước ngoài (Carlos Tevez, Pato, Gervinho, Anthony Modeste…)

Tuy vậy đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng của FIFA (thứ 8 Châu Á), sau cả một nước nghèo Châu Phi là Sierra Leone. Nhưng Bắc Kinh mơ sẽ xoay ngược được chiều hướng, muốn có được 40.000 trường dạy đá banh từ nay đến năm 2020, thay vì con số 13.000 hiện nay.

Angela Smith, chịu trách nhiệm về các dự án quốc tế ở Stoke City, câu lạc bộ tranh giải ngoại hạng Anh đã mở trường đá banh tại Trung Quốc phân tích : "Điều mà chính quyền Bắc Kinh muốn tránh né bằng mọi giá, là bị chế giễu khi trở thành nước chủ nhà World Cup".

Bà nhấn mạnh, vấn đề của các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc, là "họ chỉ mua về các cây làm bàn". Angela Smith nói : "Họ không hề nghĩ đến việc phát triển toàn ê-kíp. Trong khi đó, nếu không đào tạo tất cả các loại cầu thủ ở cơ sở, trong các câu lạc bộ và trường học, thì bóng đá Trung Quốc không thể tiến triển được".

Ông Luiz Ferreira, giám đốc huấn luyện lớp trẻ ở Tianjin Teda (thuộc các câu lạc bộ hạng nhất Trung Quốc), chỉ ra một vấn đề khác, đó là thiếu đam mê. Chuyên gia kỹ thuật người Bồ Đào Nha nói : "Tôi nhớ lại một cuộc tập huấn, khi đó tôi hỏi các cầu thủ xem họ có coi trận chung kết Cúp C1 hay không. Chỉ một phần ba trả lời là có ! Họ chẳng quan tâm đến".

Ông Ferreira tự hỏi : "Năm tôi lên bảy, tôi đã xem một trận đá banh ở sân vận động Maracana ở Rio, Brazil, với 180.000 khán giả. Niềm đam mê theo tôi từ đó đến giờ. Và ở Bồ Đào Nha, chúng tôi có những huyền thoại như Cristiano Ronaldo, Figo…Nhưng ở Trung Quốc thì có gì để mộng mơ ?"

Đối với ông, "bóng đá hãy còn quá mới", và người Trung Quốc "cần có thời gian" để nuôi dưỡng đam mê.

Môn bóng đá được chế độ Cộng Sản Bắc Kinh quản lý từ thập niên 50, và chỉ mới bắt đầu khởi sắc vào giữa thập niên 60, với việc thành lập một giải vô địch quốc gia và các câu lạc bộ chuyên nghiệp.

Mads Davidsen kể : "Có lần tôi đến xem các trẻ em 8 tuổi tập luyện tại một trường học Trung Quốc, trình độ các em ngang với Châu Âu, thậm chí nhỉnh hơn. Như vậy việc đào tạo đã được bắt đầu từ cơ sở. Nhưng một cầu thủ đạt được mức độ tối đa ở tuổi 28, có nghĩa là để có được một đội tuyển có thể cạnh tranh, thì Trung Quốc còn phải chờ đợi 15 hoặc 20 năm nữa".

Thụy My

Published in Châu Á