Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến đấu cơ Hoa Kỳ bắn hạ SU-22 của Syria (BBC, 19/06/2017)

Máy bay chiến đấu của liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt lần đầu tiên đã bắn hạ phi cơ quân sự Syria ở tỉnh Raqqa, Hoa Kỳ xác nhận.

is1

Một chiếc F/A-18E Super Hornet, cùng loại với chiến đấu cơ bắn hạ SU-22 của quân đội Syria

Chiếc SU-22 loại máy bay thả bom bị chiếc F/A-18E Super Hornet bắn hạ sau khi thả bom gần khu vực có Lực lượng Dân chủ Syria do Hoa Kỳ hỗ trợ, Lầu Năm Góc cho biết.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc xung đột Syria liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt bắn hạ máy bay của Syria.

Syria lên án vụ việc mà họ gọi là "tấn công thô bạo" có thể gây ra "hậu quả nguy hiểm".

Trong một vụ việc khác, lực lượng Bảo vệ Cách mạng của Iran nói đã phóng một số hỏa tiễn từ Iran vào Đông Syria hôm Chủ nhật 18/06, nhắm vào các mục tiêu IS.

'Phô bày lực lượng'

is2

Hình minh họa : Phi cơ thả bom SU-22 của Ba Lan, gần giống với chiếc bị bắn hạ của quân đội Syria

Vụ chiếc SU-22 bị bắn hạ vào chiều hôm Chủ nhật gần thị trấn Tabqa, nơi lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chiến đấu chống lại dân quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhằm giành lại kiểm soát thành phố Raqqa, thành lũy của IS ở phía Đông.

Lầu Năm Góc nói dân quân thân chính quyền đã tấn công nhiều đơn vị SDF, khiến họ phải rời thị trấn Ja'Din.

Lực lượng thân chính phủ không tham chiến ở Raqqa, nhưng đã thiết lập chiến tuyến chống lại IS ở khu vực quanh đó, phía Tây Nam thành phố.

Liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt thực hiện điều mà Lầu Năm góc gọi là "phô bày lực lượng" - sau khi có thông tin về việc quân thân chính phủ quần đảo bằng máy bay trong khu vực. Liên quân đã gọi cho Nga, đồng minh của chính quyền Syria, nhằm làm "giảm căng thẳng tình hình và yêu cầu ngừng bắn".

Tuy nhiên chiếc SU-22 thả bom vào các vị trí của SDF chỉ sau đó vài giờ, Lầu Năm Góc cho biết, và "thực hiện theo phương án tác chiến và để phòng vệ lực lượng liên quân, chiếc máy bay đã bị bắn hạ ngay lập tức".

Nỗ lực nhằm cảnh báo chiếc phi cơ qua sóng điện đài khẩn cấp đã không thành.

is3

Thông cáo của Lầu Năm Góc viết thêm : "Ý định và hành động thù địch rõ ràng của lực lượng thân chính quyền đối với Liên quân và lực lượng đồng minh ở Syria đang thực hiện các chiến dịch chống Isis [IS]hợp pháp sẽ không được khoan nhượng".

Đây được cho là vụ không đối không đầu tiên của phi cơ quân sự Hoa Kỳ trong suốt gần hai thập kỷ qua.

Quân đội Syria nói chiến đấu cơ của mình đang làm nhiệm vụ chống IS thì bị bắn hạ, vụ việc này sẽ gây ra "hậu quả nguy hiểm" đối với nỗ lực chống khủng bố, truyền hình nhà nước dẫn lời.

Thông cáo của quân đội Syria cũng cho biết phi công của chiếc máy bay vẫn đang mất tích.

********************

Iran nã tên lửa vào thành trì của Daesh tại Syria (RFI, 19/06/2017)

Vệ Binh Cách Mạng Hồi giáo Iran, ngày 18/06/2017 thông báo đã bắn một loạt tên lửa vào thành trì của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daesh tại Syria và đã thành công. Đây là đợt can thiệp quân sự đầu tiên của lực lượng quân sự tinh nhuệ Iran ngoài lãnh thổ từ khi kết thúc chiến tranh Iran-Iraq.

is4

Truyền hình Nhà nước Iran phát hình ảnh tên lửa được phóng đi nhắm vào các cơ sở của Daesh tại vùng Deir Ezzor, Syria, ngày 18/06/2017. IRIB TV / AFP

Thông tín viên Siavosh Ghazi từ thủ đô Teheran cho biết thêm :

"Theo truyền thông Iran, tổng cộng 6 hỏa tiễn Zolfaqar được bắn đi, nhắm vào một căn cứ chỉ huy và tập trung quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong vùng Deir Ezzor, miền đông Syria. Những tên lửa này được phóng đi từ một trung tâm đặt ở phía tây lãnh thổ Iran. Đài truyền hình Nhà nước cho thấy hình ảnh tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Iraq, trên hành trình 650 cây số.

Lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa khẳng định chiến dịch này nhằm đáp trả hai vụ tấn công khủng bố ngày 07/06 nhắm vào Nghị viện Iran và lăng giáo chủ Khomeiny ngay tại thủ đô Iran, làm 17 người chết. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận là tác giả hai vụ tấn công nói trên.

Cho tới nay, Iran luôn yểm trợ chính quyền Damas qua việc gửi cố vấn quân sự và quân tình nguyện sang Syria để chiến đấu chống quân nổi dậy và quân thánh chiến Hồi Giáo. Nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền nước này bắn tên lửa từ lãnh thổ Iran sang Syria.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Ả Rập Xê Út và chỉ hai ngày sau khi Thượng Viện Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran cũng như chính sách của Teheran trong khu vực, đặc biệt là đối với Iraq và Syria".

Không quân Hoa Kỳ bắn rơi một phi cơ của quân đội Syria

Theo AFP, ngày 18/06/2017, một chiến đấu cơ của Hoa Kỳ thuộc liên quân quốc tế chống Daesh tại Syria và Iraq đã bắn hạ một phi cơ của quân đội Damas trong khu vực miền bắc Syria.

Thông tin trên do quân đội Syria loan báo và đã được Washington xác nhận. Thông cáo của sở chỉ huy liên quân quốc tế chống Daesh cho biết chi tiết : "Vào hồi 18h43, giờ địa phương (17 giờ 43 GMT), một máy bay của quân đội Syria loại SU-22 đã ném bom gần khu vực của Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) ở phía nam Tabqa. Căn cứ theo các cam kết của chúng tôi, và quyền tự vệ chính đáng của liên quân (chống Daesh), phi cơ nói trên đã bị chiến đấu cơ Mỹ, F/A-18 E Super Hornet bắn hạ ngay lập tức".

Vẫn theo liên quân quốc tế chống Daesh, hai giờ trước đó, các lực lượng của chính phủ Bachar al-Assad đã tấn công các chiến binh của FDS ở phía nam Tabqa và đã gây tổn thất đáng kể cho Lực Lượng Dân Chủ Syria, liên quân Ả Rập - Kurdistan, được Hoa Kỳ và đồng minh vùng Vịnh yểm trợ. Tuy nhiên, liên quân khẳng định không tìm cách tấn công chế độ Syria, quân đội Nga hay các lực lượng thân chế độ Damas, nhưng họ không ngần ngại tự vệ cũng như bảo vệ những đối tác trước các đe dọa.

Matxcơva hôm nay thông qua lời thứ trưởng ngoại giao Nga, Serguei Riabkov, được hãng tin Nga Tass trích dẫn, đã lên án vụ không quân Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ Syria là "hành động xâm lược" và tố cáo Washington "đang hỗ trợ khủng bố" tại Syria.

Thanh Hà, Anh Vũ

Published in Quốc tế

Nga đình chỉ các phi vụ tại Syria (RFI, 06/05/2017)

Thỏa thuận thành lập vùng an toàn tại Syria mà Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được tại cuộc họp Astana chính thức có hiệu lực từ 0 giờ ngày 06/05/2017. Bộ Quốc Phòng Nga thông báo ngưng toàn bộ các phi vụ trên không phận Syria tại bốn khu vực gồm Idleb - tây bắc Syria, phía bắc thành phố Homs, Ghoura ở phía đông thủ đô Damas và Deraa ở miền nam Syria.

nga1

Oanh tạc cơ Nga cất cánh từ hàng không mẫu hạm Amiral Kouznetsov, ngoài khơi bờ biển Syria, từ tháng 11/2016. Ministry of Defence of the Russian Federation/Handout via REUTER

Thông tín viên đài RFI trong vùng Paul Khalifeh tường thuật :

"Trước phản ứng thuận lợi của cộng đồng quốc tế, Nga muốn nhanh chóng thực hiện thỏa thuận thành lập vùng an toàn cho Syria vừa đạt được hôm thứ Năm vừa qua với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi các bên khoanh vùng rõ ràng 4 khu vực thiết lập vùng an toàn- công việc này phải được hoàn tất trước ngày 22/05/2017- Nga thông báo kể từ nửa đêm hôm qua đã ngưng các phi vụ bay ngang bốn vùng liên quan.

Chuyên gia ba nước gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng với các bên tham chiến đã bắt đầu họp lại để tìm ra đồng thuận trên các chi tiết của thỏa thuận. Để thỏa thuật này có thêm trọng lượng, Moskva có ý định lôi kéo Jordanie vào cuộc. Một trong bốn vùng an toàn, là Deraa nằm sát biên giới với Jordan. Ngoài ra, các bên dự trù đặt và cùng điều hành các đồn kiểm soát và trung tâm giám sát xem lệnh hưu chiến có được tôn trọng hay không tại bốn vùng an toàn.

Lệnh ngừng bắn không liên quan đến các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Với phe này, chiến dịch vũ trang càng gia tăng cường độ. Trong bối cảnh nói trên, tư lệnh lực lượng Nga, tướng Serguey Roudskoy thông báo 'những đội quân chính phủ được giải phóng khỏi những vùng an toàn sẽ được điều động để tiếp tục các chiến dịch tấn công nhắm vào tổ chức Nhà Hồi Giáo'.

Mục tiêu sắp tới nhằm chiếm lại được thành trì đang trong tay quân thánh chiến, là Deir Ezzor, không xa biên giới giữa Syria và Irak".

Trước khi thỏa thuận thành lập vùng an toàn tại Syria có hiệu lực, ngoại trưởng Mỹ Tillerson và đồng nhiệm Nga Lavrov đã có một cuộc điện đàm vào hôm qua 05/05/2017 về "thể thức giảm căng thẳng trong xung đột Syria".

Thanh Hà

*********************

Trump đòi các đồng minh đóng góp nhiều hơn cho an ninh của Mỹ (RFI, 06/05/2017)

nga2

Ảnh minh họa - REUTERS/Jason Lee

Bản dự thảo về chiến lược của tổng thống Mỹ Donald Trump về an ninh và chống khủng bố Hồi giáo yêu cầu các đồng minh của Hoa Kỳ đóng góp nhiều hơn.

Văn bản dài 11 trang mà hãng tin Reuters có được hôm qua, 05/05/2017 ghi rằng : "Để đạt được mục tiêu chống khủng bố, chúng ta phải tránh các cuộc can thiệp quân sự tốn kém và quy mô và chúng ta phải yêu cầu các đối tác chia sẽ ngày càng nhiều trong việc chống các nhóm khủng bố".

Theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Michael Anton, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đang được xét duyệt lại để bảo đảm là "chiến lược mới nhắm vào việc chống các mối đe dọa đối với quốc gia, các công dân, các lợi ích của chúng ta ở nước ngoài và đối với các đồng minh của chúng ta".

Kể từ khi công bố chiến lược chống khủng bố của tổng thống Barack Obama và onăm 2011, tức là trước khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo ra đời, "mối đe dọa khủng bố đã đa dạng hóa về tầm mức và tính chất phức tạp", theo ghi nhận bản dự thảo chiến lược an ninh mới .

Theo Reuters, vấn đề hiện nay là tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện như thế nào mục tiêu của ông nhằm tránh các cuộc can thiệp quân sự vào các xung đột đang diễn ra, mà quân đội Mỹ đang tham gia (Irak, Syria, Afghanistan, Yemen,…).

Trước mắt, thay vì giảm sự can thiệp của Mỹ, chính quyền Trump vẫn thi hành phần lớn chiến lược của chính quyền Dân Chủ chống các nhóm khủng bố Hồi giáo và cho Lầu Năm Góc quyền hành rộng rãi hơn trong việc chống các nhóm này chẳng hạn như ở Yemen và Somalia. Tại Afghanistan, chính quyền Trump cũng chưa dự tính sẽ triệt thoái quân, thậm chí còn có kế hoạch tăng viện từ 3.000 đến 5.000 quân cho lực lượng Mỹ, hiện bao gồm 8.400 quân ở nước này.

Thanh Phương

**************************

Nhật Trung đối thoại về tài chính lần đầu tiên từ hai năm qua (RFI, 06/05/2017)

nga3

Hai bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso (T) và Trung Quốc Tiêu Tiệp trước cuộc thảo luận song phương ở Yokohama, ngày 06/05/2017. Reuters

Hôm 06/05/2017, Nhật Bản và Trung Quốc mở các cuộc thảo luận song phương về tài chính đầu tiên từ 2 năm qua. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Trung Quốc Tiêu Tiệp (Xiao Jie) thảo luận về những nguy cơ đối với viễn cảnh kinh tế châu Á, như các chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump và căng thẳng trên vấn đề hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên. Cuộc họp Nhật – Trung diễn ra bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Yokohama, Nhật Bản.

Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã xấu đi do các tranh chấp chủ quyền biển đảo và do vấn đề lịch sử thời Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, gần đây lãnh đạo hai nước đã cố hàn gắn quan hệ thông qua đối thoại.

Mặc dù vậy, việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong các cơ chế tài chính khu vực khiến một nhà hoạch định chính sách ở Nhật lo ngại, sợ rằng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB do Trung Quốc thành lập sẽ lấn át ADB, vẫn do Nhật yểm trợ.

Trong cuộc họp tay ba hôm qua cũng bên lề hội nghị ADB ở Yokohama, các quan chức tài chính Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đồng ý với nhau là phải chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch, một lập trường mạnh mẽ hơn lập trường của nhóm G20 trong việc chống lại các chính sách bảo hộ mâu dịch của tổng thống Trump.

Trung Quốc nay lại là quốc gia ủng hộ tự do mậu dịch mạnh mẽ nhất, trong khi tổng thống Trump chủ trương đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu và rút Hoa Kỳ ra khỏi các hiệp định thương mại đa phương. Nhật Bản thì cho rằng mậu dịch không chỉ phải tự do mà còn phải công bằng.

Các quan chức tài chính của ba nước Đông Bắc Á hôm qua cũng đã cam kết sẽ cùng nhau ngăn chận tình trạng bất ổn của thị trường do căng thẳng trên vấn đề hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Iraq phát hiện nhiều hố chôn tập thể gần Mosul (RFI, 12/03/2017)

Các lực lượng dân quân Iraq hôm qua 11/03/2017 thông báo phát hiện một khu vực có chôn nhiều xác chết trong nhà tù Badush, gần Mosul. AFP cho biết vài trăm thi thể được chôn ở đây là của những người bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hành quyết.

iraq1

Các lực lượng dân quân Iraq vào phía tây Mosul, ngày 11/03/2017. REUTERS/Thaier al-Sudani

Trong các chiến dịch quân sự tái chiếm Mosul, thành phố nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từ tháng 06/2014, các lực lượng bán quân sự nước này đã phát hiện ra hàng chục hố chôn tập thể với hàng ngàn thi thể.

Theo Hachd al-Chaabi, nhóm dân quân ủng hộ chính phủ Iraq, trong nhà tù Badush, gần Mosul, 500 thi thể là của các tù nhân là thường dân. Tuy nhiên, con số này chưa được các tổ chức độc lập khẳng định.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 03/2015, Liên Hiệp Quốc thống kê có khoảng 600 người đã bị Daesh hành quyết khi tổ chức Hồi Giáo cực đoan này chiếm được nhà tù Badush hồi tháng 06/2014. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cũng đã báo cáo về vấn đề này. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã từng giam giữ khoảng 500 phụ nữ sắc dân thiểu số Yazidi tại nhà tù này làm nô lệ tình dục.

Hố chôn tập thể ở nhà tù Badush không phải là hố chôn đầu tiên được phát hiện trong chiến dịch tái chiếm Mosul. Hồi tháng 11/2016, quân đội Iraq đã phát hiện, tại Hamam al-Alil - ngoại ô phía nam Mosul, một hố chôn có ít nhất 25 thi thể. Trong các tuần tiếp sau đó, quân đội lại phát hiện tại Khafsa, cách Mosul khoảng 10 km, một hố chôn tập thể có thể gọi là lớn nhất trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq.

AFP dẫn lời một quan chức cấp cao quân đội Iraq – tướng Maan al-Saadi cho biết, tính tới hôm nay, các lực lượng Iraq đã chiếm được hơn 1/3 khu vực tây Mosul từ tay Daesh.

Mosul là thành phố lớn thứ hai ở miền bắc Iraq và là thành trì lớn nhất của Daesh tại nước này.

Thùy Dương

************************

Các đồng minh của Syria lên án khủng bố đẫm máu tại Damascus (RFI, 12/03/2017)

iraq2

Hiện trường vụ đánh bom khủng bố nhắm vào người hành hương tại Damascus, Syria, ngày 11/03/2017. Louai Beshara / AFP

Vụ tấn công khủng bố kép ngày hôm qua, 11/03/2017 tại thủ đô Damascus đã làm 59 người thiệt mạng, trong đó phần đông là các tín đồ Hồi Giáo Shia đi hành hương. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất tại thủ đô Syria trong 6 năm nội chiến. Đặc biệt vụ khủng bố này diễn ra trong khi các nỗ lực hòa giải giữa Damascus và các lực lượng nổi dậy đang có tiến triển. Liban, Iran, các đồng minh của Syria, ngay lập tức đã lên án mạnh mẽ và tỏ quyết tâm ủng hộ Damascus tiêu diệt khủng bố.

Thông tín viên Paul Khlifeh tại Beyrouth gửi về bài tường trình :

Tại Damascus, Bộ trưởng ngoại giao Syria đã trình hai bức thư lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và chủ tịch Hội Đồng Bảo An tố cáo hai vụ tấn công khủng bố. Damascus khẳng định các vụ tấn công này chứng tỏ các nhóm khủng bố đã từ chối tiến trình hòa giải giữa người Syria đang diễn ra ở nhiều vùng.

Tại Liban, phong trào Hezbollah vẫn hậu thuẫn về quân sự cho chế độ Syria, đã kêu gọi thống nhất các nỗ lực để loại trừ các tổ chức khủng bố. Vẫn tại Beyrouth, Hội Đồng Giáo Sĩ tập hợp các chức sắc Hồi Giáo Sunni và Shia thân Iran, đánh giá các vụ khủng bố tại Damascus là hành động tuyệt vọng của các nhóm khủng bố đang hấp hối sau những thất bại trên mặt trận tại Syria và Iraq.

Tại Teheran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cũng có cùng nhận định. Theo ông Bahram Kassemi, những kẻ khủng bố và những kẻ ủng hộ đều ý thức được thất bại sắp tới của chúng. Vụ khủng bố tại Damascus nhằm phá hoại các cuộc hòa đàm giữa người Syria và lệnh ngừng bắn.

Vài giờ trước các vụ tấn công hôm qua, nhiều nhóm nổi dậy Syria đã yêu cầu hoãn các cuộc thương lượng hòa bình, được dự kiến tổ chức vào tuần tới tại Astana, Kazakhstan dưới sự bảo trợ của Nga. Các cuộc đàm phán này nhằm cùng cố lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực tại Syria.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế