Răn đe quá mức ?
Gần một nửa trong số hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể sớm được triển khai cùng lúc ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hành động "phô trương sức mạnh" nhằm trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ không bị dàn trải quá mức, lại có thể gây phản tác dụng.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại vùng Biển Đông ngày 07/10/2019. AFP – Erwin Jacob V. Miciano
Trang mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 14/02/2024 đưa tin, hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt đang hiện diện trong khu vực và đã có cuộc tập trận chung với Nhật Bản tại vùng biển Philippines. Chiếc USS Ronald Reagan thì đang neo đậu tại cảng quân sự Yokosuka, Nhật Bản. Hai chiếc còn lại là USS Abraham Lincoln đã rời cảng San Diego hồi đầu tháng Hai, và USS George Washington trong vài tuần nữa sẽ đến Yokosuka để thay phiên cho hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.
Thái Bình Dương : Ưu tiên quân sự !
Đây là lần đầu tiên cùng lúc 5 trong số 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ hoạt động trong cùng khu vực. Nhiều chuyên gia được SCMP trích dẫn nhận định rằng sự tập trung bất thường sức mạnh hải quân Mỹ cùng lúc tại một khu vực là một tín hiệu răn đe trước các hành động quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Trong năm 2023, chính quyền Biden đã nêu rõ sẽ thực hiện nhiều hoạt động phô trương sức mạnh hơn ở Đông Á nhằm trấn an các đồng minh Châu Á rằng Hoa Kỳ vẫn chưa quên họ. Tầm quan trọng mà Hoa Kỳ gắn cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như vai trò tích cực của Mỹ tại khu vực là không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng cách thức Washington thực hiện có thể góp phần làm gia tăng căng thẳng cả với Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng.
Nhà sử học Daniel Larison, và cũng là một cây bút xã luận, trên trang mạng Responsible Statecraft, đánh giá : "Mặc dù việc triển khai này được cho là nhằm báo hiệu quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, nhưng chúng có thể dễ dàng khuyến khích Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lao vào các cuộc biểu dương sức mạnh đáp trả của chính họ. Cần nhắc lại rằng cách tiếp cận của Mỹ tại Đông Á vẫn là cách tiếp cận "ưu tiên quân sự", vốn dĩ coi nhẹ và dành tương đối ít nguồn lực cho ngoại giao và lôi kéo về kinh tế".
Việc triển khai đông đảo hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương dường như là một nỗ lực để "bù đắp" cho việc Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư quá mức các nguồn lực và năng lượng cho cuộc chiến ở Gaza và các cuộc xung đột có liên quan ở Trung Đông từ bốn tháng qua. Nếu như việc phô trương sức mạnh này có thể làm hài lòng các chính phủ đồng minh, nhưng cũng có nguy cơ xác nhận một cảm giác ở cả các nước thân thiện lẫn thù địch rằng Mỹ đang bị "căng" quá mức và cố gắng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.
Nhưng thói quen trấn an đồng minh thường xuyên có những cái giá phải trả, bao gồm cả việc khuyến khích các đồng minh phụ thuộc nhiều hơn và như vậy, có nguy cơ gây ra các bất ổn ở khu vực rộng lớn. Trên trang mạng Responsible Statecraft, Daniel Larison phân tích như sau :
"Một trong những điểm yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đông Á là dựa quá nhiều vào răn đe quân sự. Chiến lược này có xu hướng làm gia tăng căng thẳng quá mức cần thiết và làm suy giảm những trấn an đáng tin cậy đối với đối thủ. Hoa Kỳ rất xuất sắc trong việc trấn an các đồng minh bằng cách phô trương sức mạnh quân sự, nhưng thường vì không đạt được sự cân bằng qua việc đưa ra các trấn an cho đối thủ về các ý định của mình, chính phủ Mỹ có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lo sợ và thúc đẩy họ nghĩ đến điều tồi tệ nhất về những gì Mỹ đang làm".
Cân bằng răn đe và trấn an : Điều cần thiết ?
Việc triển khai đông đảo hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương cho thấy chính quyền Biden không hiểu sự cần thiết của việc cân bằng giữa răn đe và trấn an. Không cân bằng được hai rủi ro này sẽ dễ xảy ra xung đột do những tính toán sai lầm.
Michael Swaine, một nhà nghiên cứu địa chính trị tại Viện Quincy khi nhận định về Đài Loan và thế răn đe của Mỹ có nhận định : "Thế cân bằng này là cần thiết, bởi vì, nếu cấp độ trừng phạt hay khả năng phủ nhận đạt được trên thực tế bị coi là một mối đe dọa cho các lợi ích sống còn của đối thủ, thì chính đối thủ, thay vì bị cản trở có những hành động hung hăng, sẽ có khuynh hướng thực hiện hoặc đe dọa đánh phủ đầu hay có những động thái trừng phạt của riêng mình để bảo vệ các lợi ích của họ và như vậy, làm gia tăng nguy cơ xung đột thay vì là giảm đi".
Vì quá dựa vào phô trương sức mạnh để đe dọa Trung Quốc, chính quyền Biden đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Nhưng mối nguy hiểm tiềm tàng với Bắc Triều Tiên thậm chí còn lớn hơn, vì chính phủ Bắc Triều Tiên có lịch sử lâu dài trong việc đáp trả các áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ bằng chính những hành động khiêu khích và dọa dẫm của nước này.
Trong một chừng mực nào đó, Bình Nhưỡng cảm nhận việc triển khai nhiều hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương có phần nào nhắm thẳng vào Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong-un có thể kết luận rằng ông ấy cần phải chứng tỏ năng lực thật sự của đất nước qua việc thử nghiệm thêm nhiều tên lửa và thậm chí có thể là một vụ thử hạt nhân mới.
Năm 2023, Bắc Triều Tiên đã có phản ứng giận dữ về việc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến cảng Busan của Hàn Quốc. Nếu lần này có nhiều hàng không mẫu hạm cùng lúc tại các vùng phụ cận, đương nhiên Bình Nhưỡng có thể phản ứng gay gắt hơn. Việc chế độ Kim Jong-un trong vài tháng qua có những lời lẽ ngày càng trở nên thù địch, một cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ chẳng phải đợi lâu.
Tóm lại, Hoa Kỳ khó thể cáng thêm một cuộc khủng hoảng mới ở Đông Á cùng với nhiều cuộc xung đột khác mà nước này can dự vào, nhưng cách tiếp cận quân sự quá mức trong vùng không phải là phương cách tốt để tránh xảy ra khủng hoảng. Theo tác giả Daniel Larison, việc hiểu rõ suy nghĩ của đối thủ và đưa ra những bảo đảm có thể làm họ tin tưởng là những việc Washington nên làm. Nhưng rủi thay Hoa Kỳ rất ít hành động theo hai hướng này và đặt Mỹ và các nước đồng minh trong thế bất an !
Minh Anh
Mỹ điều tầu sân bay tuần tra Biển Đông trước ngày Quốc Khánh Trung Quốc (RFI, 29/09/2019)
Trước lễ Quốc Khánh Trung Quốc, tầu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã tiến hành loạt tuần tra ở Biển Đông, ngay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp. Trang Japan Times của Nhật Bản ngày 29/09/2019 đánh giá hành động này sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Tầu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Ảnh chụp ngày 21/11/2018 nhân chuyến ghé thăm cảng Hồng Kông.. Reuters/Yuyang Wang
Hình ảnh theo dõi của vệ tinh Sentinel 2 ngày 28/09 và được đăng trên nhiều mạng xã hội cho thấy tầu sân bay USS Ronald Reagan, cùng với nhiều tầu chiến khác không rõ danh tính, có thể của Mỹ hoặc của Trung Quốc, đang hoạt động ở phía đông bắc khu vực đảo do Trung Quốc bồi đắp và kiểm soát ở Biển Đông.
Liệu đây có phải là một thông điệp gửi đến Bắc Kinh trước ngày Quốc Khánh ? Trả lời câu hỏi của Japan Times qua thư điện tử, chỉ huy Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ, từ chối khẳng định vị trí của USS Ronald Reagan, nhưng cho biết tầu sân bay Mỹ tiến hành "những hoạt động thông thường" và "hoạt động đang diễn ra không nhắm đến bất kỳ sự kiện đặc biệt nào".
Trước đó, ngày 26/09, phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích tầu sân bay Mỹ cùng đội tầu hộ tống, đóng tại Yokosuka (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản), đến Biển Đông "để giương oai và gia tăng quân sự hóa khu vực". Hành động của Mỹ bị ông Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, kịch liệt phản đối, đồng thời "kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng những quan ngại của các nước trong khu vực về mặt an ninh và nên đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông".
Theo Japan Times, Bắc Kinh coi việc Mỹ điều tầu sân bay đến Biển Đông là hành động khiêu khích trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trả lời báo giới về chuyến tuần tra của tầu sân bay USS Ronald Reagan, ông Nhậm Quốc Cường đe dọa : "Tôi muốn nhấn mạnh rằng những kỳ tích mà Trung Quốc đạt được từ 70 năm đã chứng minh rằng không một thủ đoạn nào có thể cản trở sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và của quân đội Trung Hoa".
Thu Hằng
********************
Tàu sân bay Mỹ lại 'chọc giận' Trung Quốc khi đi vào Biển Đông (BBC, 29/09/2019)
Trong một động thái có khả năng gây ra sự tức giận ở Bắc Kinh chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc đánh dấu một sự kiện quan trọng, lễ mừng Quốc Khánh 70 năm, tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến hành các hoạt động ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, như những hình ảnh mới cho thấy, theo thời báo The Japan Times.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và đội tàu tấn công phối thuộc đóng căn cứ tại Nhật Bản
Hình ảnh vệ tinh được đăng trên truyền thông xã hội cho thấy những gì dường như là hàng không mẫu hạm Reagan và một số tàu chiến không xác định đã hiện diện, có thể là của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, đi lại trong khu vực mạn đông bắc của quần đảo Trường Sa vào hôm thứ Bảy, 28/9/2019, vẫn theo Thời báo Nhật Bản.
Khi được hỏi về các hình ảnh, vị trí của tàu sân bay Ronald Reagan, và nếu tàu này có ý định gửi thông điệp tới Trung Quốc, một phát ngôn viên của Hạm đội Bảy, Hoa Kỳ đã từ chối xác nhận vị trí tàu sân bay, nhưng cho biết tàu sân bay hiện đang được tiến hành các hoạt động thường nhật.
"Hải trình của tàu không đáp ứng bất kỳ sự kiện cụ thể nào", người phát ngôn trả lời qua một thư điện tử.
Vẫn theo báo Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm, 26/7 nói, hàng không mẫu hạm và nhóm tàu tấn công của Ronald Reagan, được đóng căn cứ ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, đã ở Biển Đông để "khoa trương thanh thế và leo thang quân sự hóa khu vực".
"Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó. Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ tôn trọng các mối quan ngại về an ninh của các quốc gia trong khu vực và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông", một sỹ quan hàm Đại tá, phát ngôn viên của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc nói.
Tàu USS Ronald Reagan (xa, bên trái) đi cùng với tàu sân bay trở trực thăng Izumo của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (gần, bên phải) trong khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông vào tháng 6/2019
"Quân đội Trung Quốc sẽ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ và sứ mạng của mình và bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia".
Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc chuẩn bị đánh dấu 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào ngày thứ Ba, 01/10/2019, với dự kiến tung ra phô trương một số vũ khí tối tân và mạnh mẽ nhất của nước này để thể hiện sự tiến bộ mà Trung Quốc đã đạt được trong việc hiện đại hóa quân đội.
'Dội gáo nước lạnh ?'
Vẫn theo tờ báo của Nhật Bản, giới phân tích cho rằng cuộc diễu hành quân sự khổng lồ để đánh dấu kỷ niệm có thể sẽ bao gồm các tên lửa chống hạm tiên tiến và hỏa tiễn đạn đạo có khả năng đánh chìm các tàu sân bay Mỹ và các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Reagan trên biển có thể được xem là Hoa Kỳ đang thử dội gáo nước lạnh vào lễ kỷ niệm này, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài của Washington tiếp tục diễn ra với Bắc Kinh.
Trong một diễn biến liên quan về an ninh trên Biển Đông, một nguồn từ giới quan sát ở khu vực và Việt Nam nhận định qua kênh truyền thông mạng, rằng các tín hiệu cho thấy Trung Quốc cũng tiếp tục có các động thái điều tàu ở khu vực biển mà Việt Nam, một quốc gia trong khu vực, tuyên bố chủ quyền hoặc đang thực thi các quyền chủ quyền và tài phán.
Chiếc tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 dường như ở một địa điểm nằm dóng ngang, hơi chếch về phía trên song song với vùng biển Nha Trang của Việt Nam hôm Chủ Nhật, 29/9, và tại một thời điểm, có vẻ đi ngược lên phía Bắc.
Hôm 28/9, trong một diễn biến riêng rẽ, Ngoại trưởng Việt Nam, Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, ông Phạm Bình Minh xuất hiện tại diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, trong một diễn văn có đề cập các 'diễn biến phức tạp ở Biển Đông".
Mặc dù nêu quan ngại về những diễn biến phức tạp, trong đó có việc "vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán" tại các vùng biển của Việt Nam ở khu vực, được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), rồi kêu gọi "các bên liên quan" ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS - 'Hiến chương của Biển và Đại dương', người đứng đầu ngành ngoại giao của Chính phủ Việt Nam không hề nhắc tên một quốc gia cụ thể nào gây ra "diễn biến phức tạp" và "vi phạm" chủ quyền và các quyền trên biển của Việt Nam.
Cùng thời gian tuần này, truyền thông Việt Nam cho hay lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã tiếp một đoàn từ Cục Kế hoạch chiến lược và hoạch định chính sách (Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ), nhân dịp đoàn sang dự Tham vấn quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thiếu tướng Stephen Sklenka - Cục trưởng đã được Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp khi ông thông báo "kết quả tốt đẹp" của buổi làm việc giữa đoàn với Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam, vẫn theo báo chí nhà nước Việt Nam từ Hà Nội hôm thứ Sáu, 27/9.
Quốc Phương
Chủ thuyết ‘can đảm dựa Mỹ để khai thác dầu khí’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam đang dần thành hiện thực với tín hiệu ‘một hàng không mẫu hạm của hải quân Hoa Kỳ sẽ có mặt có Cam Ranh vào tháng 9 năm 2019’.
Bản đồ không ảnh Vinh Cam Ranh - Ảnh minh họa
Ngày 17/04/2019, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đến thăm tỉnh Khánh Hòa ở miền Trung Việt Nam. Tại đây, ông bày tỏ ý định muốn thấy tàu sân bay và lực lượng Hải quân Mỹ đến thăm Khánh Hòa trong năm nay. Báo VnExpress trích lời ông Davidson cho biết trong tháng 9 tàu của Mỹ sẽ đến thăm Khánh Hòa và trong mùa hè này tàu sân bay sẽ đến Việt Nam.
Tín hiệu trên xuất hiện cùng lúc với sự hiện diện của đoàn Thượng viện Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam gồm 9 Thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đại diện cho nhiều tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi làm Trưởng đoàn.
Cả hai sự kiện trên lại là tiền đề cho chuỗi mở rộng quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt, và cho chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm nay, nếu Trọng kịp hồi phục sức khỏe sau cơn bạo bệnh đột ngột ở Kiên Giang vào tháng 4 năm 2019.
Từ trước chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Trọng vào tháng 7/2015, đã có một số nguồn tin dự đoán rằng một trong những tâm điểm mà hai phía Việt Nam và Mỹ thảo luận sẽ là cảng quân sự Cam Ranh. Theo đó, sự gia tăng hiện diện của hải quân Mỹ ở Cam Ranh có thể được phía Việt Nam đồng thuận hơn, trong đó có thể kể đến vai trò tăng lên của đội ngũ cố vấn Mỹ, và có thể cả một số hoạt động tuần tra chung, phối hợp tập trận chung giữa hai nước trong tương lai không xa. Tuy vậy sau chuyến đi này, không thấy có tin tức nào về Cam Ranh.
Cam Ranh - cảng nước sâu và có vị trí chiến lược đắc dụng về quân sự mà có thể qua đó khống chế đến 2/3 Biển Đông - là nơi mà Việt Nam luôn lấy làm con bài để mặc cả và trả giá với Nga và Mỹ, vẫn còn quá "nhạy cảm," chưa thể ‘bán" được.
Vào tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson và hai chiến hạm cùng lực lượng Hải quân Mỹ đã ghé qua Đà Nẵng trong chuyến thăm bốn ngày. Tuy nhiên khi đó không thấy đặt vấn đề gì về ‘thăm Cam Ranh’.
Nếu việc tàu sân bay USS Carl Vinson hiện diện tại Đà Nẵng được xem là một sự kiện lịch sử, thì việc một hàng không mẫu hạm khác của Mỹ hiện diện tại Cam Ranh vào tháng 9 năm 2019 hoặc trong năm 2019 còn hơn cả lịch sử, bởi Cam Ranh là một vị trí chiến lược quá nhạy cảm chính trị mà Việt Nam sẽ quá khó để nhả ra, trừ phi chính thể này đụng phải hàng núi thách thức từ Trung Quốc mà không thể an nhiên khai thác dầu khí ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của mình.
Và nếu sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại Đà Nẵng có thể kéo theo mối quan hệ thắt chặt hơn giữa hải quân hai nước, cụ thể bằng sự hiện diện của một căn cứ hậu cần kỹ thuật của Mỹ tại cảng Đà Nẵng, thì Cam Ranh cũng có thể sẽ là như vậy.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 23/04/2019
Hiện tượng các quan chức cao cấp của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trong buổi đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ vào ngày 5/3/2018 đã khiến nảy sinh một dấu hỏi lớn : phải chăng giới chóp bu Việt Nam đã phải chịu một sức ép đủ lớn từ "bạn vàng" Trung Quốc mà đã gây ra hiệu ứng "lủi sạch" ?
Buổi đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ vào ngày 5/3/2018 tại Đà Nẵng và hiệu ứng “lủi sạch” của quan chức cao cấp Việt Nam. Ảnh: Bình Nguyên - Đình Thức
Thật thế, tại buổi đón USS Carl Vinson chỉ có đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng với quan chức cấp cao nhất là ông Lâm Quang Minh – giám đốc Sở Ngoại vụ, cùng đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân ; Bộ tư lệnh Quân khu 5. Thậm chí không có nổi một phó chủ tịch của thành phố Đà Nẵng. Còn nhiều báo nhà nước khi giới thiệu về "đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân ; Bộ tư lệnh Quân khu 5" thậm chí còn không nói rõ tên họ của các vị này như một sứ cố ý.
Trong khi đó, phía Mỹ tham dự buổi được đón tiếp trên, ngoài Daniel Kritenbrink – Đại sứ Hoa Kỳ tại việt Nam, còn có cả một nhân vật rất cao cấp : Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương – Đô đốc Scott Swift.
Sự có mặt của Đô đốc Scott Swift tại lần hiện diện đầu tiên của hàng không mẫu hạm Mỹ ở Việt Nam kể từ năm 1975 cho thấy người Mỹ thật sự coi trọng ý nghĩa và tôn trọng nước chủ nhà Việt Nam, nằm trong chiến lược "tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông" nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc.
Vào năm 2014 khi tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương khi đó là Đô Đốc Samuel Locklear đã gợi ý vẫn còn cửa cho "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách "đu dây" nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn "bốn tốt – mười sáu chữ vàng". Còn tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng vẫn cày cục "xin gặp" chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình để xử ý cuộc khủng hoảng "Hải Dương 981". Thế nhưng nghe nói là bất chấp việc ông Trọng đã có đến 20 lần gọi điện thoại sang Bắc Kinh, họ Tập vẫn không nhấc máy.
Chỉ từ đầu năm 2016, "tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam" đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.
Vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh – dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam ơ ngoài khơi Đà Nẵng, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ, mà ngay trước mắt là một hàng không mẫu hạm Mỹ có mặt ở Đà Nẵng để "hù" Trung Quốc.
Tuy thế và cứ như một sự trớ trêu đa nhân cách, tinh thần cầu cạnh Mỹ được báo chí nhà nước mô tả là "nỗ lực của 10 năm" như thế lại rất mau chóng chuyển thành thói kênh mặt ngạo mạn của kẻ cháy túi. Thái độ giới quan chức Việt Nam chọn cách đón tiếp quá bất xứng đối với USS Carl Vinson và Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương đã thêm một lần nữa mô tả lối tuyên truyền trong nội bộ Đảng cộng sản về "Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ" – kéo dài suốt từ thời bình thương hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995 cho đến tận giờ đây.
Thái độ bất xứng trên cũng một lần nữa mô tả chính xác trạng thái "cần Mỹ nhưng lại sợ Trung".
Nhưng có một mục đích xuyên suốt mà giới chóp bu Việt Nam không bao giờ quên : dù quan chức cấp cao "trốn biệt" khi đón hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, nhưng để "mượn danh" sự có mặt của hàng không mẫu hạm này, báo chí nhà nước đã ồ ạt mở một đợt tuyên truyền theo cách "Tàu sân bay thăm Việt Nam đóng góp vào hòa bình khu vực" (Zing.vn), "Tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng là bước chuyển mạnh trong quan hệ hai nước" (VnExpress), "Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ" (báo Thanh Niên), "Chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson khẳng định ‘cam kết, ủng hộ’ với Việt Nam" (Thanh Niên)…
Quan sát thái độ "vừa đón vừa run" của Việt Nam đối với USS Carl Vinson, một người chạy xe ôm phẫn nộ : "Thật nhục cho một chính quyền chẳng còn biết tính chính danh là cái quái gì ! Chỉ giỏi đu dây, lợi dụng nước này để dọa nước kia, chứ còn bao nhiêu ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc nó bắn giết thì có điều tra ra được cái gì đâu. Cứ thế này thì có khi cứ cho thêm một vụ Hải Dương 981 nữa ngoài Biển Đông để mấy cha lãnh đạo trắng mặt vỡ mặt thì mới biết thế nào là đu dây !".
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 07/03/2018
***********************
Vì sao Việt nam lại đón USS Carl Vinson (VNTB, 08/03/2018)
Hoa Kỳ đang cho một trong những tàu lớn nhất, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, đến Việt Nam trong tuần này. Đây sẽ là hàng không mẫu hạm đầu tiên cập cảng Việt nam kể từ khi chiến tranh kết thúc cách đây hơn 40 năm.
USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng vào ngày 5 tháng Ba. Ảnh : Getty Images.
Ở một số khía cạnh, đây là một sự kiện thông thường : các tàu chiến Mỹ khác đã ghé thăm cảng Việt Nam từ năm 2003. Nhưng đó cũng là thời điểm biểu tượng. Trước đây, chính phủ Việt Nam đã giữ khoảng cách với các hàng không mẫu hạm - các quan chức chỉ thăm viếng chúng ở ngoài khơi. Với việc chào đón tàu USS Carl Vinson vào cảng Đà Nẵng, thành phố thứ ba của nước này, và một trong những điểm gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp nhất, Việt Nam rõ ràng đang gửi đi một số thông điệp mạnh mẽ.
Thông điệp rõ ràng nhất là một sự đáp trả các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đang báo hiệu rằng họ có một người bạn mạnh mẽ và sẵn sàng theo đuổi mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với người bạn đó. Nhưng những thông điệp này được hiểu một cách cẩn thận. Việt Nam có chính sách "ba không" : không có các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ, không liên minh quân sự và không liên quan đến bên thứ ba trong các tranh chấp. Chúng ta không nên mong đợi vị trí này thay đổi. Việt Nam sẽ không tham gia vào nhóm các quốc gia kiểm soát Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.
Nhưng chính phủ Việt Nam dường như đang sử dụng chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm này cho các mục đích riêng của họ. Năm ngoái, Việt Nam đã cho phép công ty năng lượng của Tây Ban Nha Repsol khoan khí đốt ngoài khơi phía đông nam. Đây là một động thái đáng ngạc nhiên, vì các lãnh đạo biết rằng các đối tác Trung Quốc của họ chắc chắn sẽ phản đối. Trung Quốc thực sự đáp lại : đe doạ tấn công các đồn quân sự của Việt Nam được xây dựng trên Bãi Tư Chính, bãi cạn gần khu được khoan. Thiếu sự hỗ trợ quốc tế, chính phủ Việt Nam đã rút lui và yêu cầu Repsol để ngừng thăm dò.
Việt Nam vẫn có tham vọng khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi. Do đó, lãnh đạo của họ có thể hy vọng rằng chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson, và các tàu chiến hộ tống, sẽ ngăn Trung Quốc lặp lại các đe dọa trước đó. Có thể là Việt Nam đã phối hợp hoạt động thăm dò với sự xuất hiện của người Mỹ.
Việt Nam cũng gửi một thông điệp tinh tế hơn và dài hạn hơn cho Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều do đảng cộng sản có cùng quan điểm và chính sách cai trị. Bắc Kinh biết rằng Hà Nội sẽ không phá vỡ hoặc giáng cấp mối liên hệ đồng chí này trừ khi có điều gì đó rất kịch tính xảy ra. Vào năm 2014, mối quan hệ giữa hai nước đã bị tổn hại khi Trung Quốc cho dàn khoan dầu đến gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Việt Nam đã trả lời bằng cách cử các phái viên chính thức sang Hoa Kỳ để thảo luận và Trung Quốc đã rút lui.
Bằng cách chào đón Hải quân Hoa Kỳ đến Đà Nẵng trong tuần này, Hà Nội đang chứng tỏ sự không hài lòng với các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông - đe dọa quân sự đối với các căn cứ của Việt Nam và xây dựng đảo nhân tạo khổng lồ ở Trường Sa - và nhắc nhở Bắc Kinh rằng Việt nam có thể tiến xa hơn tới hợp tác với Hoa Kỳ. Đó là áp lực để kiểm soát hành vi của Trung Quốc.
Sự cởi mở đối với Hoa Kỳ có thể có vẻ là bất ngờ với những thay đổi chính trị gần đây ở Việt Nam. Năm 2014, người có quyền lực mạnh nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông ta theo đuổi một chính sách cởi mở thân thiện đối với Hoa Kỳ và ngầm khuyến khích bài Trung rộng rãi. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 2016, ông bị Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng tước hết quyền lực.
Kể từ đó Trọng đã theo đuổi một chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào những người thân cận của ông Dũng. Một số đồng minh thân cận nhất của ông Dũng đã chịu án tù nặng, và một số khác đã bị buộc phải từ chức. Cuộc thanh trừng những người vốn được cho là quá cục bộ, quá tham nhũng và quá thân Mỹ đã dẫn đến việc nhóm ‘trung thành với hệ thống’ của ông Trọng đã ginàh lấy lại quyền kiểm soát ở trên giới chóp bu của Đảng cộng sản.
Trong cũng đã bắt đầu một cuộc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và những tiếng nói quan trọng khác. Các blogger đã bị kết án tù nặng, thực thi luật Internet mới đã làm gián đoạn cuộc thảo luận trực tuyến và các nhà hoạt động xã hội đã bị đánh đập và bị quấy rối. Những chỉ trích quốc tế về cuộc đàn áp đã bị dập tắt. Một phần là kết quả của việc Việt Nam làm cố hế sức để tự thể hiện họ là bạn của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Bằng cách thể hiện tính hữu dụng chiến lược đối với Washington, Trọng cũng có thể được hy vọng sẽ làm chệch hướng áp lực thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ. Trong năm qua Việt Nam đã ve vãn Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông để cố gắng ngăn chặn việc áp dụng các biện pháp bảo hộ các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Cho đến nay thì họ đã thành công.
Trong và các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản đã được cho là "thân Trung Quốc" nhưng bằng cách mời gọi Hải quân Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam vẫn có khả năng theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập. Bằng cách mời hàng không mẫu hạm nói riêng, họ đã phá vỡ một điều cấm kỵ không chính thức về mức độ mà Việt Nam sẽ liên kết với Hoa Kỳ. Thông điệp được đưa ra và tính toán một cách thận trọng và nhắm vào với nhiều hướng một lúc.
Nguyên tác : Chathamhouse
Phương Thảo dịch
Nguồn : VNTB, 08/03/2018
Thông điệp gì từ chuyến thăm hàng không mẫu hạm đến Việt Nam (CaliToday, 06/03/2018)
Lần đầu tiên kể từ khi Chiến Tranh Việt Nam kết thúc cách đây hơn bốn thập niên, một hàng không mẫu hạm (hàng không mẫu hạm) Hải Quân Hoa Kỳ đã cập bến nước này.
Mẫu hạm USS Carl Vinson bỏ neo hai hải lý cách hải cảng Đà Nẵng, một nơi quan trọng trong chiến tranh kết thúc vào năm 1975.
Hàng không mẫu hạm Mỹ tiến sát vào hải cảng Tiên Sa. Photo : Ảnh riêng của Cali Today được gửi về từ Đà Nẳng
"Mối bang giao giữa hai quốc gia của chúng ta đã đạt đến những điểm cao mới trong vài năm qua, và chuyến thăm của mẫu hạm USS Carl Vinson đến Việt Nam là một phản ánh của điều đó", Đô đốc Scott Swift, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết.
Một cách công khai, Hoa Kỳ đã mô tả chuyến viếng thăm bốn ngày của mẫu hạm Vinson cùng với 5.000 thủy thủ và phi công như một cơ hội lịch sử nâng cao tình hữu nghị đang nảy nở giữa hai cựu thù.
Các nhà phân tích nói rằng chuyến viếng thăm của mẫu hạm 95.000 tấn đến Việt Nam là một cú đánh rõ ràng vào Bắc Kinh, được thiết kế để chống lại việc xây dựng hòn đảo nhân tạo và hung hăng quân sự hóa ở Biển Đông.
"Việt Nam rất quan tâm đến những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở vùng tranh chấp Biển Đông", ông John Kirby, một cựu Đô đốc Hải Quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và nhà phân tích quân sự và ngoại giao của CNN cho biết.
"Việt Nam đang lo lắng hướng đi của Trung Quốc trong tương lai, và họ đã muốn trong nhiều năm nay có một mối bang giao tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ".
Trao đổi văn hoá, bao gồm các hoạt động ăn uống và thể thao, sẽ diễn ra giữa một số nhân viên quân sự Hoa Kỳ trên tàu và các đồng sự Việt Nam của họ. Một số thủy thủ Mỹ cũng sẽ đến thăm trung tâm nạn nhân chất độc da cam, một hợp chất hóa học độc hại do Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam để phá hủy rừng.
Những hòn đảo pháo đài
Chủ đề về Trung Quốc, và hoạt động của Trung Quốc ở vùng tranh chấp Biển Đông, có thể được đưa ra trong chuyến thăm của mẫu hạm.
Từ năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng hòn đảo nhân tạo trong vùng biển đang tranh chấp mặc dù Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại Hague đã đưa ra phán quyết vào năm 2016, theo đó không có cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.
Trong khi đó tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông kéo khoảng 1.000 dặm từ bờ biển phía nam, và xâm phạm lãnh hải chống lại Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Hình ảnh từ vệ tinh trên không cho thấy về những nỗ lực cải tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, gần đây đã thu thập được bởi tờ Philippine Inquirer, đưa ra các hình ảnh san hô và các bao cát đã thiết lập trở thành các pháo đài của hòn đảo, với các bến cảng, phi đạo, ngọn hải đăng, và các ụ chứa máy bay và nhiều tòa nhà nhiều tầng.
Việt Nam nằm trong số những nước tuyên bố chủ quyền trong vùng tranh chấp Biển Đông đã đứng lên công khai chống lại Trung Quốc, sau khi Philippines - một trong những nước chỉ trích gay gắt nhất về sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực - tuy nhiên đã thay đổi đường lối dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
Tháng 6 năm 2017, Việt Nam từ chối yêu cầu của Trung Quốc ngừng việc khoan dầu vào Vanguard Bank, khu vực thuộc về Việt Nam theo luật quốc tế. Việt Nam đã chấp thuận một chi nhánh công ty Repsol của Tây Ban Nha khoan trong khu vực có dầu mỏ. Trong khi Trung Quốc tuyên bố khu vực này là một phần lãnh thổ của họ.
Việt Nam cuối cùng đã rút lui một tháng sau đó, dưới áp lực của Trung Quốc.
Máy bay do thám trên USS Carl Vinson - Photo Credit : CNN
Việt Nam cũng đã kêu gọi các nước ASEAN cùng tham gia vào một lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc ở vùng tranh chấp Biển Đông, mặc dù các quốc gia liên hệ trong vấn đề này đã quyết định không mạnh mẽ thách thức Bắc Kinh.
Ông Lê Hồng Hiệp, một thành viên của Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nói : "Đây rõ ràng là một trò chơi của quyền lực, và Trung Quốc đang khoa trương võ lực ở biển vùng Biển Đông.
"Các nước khác sẽ cần phải tích cực nhiều hơn để chống lại Trung Quốc".
Hoa Kỳ từ lâu đã có sự hiện diện hải quân mạnh mẽ ở Đông Nam Á, một phần để bảo đảm sự tự do của các tuyến thương mại qua lại Biển Đông. Khoảng 5 nghìn tỷ đô la hàng hóa vận chuyển qua các vùng đang có tranh chấp này mỗi năm.
Theo Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tiến hành các hoạt động "tự do hàng hải", đã thực hiện các cuộc hải hành và cho các phi cơ bay gần các đảo ở Trung Quốc, thường gây ra các cảnh cáo nóng giận từ các đội tuần tra của Trung Quốc.
Tuy nhiên đó cũng còn quá ít để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Cựu Đô đốc John Kirby nói : "Hoa Kỳ cần phải có chính sách chắc chắn có lẽ quyết đoán hơn để giải quyết vấn đề này.
"Tôi không nghĩ rằng đã quá muộn để ngăn chặn quân sự hóa thêm, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải có một chiến lược toàn diện - và không chỉ là một chiến lược quân sự để giải quyết vấn đề này".
Tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã nhìn thấy cơ hội để làm việc cho một vấn đề chung và ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Á Châu.
Quan hệ quân sự của Mỹ với Việt Nam đã tăng lên kể từ năm 2016, khi Cựu Tổng thống Obama xóa lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong một thập niên qua ở Á Châu.
Dưới thời Tổng thống Trump, hợp tác quân sự với Hà Nội tiếp tục.
Vào tháng 11, Tổng thống Trump đã viếng thăm Việt Nam trong chuyến đi khai mạc tại Á Châu nhằm trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ vẫn thực hiện các cam kết với khu vực, và trong tháng 1, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cũng viếng thăm, dọn trước cho chuyến thăm tuần này của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.
Trung Quốc xây dựng các hòn đảo ở Biển Đi6ng./ Photo Credit : CNN
Thông điệp của Hoa Kỳ : Chúng tôi đến và sẽ ở đây
Ngoài Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đang thắt chặt hợp tác quân sự với các nước đồng minh lâu đời như Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Việc bổ nhiệm Đô đốc Harry Harris, chỉ huy tối cao của các lực lượng Hoa Kỳ tại khu vực Á Châu - Thái Bình Dương, đại sứ Mỹ tại Australia dự định tăng cường hợp tác giữa Canberra và Washington trong các vấn đề liên quan đến vùng Biển Đông.
Các tàu chiến Hoa Kỳ đã viếng thăm Việt Nam nhiều lần kể từ tháng 11 năm 2003, khi một khu trục hạm của Hoa Kỳ, USS Vandegrift, đã ghé cảng đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tuy nhiên, chuyến thăm của một hàng không mẫu hạm có mức độ khác nhau và điều mà các viên chức chính phủ Bắc Kinh sẽ chú ý tới.
Hôm thứ Sáu, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng hy vọng chuyến thăm này có thể "đóng một vai trò xây dựng cho khu vực thay vì làm cho các nước trong khu vực cảm thấy lo lắng".
Cựu Đô đốc Kirby cho biết chuyến viếng thăm của mẫu hạm USS Carl Vinson đến Việt Nam đã gửi một tín hiệu rõ ràng.
"Đây là một thông điệp gửi tới Việt Nam, về mối bang giao này với chúng ta, chúng tôi quan tâm đến những gì họ đang làm trong khu vực, nhưng đó cũng là một thông điệp rộng hơn cho các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương rằng Hoa Kỳ đang ở đây và chúng tôi đến ở đây để ở" ông Kirby tuyên bố.
Ngọc Thạch (Theo CNN)
****************
Mỹ : Trung Quốc thiếu minh bạch ở Biển Đông (VOA, 06/03/2018)
Trong bối cảnh một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập cảng ở Đà Nẵng, một sĩ quan hải quân hàng đầu của Mỹ hôm 6/3 nói rằng việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong các hoạt động ở Biển Đông có khả năng phá vỡ an ninh khu vực.
Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer.
Tờ The Straits Times của Singapore dẫn lời Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer, chỉ huy Hạm đội Bảy của Mỹ, hoạt động trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đề cập tới chuyện Trung Quốc cơi nới và quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông, và nói thêm rằng sự thiếu minh bạch trong chuyện đó đã dẫn tới "sự tức giận" tại khu vực.
"Không thực sự rõ chuyện gì đang xảy ra ở đó, và tôi nghĩ rằng sự tức giận cũng như sự thiếu minh bạch có khả năng phá vỡ an ninh và ổn định của khu vực. Và điều đó gây ra quan ngại", ông Sawyer nói hôm 6/3 trong cuộc trao đổi với phóng viên qua điện thoại.
Phó Đô đốc Sawyer còn được tờ Nikkei của Nhật dẫn lời nhấn mạnh tới cam kết của Washington đối với khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương "tự do và rộng mở", đồng thời nói rằng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động dựa trên nguyên tắc tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.
Về chuyến thăm Việt Nam của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, các quan chức Mỹ coi đó là một cột mốc trong mối bang giao giữa hai nước cựu thù.
Theo The Straits Times, Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh Mary Tarnowka nói : "Chuyến thăm thực sự phản ánh cam kết của chúng tôi đối với Việt Nam và sự hậu thuẫn của Mỹ đối với một Việt Nam thịnh vượng, vững mạnh và độc lập, cũng như cam kết của chúng tôi vì một khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng mở và vì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Bà nói thêm rằng Mỹ "muốn các đối tác ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trở nên tự hào và tự chủ, chứ không phải 'dựa bóng' người khác hay là vệ tinh của ai đó".
********************
Ông McCain nhắc tới Trung Quốc trong tuyên bố về USS Carl Vinson (VOA, 06/03/2018)
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có nhiều "duyên nợ" với Việt Nam hôm 5/3 nói rằng chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson là "bước tiến lớn" trong quan hệ Hà Nội - Washington giữa lúc cả khu vực bị Trung Quốc "đe dọa".
Thượng nghị sĩ John McCain.
Ông John McCain lên tiếng đúng ngày "thành phố nổi" của Hoa Kỳ thả neo ở cảng Tiên Sa thuộc thành phố biển miền Trung hướng ra Biển Đông.
"Chuyến cập cảng lịch sử ngày hôm nay của USS Carl Vinson ở Việt Nam cho thấy bước tiến lớn mà hai nước đã đạt được trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng một mối quan hệ đối tác gần gũi".
"Nó cũng cho thấy sức mạnh gia tăng trong các mối quan hệ đối tác của Mỹ ở khu vực ngày càng bị đe dọa bởi sự bành trướng, gây hấn và phản đối trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của Trung Quốc", nhà lập pháp thuộc phe Cộng hòa, đại diện tiểu bang Arizona, nói.
"Các nguyên tắc như tự do hàng hải mang lại nền tảng cho an ninh và thịnh vượng ở khu vực quan trọng này, và Hoa Kỳ nên sẵn sàng làm đối tác với bất kỳ nước nào sẵn lòng bảo vệ chúng".
USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, hôm 5/3.
Cựu quân nhân Mỹ từng nhiều lần trở lại Việt Nam nói rằng "đối với những người chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam cũng như những ai nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, bước tiến đáng kể này vượt xa cả những kỳ vọng mơ hồ nhất".
Ông nói thêm : "Hướng về tương lai, cùng với các đồng minh và đối tác khu vực, Hoa Kỳ và Việt Nam nên tiếp tục nỗ lực tiến tới một tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thịnh vượng, ổn định và hòa bình dựa trên sự tôn trọng nhân quyền và các quyền cơ bản".
Ông McCain từng tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ những năm 50, rồi sau đó gia nhập lực lượng hải quân của nước này cho tới năm 1981. Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Thượng viện Mỹ.
Gần như toàn bộ các bài viết của các hãng thông tấn nước ngoài về chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày của USS Carl Vinson đều nhắc tới Trung Quốc, nhất là vấn đề Biển Đông, trong tương quan của mối quan hệ Hà Nội và Washington.
Ba ngày trước khi hàng không mẫu hạm Mỹ tới quốc gia cựu thù, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc "không phản đối" các trao đổi và hợp tác thông thường giữa các nước, kể cả tương tác quân sự, nếu đó là các hoạt động thông thường, theo Reuters.
"Hoa Kỳ là một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn và có trách nhiệm quan trọng đối với hòa bình - an ninh thế giới. Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực và là láng giềng tốt của Trung Quốc", bà Hoa nói thêm.
"Tất nhiên, chúng tôi hy vọng sự trao đổi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng, thay vì tạo bất ổn, nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc hy vọng giao lưu Việt-Mỹ lần này là một hoạt động thông thường và mang lại lợi ích cho khu vực".
USS Carl Vinson ghé Đà Nẵng : lịch sử, thông điệp, và cân bằng (VNTB, 05/03/2018)
Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, lần đầu tiên - một tàu sân bay Mỹ ghé cảng tại Việt Nam, báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong tổng quan địa chính trị khu vực.
Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson vừa neo đậu tại cảng Đà Nẵng sáng thứ hai - Ảnh United States Navy, via Getty Images
Tàu sân bay Carl Vinson, đang neo đậu tại Đà Nẵng, thành phố cảng trung tâm của Việt Nam, địa điểm từng đóng vai trò là cột mốc quan trọng trong chiến tranh của Washington trước đây.
Chuẩn đô đốc John V. Fuller - chỉ huy cụm tàu USS Carl Vinson nhận định, cha của ông là người Việt Nam : ‘Đây là một bước tiến khá lớn và mang tính lịch, vì một tàu sân bay đã không ở đây trong 40 năm nay’. ‘Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục tiến trình mà chúng tôi đã đạt được đó là thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực’..
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Phó đô đốc Sawyer, Chuẩn đô đốc Fuller được chào đón tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng. Ảnh : Hải An
Gần 6.000 thủy thủ đoàn của tàu sân bay Carl Vinson sẽ đánh dấu lần đầu tiên một đội ngũ quân nhân lớn của Mỹ sẽ đổ bộ lên đất Việt Nam kể từ khi quân đội nước này rút quân vào năm 1975.
Trong chuyến thăm này, nhóm thủy thủ đoàn sẽ đến thăm một trại trẻ mồ côi và một trung tâm dành cho nạn nhân Chất độc màu da cam.
Trước đó, USS Carl Vinson đã được triển khai ở Biển Đông, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Địa điểm này vẫn là khu vực tranh chấp của 6 nước - dựa trên các yêu sách khác nhau. Trong những năm gần đây, Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn trước một Trung Quốc đang gia tăng cải tạo các nhóm đá và rạn san hô thành các đảo nhân tạo - cơ sở làm căn cứ quân sự.
Chỉ riêng năm 2017, Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng các cơ sở thường trú trên các dãy đất khai hoang, ‘chiếm 290.000 m2’, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.
Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định : ‘Sự thỏa thuận của Hà Nội đối với chuyến thăm tàu sân bay chứng tỏ lo lắng sự lo lắng của Việt Nam về những gì Trung Quốc sẽ làm ở Biển Đông’. ‘Hoa Kỳ như là người cuối cùng mà Hà Nội có thể tìm kiếm sự hỗ trợ trong tranh chấp Biển Đông’.
Mặc dù Hoa Kỳ không phải là nguyên đơn trong tranh chấp hàng hải, nhưng nước này miêu tả các hoạt động của mình ở Biển Đông như là điều quan trọng để đảm bảo an ninh tự do hàng hải - điều kiện đã dẫn tới việc mở rộng kinh tế ở châu Á sau chiến tranh thế giới thứ II.
Đô đốc Fuller nói : ‘Đây là một môi trường ổn định, nơi bạn có khả năng thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. ‘Tôi nghĩ chúng tôi đã giúp tạo ra môi trường cho phép 70 năm tăng trưởng’.
Ông Đô đốc từ chối bình luận về cách xây dựng đảo của Trung Quốc – vốn đang thay đổi khu vực. Bắc Kinh phản đối Hoa Kỳ khi tiến hành tự do hoạt động hàng hải, trong đó có việc, các tàu Hải quân đi gần sát các hòn đảo tranh chấp do Trung Quốc kiểm soát.
Việt Nam có một cuộc chiến đẫm máu với Hoa Kỳ, nhưng sự thù địch của người Việt Nam đối với Trung Quốc thì sâu sắc hơn.
Mối quan hệ anh em giữa Bắc Kinh với Hà Nội đã không xóa bỏ được thực tế là Trung Quốc đã cai trị Việt Nam trong một 1000 năm.
Bốn năm sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Sài Gòn, Việt Nam đã tiếp tục cầm súng trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc. Kể từ đó, quân đội Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục xung đột xoay quanh quyền sở hữu các hòn đảo ở Biển Đông.
Thiếu tướng Lê Văn Cường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an, cho biết : ‘Không ai tin người Trung Quốc. Nhưng mọi người đều cần tiền của họ’.
Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết có lợi cho Philippines và đặt câu hỏi về các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông.Nhưng chiến thắng hợp pháp này đã chứng minh phần lớn không liên quan đến địa chính trị khu vực. Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, người sau đó lên nắm quyền, đã từ chối đẩy Bắc Kinh vào thế khó. Thay vào đó, ông chỉ trích Hoa Kỳ, một đồng minh lâu năm. Kết quả, Bắc Kinh hứa hẹn đầu tư hàng tỷ đô la vào Philippines.
Sự ra đi của ông Duterte đã để lại Việt Nam - đơn độc tố cáo các hành vi hung hăng của Bắc Kinh.
Vào năm 2014, Bắc Kinh đã dời một giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp. Người Việt Nam phản ứng bằng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đỉnh điểm là dẫn đến cái chết của hai công nhân Trung Quốc ở miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, chính trị học chỉ ra rằng Việt Nam không thể xa lánh hoàn toàn Trung Quốc.
Ông Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết : ‘Việt Nam phải làm nhiều để cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ’.
Khi Bắc Kinh một lần nữa dời giàn khoan vào vùng biển tranh chấp vào năm 2016, Hà Nội đã đảm bảo rằng sẽ không lặp lại những cuộc bạo loạn chống Trung Quốc.
Mặc dù Washington đã cố gắng lôi kéo Hà Nội mở rộng trao đổi hải quân với Hoa Kỳ, Việt Nam đã cố gắng giảm để ‘tránh gây khiêu khích với Trung Quốc’, ông Hiebert nói.
Hà Nội, dựa vào Nga cho hầu hết các thiết bị quân sự, cũng đã từ chối mua thêm vũ khí của Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí gây thương vong cho Việt Nam vào năm 2016.
Quyết định của Tổng thống Trump năm ngoái nhằm thúc đẩy Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương gây phấn khích khích cho Hà Nội, với hy vọng rằng hiệp định thương mại do Mỹ dẫn đầu sẽ tạo ra một sự đối trọng với ảnh hưởng kinh tế đang tăng lên của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam ca ngợi mối quan hệ đang ấm dần lên, một cuộc đàn áp dai dẳng đối với các nhà bất đồng chính kiến của nhà chức trách Việt Nam đã làm giảm hy vọng thay đổi chính trị. Sự kẹp chặt này phản ánh sự kìm kẹp tương tự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo tổ chức Human Rights Watch, có khoảng 130 tù nhân chính trị tại Việt Nam, bao gồm các nhà hoạt động vì môi trường, những người ủng hộ tôn giáo và blogger bị giam giữ.
Trong tháng vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố kêu gọi ‘Việt Nam cần phóng thích ngay tất cả tù nhân lương tâm và cho phép tất cả mọi người ở Việt Nam bày tỏ quan điểm ôn hòa của họ mà không sợ bị trừng phạt’.
Hannah Beech
Nguyên tác : U.S. Aircraft Carrier Arrives in Vietnam, With a Message for China, New York Times, 04/03/2018
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : VNTB, 05/03/2018
********************
Quan hệ Việt-Mỹ qua chuyến thăm của USS Carl Vinson (RFI, 05/03/2018)
Từ ngày 5 đến 9/03/2018, lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ, chiếc USS Carl Vinson, ghé thăm một cảng của Việt Nam, một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ giữa hai nước cựu thù tiếp tục được thắt chặt thêm, hơn 4 thập niên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Chiến đấu cơ F-18 hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến tuần tra Biển Đông và ghé thăm cảng Philippines ngày 14/02/2018. AYEE MACARAIG / AFP
Chuyến ghé cảng Đà Nẵng của chiếc USS Carl Visnon là một chuyến viếng thăm lịch sử, vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước khi thăm cảng Đà Nẵng, trong tháng 2, chiếc USS Carl Vinson đã ghé Vịnh Manila của Philippines trong 5 ngày. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên đến Philippines của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ năm 2014, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo tại những khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này.
Việc triển khai chiếc USS Carl Vinson đến 2 quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc thể hiện những ưu tiên an ninh mới của chính quyền Donald Trump nhằm đối lại với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc và nhằm tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông.
Nếu như chuyến viếng thăm của chiếc USS Carl Vinson đến Vịnh Manila được xem là một "biểu hiện bình thường" của liên minh quân sự Mỹ - Philippines, thì chuyến ghé cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm này là một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội tiếp tục được thắt chặt.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 26/02/2018, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nêu lên ý nghĩa chuyến viếng thăm này của chiếc Carl Vinson :
"Chuyến thăm Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là một chỉ dấu nữa cho thấy quan hệ quốc phòng Việt Mỹ đang phát triển rất mạnh mẽ. Chuyến viếng thăm lần này có ý nghĩa biểu tượng rất là quan trọng, cho thấy có sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai bên trong lĩnh vực quốc phòng.
Vào năm 2009-2010, các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cũng đã neo ở ngoài khơi Việt Nam và các quan chức Việt Nam lúc đó đã phải đi trực thăng ra viếng thăm các tàu đó. Nhưng Carl Vinson lần này cập cảng Đà Nẵng và như vậy đúng theo nghĩa đen thì đã có sự xích gần lại nhau đáng kể giữa hai bên và cho thấy có sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai cựu thù trong chiến tranh lạnh.
Trong chuyến đi lần này, hai bên sẽ có những trao đổi khác nữa chứ không chỉ có ý nghĩa biểu tượng, sẽ có những bước đi tiếp theo nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng giữa hai bên, trong đó có việc Việt Nam sẽ mua sắm các trang thiết bị quân sự, các vũ khí của Mỹ.
Một trong những động lực lớn nhất đã giúp thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai bên trong thời gian qua là mối quan tâm chung của hai nước về mặt chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và đe dọa các lợi ích của cả hai bên. Chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là một biểu tượng cho thấy xu hướng đó ngày càng vững chắc".
Hiện giờ thì Việt Nam sẽ không đi đến việc thiết lập một liên minh quân sự với Mỹ giống như là Philippines, nhưng Hà Nội có thể trông chờ những gì từ việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với Washington ? Ông Lê Hồng Hiệp trả lời :
"Trước tiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, Việt Nam luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc "ba không" : không có liên minh quân sự với nước khác, không có căn cứ quân sự của nước khác trên lãnh thổ Việt Nam, không lợi dụng quan hệ của Việt Nam với một nước khác để chống một nước thứ ba.
Trong thời gian tới, quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự cũng sẽ tuân thủ nguyên tắc "ba không" này. Nếu không phải là liên minh quân sự với Mỹ, thì Việt Nam có thể mong đợi gì từ mối quan hệ này ?
Theo tôi, ý nghĩa quan trọng nhất là về mặt ngoại giao, chiến lược. Việc phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, đặc biệt là các dự án có ý nghĩa biểu tượng hoặc có tiếng vang lớn, sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy thế, nâng cao vị thế đàm phán, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất đó đủ năng lực cũng như đủ ý chí nhất trên thế giới để mà có thể kềm chế tham vọng của Trung Quốc vê lãnh hải, về hải quân. Điều này rất phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Bên cạnh các lợi ích về mặt chiến lược như vậy, Việt Nam có thể trông chờ nhận được các sự hỗ trợ của của Hoa Kỳ. Ví dụ như Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam các trang thiết bị, như tàu tuần tra, để giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Việt Nam cũng có thể sẽ mua các trang thiết bị, vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực của hải quân, năng lực giám sát hàng hải của mình, để quản lý tốt hơn các vùng biển của mình, cân bằng lại sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông".
Mặc dầu Việt Nam rất muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, nhưng Hà Nội vẫn không mấy vội vã trong việc mua vũ khí của Mỹ, mặc dù Washington đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam từ năm 2016. Hiện giờ Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia mua vũ khí của Nga nhiều nhất thế giới, nhưng nay Hà Nội mua ngày càng nhiều vũ khí từ những nước khác như Israel hay Ấn Độ.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của trang Sputnik vào tháng 2 vừa qua, thiếu tướng Lê Văn Cương, một chuyên gia quân sự Việt Nam, cho biết có nhiều lý do khiến Việt Nam chưa mua nhiều vũ khí của Mỹ. Thứ nhất, toàn bộ các binh chủng của quân đội Việt Nam hiện đang được trang bị các loại vũ khí của Liên Xô trước đây và của Nga hiện nay. Theo tướng Lê Văn Cương, trong quân đội Việt Nam, việc sử dụng vũ khí Nga đã là một truyền thống và không dễ gì một sớm một chiều bỏ đi truyền thống đó.
Thứ hai, tình hình kinh tế hiện nay không cho phép Việt Nam thay đổi triệt để trong việc mua sắm vũ khí và các thiết bị quốc phòng, nhất là vũ khí của Mỹ rất là đắt tiền. Tướng Cương dự báo rằng cho dù Việt Nam đang đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, nhưng vũ khí Nga vẫn là thành tố chủ chốt, vũ khí của Mỹ sẽ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Ông Lê Hồng Hiệp cũng có nhận định tương tự, nhưng theo ông thì trước mắt Việt Nam có thể mua một số trang thiết bị quân sự của Mỹ như máy bay không người lái :
"Việc mua sắm các trang thiết bị, vũ khí của Hoa Kỳ có thể là cột mốc tiếp theo mà hai bên có thể sẽ hướng tới trong thời gian tới. Việt Nam có nhu cầu mua một số trang thiết bị vũ khí của Hoa Kỳ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga, đặc biệt là trong bối cảnh mà Nga đang có quan hệ rất nồng ấm với Trung Quốc.
Mặt khác, việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí sẽ là một động lực để thúc đẩy toàn diện hơn nữa quan hệ Việt-Mỹ và đặc biệt là để giành được thêm sự ủng hộ của chính quyền Mỹ và nhất là của tổng thống Donald Trump cho việc phát triển quan hệ Việt Mỹ, vì ông đã từng tuyên bố rằng hai bên cần giảm bớt thâm hụt thương mại và ông muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ.
Bản thân Việt Nam cũng muốn sử dụng các thương vụ vũ khí này như một con bài mặc cả để thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có những trở ngại cho ý định này. Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào các trang thiết bị vũ khí của Nga. Bây giờ nếu mua các trang thiết bị mới từ Hoa Kỳ, thì có thể gặp vấn đề về sự tương thích giữa các nền tảng công nghệ, các vũ khí với nhau.
Trở ngại thứ hai có lẽ là vấn đề ngân sách, vì Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về ngân sách, trong khi đó các trang thiết bị, vũ khí của Mỹ có giá đắt hơn là các vũ khí cùng loại từ Nga hoặc từ các nguồn khác.
Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể quan tâm đến một số trang thiết bị như máy bay không người lái phục vụ cho công tác giám sát, thu thập thông tin trên biển. Tôi nghĩ đó có thể là những trang thiết bị phù hợp với khả năng tài chính của Việt Nam, cũng như với nhu cầu hiện tại của Việt Nam, và cũng không gây ra những vấn đề về tương thích giữa các loại vũ khí.
Theo tôi hiểu thì Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận hoặc đã có những thỏa thuận ban đầu về việc Mỹ bán các máy bay không người lái như vậy. Trong thời gian tới khi mà nhu cầu của hai bên trở nên gần gũi hơn và năng lực tài chính của Việt Nam được cải thiện hơn, có thể sẽ có những thỏa thuận lớn hơn và có ý nghĩa thật sự đối với sức mạnh quốc phòng của Việt Nam hơn.
Nếu những thỏa thuận này được triển khai thì đó sẽ là một lực đẩy tốt cho quan hệ song phương nói chung và quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng".
Sau hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, cũng trong tháng 3, tàu bệnh viện USNS Mercy của hải quân Hoa Kỳ sẽ cập cảng Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Đối tác xuyên Thái Bình Dương 2018. Chương trình này đã được khởi động sau trận sóng thần năm 2004, tác động nặng nề đến nhiều nước vùng ven Thái Bình Dương.
Tàu bệnh viện Mercy lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2008, neo ở ngoài khơi Nha Trang. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, tổ chức từ thiện Operation Smile đã phẫu thuật miễn phí trên tàu Mercy cho trẻ em bị hở môi, hàm ếch ở tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.
Thanh Phương
**********************
Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam, thách thức Trung Quốc (RFA, 05/03/2018)
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ vừa đến thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào chiều ngày hôm nay, 5/3, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày.
Tàu USS Carl Vinson đậu tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hôm thứ hai, ngày 5/3/2018. AP
Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ đến thăm cảng Việt Nam kể từ sau cuộc chiến giữa hai nước hơn 40 năm về trước.
Đi cùng tàu USS Carl Vinson là tàu tuần dương US Lake Champlain và khu trục USS Wayne E. Meyer, với hơn 5.000 thủy thủ.
Trong thời gian ở thăm, các thủy thủ của tàu Mỹ sẽ tham gia các hoạt động cộng đồng ở địa phương bao gồm thăm quan, biểu diễn văn nghệ và trao đổi chuyên môn, kỹ thuật về hỗ trợ ứng phó thảm họa, phòng cháy chữa cháy.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ra tuyên bố nói rằng chuyến thăm của tàu Carl Vison đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam độc lập, thịnh vượng và mạnh mẽ.
Đây là chuyến thăm đã được Bộ trưởng quốc phòng hai nước thống nhất từ tháng 10 năm ngoái nhân chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Mỹ, và được xác định chính thức trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 năm nay của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis.
Các hãng tin quốc tế hôm nay cũng đồng loạt đưa tin về chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới Việt Nam.
Hãng tin Reuters đánh giá chuyến thăm đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ sau năm 1975, đồng thời cho thấy sự phức tạp trong quan hệ của Hà Nội với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Reuters trích nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết trước đó, những đặc phái viên của Việt Nam đã phải mất nhiều tháng trời thuyết phục người láng giềng Trung Quốc về chuyến thăm này và triển vọng quan hệ hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng chuyến thăm có thể làm Trung Quốc khó chịu nhưng Bắc Kinh sẽ không làm cho điều này thành quá nghiêm trọng. Ông nói Trung Quốc hiểu được mối quan hệ Mỹ Việt Nam do tác động của hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam không thể theo Mỹ mà thách thức Trung Quốc.
Biển Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực châu Á bao gồm Việt Nam.
Việc Trung Quốc gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo ở khu vực đang tranh chấp đã làm các nước lo ngại.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc quân sự hóa khu vực Biển Đông. Tàu chiến của Mỹ cũng đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực như đi gần các đảo mà Trung Quốc xây lấp.
Một số các nhà bình luận Trung Quốc gần đây cũng lên tiếng về chuyến thăm của tàu Carl Vinson, coi sự hiện diện của tàu ở khu vực Biển Đông và nhất là đến thăm Việt Nam đòi hỏi Trung Quốc phải gia tăng việc quân sự hóa khu vực Biển Đông. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc tỏ ra khá im lặng kể từ khi chuyến thăm được chính thức công bố vào tháng 1 vừa qua.
Đón hàng không mẫu hạm Mỹ, Việt Nam đi dây giữa Washington và Bắc Kinh (RFI, 05/03/2018)
Sự kiện Đà Nẵng đón hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson hôm nay, 05/03/2018 vừa được coi là một biểu tượng mạnh trong quan hệ chiến lược Việt-Mỹ, vừa cho thấy tính phức tạp trong quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh.
Tàu USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 05/03/2018. Reuters/Kham
Hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hai tàu hộ tống với trên dưới 6.000 thủy thủ, phi công... "đổ bộ" vào Đà Nẵng, cảng nằm không xa đảo Cá Voi Xanh nơi tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ đang khai thác và nhất là sát cạnh khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh chắc chắn là theo dõi sát các hoạt động của USS Carl Vinson trong 5 ngày chiếc tàu neo đậu tại Đà Nẵng.
Theo một số các nguồn tin thông thạo được hãng tin Reuters trích dẫn, để trấn an Trung Quốc, từ nhiều tháng qua Hà Nội đã điều các chuyên gia đến Bắc Kinh để giải thích với nước láng giềng phương Bắc về triển vọng tăng cường hợp tác Việt-Mỹ. Các giới chức ngoại giao và quân sự Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại độc lập của Hà Nội và mong muốn mở rộng quan hệ quốc tế, duy trì mối bang giao ổn định với Bắc Kinh, bất chấp những tranh chấp ở Biển Đông.
Cần nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ hiện diện trong vùng Biển Đông. Từ đầu năm 2018, trước khi ghé cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chiếc Carl Vinson đã ghé cảng Manila vào giữa tháng 2/2018. Phó đề đốc, chỉ huy hải đội tác chiến Carl Vinson John Fuller, trong cuộc họp báo tại Philippines khi đó, đã nhấn mạnh đến "một sự hiện diện có trọng lượng" của Hải Quân Hoa Kỳ, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục mở rộng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa. Đấy là những nơi đang có tranh chấp chủ quyền, mà Việt Nam là một trong những bên liên quan.
Tại Bắc Kinh, một số chuyên gia cho rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc là yếu tố để quốc gia Bắc Á này tăng tốc các chương trình xây dựng tại vùng biển mà Trung Quốc đã xem là ao nhà. Dù vậy, về mặt chính thức, từ khi hay tin chiếc USS Carl Vinson sẽ đến thăm Đà Nẵng, Bắc Kinh tỏ ra chừng mực. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng giao lưu Mỹ-Việt "mang tính xây dựng".
Trên thực tế, theo như ghi nhận của một chuyên gia về an ninh quốc phòng tại đại học Lĩnh Nam - Hồng Kông, được Reuters trích dẫn, Bắc Kinh giờ đây hiểu rõ hơn chính sách của Hà Nội cân bằng quan hệ giữa hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Vẫn theo chuyên gia này, "ngành ngoại giao của Việt Nam đã thành công trong mục đích trấn an Bắc Kinh". Trong mắt nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc việc Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, Trung Quốc biết chắc là Việt Nam muốn đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, nhưng sẽ không dám thách thức Bắc Kinh.
Sau cùng, cũng có ý kiến cho rằng, thái độ chừng mực của Trung Quốc trước việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Đà Nẵng có thể cho thấy là Bắc Kinh chấp nhận việc Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, với điều kiện là sự hiện diện đó "góp phần xây dựng hòa bình và ổn định khu vực" như chính phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng tuyên bố.
**********************
Tàu sân bay Mỹ vào Vịnh Đà Nẵng (BBC, 05/03/2018)
Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến VN kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, đánh dấu mối quan hệ chiến lược giữa hai nước từng là kẻ thù, vào thời điểm ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc đang gia tăng, theo Reuters.
Bản quyền hình ảnh Reuters/KHAMImage captionHàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào vịnh Đà Nẵng trưa 5/3
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể được nhìn thấy vào sáng thứ Hai 5/3 tại vùng biển ngoài khơi Vịnh Đà Nẵng, nơi tàu sân bay có lượng giãn nước 103.000 tấn và hai tàu khác của Hoa Kỳ bắt đầu chuyến thăm năm ngày..
'Chuyến thăm lịch sử'
Sự xuất hiện của USS Carl Vinson đánh dấu sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ năm 1975 - nhưng cũng minh hoạ cho mối quan hệ phức tạp và tiến triển của Hà Nội với Bắc Kinh đối với khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Việt Nam đã nỗ lực hàng tháng trời để làm dịu bớt mối lo ngại của người láng giềng Trung Quốc đối với chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson và triển vọng hợp tác an ninh tăng cường giữa Hà Nội và Washington.
Các tàu sân bay Hoa Kỳ thường xuyên qua lại trên Biển Đông trong một đợt triển khai hải quân tăng cường, và hiện nằm trong sự theo dõi của các tàu hải quân Trung Quốc, giới chức hải quân khu vực cho hay.
Việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng trong quần đảo Trường Sa khiến Việt Nam và chính phủ các nước trong khu vực lo ngại khi nước này tìm cách thực thi tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn các khu vực đường thủy đang tranh chấp, nơi hàng trăm nghìn tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.
Mặc dù không có tàu sân bay Mỹ nào đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc nhưng các tàu chiến nhỏ khác của Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến thăm cấp cao khi mối quan hệ được cải thiện trong những năm gần đây.
Các chuyến thăm nói trên bao gồm chuyến thăm 2016 của tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục USS John S. McCain tới vịnh Cam Ranh, một khu hậu cần quan trọng trong chiến tranh Việt Nam.
Một ban nhạc hải quân Hoa Kỳ sẽ trình diễn hòa nhạc tại Đà Nẵng trong chuyến viếng thăm của tàu Vinson, và thuỷ thủ từ tàu sân bay dự kiến sẽ tới thăm một trung tâm điều trị cho những người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson sẽ neo đậu tại thành phố cảng Đà Nẵng, nơi quân đội Mỹ đổ bộ đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, khiến nơi đây trở thành một địa điểm mang tính biểu tượng cao.
Cuộc viếng thăm này nhằm minh chứng cho mối quan hệ quân sự ngày càng tăng của Việt Nam và Hoa Kỳ.
'Thông điệp tới Trung Quốc'
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc này chắc chắn sẽ gửi một thông điệp tới Trung Quốc khi nước này tiếp tục bành trướng tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Phóng viên BBC Jonathan Head hiện đang có mặt tại Đà Nẵng, cho biết mặc dù hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến triển nhưng vẫn còn hạn chế, và Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ thông điệp của chuyến thăm này.
Trung Quốc hiện là một siêu cường trong khu vực và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Vì vậy, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang rất thận trọng để tránh bất kỳ động thái nào có thể gây bất lợi cho mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ của mình, phóng viên Jonathan Head của BBC bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và hòn đảo mà một số quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền. Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoa Kỳ luôn tuyên bố không can thiệp vào các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Hải quân Hoa Kỳ đã liên tục có các hoạt động "tự do hàng hải" tại các vùng biển đang tranh chấp, một thách thức rõ ràng đối với các tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Tàu USS Carl Vinson đã thực hiện nhiều chuyến đi đến khu vực rộng lớn hơn trong hàng thập niên qua.
Đà Nẵng là căn cứ quân sự chính của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Việc hàng không mẫu hạm Mỹ, có thể mang tới 90 máy bay, cập cảng Đà Nẵng, sẽ đại diện cho sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh và sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975.
Chiến tranh Việt Nam - cái mà Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ - kéo dài và đẫm máu. Chính phủ Việt Nam ước tính hàng triệu người, cả dân thường và lính Cộng sản, đều bị giết. Chỉ hơn 58.000 lính Mỹ chết hoặc mất tích trong cuộc chiến.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đang ở khu vực Trường Sa (CaliToday, 25/02/2018)
Hải đội Hàng Không Mẫu Hạm (hàng không mẫu hạm) Strike của Hoa Kỳ đã đi đến vùng biển tranh chấp Biển Đông từ thứ Sáu và hiện đang ở quần đảo Trường Sa.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson là chiến hạm hàng đầu của Carrier Strike Group 21. Photo Credit : JMSDF
Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết không có gì bất thường về sự hiện diện của Hải đội Strike Group trong khu vực.
"Đây là những hoạt động thường lệ. Hải quân Hoa Kỳ là một hải quân toàn cầu. Sự hiện diện của chúng ta là để bảo đảm đại dương vẫn tự do đi lại", phát ngôn viên của Chỉ huy trưởng Tim Hawkins tuyên bố trong một cuộc họp báo trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.
Tướng Hawkins giải thích rằng Biển Đông là một ngã tư hàng hải, nơi có rất nhiều hoạt động của ngành hàng hải đang xảy ra được. Các phóng viên nhà báo đến từ Singapore, Mỹ, Malaysia, Indonesia và Philippines và nghỉ qua đêm trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson.
Ông cho biết 90% thương mại thế giới vận chuyển qua lại trong vùng biển đang tranh chấp và cần sự lưu thông hàng hải vẫn mở, "Phải có một nước nào đó trông coi ở xung quanh vùng này". Ông bổ sung vai trò hiện đang được Hải đội Strike hợp tác với các đồng minh trong khu vực.
Ông Hawkins nói rằng điều này phù hợp với nhiệm vụ của Hải quân Hoa Kỳ nhằm bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, ngăn chặn xung đột, đối phó với khủng hoảng, đánh bại xâm lược, bảo vệ các hàng hải, tăng cường hợp tác và tiến hành các hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm hoạ.
Trong suốt chuyến đi, một sĩ quan hải quân đã thông báo rằng Hải đội Strike bây giờ đang hiện diện "tại Trường Sa", nhưng từ chối nói thêm.
Ngọc Thạch (Theo Philstar)
********************
Tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam, báo Trung Quốc lên tiếng (VOA, 26/02/2018)
Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Trung Quốc nói rằng sự kiện đội tàu tấn công của Mỹ tới Việt Nam đầu tháng tới cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để "kiềm tỏa" Bắc Kinh.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ở đảo Guam.
Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung - Mỹ.
Nhận định trên được đăng tải hôm 26/2 sau khi truyền thông Philippines đưa tin rằng một nhóm tàu tấn công của Mỹ, do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, hôm 25/2 đã đi qua các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông từ hôm 23/2 và đã hiện diện trong vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa hôm 25/2.
Trang mạng Philstar.com của Philippines trích lời Thiếu tá Tim Hawkins, người phát ngôn của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết : "Đây là những hoạt động thường lệ. Hải quân Hoa Kỳ là một lực lượng hải quân toàn cầu. Sự hiện diện của chúng tôi là nhằm đảm bảo rằng các vùng biển được thông thoáng". Thiếu tá Hawkins cho biết 90% thương mại thế giới lưu thông trong vùng biển đang có tranh chấp, và để chắc rằng việc lưu thông hàng hải vẫn còn thông thoáng thì phải có "quốc gia nào đó thực hiện tuần tra".
Giáo sư Li Haidong, Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu Thời báo : "Chuyến viếng thăm thường lệ của tàu sân bay Mỹ đến vùng biển đang tranh chấp nằm trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump được công bố vào tháng 12/2017 trong đó xem Trung Quốc là "cường quốc cạnh tranh" và năm nay với các chuyến tuần tra của các tàu sân bay và máy bay Hoa Kỳ, Biển Đông sẽ chứng kiến nhiều hành động khiêu khích hơn".
Ông dự đoán rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ chứng kiến nhiều tranh chấp trong năm nay, và điều này sẽ không chỉ giới hạn trong các vấn đề Biển Đông, nhất là khi Hoa Kỳ cố đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson
Đây là lần thứ hai trong tháng này tàu sân bay của Hoa Kỳ vào vùng Biển Đông. Như các quan chức Mỹ nói, tàu Carl Vinson đã tiến hành một sứ mệnh thường lệ đi xuyên qua khu vực Biển Đông vào ngày 14/2, mà hãng tin AFP loan báo là một thông điệp rất trực tiếp Mỹ gửi tới Trung Quốc.
Dù phía Mỹ chưa có thông báo chính thức, Thông tấn xã Việt Nam hôm 25/2 đưa tin rằng đoàn tàu hải quân Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer "sẽ thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9/3".
Theo tờ New York Times, nhóm tàu này "đánh dấu sự hiện diện lớn nhất của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975".
Hoàn cầu Thời báo dẫn lởi ông Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quốc gia về Biển Đông, nói : "Chuyến viếng thăm Việt Nam này cho thấy Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang Việt Nam và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để kiềm tỏa Trung Quốc, khi mà hiện nay mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang được cải thiện".
Tờ báo từng nhiều lần chỉ trích Mỹ trích lời các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ, với mục tiêu cuối cùng là nhằm duy trì sự thống trị ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có thể sẽ phá vỡ sự ổn định của khu vực.
"Trung Quốc nên thiết lập thêm các cơ sở quân sự như radar, máy bay và các tàu tuần duyên bờ biển ở Biển Đông để đối phó với những động thái khiêu khích của Mỹ", ông Chen nói.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 5/2 đã tuyên bố rằng các tàu chiến Mỹ sẽ duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/2 nói : "Trung Quốc tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông theo luật quốc tế, nhưng phản đối việc một quốc gia đe dọa hoặc làm suy yếu quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không".
************************
‘Trả đũa’ Mỹ, Trung Quốc dọa đem thêm vũ khí đến Biển Đông (Người Việt, 25/02/2018)
Bắc Kinh bắn tiếng dọa sẽ mang thêm nhiều vũ khí đến trang bị các đảo trên Biển Đông năm nay để trả đũa cho các hành động "khiêu khích" của Mỹ ở khu vực.
Mẫu hạm USS Carl Vinson tập trận với tàu chiến Nhật Bản trên Thái Bình Dương. (Hình : Getty Images)
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cái loa tuyên truyền bán chính thức của Bắc Kinh, hôm Chủ Nhật 25 tháng Hai, 2018 vừa mượn lời của hai học giả thường được tờ báo phỏng vấn để gián tiếp bắn tiếng biện minh cho các hành động bá quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bài viết của tờ Hoàn Cầu xuất hiện hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Tòa Bạch Ốc. Trong đó, tin tức quốc tế tường thuật hai ông có đề cập đến vấn đề hải quân hai nước tập trận chung "tự do hải hành" trên Biển Đông. Mấy năm trước, Úc cũng đã có ý định tham gia nhưng đã phải dẹp vì phản ứng rất mạnh của Bắc Kinh.
Bài viết của Hoàn Cầu cũng như một phản ứng bán chính thức của Bắc Kinh vì chuyến viếng thăm Việt Nam sắp diễn ra của mẫu hạm USS Carl Vinson hiện đang quanh quẩn trên Biển Đông sau khi đã đậu tại vịnh Manila 5 ngày.
"Cuộc thăm viếng thường xuyên của mẫu hạm Mỹ tại các vùng biển tranh chấp tương ứng với chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Trump công bố hồi tháng Mười Hai, 2017 trong đó gắn cho Trung Quốc cái nhãn "lực lượng đối nghịch". Năm nay, Biển Đông sẽ chứng kiến thêm nhiều hành động khiêu khích với các cuộc thăm viếng của các mẫu hạm và máy bay Mỹ". Lý Hải Đông, giáo sư của Viện Đại Học Ngoại Giao của Trung Quốc nói trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo.
Đảo nhân tạo Đá Chữ Thập với các cơ sở quân sự và vị trí phòng không nhìn từ vệ tinh. (Hình : CSIS/Digital Globe)
Ông này dự đoán sẽ có thêm nhiều tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm nay không chỉ giới hạn trong vấn đề Biển Đông khi Hoa Kỳ cố gắng đối phó với một nước Trung Quốc quân sự ngày một hùng mạnh hơn, tiến nhanh hơn.
Tuy chưa có tin tức chính thức nhưng mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson dự trù sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, khoảng tuần lễ nữa. Cuộc thăm viếng được coi như chỉ dấu mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa Việt Nam với Mỹ ngày một chặt chẽ hơn, tuy chậm chạp vì Hà Nội vẫn phải ngó chừng phản ứng phương Bắc.
"Chuyến thăm Việt Nam chứng tỏ Mỹ muốn quay sang Việt Nam để tăng hợp tác quân sự với nước này để kiềm chế Trung Quốc trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines đã cải thiện". Tờ Hoàn Cầu dẫn lời Trần Hương Miêu, một chuyên viên nghiên cứu tại Học Viện Quốc Gia về Biển Đông.
"Trung Quốc sẽ thiết trí thêm nhiều cơ sở quân sự như radar, máy bay, thêm nhiều tàu hải cảnh trên Biển Đông để đối phó với các hành động khiêu khích của Mỹ," Trần Hương Miêu nói. (TN)