Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng kỷ lục
Reuters, VOA, 15/07/2023
Hạ viện Hoa Kỳ ngày 14/7 thông qua dự luật sâu rộng đề ra chính sách cho Bộ Quốc phòng, nhưng cơ hội để dự luật này trở thành đạo luật là không chắc chắn sau khi đảng Cộng hòa bổ sung một loạt sửa đổi mang tính bảo thủ.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng kỷ lục ngày 14/07/2023
Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2024, hay NDAA, đặt ra chính sách cho Ngũ Giác đài và cho phép chi tiêu 886 tỷ đô la, được thông qua với tỷ lệ 219-210 ở Hạ viện.
Dự luật ở Hạ viện bao gồm tăng lương cho các thành viên của quân đội, các sáng kiến để chống lại Trung Quốc và thêm 300 triệu đô la để hỗ trợ Ukraine đối phó với cuộc xâm lược của Nga.
Thượng viện dự kiến sẽ thông qua phiên bản NDAA của họ vào cuối tháng này, sau đó hai viện sẽ thương lượng để đưa ra phiên bản tương nhượng rồi biểu quyết vào cuối năm nay.
NDAA, một trong những đạo luật quan trọng duy nhất được Quốc hội thông qua hàng năm, được theo dõi chặt chẽ bởi nhiều ngành công nghiệp và các bên có lợi ích liên quan vì nó quyết định mọi thứ từ việc mua tàu và máy bay đến tăng lương cho binh lính và cách giải quyết các mối đe dọa địa chính trị.
Dân biểu Cộng hòa Marjorie Taylor Greene hôm 14/7 đã cảnh báo sẽ tìm cách xóa bỏ việc cho phép cấp tiền thêm cho Ukraine. "Đó là mục tiêu tối hậu của tôi," bà nói với báo chí. Tuy nhiên, các nhà đàm phán ở Thượng viện dự kiến sẽ tranh đấu hết mình để giữ lại khoản tài trợ đó.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 15/07/2023
***********************
Mỹ cần tăng tốc giao vũ khí cho Đài Loan
Reuters, VOA, 15/07/2023
Mỹ và các đồng minh cần đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan trong những năm tới để giúp hòn đảo này tự vệ, vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ kêu gọi hôm 14/7.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ
Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan. Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu dừng việc bán vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan, coi đó là sự hỗ trợ không chính đáng cho hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
"Tôi nghĩ tốc độ mà Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác hỗ trợ Đài Loan cải thiện khả năng phòng thủ có lẽ cần phải tăng tốc trong những năm tới", Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói với báo giới trong chuyến thăm Tokyo.
Ông Milley cho biết Đài Loan cần các vũ khí như hệ thống phòng không và những vũ khí có thể nhắm mục tiêu vào tàu từ đất liền.
"Tôi nghĩ điều quan trọng là quân đội Đài Loan và khả năng phòng thủ của họ phải được cải thiện," ông nói.
Kể từ năm ngoái, Đài Loan đã phàn nàn về sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí của Hoa Kỳ, chẳng hạn như tên lửa phòng không Stinger, khi các nhà sản xuất chuyển nguồn cung sang Ukraine trong lúc nước này chiến đấu chống Nga xâm lược. Vấn đề này đã khiến một số nhà lập pháp Hoa Kỳ lo ngại.
Đài Loan cho biết chi tiêu quốc phòng của họ trong năm nay sẽ tập trung vào việc chuẩn bị vũ khí và thiết bị cho một ‘cuộc phong tỏa toàn diện’ của Trung Quốc, bao gồm các bộ phận của máy bay chiến đấu F-16 và bổ sung vũ khí.
Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào tháng 8, bắn tên lửa qua Đài Bắc và tuyên bố các vùng cấm bay, cấm tàu trong một cuộc mô phỏng cách họ sẽ tìm cách cắt đứt Đài Loan trong một cuộc chiến.
Trong những ngày gần đây, quân đội Trung Quốc đã thực hành các hoạt động phối hợp trên biển trước cuộc tập trận thường niên của Đài Loan vào cuối tháng này mà trong đó họ sẽ mô phỏng việc phá vỡ một cuộc phong tỏa của Trung Quốc.
Tướng Milley nói rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở ‘điểm rất thấp’ và các cuộc gặp ngoại giao gần đây, bao gồm giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị, rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ leo thang.
Ông Milley cho biết Hoa Kỳ đang xem xét liệu có cần thay đổi nơi đóng quân của một số lực lượng Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương hay không.
Phần lớn các lực lượng của Mỹ trong khu vực là ở Đông Bắc Á, bao gồm 28.500 quân ở Hàn Quốc và 56.000 quân ở Nhật Bản.
Tướng Milley nói : "Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét các lựa chọn thay thế tiềm năng."
(Reuters)
Nguồn : VOA, 15/07/2023
BBC, 02/01/2021
Quốc hội Mỹ đã bác quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật chi tiêu quốc phòng, lần đầu tiên điều này xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã cắt ngắn kỳ nghỉ của họ ở Florida để trở lại Nhà Trắng vào đêm giao thừa
Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã tổ chức một phiên họp hiếm hoi trong ngày đầu năm mới để tranh luận về dự luật, vốn đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua.
Dự luật trị giá 740 tỷ đô la sẽ tài trợ cho chính sách quốc phòng trong năm tới.
Ông Trump, người sẽ rời nhiệm sở trong vài tuần tới, đã phản đối một số điều khoản trong dự luật.
Thượng viện đã bỏ phiếu 81-13 cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) - đa số hai phần ba được yêu cầu để bác quyền phủ quyết của tổng thống ở cả hai viện.
Động thái này diễn ra chỉ hai ngày trước khi một Quốc hội mới của Hoa Kỳ tuyên thệ nhậm chức.
Ông Trump đã phản đối các chính sách hạn chế việc rút quân khỏi Afghanistan và Châu Âu, đồng thời phản đối việc đổi tên các căn cứ quân sự hiện được đặt theo tên các lãnh đạo Liên minh miền Nam thời nội chiến Mỹ.
Ông cũng muốn dự luật bãi bỏ các biện pháp bảo vệ đối với các công ty truyền thông xã hội.
Tổng thống Trump nói rằng các can thiệp quân sự của Mỹ, chẳng hạn như sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan là tốn kém và không hiệu quả
Trước khi cuộc tranh luận bắt đầu, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông quyết tâm thông qua dự luật.
"Đây là những gì Thượng viện đang tập trung vào - hoàn thành luật quốc phòng hàng năm để chăm sóc những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm của chúng ta, những người tình nguyện mặc đồng phục.
"Chúng tôi đã thông qua đạo luật này 59 năm liên tiếp. Và bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ hoàn thành NDAA hàng năm lần thứ 60 và thông qua luật này trước khi Quốc hội này kết thúc vào Chủ nhật", ông nói thêm.
Sau đó, ông Trump đã phản ứng về cuộc bỏ phiếu, cụ thể nhắm vào vấn đề bảo vệ các công ty truyền thông xã hội.
"Thượng viện đảng Cộng hòa của chúng ta vừa bỏ lỡ cơ hội loại bỏ Mục 230, trao quyền lực vô hạn cho các công ty công nghệ lớn. Thật thảm hại !" ông Trump viết trên Twitter.
Các dự luật được Quốc hội thông qua cần có chữ ký của tổng thống để trở thành luật. Trong những trường hợp hiếm hoi, một tổng thống có thể chọn phủ quyết - hoặc bác bỏ - luật vì một số bất đồng chính sách.
Các nhà lập pháp có thể bác quyền phủ quyết của tổng thống và ban hành các dự luật thành luật bằng cách tập hợp đủ hai phần ba số phiếu trong cả hai viện của Quốc hội.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng quyền phủ quyết của ông Trump là "một hành động liều lĩnh đáng kinh ngạc gây tổn hại cho quân đội, gây nguy hiểm cho an ninh và làm suy yếu ý chí của Quốc hội lưỡng đảng".
Bà nói trong một tuyên bố : "Trong thời điểm đất nước chúng ta là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, thật khó hiểu lý do đằng sau sự vô trách nhiệm của tổng thống".
Ông Trump trước đó đã phủ quyết tám dự luật, và đều được thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ.
Ông sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1, và được thay thế bởi đảng viên Dân chủ Joe Biden.
Ông Trump gọi dự luật dài 4.500 trang, kéo dài gần một năm để thực hiện, là một "món quà cho Trung Quốc và Nga".
"Thật không may, Đạo luật không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng, nhưng lại bao gồm các điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội, và mâu thuẫn với nỗ lực của chính quyền của tôi nhằm đặt nước Mỹ trên hết trong các hành động chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia", ông Trump nói trong một tuyên bố.
Ông Trump cũng cho rằng các biện pháp hạn chế đưa quân về nước của dự luật là "chính sách tồi" và "vi hiến".
*********************
Minh Anh, RFI, 02/01/2021
Ngày 01/01/2021, Thượng Viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách quốc phòng. Đây là lần đầu tiên Thượng Viện Mỹ, do đảng Cộng hòa chiếm đa số, cùng thông qua một dự luật với đảng Dân chủ để bác bỏ phủ quyết của tổng thống Donald Trump.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salves giải thích :
"Đây là một cái tát chưa từng có giáng vào Donald Trump. Số phiếu vượt quá mức đa số 2/3 cần thiết : 81 nghị sĩ bỏ phiếu bác phủ quyết dự luật và chỉ có 13 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ phủ quyết của tổng thống về ngân sách quân sự hàng năm.
Ông Trump đặc biệt phê phán về việc luật ngân sách này cho phép đổi tên các căn cứ quân sự nào mang tên những vị tướng Liên minh miền nam, biểu tượng của quá khứ nô lệ Mỹ.
Đây là lần bác thứ hai sau khi các dân biểu Hạ Viện bỏ phiếu thông qua theo cùng chiều hướng này với 322 phiếu thuận và 87 phiếu chống. Như vậy, cuộc bỏ phiếu tại Thượng Viện chấm dứt một tuần lễ thảm hại đối với Donald Trump tại nghị viện.
Cho đến nay, đảng Cộng hòa luôn tuân theo lệnh của ông, nhưng trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, gió dường như bắt đầu đổi chiều. Hôm thứ Tư, 30/12/2020, Donald Trump đã bị mất đi một nguồn ủng hộ quan trọng nhất ở Thượng Viện.
Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa, đã phản đối việc ông Trump tăng mức trợ cấp khẩn cấp vì virus corona lên 2.000 đô la. Nhưng nhất là ông McConnell không còn ủng hộ ông Trump trong việc từ chối nhìn nhận thất bại bầu cử.
Trong khi tổng thống Mỹ đề nghị các nghị sĩ ngăn cản tiến trình xác nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri tuần tới (thứ Tư 06/01), McConnell đã gọi điện để yêu cầu họ chứng nhận chiến thắng của Joe Biden. Sự việc đã khiến ông Trump nổi đóa, vào lúc ông ngày càng bị cô lập trong đảng Cộng hòa."
Minh Anh
**********************
Thanh Phương, RFI, 02/01/2021
Trong luật ngân sách quốc phòng vừa được Quốc hội lưỡng viện Mỹ thông qua hôm qua bất chấp phủ quyết của tổng thống Donald Trump, có một điều khoản lên án Trung Quốc xâm lược quân sự Ấn Độ. Theo hãng tin PTI của Ấn Độ, điều khoản này phản ánh sự yểm trợ mạnh mẽ của chính phủ Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và những nơi khác.
Cụ thể, trong luật mang tên The National Defence Authorisation Act (NDAA) 2021, có một nghị quyết, do nghị sĩ gốc Ấn Độ Raja Krishnamoorthi đề nghị, yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt tấn công quân sự vào Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế LAC. LAC là đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát.
Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ với nhau tại ranh giới LAC ở khu vực Ladakh từ tháng 5 năm ngoái. Các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh và New Delhi nhằm giải quyết xung đột cho tới nay vẫn chưa đạt kết quả cụ thể nào. Bày tỏ "quan ngại rất lớn" về hành động xâm lấn quân sự tiếp diễn của Trung Quốc dọc theo LAC, luật ngân sách quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc cùng với Ấn Độ giải quyết tình hình tại đường ranh giới này thông qua các cơ chế ngoại giao hiện có, chứ không được dùng đến hành động cưỡng ép hay vũ lực.
Theo hãng tin PTI, phản ứng về việc nghị quyết mà ông đề nghị được đưa vào luật ngân sách quốc phòng Mỹ, nghị sĩ Krishnamoorthi nói : " Sự xâm lấn thô bạo của Trung Quốc dọc theo Đường kiểm soát thực tế với Ấn Độ, cũng như nhắm vào các nước khác là không thể chấp nhận được. Việc nghị quyết này trở thành luật là một thông điệp rõ ràng về sự yểm trợ và đoàn kết đối với Ấn Độ và các đối tác khác của chúng ta trên khắp thế giới vào thời điểm chúng ta bước vào năm mới".
Luật về ngân sách quốc phòng Mỹ vừa được thông qua còn nhấn mạnh là những yêu sách chủ quyền "vô căn cứ" của Trung Quốc đối với các vùng như Biển Đông, Biển Hoa Đông là những yêu sách gây mất ổn định và trái với luật pháp quốc tế.
Thanh Phương
***********************
Thụy My, RFI, 01/01/2021
Tổng thống Mỹ Donald Trump lẽ ra đã tổ chức đón giao thừa tại một trong những khu sân gôn của ông ở Palm Beach, Florida, nhưng ông đã vội vã quay về Washington 24 giờ sớm hơn dự định. Nhà Trắng không đưa ra một lời giải thích nào.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salves tường trình :
"Tất cả đều đã sẵn sàng cho buổi tối giao thừa ở Florida, nhưng rốt cuộc tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania đã lên chiếc Air Force One ra đi ngay trước khi khai mạc buổi lễ, bỏ lại tất cả những khách mời đã bắt đầu tập trung lại ở Trump International Golf Club ở Palm Beach.
Vì sao ông Trump phải đi vội vã như vậy ? Không có một lời giải thích chính thức nào. Khi hạ cánh xuống Washington, tổng thống không trả lời các câu hỏi và lập tức lui vào Phòng Bầu Dục. Theo báo chí Mỹ, ông Donald Trump đã tỏ ra bực tức trong kỳ nghỉ ở sân gôn của ông tại Palm Beach, bị ám ảnh bởi thất bại mà ông vẫn từ chối công nhận.
Trước khi đi khỏi Palm Beach, tổng thống đã chuyển tiếp các tweet của những người ủng hộ, kêu gọi phó tổng thống Mike Pence không phê chuẩn kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri tuần tới. Thứ Tư 06/01, Quốc hội sẽ phải chính thức công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống.
Dưới áp lực của ông Trump, một thượng nghị sĩ và nhiều dân biểu Cộng hòa đã loan báo ý định phản đối việc công nhận kết quả. Trong khi đó hàng ngàn ủng hộ viên của tổng thống Trump dự định biểu tình tại thủ đô để phản bác chiến thắng của Joe Biden".
Thụy My