Các thế hệ người Mỹ gốc Việt chung tay bảo tồn di sản, tháo gỡ xung đột và khác biệt
Lần đầu tiên, một hội thảo quy mô lớn quy tụ nhiều người gốc Việt ở nhiều nơi, từ nhiều giới, thuộc nhiều thế hệ cùng bàn thảo về di sản của người Mỹ gốc Việt trong suốt chiều dài lịch sử, giữa bối cảnh thế hệ thứ nhất đang dần qua đi và thế hệ thứ hai đang xuất hiện trên các diễn đàn của nhiều lĩnh vực.
Giáo sư Tường Vũ phát biểu khai mạc hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản chiến tranh" tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, vào ngày 27-28/10/2023.
"Ý tưởng làm hội thảo trong hai ngày vừa qua là nhân dịp 50 năm sắp tới kỷ niệm kết thúc chiến tranh Việt Nam, tôi nghĩ đó là dịp thích hợp để cộng đồng chúng ta suy nghĩ thêm về quá khứ và tương lai, những gì chúng ta đã làm được và chưa làm được", Giáo sư Vũ Tường, Trưởng Khoa Chính trị học, Đại học Oregon, chia sẻ với VOA về mục tiêu đầu tiên của cuộc hội thảo do ông và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt – Mỹ của Đại học Oregon tổ chức, với sự hỗ trợ của Viện Hòa bình Hoa Kỳ, trong hai ngày 27-28/10 vừa qua.
Tham dự hội thảo có gần 90 người, bao gồm các học giả, giáo sư nghiên cứu về chính trị, lịch sử, các chính trị gia gốc Việt, các đại diện của nhiều tổ chức người Việt ở Mỹ, các nhà hoạt động gốc Việt, đại diện cộng đồng người Việt ở nhiều nơi...
Những vết hằn cuộc chiến
Trong phần đầu và xuyên suốt cuộc hội thảo, người ta có thể thấy rất rõ những vết hằn thương đau của cuộc chiến Việt Nam trong câu chuyện của các diễn giả. Rất nhiều trong số họ đã trải qua một tuổi thơ, một thời niên thiếu khó khăn và thiếu thốn cùng cực, bị phân biệt đối xử, bị tước đoạt của cải và quyền lợi, trong khi người thân của họ trong các trại cải tạo không biết ngày trở về như câu chuyện của cựu Dân biểu liên bang Cao Quang Ánh hay của cô Destiny Nguyễn, Chủ tịch tổ chức Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa. Những câu chuyện cá nhân hay cả gia đình vượt biển tìm tự do cũng đã được kể ra. Nhiều người, bao gồm cả diễn giả và cử toạ, đã rơi nước mắt…
Cô Destiny Nguyễn.
"Từ lớp 9 sang trung học (tại Việt Nam), bạn phải thi chuyển cấp. Số điểm của tôi lúc đó đạt tiêu chuẩn được tuyển thẳng, không phải thi, vào trường chuyên nhưng tôi đã không được vào, mà phải học ở trường bình thường", cô Destiny Nguyễn kể lại câu chuyện của mình.
"Vào thời điểm đó, tôi không biết gì về lý lịch của mình cho tới khi tôi sang Mỹ. Tôi không biết cha tôi đã làm gì trong quá khứ, tới khi sang Mỹ, tôi thấy lá cờ Mỹ ở khắp nơi, ngay cả trong văn phòng bác sĩ. Rồi tôi tự hỏi ‘Lá cờ của mình là gì ?’. Tôi trở về hỏi cha tôi, tôi nhớ lúc bé, cứ mỗi thứ Hai họ bắt chúng tôi phải chào cờ đỏ sao vàng và hát quốc ca, tôi đã hỏi và được cha trả lời rằng ‘Không, đó không phải là lá cờ của chúng ta’. Tất nhiên, ông có lá cờ vàng ba sọc đỏ trong nhà, và ông bắt đầu kể cho tôi về câu chuyện đằng sau lá cờ đó…", cô Destiny xúc động nói.
Theo cô Destiny, những người tị nạn Việt Nam và con cháu của họ ở Hoa Kỳ mang bản sắc chính trị là những người tị nạn chính trị. Vì vậy, "hơn bất kỳ ai khác, chúng tôi hiểu sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản và giá trị của dân chủ, tự do và nhân quyền".
Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh phát biểu tại hội thảo.
Kể lại câu chuyện của người mẹ một tay gánh vác gia đình với 8 người con sau khi cha ông đi tù cải tạo, cựu Dân biểu Cao Quang Ánh nói hình ảnh của bà phản ánh một phần di sản của người Mỹ gốc Việt trong hành trình đi tìm tự do.
"Khi tôi nhìn lại câu chuyện của mẹ tôi, tôi thấy ở bà có ba tính cách tương đồng với cộng đồng của chúng ta", cựu dân biểu của bang Louisiana nói tại hội thảo. Đó là tình yêu tự do, sự kiên trì và niềm hy vọng. Theo cựu Dân biểu Cao Quang Ánh, chính ba tính cách trên đã giúp cho cộng đồng người Việt ở Mỹ có được ngày hôm nay, với nhiều thành tựu, di sản và tương lai xán lạn của các thế hệ tiếp theo, mà theo ông là "không nên lo lắng" họ sẽ bị "hòa tan" vào xã hội Mỹ và đánh mất căn tính Việt Nam của mình.
Xung đột và khác biệt
Trong khi thế hệ người Việt đầu tiên đến Mỹ đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc thích ứng với cuộc sống ở Mỹ, những rào cản về ngôn ngữ, xã hội và những tổn thương trong lòng, nhiều người trong số họ ít có hoặc không có điều kiện để chia sẻ với con cái về những di sản và lịch sử cuộc chiến mà họ là một phần trong đó. Một phần lý do khác là "liệu các con có thực sự muốn nghe hay không ?" như câu hỏi mà bà Vuong Quyen, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành chức "Mạng lưới hỗ trợ trẻ em quốc tế" (ICAN) ở California, đặt ra cho chính thế hệ thứ hai có mặt tại hội thảo, những người nói rằng họ không biết hoặc biết rất ít về quá khứ của cha mẹ.
Các diễn giả trẻ của thế hệ thứ hai tại hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản chiến tranh" ở Đại học Oregon, Hoa Kỳ, vào ngày 28/10/2023.
Sự khác biệt và xung đột còn xảy ra trong cái nhìn của thế hệ lớn tuổi và thế hệ trẻ sinh ra tại Mỹ về những vấn đề liên quan đến chính trị, dù là ở Mỹ hay tại Việt Nam.
Một số diễn giả trẻ cho biết bức tranh về Việt Nam trong tuổi thơ họ đôi khi là một bức tranh đầy màu xám của chiến tranh mà họ không muốn nghe hay biết tới, có khi lại chỉ là những điều rất đơn giản như chia sẻ của Joseph Nguyễn, 25 tuổi, Giảng viên Khoa Người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Việt học tại Đại học bang California, Fullerton.
"Khi bạn hỏi một người ở lứa tuổi của tôi rằng họ biết gì về cộng đồng người Việt, hầu hết sẽ nghĩ tới Paris by night, tới chương trình giải trí của Asia, về cửa hàng boba (trà sữa)… họ chẳng nghĩ gì đến chiến tranh Việt Nam", Joseph nói và cho biết bản thân anh sinh trưởng ở vùng Little Saigon, nơi hầu hết cư dân là người Việt, nhưng anh cũng chẳng biết gì về Việt Nam khi bắt đầu công việc giảng dạy.
Joseph cho rằng sở dĩ thế hệ trẻ rơi vào tình trạng trên là vì không có một hệ thống giáo trình dạy cho họ trong trường học. Đó cũng chính là lý do anh, và một vài diễn giả khác, đang nỗ lực xây dựng một chương trình giảng dạy mẫu về Việt Nam để trở thành môn học về sắc tộc bắt buộc trong các trường trung học ở California.
Những khác biệt cũng được nhận thấy ngay trong cuộc hội thảo khi các diễn giả trình bày quan điểm về cộng sản Việt Nam.
Ông Trịnh Hội - diễn giả tại hội thảo.
Diễn giả Trịnh Hội, một nhà hoạt động xã hội từng là giám đốc của tổ chức VOICE, nơi giúp thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam, trình bày tại hội thảo những định nghĩa về "hòa giải" với quan điểm mà ông tham khảo từ nhiều người, trong đó có đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng, và đi đến kết luận riêng rằng "Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong xã hội".
Mặc dù quan điểm của ông được một số người trẻ ủng hộ, cũng có quan điểm trái chiều cho rằng cộng sản không thể thay đổi và họ đã không hề thay đổi gì trong 48 năm qua.
Nhà văn Trần Trung Đạo.
"Đảng cộng sản đã làm được gì trong suốt 48 năm qua ? Không gì cả", diễn giả Trần Trung Đạo, một nhà văn ở Boston, nói.
Theo ông, "nếu bạn nhìn thấy mọi người đi về Việt Nam dễ dàng hơn so với 20 năm trước, đó không phải là hòa giải. Chính quyền cộng sản Việt Nam phải đi theo với thế giới, họ không thể cứ giữ nguyên những chính sách của 48 năm trước".
Ông dẫn chứng một điều dễ nhận thấy là chính quyền Việt Nam trong suốt 48 năm qua vẫn không chịu sửa đổi Hiến pháp, mà một số nhà hoạt động lâu nay vẫn cho là có những điều vi hiến.
"Họ mặc những chiếc áo khác nhau khi đi với những người khác nhau. Nhưng thực chất bên trong họ vẫn vậy. Chiếc áo không làm nên thầy tu", ông Trần Trung Đạo nói.
Theo ông, việc chính quyền Việt Nam mở cửa và hội nhập hơn với quốc tế chẳng qua là vì họ cần tiền, cần đầu tư và cần phải bảo đảm cho chính quyền vận hành. Ông nói một trong những nguyên nhân khiến cho chính quyền Cộng sản không chịu thay đổi là vì cộng đồng người Việt hải ngoại đã không tạo áp lực đủ để buộc họ phải thay đổi.
Hiểu để hóa giải xung đột
Mặc dù có những quan điểm khác biệt, nhưng hầu hết diễn giả và cử toạ tham dự hội thảo đều cho biết họ cảm thấy rất thú vị và biết ơn về những điều đã nghe, biết và học hỏi từ hội thảo.
Giáo sư Pierre Asselin của khoa Lịch sử Đại học San Diago.
Giáo sư Pierre Asselin của khoa Lịch sử Đại học San Diego nói với VOA rằng hội thảo là một kinh nghiệm "thú vị" đối với ông.
"Nó cho thấy thật nhiều những kinh nghiệm khác nhau của các thành viên cộng đồng người Việt. Nó cũng cho thấy rất nhiều quan điểm và chúng có ý nghĩa như thế nào đối với người Việt thuộc thế hệ lớn tuổi và trẻ tuổi", GS. Asselin chia sẻ.
"Nó bổ sung cho tôi những điều mà tôi từng nghĩ là tôi đã biết về người Mỹ gốc Việt. Điều chính yếu mà tôi nhận thấy được là cộng đồng người Mỹ gốc Việt thật là đa dạng. Bây giờ thì tôi nghĩ là tôi phải rất cẩn thận khi nói về người Mỹ gốc Việt và căn tính của họ bởi vì họ có quá nhiều căn tính khác nhau. Và tôi nghĩ những xung đột giữa người già và người trẻ (gốc Việt) là vô cùng thú vị. Nhưng một điều mà tôi nhận được từ hội thảo là nó có liên quan đến các sinh viên gốc Việt của tôi. Bởi vì mỗi lần tôi giảng dạy môn học về Chiến tranh Việt Nam thì nhóm nhỏ sinh viên gốc Việt của tôi luôn khá lặng lẽ. Đó là lý do vì sao tôi muốn đến hội thảo này. Tôi muốn hiểu họ nghĩ gì, họ cảm nhận thế nào và có thể là lý do vì sao họ có mặt trong lớp học của tôi. Giờ thì tôi có được quá nhiều để mang trở về. Tôi mong chờ để có dịp thảo luận những điều tôi đã học được tại đây với các sinh viên của tôi nói chung và với các sinh viên gốc Việt của tôi nói riêng", GS. Asselin nói thêm.
Các tác phẩm nghiên cứu về nền Cộng hòa tại Việt Nam do nhóm học giả người Việt thực hiện được giới thiệu tại hội thảo ở Đại học Oregon.
Vân Trần, một tham dự viên thuộc thế hệ thứ hai, nói với VOA rằng hội thảo phần nào đã giúp giải đáp những vấn đề không thể giải quyết của cô lâu nay về gốc gác người Việt của mình.
"Giống như một bức tranh trắng đen, mà trong đó nhiều phần đã bị mờ vì quá sáng hoặc quá tối, nó giúp điền vào những khoảng trống", Vân Trần nói. "Được đến đây và nghe chia sẻ của mọi người cũng làm cho tôi xúc động vì nó phản ánh những trải nghiệm của bản thân tôi, đó là cuộc sống ở Mỹ có ý nghĩa như thế nào".
Ông Từ Đức Tháo - Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Oregon.
Ông Từ Đức Tháo, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Oregon, nói với VOA rằng đây là lần đầu tiên ông tham dự một hội thảo quy mô như vậy trong tư cách là người đại diện cho cộng đồng địa phương.
"Nghe những người trẻ tuổi nói lên những hoài bão, nguyện vọng của chính họ và cội nguồn mà họ không quên, tôi rất lấy làm mừng vì họ không quên những khó khăn của cha mẹ trong quá khứ. Chẳng hạn, có bạn thì có cha phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, từng trải qua những năm tháng rất khó khăn, khổ cực trong các trại cải tạo, một số bạn thì cùng với gia đình vượt biên sang Mỹ… các bạn đó đều nhớ cội nguồn của mình. Và từ những kinh nghiệm khó khăn, khổ cực của cha mẹ mà (họ) vươn lên để trở thành những giáo sư, luật sư, bác sĩ… phục vụ lại cho quê hương thứ hai của mình. Đó là một điểm son đáng ghi nhớ của cộng đồng chúng ta", ông Từ Đức Tháo chia sẻ cảm xúc với VOA ngay sau hội thảo.
Ông cho biết việc gặp gỡ và lắng nghe những tiếng nói khác nhau của nhiều thế hệ tại hội thảo giúp ông học hỏi thêm nhiều điều chắc chắn sẽ rất hữu ích cho những người đang làm công việc phục vụ cộng đồng như ông.
Sau hội thảo, nhiều người đã trao đổi liên lạc với nhau, hứa hẹn hợp tác trong tương lai. GS. Vũ Tường, người chủ trì hội thảo, nói đây cũng chính là một trong những mục tiêu của hội thảo.
Đại học Oregon - nơi diễn ra hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản Chiến tranh" vào ngày 27-28/10/2023.
"Tôi muốn tạo điều kiện cho những học giả của chúng tôi và những người hoạt động trong cộng đồng có dịp tiếp xúc, trao đổi để có thể hợp tác với nhau, thậm chí trong giới của họ với nhau, ví dụ như trong giới hoạt động với nhau nhưng có người hoạt động ở Boston, có người ở quận Cam, người ở San Jose… thì điều kiện chính trị địa phương của mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ, những dân biểu ở Oregon chẳng hạn thì theo đảng Dân chủ, nhưng ở Nam California thì có những người theo đảng Cộng hòa, còn ở Massachusetts thì có khuynh hướng Cộng hòa trung dung (moderate), nghĩa là không quá Cộng hòa nhưng ở giữa Cộng hòa và Dân chủ…, thì tôi muốn họ có điều kiện gặp nhau để trao đổi với nhau".
Giáo sư Vũ Tường cho biết ý tưởng thực hiện một hội thảo mang tính "cầu nối" này xuất phát từ tình trạng "phân hóa và đối đầu" trong cộng đồng người Việt ở Mỹ những năm gần đây, giữa những người ủng hộ và chống lại cựu Tổng thống Donald Trump, mà ông nói là một thực tế "rất đáng buồn".
Ông nói thế hệ đầu của những người Mỹ gốc Việt thường có khuynh hướng theo đảng Cộng hòa, bảo thủ, trong khi nhiều người thuộc thế hệ trẻ lại có khuynh hướng nghiêng về Dân chủ.
"Thành ra, chúng tôi muốn có cả người già, người trẻ cùng với nhau suy nghĩ về những vấn đề tương lai. Những người trẻ quan tâm đến những vấn đề gì và họ có những khó khăn gì, và người già cũng vậy, để hiểu nhau hơn chứ không phải để xa cách nhau", Giáo sư Vũ Tường nói.
Ông hy vọng cuộc gặp sẽ phần nào giúp những thành viên có quan điểm khác nhau trong cộng đồng có dịp được tiếp xúc trực tiếp, không phải chỉ trên Facebook, mà trong một điều kiện thoải mái trao đổi và với tinh thần kính trọng lẫn nhau, từ đó giảm bớt các xung đột trong cộng đồng.
Khánh An
Nguồn : VOA, 04/11/2023
Nhiều nghi phạm gốc Việt sa lưới trong chiến dịch ‘Phượng Hoàng Đen’ của FBI
VOA, 18/09/2020
Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) vừa tung chiến dịch Phượng Hoàng Đen bắt giam 18 nghi phạm, đa phần là người gốc Việt, trong đường dây buôn lậu súng và ma túy.
Trong thông báo của Bộ Tư pháp hôm 15/9, chiến dịch Phượng Hoàng Đen của FBI đã khởi tố tất cả 25 nghi phạm, trong đó 18 đối tượng đã bị bắt vào buổi sáng hôm 15/9.
Trang tin East Bay Times ngày 17/9 dẫn lời ông Thom Mrozek, phát ngôn viên của Văn phòng Công tố ở bang California, cho biết trong số các nghi phạm bị tạm giam có ông Dau Quay Duong (53 tuổi) và ông Christopher Nguyen (47 tuổi) ở thành phố Ontario, bang California, bị điều tra tội bán súng trái phép.
Hai người đàn ông này bị cáo buộc bán 5 khẩu súng trường AR-15 không có nhãn hiệu, kiểu dáng hay số sê-ri.
Danh tính các nghi phạm khác bị bắt giữ cùng với hình ảnh do FBI đăng tải còn có Sinh Tran, Philip Pham, Trung Vo, Tom Luu, Viet Tran, Quynh Nguyen, My Dung Chau…
Ông Mrozek cho biết thêm rằng trong quá trình thực hiện các lệnh khám xét nhà, cảnh sát còn tịch thu 12 kg ma túy đá, 100 g cocaine, cùng 16 khẩu súng.
Đài CBS Los Angeles dẫn lời nhà chức trách cho biết có bảy cáo trạng được đưa ra với nhiều tội danh về ma túy. "Hầu hết các bị cáo phải đối mặt với mức án tối thiểu bắt buộc là 10 năm tù liên bang, và một số sẽ phải đối mặt với thời gian tù thêm hàng chục năm vì phạm tội trong thời gian dài" đài CBS cho biết thêm.
Bộ Tư pháp cho biết vụ phá án này có được nhờ kết quả điều tra của FBI, Sở cảnh sát Los Angeles và Sở cảnh sát quận Los Angeles. Ngoài ra còn nhờ sự hỗ trợ đáng kể của Sở Cảnh sát thành phố Monterey Park, Cục Quản lý Thực thi Ma túy và Cơ quan Điều tra của Bộ An ninh Nội địa.
*********************
FBI bắt nhiều người gốc Việt trong chiến dịch ‘Phượng hoàng Đen’
Thanh Niên Online, 18/09/2020
Một lực lượng đặc nhiệm do Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) dẫn đầu đã bắt giữ 18 người trong đường buôn bán trái phép súng đạn và ma tuý ở bang California.
'64% người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng thống Trump' - Vì sao ? (VOA, 26/10/2018)
Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các cử tri Mỹ gốc Việt cho VOA biết chính các chính sách cứng rắn của chính quyền Hoa Kỳ đối với khối cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc trong hai năm qua, là nguyên nhân chính khiến họ càng ngày càng ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động cho Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ở thành phố Houston, bang Texas, ngày 22/10/2018.
Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy viên Chủ tịch của Hội đồng Quản trị Học khu Garden Grove bang California, và là một nhà hoạt động tích cực của đảng Cộng hòa trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ từ nhiều năm qua, cho VOA biết nhận xét của ông về lý do nhiều người trong cộng đồng có xu hướng ủng hộ ông Trump :
"Trong thời gian qua cộng đồng và cử tri gốc Việt vẫn tin rằng Tổng thống Donald Trump đã làm được nhiều việc để chống lại khối cộng sản, điển hình là Trung Quốc và Nga, và ông cũng có chính sách mạnh về quốc phòng, quân sự… và đây chính là những điều mà cộng đồng người Việt Nam mong muốn từ nhiều năm trước từ thời Tổng thống Ronald Reagan. Điều này giải thích vì sao sự ủng hộ của cộng đồng đối với Tổng thống Donald Trump lại cao hơn với các sắc dân Á Châu khác".
Vào đầu tháng 10, một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á cho biết người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất có số đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ cao nhất đến 64%, trong khi chỉ có 24% cử tri gốc Hoa ủng hộ.
Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Houston, Texas, 22/10/2018.
Từ bang Texas, ông Nhất Nguyên, người vừa tham dự một cuộc vận động với hàng chục ngàn người ủng hộ của đảng Cộng hòa do Tổng thống Donald Trump chủ trì tại thành phố Houton hôm 22/10, cho VOA biết :
"Cho đến hôm nay tôi ủng hộ ông Trump tuyệt đối. Gần đây ông có những chính sách rất mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc nơi người dân bị đưa đến những nơi khốn cùng, cũng giống như chính quyền cộng sản Việt Nam. Theo thiển ý của tôi, nếu Trung Quốc yếu đi thì có thể có lợi cho vấn đề đấu tranh cho nhân quyền của người Việt Nam. Đó là những lý do khiến tôi ủng hộ ông Trump mạnh mẽ".
Đông Y sĩ Nhất Nguyên nói thêm :
"Là một người ủng hộ đảng Cộng hòa từ lâu nay, đặc biệt là Tổng thống Trump, tôi thấy ông là một vị tổng thống từng nói những gì ông làm, và cố gắng làm những điều ông đã nói. Đó là điều mà tôi rất tôn trọng ông. Không những hiện nay tôi ủng hộ ông Trump mà tôi đã từng ủng hộ ông và bầu ông làm tổng thống".
Quốc Kỳ Trung Quốc và Mỹ - Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Quốc Lân nói chính việc Washington mạnh tay ngăn chặn sự bành trướng bá quyền của Bắc Kinh là điểm mấu chốt để cử tri gốc Việt ủng hộ ông Donald Trump :
"Tôi nghĩ người gốc Việt vẫn kỳ vọng Tổng thống Donald Trump có thể kìm tỏa Trung Quốc. Họ nghĩ ông có thể ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc để bảo vệ Biển Đông cho Việt Nam. Họ hy vọng rằng với sự mạnh tay như vậy thì không những người Việt Nam cản trở được giao hảo giữa nhà nước Việt Nam với Trung Quốc mà còn ngăn cản khuynh hướng ngã theo cộng sản của chính quyền Việt Nam. Cộng đồng Việt Nam nói chung rất kỳ vọng rằng Tổng thống Donald Trump có thể làm được việc này. Họ luôn hỗ trợ sự mạnh tay hơn của ông Trump đối với Trung Quốc trong thời gian sắp tới".
An Hải
*****************
Vụ nhà báo Khashoggi bị giết : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói đến một số "bằng chứng mới" (RFI, 26/10/2018)
Trong một phát biểu sáng hôm nay, 26/10/2018, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cơ quan điều tra nước này còn có trong tay "nhiều bằng chứng khác" liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Cảnh biểu tình trước tòa lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul đòi sự thật về cái chết của nhà báo Khashoggi. Ảnh 25/10/2018. Reuters/Osman Orsal
Theo Reuters, trong một cuộc nói chuyện với các thành viên đảng cầm quyền AKK tại Ankara, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu chính quyền Riyadh trả lời cho câu hỏi : Ai là người ra lệnh sát hại nhà báo đối lập, tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istabul. "Ai ra lệnh cho 15 người (thành viên đội đặc nhiệm) đến Thổ Nhĩ Kỳ ?". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gia tăng áp lực lên chính quyền Saudi Arabia, khi khẳng định an ninh nước này còn có nhiều bằng chứng khác.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng cho biết viên chưởng lý Saudi Arabia sẽ đến Istanbul hôm Chủ Nhật tới để gặp lãnh đạo cơ quan công tố thành phố này.
Hôm qua, 25/10, chính quyền Saudi Arabia đã thay đổi lập trường trong vụ nhà báo bị sát hại, lần đầu tiên khẳng định đây là một vụ giết người được lên kế hoạch từ trước. Tuyên bố của chưởng lý Saudi Arabia dựa trên các chứng cứ được phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Trước đó, Riayd cho rằng việc nhà báo Jamal Khashoggi qua đời là do một tai nạn bất ngờ, sau một vụ "ẩu đả" với nhân viên tòa lãnh sự.
Việc tư pháp Saudi Arabia thừa nhận vụ giết người có chủ đích là theo hướng điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay. Riyadh thay đổi thái độ cũng có thể là để đối phó với các thông tin mà giám đốc CIA Mỹ đã thu thập được, trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ mới đây. Theo một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ thân cận với chính quyền Ankara, cơ quan an ninh nước này đã chia sẻ với lãnh đạo CIA Mỹ Gina Haespel một số đoạn ghi âm, cho thấy vụ giết người là do gia đình hoàng tộc Saudi Arabia chủ mưu. Hôm qua, lãnh đạo CIA cho biết đã thông báo với tổng thống Mỹ kết quả chuyến đi.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vụ hành quyết không qua tư pháp, bà Agnès Callamard, yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế.
Đức muốn điều tra minh bạch, Nga tin tưởng lãnh đạo Saudi Arabia
Theo AFP, yêu cầu chính quyền Saudi Arabia tiến hành một cuộc điều tra "nhanh chóng, minh bạch, và đáng tin cậy" là đòi hỏi của Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc điện đàm với quốc vương Saudi Arabia hôm qua. Ngược lại, cũng sau một cuộc điện đàm giữa tổng thống Nga với quốc vương Saudi Arabia, người phát ngôn phủ tổng thống Nga ra thông báo khẳng định Moskva không có lý do gì để nghi ngờ hoàng gia Saudi Arabia can dự vào cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Nghị Viện Châu Âu yêu cầu trừng phạt
Hôm qua, trong phiên họp toàn thể tại Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên có các biện pháp trừng phạt Saudi Arabia, nếu có đủ chứng cứ cho thấy chính quyền Riyadh đứng đằng sau vụ này. Nghị quyết được thông qua với 325 phiếu thuận, một chống, 9 vắng mặt.
Trọng Thành
*****************
Sau vụ Khashoggi, "MbS" lọt vào vòng kim cô của Donald Trump (RFI, 26/10/2018)
Trách nhiệm của thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman al-Saud "MbS" càng lúc càng rõ trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hôm 02/10/2018 trong tòa lãnh sự tại Istanbul. Trong ván cờ địa chính trị và nhiên liệu, Washington cần Riyadh nhưng "MbS" bắt đầu trở thành một đối tác phiền toái. Tổng thống Donald Trump đối phó bằng cách nào ?
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh chụp ngày 11/04/2017.Reuters
Tổng thống Donald Trump rất hài lòng khi thấy "MbS", biệt danh của thái tử Saudi Arabia 33 tuổi củng cố quyền lực tại Riyadh và cũng là bạn thân của Jared Kushner, con rễ kiêm cố vấn của chủ nhân Nhà Trắng. Đó là chuyện cũ. Chuyện mới là từ khi nghi án sát nhân, thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi nổ ra, vị thái tử đầy quyền uy bị đặt vào ghế bị cáo. Hệ quả là hầu hết giới lãnh đạo quốc tế tẩy chay diễn đàn đầu tư "Viễn ảnh 2030", khai mạc ngày 23/10, tại Riyadh.
Bởi vì từ hơn hai tuần nay, thông tin từ cuộc điều tra của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được báo chí địa phương và Mỹ tiết lộ hàng ngày đã đánh tan những lập luận chống đỡ tình huống của chế độ Riyadh và giờ đây "MbS" bị xem là nghi can số một, người chủ mưu một chiến dịch trả thù cá nhân nhưng vụng về và thất bại thảm hại.
Hệ quả của vụ tai tiếng này ra sao ? Câu trả lời tùy thuộc vào quyết định của Washington, nếu không bỏ rơi MbS thì ít ra sẽ giữ khoảng cách lạnh nhạt để gây áp lực.
MbS tự trói tay
Theo phân tích của AFP, chính tổng thống Donald Trump, thoạt đầu còn tỏ ra bao dung nhưng sau đó phải tức giận vì cảm thấy bị phản bội. Biện pháp đầu tiên là cấm visa nhập cảnh những viên chức dính liếu với đoàn sát thủ. Trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal, tổng thống Mỹ "để yên" cho quốc vương Salman 80 tuổi nhưng nhấn mạnh đến "trách nhiệm" quản lý đất nước của thái tử MbS, nếu "có một người can dự thì người đó không ai khác hơn là Mohammad bin Salman".
Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ không muốn để cho chế độ Riyadh suy yếu. Saudi Arabia và Israel là hai đồng minh trụ cột của Mỹ tại Trung Đông. Ngoài nhu cầu chiến lược còn có lợi ích kinh tế. Dầu hỏa, đôla của Riyadh đóng góp đáng kể cho sự phồn vinh của Mỹ. Gần đây, trong chuyến công du Hoa Kỳ của thái tử MbS, hai bên đã ký hơn 300 tỷ đôla hợp đồng trong đó có 110 tỷ mua vũ khí. Chưa hết, Donald Trump còn cần Saudi Arabia trong vai trò "điều hòa" thị trường dầu khí trong khuôn khổ kế hoạch trừng phạt Iran và Nga. Riyadh bị mất ổn định đồng nghĩa với 13% lượng dầu cung cấp cho thị trường bị hao hụt, giá dầu sẽ leo thang.
Trợ lực và áp lực Mỹ
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vương quyền Saudi Arabia cần Mỹ để tồn tại. Không có Washington, dòng họ Salman khó giữ ngôi lâu dài, theo nhận định của Martin Indyk, cố vấn địa chính trị thời tổng thống Bill Clinton. Trong chủ trương "lợi ích nước Mỹ trước tiên", tổng thống Donald Trump từ từ nhường gánh nặng khu vực cho đồng minh Israel và Saudi Arabia. Thế nhưng "MbS" đánh mất tín nhiệm, gây nhiều phiền toái cho Mỹ, từ vụ Khashoggi cho đến chuyện gây xích mích với Qatar và can thiệp vào Yemen, gây ra thảm nạn nhân đạo tại sừng Châu Phi, vô tình tạo lợi thế cho Iran. Các chuyên gia khác như Gary Grappo, nhà ngoại giao nhiều năm hoạt động tại Riyadh cho rằng các nước Tây phương rất e dè MbS nhưng thái tử đã củng cố được quyền lực rất khó loại trừ.
Nhưng trong trường hợp "thoát nạn" và lên ngôi, MbS sẽ là một ông vua suy yếu. Chuyên gia Joseph Bahout, Viện nghiên cứu Carnegie ở Washington dự đoán như sau : Để tồn tại, MbS sẽ đàn áp tàn bạo đối lập trong nước. Nhưng về đối ngoại vua MbS sẽ tỏ ra là đồng minh trung thành với Mỹ và cực kỳ cứng rắn với Iran, theo chính sách của chủ nhân Nhà Trắng.
Tú Anh