Thùy Dương, RFI, 06/08/2022
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vẫn chưa hạ nhiệt. Song song với việc tập trận lớn chưa từng có quanh Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu 05/08/2022 thông báo Bắc Kinh hủy một cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo quân sự của đôi bên và hai cuộc họp về an ninh.
Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia John Kirby trong một buổi họp báo ở Nhà Trắng ngày 04/08/2022. AP - Evan Vucci
Về việc Bắc Kinh ngưng các cuộc thương lượng với Mỹ về hồ sơ khí hậu, chính quyền Biden coi đó là hành vi vô trách nhiệm, bởi sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin gửi về bài tường trình :
"Vô trách nhiệm. Đây là từ ngữ mà John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, sử dụng. Ông John Kirby một lần nữa nói rằng Trung Quốc có thể làm dịu căng thẳng qua việc ngưng các cuộc tập trận lớn nhất đang được thực hiện xung quanh Đài Loan. Chính quyền Biden không muốn làm nghiêm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng. Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh : "Chúng tôi không muốn một cuộc khủng hoảng".
Hoa Kỳ muốn chứng tỏ rằng họ giữ được bình tĩnh trước cơn giận dữ của Trung Quốc. John Kirby cũng tỏ ra điềm tĩnh về việc Bắc Kinh quyết định cắt đứt liên lạc quân sự với Washington : "Đúng là có những nguy cơ về hiểu lầm, nhưng các kênh liên lạc ở cấp cao nhất vẫn được duy trì".
Ông còn nhấn mạnh khi đình chỉ hợp tác với Mỹ về các vấn đề biến đổi khí hậu, Bắc Kinh đang trừng phạt cả thế giới. Quả thực, Mỹ và Trung Quốc hiện là hai nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất và sự hợp tác của họ trong hồ sơ này cho đến nay vẫn khá là tốt. Hai nước từng bất ngờ đạt được một thỏa thuận khí hậu tại thượng đỉnh COP26 ở Glasgow hồi năm 2021".
Phản ứng của Liên Hiệp Quốc
Theo AFP ngày 05/08/2022, trước thông báo ngưng hợp tác với Mỹ từ Trung Quốc, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng nếu không có cuộc đối thoại và sự hợp tác "hiệu quả" giữa hai nước thì "không thể" giải quyết "những vấn đề cấp bách nhất", chẳng hạn về hồ sơ biến đổi khí hậu.
Thùy Dương
**********************
Thu Hằng, RFI, 05/08/2022
Để đáp trả chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, ngày 05/08/2022, Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp trả đũa, trừng phạt bà Pelosi và ngừng hợp tác với Mỹ về nhiều hồ sơ
Chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi đẩy căng thẳng Mỹ - Trung - Đài thêm một nấc © via Reuters – Taiwan Ministry of Foreign affairs
Theo AFP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo "ban hành nhiều biện pháp trừng phạt" nhắm vào chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi và "gia đình", nhưng không nêu biện pháp chi tiết. Theo họ, qua chuyến thăm Đài Loan, bà Pelosi "đã can thiệp nghiêm trọng vào chuyện nội bộ của Trung Quốc và xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của nước này.
Ngoài ra, nhiều hồ sơ hợp tác song phương Mỹ-Trung cũng bị đình chỉ. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ "ngừng các cuộc đàm phán Mỹ-Trung về biến đổi khí hậu" và hủy một cuộc thảo luận giữa lãnh đạo quân sự hai nước, cũng như hai cuộc họp về an ninh. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc giải thích là do bị Washington "coi thường", bằng chứng là bà Pelosi "bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh" vẫn đi thăm Đài Loan.
Trong số các biện pháp được thông báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết đình chỉ hợp tác với Washignton về việc hồi hương người nhập cư bất hợp pháp, cũng như hợp tác về tư pháp, chống tội phạm xuyên quốc gia và chống buôn ma túy.
AFP nhắc lại, Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Tại thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow năm 2021, hai nước đã nhất trí hợp tác chống biển đổi khí hậu và cam kết phối hợp với nhau để thúc đẩy các hoạt động vì khí hậu trong thập niên tới, đồng thời thường xuyên gặp nhau để "giải quyết khủng hoảng khí hậu".
Thu Hằng
Kêu gọi Tổng thống Trump ‘cứng rắn’ với Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 12/05/2017)
Các Thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ ngày 10/5 viết thư gửi Tổng thống Donald Trump thúc giục ‘cứng rắn’ hơn với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi tiến hành thêm các cuộc tuần tra hải quân để duy trì quyền tự do hàng hải tại khu vực.
Lời kêu gọi của 7 Thượng nghị sĩ trong bức thư chung phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng trong Quốc hội Mỹ e rằng chính quyền Trump có thể để lọt địa thế chiến lược vào tay Trung Quốc trong lúc tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh nhằm áp lực Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Lá thư bày tỏ quan ngại về việc Mỹ ngưng các cuộc tuần tra ‘tự do hàng hải’ tại Biển Đông từ tháng 10 năm ngoái.
Ngoại trưởng Rex Tillerson thoạt đầu tỏ ý sẽ có chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng cho tới nay, việc này chưa được hiện thực hóa.
"Vì vậy, chúng tôi thúc giục chính quyền của Tổng thống có các bước cần thiết để thực thi quyền tự do hàng hải-hàng không thường xuyên ở Biển Đông, vốn quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và hòa bình, thịnh vượng ở Châu Á Thái Bình Dương", tờ Foreign Policy trích một đoạn trong kiến nghị thư của các Thượng nghị sĩ gửi Tổng thống cho biết.
Báo này cũng dẫn tin từ một số giới chức Ngũ Giác Đài và Quốc hội cho biết chính quyền Trump tới nay vẫn khước từ đề nghị của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ về các hoạt động ‘tự do hàng hải’ ở Biển Đông dù trước đây cả Tổng thống Trump lẫn các phụ tá của ông cam kết sẽ xác quyết lợi ích của Mỹ trước một Trung Quốc ‘bành trướng.’
Thư ngỏ của các Thượng nghị sĩ cũng dẫn ra hàng loạt các hành động gây hấn và đáng ngại của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm xây đảo nhân tạo, đâm húc tàu cá, và cảnh cáo tàu và máy bay lưu thông trong khu vực.
7 Thượng nghị sĩ đồng ký tên trong kiến nghị thư gồm Bob Corker, Marco Rubio, Cory Gardner, Benjamin Cardin, Jack Reed, Edward Markey, và Brian Schatz.
Nguồn : Foreign Policy/NYT
****************
Mỹ-Trung cải thiện rõ rệt quan hệ thương mại (RFI, 12/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida, ngày 06/04/2017. Reuters/Carlos Barria
Washington và Bắc Kinh sưởi ấm quan hệ kinh tế qua ba quyết định quan trọng : Trung Quốc cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò Mỹ, được quyền mua khí đốt của Hoa Kỳ và mở cửa thị trường các dịch vụ cho đối tác Mỹ.
Ngày 12/05/2017, Mỹ và Trung Quốc thông báo đạt được một thỏa thuận quan trọng liên quan đến ba lĩnh vực. Thứ nhất, từ nay đến giữa tháng 07/2017, Bắc Kinh sẽ cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò của Mỹ vào thị trường nội địa. Thịt bò Mỹ bị cấm nhập vào Trung Quốc từ năm 2003 sau khi phát hiện virus gây bệnh bò dại. Tháng 09/2016, lệnh cấm này đã phần nào được nới lỏng, trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn tại Trung Quốc.
Đổi lại Mỹ cũng vừa thông báo sẽ sớm dỡ bỏ biện pháp cấm nhập thịt gà, vịt của Trung Quốc vì sợ lây nhiễm cúm gia cầm.
Trên hồ sơ năng lượng, Washington cho phép các tập đoàn Trung Quốc mua khí đốt của Mỹ và bảo đảm là các "doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được đối xử bình đẳng như tất cả các quốc gia" chưa hoặc không ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ.
Sau cùng, Bắc Kinh hứa sẽ cho phép các hãng nước ngoài cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân Trung Quốc, nhanh chóng mở cửa các dịch vụ giao dịch và thanh toán qua hệ thống điện tử.
Theo giới quan sát, Mỹ và Trung Quốc đã sang trang giai đoạn tổng thống Trump dọa trừng phạt Trung Quốc nhập hàng rẻ vào thị trường Mỹ. Thông báo sưởi ấm quan hệ thương mại nói trên được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ cử một phái đoàn đến Bắc Kinh dự diễn đàn "Một Vành Đai, Một Con Đường", mở ra trong hai ngày 14 và 15/05/2017.
Nhập siêu của Mỹ với Trung Quốc lên tới 350 tỷ đô la năm 2016.
Thanh Hà